Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 33. DANH CHÚA LÀ THÁNH
Tên gọi là chính con người. Tặng cho ai một tên gọi xấu là tấn công người ta. Vinh danh một tên gọi là vinh danh chính người mang tên gọi đó. Đường phố, quảng trường, dinh thự mang tên của những nhân vật là để vinh danh chính những nhân vật đó.
Điều răn thứ hai dạy chúng ta tôn kính Danh của Thiên Chúa. Điều răn đó cấm chúng ta sử dụng Danh Thiên Chúa cách bất xứng dưới bất cứ hình thức nào. Nhìn rộng hơn, điều răn thứ hai còn liên quan đến sự tôn kính tất cả những gì là linh thánh (GLHTCG, số 2142).
Thiên Chúa đã mặc khải Danh của Ngài, nghĩa là Ngài thông ban chính mình: “Thiên Chúa có một tên gọi. Ngài không phải là một sức mạnh vô danh. Cho biết tên gọi của mình là cho những người khác nhận biết mình, một cách nào đó là tự trao mình, để người ta có thể tiếp xúc với mình, có thể hiểu biết mình cách thân mật hơn, và thật sự có thể gọi mình cách cá vị.” (số 203).
Trong Tân Ước, chúng ta thấy ý nghĩa phong phú của việc mặc khải Danh Thiên Chúa và mối hiệp thông với Ngài. Chúa Giêsu nhìn sứ vụ của Người là làm cho chúng ta nhận biết Danh của Chúa Cha: “Con đã tỏ Danh Cha cho những người mà Cha đã ban cho Con từ giữa thế gian.” (Ga 17,6). Hơn thế nữa, Chúa Giêsu mặc khải rằng chính Người “mang Danh thánh của Thiên Chúa” (số 211). Chính vì thế chúng ta tôn kính Danh Giêsu như tôn kính Danh thánh. Thánh Phaolô nói rằng mọi đầu gối trên trời, dưới đất, và dưới lòng đất, phải quỳ xuống khi nghe Danh thánh GIÊSU (Phil 2,10).
“Vì tôn kính sự thánh thiện của Thiên Chúa, dân Israel không gọi Danh của Ngài” (số 209). Chúng ta học được rất nhiều từ sự sợ hãi thánh thiện này, và phải cẩn trọng khi nhắc đến Danh Chúa. Nhiều người nhắc đến Danh Chúa quá dễ dàng, trong những hoàn cảnh không thích hợp (số 2155).
Đàng khác, trong Danh Chúa Giêsu, sự hiện diện của Thiên Chúa chạm đến chiều sâu tâm hồn ta. Lòng yêu mến Danh Thánh để lại dấu ấn sâu sắc trong toàn bộ lịch sử đức tin Kitô giáo. Trong kinh Kính Mừng, Danh Chúa Giêsu chiếm vị trí trung tâm (số 2676), cũng giống như trong Kinh Giêsu của Giáo hội Đông phương (số 435).
Điều răn thứ hai cũng cấm thề gian. Thề gian là kêu cầu Thiên Chúa làm chứng cho sự dối trá. Vì thế, loại trừ thói thề gian là một bổn phận đối với Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý và là quy luật của mọi chân lý.
Bội thề là dùng lời thề để hứa một điều gì, nhưng không có ý chu toàn lời đã hứa, hoặc sau khi đã dùng lời thề để hứa, lại không giữ lời hứa. Chúa Giêsu dạy mọi lời thề đều bao hàm mối tương quan với Thiên Chúa (x. Mt 5,33-37), do đó trong mọi lời nói, phải tôn trọng sự hiện diện của Thiên Chúa và chân lý của Ngài. “Đừng thề nhân danh Đấng Tạo Hoá, cũng đừng thề nhân danh thụ tạo, trừ khi hội đủ 3 điều này: ta nói lên sự thật, vì nhu cầu, và với lòng kính trọng.” (Thánh Inhaxiô Loyola).
ĐHY Christoph Schönborn