Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 32. NGƯƠI KHÔNG ĐƯỢC LÀM CHO MÌNH BẤT CỨ HÌNH TƯỢNG NÀO VỀ THIÊN CHÚA
Xem
ra điều răn thứ nhất cấm mọi loại hình ảnh: không những về Thiên Chúa
là Đấng “không thể diễn tả, bất khả đạt thấu, vô hình, không thể nắm
bắt” (GLHTCG số 42), mà cả mọi sinh vật “trên trời cao cũng như dưới đất
thấp, hoặc ở trong nước dưới mặt đất” (Xh 20,4). Phải chăng Hội Thánh
đã coi thường lệnh cấm này, vì Hội Thánh không những cho phép mà còn
giới thiệu và tôn kính những ảnh tượng? Hội Thánh đã bị cáo buộc như thế
suốt từ thế kỷ VIII cho tới thời Cải Cách ở thế kỷ XVI, nhất là Calvin.
Nhiều người (như Martin Luther) cho phép ảnh tượng tôn giáo với mục
đích giáo huấn, nhưng không chấp nhận việc tôn kính ảnh tượng trong
phụng vụ hoặc khi làm việc đạo đức riêng.
Hội Thánh không rũ bỏ
điều răn thứ nhất; đúng hơn, Hội Thánh chỉ giải thích điều răn đó trong
ánh sáng của Tân Ước và kinh nghiệm đức tin trải qua nhiều thế kỷ. Ý
nghĩa tích cực của điều răn thứ nhất là: “Ta là Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập” (Xh 20,2). Vì chỉ một mình
Chúa là Thiên Chúa, nên “ngươi không được có thần nào khác trước mặt
ngươi” (Xh 20,3). Lệnh cấm ảnh tượng là bức tường thành chống lại việc
thờ các ngẫu tượng. Chẳng có gì mà chúng ta làm ra – từ ảnh tượng các
thần thánh đến con người – được phép trở thành ngẫu tượng cho chúng ta
và thay thế Thiên Chúa. Lệnh cấm ảnh tượng là cấm những ngẫu tượng, đừng
để mình thành nô lệ cho những ảnh tượng do con người làm ra. Lệnh cấm
này vẫn mãi có hiệu lực, ngay trong thời đại đầy những “ngẫu tượng” như
ngày nay.
Vậy sẽ ra sao khi chính Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta
những hình ảnh mà chúng ta không tự mình sáng chế nhưng chỉ lãnh nhận?
Thiên Chúa cấm Israel tự làm ra những hình ảnh về Ngài, vì dân mà Ngài
đã chọn là dân “được tiền định nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài”
(Rm 8,29). Thiên Chúa cấm con người tự làm ra những hình ảnh ngẫu
tượng, vì Ngài muốn xây nhịp cầu Nhập Thể để nối kết con người với Thiên
Chúa. Hình ảnh đích thực của Thiên Chúa phải là chính Thiên Chúa, Đấng
đã làm người để tôn vinh tất cả nhân loại.
Bởi vì nơi Chúa Giêsu
Kitô, “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, chính Thiên Chúa đã ban cho
chúng ta hình ảnh về Ngài, nên chúng ta được phép có những bản sao của
hình ảnh này. Thế nên ngay từ rất sớm, đã có những ảnh tượng về Đức
Kitô. Tôn kính những ảnh tượng này không hề là tôn thờ ngẫu tượng. Chúng
ta không tôn thờ chất liệu làm thành ảnh tượng, nhưng tôn thờ chính vị
được phác họa trong ảnh tượng (số 2132).
Khi một bà mẹ chỉ vào
bức ảnh Đức Mẹ và bảo đứa con nhỏ “Đức Mẹ đó con”, bà không hề lẫn lộn
giữa Đức Mẹ và bức ảnh về Đức Mẹ. Điều quan trọng ở đây là sự tôn kính
và lòng yêu mến của người tín hữu. Ảnh tượng chỉ là “cửa sổ” để qua đó,
chúng ta nhìn thấy Chúa Giêsu và các thánh. Là những con người có hồn
lẫn xác, chúng ta cần đến những “cửa sổ” này, để qua đó, Đức Kitô, Mẹ
Maria và các thánh chiếu soi ánh sáng vào cuộc đời chúng ta.