Print  
Phỏng vấn Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp
Bản tin ngày: 08/02/2012   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Đức tân Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Phỏng vấn Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp,
tân Giám mục Giáo phận Vinh

W-ĐM: Kính chào Đức cha Phaolô, trước hết, chúng con xin chúc mừng Đức Cha và cầu nguyện cho Đức Cha trong sứ mạng mới. Chúng con xin Đức Cha ít phút để phỏng vấn Đức Cha đôi điều.

1. W-ĐM: Xin Đức Cha cho chúng con biết khẩu hiệu giám mục của Đức Cha?

GM-NTH: Châm ngôn mục vụ của tôi là “Sự thật và Tình yêu”. Châm ngôn này muốn nhấn mạnh hai yếu tố căn bản của Kitô giáo: Sự thật được diễn tả bằng hai màu “đen-trắng”, lấy từ logo của Dòng Đa Minh, còn trái tim bao bọc chung quanh là biểu hiệu của tình yêu. Thấp thoáng bên dưới là hình ảnh con thuyền Giáo Hội đang rẽ sóng tiến về “Sự thật và Tình yêu”. Tất cả được nối kết với nhau và gắn chặt vào thập giá của Đức Kitô. Thật vậy, đối với tất cả các Kitô hữu, Đức Kitô chính là “Con Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6). Không ai có thể đến với Thiên Chúa mà không phải ngang qua Người. Và cũng chẳng ai được cứu rỗi, nếu không yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta.

Châm ngôn có hai vế. Vế đầu nhấn mạnh đến trách nhiệm kiếm tìm và phục vu Chân lý. Thánh Đa Minh đã lấy việc loan báo Tin Mừng và phục vụ chân lý như ơn gọi của Dòng Giảng thuyết. Đòi hỏi đầu tiên của ơn gọi này là phải tôn trọng phản ánh chính xác của sự vật khách quan, cũng như các quy luật và giá trị của chúng. Yêu cầu tôn trọng sự thật khách quan vẫn được coi là thái độ lương thiện trí thức. Đức Giêsu cũng thường căn dặn các môn đệ: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Theo Thánh Tôma Aquinô, việc truy tầm chân lý đòi hỏi thái độ chân thành và biết mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật “bất cứ từ đâu tới và bất kỳ do ai nói”.

Đối với các Kitô hữu, ngoài sự thật tự nhiên nói trên còn phải kiếm tìm sự thật siêu nhiên, có sức cứu độ và giải thoát con người. Đó chính là “ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi trần gian” mà Đức Kitô đem đến. Chính Ngài đã tuyên bố với người Do Thái: Sự thật sẽ giải phóng các ông và làm cho các ông được tự do, trái lại tội lỗi và lầm lạc sẽ nô lệ hoá con người, làm cho họ bị vong thân, băng hoại, khốn khổ (x. Ga 8,31-36).

Thánh Phaolô đã diễn tả một cách thật sắc nét phần thứ hai của châm ngôn qua Bài ca đức ái (x. 1 Cr 13,1-14). Vị Tông đồ dân ngoại, mà tôi được hân hạnh nhận làm thánh quan thầy, quả quyết: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi…”.

Lấy oán báo oán vẫn được coi là điều dĩ nhiên ở thời đại ấy. Chỉ một số hiền nhân hiếm hoi mới vượt khỏi cái lẽ thường tình và bắt đầu đặt vấn đề về hiện tượng “oán báo oán, oán chập chùng”. Từ viễn ảnh tôn giáo, Thánh Phaolô mời gọi các Kitô hữu cố gắng đi xa hơn lẽ thường. Ngài tha thiết nhắn nhủ: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa (…). Đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt (…). Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,14.17.21).

Chính Đức Giêsu đã coi “yêu thương” là điều răn căn bản của Kitô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên Trời” (Mt 5,43-45). Bài giảng trên núi khai triển giáo lý căn bản này và trở thành một thứ Hiến Chương Nước Trời: “… Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương… Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,7-10).

Thánh Gioan đã định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” và quả quyết “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1 Ga 4,8). Đây là mạc khải tối cao và nét đặc trưng của niềm tin Kitô giáo. Trong diễn văn từ biệt chính Đức Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau… như Thầy đã yêu thương anh em”. Kể từ đó, “yêu thương” trở thành dấu chỉ để nhân loại nhận diện người môn đệ của Đức Kitô (x. Ga 13,34-35). 

2. W-ĐM: Xin cám ơn Đức Cha về những giải thích mang tính thần học sâu xa đó, nhưng xin cho biết tính hiện thực xã hội của châm ngôn này?

GM-NTH: Từ khi có chủ trương Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế quan trọng, được đánh giá là ngoạn mục. Nhưng hoa hồng nào mà chẳng có gai và mề đay nào chẳng có mặt trái của nó! Kết quả thê thảm là kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng hình thành một xã hội rạn nứt, giả dối, đảo điên, tàn nhẫn, phi chuẩn mực. Gia đình ngày một rệu rã, rạn nứt! Con người như điên loạn, quay cuồng, sống vội, chụp giựt, buông thả, nóng ruột kiếm tiền, cắm đầu hưởng thụ và sẵn sàng đánh đổi mọi sự để có nhiều tiền hơn!

Bên cạnh đó, hiện tượng giả dối đang lên ngôi: bằng cấp giả, thông tin giả, báo cáo giả, danh hiệu giả, khái niệm giả, hàng hoá giả, tiêu chuẩn giả, thành tích ảo, thậm chí sữa, bánh, thực phẩm và thuốc cũng bị “làm giả”. Dư luận vẫn băn khoăn tự hỏi tại sao một xã hội vốn có truyền thống tôn trọng nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà ngày nay lại đầy dẫy những thứ giả dối, lừa lọc, đảo điên và phi đạo đức đến như vậy?

Nhận định về sự bóp méo thông tin trong tiến trình giải quyết một số tranh chấp, các Giám mục Việt Nam đã viết như sau: “Một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ (…). Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến vấn đề này” (ngày 23-9-2008).

Ngoài ra, tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế chưa đồng hành với sự tăng trưởng về chất lượng cuộc sống và phát triển xã hội. Trái lại, tình trạng chênh lệch giàu nghèo đã tăng cao và người nghèo vẫn là thành phần thua thiết nhất.

Trong bối cảnh đó, sự thật và công bằng là điều kiện sơ khởi và yếu tố cần thiết để xây dựng một xã hội tiến bộ và nhân bản. Tuy nhiên, chỉ một mình công bằng và chân lý mà thôi thì chưa đủ. Thật vậy, “công bằng có thể phản bội chính mình, trừ khi nó biết mở rộng cửa cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái” (Gioan Phaolô II). Dưới nhãn quan Kitô giáo, giữa sự thật, công bằng và tình thương luôn hiện diện một tương quan rất biện chứng. Nếu không thể yêu thương đích thực mà thiếu vắng công bằng và sự thật, thì khi vắng bóng tình yêu, công bằng và sự thật sẽ trở thành chai cứng, lạnh lùng, thiếu sinh khí và thiếu con tim.

Chính vì vậy, Giáo huấn Xã hội của Giáo Hội tận lực tranh đấu cho công bằng và chân lý, nhưng sẽ không bao giờ dừng lại ở đó. Giáo Hội luôn mời gọi chúng ta can đảm đi xa hơn, để vươn tới suối nguồn đích thực của chúng là tình yêu, lòng từ bi, nhân ái... Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả một cách sâu sắc mối tương quan sinh tử này:

“Lòng thương xót đích thực theo một nghĩa nào đó, là nguồn cảm hứng sâu xa nhất làm phát sinh công bằng. Nếu công bằng tự nó là thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan tới sự phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả thứ tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng thương xót) mới có thể trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót thật sự Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của sự bình đẳng giữa người với người và do đó cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công lý vì trong lĩnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên, sự bình đẳng do công bằng mang lại thường giới hạn vào lĩnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại làm cho con người gặp gỡ nhau trong cái giá trị là chính con người, với phẩm giá riêng của mình” (Thiên Chúa Giàu lòng thương xót, số 14).

3. W-ĐM: Chúng con có nghe tin là Giáo phận Vinh có thể tách ra làm hai, Đức Cha có ý kiến gì về nguồn thông tin này?

GM-NTH: Vấn đề chia giáo phận đã được đặt ra từ 4-5 năm nay, nhưng chưa thực hiện được vì lý do thiếu nhân sự. Sau khi nhân sự ở Vinh đã ổn định thì sẽ khởi động tiến trình xây dựng giáo phận mới Hà Tĩnh - Quảng Bình. Nhà thờ Chính toà cho giáo phận mới cũng sắp hoàn thành. Như vậy, công tác mục vụ sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn: Giáo phận Vinh còn lại với khoảng 300.000 giáo dân và Hà Tĩnh - Quảng Bình gần 200.000 giáo dân.

4. W-ĐM: Câu hỏi cuối cùng, chúng con xin Đức Cha chia sẻ cho chúng con những tâm tình của Đức Cha trong những ngày này, khi Đức Cha nhận được tin chính thức từ Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức Cha làm Giám mục Giáo phận Vinh?

GM-NTH: Không biết phải trả lời anh như thế nào đây để vừa theo sát câu hỏi vừa diễn tả được sự phức tạp của tiến trình bổ nhiệm giám mục trong bối cảnh Việt Nam hôm nay! Tôi mạn phép nhìn vấn đề dưới mấy góc độ sau đây:

1)- Theo Giáo luật hiện hành, việc bổ nhiệm giám mục được thực hiện theo tiến trình thông thường sau đây:

Khi có nhu cầu, vị Hồng y hoặc Giám mục giáo phận sẽ gửi lên Toà Thánh Vatican một danh sách gồm 3 ứng viên được coi là xứng đáng nhất để đảm nhận chức vụ này. Các cơ quan hữu trách của Toà Thánh sẽ sử dụng nhiều nguồn thông tin khác nhau để thẩm định về mỗi ứng viên. Tất cả tiến trình tham khảo và “điều tra” này hoàn toàn được bảo mật.

Nếu không chấp nhận cả ba ứng viên được đề cử này thì Toà Thánh sẽ trả hồ sơ về cho giáo phận. Nếu tìm được ứng viên thích hợp, Toà Thánh sẽ thông báo danh tánh người được chọn cho giáo phận và yêu cầu bản quyền thông báo quyết định của Toà Thánh cho người được đề cử, đồng thời yêu cầu vị này cho biết ý kiến.

Nếu ứng viên trả lời chấp thuận, Toà Thánh sẽ tiến hành thủ tục cần thiết để Đức Thánh Cha chính thức ký tự sắc bổ nhiệm. Toà Thánh cũng quy định ngày công bố bổ nhiệm thư, đồng thời báo cho giáo phận và tiến chức biết ngày đó.

2)- Tại Việt Nam, tiến trình bổ nhiệm phức tạp và rắc rối hơn. Sau khi tìm được ứng viên thích hợp, Toà Thánh sẽ thông báo danh tánh ứng viên này cho Nhà nước để tham khảo ý kiến. Theo thoả thuận hiện nay, Nhà nước phải cho biết ý kiến trong khoảng thời gian mà hai bên đã quy định. Trên thực tế, có những trường hợp Nhà nước trả lời nhanh chóng khoảng vài ba tháng; có những trường hợp khác đã triển hạn nhiều lần và cũng có những trường hợp Nhà nước không chấp thuận người được tiến cử.

Sau khi nhận được trả lời đồng thuận của Nhà nước, Toà Thánh mới thông báo cho giáo phận và tiếp tục những thủ tục cần thiết khác. Khi báo tin cho giáo phận về ngày công bố bổ nhiệm thư thì Toà Thánh cũng báo tin cho một vài cơ quan Nhà nước. Việc một quan chức nào đó tiết lộ ngày công bố bổ nhiệm thư của TGM. Hà Nội là do đây. Ngoài ra, cách làm việc hiện nay của Việt Nam là tham khảo ý kiến của nhiều cơ quan, ở nhiều cấp độ, vì thế thông tin thường bị rò rỉ khắp nơi. Không phải vô lý mà một số người yêu cầu nên xác định rõ hơn vai trò của Nhà nước trong tiến trình bổ nhiệm giám mục tại Việt Nam.

3)- Đối với bản thân tôi, tiến trình đã bắt đầu từ 2 năm nay và thông tin đã bị rò rỉ nhiều nơi. Một số bạn thân biết chuyện, mỗi khi gặp tôi cứ mỉm cười hỏi một cách dí dỏm: “Bác ơi, đã được bao nhiêu tạ “dưa lê” rồi đấy? Bao giờ “dưa chín”, nhớ báo tin cho nhà cháu nhé”.

Chính tôi cũng chẳng biết bao giờ “dưa lê” chín? Thời gian đầu, tôi đã nghĩ đến chuyện giảm dần những công tác hiện tại, nhưng vì chẳng biết lúc nào dưa chín nên cứ tiếp tục nhận thêm công tác mới. Cũng may là “dưa chín” vào mùa hè nên dễ dàng từ chối các Đại học và Trung tâm Học vấn, nhưng vẫn còn lại 1 hội nghị quốc tế, 2 cuộc toạ đàm, 2 khoá thường huấn và 2 cuộc tuần tĩnh tâm. Không biết phải giải quyết như thế nào đây? Trước sau gì rồi cũng phải từ chối thôi. Dĩ nhiên, khi nghe lời cáo từ bất ngờ, nhiều người sẽ cau mày và nhăn mặt, nhưng chắc chắn sau đó cũng sẽ thông cảm cho hoàn cảnh ngoài ý muốn này.

Một điểm khác đang gây băn khoăn thao thức cho tôi: Đó là làm sao vừa đáp ứng nhu cầu mục vụ đa diện của một giáo phận rộng lớn và nhiều truyền thống như Giáo phận Vinh, vừa tiếp tục công tác nghiên cứu và loan báo Tin Mừng trong lĩnh vực văn hoá - giáo dục - xã hội? Trong thập niên vừa qua, bên cạnh Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, nơi gặp gỡ, thảo luận và trao đổi giữa giới các trí thức trong cũng như ngoài Công giáo, tôi đã đồng hành với một số anh chị em Giáo chức, Doanh nhân, Y, Nha, Dược… để cố gắng làm chút gì cho các bệnh nhận HIV/AIDS, người khuyết tật và các bệnh nhân nghèo ở vùng sâu, xa và cao của đất nước. Với vai trò giám mục của một giáo phận ở Bắc Trung Việt khó còn cơ hội tham gia các Lễ hội Giáng Sinh của người có hoàn cảnh đặc biệt hay ngược xuôi trên những chuyến xe đêm để tháp tùng đoàn y tế cộng đồng?

Cũng chẳng hy vọng còn cơ hội cưỡi Honda để đi thăm dân nghèo, càng không thể ngồi nhâm nhi một ly cà phê ở quán cóc bên vệ đường để nghe người trẻ tâm sự hoặc những “buổi điểm tâm - làm việc” tại các quán cà phê sân vườn để lên chương trình hoạt động với nhiều nhóm khác nhau. Đặc biệt, làm sao duy trì lối sống giản dị, gần gũi, tinh thần đối thoại, tiếp xúc thường xuyên với giáo dân và hình thức làm việc nhóm? Xin trao phó mọi sự trong tay Thần Khí để Ngài lo liệu và hướng dẫn.

W-ĐM: chúng con xin cám ơn Đức Cha.

W-ĐM thực hiện

Nguồn: daminhvn.net

 

 

In ngày: 19/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print