Print  
Tìm kiếm nhà cửa giữa đống đổ nát sau siêu bão Haiyan
Bản tin ngày: 21/11/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Gia đình Buwanghog bới tìm gỗ còn sử dụng được để làm lại nhà
Nạn nhân ở Tacloban tự hỏi có nên rời khỏi thành phố đổ nát này không

Rochelle Buwanghog, 20 tuổi, ngồi trên đống đổ nát vốn trước đây là nhà của mình trong làng Sagcahan thuộc thành phố Tacloban. Mùi hôi thối của ít nhất 8 thi thể đang thối rữa gần đó lan toả trong cái nắng nóng giữa trưa, nhưng Rochelle không quan tâm.

Rochelle chỉ sống nhờ bánh quy và nước do bạn bè đem đến. Chị chờ tin của vợ chồng người chị và 2 đứa con nhỏ của họ bị mất tích sau khi siêu bão Haiyan tàn phá thành phố này hôm 8-11.

“Tôi sẽ không rời khỏi đây cho đến khi gặp được chị tôi”, chị nói.

Thế rồi từ đằng xa, từ con đường đầy đống đổ nát và thi thể, hai cô gái lớn tiếng gọi chị.

“Rochelle, Rochelle, họ tìm thấy chị của chị rồi”, hai cô gái gọi lớn tiếng. “Chị ấy đây nè”, một cô gái vừa nói vừa chỉ vào túi đựng thi thể đang được hai cảnh sát khiêng tới.

Rochelle đứng dậy, gần như mất thăng bằng trên tấm ván dùng làm cầu bắc qua hai đống đổ nát. “Còn bọn trẻ” - Rochelle hỏi lại - “Bọn trẻ có ở đó không?”

“Họ đã tìm thấy chị tôi”, Rochelle quay lại nói thầm, mỉm cười và từ từ đi về phía các cô gái đó. “Họ đã tìm thấy chị con”, chị nói lớn tiếng với người bố đang nhặt các miếng gỗ bên phía nhà hàng xóm.

“Chúng không thể xa nhau”, bố của Rochelle là ông Norberto Buwanghog, 65 tuổi, nói. “Chúng giống như hai chị em sinh đôi vậy”, ông vừa nói thêm vừa lắc đầu. “Nhưng giờ chúng tôi có thể làm gì được đây? Chúng tôi phải để cho chính quyền chôn họ trong mồ tập thể”, ông nói.

Norberto tiếp tục nhặt các tấm ván và tôn của nhà mình, nơi Rochelle, chị gái Linda cùng chồng là Ernesto và 2 người con của họ, một đứa 8 tuổi và một đứa 3 tuổi, từng sống. Dường như ông không quan tâm đến cảnh ồn ào khi người ta tập trung xem xác con gái ông.

“Tôi có thể làm gì đây?” ông lẩm bẩm. “Tôi phải làm lại nhà ở cho những người còn sống”, ông nói trong khi gọi người con trai Eddie, 32 tuổi, anh cũng đang tìm gỗ và đinh gần đó.

Một giờ sau, cũng ngồi trên đống đổ nát từng là nhà của mình, Rochelle lại nhớ đến chị mình. “Chúng tôi luôn bên nhau”, chị nức nở nói. “Cuộc sống sẽ không bao giờ giống như trước được nữa.”

Eddie nói họ có thể xây lại được nhà ở, nhưng không thể xây lại gia đình.

“Mãi mãi không thể nào xây dựng lại được cuộc sống của chúng tôi vì chúng tôi đã mất người thân”, anh nói.

Gia đình Buwanghog nằm trong số khoảng 2,2 triệu gia đình, hay khoảng 10 triệu người, tại 10.560 ngôi làng thuộc 44 tỉnh thành bị siêu bão Haiyan tàn phá.

Theo dữ liệu của Ban Xử lý và Giảm thiểu Nguy cơ Thảm hoạ Quốc gia cho thấy 3.982 người được báo đã thiệt mạng, 18.266 người bị thương và ít nhất 1.602 người vẫn còn bị mất tích.

Tất cả có 295.590 ngôi nhà được báo bị phá huỷ và 301.650 ngôi nhà khác bị hư hại, theo dữ liệu mới nhất của chính phủ. Trong khi đó, 89.785 gia đình hay 418.988 người đang ở trong 1.595 trung tâm tản cư.

Trong khi nhiều người chọn cách ở lại và xây dựng lại nhà ở giữa cảnh đổ nát trong các cộng đồng bốc mùi hôi thối của xác chết bên dưới các đống nhà bị sập, một số người đang rời bỏ Tacloban, vốn hiện nay được họ miêu tả là “thành phố ma”.

Jennifer Lachica, 31 tuổi, mẹ của cậu con trai 6 tháng tuổi, nói chị phải bỏ đi vì “ở đó không còn gì khác ngoại trừ hồn ma của nhiều người chết”.

Chị ôm chặt đứa con trong tay trái trong khi tay phải ôm chặt người chồng khi máy bay chở hàng C-130 của quận đội thuộc Không quân Thuỵ Điển cất cánh rời khỏi Tacloban đi đến thành phố Cebu gần đó sau khi thả đồ tiếp tế.

“Những người nước ngoài này đã cứu chúng tôi”, Jennifer nói khi máy bay ở trên không. “Chính phủ của chúng tôi dường như vô dụng. Chúng tôi đã không được giúp đỡ trong 9 ngày chờ đợi ở đó.”

Jennifer là một trong hàng ngàn người đợi máy bay đón nhiều ngày tại sân bay Tacloban. Do chỉ có 3 máy bay chở hàng C-130, và không có các chuyến bay thương mại đi đến thành phố bị tàn phá này trong vài ngày đầu sau thảm hoạ, Không quân Philippines không thể đưa những người bị mắc kẹt lại đi được.

Bộ Ngoại giao cho biết có 43 nhà hảo tâm nước ngoài cam kết hay đã tiến hành trợ giúp hỗ trợ các hoạt động cứu trợ và phục hồi hiện nay, nước này hiện nhận được 127 triệu Mỹ kim tiền cứu trợ từ cộng đồng quốc tế.

Ngân hàng Thế giới cũng tuyên bố họ đang vận động 500 triệu Mỹ kim tiền cho vay để hỗ trợ công tác tái thiết “và giúp người dân Philippines mạnh mẽ kiên cường đối phó với những diễn biến thời tiết phức tạp xảy ra ngày càng thường xuyên hơn”, Chủ tịch Ngân hàng Jim Yong Kim nói trong thông cáo.

Mỹ dẫn đầu công tác cứu trợ. Khoảng 50 tàu thuỷ và máy bay của Mỹ được vận động trong khu vực xảy ra thảm hoạ, trong đó có 10 máy bay chuyên chở C-130, 12 máy bay trực thăng V-22 Ospreys và 14 trực thăng Seahawk thả đồ tiếp tế từ USS George Washington đến đậu ở bờ biển Leyte.

Tuy nhiên, trên mặt đất những người sống sót tiếp tục liều mình tranh giành thức ăn và nước uống và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác. Mặc dù chính phủ thông báo hàng cứu trợ đang được phân phát, người dân lại nói họ không được nhận đủ.

Allan Refaca, 30 tuổi, nói anh cần một cái búa và đinh để làm lại nhà. “Người chết cũng cần được tìm chôn cất từ đống đổ nát”, anh nói.

Refaca sống trong một mái nhà làm tạm cùng với 5 thành viên khác trong gia đình bên con đường dẫn đến sân bay thành phố.

“Chúng tôi đang quen dần với mùi hôi thối từ các xác chết, nhưng trong bao lâu?” - vợ anh là chị Maribeth nói. Chị nấu cơm ăn trưa cách các thi thể đang bị thối rữa chừng một vài mét.

Cách thành phố khoảng 10 km, cảnh sát và quân đội khiêng các thi thể đến chôn trong phần mộ tập thể bên sườn đồi, đã có khoảng 500 thi thể được tìm thấy từ tuần trước.

Trong khi nhiều người đã rời bỏ hay có ý muốn rời bỏ vùng bị thảm hoạ này, nhiều người khác quyết định ở lại và xây dựng lại cuộc sống, như gia đình Buwanghog và Refaca.

“Chúng tôi sẽ không đi đâu cả. Đây là nhà của chúng tôi. Chúng tôi sẽ phục hồi lại”, Sienna Casio, 23 tuổi, mẹ của 3 người con, nói. Chị đang chờ được chăm sóc y tế tại bệnh viện nhà nước Tacloban. “Gia đình và bà con lối xóm là tất cả những gì chúng tôi có sau khi đã mất mọi thứ.”

UCANews
In ngày: 02/05/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print