Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ
Bài 44. MỞ RA VỚI SỰ SỐNG
Điều răn thứ sáu bảo vệ hôn nhân. Theo nghĩa rộng hơn, điều răn đó cũng liên quan đến toàn thể trật tự của tính dục nơi con người, bởi lẽ trong tầm nhìn của Kinh Thánh và Kitô giáo, “tính dục quy hướng về tình yêu phu phụ giữa người nam và người nữ” (GLHTCG, số 2360). Hiếm có điểm nào trong luân lý Kitô giáo lại bị chỉ trích dữ dội, đồng thời người ta lại thiếu hiểu biết như thế cho bằng vấn đề điều răn thứ sáu.
Chúng ta tự hỏi, phải chăng đời sống hôn nhân không quan trọng cho bằng sự kiện hai con người yêu nhau, dù họ ở trong hoàn cảnh nào, dù có kết hôn hay không, dù khác phái hay đồng tính? Phải chăng hôn nhân chỉ còn là cơ hội giết chết tình yêu? Cuộc “cách mạng tình dục” ở thập niên 1960 đã cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa tính dục và sinh sản, đồng thời cổ võ lối sống lý tưởng, trong đó mỗi cá nhân hoàn toàn tự quyết, không chấp nhận bất cứ giới hạn nào dựa trên luật tự nhiên.
Dĩ nhiên lối sống trong đó con người tự đặt ra những chuẩn mực và luật lệ cho mình, lối sống đó ngày càng rơi vào khủng hoảng. Cú “sốc” đầu tiên xuất hiện tương tự như hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu lửa, nghĩa là nhiều người nhận ra rằng có những giới hạn cho sự tăng trưởng trong nền kinh tế và sự thịnh vượng của chúng ta, dù vẫn có người tìm mọi cách phủ nhận. Cú “sốc” kế tiếp tương tự như cuộc khủng hoảng về môi trường. Cách sống hiện nay của chúng ta đang hủy diệt những nền tảng cho sự sống của những thế hệ tương lai. Nhiều người cho rằng chúng ta cần phải cư xử với môi trường thiên nhiên một cách hợp với tự nhiên hơn. Nhiều người khác đang lo sợ về những hậu quả không lường được khi người ta thao túng hệ thống gien.
Thế nhưng cái gọi là “tự nhiên” có nghĩa gì? Ý niệm nào về “tự nhiên” đang dẫn lối cho chúng ta? Phải chăng “văn hoá-culture” không phải là đặc tính của con người, và văn hoá là gì nếu không phải là vun trồng, tạo hình cho tự nhiên? Một môi sinh tự nhiên mà cứ để nguyên như thế thì con người không thể sống được. Nhiệm vụ canh tác đất đai và tạo hình cho nó là nhiệm vụ đã được trao cho con người cũng như nhiệm vụ sinh sản: “Hãy sinh sôi và nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28). Điều đó hàm nghĩa con người có trách nhiệm trong việc lưu truyền sự sống và thống trị trái đất. Vậy chuẩn mực cho trách nhiệm này là gì? Theo Kinh Thánh, chuẩn mực đó là sự cộng tác của con người với Thiên Chúa Tạo Hoá: “Đôi vợ chồng nên nhìn việc lưu truyền sự sống con người và giáo dục con cái như sứ vụ riêng của họ; do đó họ phải nhận ra họ đang cộng tác với tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hoá, và theo ý nghĩa nào đó, họ là những người diễn đạt tình yêu đó” (số 2367).
Kể từ khi Đức Phaolô VI ban hành thông điệp Sự sống con người (Humanae vitae), vấn đề sinh con có trách nhiệm đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi. Tôi nhìn thông điệp này như một tiếng nói mang tính tiên tri. Năm 1968, bằng một quyết định hết sức khó khăn, chỉ đạt được sau thời gian nghiên cứu lâu, Đức Phaolô VI đã nói KHÔNG với thuốc ngừa thai và nói VÂNG với sự sống. Vào thời điểm đó, chỉ một số ít người có thể thấy được những thử nghiệm thao túng sự sống sẽ dẫn người ta đi xa tới đâu. Tôi tin rằng vào thời điểm đó, Đức Phaolô VI muốn nói rằng: Hãy coi chừng. Sự sống rất thánh thiêng, sự sống được trao cho chúng ta và chúng ta đừng thao túng cách độc đoán.
Bước đi trên nẻo đường “tự nhiên” có nghĩa là mở ra với sự sống, sự sống mà chính chúng ta đã lãnh nhận, và trao ban sự sống cho những con người mới chính là sự cộng tác đẹp đẽ nhất mà con người có thể có với công trình tạo dựng của Thiên Chúa.
ĐHY Christoph Schönborn