Bài 25. ÂN SỦNG
Thánh Phaolô thường gửi lời chào các cộng đoàn của ngài bằng những lời sau: “Ân sủng và bình an của Thiên Chúa Cha chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh em.” (2 Cr 1,2). Ân sủng là một trong những nguyên lý của đức tin. Tuy nhiên, ân sủng cũng là một trong những từ ngữ Kitô giáo bị quên lãng hoặc ít ra bị xao nhãng. Nhiều người cho rằng tốt hơn là đừng nên dùng từ ngữ này nữa, vì ngày nay ít người hiểu. Thế nhưng, bỏ đi một từ ngữ có tầm quan trọng như thế trong đức tin có nghĩa là dần dần đánh mất đi chính thực tại mà từ ngữ biểu thị. Ngay từ đầu thư, thánh Phaolô cầu chúc ân sủng cho các cộng đoàn Kitô hữu, điều đó có nghĩa đây là điều quan trọng nhất.
Trước hết, từ “ân sủng” có nghĩa là điều gì đó chúng ta không tự làm ra, cũng không có quyền đòi hỏi. Trả lương xứng đáng cho nhân viên thì không phải là ban ơn cho họ, mà đúng hơn, là bổn phận của chủ theo luật công bằng. Thế nhưng quà tặng thì khác, hoàn toàn do tự ý của chúng ta. Hơn thế nữa, ân sủng có nghĩa là nhân hậu, ân huệ.
Khi chúng ta nói đến ân sủng của Thiên Chúa là nói đến “một hồng ân, một sự trợ giúp cho không mà Thiên Chúa ban, để chúng ta đáp lại tiếng gọi của Ngài, là trở thành con cái Thiên Chúa” (GLHTCG, số 1996). Định nghĩa này chỉ ra điều thiết yếu trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Thực tế là chúng ta không có bất cứ quyền gì để đòi hỏi Thiên Chúa cả. Cho nên từ ngữ “ân sủng” diễn tả sự lệ thuộc hoàn toàn của chúng ta vào Thiên Chúa.
Ngoài ra, ân sủng cũng có nghĩa là lòng nhân hậu, sự trợ giúp, ơn giải thoát. Tất cả những điều này được hứa ban cho chúng ta cách phong phú, dư đầy, không phải vì công lao chúng ta. Và không chỉ được hứa nhưng Thiên Chúa đã thật sự ban cho chúng ta như một quà tặng. Thiên Chúa dựng nên chúng ta không chỉ cho sự sống trần thế này nhưng cho sự sống thần linh của Ngài. Chúng ta được chia phần ở đó: “Ân sủng của Đức Kitô là một hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa ban, làm cho chúng ta được dự phần sự sống của Ngài” (số 1999), thật sự dự phần vào sự sống của Thiên Chúa, đó chính là điều mà ân sủng thực hiện. Đời sống Kitô hữu chỉ thật sự bắt đầu khi sống trong chiều kích siêu nhiên này (số 1993), khi quà tặng của Thiên Chúa trở thành nền tảng cho đời sống chúng ta, để chúng ta không còn suy nghĩ và hành động thuần túy theo thói tự nhiên nhưng sống bằng Thánh Thần của Đức Kitô, như những ngành nho được ghép với Cây nho là chính Đức Kitô (số 1988).
Ân sủng không tước đoạt tự do của chúng ta hoặc biến ta thành những con rối. Đúng hơn, ân sủng làm cho chúng ta thành những người cộng tác với Thiên Chúa, bằng cách tự do và vui tươi đáp lại những hướng dẫn và thúc đẩy nhẹ nhàng của Thánh Thần (số 2002). Ân sủng còn tác động lên cả ý muốn của chúng ta như thánh Phaolô nói: “Chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Ngài” (Phil 2,13).
Ân sủng mang nhiều hình thức. Thật hữu ích khi kể ra đây những khía cạnh khác nhau của ân sủng qua những tên gọi: ơn thánh hóa làm cho chúng ta nên công chính và nên con cái Thiên Chúa (số 2000); ơn thường sủng hiểu như trạng thái thường xuyên; các ơn hiện sủng là những can thiệp của Thiên Chúa, hoặc vào lúc khởi đầu, hoặc trong tiến trình thánh hóa. Ngoài ra còn có các ân sủng bí tích, ơn chức phận, các đặc sủng (số 2003-2004). Cùng với Thánh Têrêxa Hài Đồng, kinh nghiệm dạy chúng ta rằng: “Mọi sự đều là hồng ân”.
ĐHY Christoph Schönborn