Print  
Đối thoại những vấn đề khoa học và đức tin - Chương 4
Bản tin ngày: 28/03/2015   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
CHƯƠNG IV

BẢN TÍNH THIÊN CHÚA

I. VỀ CÁC ĐẶC TÍNH CỦA THIÊN CHÚA

VẤN ĐỀ 11: Thiên Chúa chỉ là hình ảnh con người tạo ra. Nói cách khác, con người đã tưởng tượng ra một vị Thiên Chúa, rồi gán cho Thiên Chúa những gì thấy nơi chính mình. Thực sự ngoài con người không còn một thần thánh nào cả.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY

1. ĐẶT VẤN ĐỀ


Một số người quá đề cao con người: chỉ công nhận những gì có thể cảm nghiệm được trong con người, và không nhận những thực tại siêu nhiên ngoài con người. Từ đó, họ phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa và giải thích mọi sự theo lăng kính tự nhiên của con người:

1) HÉGEL (1770-1831): Một triết gia người Đức thuộc trường phái duy tâm, do chịu ảnh hưởng của lối giải nghĩa Thánh Kinh tự do theo ý riêng cá nhân của đạo Tin Lành, nên ông đã đi đến chỗ phủ nhận sự mặc khải của Thiên Chúa. Theo Hégel, thực sự không có một Đấng nào khác gọi là Thiên Chúa ở ngoài con người cả. Thánh Kinh cũng không phải do sự mặc khải của Thiên Chúa như nhiều người lầm tưởng, mà chỉ là một lối tự thức của con người. Con người đã nói về mình mà cứ tưởng là do Thiên Chúa mặc khải về bản tính Ngài. Nói cách khác, con người đã gán cho một vị Thiên Chúa mà họ tưởng tượng ra những gì thấy có nơi chính mình. Tư tưởng của Hégel về Thiên Chúa tương tự như câu nói của một triết gia Hy Lạp cổ điển ngày xưa. “Nếu bò và ngựa biết tạc tượng thì chúng sẽ tạc tượng thần linh theo hình bò, ngựa.”

2) LUDWIG FEUERBACH (1804-1872) còn đi xa hơn trong việc chối bỏ sự hiện hữu thực sự của Thiên Chúa. Theo ông, con người nhận thấy mình có khả năng nhận biết, có sức hoạt động, có khả năng yêu đương… Nhưng những điều ấy ở nơi con người đều hạn hẹp và gặp những trở ngại không sao trở nên hoàn hảo được. Từ đó, con người đã quan niệm rằng: Phải có một vị Thiên Chúa có tất cả những khả năng ấy và có một cách hoàn hảo vô cùng, quyền phép vô cùng và là hiện thân của tình thương… cũng chỉ là bản tính của con người được tuyệt đối hóa. Nếu công nhận một vị Thiên Chúa như thế tức là con người đã đánh mất bản tính làm người của mình và sẽ ở trong tình trạng bị vong thân. Vậy, muốn làm người hoàn toàn thì cần phải phủ nhận Thiên Chúa.

3) FRIEDRICH NIETZSCHE (1844–1900), một triết gia người Phổ Nietzsche, tác giả thuyết siêu nhân, cũng chia sẽ lập trường của hai triết gia nói trên khi ông mạnh dạn tuyên bố: “Thiên Chúa đã chết, tôi đã giết chết Thiên Chúa.” Theo ông, đã đến lúc con người phải sống đời người của mình, tự nắm lấy vận mệnh của mình chứ đừng tin nhảm, quá ỷ lại vào một quyền lực siêu phàm nào khác ở ngoài mình: “Hẳn bạn biết rõ, con quỷ hèn nhát trong người bạn chỉ thích chắp tay và khoanh tay nhìn và muốn sống một đời sống dễ dãi hơn. Con quỷ hèn nhát ấy bảo bạn: có Thiên Chúa.”

 4) JEAN-PAUL SARTRE (1905–1980) là nhà triết học hiện sinh, nhà soạn kịch, nhà biên kịch, tiểu thuyết gia và là nhà hoạt động chính trị người Pháp. Ông là một trong những nhân vật nòng cốt trong hệ thống triết học của chủ nghĩa hiện sinh, một triết gia hiện sinh vô thần, cũng đồng tư tưởng phải phủ nhận Thiên Chúa để con người thực sự làm người: “Nếu có Thiên Chúa, con người là số không.” Theo ông, con người hãy chú ý đến đời sống hiện tại, đời sống của một con người xứng đáng. Ông noi: “Alleluia, không có trời nữa, không có địa ngục nữa mà chỉ còn có trái đất.”

5) MAURICE MERLEAU-PONTY (1908-1961): “Đưa cái tuyệt đối vào trung tâm tư tưởng của loài người là làm cho mọi hoạt động của tư tưởng bị dừng lại. Bởi vì con người chính là đấng tối cao của con người.” (Karl Marx). Bởi thế, cần phải thu hồi tất cả nghị lực của nhân loại đã hoài công hướng về một vị Thiên Chúa không tưởng, chỉ là sự phóng rọi mối nhớ tiếc của chúng ta, chỉ là rác rưởi của mơ mộng hão huyền (Edmond Rostand). Phải đem lại cho con người sự giải phóng khỏi tình trạng bị tôn giáo hoá, phải để cho con người ý thức được sự cao cả của họ, sự can đảm của thân phận kiếp người.

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Thực ra, tư tưởng của các triết gia nói trên thiếu tính khách quan. Do muốn đề cao con người cách tuyệt đối, nên đã đi đến quyết tâm phủ nhận Thiên Chúa, trình bày Thiên Chúa một cách lố bịch: coi Thiên Chúa như một ông chủ độc đoán hà khắc mà con người phải hoàn toàn bị lệ thuộc như tôi tớ phải lệ thuộc vào ông chủ. Ông chủ Thiên Chúa ấy lại quá tham lam khi chiếm đoạt cho mình mọi sự vật, kể cả con người. Thiên Chúa lại còn chà đạp các thụ tạo của mình cách thích thú như một bạo chúa độc ác bất công. Từ đó họ đi đến kết luận: con người cần phải vùng lên lật đổ Vị Thiên Chúa độc đoán ấy để giành lại quyền làm chủ cuộc đời của mình. Nhưng thử hỏi: Thiên Chúa mà các tín hữu tôn thờ có phải là ông chủ hà khắc mà các triết gia vô thần đã tưởng tượng như trên hay không? Bản tính của Ngài ra sao? Và con người làm thế nào để biết được bản tính ấy của Thiên Chúa?

1) Người tín hữu phủ nhận lối trình bày lố bịch về Thiên Chúa: Thiên Chúa của chúng ta tôn thờ là một Đấng hiện hữu thực sự, siêu việt, là Đấng Tạo Hoá đã sáng tạo ra vạn vật và con người chứ không phải con người đã sáng tạo ra Thiên Chúa và tưởng tượng ra các thuộc tính của Ngài. Con người không bao giờ có thể chiếm địa vị của Thiên Chúa vì họ luôn ý thức mình có những giới hạn không thể vượt qua được như: tội ác, đau khổ, bất công, bệnh tật và cái chết…

“Mặc dù loài người không tin Thiên Chúa nữa, Thiên Chúa cũng không vì thế mà không hiện hữu” (Graham Henry Greene). Nhiều người muốn bắt được quả tang Thiên Chúa đang hiện hữu.

Một số nguồn tin đã khẳng định rằng: vào ngày 12/04/1961, phi hành gia YURI GAGARIN của Liên Xô, sau khi lái chiếc phi thuyền Vostok 1 (Phương Đông) 3 vòng trở về mặt đất đã phát biểu: “Tôi đã lên tận chín tầng trời nhưng không thấy Thiên Chúa đâu cả!”

Tuy nhiên, ngày nay người ta cho rằng: không có lời nào như vậy xuất hiện trong hồ sơ theo nguyên văn của cuộc trò chuyện của Gagarin. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2006, Đại tá VALENTIN PETROV người bạn thân của Gagarin nói rằng các phi hành gia không bao giờ nói những lời như vậy, và cho biết lời nói trên có nguồn gốc từ NIKITA KHRUSHCHEV: Tại Hội nghị của Uỷ ban Trung ương Liên Xô về Chiến dịch chống tôn giáo, trong đó nói: “Gagarin bay vào không gian, nhưng không nhìn thấy Thiên Chúa đâu cả.” Valentin Petrov còn cho biết thêm: Gagarin đã được chịu phép rửa tội gia nhập vào Giáo hội Chính thống ngay từ khi còn bé. Một bài viết trên tạp chí Foma 2011 cũng trích dẫn lời của vị đứng đầu Giáo hội Chính thống thành phố Sao nói: “Gagarin đã cho con gái cả của ông là Yelena chịu phép rửa tội ngay trước chuyến bay vào không gian của ông, và gia đình ông vẫn mừng lễ Giáng Sinh và Phục Sinh hằng năm và có trang trí các biểu tượng tôn giáo trong nhà.” (Nguồn: Wikipedia, bách khoa toàn thư).

Theo Thánh TÔMA, “Thiên Chúa không hiển nhiên. Nếu Thiên Chúa hiển nhiên thì đã chẳng còn ai dám phủ nhận Ngài. Thiên Chúa vẫn luôn hiện hữu, nhưng Ngài hiện hữu qua các dấu vết của Ngài để lại trong thiên nhiên.” Khi thấy một vết chân trên mặt cát ẩm ướt ngoài bãi biển, ta dễ dàng nhận biết một người hoặc một vật nào đó vừa đi qua, thì khi nhìn vào những thực tại tốt đẹp, các thiên thể trong vũ trụ chuyển động cách trật tự và vô cùng chính xác… ta có thể nhận ra có bàn tay Thiên Chúa đã sáng tạo và an bài mọi sự. Vì thế, con người có trí khôn thuộc bất kỳ thời đại nào, ở bất cứ nơi đâu… cũng đều công nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhà hiền triết PLATON của Hy Lạp cổ đại đã nói: “Tất cả những ai có một chút trí khôn đều kêu cầu thần linh lúc khởi sự công việc của họ, bất luận việc to hay việc nhỏ.” CICÉRON, một đại văn hào La Mã cũng quả quyết: “Không một dân tộc nào dù thô lỗ man rợ đến đâu mà lại không tin có thần linh, dù rằng họ có thể bị nhầm lẫn về bản tính của ngài.” Các nhà thám hiểm, các vị thừa sai đã đi truyền giáo khắp nơi trên thế giới đều có chung một nhận định: khắp năm châu bốn bể và mọi nơi trên mặt đất, các dân tộc đều tin nhận Thượng Đế, cho dù quan niệm về Ngài có khác nhau. Do đó, người ta thường định nghĩa: “Con người là một con vật có tôn giáo.”

2) Nhưng bản tính Thiên Chúa ra sao? Phải chăng Ngài cũng có những tâm tình của loài người, cũng yêu, buồn, giận, ghét… như một con người?

Có người chủ trương: Thiên Chúa bất khả tri và người ta không thể biết điều gì về Ngài, vì không thể trông thấy, sờ thấy hoặc đem Thiên Chúa ra thí nghiệm được, nên những điều người ta tưởng nghĩ về Thiên Chúa đều không đúng, mà chúng chỉ là những thuộc tính của con người được gán cho Ngài mà thôi, như có người đã quả quyết: “Tất cả những gì người ta nói về Thiên Chúa đều không phải là Thiên Chúa.”

Thực ra, con người tuy không hiểu biết hoàn toàn về Thiên Chúa, nhưng vẫn có thể hiểu biết phần nào về bản tính của Ngài, nhờ sự quan sát, suy luận và nhất là nhờ mặc khải của Ngài được ghi chép trong Thánh Kinh:

a) Nhờ trí khôn suy luận: Với lý trí tự nhiên người ta cũng có thể nhận ra phần nào về bản tính của Thiên Chúa, khi quan sát những dấu tích Ngài để lại trong vũ trụ thiên nhiên và nơi con người. Khi tìm hiểu về Thiên Chúa người ta thường theo hai phương pháp như sau:

Phương pháp tiêu cực: gạt bỏ ra khỏi bản tính Thiên Chúa những gì là khuyết điểm, thiếu sót tìm thấy nơi thụ tạo.

Phương pháp tích cực: quy về cho Thiên Chúa tất cả những gì là hoàn hảo, tốt đẹp tìm thấy nơi mọi thụ tạo, sau khi đã nhân lên cấp độ tuyệt đối.

Sự suy luận về bản tính Thiên Chúa nói trên tuy không hoàn toàn chính xác, nhưng cũng là điều hợp lý. Thực vậy, người ta thường nói “xem quả biết cây”: Nhìn một chiếc xe hơi ta có thể nhận biết phần nào về tài năng và tính tình của viên kỹ sư sáng chế, hoặc của các người thợ đã thi công lắp ráp: Tài giỏi nhiều hay ít? Làm việc cẩn thận hay bừa bãi? Kỹ thuật lắp ráp lành nghề hay đang tập việc?... Thế thì khi nhìn vào vũ trụ thiên nhiên trong toàn thể cũng như từng chi tiết, chúng ta lại không nhận ra trí thông minh và tài năng siêu việt của Đấng Hoá Công hay sao? Sau đây là một số ưu phẩm của Thiên Chúa được loài người nhận biết nhờ trí khôn suy luận từ thiên nhiên:

- Thiên Chúa có ý chí: Chúng ta biết rằng tất cả mọi hoạt động đều phải do ý chí điều khiển, vì nếu không muốn thì làm sao hành động? Vậy mà vũ trụ là tạo vật của Thiên Chúa lại luôn chuyển động, nên dĩ nhiên sự chuyển động ấy đòi phải do một ý chí điều động. Từ đó suy ra Thiên Chúa phải có ý chí.

- Thiên Chúa là Đấng thông minh: Chúng ta cũng biết rằng: ngẫu nhiên chỉ sinh ra hỗn loạn, và ở đâu có trật tự thì ở đó đã phải có một trí khôn sắp xếp. Thế mà khi nhìn vào vũ trụ, chúng ta thấy có một trật tự lạ lùng: đâu đâu cũng do định luật chi phối hoạt động cho hài hòa với nhau theo một định hướng chung. Chẳng hạn: Thành phần của không khí gồm 21% dưỡng khí, 78% đạm khí và 1% các khí chất khác. Nếu thay đổi thành phần đó thì sẽ gây ra nhiều rắc rối cho các sinh thực vật. Thế mà từ xưa tới nay vẫn có một sự xếp đặt để các thành phần trong không khí nói trên ổn định không chút thay đổi. Nói xếp đặt, lề luật, trật tự… tức là nói đến trí thông minh vậy. Từ đó, chúng ta suy biết: Thiên Chúa là Đấng thông minh.

- Thiên Chúa là Đấng vô cùng: Vũ trụ mà mắt ta có thể quan sát được thực bao la: càng ngày với những viễn vọng kính tối tân hơn, người ta lại càng nhìn được xa hơn và càng thấy sự mênh mông vô tận của vũ trụ nhiều hơn. Ngay trái đất chúng ta đang sống thật là to lớn biết bao! Thế mà mặt trời còn lớn hơn trái đất tới 1.300.000 lần! Một ngôi sao gần chúng ta nhất cũng cách xa tới 4 năm rưỡi ánh sáng (4,5 x 9.460 tỷ km). Ngày nay người ta đã biết được những tinh tú cách chúng ta hàng tỷ quang niên. Thế mà cho đến nay các nhà bác học vẫn chưa biết hết những dải ngân hà trong vũ trụ. Càng ngày người ta càng khám phá thêm có những dải ngân hà mới, mỗi ngân hà có từ 50 đến 80 tỷ ngôi sao: Hơn nữa, đâu đâu chúng ta cũng thấy có sự xếp đặt trật tự, từ cái cực to đến cái cực nhỏ. Thế thì Đấng tạo dựng nên vũ trụ với những đặc tính vô cùng lớn lao kỳ diệu như vậy cũng phải có ý chí và trí thông minh vô cùng.

- Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng: Nghĩa là Thiên Chúa không phải là vật chất. Ngài không có hình hài thể xác như loài người nên chúng ta không thể thấy Ngài như thấy một vật thể hữu hình được. Thiên Chúa không phải vật chất vì vật chất thì không hoàn hảo và có thể đổi thay, đang khi Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo nên không thể đổi thay, không thể thêm bớt gì nữa. Do đó, có thể quả quyết Thiên Chúa là Đấng thiêng liêng vô hình.

- Thiên Chúa là Đấng toàn năng: Nghĩa là Ngài làm được mọi sự. Ngài muốn thế nào thì lập tức xảy ra như vậy. Ngài có thể sáng tạo ra trăm ngàn vũ trụ khác hoặc tiêu huỷ tất cả mọi vật đang hiện hữu cách dễ dàng. Chính vũ trụ bao la vô tận, do những định luật lạ lùng chi phối từ các thiên thể lớn nhất đến các nguyên tử nhỏ nhất là bằng chứng về sự toàn năng của Ngài.
- Thiên Chúa ở khắp mọi nơi: Nghĩa là không nơi nào không có Thiên Chúa. Vì Chúa thiêng liêng và toàn năng nên Ngài hiện diện ở mọi nơi. Ngài hiện diện bằng quyền năng để gìn giữ và an bài cho mọi sự xảy ra đúng theo ý Ngài. Do đó, Ngài có mặt ở khắp mọi nơi.

- Thiên Chúa thông biết mọi sự: Vì toàn năng và ở khắp mọi nơi, nên Thiên Chúa phải hiểu biết mọi sự. Ngay cả tư tưởng thầm kín trong lòng ta thì Ngài cũng thấu suốt hết.

Tuy nhiên, phải công nhận rằng tất cả những ưu phẩm của Thiên Chúa do các triết gia suy luận nói trên đều không mấy chính xác. Đối với loài người, Thiên Chúa vẫn là Đấng khôn tả và chỉ mình Ngài mới có thể hiểu biết rõ ràng chính xác về mình mà thôi. Đây cũng là điều hợp lý như Hồng Y JEAN DANIÉLOU đã nói: “Một Thiên Chúa mà con người có thể hiểu biết tường tận thì chắc không phải là một Thiên Chúa chân thực.” (Daniélou: Dieu et nous, tr. 57).

b) Nhờ sự mạc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh

Để bù đắp những khuyết điểm thiếu sót trong việc dùng lý trí suy luận tìm hiểu về bản tính Thiên Chúa, con người còn có một phương cách để tìm hiểu về Ngài cách chắc chắn và không sợ bị sai lạc là Lời Chúa mặc khải trong Sách Thánh. Thánh Kinh chính là Lời Thiên Chúa bày tỏ về bản tính và hoạt động của Ngài cho loài người như tác giả thư Dothái đã viết: “Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ. Nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài.” (Dt 1,1-2). Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của Lời sáng tạo và cứu độ. Con người đã dần dần nhận biết về Thiên Chúa cách sâu xa và chắc chắn nhờ lời Chúa dạy hơn là nhờ trí khôn suy luận:

** CỰU ƯỚC

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa xuất hiện như một nhân vật sống động. Ngài chủ động nối lại mối dây liên lạc với loài người đã bị tội lỗi cắt đứt từ thời nguyên tổ. Các tác giả Kinh Thánh đã dùng từ ngữ của loài người để diễn tả những chân lý siêu việt của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã hiện ra nói chuyện thân mật với ông A-đam, đã bày tỏ khuôn mặt, giơ tay… Kinh Thánh cũng diễn tả những tâm tình của Thiên Chúa giống như con người: Ngài thấy thoả mãn trước công trình sáng tạo, giận dữ khi bị con người phản bội, hối tiếc vì đã dựng nên loài người…

Trong Thánh Kinh, Thiên Chúa không phải chỉ là một Vị Thần trừu tượng, khô khan lạnh lùng như các triết gia tưởng tượng, nhưng Ngài là một nhân vật có mối bang giao thân hữu với các tổ phụ. Qua Thánh Kinh Thiên Chúa đã tự mặc khải về Ngài như sau:

- Ngài là Đấng duy nhất: Môsê dạy: “Nghe đây, hỡi Israel! Ðức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Ðức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Ðức Chúa Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” (Ðnl 6,4-5). 

- Ngài là Đấng toàn năng: “Chúa chúng ta ngự trên trời, Ngài làm tất cả những gì Ngài muốn.” (x. Tv 115,1-8). Ngài đã hiện ra với Môsê giữa sấm sét oai hùng. Tư tưởng và đường lối của Ngài không ai biết được như Ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55,8-10).

- Ngài là Đấng chân thật: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng.” (Tv 32). Chúa chống lại sự dối trá (x. Is 30,8-18).

- Ngài là Đấng Thánh thiện tuyệt đối: Chúa phán: “Hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh.” (Lv 11,45). Ngôn sứ Êdêkien cũng tuyên sấm lời Đức Chúa phán: “Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Ðức Chúa khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng.” (Ed 36,23). Thiên Chúa là Đấng thánh thiện tuyệt đối, nên người phàm không thể tới gần Ngài mà không kính sợ.

- Ngài là Thiên Chúa hằng hữu: “Trước khi có sông núi, trước khi trời đất sinh ra, Lạy Chúa, Chúa hằng có”; “Giavê hằng sống”; là “Thiên Chúa đang sống” (x. Cn 8,22-31).

- Ngài hiên diện ở khắp mọi nơi: “Con lên trời thì có Chúa đó. Con xuống âm phủ thì Chúa cũng có ở đó. Nếu con bay về chân trời và nếu con đến tận cùng nước biển, tại đó cũng có bàn tay Chúa dẫn đưa con đến.” (Tv 139,7-10).

Những đặc tính ấy cho thấy có một hố sâu ngăn cách giữa Thiên Chúa và loài thụ tạo, sâu đến nỗi không ai có thể lấp đầy được. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện giữa chúng ta. Ngài luôn trung thành với lời đã phán hứa, và là Đấng từ bi nhân hậu (Tv 103,8-10): âu yếm như bà mẹ hiền với đứa con thơ (x. Is 49,15), ân cần lo lắng như người mục tử tốt lành đối với đàn chiên của mình (x. Ez 34,16), đam mê như một tình nhân (x. Hs 2,16.19.20)…

** TÂN ƯỚC

“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.” (Ga 1,18). Mầu nhiệm về Thiên Chúa mà các ngôn sứ đã đề cập đến trong Cựu Ước thì lại được mặc khải cách rõ ràng nhờ Con Thiên Chúa xuống thế làm người (x. Ga 1,14).

Thiên Chúa của thời Tân Ước do Đức Giê-su mặc khải mang nhiều ưu phẩm:

- Là Cha Yêu Thương: Tác giả thư 1 Gioan viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu.” (1 Ga 4,16).

- Là Đấng hoàn hảo: Đức Giêsu nói: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).

- Là Đấng tối cao: Ngài trổi vượt trên mọi người mọi vật như lời sứ thần truyền tin nói với Đức Maria về thai nhi Cứu Thế Giêsu: “Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.” (Lc 1,32).

- Là Đấng toàn năng: Đức Maria nói: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49); “đối với con người thì thật là khó nhưng đối với Thiên Chúa thì khác: vì không có điều gì Ngài không làm được” (Mc 10,27).

- Là Đấng giàu lòng từ bi thương xót: Như mục tử không bỏ rơi đoàn chiên nhưng quyết tâm đi tìm kiếm từng con chiên lạc cho tới khi tìm được (x. Lc 15,4), như người phụ nữ cố gắng đi tìm đồng bạc bị rơi mất (x. Lc 15,8), như người cha sẵn sàng tha thứ cho đứa con bỏ nhà đi hoang và vui mưng đón nhận khi nó hồi tâm sám hối trở về (x. Lc 15,20).

- Là Cha luôn quan tâm chăm sóc và thỏa mãn các nhu cầu chính đáng của con cái: Đức Giêsu dạy môn đệ cầu nguyện với Thiên Chúa như con cái thưa chuyện với người cha thân yêu: “Lạy cha chúng con ở trên trời.” (Mt 6,9). Người cũng dạy môn đệ phải biết tin cậy phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa Cha: “Phần anh em, đừng lo tìm cho có gì để ăn, có gì để uống, và đừng băn khoăn. Vì tất cả những thứ đó, dân ngoại trên thế gian vẫn tìm kiếm, nhưng Cha của anh em thừa biết anh em cần những thứ đó” (Lc 12,29-30).

- Là Thiên Chúa duy nhất, nhưng có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo trước khi lên trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28,19; Cv 1,8)…

Như vậy, sự nhận biết các ưu phẩm của Thiên Chúa nhờ mặc khải của Ngài qua các ngôn sứ trong Cựu Ước và nhất là qua Con Một Ngài là Đức Giêsu trong Tân Ước, khác với những kiến thức do trí khôn suy luận của loài người, như Tác giả Tin Mừng Gioan cho biết ân sủng và sự thật về Thiên Chúa được ban qua Con Một Ngài là Đức Giêsu: “Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ. Nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha. Chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,17-18). Pascal cũng nói: “Chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói về Ngài cách chính xác mà thôi.”

TÓM LẠI

Thiên Chúa không phải chỉ là kết quả do trí tưởng tượng của con người. Nhờ có trí khôn, con người đã nhận biết có Thiên Chúa là Đấng đã sáng tạo nên trời đất muôn vật… và nhờ quan sát thiên nhiên, con người cũng có thể suy luận để hiểu biết phần nào sự thật về Thiên Chúa. Nhưng phải nhờ mặc khải của Thiên Chúa qua các ngôn sứ trong Cựu Ước, nhất là qua Con Một Ngài là Đức Giêsu, loài người mới hiểu biết sự thật về Thiên Chúa, về chương trình sáng tạo và cứu độ loài người. Rồi đến ngày tận thế, loài người chúng ta còn được hiểu biết sự thật toàn vẹn về Thiên Chúa khi được gặp gỡ Ngài “diện đối diện” như lời Thánh Phaolô dạy: “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương. Mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn. Mai sau tôi sẽ được biết hết như Thiên Chúa biết tôi.” (1 Cr 13,12).

3. THẢO LUẬN

1) Việc nhận biết các ưu phẩm của Thiên Chúa dựa vào sự quan sát suy luận trong vũ trụ thiên nhiên có hợp lý và đầy đủ không? Tại sao?
2) Chúng ta cần dựa vào đâu để hiểu biết chính xác đầy đủ về bản tính Thiên Chúa?
3) Muốn được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu, các tín hữu phải làm gì?

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA:
“Thiên Chúa là Tình Yêu: Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1 Ga 4,16).

2) LỜI CẦU

Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót! Cha đã tạo dựng nên muôn loài muôn vật, trong đó có loài người chúng con. Cha thấu suốt tâm can và lòng trí chúng con. Cha nhìn thấy mọi tư tưởng, lời nói việc làm của chúng con. Giờ đây chúng con xin dâng lên Cha tâm tình biết ơn và xin phó thác cả cuộc đời chúng con trong bàn tay quan phòng yêu thương của Cha. Xin Cha đổ đầy Thần Khí xuống trên chúng con, để nhờ ơn Thánh Thần, chúng con có thể tin thờ Cha và luôn sống hiếu thảo đẹp lòng Cha. Chúng con cầu xin Cha, nhờ Đức Kitô, Con Cha và là Chúa chúng con. AMEN.

II.VỀ SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA VÀ HÌNH PHẠT HOẢ NGỤC

VẤN ĐỀ 12: Nói rằng Thiên Chúa là tình yêu. Vậy tại sao Thiên Chúa biết trước có một số người sẽ phải xuống hỏa ngục, mà Ngài còn tạo dựng nên họ làm chi? Tại sao Ngài để cho con người phải chịu đau khổ, chết chóc, chiến tranh và đầy dẫy những bất công trong xã hội?

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

1) Thiên Chúa là Tình Yêu


Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho loài người biết Ngài là tình yêu (x. 1 Ga 4,16). Chúa Cha yêu Chúa Con, và tình yêu ấy nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần (Kinh Tin Kính). Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu bằng các việc:

- Tạo dựng nên vũ trụ vạn vật vì và cho con người.

- Sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của họ, bằng việc sai Đức Giêsu đến dạy cho loài người nhận biêt tinh yêu cua Thiên Chúa và sẵn sàng hiến thân chịu chết trên thập giá để cứu độ những ai tin và đi theo con đường yêu thương của Người như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

- Người dạy các môn đệ phải yêu thương nhau, vì đó là dấu hiệu để người ngoài nhận ra họ thực sự là môn đệ của Người (x. Ga 13,35).

- Đức Ki-tô dạy những ai tin kính Người hãy thi hành lời Người truyền là: Tha thứ luôn luôn: “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18,22). Yêu cả kẻ thù: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44).

Cuộc đời của Đức Giêsu đầy những hành động yêu thương: chữa lành các bệnh tật như bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt (x. Mt 4,24), nhân bánh ra nhiều nuôi những kẻ đói được ăn no (x. Lc 9,12-17). Thiết lập Bí tích Thánh Thể để ban sự sống đời đời (x. Ga 6,48-51) và để ở lại với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

 2) Tuy nhiên, có người đặt vấn đề: Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì tại sao Ngài biết trước một số người sẽ phải xuống hoả ngục mà còn dựng nên họ làm chi? Tại sao Ngài để xảy ra các tai ương như động đất, lũ lụt, sóng thần, núi phun lửa, chiến tranh và đầy dẫy những bất công trong xã hội?

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Đây là một chân lý mầu nhiệm, rất khó hiểu đối với tâm trí kém cỏi của loài người chúng ta.

Có những điều Chúa làm và con người dễ dàng hiểu được, nhưng cũng có những hành động của Chúa vượt quá tầm hiểu biết của loài người như Ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của các ngươi cũng không phải là đường lối của Ta.” (Is 55,8). Đây là chân lý mầu nhiệm, nghĩa là một điều hợp lý, nhưng lại vượt quá giới hạn của trí khôn con người. Cũng như một em bé trinh độ tiểu học không thể hiểu các công thức toán học phức tạp của lớp 12 trình độ trung học, nhưng em vẫn phải chấp nhận các công thức đó là đúng và đáng tin. Hiện nay em chưa hiểu được nhưng khi học lên cao em sẽ có thể hiểu được.

Sau đây là một số lời giải đáp cho các vấn nạn về sự đau khổ và sự dữ ở trần gian mà loài người cảm thấy khó hiểu và khó chấp nhận:

1) Tại sao Thiên Chúa biết trước một số người sẽ xuống hỏa ngục, mà Ngài dựng nên họ làm chi?

a) Trước hết, Thiên Chúa là Tình Yêu, dựng nên mọi thụ tạo trong đó có loài người là để chia sẻ ân sủng và hạnh phúc viên mãn của Ngài cho họ. Ngài dựng nên họ không phải để bắt họ chịu đau khổ hoả ngục, nhưng để họ được chia sẻ hạnh phúc với Ngài (x. St 2,8).

Tuy nhiên, để hạnh phúc ấy được trọn vẹn, Ngài đã ban cho con người có tự do, để họ tự do quyết định làm điều tốt, và tránh làm điều xấu (x. St 2,16).

Nếu họ làm tốt thì sẽ được thưởng, còn nếu dùng tự do để làm điều ác thì sẽ bị phạt theo đức công bình (x. St 2,17) và luật nhân quả “ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão”.

b) Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên hằng ban Ơn Thánh giúp loài người sống theo thánh ý của Ngài. Nhưng họ được hoàn toàn tự do quyết định làm hay không làm. Thánh AUGUSTINÔ đã nói: “Thiên Chúa sinh ra bạn không cần bạn, nhưng Ngài không thể cứu rỗi bạn nếu bạn không cộng tác với Ngài.”

c) Con người không được đổ thừa trách nhiệm cứu rỗi bản thân mình cho Thiên Chúa, vì sự biết trước của Thiên Chúa không giống sự biết trước của chúng ta.

- Con người chúng ta sống trong thời gian nên sự biết trước có tính cách tất định.

- Còn nơi Thiên Chúa là Đấng ở ngoài thời gian nên sự biết trước của ngài không tất định, mà còn lệ thuộc vào sự tự do của con người.

Ta có thể ví sự biết trước của Thiên Chúa như cái nhìn của khán giả xem đá banh: khi nhìn lực lượng của hai bên, khán giả bên ngoài có thể đoán trước phần thắng bại thế nào. Tuy vậy, sự ăn thua ấy không tất định, không nhất thiết phải xảy ra như dự đoán, mà còn lệ thuộc vào ý chí quyết thắng và tinh thần dũng cảm của các đấu thủ, cũng như sự cổ võ của khán giả bên ngoài nữa. Nếu bây giờ chúng ta được sự cổ võ của Thiên Chúa (ơn thánh), và hăng hái sống đạo, thì từ đời đời Thiên Chúa cũng đã thấy và biết trước như vậy. Nhưng rồi, sau một thời gian sốt sắng, chúng ta lại chán nản buông xuôi theo sự cám dỗ của ma quỷ, của thế gian và xác thịt, thì cũng từ đời đời Thiên Chúa đã biết trước ta sẽ bị sa ngã như vậy. Thiên Chúa luôn luôn động viên khích lệ, ban ơn trợ giúp ta sống tốt đẹp để ta được ơn cứu độ, nhưng ta có muốn được cứu hay không là do ta tự do quyết định.

Một ví dụ khác về sự quyết định tự do của con người trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Chẳng hạn, vào một buổi tối trời, chúng ta trông thấy một người đi xe đạp trên một đoạn đường rất nguy hiểm mà nhiều người đã gặp tai nạn. Chúng ta có lòng tốt khuyên bảo người đó không nên tiếp tục đi. Nhưng nếu họ coi thường lời cảnh cáo của chúng ta mà cứ tiếp tục đi, thì chúng ta cũng có thể phần nào biết trước số phận của người ấy, và họ không thể đổ thừa trách nhiệm cho chúng ta. Cũng thế, những người từ chối ơn Chúa giúp, nhất định chọn làm điều xấu, thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của họ, và không thể trách cứ Thiên Chúa đã biết trước mà sao còn dựng nên họ. Chúa Kitô cũng đã nói lên sự cứng lòng cố chấp của dân Dothái: “vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của Ngôn sứ Isaia, rằng “các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,13-15).

d) Đàng khác vì không ai trong chúng ta biết trước số phận tương lai của mình, thì tại sao ta lại không nghĩ mình sẽ được thưởng để cố gắng sống tốt lành tử tế hơn mà lại nghĩ mình sẽ bị phạt hỏa ngục, rồi ngã lòng trông cậy để sống buông thả, và đổ thừa trách nhiệm cho Thiên Chúa đã tiền định.

TÓM LẠI

Thiên Chúa là Tình Yêu, và Ngài đã thể hiện tình yêu ấy bằng việc sáng tạo vũ trụ vạn vật, trong đó có con người. Ngài tạo dựng con người để thông ban hạnh phúc cho họ. Tuy nhiên, để hạnh phúc ấy được trọn vẹn, Thiên Chúa lại cho con người sự tự do chọn lựa làm theo điều tốt và loại bỏ điều xấu. Con người muốn hưởng hạnh phúc hay không là tùy theo sự tự do quyết định của họ: nếu làm tốt sẽ được thưởng, còn nếu cố tình chọn làm điều xấu thì tất nhiên sẽ bị phạt theo luật nhân quả. Khi ấy, họ không thể đổ thừa trách nhiệm cho ai khác ngoài chính bản thân mình. Còn việc Thiên Chúa biết trước không có tính tất định như con người thường hiểu, mà còn lệ thuộc nhiều yếu tố khác nữa, nhất là lệ thuộc vào ý muốn tự do của chúng ta.

2) Thiên Chúa là tình yêu, vậy tại sao Ngài lại để xảy ra các tai ương, cùng những bất công nơi con người?

a) Đây cũng là một điều rất khó hiểu đối với trí khôn của con người, vì một đàng chúng ta tin chắc Thiên Chúa là Đấng toàn năng và đầy lòng từ bi thương xót, nhưng đàng khác, thực tế chúng ta lại gặp thấy biết bao tai ương cùng những bất công nơi con người.

- Theo Giáo lý Công giáo thì đau khổ tai họa là hậu quả của tội lỗi: Đầu tiên, Thiên Chúa tạo dựng nên con người để họ được chia sẻ hạnh phúc với Ngài. Nhưng để họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc ấy, Thiên Chúa đã thử thách lòng tin yêu của họ. Nguyên tổ Ađam Evà đã không vượt qua được sự thử thách của Thiên Chúa khi chọn làm điều xấu, cố tình lỗi lệnh Chúa truyền (x. St 2,16-17; 3,1-7), nên hai ông bà đã bị phạt bị mất tất cả những gì đang được hưởng: “Từ nay đàn bà sẽ phải đau đớn lúc sinh con… đàn ông phải lam lũ vất vả, phải đổ mồ hôi để có bát cơm ăn, phải đau khổ và phải chết nữa.” (St 3,16-19). Từ đó, do hậu quả của tội tổ tông này, mà đau khổ đã lọt vào thế gian, và rồi các tội riêng của con người tiếp tục gây đau khổ cho nhau.

- Nếu là những tai hoạ do loài người gây nên như: chiến tranh, giặc giã thì những tai hoạ ấy hoàn toàn do lỗi của con người chứ không phải do sự sắp đặt của Thiên Chúa. Loài người đã lạm dụng tự do để chọn lối sống tham lam ích kỷ, lợi dụng khoa học để chế tạo ra những thứ vũ khí giết người hàng loạt… gây ra biết bao đau khổ cho đồng loại. Thiên Chúa là Tình Yêu, không muốn cho con người bị đau khổ, nên đã biến những tai hoạ kia trở nên nguyên nhân đem lại hạnh phúc cho những kẽ biết phó thác cậy trông và đi theo con đường yêu thương của Đức Giêsu.

Trong thực tế, chúng ta thấy rằng: tai hoạ đến với người này lại có thể là may mắn đối với người khác: người bệnh tật thì đau khổ nhưng lại là cơ hội cho giới y sĩ có việc làm, cũng như một cơ may giúp các nhà bác học phát minh ra những thứ thuốc mới hữu hiệu hơn. Hơn nữa, ngay trong cái khổ cũng có cái sướng và ngược lại cái sướng hôm nay có thể trở thành nguyên nhân gây đau khổ ngày mai. Chẳng hạn: một người nghèo khổ bỗng nhiên trúng số trở thành giàu có là sự may mắn. Nhưng nếu họ không khéo sử dụng thì sự giàu có ấy có thể làm họ phạm tội, hoặc trở thành nguyên nhân khiến họ phải chịu đau khổ nhiều hơn. Từ đó cho thấy: đau khổ thực ra chỉ là tương đối, sống trên đời không ai hoàn toàn sướng và cũng không ai phải chịu đau khổ hoàn toàn. Điều quan trọng là người ta có biết chấp nhận hoàn cảnh và cố gắng vượt qua hay không. Chính điều này sẽ giúp họ luôn luôn bình an là nguồn hạnh phúc.

- Còn những tai hoạ thiên nhiên như động đất, bão lụt, mất mùa… đã gây ra cho loài người những hậu quả thảm khốc là kết quả của một thế giới tương đối, nhờ có con người mới dễ nhận biết chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng hoàn hảo tuyệt đối và là cùng đích của vạn sự vạn vật mà thôi.

Những khuyết điểm của vũ trụ ấy là do Thiên Chúa cho phép xảy ra, để nhắc nhở con người: thế gian này là nơi tạm gởi. Chỉ có thiên đàng đời sau mới là quê thật vĩnh cửu của chúng ta.

Hơn nữa, Thiên Chúa cũng cố ý sáng tạo nên vũ trụ có khuyết điểm để con người được vinh dự công tác với Ngài bằng cách dùng trí khôn Chúa ban hoàn tất những gì còn khuyết điểm nơi thụ tạo. Có như thế, con người mới chứng tỏ sự cao quý của loài có trí khôn trổi vượt trên mọi loài vật khác.

b) Tất cả những giải đáp nói trên cũng không đủ để làm thỏa mãn đối với những người gặp phải đau khổ nặng nề. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có Đức Tin mới giải quyết được vấn đề đau khổ. Vì tất cả những thử thách, đau khổ một phần là do Thiên Chúa để mưu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta.

Những đau khổ con người phải chịu còn giúp thanh luyện tâm hồn con người, giúp họ sớm trưởng thành, và có dịp lập công đền tội ngay ở đời này. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương chịu đựng đau khổ cho con người: Người vô tội, nhưng đã tình nguyện chịu đau khổ và tự hiến mạng sống mình trên cây thập giá vì chúng ta. Ngài đã đi bước trước và mời gọi chúng ta đi theo: “Nếu ai muốn theo thầy, hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mà theo Thầy.” (Lc 9,23). Từ đây, người tín hữu có thể tìm thấy niềm vui ngay trong những đau khổ họ chịu vì danh Chúa (x. Cv 5,41). Vì sự đau khổ làm cho họ nên giống Chúa hơn (x. Pl 3,10).

Cũng từ ngày Chúa Giêsu làm gương can đảm chịu đau khổ, thì đối với những tâm hồn anh dũng theo Chúa, sự đau khổ đã trở nên nguồn sinh lực dồi dào và là điều kiện để được ơn cứu rỗi. Do đó, những người từ khi mới sinh đã bị thua thiệt đau khổ cũng không nên buồn rầu, than thân trách phận, vì cuộc đời con người không phải là tất cả, và chết không phải là hết. Những đau khổ họ chịu đời này vài ba chục năm có đáng là gì so với đời sống vĩnh hằng đời sau.

TÓM LẠI

Thiên Chúa thực sự là Tình Yêu và muốn chia sẻ hạnh phúc của Ngài cho chúng ta. Ngài tạo dựng nên con người để họ được thông phần hạnh phúc với Ngài. Nhưng có những kẻ bị phạt muôn đời trong hoả ngục là hoàn toàn do sự cố chấp của họ. Cũng thế, ngay trên trần gian này, con người phải chịu đau khổ cũng là do lỗi của con người. Tuy đau khổ là điều bất lợi về một phương diện, nhưng đau khổ cũng chỉ là tương đối, và nếu xét về phương diện khác thì đau khổ lại là điều cần thiết để thanh luyện tâm hồn và giúp ta lập được nhiều công nghiệp cho đời sau. Trong thực hành, mỗi khi gặp phải đau khổ, thay vì kêu trách Thiên Chúa, chúng ta hãy bình tĩnh giải quyết. Nếu đã cố gắng hết sức mà vẫn không thể thắng vượt được trở ngại, chúng ta sẽ sẵn sàng đón nhận với một tinh thần phó thác cậy trông vào Chúa Quan Phòng: Ngài luôn muốn làm điều lành cho ta. Ngài cũng có thể rút từ sự dữ ra sự lành cho con người. Bấy giờ thái độ can đảm ấy sẽ trở lên nguyên nhân giúp ta được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA:
“Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài mà được cứu độ.” (Ga 3,17).

2) LỜI CẦU

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, Chúa đã chấp nhận chết trên Thập giá để đền tội thay cho chúng con và đã sống lại để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin giúp chúng con nhận ra giá trị của đau khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày, để chúng con noi gương Chúa sẵn sàng chịu đựng những đau khổ thập giá là sự trái ý cực lòng, những bệnh tật rủi ro và những đau khổ do người chung quanh gây ra, hầu được gia tăng lòng tin cậy mến đối với Chúa và tích cực cộng tác với Chúa đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. AMEN.

PHỤ CHÚ

1. BỆNH TẬT CŨNG LÀ MỘT ÂN HUỆ, NẾU BIẾT SỬ DỤNG SẼ CÓ ÍCH CHO TA

INHAXIÔ LÔIÔLA (IGNACE DE LOYOLA) là một sĩ quan trẻ tuổi rất háo danh, hay nóng giận, nhưng có tài chỉ huy. Một hôm, khi dẫn quân lính đi đánh trận, chẳng may anh bị thương gãy chân, phải nằm nhà thương điều trị. Trong thời gian dưỡng bệnh, anh tìm đọc sách tiểu thuyết giải khuây. Trong số các sách ở bệnh viện, cũng có những sách về cuộc đời Chúa Cứu Thế và hạnh các thánh. Lần đầu cầm cuốn sách đạo, Inhaxiô cảm thấy ngại ngùng, nhưng vì đã đọc hết các sách truyện khác, nên anh cũng đọc cho đỡ buồn. Sau khi đọc xong mấy cuốn, Inhaxiô đột nhiên khám phá ra những tư tưởng mới lạ có sức biến đổi cuộc đời của anh. Anh đã nhận ra lòng nhân từ mạnh hơn sự thù oán, lòng sốt sắng có sức chinh phục các linh hồn cách hữu hiệu.

Rồi với tâm hồn cao thượng, và với ơn Chúa Thánh Thần thôi thúc, Inhaxiô tự nhủ mình: “Phanxicô và Đôminicô làm được những việc vĩ đại, tại sao tôi lại không làm được?” Từ đó, anh đã quyết định theo gương hai vị thánh trên để trở thành một tu sĩ gương mẫu và thiết lập một dòng lớn vào bậc nhất của Giáo hội - Đó là dòng Chúa Giêsu (Dòng Tên) và sau này anh đã được phong thánh.

2. TẤM GƯƠNG CHỊU ĐAU KHỔ CỦA THÁNH GIÓP THỜI CỰU ƯỚC

GIÓP Là một người công chính, kính sợ Thiên Chúa. Ông cũng được Chúa ban cho sự giàu sang và con cái đầy đàn. Nhưng rồi, một ngày kia, để thử thách đức tin của Gióp, Thiên Chúa đã để mặc Gióp cho Sa-tan làm hại: các con ông bị chết hết, của cải sự nghiệp cũng bị tiêu tan. Cuối cùng Gióp còn bị mang bệnh cùi hủi, đến nỗi phải ở riêng một mình, ngồi trên đống tro và lấy mảnh sành cạo những con dòi đang rúc rỉa thân xác ông.

Trước những tai họa dồn dập, Gióp vẫn một lòng trông cậy Chúa, mặc cho những lời dèm pha của bạn bè, những lời nhiếc mắng của bà vợ ông. Ông nói: “Thiên Chúa đã ban mọi sự cho tôi, bây giờ Ngài lấy lại, xin ngợi khen Chúa”.

Cuối cùng Satan đã chịu thua và Thiên Chúa đã khen lòng trung thành của ông. Ngài đã trả lại cho ông tất cả những gì ông bị mất, và ông còn được Thiên Chúa ban nhiều con cái và của cải hơn trước.

III. VỀ SỰ THƯỞNG PHẠT CỦA THIÊN CHÚA

VẤN ĐỀ 13:
Nếu có Thiên Chúa thì tại sao Ngài lại để cho những người tin thờ Ngài phải thua thiệt nghèo khổ? Tại sao Ngài không phạt thẳng tay, tru diệt những kẻ chống lại Ngài?

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY

1. ĐẶT VẤN ĐỀ


Tại sao nhiều kẻ không tin thờ Thiên Chúa mà vẫn được giàu có và làm việc thành công, đang khi nhiều người tin thờ Thiên Chúa lại lâm cảnh nghèo đói và làm ăn thất bại? Tại sao Thiên Chúa không trừng phạt, tru diệt những kẻ chống lại Ngài và ban ơn cho những người tin thờ Ngài?

2. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1) Tại sao kẻ không tin thờ Thiên Chúa vẫn được may lành và ngược lại: nhiều kẻ tin thờ Thiên Chúa lại bị nghèo khó đau khổ?

- Thực ra Thiên Chúa không phải là loài người nên có lối hành xử không giống như phàm nhân chúng ta. Ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm lời Đức Chúa phán: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.” (Is 55,8-9).

- Thiên Chúa làm những điều mà người đời khó lòng hiểu thấu được. Chẳng hạn, loài người thường yêu những ai yêu mình và ghét những ai chống lại mình. Đang khi “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,16): Ngài yêu thương và đối xử từ bi nhân hậu đối với mọi người, kể cả những kẻ không tín thờ Ngài như lời Đức Giêsu: “Thiên Chúa nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (Lc 6,35-36). Ngài yêu thương và xuống ơn lành cho cả người lành cũng như kẻ dữ: “Thiên Chúa cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,45).

2) Tại sao nhiều kẻ không tin thờ Thiên Chúa mà vẫn làm ăn thành công phát đạt, đang khi nhiều người tin thờ Thiên Chúa lại làm ăn thất bại và bị nghèo đói? Phải chăng tin thờ Thiên Chúa là điều uổng công vô ích?

- Khi sáng tạo trời đất muôn vật, Thiên Chúa đồng thời dựng nên các định luật thiên nhiên, để muôn vật muôn loài được tồn tại và ngày một tiên hóa theo thánh ý Chúa. Loài người chúng ta dù tin Thiên Chúa hay không, cũng đều phải tuân theo các định luật thiên nhiên do Ngài đã an bài. Chẳng hạn, muốn làm việc thành công cần hội đủ 3 điều kiện là “thiên thời, địa lợi và nhân hoà”; muốn có mùa gặt bội thu cần phải gieo trồng giống lúa tốt theo đúng kỹ thuật và hợp thời vụ; muốn bán được nhiều hàng hoá phải áp dụng kỹ thuật quảng cáo và biết cách xã giao; muốn khỏi bệnh nan y phải đi khám bệnh rồi làm theo lời khuyên cũng như uống thuốc đúng liều lượng theo toa bác sĩ… Một người tin thờ Thiên Chúa nhưng lại chỉ biết cầu khấn suông mà không làm theo các quy luật tự nhiên do Thiên Chúa đã an bài, thì chắc sẽ không đạt được thành công bằng một người tuy vô tín, nhưng lại biết khôn ngoan tìm hiểu và làm việc cách khoa học, sẵn sàng áp dụng các định luật thiên nhiên do Thiên Chúa đã an bài…

- Tuy nhiên, trường hợp người tin thờ Chúa mà dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thành công do gặp phải thiên tai, bị rủi ro tai nạn… thì cũng đừng ngã lòng trông cậy. Nhưng hãy kiên vững niềm tin vượt qua thử thách. Hãy luôn tin cậy vững vàng vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Vì “sau cơn mưa rồi trời sẽ lại sáng; sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai…” Hãy kiên trì vừa cầu xin Chúa ban ơn, lại vừa học hỏi để tìm ra giải pháp hoàn hảo đúng đắn hơn thì cuối cùng sẽ thành công. Còn những kẻ vô tín mà được giàu có do lòng tham giam và lối hành xử bất công gian ác cũng đừng vội hả hê về thái độ bất tín vô ơn của mình, vì Thiên Chúa vẫn luôn hiện hữu cho dù người đời có công nhận Ngài hay không. Sự thưởng phạt công minh của Thiên Chúa sớm muộn cũng sẽ xảy ra ngay ở đời này như người ta thường nói “ở hiền gặp lành”; “ác giả ác báo”; “trời xanh có mắt”; “lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt”, “lên voi xuống chó”… Ngoài ra, còn có sự phán xét cuối cùng đang chờ mọi người trong giờ chết và trong ngày tận thế. Bấy giờ Chúa sẽ đến tái lập trật tự: Kẻ nghèo khó sẽ được ở trong lòng của tổ phụ Abraham. Con những người giàu có bất nhân bất tín sẽ bị đau khổ trong lửa hoả ngục muôn đời (x. Lc 16,25-26).

- Hơn nữa, Đức Giêsu cũng cho thấy giá trị thanh luyện của đau khổ thập giá và chính Người đã chọn đi con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” để cứu độ loài người theo thánh ý Thiên Chúa. Người mời gọi những ai muốn theo làm môn đệ của Người phải “bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người” (Mt 16,24). Người cũng đòi những ai muốn vào Nước Trời phải dứt bỏ lòng tham lam của cải bất chính và chọn đi theo con đường hẹp và leo dốc. Người cho thấy sự bất lợi của giàu có: “Thầy bảo thật anh em: Người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” (Mt 19,23-24). Người chúc phúc cho những người nghèo khó khiêm nhu: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa lả của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười” (Lc 6,20-21). Chúa đến thiết lập một trật tự mới như Ngài đã thực hiện trong lịch sử Israel mà Đức Maria đã khẳng định: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1,52-53).

- Đàng khác, ngoài cuộc sống tạm ở đời này, vẫn còn một cuộc sống vĩnh hằng ở đời sau: Đến ngày tận thế, mọi người đã chết sẽ trỗi dậy để chịu phán xét chung (x. Mt 13,41-43). Trong thời gian còn sống, những kẻ vô tín và gian ác cần phải kíp thời hồi tâm sám hối, bỏ con đường gian ác để sống theo con đường mến Chúa yêu người theo ý Thiên Chúa. Vì thời gian của tình yêu và lòng nhân từ có giới hạn. Vào lúc họ không ngờ, vào giờ họ không biết, Vua Thẩm Phán Giêsu sẽ đến với mỗi người trong giờ chết, và sẽ tái lâm trong ngày tận thế phán xét chung toàn nhân loại để thưởng kẻ lành và phạt kẻ dữ (x. Mt 24,36). Cuối cùng kẻ gian ác sẽ “ra đi để chịu cực hình muôn kiêp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,46).

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA:
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,43-45).

2) LỜI CẦU

Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót! Xin giúp mọi người trên thế giới nhận ra quyền năng và tình thương của Cha để tin thờ yêu mến Cha và sống hiếu thảo với Cha noi gương Con yêu quý của Cha là Đức Giêsu. Xin giúp mỗi tín hữu chúng con biết sống đức tin bằng việc thực thi đức cậy và đức mến trong cuộc sống hằng ngày, để chúng con nên chứng nhân tinh yêu của Cha, hầu đưa được nhiều người về làm con cái Cha và sau này cùng được chia sẻ niềm hạnh phúc đời đời với Cha trên Nước Trời. AMEN.

IV. SỰ CÔNG BẰNG CỦA THIÊN CHÚA VÀ HÌNH PHẠT HOẢ NGỤC

VẤN ĐỀ 14: Nói rằng Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng. Vậy tại sao Ngài lại nhẫn tâm phạt những người chỉ phạm một tội trọng trong giây lát, phải chịu hình khổ hỏa ngục đến muôn đời?

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY

1. HOẢ NGỤC LÀ MỘT THỰC TẠI CHẮC CHẮN


Giáo hội không bày ra hỏa ngục để dọa những người dễ tin, làm cho họ sợ hãi mà sống ngay lành như có người lầm tưởng. Quả thực Hỏa ngục là một thực tại mà chính Đức Giêsu và các Tông đồ đã nhiều lần nhắc đến:

1) Đức Giêsu nói về hoả ngục: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; Thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” (Mc 9,43-47).

 2) Đức Giêsu cũng hứa thiên đàng với người trộm lành trên cây thập tự: “Tôi bảo thật anh: Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,43). Trong dụ ngôn người phú hộ và người nghèo Lazaro, Đức Giêsu nói đến số phận của hai người khác nhau: người nghèo khó Lazaro được đưa vào trong lòng ông Abraham trên thiên đàng, còn người phú hộ phải vào trong âm phủ để chịu cực hình (x. Lc 16,22-23). Thánh Phaolô cũng đề cập đến thiên đàng trong thư gửi giáo đoàn Côrintô: “Điều mắt chúng ta chưa hề thấy, tai chưa hề nghe, lòng chưa hướng tới, đó là những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho kẻ yêu mến Ngài.” (1 Cr 2,7-10).

3) Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy về thiên đàng: Ai chết trong ân sủng và tình nghĩa với Thiên Chúa, ai hoàn toàn được thanh luyện sẽ sống muôn đời với Đức Kitô. Họ luôn luôn giống Thiên Chúa, vì họ đã thấy Ngài như Ngài hiện hữu, mặt đối mặt như trong thư Gio-an có viết: “Chúng ta biết rằng, khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người. Vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.” (1 Ga 3,2b)… Mầu nhiệm này vượt quá mọi hiểu biết và có một số hình ảnh biểu trưng: sức sống, ánh sáng, bình an, tiệc cưới, rượu thiên quốc, nhà Cha, Giêrusalem trên trời, thiên đàng… (GLCG số 1023-1029).

4) Như vậy, chắc chắn có hoả ngục và hình phạt trong hỏa ngục thì kéo dài đời đời như lời Đức Giêsu đã nói: “Lửa đời đời, lửa không hề tắt.” Và những người bị đày trong hoả ngục phải chịu 2 thứ khổ hình: Về tinh thần: Bị lương tâm cắn rứt vì phải lìa xa Thiên Chúa muôn đời. Về thể xác, phải chịu hình khổ thiêu đốt giống như lửa hồng nung nấu và “ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng” (x. Mt 22,13).

Những hình khổ vừa nói thực nặng nề khủng khiếp. Nhưng có người đặt vấn đề: Tại sao Thiên Chúa là Đấng công bằng và nhân từ vô cùng lại nhẫn tâm phạt xuống hoả ngục đời đời, đang khi con người chỉ phạm một tội trọng trong chốc lát?

2. HOẢ NGỤC KHÔNG TRÁI VỚI ĐỨC CÔNG BẰNG VÀ LÒNG NHÂN TỪ CỦA CHÚA

1) Hoả ngục sẽ là bất công nếu người bị đầy xuống đó chỉ vì phạm những tội nhẹ, hoặc phạm tội nặng nhưng do nhất thời muốn được giải thoát khỏi cơn đau khổ cùng cực, hoặc nhất thời không cưỡng lại được dục vọng nơi bản thân, lời xúi của bạn bè xấu, cám dỗ của ma quỷ…

Nhưng thực ra không phải vậy: chỉ những kẻ thực sự phạm tội nặng, nghĩa là chỉ những người biết rõ ràng đó là tội nặng mà cố tình từ chối lời nhắc bảo của Thiên Chúa qua tiếng nói lương tâm và của nhiều người thân… Có sự tự do chứ không bị ép buộc để chọn làm điều xấu và có thái độ cố chấp quyết tâm không chịu hồi tâm hối cải… thì mới phải chịu hình phạt hoả ngục.
Hoả ngục được lập ra dành cho ma quỷ và nhừng kẻ làm tay sai cho chúng: Khi chúng ta thấy một người tín hữu xưa nay vần sống tốt lành, thánh thiện, nhưng đột nhiên nghe tin người này do lâm vào hoàn cảnh bất thường là uống rượu say sỉn, bị mất lý trí nên đã phạm tội tà dâm, rồi bị kẻ xấu gài bẫy tống tiền đã uất ức giết kẻ tống tiền kia… Trong trường hợp này, chúng ta đừng vội lên án họ là kẻ xấu và kết án họ phải sa hoả ngục. Hãy nhìn vào cách ứng xử của Đức Giêsu đối với tội nhân trong Tin Mừng để thấy được lòng từ bi nhân hậu của Người đối với tội nhân: Người ngồi đồng bàn ăn uống với bọn người thu thuế tội lỗi bị người Dothái khinh dể; Người bênh vực người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và đã cứu chị khỏi bị án ném đã chết; Người đến ở trọ nhà ông Giakêu là trùm thu thuế khét tiếng bóc lột ở thành Giêricô; Người sẵn sàng thu nhận một người thu thuế tên Lêvi vào Nhóm Mười Hai Tông Đồ và tiếp nhận cô Maria Mađalêna bị mang tiếng bảy quỷ ám vào hàng ngũ các môn đệ; Người sẵn sàng tha tội cho tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh tỏ lòng ăn năn sám hối; Người sẵn sàng tha tội chối Thầy 3 lần cho ông Phêrô… Như vậy, chỉ những kẻ cố chấp không tin và cố tình không chịu hồi tâm sám hối như các biệt phái và luật sĩ Dothái mới bị loại khỏi Nước Trời, và những kẻ cố tình làm ngơ không thực hành bác ái cụ thể, hoặc nghe lời cám dỗ của ma quỷ để phản nghịch với Thiên Chúa mới bị phạt trong hoả ngục, “nơi dành cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41).

2) Hoả ngục sẽ là bất công nếu người bị đầy xuống đó không được cảnh báo trước

Nhưng thực ra không phải vậy: Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Đức Giêsu xuống thế để dạy loài người biết được con đường dẫn đến sự sống đời đời. Đức Giêsu đã thiết lập Hội Thánh để loan báo Tin Mừng khắp thế gian, giúp loài người nhận biết tin thờ Thiên Chúa và sống theo con đường của Thiên Chúa để được ơn cứu độ. Trong dụ ngôn về người nhà giàu bị phạt trong hỏa ngục đã ghi lại câu nói của tổ phụ Abraham cho thấy chỉ những người cố chấp mới phải chịu hình phạt hỏa ngục: “Môsê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc 16,31). Trong buổi triều yết chung ngày 28 tháng 7 năm 1999, Đức Gioan Phaolô II đã nói: “Hoả ngục chỉ tình trạng của những người tự do và cố ý  tách rời khỏi Thiên Chúa, nguồn của mọi sự sống và niềm vui.” Nói cách khác, người ta chỉ có thể vào hoả ngục khi người ta muốn, và do đó không mâu thuẫn gì đến chân lý Thiên Chúa là Tình Yêu.

Còn những ai khi còn sống trên trần gian không được nghe giảng Tin Mừng của Đức Giêsu, nhưng vẫn theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để tin Người vào giờ sau hết, và sẽ được phán xét công minh theo lương tâm ngay lành của họ.

3) Hoả ngục sẽ là bất công, nếu con người không được ơn Chúa trợ giúp

Nhưng thực ra không phải vậy: Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân hậu, là tình yêu tuyệt đối, đã ban cho mọi người những ơn cần thiết để cho họ được ơn cứu độ như Thánh Phaolô dạy: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ, và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Nơi khác ngôn sứ Êdêkien đã tuyên sấm lời Đức Chúa: “Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết. Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?” (Ed 18,23). Thánh Phêrô cũng viết: “Chúa kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải.” (2 Pr 3,9).

TÓM LẠI

Chúng ta có thể quả quyết: Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. chính tội nhân đã tự đày mình vào hoả ngục, khi cố tình làm ác và không chịu hồi tâm sám hối trở về làm hoà với Chúa, như Đức Giêsu đã nói về tội cứng lòng của các kinh sư Dothái: “Thầy bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,28-29). Tội cứng lòng là tội chống lại ơn thánh hoá của Chúa Thánh Thần như bọn Biệt phái và kinh sư thời Đức Giêsu: “Vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của Ngôn sứ Isaia rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13,14-15).

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA:
Thánh Phêrô dạy: “Anh em thân mến, một điều duy nhất xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải. Nhưng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu huỷ.” (2 Pr 3,8-10).

2) LỜI CẦU

Lạy Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót! Cha đã sai Con Cha là Đức Giêsu đến dạy dỗ loài người chúng con nhận biết Cha. Người đã hy sinh chịu chết trên thập giá để đền tội thay và sống lại để ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cho chúng con biết đi theo con đường hẹp và sống tình mến Chúa yêu người noi gương Đức Giêsu để sau này được về trời hưởng hạnh phúc muôn đời với Cha. Xin đừng để chúng con cố chấp nghe theo ma quỷ cám dỗ mà làm điều gian ác, hầu tránh hình phạt hoả ngục, nơi dành cho ma quỷ và những ai đi theo chúng. AMEN.

PHỤ CHÚ

CÓ LUYỆN NGỤC KHÔNG?

Luyện ngục là môt tình trạng, trong đó những linh hồn chết trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa thánh thiện đủ để được hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa, nên cần được thanh luyện cho sạch mọi tì vết tội lỗi trước khi được Chúa cho về thiên đàng. Như vậy, luyện ngục không những là một điều hợp lý theo sự khôn ngoan và đức công bình của Thiên Chúa, mà còn là một chân lý đức Tin dựa trên Lời Chúa trong Thánh Kinh và được Hội Thánh xác nhận.

1. CÁC BẰNG CHỨNG VỀ LUYỆN NGỤC

a) Thánh Kinh Cựu và Tân Ước

- Câu chuyện về một Thủ lãnh dân Do Thái là ông Macabê: Sau khi chiến thắng quân thù, do tin có sự sống lại của những kẻ đã chết, nên đã quyên góp được một số tiền gửi về Đền thờ Giêrusalem xin dâng lễ đền tội cầu cho các chiến binh tử trận. Tác giả Sách Thánh thuật lại: “Ông Giuđa quyên được khoảng hai ngàn quan tiền và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội cho họ; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi.” (2 Mcb 12,43-46).

- Đức Giêsu cũng ám chỉ phần nào về tình trạng luyện ngục khi Người nói: “Thầy bảo thật cho anh biết: Anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.” (Mt 5,26).

- Dựa vào những đoạn Thánh Kinh nói trên, ta có thể biết được: Có một tình trạng gọi là luyện ngục, trong đó những linh hồn chưa được lên trời vì còn tội phải đền, hoặc những linh hồn tuy không bị hình phạt hoả ngục do không cố tình phạm tội chống lại Thiên Chúa, nhưng họ sẽ bị giam cầm cho tới khi đền tội xong hoặc được thanh tẩy hết mọi bợn nhơ tội lỗi.

b) Giáo huấn Hội Thánh trong các văn kiện Công Đồng: Chân lý có luyện ngục đã được Hội Thánh xác định trong nhiều giáo huấn của các Công đồng:

- Công đồng Lyon (1245 và 1247), Công đồng Florence (1438-1445) và nhất là Công đồng Trentô (1545-1563) trong khoá 6, số 22 và 25 dạy: “Ai dám quả quyết sau khi được ơn thánh sủng, tội lỗi được tha và hình phạt đời đời được xóa bỏ cho các hối nhân, và không có hình phạt tạm bởi tội ở đời này cũng như trong luyên ngục trước khi cửa Thiên đàng được mở, thì kẻ ấy phải vạ tuyệt thông.”

- Công đồng Trentô khoá 25, ngày 4 tháng 12 năm 1563 tuyên ngôn thêm: “Giáo hội Công Giáo được Chúa Thánh Thần dạy, theo các văn kiện và truyền thống xa xưa của các Giáo phụ, và mới đây trong Công đồng này dạy: Có luyện ngục, và các linh hồn được thanh tẩy tại đó, được giúp đỡ nhờ những lời cầu nguyện của các tín hữu, và nhất là do công nghiệp thánh lễ Misa."

- Công đồng Vatican II (năm 1962-1965) trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội đã tuyên bố chỉ có một Hội Thánh nhưng gồm 3 tình trạng: Một là Hội Thánh lữ hành ở trần gian; hai là Hội Thánh đau khổ đang được tinh luyện; ba là Hội Thánh chiến thắng trên thiên đàng: “Cho tới khi Chúa ngự đến trong uy nghi, có tất cả các thiên thần theo Người, và khi sự chết bị huỷ diệt, mọi vật đều quy phục Người, thì trong số các môn đệ Chúa, có những kẻ còn tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống và đang được tinh luyện, và có những kẻ đã được hiển vinh đang chiêm ngưỡng rõ ràng chính Thiên Chúa duy nhất trong Ba ngôi như Ngài hằng có.” (GH 49)

2. VỀ CÁC HÌNH PHẠT TRONG LUYỆN NGỤC VÀ SỰ TRỢ GIÚP

a) Các linh hồn đang trong tình trạng thanh luyện phải chịu những hình phạt đau khổ không rõ như thế nào. Nhưng có lẽ đau khổ nhất là họ chưa được hiệp thông với Thiên Chúa là Tình Yêu. Tuy vậy, họ cũng vẫn vui mừng trông cậy sẽ được Chúa tha thứ và sẵn lòng chịu đau khổ để được thanh luyện cho đến khi hoàn toàn nên tinh sạch và được về thiên đàng hưởng Nhan Thánh Chúa.

b) Ngoài ra, các linh hồn đang được thanh luyện trong tình trạng luyện hình cũng được hưởng những việc lành phúc đức của các tín hữu còn sống theo tín điều Các Thánh Thông Công. Chân lý này an ủi những người còn sống có người thân qua đời, vì họ vẫn có thể giúp đỡ các linh hồn ấy bằng việc thực hiện các việc bác ái từ thiện, bằng lời cầu nguyện hy sinh, hưởng các ân xá và thi hành những việc đền tạ nhất là bằng việc dâng thánh lễ cầu nguyện cho các người thân qua đời. Bù lại, các linh hồn trong tình trạng thanh luyện cũng có thể cầu nguyện cho các tín hữu còn sống. Đó là lý do tại sao ông Giuđa Macabê đã truyền phải dâng hy lễ đền tội cho các người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình (x. 2 Mcb 12,46).

c) Sau cùng, tình trạng luyện ngục cũng chỉ tạm thời mà thôi. Đến ngày tận thế, sau khi thân xác mọi người đã chết đều được Chúa dùng quyền năng cho sống lại để chịu phán xét chung thì bấy giờ sẽ chỉ còn thiên đàng và hoả ngục mà thôi.

V. VỀ LÒNG NHÂN HẬU CỦA THIÊN CHÚA VÀ ÁN TRU HIẾN

VẤN ĐỀ 15:
Nói Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng từ bi và thương xót. Vậy tại sao trong Thánh Kinh Cựu Ước lại có điều luật Môsê xem ra tàn bạo như án tru hiến, qua đó Đức Chúa truyền cho dân Israel phải tiêu diệt mọi kẻ thù khi tiến chiếm được một thành nào tại hứa địa. Chẳng hạn như khi họ đánh chiếm thành Giêrikhô?

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY


1. Kinh Thánh Cựu Ước cho thấy: Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương đối với Israel là con dân của Ngài. Rồi Kinh Thánh Tân Ước lại cho thấy Thiên Chúa là Cha chung đầy tình thương với mọi người và mọi dân tộc:

*** CỰU ƯỚC

1) Đức Chúa âu yếm con dân Israel như mẹ hiền với đứa con thơ: Ngôn sứ Isaia tuyên sấm lời Đức Chúa: “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa. Núi non hãy bật tiếng hò reo. Vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn, và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người. Xion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ!” (Is 49,13-15).

2) Đức Chúa ân cần chăm sóc dân Israel như Mục Tử tốt lành chăm sóc đàn chiên: Ngôn sứ Êdêkien đã tuyên sấm Lời Chúa: “Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta. Chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm. Con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về. Con nào bị thương, Ta sẽ băng bó. Con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh. Con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (Ed 34,15-16).

3) Đức Chúa tỏ tình thương với dân Israel như với một tình nhân: Hôsê đã dùng kiểu nói bóng để diễn tả tình yêu của Đức Chúa đối với dân Israel: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng Akho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai Cập.” (Hs 2,16-17). “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.” (Hs 2,21-22).

4) Đức Chúa là Đấng từ bi nhân hâu: Thánh vịnh 103 đã ca tụng tình thương của Thiên Chúa: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” (Tv 103,8-11.13).

5) Đức Chúa yêu thương mọi tạo vật do Ngài tác tạo: Tác giả sách Khôn Ngoan chứng thực điều này khi kêu lên: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra. Vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.” (Kn 11,24). “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống. Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa.” (Kn 11,26).

*** TÂN ƯỚC

Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho loài người biết Ngài là tình yêu: Thánh Gioan Tông đồ viết: “Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4,16). Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Ngài:

1) Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất muôn vật: Tin Mừng Gioan viết: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành.” (Ga 1,1-3).

2) Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm cho loài người, bằng việc sai Con Một nhập thể làm người là Đức Giêsu, để dạy cho loài người nhận biết Thiên Chúa yêu thương và mở ra một con đường mang lại sự sống đời đời cho loài người là đạo Công giáo. Cuối cùng, Đức Giêsu đã sẵn sàng chấp nhận chịu khổ hình thập giá để đền tội thay cho loài người và ngày thứ ba Người đã từ cõi chết sống lại để phục hồi sự sống cho loài người. Cuộc đời của Đức Giêsu đã biểu lộ tình yêu thương vô cùng của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua việc tình nguyện chịu chết trên cây thập giá như Người đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13).

3) Đức Giêsu đã yêu thương môn đệ đến cùng nên đã lập Bí tích Thánh Thể: Tin mừng Gioan viết: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (Ga 13,1). Người đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để ban sự sống đời đời cho những ai tin và ăn Thịt uống Máu Người cách mầu nhiệm khi cử hành bữa tiệc Thánh Thể (x. Ga 6,48-51). Người còn hứa sẽ ở lại với các môn đệ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).

4) Đức Giêsu dạy môn đệ yêu thương nhau như Thầy, và coi yêu thương nhau là dấu hiệu môn đệ thực sự của Người: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35).

5) Đức Giêsu dạy yêu thương không những bằng lời nói mà còn bằng hành động: Luôn sẵn sàng tha thứ lỗi lầm cho nhau: “Thầy không bảo là tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22); rửa chân hầu hạ lẫn nhau (x. Ga 13,4-15); quảng đại chia sẻ cơm bánh vật chất cho nhau: Cảm thông và nhân bánh ra nhiều cho những kẻ đang đói được ăn no (x. Lc 9,12-17); quan tâm phục vụ nhau: chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỷ ra khỏi người bị chúng ám, chữa người bị kinh phong, bại liệt (x Mt 4,24); yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ đang thù ghét bách hại mình “hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44)…

2. Như vậy, cả Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đều cho thấy Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, giàu lòng từ bi thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan dung. Tuy nhiên, tại sao trong Luật Môsê lại ghi lại một số lệnh truyền của Đức Chúa cho dân Israel phải thi hành gọi là ÁN TRU HIẾN VÀ BIỆT HIẾN? Một số đoạn Sách Thánh đã ghi lại việc dân Israel đã thi hành án tru hiến và biệt hiến như sau:

1) Sách Đệ nhị luật (Chương 7 và chương 20) ghi các Luật Môsê về “án tru hiến” và Biệt hiến.

- “Khi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) trao chúng cho anh (em) và anh (em) đánh bại chúng, thì anh (em) phải tru hiến chúng, không được lập giao ước với chúng và không được thương xót chúng. Anh (em) không được kết nghĩa thông gia với chúng: Không được gả con gái anh (em) cho con trai chúng và cưới con gái chúng cho con trai anh (em). Vì điều đó sẽ khiến con trai anh (em) không còn theo Đức Chúa nữa, nó sẽ thờ những thần khác. Bấy giờ, Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ với anh (em) và sẽ mau chóng tiêu diệt anh (em). Nhưng anh (em) phải xử với chúng thế này: bàn thờ của chúng phải bị phá hủy; Trụ đá của chúng phải bị đập tan; Cột thờ của chúng phải được chặt đi; Tượng thần của chúng phải bỏ vào lửa thiêu. Thật vậy, anh (em) là một dân thánh hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em). Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) đã chọn anh (em) từ giữa muôn dân trên đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của Người,” (Đnl 7,2-6).

- “Khi chiếm đánh một thành, anh (em) phải kêu gọi họ giảng hòa. Nếu thành ấy đồng ý giảng hòa với anh (em) và mở cửa cho anh (em), thì toàn dân ở đó sẽ phải làm việc lao dịch cho anh (em) và làm tôi anh (em). Nhưng nếu thành ấy không chịu cầu hòa với anh (em) và khai chiến với anh (em), thì anh (em) sẽ vây hãm thành đó. Đức Chúa Thiên Chúa của anh (em) sẽ trao thành ấy vào tay anh (em), và anh (em) sẽ dùng lưỡi gươm giết tất cả đàn ông con trai trong thành. Chỉ có đàn bà con trẻ, gia súc và tất cả những gì ở trong thành, tất cả những gì chiếm được trong thành, thì anh (em) mới được giữ lấy làm chiến lợi phẩm. Anh (em) sẽ được ăn những gì đã chiếm của quân thù, những thứ mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) ban cho anh (em).” (Đnl 20,10-14).

2) Sách Dân số (21,1-3) và Thủ lãnh (1,13) đã đề cập tới việc hai anh em Simêon và Giu-đa đã thi hành án tru hiến khi chiếm được thành Khooc-ma thuộc xứ Canaan.

3) Sách Giôsuê (chương 6) kể lại việc dân Israel chiếm được thành Giêrikhô, rồi “phóng hỏa đốt thành cũng như tất cả những gì trong đó”, trừ gia đình cô Rakháp là người đã có công trợ giúp mấy người Israel đến do thám trước đó.

4) Sách 1 Các Vua (Chương 18) đã kể câu chuyện Ngôn sứ Êlia đã tiêu diệt 450 ngôn sứ của thần Baan trên núi Carmel: Bấy giờ dân Israel đã nghe hoàng hậu Ideven phá bỏ bàn thờ kính Đức Chúa để tôn thờ thần Baan và thần Asêra của dân ngoại. Để trung thành với giao ước đã được Môsê ký kết với Đức Chúa tại núi Xinai (x. Xh 24,4-8) và phục hồi lai đức tin tinh tuyền cho dân Israel, Ngôn sứ Êlia đã đứng ra công khai thách thức các ngôn sứ của thần Baan nhằm chứng minh cho vua Akháp và toàn dân Israel đâu là Thiên Chúa thực sự. Trước hết các ngôn sứ của thần Baan đã cầu khấn từ sáng tới chiều mà thần Ba-an vẫn im lặng. Đến lượt Êlia vừa cầu nguyện xong thì Đức Chúa đã khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt lễ vật là con bò mộng trên đống củi ướt đẫm nước trên bàn thờ. Sau khi chiến thắng, dưới sự chứng giám của Vua Akháp, Ngôn sứ Êlia đã dùng gươm giết sạch 450 ngôn sứ của thần Baan theo luật giao chiến thắng thua của thời bấy giờ (x. 1 V 18,20-40).

3. Về án Tru hiến và Biệt hiến

Nhằm mục đích kính dâng lên Thiên Chúa tất cả chiến lợi phẩm, Môsê đã ra luật: các sinh vật của kẻ thù đều phải bị tiêu diệt hiến tế dâng mạng sống cho Thiên Chúa (tru hiến); các đồ vật phải được dành riêng dùng vào việc thờ phượng trong nơi thánh (biệt hiến). Vậy những điều luật Môsê truyền như vậy có quá đáng không?

1) Giới hạn của Cựu Ước và Luật pháp Môsê

Chúng ta cần biết rằng: Dân Israel đã phải sống giữa các dân tộc ngoại giáo chung quanh có các nền văn hóa bán khai chứ không tiến bộ giống như ngày nay, tất nhiên dân Israel cũng chịu ảnh hưởng của những nền văn hoá đó. Vì thế trong sách Luật Môsê vẫn còn những điều gây phản cảm cho con người thời đại hôm nay, khi họ đọc thấy những gương xấu của một số tổ phụ, vua chúa, một số điều Luật Môsê xem ra tàn bạo và thiếu khoan dung. Chẳng hạn:

- Tổ phụ Giacóp đã giả dạng người anh song sinh là Êsau đánh lừa cha già Isaác bị mù loà sắp chết để nhận được lời chúc phúc của cha già trước khi qua đời (x. St 27,1-29).

- Một số hành động vô luân như: vua Đavít đã phạm tội ngoại tình với bà vợ của tướng Urigia là nàng Bátsêva xinh đẹp. Khi nàng có thai, Đavít tìm cách lấp liếm tội lỗi nhưng không thành. Cuối cùng vua đã phạm tội ác “giết chồng đoạt vợ” khi ngầm ra lệnh cho đại tướng Gioáp mượn tay quân thù ngoài mặt trận để hại chết tướng Urigia (x. 2 Sm 11,2-17).

- Một số hành động tàn bạo như ra lệnh thi hành án tru hiến: Tiêu diệt mọi kẻ thù già trẻ lớn bé trong thành bại trận như sách Giôsuê Chương 6 thuật lại việc ông Giôsuê ra lệnh cho con cái Israel: “Thành và mọi sự trong thành sẽ bị án tru hiến để kính Đức Chúa, chỉ có cô kỹ nữ Rakháp và một người ở với cô trong nhà là sẽ đuợc sống, vì cô đã giấu các sứ giả chúng ta sai đi. Tuy nhiên, anh em phải đề phòng án tru hiến, kẻo anh em bị án tru hiến vì lấy đồ vật nào trong số những gì bị án biệt hiến. Bằng không, anh em sẽ làm cho trại Israel phải bị án tru hiến, và như thế anh em gây tai hoạ cho trại. Tất cả vàng bạc, mọi đồ đồng, đồ sắt sẽ được thánh hiến cho Đức Chúa, và được xung vào kho tàng của Đức Chúa.” (Gs 6,17-19).

 - Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể như thế, Thiên Chúa đã huấn luyện Dân Dothái dần dần, dẫn đưa họ từ tình trạng vừa bị nô lệ về xã hội, lại vừa bị nô lệ về tâm linh do chịu ảnh hưởng của dân ngoại… để tiến đến tình trạng một dân tộc hoàn toàn tự do theo thánh ý Thiên Chúa.

2) Theo kế hoạch của Thiên Chúa, luật Môsê chỉ có giá trị tạm thời, như Đức Giêsu đã giải thích cho những người Pharisêu hiểu vì sao Luật Môsê cho phép ly hôn: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.” (Mt 19,8). “Thuở ban đầu” nghĩa là ý định nguyên thuỷ của Thiên Chúa như được nói trong sách Sáng thế. Luật Môsê có mục đích dẫn dắt những người “lòng chai dạ đá” dần dần đến với Đức Kitô là Ađam mới của nhân loại mới. Chính Đức Kitô được sai đến để kiện toàn Luật pháp Môsê bằng lời giảng dạy và bằng gương sáng.

- Tuy bộ luật Môsê còn hàm chứa nhiều bất toàn, nhưng so sánh với tập tục và cơ cấu xã hội của dân ngoại thời bấy giờ, thì đã có nhiều tiến bộ. Chẳng hạn, luật “mắt đền mắt, răng đền răng” (Xh 21,23-25) của Môsê nhằm hạn chế sự báo thù: Môsê đòi dân Israel khi báo oán cần phải có người làm trọng tài và không được gây thiệt hại cho kẻ thù quá mức thiệt hại họ đã gây ra cho mình. Cũng vậy đối với các nô lệ, trong khi luật của các dân khác cho người chủ nô toàn quyền sinh sát trên các nô lệ, thì luật Môsê hạn chế hình phạt của chủ dành cho nô lệ. Luật Môsê đòi người chồng muốn ly hôn phải trao cho vợ tờ ly thư để vợ cầm tờ giấy này có quyền đi lấy chồng khác, đang khi nơi các dân chung quanh chồng có quyền trừng phạt hành hạ vợ đến chết… Như vậy, so với các dân chung quanh thời đó, thì luật Mô-sê đã có sự nhân đạo và tiến bộ hơn nhiều.

3) Hơn nữa nên biết rằng: cho đến thế kỷ 2 trước Công Nguyên, dân Dothái vẫn chưa được Đức Chúa mặc khải về cuộc sống mai hậu của con người: Họ vẫn tin rằng sau khi chết, cả người lành lẫn kẻ dữ đều phải xuống nơi âm phủ. Thiên Chúa giàu tình thương và công bình sẽ thể hiện sự công minh của Ngài ngay trong hiện tại bằng việc bang trợ người lành và tiêu diệt những kẻ gian ác. Sự dữ được cụ thể hoá nơi những con ngừơi, các quốc gia và các thể chế chống lại với Thiên Chúa. Thiên Chúa như một Chiến Binh hùng mạnh sẽ cứu dân Isarel bằng việc vung cánh tay quyền lực đánh bại các kẻ thù ghét hãm hại dân này. Ngài cũng sẽ trừng phạt dân Israel nếu họ đi theo con đường gian ác phạm tội bằng cách để mặc cho dân ngoại chiến thắng dân Israel, bắt họ phải làm nô lệ. Nhưng sẽ ra tay giải cứu khi họ thành tâm sám hối, từ bỏ con đường tội lỗi gian ác để quay về nẻo chính đường ngay theo thánh ý Ngài.

4) Biệt hiến: Từ Dothái “herem” mang các nghĩa cơ bản

- Một là lời khấn, qua đó người ta tình nguyện dâng hiến dứt khoát (không thể hồi lại) một vật gì đó (như: người, súc vật hay của cải) cho Thiên Chúa. Trong trường hợp có thánh chiến, dân Israel sẽ cung hiến tất cả chiến lợi phẩm (người vật và của cải) cho Thiên Chúa: điều này đưa tới “án tru hiến”, tức là phải tiêu diệt tất cả những gì thuộc về phe bại trận bao gồm người già trẻ em không phân biệt nam nữ, súc vật và của cải.

- Hai là hình phạt trục xuất khỏi cộng đoàn trong một số trường hợp, mà hình phạt nặng nhất là tử hình.

5) Về việc thi hành “án tru hiến” đối với các thành bại trận, chúng ta cần phân biệt hai thời điểm: thời điểm các sự kiện xảy ra (thế kỷ XIII trước Công Nguyên) và thời điểm các bản văn Thánh Kinh được ghi chép (thế kỷ VI trước CN) cách nhau tới 700 năm!

Các dữ kiện lịch sử về việc thi hành án tru hiến được ghi lại trong Cựu Ước:

Sách Samuel (1 Sm 15) kể lại việc vua Saun (thế kỷ XI) đã không thi hành đầy đủ án tru hiến đối với dân Amalếch. Sau vua Saun thì người ta không còn thấy việc thi hành án tru hiến nữa, trừ trường hợp thời vua Akháp, một ngôn sứ vô danh đã tuyên sấm đòi phải tái áp dụng án tru hiến này (x. 1 V 20,42).

Theo sách Đệ nhị luật: án tru hiến chỉ được thi hành trong xứ Canaan mà thôi, và không đòi thi hành tại những thành phố ở xa (x. Đnl 20,15-18), lý do Luật đưa ra là để dân Canaan “không thể dạy anh em học đòi mọi điều ghê tởm mà chúng làm để kính các thần của chúng, khiến anh em phạm tội nghịch cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em” (Đnl 20,18).

Như đã nói trên, việc Israel tiêu diệt người, súc vật và của cải của đối phương nằm trong khung cảnh các nền văn hoá bán khai thời xưa: mặc dầu sự việc xảy ra rất ít tại Israel, đang khi dân Canaan còn có tục hoả thiêu các hài nhi làm của lễ dâng tiến thần minh; Còn tại Átxua ngoại giáo, họ còn dùng các hình phạt tàn bạo đối với kẻ thù như lột da sống các tù nhân bị bắt…

6) Đàng khác cần lưu ý về thời điểm cách biệt giữa thời gian các bản văn luật Môsê được soạn thảo vào thế kỷ VI trước Công Nguyên cách xa thời gian dân Israel tiến chiếm hứa địa vào thề kỷ 14 trước Công Nguyên. Tác giả sách Đệ Nhị Luật là một trong những tác giả đã biên soạn sách Giôsuê đã viết lại các biến cố kia xảy ra trước đó tới 7 thế kỷ. Qua đó, cho thấy: Tác giả sách Đệ Nhị Luật muốn trình bày ông Giôsuê như một vị anh hùng dân tộc, nên đã cường điệu hoá một số sự việc để đề cao các chiến công của ông. Đàng khác tác giả nhấn mạnh tới việc ông Giôsuê thi hành cách trung tín mệnh lệnh của Thiên Chúa để gìn giữ cho Dân Ít Israel khỏi bị lây nhiễm lối sống vô luân của dân Canaan.

TÓM LẠI

Thánh chiến với án tru hiến trong sách Giôsuê và sách Đệ Nhị Luật là một chủ đề tôn giáo nhằm đề cao sự tinh ròng của niềm tin vào Thiên Chúa, sự trung tín với giao ước; nó cho thấy một sự suy tư hậu thời về các biến cố đã xảy ra rất lâu trong quá khứ, và như vậy nó mang tính lý thuyết hơn là đã xảy ra trong thực tế lịch sử. Sau nhiều thế kỷ sống chung với các dân ngoại, dân Israel nhiều lần đã bị sa ngã vào tội thờ tà thần của họ và bắt chước lối sống vô luân của họ, nên tác giả hai sách Đệ Nhị Luật và Giôsuê muốn nêu cao lối sống nghiêm nhặt của cha ông là tuyệt đối không chấp nhận ảnh hưởng của dân ngoại. Điều này giống như một lý tưởng tôn giáo được đề ra để dạy dân Israel trong các thời đại sau này mà thôi.

B. PHÚT HỒI TÂM

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Thầy ban cho anh em một điểu răn mới là anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy: Là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13,34-35).

2. LỜI CẦU

Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót! Xin dạy các tín hữu chúng con luôn biết tin cậy yêu mến Chúa và sống giới răn “mến Chúa yêu Người” noi gương Chúa Giêsu. Xin cho chúng con biết luôn tin tưởng vào tình thương bao la của Chúa đối với loài người chúng con, và luôn phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa Giêsu yêu thương hết mọi người và làm chứng cho tình thương vô biên của Chúa, hầu trở nên môn đệ thực sự của Người. AMEN.

Hát:“Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời. Đâu có lòng từ bi, ở đấy có ân sủng Người. Đâu có tình bác ái, thì Chúa chúc lành không ngơi. Đâu ý hiệp tâm đầu, ở đấy chứa chan nguồn vui.”

VI. VỀ SỰ TIỀN ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA

VẤN ĐỀ 16: Tin có Thiên Chúa sẽ làm cho con người trở nên ỷ lại, chấp nhận hoàn cảnh hiện tại vì tin đó là số mệnh do Chúa đã định, nên không cố gắng vượt qua để mang lại cho minh một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn.

GIẢI ĐÁP:

A. TRÌNH BÀY

1. Ý nghĩa của hai chữ “Chúa định” là gì?

Người Công giáo thường nói “mọi sự đều do Chúa định”. Vậy phải chăng con người không có tự do quyết định vận mệnh của mình? Phải chăng con người sẽ trở thành nô lệ cho một vị Thiên Chúa độc đoán, và họ chỉ còn biết ỷ lại vào sự định đoạt của Thiên Chúa, mà không có thể vượt qua số phận bất hạnh gặp phải, hầu có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn?

1) Thế nào là “Chúa định”: Chúa định hhông đồng nghĩa với tất định như có người lầm tưởng, mà chỉ có nghĩa là biết trước, thấy trước những gì xảy ra.

Nếu thực sự Thiên Chúa định đoạt tất cả mọi việc lớn nhỏ trong vũ trụ thiên nhiên, định đoạt số phận của nhân loại và cá nhân mỗi người… mà dù muốn dù không người ta vẫn phải chấp nhận, thì khi ấy con người không khác chi một cái máy vô hồn, hoặc như thú vật hoạt động hoàn tòan theo bản năng hay như một trẻ thơ ấu trĩ chỉ biết hoàn toàn cậy nhờ vào sự bao bọc của cha mẹ… đúng như có người đã chỉ trích nói trên.

Nhưng trong thực tế, ai trong chúng ta cũng đều ý thức về sự tự do của mình: tự do làm hay không làm một việc nào đó, tự do quyết định làm một việc tốt hay làm điều xấu. Ai cũng cảm thấy mình có khả năng làm chủ vận mệnh cuộc đời của mình chứ không phó mặc hoàn toàn cho số phận may rủi. Vậy hai chữ “Chúa định” chỉ có nghĩa là sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài tạo dựng nên muôn loài muôn vật và hằng quan tâm săn sóc để chúng tồn tại và tiến hóa theo các định luật thiên nhiên như Ngài đã an bài. Thiên Chúa là Đấng sáng tạo ra không gian và thời gian trong vũ trụ, nên Ngài không ở trong không gian và thời gian, cũng không bị lệ thuộc vào không gian thời gian ấy. Nơi Thiên Chúa không có quá khứ hay tương lai, nhưng luôn là hiện tại. Thiên Chúa nhìn thấu suốt mọi sự đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra trong hiện tại và sắp xảy ra trong tương lai trong một cái nhìn “hic et nunc” (ở đây và bây giờ). Ngài nhìn thấu suốt vận mệnh của nhân loại nói chung và cá nhân mỗi người chúng ta trong một cái nhìn mà thôi. Ngài hằng quan tâm săn sóc, ban ơn giúp đỡ như một người cha yêu thương con cái để ban ơn cứu độ cho họ như Thánh Phaolô đã viết trong thư Timôthê: “Trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin khấn nguyện nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp, mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2,4). Tuy nhiên, dù muốn cứu độ hết mọi người nhưng Thiên Chúa cũng tôn trọng tự do quyết định làm hay không làm, làm điều tốt hay điều xấu, nên họ phải chịu trách nhiệm về việc làm của họ. Cho nên Thánh Augustinô đã nói: “Thiên Chúa đã dựng nên bạn mà không cần sự cộng tác của bạn; nhưng Ngài không thể cứu chuộc bạn, nếu bạn không cộng tác với Ngài.”

2) Thiên Chúa quan phòng tiền định theo sách Tin Mừng

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc Chúa Cha hằng quan tâm săn sóc tất cả mọi thụ tạo nhất là loài người là dưỡng tử của Ngài:

a) Thiên Chúa yêu thương săn sóc mọi loài

- “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6,26-30).

- “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.” (Mt 10,29).

- Đức Giêsu đáp: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5,17).

b) Thiên Chúa đặc biệt săn sóc loài người

- “Đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.” (Mt 10,30-31).

- “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,45).

Như vậy, người tín hữu tin “Chúa định” cũng là tin “Chúa biết trước”: Ngài hằng săn sóc mọi loài mọi vật do ngài đã dựng nên, đặc biệt là loài người chúng ta. Một khi tin chắc vào sự quan phòng của Thiên Chúa, người tín hữu sẽ thêm lòng tin cậy mến, thể hiện qua thái độ năng tạ ơn Chúa và cầu xin Ngài ban ơn để được cứu độ.

Tuy nhiên, có người lại đặt vấn đề: Phải chăng tin có Thiên Chúa tiền định, quan phòng biết trước như thế sẽ làm cho con người trở thành ỷ lại, không muốn làm việc để làm chủ thiên nhiên, vượt qua vận mệnh của mình để đạt tới một đời sống ấm no hạnh phúc hơn?

2. Đức tin không tiêu diệt sự làm việc và ý chí tự do của con người

Tin vào sự quan phòng, biết trước của Thiên Chúa không những không làm cho con người ỷ lại vào sự sắp xếp trước của Thiên Chúa, nhưng trái lại, còn thúc đẩy con người cố gắng làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên và làm chủ vận mệnh của mình như sau:

1) Dựa vào Lời Chúa trong Thánh Kinh

- Con người được tạo dựng khác hẳn mọi loài khác: Mở sách Sáng thế, ta đọc thấy: Thiên Chúa đã ưu đãi con người, chỉ tạo nên con người sau khi đã chuẩn bị sẵn sàng mọi sự: Dựng nên vũ trụ để làm chỗ cho con người trú ẩn; dựng nên các sinh vật như thảo mộc hoa màu để làm thức ăn nuôi sống và dựng nên muôn thú vật để làm bạn với con người; vũ trụ và muôn vật phải tuân theo định luật hay bản năng thiên nhiên (x. St chương 1 và 2), đang khi con người được phú cho linh hồn thiêng liêng với hai tài năng là trí khôn suy nghĩ và ý chí tự do vượt trổi mọi loài vật khác: “Chúa phán: Ngươi được ăn mọi thứ cây trong vườn, nhưng cây biết lành biết dữ thì đừng ăn, vì ngày nào ngươi ăn vào thì ngươi sẽ phải chết.” (St 2,7; 2,16). Con người có trí khôn hiểu biết sự lành sự dữ, đồng thời còn có ý chí tự do quyết định: làm hay không làm, chọn làm điều thiện để được hưởng phúc hay chọn làm điều ác để sẽ bị phạt phải chết.

- Các khả năng khác: Ngoài trí khôn và ý muốn nói trên, con người còn được Thiên Chúa ban cho có tay chân với khả năng làm việc hữu hiệu dưới sự điều động của trí khôn hơn hẳn mọi loài khác. Ngài cũng trao cho con người quyền làm bá chủ vũ trụ vạn vật như sách Sáng Thế ghi lại: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.” Thiên Chúa phán: “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy.” (St 1,28-30).

Qua đó, Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và đặc biệt ưu đãi đối với con người. Ngài ban cho họ có tay chân và hai tài năng siêu việt là lý trí suy luận và ý chí tự do là nhằm khuyến khích họ hãy làm việc, chứ không để họ chỉ biết khoanh tay ngồi chờ, rồi ỷ lại hoàn toàn vào sự quan phòng của Thiên Chúa, giống như các loài thú vật khác hoạt động theo bản năng, hoặc như vũ trụ vô tri vô giác, hoàn toàn tuân theo các định luật thiên nhiên cách máy móc.

2) Dựa vào sự hợp lý

Một tín hữu tin có Thiên Chúa, tin rằng sau cuộc sống trần gian hôm nay vẫn còn một cuộc sống khác tồn tại vĩnh hằng… thì chắc chắn ngay từ cuộc sống hiện tại đã phải cố gắng làm việc, phải ăn ở lương thiện hơn những người bất tín, không chấp nhận có Đấng Tạo Hoá sẽ phán xét công minh, cũng không tin có sự thưởng phạt thiên đàng hoả ngục đời sau… Vì người tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ có động lực thúc đẩy để hăng hái làm việc, có lòng mến yêu và sự ao ước được về với Thiên Chúa sau khi chết, đang khi người vô tín sống không có lý tưởng, hoặc nếu có thì chỉ nhắm những mục đích mang tính vụ lợi ích kỷ trước mắt thuộc về đời này… họ chỉ biết làm ra nhiều tiền, rồi lại dùng tiền ấy để thỏa mãn những đam mê lạc thú tầm thường mà thôi.

TÓM LẠI

Tin có Thiên Chúa không những không làm cho con người lười biếng, ỷ lại vào một quyền lực siêu phàm bên ngoài, mà trái lại, chính niềm tin ấy lại là động lực thúc đẩy người tín hữu làm việc nhiều hơn để làm chủ thiên nhiên, và cố gắng sống lương thiện ăn ngay ở lành để hy vọng sẽ được hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên thiên đàng đời sau. Trái lại, những người không tin có Thiên Chúa sẽ chỉ biết hưởng thụ, chỉ đi tìm lợi lộc vật chất cho mình dù phải sử dụng phương thế bất nhân thất đức. Họ sẽ trở thành những kẻ nguy hiểm cho xã hội, vì không tin có sự thưởng phạt đời sau. Napôlêon Đại đế cũng nói một câu tương tự: “Một dân tộc không có niềm tin tôn giáo sẽ phải được cai trị bằng súng đạn, nhà tù và bạo lực!”

B. PHÚT HỒI TÂM

1) LỜI CHÚA:
Đức Giêsu nói: “Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho. Thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được, dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi. Thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em. Ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6,26-30).

2) LỜI CẦU

Lạy Thiên Chúa Cha giàu lòng từ bi thương xót! Trước khi dựng nên loài người chúng con, Cha đã chuẩn bị trước bằng cách dựng nên muôn vật muôn loài cho chúng con. Cha lại còn an bài để mọi thụ tạo có thể tồn tại trong trật tự và ngày một tiến hoá theo thánh ý Cha. Đặc biệt Cha đã thương yêu săn sóc loài người chúng con là dưỡng tử của Cha và trao cho nguyên tổ quyền làm chủ muôn loài. Rồi khi nguyên tổ phạm tội phải mang án chết, Cha lại hứa ban Đấng Cứu Thế là Đức Giêsu Kitô cho chúng con. Xin giúp chúng con tin nhận Đức Giêsu Con Cha và quyết tâm noi gương Người sống tình con thảo với Cha và tình huynh đệ với nhau, đồng thời đi theo con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang” của Người, hầu sau này được về trời hưởng hạnh phúc đời đời với Người. AMEN.

Lm. Đan Vinh
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print