Print  
Xây dựng mô hình Giáo Hội tham gia để thực thi sứ vụ
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

XÂY DỰNG MÔ HÌNH GIÁO HỘI THAM GIA

ĐỂ THỰC THI SỨ VỤ

TÀI LIỆU HỌC HỎI NĂM THÁNH 2010

[THỰC HIỆN ĐƯỜNG HƯỚNG MỤC VỤ CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM]

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

I. VÀO ĐỀ

Để chuẩn bị Năm Thánh 2010, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã soạn thảo một tài liệu rất có giá trị, mang tên:

ĐỀ CƯƠNG

GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM

MẦU NHIỆM - HIỆP THÔNG - SỨ VỤ

Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam - Mầu Nhiệm - Hiệp Thông - Sứ Vụ

vừa là

* Định Hướng (Orientation) cho việc xây dựng Giáo Hội tại Việt Nam khởi đi từ Năm Thánh 2010;

vừa là

* Kim Chỉ Nam (Pastoral Guidelines) tức Đường hướng Mục vụ cho mọi hoạt động của tất cả các Cộng đoàn Dân Chúa thuộc 26 giáo phận của 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn.

Chủ đề đợt sinh hoạt của chúng ta là XÂY DỰNG MÔ HÌNH GIÁO HỘI THAM GIA ĐỂ THỰC THI SỨ VỤ. Thật ra, muốn đầy đủ thì chủ đề phải là XÂY DỰNG MÔ HÌNH GIÁO HỘI THAM GIA ĐỂ THỰC THI SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA CHO DÂN TỘC VIỆT NAM.

II. TRÌNH BÀY

2.1 TỪ MẦU NHIỆM GIÁO HỘI HIỆP THÔNG

Để hiểu đề cương trên chúng ta phải nhắc lại mấy điều căn bản này:

2.1.1 Giáo hội Công giáo được thiết lập như “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”. Nói cách khác, Giáo hội Công giáo được thiết lập là để loan báo Tin Mừng hay giới thiệu Chúa Giêsu Kitô cho mọi người. Đó là sứ vụ của Giáo hội Công giáo nói chung và Giáo Hội tại Viêt Nam nói riêng.

2.1.2 Để hiểu tại sao Giáo Hội có sứ vụ cao trọng ấy thì chúng ta phải tìm về bản chất đích thực của Giáo Hội:

- Giáo Hội được khai sinh từ Mầu Nhiệm Ba Ngôi.

- Giáo Hội là Dân Chúa (dân tư tế, dân thánh, dân giao ước).  

- Giáo Hội là Thân Mình Chúa Kitô.

- Giáo Hội là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. 

2.1.3 Bản chất thâm sâu của Giáo Hội được diễn tả bằng từ Hiệp Thông

(a) Trong tiếng Việt, những từ hiệp lễ, các thánh cùng thông công, hiệp thông, nghe như không có liên hệ gì với nhau, nhưng trong gốc Latinh, tất cả 3 từ ấy đều là communio. (tiếng Hy Lạp là koinonia). Thực tại sâu xa nhất của Giáo Hội chính là sự hiệp thông (koinonia) bắt nguồn từ sự hiệp thông của chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo nguyên nghĩa koinonia có nghĩa là sự thông phần vào những thiện hảo của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng: thông phần vào Thánh Thần, vào sự sống mới, vào tình yêu, vào Tin Mừng và trên hết là thông phần vào Thánh Thể (hiệp thông của các thánh = communio sanctorum; hiệp lễ): “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là thông phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là thông phần vào Thân Thể Người sao?” (1 Cr 10,16). Như thế, hiệp thông trước hết là sự hiệp thông của người tín hữu với Thiên Chúa, sự hiệp thông làm cho họ nên một với Thiên Chúa và được diễn tả qua những tương quan hài hoà với Chúa trong cuộc sống của họ. Điều đó khơi nguồn cho mối hiệp thông mà các Kitô hữu chia sẻ cho nhau trong Đức Kitô qua tác động của Thánh Thần. Đức Giáo hoàng đương kim Bênêđitô XVI (là nhà thần học Ratzinger) gọi là sự hiệp thông từ bên trong và từ bên trên. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi là chiều ngang và chiều dọc của mầu nhiệm hiệp thông duy nhất.

(b) “Giáo hội học về hiệp thông là ý tưởng nền tảng và trung tâm của các văn kiện Công đồng” (THĐGM 1985). Mô hình Giáo Hội như là hiệp thông là mô hình được nhấn mạnh nhất hiện nay.

(c) “Các Nghị phụ đã chọn mô tả giáo phận như là sự hiệp thông của các cộng đoàn quy tụ chung quanh chủ chăn, ở đó hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và giáo dân đều tham dự vào cuộc đối thoại bằng cuộc sống và con tim được ân sủng Thánh Thần nâng đỡ” (Gioan Phaolô II, Giáo hội tại châu Á, 25).

Nói tóm lại: Giáo Hội Hiệp Thông là nói đến sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người, sự hiệp thông giữa con người với con người, sự hiệp thông giữa các phần tử thuộc Giáo Hội, sự hiệp thông giữa Cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Sự hiệp thông được thể hiện qua việc:

* tuyên xưng một đức tin, chia sẻ một thần khí và một đời sống bí tích.

* vâng phục Đức Giáo Hoàng, sống theo hướng dẫn của người.

* gắn bó với Giám mục đoàn nói chung, với Giám mục Giáo phận nói riêng.

* quan tâm, chia sẻ, cộng tác, nâng đỡ nhau, trong lĩnh vực mục vụ, thần học, truyền giáo, trợ giúp vật chất với Giáo Hội tại các quốc gia khác.

* cùng chia sẻ trách nhiệm giữa các thành phần Dân Chúa.

2.2 ĐẾN MÔ HÌNH GIÁO HỘI THAM GIA

2.2.1 Khái niệm về “Giáo Hội tham gia” hay “Giáo Hội trong đó mọi người có phần và góp phần” (Participatory Church):

- mọi tín hữu đều bình đẳng.

- mỗi phần tử đều được trân trọng. “Đặc sủng của mỗi phần tử cần được nhìn nhận, phát triển và sử dụng cách hiệu quả” (Gioan Phaolô II).

- tất cả đều đồng trách nhiệm.

- mọi người đều được tham gia và có trách nhiệm đối với những quyết định chung mang tính tập thể, tuy vẫn tôn trọng vai trò chủ chăn.

2.2.2 Để xây dựng mô hình Giáo Hội Tham Gia, cần thực hiện những điều cơ bản sau đây:

- Giúp giáo sĩ, giáo dân, thay đổi nhận thức về Giáo Hội như một gia đình cũng như về vai trò của mình trong Giáo Hội.

- Mạnh dạn thay đổi cách hành xử “bao cấp” hay “quan liêu”.

- Tạo điều kiện cho mọi người tham gia vào việc bàn kế hoạch mục vụ cũng như tiến trình đi đến quyết định (HĐMVGX, Hội nghị Giáo xứ).

- Thiết lập cơ cấu mục vụ: Hội đồng Linh mục, Hội đồng Mục vụ Giáo phận, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.

(1) Canh tân, đổi mới tư duy các thành phần Dân Chúa

“Với ý thức chân chính về mối hiệp thông giữa các thành phần dân Chúa, chúng ta nên mạnh dạn và nhanh chóng rời bỏ những cách hành xử “bao cấp” hay “quan liêu”, theo kiểu giáo sĩ cung ứng tất cả mọi sự, giáo dân phải lệ thuộc giáo sĩ, để xây dựng một Giáo Hội tham gia. Giáo Hội ấy, như Thánh Phaolô mô tả, “không còn là Do Thái hay Hy Lạp” (1 Cr 3,28), nhưng chỉ là một trong đức tin, đức cậy, và đức mến, nhiệt tình trong một sứ mệnh duy nhất. Đức Gioan Phaolô II diễn tả Giáo Hội tham gia là Giáo Hội “trong đó tất cả đều sống ơn gọi riêng của mình và hoàn thành vai trò riêng của mình, đặc sủng độc đáo của mỗi phần tử cần được nhìn nhận, phát triển và sử dụng cách hiệu quả”. [1] Trong các cộng đoàn, giáo dân, tu sĩ cũng như giáo sĩ nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em. Tất cả cùng được kêu gọi và quy tụ bởi Lời Chúa, bởi Đức Kitô Phục Sinh đang hiện diện thúc đẩy họ tham gia vào các hội đoàn hay các nhóm nhỏ Kitô hữu để kinh nghiệm thế nào là mầu nhiệm Giáo Hội qua việc cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa, sống phục vụ và yêu thương trong sự đồng tâm nhất trí. [2] Chính nhờ thế mà cảm thức thuộc về một Gia đình của Đức Kitô được triển nở, đến nỗi mọi người có thể nói bằng tất cả trách nhiệm và niềm hãnh diện rằng “Tôi là Giáo Hội”. [3] Đó là cách sống mầu nhiệm Giáo Hội cách mới mẻ mà Giáo Hội tại Việt Nam cần thực hiện. [4] Vì vậy, “cần cổ xuý giáo dân và tu sĩ nam nữ tham dự nhiều hơn vào việc bàn thảo kế hoạch mục vụ, cũng như vào tiến trình đi đến quyết định, qua những cơ cấu có tính tham gia như các hội đồng mục vụ giáo xứ và hội nghị giáo xứ” [5].

(2) Nắm bắt những điều cốt yếu của mô hình Giáo Hội Tham Gia

Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã cho chúng ta những điều cốt yếu không thể thiếu trong nhận thức về mô hình Giáo Hội tham gia:

(a) Mọi người tín hữu đều bình đẳng và không ai là công dân hạng hai, vì cùng một ơn gọi, vì nhận được cùng một Thần khí, và đón nhận nhau như anh chị em. [6]

(b) Mỗi phần tử đều được trân trọng chứ không phải là một kẻ vô danh. [7]

(c) Tất cả đều đồng trách nhiệm, [8] vì đã cùng nhận lệnh loan báo Tin Mừng. [9]

(d) Mọi người, kể cả phụ nữ, đều phải được tham gia và có trách nhiệm đối với những quyết định chung, liên quan đến đời sống Giáo Hội. [10]

(3) Thiết lập và hoàn thiện các cơ cấu có tính tham gia trong Giáo Hội địa phương các cấp 

(a) Hội đồng Mục vụ Giáo xứ

Thường thì các Giáo phận đã có quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ. Nhưng việc triển khai và áp dụng quý chế ấy thì mỗi nơi mỗi khác.

Điều trước tiên cần làm là phải đọc lại quy chế ấy để bổ sung nếu cần.

Điều cần làm tiếp theo là các giáo xứ chưa triển khai áp dụng quy chế này thì phải mau chóng triển khai và áp dụng.

(b) Hội nghị Giáo xứ

Nếu các Chủ chăn và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ thực tâm muốn xây dựng mô hình Giáo Hội tham gia thì ngoài cơ cấu Hội đồng Mục vụ Giáo xứ đã được giáo phận chỉ đạo, còn có một cơ cầu khác. Đó là Hội nghị Giáo xứ là tổ chức tập hợp mọi thành phần Dân Chúa thuộc Giáo xứ cùng nhau bàn thảo về những vấn đế liên quan tới đời ssống và sự phát triển của Cộng đoàn Giáo xứ.

Có nhiều nơi thực hiện dưới hình thái Họp mở rộng Hội đồng Mục vụ Giáo xứ. Nhưng Hội nghị Giáo xứ thì khác.

Ghi chú: Vì trong Tài Liệu Đề Cương chỉ nêu 2 cơ cấu trên nên ở đây chỉ đề cập đến 2 cơ cấu này. Thật ra theo Giáo Luật thì còn có Thượng Hội Đồng Giáo Phận, Hội Đồng Linh Mục Giáo Phận, Hội Đồng Mục Vụ Giáo Phận, Hội Đồng Tài Chánh Giáo Phận và Giáo Xứ… là những cơ cấu có tính tham gia rất cao trong đời sống Giáo Hội.

2.3 NHỮNG CÁCH THỂ HIỆN GIÁO HỘI KHÁC TẠI CHÂU Á CỦA THẬP NIÊN 90 CỦA THẾ KỶ XX (MÔ HÌNH MẪU)

Lời giới thiệu: Năm 1990 là cột mốc quan trọng đối với tất cả các Giáo hội Công giáo tại Á châu: từ ngày 17 đến 27-7, Liên Hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC: Federation of Asian Bishops Conferences) đã tổ chức Đại Hội toàn thể lần thứ 5 tại Bandung, Indonesia. Mục tiêu của Đại Hội này là “suy nghĩ và tìm ra con đường mà Giáo Hội phải đi tại lục địa rộng lớn là Châu Á này”. Đại Hội đã dựa vào một tài liệu rất có giá trị được Oswald Hirmer soạn thảo chu đáo và đầy đủ, để làm tài liệu cơ bản cho các buổi thảo luận trong Đại Hội. Tài liệu này có tựa đề là “Alternative ways of being Church in the Asia of the 1990’s”, tạm dịch là “NHỮNG CÁCH THỂ HIỆN GIÁO HỘI KHÁC TẠI CHÂU Á CỦA THẬP NIÊN 90”.

Tài liệu chia làm hai chương:

- Năm giai đoạn tiêu biểu của một Giáo Hội trưởng thành.  

- Chia sẻ Lời Chúa là một cách khác để thể hiện Giáo Hội.

Năm giai đoạn tiêu biểu của một Giáo Hội trưởng thành

“Một Giáo Hội trưởng thành” vừa là ước mơ, vừa là mục tiêu cụ thể của rất nhiều người trong Giáo Hội, từ giáo phẩm cho tới giáo dân. Trong suốt một thời gian dài, sinh hoạt của Giáo Hội như dậm chân tại chỗ. Ai nấy đều có cảm tưởng là Giáo Hội không cần phải thay đổi chi cả, đã hoàn hảo cả rồi! Nhưng Công đồng Vatican II đă thổi một luồng gió mới vào trong Giáo Hội. Mọi người như bừng tỉnh và khám phá ra rằng: lý tưởng của một Giáo Hội cộng đoàn hiệp thông vẫn c̣òn là một thực tại phải tìm kiếm và xây dựng. Chính vì vậy mà khắp đó đây xuất hiện bao tìm tòi, thử nghiệm, khám phá hết sức lý thú và phong phú.

Khi đối chiếu với thực tế Giáo Hội, chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng: Không nhất thiết là năm giai đoạn phát triển này phải giống hệt nhau nơi mỗi giáo xứ, giáo phận. Đàng khác một giáo xứ, giáo phận có thể ở vào nhiều giai đoạn khác nhau tuỳ theo từng lĩnh vực khác nhau của đời sống Giáo Hội. Nhưng dựa vào năm giai đoạn tiêu biểu này, chúng ta dễ dàng khám phá ra giáo xứ, giáo phận của mình đang ở đâu, và biết được giai đoạn tiếp theo là như thế nào. Điều này rất quan trọng, và năm giai đoạn đây cũng là năm cách thức khác nhau thể hiện Giáo Hội... từ thấp tới cao, từ thiếu sót đến hoàn hảo, nếu lấy Vaticanô II làm chuẩn.

Dù tài liệu và đường huớng xây dựng Giáo Hội truởng thành đã đuợc Đại hội toàn thể các Giám mục châu Á quyết định cách nay 18 năm. Nhưng trên thực tế nhiều cộng đoàn giáo xứ vẫn còn ở những bước đầu của tiến trình trưởng thành. Vì thế mà chúng ta tài liệu vẫn còn nguyên giá trị.

Giai đoạn 1: Một Giáo Hội đóng vai người chu cấp tất cả

1. Hình vẽ tượng trưng

Đây là giai đoạn đã qua, tuy chưa hẳn đã hoàn toàn qua, của một Giáo Hội mà vị linh mục là trung tâm, là người ban phát ân sủng và ban lệnh cho mọi người. Giữa các tín hữu với nhau, họ chỉ là những cá nhân riêng lẻ, rời rạc... Nếu có hội đoàn, thì hội đoàn ấy cũng chỉ quây quần ở bên lề cộng đoàn và chỉ biết lo cho những người trong nội bộ mà thôi...

2. Ghi chú lịch sử

Thật hữu ích nếu chúng ta nhớ lại mô hình trên của Giáo Hội đã được phát triển như thế nào trong quá khứ. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn những khó khăn mà chúng ta phải đương đầu khi chúng ta muốn thực hiện bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi Giáo Hội. Từ “giáo dân” xuất phát từ từ Hy Lạp Laos (nghĩa là dân) và từ này được Đức Giáo hoàng Clêmentê I (93-97) sử dụng để phân biệt dân của Chúa với dân ngoại Ta Ethne.

Vào thế kỷ thứ III, các tu sĩ xuất hiện và đời sống tu trì sớm được coi là cách “hoàn hảo” để thể hiện người Kitô hữu. Giới tu sĩ xuất hiện như một loại “siêu Kitô hữu”. Ngài Gratian, luật sư của Giáo Hội đã tuyên bố thẳng thừng rằng “có hai loại Kitô hữu”.

Đến thế kỷ thứ XI-XIII, với sự phát triển của Giáo triều Rôma, giáo sĩ với giáo luật bước vào sân khấu. Một người giáo dân chẳng là gì cả, vì không có giáo luật mà cũng chẳng có uy tín. Vị mục tử trở thành ông chủ của đám tín hữu. Sự phân hoá giữa giáo sĩ và giáo dân thậm chí trở thành thù nghịch. Tông chỉ của Đức Bonifacio VIII có tựa đề “Giáo sĩ giáo dân” (ngày 2-2-1296) đã bắt đầu bằng những lời lẽ thế này: “Giáo dân là thù địch của giáo sĩ. Điều đó đã được minh chứng một cách mạnh mẽ trong quá khứ và lại được giảng dạy trong thời đại chúng ta hiện nay”.

Giáo luật năm 1917 bảo đảm cho giáo dân quyền “được nhận từ giáo sĩ những ơn huệ thiêng liêng và sự hỗ trợ mạnh mẽ để được rỗi” (Gl 682). Không có quyền nào khác được dành cho giáo dân trừ việc cho phép họ được dạy giáo lý (GL 1453-1455) và quyền quản lý quỹ của Giáo Hội địa phương (GL 1562).

Gánh nặng lịch sử của một hàng giáo dân “bị mất giá” là di sản mục vụ của chúng ta và cần được ghi nhớ. Hàng thế kỷ của chế độ chu cấp cho tín hữu mọi ơn thiêng liêng cần thiết, mà không dành cho họ một quyền nào khác ngoài quyền được “nhận”, đã để dấu ấn cho cả hàng giáo sĩ lẫn hàng giáo dân ngày nay.

Tuy nhiên, các Nghị phụ Công đồng Vatican II đã cho chúng ta một cái nhìn mới về giáo dân và nhấn mạnh đến phẩm giá chung được mọi thành phần Giáo Hội cùng nhau chia sẻ (LG 32).

Ngay cả trước Công đồng Vatican II, chúng ta nhận thấy sự đổi hướng trong “thần học của các vị giáo hoàng”. Ngày 14-10-1951, Đức Piô XII nhắn nhủ Đại hội Thế giới lần I của Tông đồ Giáo dân rằng: “Công giáo Tiến hành... là công cụ trong tay hàng giáo phẩm và phải là cánh tay nối dài của hàng giáo phẩm, như đã xảy ra từ trước đến giờ” (AAS 43, 1951, tr. 789). Tại Đại hội Thế giới lần 2 của chính tổ chức Tông đồ Giáo dân này (ngày 5-10-1957), Đức Piô XII đã sử dụng một ngôn ngữ khác: “Cách làm tông đồ này (Công giáo Tiến hành) luôn luôn là cách làm tông đồ của hàng giáo dân và không được trở thành tông đồ của hàng giáo phẩm, ngay cả khi việc tông đồ ấy được thực hiện với sự uỷ nhiệm của Giáo Hội” (AAS 49, 1957, trang 928).

Giai đoạn 2: Một Giáo Hội có Hội đồng Mục vụ Giáo xứ

1. Hình vẽ tượng trưng

Ở giai đoạn này, linh mục không còn đứng ở vị trí trung tâm nhà thờ, mà ngài ngồi cùng bàn với một nhóm người, được gọi là Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.

Hội đoàn cũng chuyển từ vị trí bên cạnh nhà thờ vào vị trí giữa cộng đoàn. Các tín hữu đã tụ năm tụ ba, gắn bó với nhau hơn.

Sau Công đồng Vatican II, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ được đưa vào rất nhiều xứ đạo trên toàn thế giới. HĐMVGX đã trở thành dấu chỉ của việc áp dụng một cái nhìn mới về Giáo Hội mà Công đồng tuyên dương.

2. Một vài điểm pháp lý

 a. Các Hội đồng ở cấp giáo phận: Bộ Giáo Luật đã tu chính nhắc đến 3 cơ cấu có tính tham vấn tại cấp giáo phận:

° Thượng Hội đồng Giáo phận “... để trợ giúp vị giám mục giáo phận” (GL 460).

° Hội đồng Linh mục “... nhằm lợi ích mục vụ” (GL 495,1) và

° Hội đồng Mục vụ “... nhằm đưa ra những kết luận cụ thể” (GL 511).

Phạm vi của 3 cơ cấu trên bao trùm lẫn nhau. Giáo luật rất uyển chuyển với 3 tổ chức này.

– Thượng Hội đồng Giáo phận (THĐGP) thì hoàn toàn có tính tự do, không bắt buộc. Nó có thể được triệu tập bất cứ lúc nào mà giám mục cảm thấy tình hình cho phép (GL 461,1). Có thể có những thành viên giáo dân trong THĐGP (GL 463,1.5). Giám mục chủ trì THĐGP (Gl 500,1). Điều đó không có nghĩa là bắt buộc ngài phải chủ toạ cuộc họp. Ngài có thể chủ toạ mà ngài cũng có thể không chủ toạ cuộc họp mà vẫn chủ trì THĐGP khi ngài hiện diện tại bàn danh dự và tham gia tích cực vào thảo luận.

– Hội đồng Linh mục (HĐLM) có tính cách bắt buộc. HĐLM tiếp tục hiện hữu và chỉ tan rã khi vị giám mục từ trần. HĐLM gồm các linh mục (GL 495,1). HĐLM không có ý trở thành một thứ thượng viện hoặc ưu tú viện. HĐLM có ý trở thành một cơ cấu tư vấn đối với vị giám mục và một cách nào đó biểu lộ sự hiệp nhất của hàng giáo sĩ giáo phận xung quanh giám mục.

– Hội đồng Mục vụ (HĐMV) có tính cách tự do. Tuy nhiên có lý do để giám mục có thể dùng HĐMV giáo phận như là một công cụ then chốt cho việc cai quản tốt giáo phận. HĐMV có mặt khi mà mọi người trong Giáo Hội, không phân biệt vai trò của họ, có tiếng nói quan trọng đối với công việc của Giáo Hội, đối với phương hướng mục vụ và việc làm sao để Tin Mừng được rao giảng thích đáng. Vì thế, HĐMV hết sức quan trọng và cần thiết và có đất sống. Vai trò của HĐMV rất quyết định bởi vì sự đối thoại bên trong Giáo Hội ở một mức rộng rãi hơn sẽ thúc đẩy một sự hỗ trợ rộng lớn hơn trong các quyết định.

HĐMV khiến điều đó thành khả thi nhờ lòng chân thành thực hành quyền được phát biểu ý kiến và quyền được lắng nghe khi có quyết định (GL 212).

HĐMV phải được triệu tập ít nhất một năm một lần (GL 514).

b. Hội đồng Mục vụ ở cấp giáo xứ: Nếu giám mục thấy thuận lợi, một HĐMVGX sẽ được thiết lập trong mỗi giáo xứ. HĐMVGX sẽ do linh mục xứ chủ trì và có quyền bỏ phiếu có tính cách tư vấn (GL 536).

Sự kiện HĐMVGX có tính tự do, không bắt buộc, không hề có nghĩa rằng nó không quan trọng. Thật ra thì phải khuyến khích mỗi giáo xứ nên có một HĐMV. Đúng đây là lần đầu tiên Giáo luật đề xuất một HĐ như thế, cho nên cần phải coi lời đề xuất ấy một cách nghiêm túc. Việc Giáo Hội gọi HĐ ấy là HĐMV cũng có ý nghĩa; ý nghĩa đó là mọi thành viên chia sẻ trách nhiệm mục vụ của giáo xứ, bên cạnh vị linh mục, bên cạnh vị mục tử.

“Chủ trì” (giống như giám mục chủ trì HĐLM) không có nghĩa là linh mục xứ phải ngồi chủ toạ các buổi họp của HĐMVGX. Linh mục xứ có thể chủ toạ mà cũng có thể không, nhưng vẫn là chủ trì, nếu ngài tán thành cuộc họp của HĐMVGX hoặc ngài có mặt giữa các thành viên.

Sự việc HĐMVGX chỉ có tiếng nói tư vấn không có nghĩa là những thảo luận và quyết định của HĐ không quan trọng. HĐMVGX mở ra khả năng cai quản tốt của một kiểu lãnh đạo thấm nhuần Kinh Thánh Kitô giáo, một kiểu lãnh đạo không thống trị (non-dominating leadership).

Khi nói đến đầu phiếu và quyết định trong đời sống Giáo Hội, chúng ta chấp nhận sự kiện rằng Giáo Hội, không phải là một thể chế dân chủ. Tuy thế, Giáo Hội cũng không phải là độc tài. Mặc dầu “mọi quyền hành không do dân mà ra”, nhưng những luật lệ dân chủ cơ bản của cách hành xử của loài người cần được tuân giữ để chu toàn sứ mạng chung đã được ban cho toàn thể dân Chúa. Cách hành xử trong cộng đoàn, Giáo hội đặt nền tảng trên “sự bình đẳng đích thực giữa tất cả mọi người về phẩm giá và hoạt động chung đối với mọi tín hữu” (LG 32), và được giới luật Chúa hướng dẫn: “... Anh em chỉ có một Thầy và tất cả là anh chị em với nhau” (Mt 23,8).

Giai đoạn 3: Một Giáo Hội thức tỉnh

1. Hình vẽ tượng trưng

Tín hữu ở giai đoạn này đã tập hợp thành nhiều nhóm khác nhau và ai nấy đều muốn hiểu sâu hơn về Giáo Hội. Họ cùng nhau tìm hiểu: Giáo Hội là gì? Giáo Hội là ai? trong các buổi nhóm họp. Vị linh mục cũng tham dự vào sinh hoạt các nhóm chứ không chỉ đứng ở bục giảng mà giảng như ở giai đoạn 1.

Điều này xảy ra khi trong giáo xứ có nhiều giáo dân không chịu bằng lòng chỉ là những cá nhân đi lễ ngày Chúa Nhật. Họ mơ ước một cái gì lớn hơn, sâu xa hơn và họ đi tìm...

2. Ghi chú tổng quát

Một tinh thần thức tỉnh có thể được hình thành trong một giáo xứ, do tình trạng thiếu linh mục, do các thư mục vụ của giám mục, do các bài giảng, do Kinh Thánh, do các khoá học hỏi, do cảm nghiệm về việc Giáo Hội được thể hiện một cách khác, ở một nơi nào đó, do ý thức về những giá trị được đòi hỏi ở bên ngoài Giáo Hội, thí dụ: việc tham khảo ý kiến, sự bình đẳng, tinh thần đồng trách nhiệm...

Nếu cả giáo xứ ở trong cùng dòng chảy như thế thì hàng giáo sĩ và những người lãnh đạo cộng đoàn phải chấp nhận một cái nhìn mới. Có thể sau đây là một số lĩnh vực cần có một cái nhìn mới chăng?

° Là hay thuộc về Giáo Hội thì có ý nghĩa gì?

° Được thanh tẩy (rửa tội) thì có ý nghĩa gì?

° Phục vụ tha nhân, hợp tác với người khác trong Giáo Hội, làm chứng, rao giảng Tin Mừng, sống Tin Mừng hôm nay... có ý nghĩa gì?

° Giáo Hội phải làm gì với những vấn đề của thế giới ngày hôm nay. Bằng cách gì và phương pháp nào chúng ta đối phó với bất công và tội ác? Người kitô hữu có liên luỵ như thế nào trong các đảng phái chính trị, trong các hiệp hội...?

° Có thể có những cách thể hiện Giáo Hội cách khác nhau không? Thí dụ trong các Cộng đoàn Kitô nhỏ? Là người chỉ đi lễ ngày Chúa Nhật có đủ không? Tại sao trong các Cộng đoàn Kitô nhỏ lại có nhiều chia sẻ có tính chất riêng tư như vậy? Tại sao các cộng đoàn ấy lại có thể biến đổi thế giới chung quanh họ?...

° Việc lãnh đạo trong Giáo Hội được hành xử như thế nào? Vấn đề các đoàn sủng khác nhau của tín hữu ra sao? Các người lãnh đạo được tuyển lựa làm sao? Các người lãnh đạo cộng đoàn có thể luân phiên nhau lãnh đạo hay cứ ở vị trí đó mãi không?...

Đưa các chương trình gây ý thức vào trong giáo xứ đòi hỏi nhiều cách tiếp cận khác nhau, khác với cách nói với dân chúng. Chương trình gây ý thức mời dân chúng đón nhận một cái nhìn mới và thay đổi một giá trị. Các giá trị không thể bị áp đặt mà phải được chấp nhận cách tự do như một vấn đề lương tâm.

Trong các chương trình ý thức, chính dân chúng phải tích cực tham dự vào quá trình và được phép tự mình khám phá một chân trời mới hay một cái nhìn mới. Các chứng cứ và sự kiện cần được cung cấp, nhưng chúng có thể được dân chúng chấp nhận hay gạt bỏ. Cách trình bày chúng phải chờ cho có một cơ hội thuận lợi mới mong đạt kết quả mong muốn.

Giai  đoạn 4: Một Giáo Hội có nhiều nhóm trách nhiệm

1. Hình vẽ tượng trưng

Trong một giáo xứ mà người tín hữu ý thức trách nhiệm chung của mình, thì các “nhóm trách nhiệm” hoặc các uỷ ban sẽ được phát triển, để đáp ứng các nhu cầu của cộng đoàn. Vị linh mục trở thành người tổ chức các nhóm đó. Kiểu mẫu này vẫn y nguyên về cơ bản nếu một giáo xứ chia ra thành nhiều xóm giáo.

2. Ghi chú tổng quát

“Giáo Hội với các nhóm trách nhiệm” là một bước dài tiến tới “một Giáo Hội mà mọi người góp phần” (participatory church). Những nhiệm vụ căn bản của Giáo hội được thực hiện một cách hữu hiệu, mọi việc đều được tổ chức hoàn hảo...

Tuy nhiên, một giáo xứ bình thường, thường bị lúng túng vì có nhiều mối quan tâm và thường bị giằng co bởi nhiều nhóm người muốn được giáo xứ quan tâm tới. Thí dụ, các nhóm trách nhiệm được mời gọi để quan tâm tới giới trẻ, giới già, giới trung niên, những người mới cưới cũng như những người ly hôn, người bệnh, người thất nghiệp, người lao động, các bà nội trợ, dân di cư, người nghèo hoặc bị giằng co giữa hoạt động xã hội, giáo lý, phụng vụ, hội đoàn... Các nhóm trách nhiệm khác nhau có thể cạnh tranh nhau về thời gian và mối quan tâm. Cần có đôi chút huấn luyện đối với những người này, cả về mặt kỹ năng, cả về mặt đời sống tâm linh. Mối nguy cơ là các thành viên của các nhóm trách nhiệm này được đào tạo để làm như công chức, mà không xây dựng cộng đoàn giữa họ hoặc giúp họ trưởng thành về mặt tâm linh và trí tuệ. Những người chức trách trong Giáo Hội có thể thoả mãn ở chỗ đã có được một Giáo Hội hữu hiệu trong đó các nhiệm vụ cần thiết đều được chu toàn cách hoàn hảo. Việc đào tạo có thể chỉ giới hạn vào sự huấn luyện kỹ năng mà thôi.

Có 4 lĩnh vực cần được đào tạo. Đó là:

a. Đời sống tâm linh (đào sâu niềm tin, cầu nguyện...).

b. Xây dựng thái độ, giá trị, ý thức (phục vụ, không quyền lực, xây dựng cộng đoàn, làm việc nhóm, trách nhiệm xã hội).

c. Huấn luyện kỹ năng (cách đọc, điều hành một buổi họp, giải quyết vấn đề, linh hoạt...).

d/ Thông tin, kiến thức (kiến thức về thần học, kiến thức tổng quát về xã hội...).

Giai đoạn 5: Một Giáo Hội hiệp thông giữa các cộng đoàn

1. Hình vẽ tượng trưng

Chúng ta coi Giáo Hội hiệp thông giữa các cộng đoàn là Giáo Hội lý tưởng. Các cộng đoàn này có thể được gọi là các cộng đoàn đức tin Kitô, cộng đoàn cơ bản, cộng đoàn Giáo Hội hoặc cộng đoàn Kitô nhỏ (Christian Faith or Basic or Ecclesial or Small Christian Communities).

Có 4 nét đặc trưng thuộc về các cộng đoàn này:

1. Các người láng giềng nhóm họp với nhau ngoài những giờ chính thức của nhà thờ.

2. Họ lấy việc chia sẻ Tin Mừng làm nền tảng thiêng liêng của cộng đoàn.

3. Họ hỗ trợ nhau và cùng làm việc với nhau.

4. Họ hiệp nhất với các nhóm khác của giáo xứ và hợp nhất với Giáo Hội phổ quát.

2. Ghi chú tổng quát

Giáo Hội như mối hiệp thông giữa các cộng đoàn là một lý tưởng, cũng cao siêu như Tình yêu và Đức Ái Kitô giáo. Chẳng bao giờ chúng ta đạt được lý tưởng đó hoàn toàn, nhưng vẫn luôn là lý tưởng đem lại định hướng và hy vọng cho ta. Lý do thần học sâu xa nhất nằm ở trong đời sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi được phản chiếu nơi những người được mời gọi để trở nên thành viên của gia đình Thiên Chúa.

Mối hiệp thông của các cộng đoàn có thể phản ánh Giao ước Tình yêu của Thiên Chúa với dân Người trong một cách thức sâu xa hơn sự tập hợp của các cá nhân đi lễ.

Nếu bạn theo đuổi một quan điểm như thế, thì bất kỳ một hoạt động mục vụ nhỏ bé nào cũng có định hướng và trở thành một giai đoạn tiến về phía trước. Những giai đoạn tiến tới lý tưởng ấy có thể là như sau:

° Cổ vũ mọi nhóm nuôi dưỡng một tương quan cá vị (personal) và đức tin sâu sắc hơn.

° Bắt đầu các Nhóm Chia Sẻ Lời Chúa quy tụ những ai thích sinh hoạt này trong giáo xứ, chưa quy tụ những người cùng ở chung một địa bàn khu xóm.

° Giao cho các nhóm ấy một số trách nhiệm mà thường thì được tổ chức từ trung tâm (ví dụ chuẩn bị đón nhận các bí tích, chuẩn bị phụng vụ...).

° Khuyến khích các nhóm cầu nguyện.

° Tổ chức những buổi cầu nguyện hoặc chia sẻ Tin Mừng trong Mùa Vọng và Mùa Chay.

° Dâng Thánh lễ tại nhà cho những người ở cùng xóm tới dự.

° Thực hiện việc chia sẻ Lời Chúa trong các nhóm hiện hữu trong giáo xứ (ví dụ HĐMV, đoàn thể, nhóm trách nhiệm...).

° Chấp nhận một cung cách lãnh đạo nghiêng về linh hoạt và gợi hứng trái ngược với kiểu lãnh đạo thống trị và chu cấp.

° Định giá mọi sinh hoạt mục vụ bằng cách đặt câu hỏi như sau:

– “Chúng ta mời gọi dân chúng hỗ trợ chúng ta thực hiện một trách nhiệm nào hay chúng ta giúp họ thực thi trách nhiệm riêng của chính họ?”

– “Liệu chúng ta đang chu cấp hay chúng ta đang tạo điều kiện cho các tín hữu để chính họ thực hiện bất kỳ điều gì mà họ có thể hoặc phải thực hiện?”

Linh hồn của một Giáo Hội hiệp thông giữa các cộng đoàn chính là tinh thần anh chị em trong Đức Kitô, tôn trọng phẩm giá chung của mọi người (dù chức vụ có khác nhau) và chấp nhận trách nhiệm chung để thực thi sứ mạng của Đức Kitô trong thế giới.

Cách thức khác nhau biểu lộ Giáo Hội tựu trung là sống như một cộng đoàn yêu thương với trách nhiệm là làm sao để:

° Trở thành dấu chỉ về một xã hội khác, một xã hội không được xây dựng trên sự cạnh tranh tàn bạo hoặc trên sự cưỡng bức chia sẻ, nhưng trên sự chia sẻ trong tình huynh đệ.

° Trở thành dấu chỉ về một cộng đoàn khác không theo qui tắc của những nhà độc tài say mê quyền lực nhưng là một cộng đoàn trong đó sự lãnh đạo không mang tính thống trị mà đầy tính phục vụ.

° Trở thành dấu chỉ về một niềm hy vọng chắc chắn mà Thiên Chúa sẽ bổ túc và làm cho hoàn thiện những gì chúng ta đã bắt đầu trong lòng Tin.

Bằng cách đó, ước mơ của chúng ta về một Giáo hội trưởng thành sẽ trở thành hiện thực. Một Giáo hội hiệp thông giữa các cộng đoàn hàm chứa chiều kích toàn cầu và cánh chung.   

III. KẾT LUẬN

Kết luận về mô hình Giáo Hội Hiệp Thông và Tham Gia, Tài liệu Đề cương của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhấn mạnh mấy ý tưởng sau trong phần sau của số 21 và trong số 22:

“21

Hơn bao giờ hết, Giáo Hội tại Việt Nam nhận biết rằng “không có kiểu canh tân một chiều của riêng giáo sĩ hoặc giáo dân. Trong một Giáo Hội Hiệp Thông, tất cả mọi người, giáo sĩ cũng như giáo dân, đều liên hệ với nhau và có ảnh hưởng tác động lẫn nhau. Chúng ta cảm nhận cần phải thay đổi cả khối óc cũng như con tim”.[11] Để xây dựng một Giáo Hội Tham Gia, cần có sự lãnh đạo mang tính tham gia vượt lên khỏi những phân biệt đối xử, đặt nền trên tinh thần đồng trách nhiệm và tập đoàn tính.[12] Điều này tuyệt đối không hề phủ nhận vai trò chủ chăn của các giám mục cũng như những cộng sự viên của các Ngài. Trái lại, Giáo Hội tại Việt Nam luôn xác tín giám mục có vai trò lãnh đạo với tư cách là thầy dạy và người bảo vệ Đức Tin. Vì lợi ích của dân Thiên Chúa, Thánh Thần ban riêng cho các Ngài đặc ân đó cùng với ơn biện biệt các thần khí.

22. Hình ảnh Giáo Hội Tham Gia sẽ làm nổi bật con đường mà Chúa Kitô muốn chúng ta bước theo. Tất cả và từng người tín hữu đều được gia nhập Dân Thiên Chúa qua Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, được tháp nhập vào Thân Mình Đức Kitô. Tuy nhiên, sự Hiệp Thông với Đức Kitô không chỉ mang tính cách cá nhân khi mỗi người dự phần vào mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài - chết để vươn tới đời sống mới trong Chúa Thánh Thần - nhưng còn mang tính Cộng đoàn Giáo Hội, trong việc chống lại mọi hình thức sự dữ, cùng chia sẻ nỗi đau và khổ cực của dân tộc và của cả nhân loại, cùng đưa mọi người đến với Thiên Chúa. Để có thể thực sự “cắm rễ trong Đức Kitô”, chúng ta phải cùng lúc Hiệp Thông với Ngài và với Dân Ngài”.[13] Đó là một sự hoán cải mới cho sứ vụ trong thời đại mới.

Nhận thức về Giáo Hội Tham Gia đưa đến nhu cầu canh tân trong lĩnh vực mục vụ. Giáo xứ không phải là một đơn vị sinh hoạt mang nặng tính cục bộ địa phương và chỉ do một mình linh mục chủ trị,[14] nhưng là một gia đình yêu thương, trong đó giáo dân cũng là những phần tử sinh động, cũng nhận được các đặc sủng, và cũng có trách nhiệm đối với cộng đoàn. Cộng đoàn giáo xứ chan hoà tình gia đình của các môn đệ Chúa Kitô sẽ là chứng từ đầy thuyết phục cho lời rao giảng về Thiên Chúa Tình yêu. Đoàn Dân Chúa khi sống trọn vẹn tình Hiệp Thông giữa lòng Giáo Hội (ad intra), sẽ thêm nhiệt thành khi gặp gỡ và đối thoại với thế giới chung quanh (ad extra). Thật vậy, “bất cứ ở đâu sự Hiệp Thông suy yếu thì chứng từ và công việc truyền giáo của Giáo Hội bị suy giảm”.[15] Giáo Hội Hiệp Thông sẽ là điểm xuất phát đầy năng lực cho sứ vụ tông đồ hướng đến một Vương quốc Thiên Chúa không biên giới.

IV. CÂU HỎI THẢO LUẬN 

Câu 1. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đánh giá thế nào về sự đóng góp của giáo dân vào đời sống Giáo Hội?

Câu 2. Trong mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông, cộng đoàn Giáo Hội địa phương làm thế nào để tăng cường vai trò của anh chị em giáo dân vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội? Đâu là những thuận lợi và đâu là những thách đố trong việc này?

Câu 3. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đánh giá thế nào về sự cộng tác giữa mọi thành phần dân Chúa để xây dựng vương quốc Thiên Chúa ngay trong hiện tại này?

Câu 4. Những thách đố nào cộng đoàn Giáo Hội địa phương cần phải vượt qua để bày tỏ cho mọi người biết rõ hơn một Giáo Hội như gia đình của Thiên Chúa?

Câu 5. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương đã nuôi dưỡng và khích lệ như thế nào đối với các đặc sủng mà Thánh Thần khơi dậy lên?

Câu 6. Cộng đoàn Giáo Hội địa phương có phương sách nào để biểu lộ rõ nét hơn nữa một Giáo Hội tham gia không? Đâu là vai trò của các Hội đồng Mục vụ trong cộng đoàn Giáo Hội địa phương?

Câu 7. Làm thế nào để canh tân đổi mới tư duy của giáo sĩ và giáo dân

* về ơn gọi, sứ mạng và vai trò của giáo dân trong Giáo Hội?

* về sự bình đẳng và đồng trách nhiệm giữa các thành phần Dân Chúa?

Câu 8. Làm thế nào để Quy chế Hội đồng Mục vụ Giáo xứ được triển khai và áp dụng một cách hiệu quả trong các giáo xứ của giáo phận?

Câu 9. Làm thế nào để Hội nghị Giáo xứ được tổ chức trong các giáo xứ của giáo phận?

Câu 10. Làm thế nào để Thăng tiến Giáo dân nói chung và Giáo dân Nòng cốt nói riêng, về mặt Giáo Lý, Thánh Kinh, Sứ vụ Truyền giáo?

Ghi chú

Nên giao cho mỗi Nhóm Nhỏ một trong số 10 câu hỏi trên và yêu câu khi trả lời các Nhóm phải đưa ra những việc làm hay biện pháp cụ thể, khả thi và phải ghi chép đầy đủ làm tài liệu lưu trữ và nghiên cứu.

 

-o-0-0-o-



[1] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 25.

[2] x. FABC IV, 8.1.1, trong For All, vol. 1, tr. 287 ; vol.2, tr. 138 ; Cv 4:32.

[3] x. FABC IV, 3.3.3 ; BIRA I, 7 trong For All, vol.1, tr. 281. 110.

[4] x. Gioan Phaolô II, Huấn dụ dành cho các giám mục Việt Nam, nhân dịp Ad limina 21-1- 2002.

[5] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia , 25.

[6] x. International Congress on Mission, 6-10, trong For All, vol.1, tr. 150-51; FABC IV, 8.0, trong For All, trg. 287 ; Asian Integral Pastoral Approach, 4 trong For All, vol.2, tr. 138 ; OTC, The Spirit at Work in Asia Today, 5.7 trong For All, vol.3, tr. 324.

[7] x. FABC IV, 2.3.3-2.3.9 ; 8.11-2 trong For All, vol.1, tr. 278-279 ; 287.

[8] x. FABC III, 17.2 trong For All, vol.1, tr. 60.

[9] x. FABC III, trong For All, vol.1, tr. 52. 60. 99. 112. 150.

[10] x. Asian Colloquium on Ministries in the Church, trong For All, vol.1, tr. 90. 151. 193; x. FABC IV, 3.3 trong For All, vol.1, 183.

[11] FABC IV, 4.7.1 trong For All, vol. 1, 194.

[12] x. FABC IV trong For All, vol.1, 194.

[13] FABC IV, 4.8.4 trong For All, vol.1, 196.

[14] FABC III, 4.6 trong For All, vol.1, 193.

[15] Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, 26.

 

 

In ngày: 24/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print