Print  
Biểu tình ở Thái Lan đột ngột ngưng trước sinh nhật của Quốc vương
Bản tin ngày: 04/12/2013   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
BANGKOK — Sau những vụ đụng độ kéo dài nhiều ngày ở Bangkok, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra kêu gọi mọi người mọi giới trong xã hội, kể cả những người biểu tình chống chính phủ, hãy làm việc chung với nhau để tìm ra một giải pháp cho vụ rối loạn ở quốc gia phân hoá chính trị này. Tuy nhiên, một nhân vật lãnh đạo của phe chống đối tuyên bố tiếp tục cuộc đấu tranh để lật đổ chính phủ được bầu lên một cách dân chủ của bà Yingluck. Thông tín viên Steve Herman của Đài VOA tại Bangkok có thêm chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Những vụ biểu tình không ngớt gia tăng cường độ ở thủ đô Thái Lan hôm nay đã tạm ngưng một cách đột ngột, giữa lúc cảnh sát tháo dỡ rào cản và để cho những người biểu tình tụ tập trong khuôn viên của Toà nhà Chính phủ và các toà nhà được canh phòng khác.

Diễn tiến rõ ràng là một cuộc hưu chiến, trước ngày sinh nhật thứ 86 của nhà vua được dân chúng tôn sùng, đã tạo ra một cảnh tượng rất khó có thể tưởng tượng một ngày trước đó: một đoàn người biểu tình chống chính phủ ngồi yên trên sân cỏ của Toà nhà Chính phủ, là trung tâm của quyền lực chính trị ở Thái Lan.

Việc chiếm cứ tạm thời khuôn viên của Toà nhà Chính phủ làm cho một số người biểu tình cảm thấy ngạc nhiên và họ không hiểu diễn tiến này có ý nghĩa như thế nào.

"Một phụ nữ biểu tình, tên Saidin Chaohinfah, nói rằng bà không biết chắc là phe bà thắng hay thua. Họ phải chờ xem. Nhưng bà cho biết bà đã nói chuyện với những người cảnh sát và những người đó cũng cảm thấy vui mừng."

Những sự hân hoan của ngày hôm nay không bảo đảm được là vụ xung đột này đã chấm dứt.

Ông Suthep Thaugsuban, người lãnh đạo cuộc biểu tình, đã ăn mừng việc chiếm được các toà nhà quan trọng của chính phủ trong một thời gian ngắn, nhưng ông thừa nhận là mục tiêu loại bỏ gia tộc Thaksin ra khỏi quyền lực vẫn chưa hoàn tất.

Tại Toà nhà Chính phủ, một người biểu tình tên Silapachai Nisapa đã nói tới một sự việc hiển nhiên: Thủ tướng Yingluck Shinawatra vẫn là người lãnh đạo chính phủ Thái Lan. Ông Silapachai nói thêm rằng thủ tướng phải ngưng thi hành nhiệm vụ và từ chức vì đó là đòi hỏi của nhiều người đã xuống đường biểu tình.

Bà Yingluck lên nắm quyền năm 2011 với thế đa số khá mạnh ở quốc hội. Tuy nhiên, một số chính sách của chính phủ bà đã làm cho dân chúng cảm thấy tức giận, đặc biệt là một dự luật ân xá, mà nếu được thông qua, sẽ cho phép anh bà, là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, được về nước.

Ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006 và đang sống lưu vong để né tránh những cáo trạng tham nhũng. Nhiều người tin rằng ông nắm giữ một vai trò then chốt trong việc hoạch định các chính sách của chính phủ hiện nay và vẫn còn được ủng hộ bởi nhiều người ở vùng nông thôn.

Những cuộc biểu tình trong vài tuần qua là đợt biểu tình lớn nhất kể từ năm 2010, nhưng nhiều người Thái Lan và các nhà quan sát chính trị cho rằng việc người biểu tình đòi thay chính phủ được bầu lên một một cách dân chủ bằng một “hội đồng nhân dân” là một đòi hỏi không hợp lý.

Hiện chưa ai biết rõ số phận của Thủ tướng Yingluck sẽ ra sao sau cuộc biểu tình. Trong lúc cả nước đón chờ sinh nhật của nhà vua vào ngày thứ năm, bà đã xuất hiện trên truyền hình trong một thời gian ngắn để kêu gọi mọi người đoàn kết và chung sức tìm kiếm một giải pháp.

Bất kể kết cuộc như thế nào, vụ rối loạn này có phần chắc sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Thái Lan. Bộ Tài chính mới đây cho biết tỉ lệ tăng trưởng có thể sụt xuống còn 3% và thứ hạng tín dụng của quốc gia cũng có thể bị hạ thấp.
VOA
In ngày: 04/05/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print