Print  
Tìm hiểu Sách GLHTCG - Phần III - Bài 47: Trách nhiệm đối với tạo thành
Bản tin ngày: 12/10/2015   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Phần III: ĐỜI SỐNG MỚI TRONG ĐỨC KITÔ

Bài 47. TRÁCH NHIỆM ĐỐI VỚI TẠO THÀNH


Điều răn thứ bảy còn bàn đến cả cách ứng xử của chúng ta với môi trường. Nếu tài nguyên trên trái đất được trao cho tất cả mọi người để quản lý và hưởng dùng, thì điều này cũng hàm chứa trách nhiệm đối với những thế hệ tương lai. “Những tội về môi trường” là “tội trộm cắp” đối với những thế hệ sẽ đến sau chúng ta. Bằng cách phung phí những tài nguyên trên trái đất, gây tổn hại nặng nề cho môi trường, ngày nay chúng ta đang làm giảm thiểu chất lượng sống của hậu duệ. Những can thiệp vào chính trật tự của sự sống (kỹ thuật sinh học, thao túng gien) là những sự liều lĩnh mà chúng ta hầu như không thể đánh giá hết được những tác hại của nó.

Tuy nhiên, “đạo đức môi trường” không chỉ phát xuất từ ý tưởng về trách nhiệm đối với những hậu quả có thể trong tương lai, mà trước hết còn phát xuất từ sự tôn trọng và kính trọng sự toàn vẹn của công trình tạo dựng (GLHTCG, số 2415). Chúng ta đang ứng xử thế nào với các nguồn tài nguyên khoáng chất, thực vật và động vật? Khoa học về môi trường phải dựa vào những tiêu chuẩn nào? Thế nào là sử dụng đúng đắn các tài nguyên thiên nhiên, thực vật và động vật, và khi nào thì là lạm dụng?

Trong Sách Giáo Lý, phần bàn đến tính luân lý trong cách ứng xử với loài vật (2416-2418) đã bị chỉ trích dữ dội và liên tục, nhất là từ phía những người hoạt động bảo vệ quyền của loài vật. Trong những chỉ trích này, người ta thường bóp méo ý nghĩa đích thực của Sách Giáo Lý, chẳng hạn cho rằng Sách Giáo Lý cấm yêu thương loài vật, và cho phép làm bất cứ thí nghiệm nào trên loài vật.

Sứ điệp căn bản của Sách Giáo Lý về vấn đề này là: Hãy tôn trọng tạo thành! Mọi sự trên trái đất – tài nguyên thiên nhiên, cây cối, động vật – tất cả phải được nhìn như công trình được Thiên Chúa tạo dựng và yêu mến: “Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.” (Kn 11,24-26).

“Thú vật là những thụ tạo của Thiên Chúa. Ngài ân cần quan phòng chăm sóc chúng. Chỉ bằng sự hiện hữu của mình, chúng đã ca tụng và tôn vinh Ngài” (số 2416). Nhưng thú vật không phải là con người. Chúng ta nên yêu thương loài vật: “Con người phải đối xử tử tế với chúng. Phải nhắc lại rằng các thánh như Phanxicô Assisi hoặc Philipphê Nêri đã đối xử dịu hiền với thú vật như thế nào” (số 2416). Tuy nhiên, tình yêu có những ưu tiên của nó: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó.” (Mt 7,27). Sẽ là điều không đúng đắn nếu yêu con chó hơn cả con cái mình: “Chi phí những số tiền quá đáng cho thú vật, mà lẽ ra phải ưu tiên làm giảm bớt sự khốn cùng của con người, là một việc bất xứng.” (số 2418). Nhưng cũng không đúng nếu hành hạ loài vật và bắt nó chịu những đau khổ không cần thiết.

Chúa Giêsu ra lệnh cho Phêrô tung lưới bắt cá và như thế, cá sẽ bị giết. Kinh Thánh không cấm con người sử dụng thú vật làm lương thực (St 9,3) và y phục (St 3,21). Dù vậy, điều đó không biện minh cho việc ứng xử cách độc ác và dã man đối với thú vật: “Hành hạ thú vật và phung phí mạng sống của chúng cách vô ích là nghịch với phẩm giá con người… Những thí nghiệm y học và khoa học trên thú vật có thể chấp nhận được về mặt luân lý, miễn là ở trong những giới hạn hợp lý và góp phần vào việc chữa bệnh hoặc cứu lấy mạng sống con người” (số 2417).

Tôn trọng tạo thành và nhận biết rằng chính chúng ta cũng là thụ tạo, điều đó sẽ giúp chúng ta có được sự quân bình cần thiết.
 
ĐHY Christoph Schönborn

WHĐ
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print