Print  
Khi con người bạc tình
Bản tin ngày: 27/09/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Thời gian vừa qua, một vụ kiện khiến dư luận vô cùng phẫn nộ là việc cụ Nguyễn Thi Th. (SN 1922, ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc) bị chính người con trai cả đòi công nuôi dưỡng trong những ngày cụ ở nhà anh ta.

Cụ Th. từ khi chồng mất vào năm 1997 đã về sống cùng với người con trai cả là Đỗ Xuân Thuận. "Nói là ở cùng vậy nhưng tôi vẫn ăn riêng với gia đình con. Mọi việc trong sinh hoạt cá nhân, tôi đều tự làm lấy cả", cụ Th. nói.

Đến một ngày năm 2005, trong nhà xảy ra mâu thuẫn, bức xúc, ông Thuận quay sang cạn tình, cạn nghĩa làm đơn kiện cụ Th. ra toà và đòi công nuôi dưỡng trong những ngày cụ Th. sống cùng với vợ chồng ông.

Tổng số tiền này là hơn 146 triệu đồng. Ông còn đòi tiền công trông nom nhà cửa, vườn tược của cha mẹ và bộ đỉnh đồng trị giá 4 triệu đồng mà cụ Th. đang dùng thờ cúng chồng và con trai út đã hy sinh.

Tuy nhiên, hành động bất hiếu đó của ông Thuận đã bị cả hai cấp xét xử huyện Tam Đảo bác đơn và bị dư luận lên án.

Có phải vì nghèo đói mà con người thành ra bỉ ổi đánh mất tình người? Có phải vì tiền mà con người trở thành kẻ ti tiện tiểu nhân? Có lẽ cái nghèo hay giầu sang không phải là nguyên nhân gây nên khổ đau mà tất cả đều bắt đầu từ khi tình người đã mất. Vì khi tình người đã cạn thì họ dễ dàng vô cảm và vô tâm với nhau. Đây là thảm kịch không chỉ xảy ra cho gia đình bà cụ Th. ở Tam Đảo mà dường như cho rất nhiều gia đình quanh chúng ta.

Có biết bao gia đình cạn tình nên cũng cạn nghĩa với nhau, vợ chồng bỏ nhau, con cái ly tán. Có biết bao người đã vô cảm trước nỗi thống khổ của các thành viên trong gia đình nên vẫn vô tâm chơi bời, nghiện ngập, lười biếng thiếu trách nhiệm với gia đình. Có biết bao phận người vẫn cô đơn thất vọng ngay trong mái nhà của mình. Họ bị bỏ rơi, bị khinh khi ngay giữa những người thân của mình.

Có một bà mẹ đã tâm sự với tôi: cha biết không, chỉ vì nghèo đói mà con cái chẳng đứa nào về thăm bao giờ! Có một người chồng bại liệt đã than: con nằm đây như là một cái gai trong mắt vợ con, chẳng ai muốn chăm sóc con.

Kitô giáo là đạo của yêu thương. Người Kitô hữu không thể vô cảm và càng không bao giờ được phép vô tâm trước nỗi thống khổ của tha nhân. Giàu sang - nghèo khó không quan trọng, điều quan yếu là biết sống tình liên đới sum họp với nhau. Đừng vì giầu có mà bỏ rơi đồng loại, và cũng đừng vì nghèo khó mà sống hèn hạ với tha nhân.

Thời Chúa Giêsu, có lẽ cũng không thiếu những loại người vô cảm trước nỗi thống khổ của tha nhân. Họ vô cảm đến nhẫn tâm bước qua một phận người lây lấy trên đường từ Giêrusalem tới Giêricô. Họ có “rất nhiều của cải” nhưng lại không dám “bán những gì (họ) có mà cho người nghèo”. Sự vô cảm đó còn len lỏi đến cả những môn đệ của Chúa khi họ xin Chúa giải tán đám đông để tự đi mua thức ăn.

Có lẽ để đánh thức sự vô cảm nơi con người thời đại của mình, Chúa Giêsu đã dạy cho họ một bài học qua dụ ngôn “Ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” .Ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó tuy “rất gần mà lại xa”! Họ rất gần nhau, gần đến nỗi chỉ cách “một cái cổng nhà”, thế nhưng lại rất xa, xa bởi chính “sự-vô-cảm” nơi ông nhà giàu.

Sự vô cảm đến độ hằng ngày ông vẫn ăn mặc lụa là, gấm vóc, yến tiệc linh đình và để mặc cho anh Lazaro nghèo khó “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà của ông”, sống lây lất từng ngày.

Thế nhưng, cuối câu chuyện là một sự đảo ngược lạ thường. Ông nhà giàu lại là kẻ mong Lazaro “đừng-vô-cảm” trước sự đau khổ của ông ta! Trước kia Lazaro “thèm những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no”… Thì hôm nay ông “thèm” được Lazaro “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi ông cho mát, vì ở đây ông bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Như vậy, sự giàu có không là tội mà sự vô cảm mới chính là nguyên do dẫn ông nhà giàu chịu cảnh đau khổ ở đời sau. Ông đã bỏ rơi đồng loại trong khi ông có khả năng giúp đỡ họ. Ông đã phớt lờ những mảnh đời bất hạnh bên cạnh sự giàu có xa xỉ của ông. Hậu quả là ông cũng bị mọi người lương thiện nhân ái bỏ rơi ông trước cửa Nước Trời.

Thiên Chúa tạo dựng con người có một trái tim để yêu thương, để cảm nhận nỗi thống khổ của tha nhân mà chạnh lòng thương xót. Đừng vô cảm trước phận đời bất hạnh. Đừng bàng quan trước nỗi đau của anh em. Ngày phán xét Chúa sẽ không hỏi chúng ta giàu có hay nghèo đói. Chúa cũng không hỏi chúng ta chức tước địa vị gì, mà Chúa sẽ hỏi về tình yêu liên đới của chúng ta với tha nhân. Chúng ta có bác ái với tha nhân hay không? Chúng ta có quá vô cảm đến vô tâm với anh em không?

Nguyện xin Chúa Giêsu luôn chạnh lòng thương xót mọi phận người, xin giúp chúng con luôn biết sống chia sẻ với những anh em nghèo khó. Xin đừng để chúng con vô cảm mà bàng quan trước những phận người khổ đau. Amen.
 
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
In ngày: 29/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print