Print  
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần III - Bài 27: Được kêu gọi nên thánh
Bản tin ngày: 25/05/2015   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

Bài 27. ĐƯỢC KÊU GỌI NÊN THÁNH

Trong những bài qua, chúng ta đã bàn đến những yếu tố trong luân lý Kitô giáo mà các nhà thần học gọi là Luân lý cơ bản. Sách Giáo Lý sắp xếp những yếu tố này theo hướng trình bày của Thánh Tôma Aquinô cũng như của Vatican II.

Khởi đi từ cùng đích tối hậu của con người là hạnh phúc chỉ tìm thấy được nơi Thiên Chúa, trước hết chúng ta đã xem xét những hành vi và thái độ nhân linh, qua đó, trong tư cách cá nhân và trong cộng đoàn, chúng ta cố gắng đạt tới cùng đích tối hậu, cũng như đạt được những mục đích trung gian cách thích hợp về mặt đạo đức. Tuy nhiên, điều quan trọng trong sứ điệp Kitô giáo là chúng ta không thể đạt đến những mục đích riêng cũng như cùng đích tối hậu bằng sức riêng của mình. Không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, cả bên trong lẫn bên ngoài, không có lề luật và ân sủng của Ngài, chúng ta sẽ bị lạc lối. Đây là chân lý đức tin. Khi các môn đệ đưa ra câu hỏi khó: “Vậy thì ai sẽ được cứu độ?” Chúa Giêsu trả lời: “Đối với con người thì không thể, nhưng đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể.” (Mt 19,25-26). Đồng thời, chân lý đức tin khác nữa là “Thiên Chúa mong muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Hơn thế nữa, Thiên Chúa muốn rằng qua Người Con của Ngài, “mọi người được trở nên nghĩa tử trong Thánh Thần và được thừa hưởng đời sống hạnh phúc” (GLHTCG số 1).

Khi đưa ra lời kêu gọi sống thánh thiện, Công đồng không nói điều gì khác hơn (số 2013). Mục đích của đời sống làm người là sự sống thần linh. Chúng ta tìm được sự viên mãn sâu xa nhất không phải ở nơi mình nhưng nơi Thiên Chúa. Chỉ nơi Thiên Chúa, chúng ta mới là chính mình cách trọn vẹn. Khi đó mệnh lệnh Chúa Giêsu ban bố sẽ nên trọn: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48).

Thế nhưng thánh thiện là gì? Sự thánh thiện bắt đầu khi có sự cộng tác giữa hành động của con người với hoạt động của Thiên Chúa, khi chúng ta làm theo Lời Chúa và để cho Ngài hướng dẫn. Việc đó diễn ra bằng cách nào? Thưa, bằng tình yêu được sống ngày này qua ngày khác. Claire de Castelbajac – một khuôn mặt sáng ngời, qua đời khi mới 21 tuổi, ngày 22-1-1975, và đã trở nên mẫu mực cho nhiều bạn trẻ - viết: “Thánh thiện là yêu mến cuộc sống hoàn toàn cho Chúa và với Chúa, nhờ ân sủng và sức mạnh của Ngài”. Không có con đường nào vươn đến sự thánh thiện ngoài nẻo đường tình yêu, và nẻo đường đó mở ra cho hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh đời sống, mọi lứa tuổi. Đây là “cơ may” bình đẳng trong Hội Thánh. Chỉ bằng con đường này Hội Thánh mới canh tân chính mình. “Các thánh đã luôn luôn là nguồn cội của sự canh tân trong những thời điểm khó khăn nhất của lịch sử Hội Thánh.” (Gioan Phaolô II).

Nẻo đường thánh thiện, lối sống cụ thể tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân trong mọi hoàn cảnh, sẽ dẫn chúng ta đến cánh cửa hẹp của thập giá. “Không có sự thánh thiện nào mà không đòi hỏi sự từ bỏ và chiến đấu thiêng liêng” (GLHTCG số 2015). Tuy nhiên chúng ta không bước vào cuộc chiến này với sức riêng của mình; toàn bộ lịch sử Cựu Ước dạy chúng ta rằng, ngay khi dân Chúa khám phá ra sự yếu đuối của mình thì cũng cảm nghiệm được cánh tay đỡ nâng của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng diễn tả kinh nghiệm tương tự: “Chính lúc tôi yếu lại là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10). Nên thánh không có nghĩa là làm những chuyện phi thường nhưng đúng hơn là để cho Chúa Kitô không ngừng nói với ta: “Ơn Cha đủ cho con vì sức mạnh của Cha nên trọn nơi sự yếu đuối của loài người.” (2 Cr 12,9). Vì thế, không ai trong chúng ta được phép nói rằng thánh thiện là chuyện quá cao xa đối với tôi.
 
ĐHY Christoph Schönborn

WHĐ
In ngày: 28/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print