Print  
Giáo phận Qui Nhơn - Nạn Văn Thân
Bản tin ngày: 21/10/2016   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Khi quân Pháp đặt chân tương đối vững chắc trên lãnh thổ Việt Nam vào hạ bán thế kỷ 19, Giáo hội Việt Nam nói chung và Giáo phận Qui Nhơn nói riêng mang vết hằn của phân ly, tang tóc và chết chóc. Hoàn cảnh chính trị - xã hội Việt Nam phức tạp và trở nên rối ren, khi bàn tay của các nước thực dân Tây phương - nhất là Pháp - thò vào, quấy động, dùng mọi sách lược độc ác, cả binh lực vũ khí, kèm theo kế phân hoá trầm trọng, tàn nhẫn, gieo vào đầu óc Nho giáo phản động, câu nệ, thiển cận, tự mãn, nghi kỵ, bất lực của Triều Nguyễn, cũng như của đa số quan lại, sĩ phu không thức thời [1] để thủ lợi.

Chúng tôi xin trình bày một giai đoạn lịch sử đau thương của Giáo phận Qui Nhơn vào năm 1885 do Nạn Văn Thân gây ra. Vả lại, phong trào Văn Thân với chủ trương “Bình Tây Sát Tả” được xem như một hiện tượng xã hội trong một thời điểm nhất định, trong một hoàn cảnh xã hội cụ thể. Vậy đâu là nguyên nhân tạo nên phong trào này? Tính chất của hiện tuợng này là gì? Chúng tôi đề cập các điểm sau đây trong 3 phần chính, trong cái nhìn tổng hợp xuyên suốt bài nghiên cứu này về tính chất của Văn Thân.

***

“ÔN CỐ TRI TÂN”

“GIÁO PHẬN QUI NHƠN - NẠN VĂN THÂN”
(tỉnh Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định)

------- *** -------

PHẦN I: Giáo phận Qui Nhơn - Phong trào Văn Thân
PHẦN II: Tính chất xã hội của hiện tượng Văn Thân
PHẦN III: Những con dân Việt chống ngoại xâm - Công giáo ái quốc

***

PHẦN I
GIÁO PHẬN QUI NHƠN - NẠN VĂN THÂN

Văn Thân sát hại người Công giáo (1874) tại Tây Đàng Ngoài chiều ngày 11/01/2874, 14 làng Công giáo bị đốt phá, 1 linh mục bị giết và cuộc giết hại liên tục trong 10 ngày liền, cho đến lúc giáo hữu còn lại đã chạy thoát lên núi.[2] Giáo phận Nam Đàng Trong (Vinh) “đã có 4.500 bổn đạo bị giết và 300 họ đạo bị phá huỷ. Vào cuối tháng 3/1874, Tự Đức ký tờ hiệp ước với Pháp rồi sai Nguyễn Văn Tường làm khâm sai và Lê Bá Thuận đem quân ra đánh dẹp. Từ bấy giờ, Văn Thân không đốt giết nữa, nhưng họ dùng vũ lực chống chính quyền. Ngày 30/05/1874, Văn Thân chiếm Hà Tĩnh, và cách mấy ngày lại lấy 5 phủ thuộc Nghệ An. 20.000 Văn Thân vây Nghệ An, quan quân của chính phủ đã sắp ra đầu hàng, bỗng có một toán 200 binh sĩ Công giáo cướp được một đồn của Văn Thân, giết được một tướng giặc tên là Tú Cừu và 30 quân rồi cứu kéo lên tỉnh, toán khác theo sau, giải vây cho quân chính phủ, giúp quân chính phủ chiếm lại các phủ huyện.[3] Phát Diệm tạm yên. Nhưng sau đó làn sóng giết hại người tín hữu Công giáo của Cần Vương nổi lên khắp nơi ở Bắc Kỳ.[4]

I.  CHỨNG TỪ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

1.
Trong bài Nguyễn Trường Tộ và xung đột lương giáo ở Nghệ An, được đăng trên tuần báo “Công giáo và Dân tộc”, số 650, Chúa Nhật ngày 28/02/1988, trang 5 có ghi lại phong trào Văn Thân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, đặt biệt có ghi toàn bộ bức thư gửi cho Trần Tiễn Thành và Phan Thanh Giản, phản ánh tình hình xung đột lương giáo rất đáng lo ngại ở Nghệ An.

“Phong trào Văn Thân chỉ thực sự sôi động cao điểm vào những năm 1873-1874 là lúc Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất và những năm 1883-1885 là lúc Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai. Tuy nhiên, phong trào đã manh nha từ những năm 1863 - 1864 là lúc Triều đình Huế, sau khi ký hoà ước 5/6/1862 với Pháp và Espana, không còn cấm đạo nữa. Các nho sĩ bất bình với chính sách mới của Triều đình Tự Đức, dồn tất cả hằn học vào nguời Công giáo. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh theo Đại Nam thực lục, trong những năm 1865-1866 có nhiều nhà thờ bị đốt phá, Giám mục Gauthier (có tên Việt Nam là Ngô Gia Hậu), tháng 6 năm 1863, tìm cách trở về giáo phận của mình với giấy thông hành của soái phủ Saigon và sự chuẩn y của Triều đình Huế, nhưng chỉ về được tới giáp ranh phía Nam của Giáo phận Vinh, ở Bố Chánh, bên kia sông Gianh, vì tình hình giáo lương sôi sục ở Nghệ An và Hà Tĩnh, rồi phải ở đó cho tới giữa năm 1866 mới về Xã Đoài được nhờ một tàu chiến của Pháp chở về Cửa Hội. Nguyễn Truờng Tộ đi khỏi Nghệ An từ cuối năm 1858 cùng với Giám mục Guathier và mới trở lại quê nhà năm 1866.”

Ông viết thư sau đây (Di thảo số 14) để phản ánh về tình hình xung đột lương giáo rất đáng lo ngại ở Nghệ An:

“Ngày 22/4 năm Tự Đức 19 tức 4/4/1866, Nguyễn Trường Tộ kính bẩm: “Tôi sau khi từ kinh về đến Xã Đoài, tỉnh Nghệ An, những gì mắt thấy quả đúng như những gì đã nghe được mà còn hơn thế nữa là khác. Cứ theo cái đà nầy thì sự việc sẽ lan ra mãi chưa biết khi nào dứt. Đầu mối của sự việc là do sĩ phu, những cái gốc của nó do những người có quyền lực xướng xuất ra nữa (…)”

2. Ông Nguyễn Trường Tộ nói đến cái “gốc” của tranh chấp giữa lương giáo là do sĩ phu và những người có quyền lực “xướng xuất” mới manh nha vào năm 1866, để rồi năm 1874, sau khi Pháp chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất, phong trào Văn Thân gây hận thù và giết những nguời có đạo cách tàn bạo. Sử gia Trần Trọng Kim nhận định thêm:

“Tháng giêng năm Giáp Tuất (1874) là năm Tự Đức thứ 27, đất Nghệ An có hai người tú tài là Trần Tấn và Đặng Như Mai hội hợp cả các Văn Thân trong hạt rồi làm tờ hịch gọi là “bình tây sát tả” đại lược rằng: “Triều đình dẫu hoà với Tây phương mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước nhất xin giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi Tây cho hết, để giữ cái văn hoá của ta đã hơn 1.000 năm nay v.v…” Bọn Văn Thân cả thảy độ non 3.000 người kéo nhau đi đốt phá những làng có đạo.

“Nước ta mà không chịu khai hoá như các nước khác là bởi bọn sĩ phu cứ   giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự suy nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn không chịu mở mắt ra mà nhìn, lại vì sự tức giận một lúc mà làm việc nông nổi càn rở, để cho thiệt hại thêm, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nuớc nhà chẳng to lắm…?”

“Lúc bấy giờ quan tổng đốc Nghệ An là ông Tôn Thất Triệt lại có ý dung túng Văn Thân, cho nên họ càng đắc thế càng phá dữ.”[5]

II. HIỆN TUỢNG VĂN THÂN CÓ TÍNH CÁCH XÃ HỘI

1. Như trên đã trình bày, chúng ta nhận thấy hiện tuợng Văn Thân được sinh sản trong những điều kiện cơ chế phong kiến suy đồi do lớp nho sĩ lạc hậu thiển cận, quá khích đâm chém người có đạo. Trước tình hình bất ổn, Triều đình muốn vãn hồi trật tự kỷ cương của chế độ đã đem quân trấn áp Văn Thân, yên được một thời gian. Nhưng sau khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai (1882), đánh phá cửa Thuận An, hoà ước năm Quí Mùi (1883). Pháp lấn chiếm nữa, giành lấy các tỉnh Bắc Kỳ: lấy tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hoá, Tuyên Quang, rồi hoà ước Patenôte tháng 6 năm Giáp Thân (1885). Cuộc xâm chiếm của thực dân Pháp báo hiệu sự sụp đổ của chế độ phong kiến Triều Nguyễn:

ngoài bị xâm luợc, trong Triều quyền thần chuyên chế.

“Vả lại lúc ấy ở ngoài Bắc Kỳ thì rối loạn, ở trong Triều thì quyền thần chuyên chế, bởi vậy cho nên lại sinh ra lắm việc khó khăn.”[6]

2. Nhất là vào ngày 16/6 năm Quí Mùi (1883), Vua Tự Đức băng hà, một sự xáo trộn trong triều: hai ông nhiếp chính: Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chuyên chế, đổi tờ di chiếu, phế ông này, tôn ông khác lên làm vua, cũng như sau này ép ông vua được mình tôn lên làm vua phải uống thuốc độc và chọn ông khác. Phan Đình Phùng là nạn nhân của việc chuyên chế này: ông bị bắt giam, rồi bị cách chức đuổi về vườn.[7]

Cuối cùng, “Vua Kiến Phúc mất, đáng lẽ là con thứ hai của vua Dực Tông là ông Chánh Mông lên nối ngôi thì phải. Nhưng Tường và Thuyết không muốn lập người lớn, sợ mình mất quyền, bèn chọn em của ông Chánh Mông là ông Ưng Lịch, mới 12 tuổi, lập lên làm vua, đặt niên hiệu là Hàm Nghi.”[8]

3.
Uất ức nhiều đối với quân Pháp, hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tấn công đánh Toà Khâm sứ Pháp, thất bại đêm 22/05 năm Ất Dậu (1885), phải hộ giá Vua Hàm Nghi và rước bà Thái Hậu chạy lên Quảng Trị trốn.

4. Với nhục mất nước, nhóm sĩ phu lại nổi lên một cao trào “Bình Tây Sát Tả” trong những năm 1884-1885, sát hại người có đạo như phù Vua cứu nước.

“Văn Thân đã ra nhiều tờ hịch để sát hại Công giáo. “Vì Công giáo bán đứng quốc gia cho xâm lăng Pháp, cần phải trừ khử được quân tả đạo nội công đó, thì tự nhiên người Pháp thành ra trơ trọi yếu thế như cua mất còng, không bò, không kẹp được nữa.” Lại có tờ hịch khác nói rằng hồi quân Pháp đánh Thành Hà Nội, chính người Công giáo đã bắc thang cho binh lính Pháp leo vào trong Thành.”[9]

Trước tình thế bất ổn, ông Nguyễn Văn Tường ra đầu thú, Quan Thống tướng De Courcy lập ông Chánh Mông là Kiên Giang Quận Công lên làm vua, đặt niên hiệu là Đồng Khánh. Đồng thời Thống tướng Paul Bert xếp đặt mọi việc ở Bắc. Ở Trung Kỳ phong trào Văn Thân, con đẻ của thời kỳ suy đồi Triều Nguyễn, nổi lên đánh phá, sát hại người có đạo, mà nạn nhân là giáo dân trong Giáo phận Qui Nhơn.

III. MỘT SỐ GIÁO XỨ THUỘC GIÁO PHẬN QUI NHƠN LÀ NẠN NHÂN VĂN THÂN


Sau khi Đức cha Tabert qua đời, Đức cha Thể lên thay cai quản Giáo phận Đàng Trong. Trong thời gian cực kỳ nghiêm trọng, bị cấm đạo, Đức cha Thể xin Toà Thánh chia Giáo phận Đàng Trong ra làm hai. Một là Giáo phận Nam Đàng Tây gồm phía nam, phía tây, Campuchia, do Đức cha phó là Lefèbre cai quản. Còn một phần là Giáo phận Đông Đàng Tây gồm phía bắc, phía đông và tây nguyên, có những tỉnh Bình Thuận, Khánh Hoà, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi[10] và Tây Nguyên. Trong năm 1885, lúc Văn Thân tàn sát các họ đạo thuộc Giáo phận Qui Nhơn, Đức cha Van Camelbecke Hân cai quản giáo phận và đóng ở Toà Giám mục Làng Sông.

Sau đây, chúng tôi xin ghi lại một số địa sở bị Văn Thân tàn sát từ Quảng Nam dần về Qui Nhơn dựa trên các tài liệu của Linh mục Phan Phát Huồn, “Giáo sử Việt Nam”, bản tường trình của Mgr Van Camelbecke, “Rapport Annuel De Cochinchine Orientale” và Đức Giám mục Tardieu trong Compte rendu, Quinhơn năm 1940 & năm 1941.[11] Đồng thời trong mỗi họ đạo, chúng tôi sẽ ghi về vị trí, nguồn gốc, nạn Văn Thân và tái thiết.

1. TRÀ KIỆU

Vị trí - nguồn gốc: Trà Kiệu nằm trong kinh đô Simhapura của Chàm. Vào thế kỷ VIII có hai người Trung Quốc đi qua Ấn Độ và ghé lại xứ Chàm, khi hai ông về nước viết một quyển sách nói rõ về kinh thành Trà Kiệu thuở ấy phồn thịnh. Sách này tả là Simhapura xung quanh rộng được tám lý, có cửa, có bậc và có tường gạch bao quanh. Thành có nhiều cửa trông ra sông và sông đó là cửa biển, buôn bán rất phồn thịnh của người Chàm. Kinh đô có tám ngôi chùa to lớn trong tám chỗ hệ trọng, có phòng hội nghị, có lầu dài bằng gạch cùng những tam cấp, có lầu cao như tháp thờ Đạo Phật. Trà Kiệu có đồi Kim Sơn cao vòi vọi, lẫn hàng xóm dân cư dựa ngay chân núi. Đấy là dấu cũ đền đài cung điện và đất cố đô của một dân tộc bị chinh phục và mất nước.

Lúc Chàm nhường đất bỏ kinh đô, người Chàm lấy đất lấp kín cả cung điện, biến thành một núi con, trải qua mấy trăm năm nay. Trèo lên trên nền đồi núi nầy, nền cao, rộng, có từng bậc, mặt nền lát nhiều gạch to và dày. Chung quanh là ba bốn cái nền nhỏ nữa, có chỗ giống như cái giếng, hình vuông và to bằng bốn năm chiếc chiếu, bốn phía xây gắn kỹ càng.[12]

Trà Kiệu theo các bô lão địa phương cho biết: Trà là làng Chàm, là vùng Chàm ở, Kiệu nghĩa là kiều cư, người ở xa đến. Dân cư Trà Kiệu gồm những gia đình con cháu của các quan quân từ Thanh Hoá vào Bình Định vùng Quảng Nam thời kỳ Nguyễn Hoàng, Võ Vương... lập cư. Nay dân làng còn ghi lại tộc họ và còn nhà thờ tổ tại vùng Trà Kiệu này.

Giáo xứ Trà Kiệu được hình thành rất sớm những thập niên đầu thế kỷ 17 nhờ các giáo sĩ Dòng Tên Ý (ngày 18/1/1615: Giáo sĩ Ý Francescô Buzomi với Giáo sĩ Diego Carvalho Bồ Đào Nha cùng các Thầy Antôniô Diaz Bồ Đào Nha, Giuse và Phaolô Nhật Bản đến Cửa Hàn). Từ Hội An, các cha truyền giáo quanh vùng Đà Nẵng, tới Quảng Nam, Qui Nhơn, Phú Yên. Giáo xứ Trà Kiệu hiên nay thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thuộc Giáo phận Đà Nẵng.[13]

Nạn Văn Thân: Ngày 1/9/1885, Trà Kiệu bị bao vây. Linh mục Chánh xứ là Bruyère Nhơn lo lắng, vì chỉ có vài cây súng, có khoảng 350 người trai tráng có thể cầm vũ khí tự vệ. Ngài cho cho làm giáo mác, phân bổ người canh gác, còn 500 đàn bà làm người thủ thành và cấp cứu. Nhưng tất cả cộng đoàn không dựa vào sức lực và vũ khí trước một lực lượng đông đảo của Văn Thân, mà dựa vào sự che chở của Mẹ Maria.[14]

Văn Thân bao vây bốn phía đông như kiến cỏ, dùng mọi vũ khí nhỏ to như đại pháo, cả đem voi vào trận chiến, với những người chỉ huy chuyên nghiệp như con ông lãnh binh Ích Khiêm, hay tướng Ký. Sau mỗi lần bị tấn công, giáo dân Trà Kiệu kêu tên Giêsu Maria Giuse cứu giúp và tạ ơn trước tượng Mẹ khi thoát một trận tấn công.

Văn Thân ra sức rào giậu về Mặt Bắc, đem rơm rạ chất từ đồi Kim Sơn tới núi Trọc nhằm đốt luỹ tre. Nhờ quyết tâm, tín hữu Trà Kiệu ùa ra đánh chớp nhoáng, đồng thời huỷ rơm rạ đó đi. Sau 2 tuần bị bao vây, giáo dân Trà Kiệu quyết chiếm đồi Kim Sơn vào lúc 3 giờ sáng. Sau 3 tuần, toàn bộ giáo hữu Trà Kiệu chiếm núi Trọc, đẩy toàn bộ lính Văn Thân có cả con ông lãnh binh Ích Khiêm và tướng Ký thạo binh đao chỉ huy, cũng như quân ở tỉnh kéo đến giúp, có voi ra trận. Sau trận này, Văn Thân rút lui và đến bao vây vùng Quảng Trị.

Sau khi Trà Kiệu thoát nạn, nhờ sự đồng tình của cả giáo xứ, với sự hỗ trợ tinh thần của các xứ xung quanh như Phú Thượng, tối đến họ lũ lượt kéo đến quây quần chung quanh ảnh Mẹ, cám ơn Người đã thương cứu giúp khỏi những giây phút nguy nan.

Tái thiết: Sau khi thoát nạn Văn Thân, Giáo xứ Trà Kiệu bắt đầu xây dựng lại những chỗ hư nát. Vào năm 1890, giáo xứ khởi công dựng lại nhà thờ và hoàn thành năm 1891. Trà Kiệu dù trải qua những cuộc bể dâu nay vẫn đoàn tụ đông đảo giáo dân có lòng đạo thâm trầm. Để tưởng nhớ đến muôn đời hồng ân của Mẹ, Trà Kiệu kiến thiết Tượng đài Mẹ, cũng như một nhà nguyện trên đồi Kim Sơn, như một chứng từ Mẹ thương cứu giúp những ai chạy đến Mẹ. Hằng năm, vào cuối tháng 5, giáo xứ tiếp đón tín hữu trong toàn giáo phận về đồi Kim Sơn, nơi có tượng Mẹ để tạ ơn. Hằng ngày vẫn có những tâm hồn muốn đến hành hương cầu nguyện dưới chân Mẹ.

KÍNH VIẾNG NGẮM ĐỨC MẸ
NHÀ THỜ NÚI TRÀ KIỆU

Thơ của U Mộng Vũ Huyền Dư[15]

“Trèo lên bậc đá núi thiên nhiên,(1)
Viếng ngắm tôn nhan của Mẹ hiền (2).
Phảng phất trầm hương thơm bát ngát,
Say sưa thần trí ngất vô biên.
Tình say! như giấc say trong mộng,
Cảnh đẹp! tựa lòng đẹp của tiên.
Đưa mắt nhìn lên cây Vũ Trụ, (3)
Mênh mông trời đất kết tay liền.”

Trà Kiệu 1954

TRÀ KIỆU

“Gởi về Trà Kiệu cõi lòng tôi,
Những mến, những thương, những nổi trôi,
Từng cấp đưa dần lên gặp Mẹ,
Chín trời lộng gió thoát tanh hôi,
Mẹ nhìn con nhỏ tâm tình mến,
Con tỏ tấc lòng đời bạc vôi!
Mẹ đã giơ tay thương cứu giúp,
Đời con tận hiến cho Ngài rồi.”[16]

2. ĐỊA SỞ TRUNG  TÍN[17]

Vị trí - nguồn gốc: Địa sở Trung Tín trước kia gọi là Trung Sơn, vì nằm trong thôn Trung Sơn. Vùng núi ít mưa, ít sông, độc canh. Dân chúng nửa năm ăn khoai và bắp. Thôn này trong Thế chiến I (1914-1918) đã bị chính phủ bảo hộ hồi ấy xoá tên.

Đạo Công giáo truyền bá vào tỉnh Quảng Nghĩa vào giữa thế kỷ 17, do các cha Dòng Tên từ Hội An đến. Năm 1664 đã có 4 giáo hữu người Quảng Nghĩa được phúc tử đạo tại thành Quảng Nam. Theo báo cáo của Đức cha Bennetal, Giám mục Phó của Đức cha Lefèbre, vào năm 1748, trong toàn tỉnh có 2.000 giáo hữu, chia ra ra 20 họ đạo; trong đó chưa có ghi lại họ Trung Tín. Như vậy, họ đạo Trung Tín đã khai sinh muộn hơn và chắc là trước năm 1885, có lẽ trước năm 1870, do cố Ngọc thành lập. Ngày 14/09/1860, Cha Lợi quê ở Trung Chánh đã chịu trảm quyết tại Quảng Nam.

Nạn Văn Thân: Năm 1885, Văn Thân chia làm nhiều nhóm kéo đến tấn công riêng rẽ các họ đạo Trung Tín, Trung Thành, Trung Hậu, Trung Chánh và Long Giang làm thiệt hại 70 giáo dân, khiến cho tất cả tập trung để dễ phòng vệ hơn. Kể từ ngày 17/07/1885, Trung Tín bị Văn Thân bao vây gần suốt 38 ngày, giao chiến 18 trận và đẩy lùi 18 trận, làm cho đối phương tổn hại nặng, người Công giáo chỉ mất 1 người. Cha sở Trung Tín, một linh mục lúc bấy giờ vắng mặt vì đi cấm phòng tại Bình Định, nên Thầy Quỳnh, một thầy giảng quê ở Hội Đức, đứng ra điều khiển mọi mặt.

Tuy nhiên, số 900 trăm giáo dân gồm cả đàn bà con nít ông già bà cả làm sao kháng cự lâu ngày được với Văn Thân trang bị đầy đủ và đông gấp bội. Ngày 18/08/1885, hai giáo hữu cải trang đi bán than liên lạc với Cha Maillard (Phú Thượng). Ngày 24, Cha Maillard vũ trang đầy đủ tiến đến Trung Sơn. Cha Maillard đưa toàn bộ giáo hữu Trung Sơn về Phú Thượng để cùng với giáo dân Phú Thượng tổ chức tự vệ, và trong 2 năm trời Cha thương lo cho con chiên của mình.

Trong khi tự vệ, giáo dân không phải dựa vào giáo mác, mà dựa vào lòng trông cậy nơi Mẹ Maria. Dân làng nói chính Đức Mẹ đã cứu thoát Trung Tín. Người bên lương quả quyết đang lúc giao tranh đã thấy một bà hiện ra trên nóc nhà thờ, tay bồng một em bé, tay vung kiếm. Giáo dân đi đâu cũng mang ảnh Đức Mẹ đi theo đó. Trong 2 năm ở Phú Thượng, phần nước độc, phần phải tham gia tự vệ, giáo hữu Trung Sơn đã mất nhiều người, nên khi trở về quê chỉ còn không đầy 700 người.

Tái thiết: Sau nạn Văn Thân, dưới thời Cha Sudre làm cha sở (1888-1894), anh em bên lương vẫn thiện cảm và cảm phục đức tin giáo dân Trung Tín nên trở lại đạo nhiều. Ngoài ra, Trung Tín là một nơi nghèo, chuyên cần dự lễ, siêng năng rước lễ, đời sống đạo đức và tình huynh đệ. Họ đạo được kể là một trong những địa sở tốt nhất trong giáo phận.

3. ĐỊA SỞ PHÚ HOÀ


Vị trí - nguồn gốc: Kể từ Bắc xuống Nam thì địa sở Phú Hoà là địa sở thứ hai thuộc tỉnh Quảng Nghĩa, cách Trung Tín chừng 15 cây số. Phú Hoà có lâu đời cũng như những họ Chợ Mới, An Hội, Chà Là, do các cha Dòng Tên đến truyền giáo. Chà Là chắc phải được thành lập trước Phú Hoà, An Hội, Chợ Mới vì trong báo cáo của Đức cha Bennetat gởi về Chủng viện Paris năm 1748 cho thấy chỉ có tên Chà Là, nhưng Chà Là (một họ đạo) ngày nay không còn nữa. Vào  năm 1877, Cha Gourmond làm Cha sở Phú Hoà.

Nạn Văn Thân
: Phú Hoà, Chợ Mới, An Hội phải có trước năm 1885. Năm 1885, địa sở Phú Hoà bị nạn Văn Thân thiệt hại nặng nhất trong giáo phận. Ngày 17/07/1885, 300 giáo hữu, trong số đó có 40 nữ tu và một số trẻ mồ côi bị Văn Thân giết cùng với Cha Guégan Hoàng ngay trên mấy đám ruộng trước nhà thờ sau khi đã đốt xong nhà thờ và mọi nhà của giáo hữu trong họ Phú Hoà. Cha Guégan bị bắt trước tiên và bị trói chặt. Văn Thân trả hỏi ngài qua loa, mắng chửi đánh đập thậm tệ, rồi chiều đem chém đầu bêu cao 3 ngày trước cửa nhà thờ. Họ lại mổ bụng lấy gan mà ăn.

Tại Chà Là, là một họ nhánh bấy giờ thuộc địa sở Phú Hoà, 200 giáo dân và 190 người ở Chợ Mới cùng toàn thể giáo hữu An Hội đều bị giết sạch. Sau 2 năm bị bắt bớ, Phú Hoà chỉ còn 80 giáo hữu sống sót.

Tái thiết: Ngày 2/10/1990, Cha Salomer Quới làm Cha sở Phú Hoà. Trước năm  1930, Cha Poyet đã lập họ Quảng Nghĩa. Tuy nhiên, năm 1940, gần 1 thế kỉ sau nạn Văn Thân, địa sở Phú Hoà tính được 1.227 giáo hữu, với 6 họ đạo. Tại Phú Hoà, nhà thờ cất trước năm 1885 không còn nữa, và chính trên nền thờ cũ, có máu các Thánh tử đạo, Cha Poyet đã cất một nhà thờ khác, nhà thờ hiện nay rộng rãi, khang trang.

4. ĐỊA SỞ CÙ VÀ


Vị trí - nguồn gốc: Địa sở Cù Và thuộc tỉnh Quảng Nghĩa, cách Phú Hoà hơn 200 cây số về phía tây, chiếm trọn thung lũng nằm hai bên tả hữu ngạn sông Trà Khúc và chạy đến giáp dãy Trường Sơn.

Cù Và đã được thành lập lâu đời, chắc là trước năm 1748, vì trong bản báo cáo của Đức cha Bennetat gửi về Paris năm ấy đã thấy tên họ Cù Và.

Nạn Văn Thân
: Năm 1885, địa sở Cù Và gần 10 họ đạo, tính cả thảy gần 3.000 giáo hữu. Cha sở lúc bấy giờ là Cha Garin đã nghe biết phong trào Văn Thân và thấy trước giông tố sắp nổi dậy, nên ngày 17/7/1885 ngài bỏ Cù Và đi thăm an ủi Phương Chuối, một họ đạo quan trọng có tu viện và hai nhà mồ côi. Tu viện và hai nhà mồ côi sau năm 1887 đã dời về Cù Và. Trên đường đi, Cha Garin bị theo dõi nhưng nhờ có ngựa hay, ngài trốn thoát được và đến Phương Chuối bình an. Chiều và tối hôm đó, ngài giải tội cho giáo dân dọn mình chết. Rạng sáng ngày 18, họ đạo đã bị Văn Thân bao vây rồi. Hàng trăm giáo hữu tập trung vào nhà thờ. Cha Garin mặc áo choàng trắng và dây choàng đỏ đứng dưới chân bàn thờ, giơ cao Thánh giá làm phép lành cuối cùng cho giáo hữu, miệng hô to: “Lạy Chúa, xin sai các Thiên thần đến rước các linh hồn tử đạo về Trời.” Trong khi đó, Văn Thân đốt nhà thờ, và trong chốc lát, Cha sở và cả đoàn chiên đã nên mồi cho lửa thiêu.

Tại Cù Và, chiều ngày Cha Garin ra đi đến Phương Chuối, Văn Thân đốt nhà giáo hữu, nhà xứ, nhà thờ. Sáng hôm sau, toàn thể họ đạo đã có mặt trong khuôn viên nhà thờ và vì bị bao vây chặt chẽ không sao thoát được, nhưng không thể nào tự vệ được nên cùng nhau quỳ gối dọn mình chết. Khi nhóm Văn Thân đến gần múa gươm toan chém, thì từ trong giáo hữu có tiếng hô to: “Giêsu - Maria - Giuse!”. Văn Thân kinh hoàng tháo chạy vì cảm thấy cánh tay bị tê liệt.

Được ơn lạ cứu thoát, giáo hữu hội nhau quyết định trốn lên núi. Một số bị người dân tộc bắt làm nô lệ, phần đông không thấy trở về. Một số khác đi về phía Trà Kiệu, gia nhập tự vệ ở đó. Chừng 200 người liều chết ở lại và qua hôm sau bị giết sạch.

Tái thiết: Sau 2 năm bách hại, Cù Và chỉ còn non 600 giáo hữu. Những năm 1940, nghĩa là hơn 50 năm, Cù Và tính được 9 họ đạo và 2.554 giáo dân.  

5. ĐỊA SỞ CHÂU ME


Vị trí - nguồn gốc: Từ Cù Và đến Châu Me cách chừng 20 cây số nếu đi qua Phước Lâm, Chợ Chùa; đi ngõ Phú Hoà, Quãng Nghĩa cũng đến 40 cây số.

Châu Me ngày xưa cùng với Bầu Gốc, Trà Câu là một giáo xứ chạy từ Bắc ngạn sông Vệ cho đến đèo Bến Đá. Châu Me ở phía bắc đã trở thành giáo xứ tự trị tách khỏi Bầu Gốc tháng 3 năm 1907 với Cha Le Darré Châu làm cha sở đầu tiên.

Châu Me, Kỳ Thọ, An Chỉ Bắc, An Chỉ Nam là những họ đạo lâu đời, có từ những năm đầu Công giáo ở miền Trung do các cha Dòng Tên đến giảng đạo thành lập. Chính tại An Chỉ hồi năm 1670, Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục tiên khởi Đại diện Tông toà cai quản Giáo phận Đàng Trong, đã lập tu viện đầu tiên thuộc Dòng Mến Thánh Giá trong giáo phận của ngài.

Nạn Văn Thân: Năm 1885, cả 4 họ đạo nói trên đều bị Văn Thân tàn phá. Một số giáo hữu chừng vài ba mươi người không chạy đi Bầu Gốc được đã thoát lên núi hay trốn ẩn trong những nhà lương dân. Sau 2 năm họ được trở về tái thiết nhà cửa trên đống đổ nát điêu tàn.

Tái thiết: Năm 1940, 4 họ đạo ấy tính cả thảy được 800 giáo dân, trong khi cả địa sở có 1.579 tín hữu.

6. ĐỊA SỞ BẦU GỐC

Vị trí - nguồn gốc: Từ Châu Me đến Bầu Gốc nếu đi ngõ An Chỉ qua đò sông Vệ thì chừng 12 cây số; nếu đi ôtô thì phải đi trở lại đường Quảng Nghĩa rồi theo quốc lộ 1 đến chợ Đồng Cát, tại đây có đường tư ích đưa thẳng đến nhà thờ, tất cả chừng 40 cây số.

Bầu Gốc có lâu đời do các cha Dòng Tên thành lập, ngày xưa gồm cả Châu Me và Trà Câu làm một giáo xứ tính được 1.650 người tín hữu. Năm 1907, Châu Me tách ra làm địa sở tự trị, còn Trà Câu tách ra năm 1921.

Nạn Văn Thân: Tháng 7 năm 1885, Văn Thân tàn phá cả địa sở Bầu Gốc. Trước đó một tháng, Cha Poirier bị Văn Thân làng Văn Bân bắt và sỉ nhục thậm tệ, nhưng rồi cũng được thả tự do. Tuy nhiên, trong đêm 14/07, Văn Thân kéo nhau đến bao vây họ đạo Bầu Gốc. Sáng ngày 15, Cha Poirier nói với chừng 300-400 giáo dân trự lại tại nhà thờ: “Không còn có thể trốn đi tập thể được nữa, nhưng riêng rẽ ai trốn được thì trốn, phần Cha đến xứ này chỉ mong được phúc chết vì đạo, nên Cha ở lại đây và cầu nguyện trông chờ giờ ao ước đến.” Giáo dân thưa lại: “Chúng con cũng muốn chết vì đạo như Cha, chúng con cũng sẽ chết với Cha.” Chỉ có một ít người chạy trốn, còn ngày hôm đó và cả đêm hôm sau ai nấy lo xưng tội dọn mình chết. Ngày 16, lúc 1, 2 giờ sáng, Cha Poirier dâng Thánh lễ, rồi vẫn mặc lễ phục quỳ dưới chân bàn thờ chờ Văn Thân đến. Họ đang cướp  và đốt phá các nhà lân cận nhà thờ. Thấy vậy, một số giáo dân phẫn nộ kêu lên: “Nếu phải chết, chúng ta sẽ chết, nhưng thử chống cự coi đã.” Cha Poirier liền lên tiếng: “Chi vô ích hỡi các con, chúng ta hãy chết vì Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu.” Ngài đứng trên cấp bàn thờ tiếp tục khuyên nhủ con chiên cho đến khi Văn Thân đốt nhà thờ, lửa thiêu rụi cả Cha sở lẫn đoàn chiên.

Tái thiết:
Sau 2 năm bị bách hại, họ Bầu Gốc chỉ còn lối vài ba chục giáo dân và chừng ấy người đã lập lại họ đạo chính và họ An Thạnh, Thuận Yên. Sau đó, họ đã trở nên đông và sốt sắng nhờ máu các đấng tử đạo.

7. ĐỊA SỞ TRÀ CÂU

Vị trí - nguồn gốc: Trà Câu cách Bầu Gốc 20 cây số, ngày xưa là trạm nghỉ chân duy nhất trên đường Gia Hựu đi Quảng Nghĩa, hay ngược lại. Trà Câu xưa là họ nhánh của địa sở Bầu Gốc, tách ra năm 1921.

Nạn Văn Thân: Giáo hữu Trà Câu được tiếng tốt và gương mẫu về nhiều phương diện, nhờ có đức tin vững chắc, vì đã chịu thử thách nặng nề, như nhiều địa sở khác trong năm 1885. Khi nghe Bầu Gốc, Phú Hoà, Phương Chuối bị Văn Thân đốt phá và các Cha Poirier, Guégan và Garin bị giết, 230 giáo hữu Trà Câu lo âu sợ hãi. 80 người trốn được vào Gia Hựu, nhưng rồi cũng bị giết chết 15 ngày sau tại Hội Đức cùng với anh em giáo hữu Gia Hựu chạy vào đó. Một số khác tìm đường trốn lên núi hay trốn trong nhà những người ngoại đạo. Một số nữa, khoảng hơn 70 người mạnh dạn ở lại và vì không chịu bỏ đạo, đã bị lên án nhận nước, chết trong một ao sâu cách nhà thờ 1 cây số. Tất cả đều vui vẻ bước đi, tay lần chuỗi bảy sự thương khó Đức Bà và khi đến nơi họ cùng nhau đọc kinh ăn năn tội, rồi để mặc Văn Thân xô xuống vực sâu.

Tái thiết:
Ông câu phó đã trốn được trong nhà một lương dân, năm sau ông trở về và cùng một ít người còn sống sót xây dựng lại họ đạo với tài sản của ông.

Một ít năm sau, phong trào tòng giáo khơi dậy ở Bồng Sơn, lan qua đèo Bến Đá, khai sinh nhiều họ đạo mới. Năm 1940, địa sở Trà Câu có cả thảy là 589 giáo dân, chia làm 7 họ đạo.

8. ĐIẠ SỞ GIA HỰU

Vị trí - nguồn gốc: Gia Hựu là địa sở địa đầu cực bắc tỉnh Bình Định, thuộc thôn Gia An, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Địa sở ngày xưa bao gồm cả Đồng Quả, Đồng Dài, Thác Đá, Hội Đức chạy từ đèo Bến Đá đến đèo Phú Cũ.

Họ đạo Gia Hựu cũng như Bàu Giêng, Gò Xoài, Kim Bồng, Phú Sanh đã có từ  lâu đời, có lẽ vào thượng bán thế kỷ 17, nhưng chắc sau Nước Mặn, là họ đạo kỳ cựu nhất trong tỉnh Bình Định, được thành lập khoảng năm1620. Lịch sử truyền giáo vùng Gia Hựu không nói do phái đoàn nào, nhưng vào khoảng năm 1750-1800, tất cả khu vực từ đèo Bến Đá cho đến Mương Lở (Nhà Đá) đều ở dưới quyền coi sóc của các thừa sai Dòng Phanxicô, tỉnh Manila. Giữa thế kỷ 18, Gia Hựu có 500 giáo hữu, Bàu Giêng có 300.

Nạn Văn Thân:
Năm 1850, dưới thời Đức cha Cuénot Thể, cả vùng Bồng Sơn tính được 535 giáo hữu. Gia Hựu cũng là nơi cư trú của Đức cha Thể khi ngài không thể trốn tại Gò Thị hoặc những vùng lân cận.

Một số giáo hữu Trà Câu cách Gia Hựu 35 cây số chạy trốn vào Gia Hựu đưa tin Quảng Nghĩa các họ đạo bị đốt phá giết chóc 3 ngày 16, 17, 18 tháng 7, nên ở Gia Hựu ai nấy đều nhận thấy đã đến phiên mình rồi. Cha Jeffroy Bửu nghĩ cần có biện pháp đối phó. Mặt khác, trong đêm 24 rạng sáng ngày 25/7, ngài đi Huế vì triều đình nhất mực cho rằng sẽ không có gì nguy hiểm.

Một tuần lễ sau, tai hoạ đã đến. Một nửa giáo hữu Kim Bồng xuống thuyền trốn vào Qui Nhơn. Giáo hữu Bàu Giêng không trốn đi được phần lớn bị giết hay bị thiêu sống trong nhà thờ. Nhiều giáo hữu thuộc các họ nhánh khác trốn lên núi hay vào ẩn lánh nơi những nhà lương dân, phần lớn trở về Gia Hựu, rồi cũng bị bao vây với giáo hữu Gia Hựu ngày 4/8/1885.

Tại Gia Hựu, hai cha phó của Cha Jefferoy, Cha Nhứt và Cha Dupont Minh, cùng hàng chức việc nhận thấy không thể tự vệ được, phần thiếu nước không thể dập tắt nổi những đám cháy hàng rào do Văn Thân đốt, nên quyết định phải chạy vào Qui Nhơn.

Sáng 5/8, sau khi lãnh nhận Bí tích Giải Tội tập thể, gần 2.000 người đàn ông, đàn bà, con trẻ kéo nhau đi, và sau khi vất vả qua 15 cây số mới đến chân đồi Hội Đức thì bị những đoàn Văn Thân vũ trang đóng tại đồng Phú Trăng chặn lại. Cha thừa sai Dupont Minh thấy không còn cách nào trốn thoát nữa nên đến quỳ ở gốc cây vệ đường chờ đợi giây phút được phúc tử đạo. Cha bị chặt đầu. Cha Nhứt cũng cùng số phận, và cuộc tàn sát bắt đầu. Rồi tiếp đến cả ngày và đêm hôm đó, giữa những tiếng kêu la rên khóc rất thảm thương hoà lẫn tiếng phầm phập của giáo mác cùng tiếng la hét, chửi bới man rợ, anh chị giáo dân đều quỳ gối chịu chết không một cử chỉ kháng cự.

Cha Jefferoy Bửu ở Huế về, đi trên một chiếc thuyền chạy qua Quảng Nghĩa, lúc ngang qua Kim Bồng và Bồng Sơn ngày 5/8/1885, thấy nhiều cột lửa khổng lồ khói đen nghịt, ngài biết chuyện gì đã xảy ra. Ngài khóc nức nở, tiếc không được cùng với đoàn chiên dâng hiến mạng mình cho Chúa.

Tái thiết: Vào giữa tháng 9/1887, Cha Jeffroy Bửu cùng với giáo dân vùng Bồng Sơn quyết định hồi hương. Cả vùng Bồng Sơn, trước năm 1885 có hơn 7.500 giáo hữu, nay chỉ còn 700 người sống sót, xây dựng giáo xứ trên đống đổ nát, thấm máu các đấng tử đạo. Dầu dân số tân tòng tăng thêm và Gia Hựu vào năm 1941 tăng thêm tính được 2.293 người.

9. ĐỊA SỞ ĐẠI BÌNH (Thác Đá)

Vị trí - nguồn gốc:
Địa sở Đại Bình ngày nay cách đây trên 30 năm gọi là Thác Đá, vì họ chính hồi đó là Thác Đá thuộc thôn Bình Chương, xã Bình Đức, huyện Hoài Nhơn. Địa sở trước năm 1896 còn thuộc địa sở Gia Hựu, nhưng từ năm 1896 trở thành tự trị, cách Hội Đức 5 cây số về phía bắc và cách cầu Bồng Sơn chừng vài trăm mét. Cả địa sở có khoảng 1.800 giáo dân. Theo báo cáo năm 1850 của Đức cha Thể, Thác Đá có 331 giáo dân, Đại Bình có 84 giáo dân.

Nạn Văn Thân: Năm 1885, địa sở Thác Đá có 400 giáo dân bị Văn Thân tàn phá nặng nề. Hồi ấy, ở Thác Đá có Cha Barrat Chung được coi như cha sở, còn Cha Mão giúp Cha Barrat Chung thì ở Đồng Dài. Trong tháng 7/1885, Cha Barrat Chung được lệnh Đức cha Camelbecke Hân truyền đưa giáo dân đi Làng Sông và Qui Nhơn, khi thấy có nguy hiểm thật sự. Giáo dân Thác Đá nhận thấy không thể nào trốn thoát được, nên hai cha quyết định ở lại với đoàn chiên.

Họ đạo Thác Đá bị bao vây xế chiều ngày 3/8/1885 và trong đêm mồng 3 rạng sáng ngày mồng 4, Cha Barrat Chung và Cha Mão, các nữ tu, các trẻ mồ côi và một số ít giáo hữu tập trung trong nhà thờ để dọn mình chết. Tất cả đều bị thiêu sống.

Một số giáo hữu trốn thoát được lên núi, nhưng rồi lại bị Văn Thân thả chó săn đuổi, nên chỉ chừng 26 người thoát thân được mà thôi. Các họ đạo khác bị đốt phá và giết chóc trong ngày 4 và 5 tháng 8. Rất ít người sống sót.

Tái thiết: Nhưng từ năm 1889 đến 1900, tất cả các họ đạo của địa sở được tái lập với phong trào tòng giáo đông đúc.

Khuôn viên nhà thờ là nơi an táng các giáo hữu Thác Đá bị giết năm 1885 do Văn Thân. Đó là di tích chứng tỏ đức tin vững mạnh của người tín hữu Thác Đá.

10. ĐỊA SỞ NƯỚC NHỈ

Vị trí - nguồn gốc: Nước Nhỉ cách Bồng Sơn chừng 18 cây số, kể cả 3 cây số từ Bình Dương, quốc lộ 1 đến nhà thờ thuộc thôn Chánh Khoan, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, nằm giữa đèo Phú Cũ và đèo Nhong, chạy dài thoai thoải đến tận biển Đông, có cửa Hà Ra.

Họ đạo Nước Nhỉ có lâu đời từ thời các cha Phanxicô, tỉnh dòng Manilla, đến giảng đạo vào thượng bán thế kỷ 17. Theo lịch sử truyền giáo thế kỷ 18, Nước Nhỉ đã có 70 giáo hữu. Vào năm 1885, vùng Nước Nhỉ đã có nhiều họ đạo; Nước Nhỉ với 600 giáo dân; Suối Lâm chừng 40 giáo dân.

Nạn Văn Thân:
Trong đêm 29 rạng ngày 30 tháng 7 năm 1885, tại họ Hà Ra, 23 giáo hữu bị Văn Thân bắt trói, rồi đem quăng xuống biển. Đó là cuộc sát hại đầu tiên xảy ra trong tỉnh Bình Định hồi ấy.

Cha Hamon Lựu, cha sở Truông Dốc (Nhà Đá), biết tình thế nguy hiểm nên ngày 1/8/1885 ngài viết thư cho Cha Macé Sĩ, đang làm giám đốc tại Nước Nhĩ, kêu gọi cha và toàn thể giáo dân vùng Nước Nhĩ khẩn cấp đi vào Truông Dốc, để sáng sớm hôm sau, ngày mồng 2, tất cả sẽ cùng nhau lên đường chạy vào Làng Sông, Qui Nhơn.

Cha Macé Sĩ và ban chức việc lúc đó do dự nhưng cuối cùng quyết định ra đi, chia thành từng toán nhỏ: Hai toán đầu trót lọt (nhưng toán thứ ba bị bắt) và dồn vào trong chủng viện, nơi đã có sẵn 500 giáo dân đang ẩn trốn. Ngày hôm sau, mồng 2/8, tất cả chủng viện đều bị Văn Thân bao vây.

Lúc đầu nhờ 3, 4 cây súng trường và 1 cỗ súng đồng nhỏ, giáo hữu còn cầm cự được với Văn Thân cả buổi sáng, nhưng dần dần hết đạn nên giáo hữu bị Văn Thân tràn vào các nhà của chủng viện, tha hồ chiếm giết đốt phá và trong phút chốc chủng viện trở thành một lò lửa khổng lồ.

Trong cuộc tàn sát này, Cha Macé Sĩ bị phát giác, bị bắt và bị chém đầu. Đầu ngài bị bêu trước cổng chủng viện.

Tái thiết: Tháng 9/1887, hoà bình trở lại, giáo hữu Nước Nhỉ trở về chưa đầy 80 người. Các họ đạo, chủng viện bị tiêu tan. Nhưng các giáo hữu còn lại cam đảm tái thiết lại họ đạo, cất lại nhà thờ, thu góp hài cốt những người đã bị giết vì đạo và đem chôn trong một nhà mồ bên cạnh nhà thờ mới xây dựng lại chính tại nơi nhà thờ ngày nay.

Một ít lâu sau, lương dân trở lại nhiều. Từ những năm 1889-1906, Cha Guéro Nghiêm làm cha sở Nước Nhỉ, ngài lập gần 20 họ đạo mới và số giáo dân lên đến 2.000 người. Năm 1905, địa sở tính được 2.376 người.

11. ĐỊA SỞ ĐỒNG DÀI

Vị trí - nguồn gốc: Đồng Dài cách Bồng Sơn khoảng 10 cây số theo đường tỉnh lộ Bồng Sơn - An Lão. Họ chính Đồng Dài ở thôn Mỹ Thành, xã An Tín, huyện Hoài Ân.

Nạn Văn Thân: Năm 1885, họ Đồng Dài có 680 giáo dân. Phong trào Văn Thân năm 1885 giết hại giáo hữu trong khắp vùng Đồng Dài. Nhiều người trốn lên núi cũng bị Văn Thân đem chó săn bắt. Hai năm sau, Đồng Dài chỉ khoảng 50 người trở lại. Cha Mão, phó Cha Barrát Chung, ở Thác Đá thường trú tại Đồng Dài cùng với cha sở bị thiêu sống trong Nhà thờ Thác Đá.

Tái thiết:
Từ năm 1890, lương dân trong vùng trở lại Công giáo rất đông, và năm 1896, Đồng Dài chính thức trở thành địa sở tự trị có gần 2.000 giáo hữu, gồm 24 họ đạo.

12. ĐỊA SỞ GIA CHIỂU

Vị trí - nguồn gốc: Gia Chiểu cách Bồng Sơn chừng 8 cây số theo đường đi Kim Sơn. Họ chính Gia Chiểu thuộc thôn Gia Chiểu, xã An Thường, huyện Hoài An. Địa sở Gia Chiểu gồm 3 họ đạo: Gia Chiểu, Đồng Hâu và Gò Dê.

Nạn Văn Thân: Trước năm 1885, hai họ Đồng Hâu và Gò Dê có phần quan trọng, mỗi họ tính được 400 giáo dân. Trong số giáo hữu bị Văn Thân giết năm 1885, ở Đồng Hâu có Thầy Đoan, cựu chủng sinh Nước Nhỉ, và em là chị Kỷ; nữ tu thuộc phước viện Mến Thánh Giá Thác Đá. Thầy Đoan bị Văn Thân chặt đầu, mổ bụng; còn chị Kỷ bị Văn Thân quăng xuống giếng sâu tại làng Vĩnh Hoà.

Tái thiết: Từ năm 1889-1890, người lương trở lại đạo nhiều và còn lập thêm nhiều họ đạo mới như Vĩnh Hoà, Hà Đông, Tân Thạnh…

13. ĐỊA SỞ ĐỒNG QUẢ

Vị trí - nguồn gốc: Địa sở Đồng Quả nằm trong thung lũng Kim Sơn, cách Bồng Sơn khoảng 20 cây số. Họ chính Đồng Quả là trung tâm điểm toàn vùng thuộc thôn Kim Sơn, xã An Nghĩa, huyện Hoài Ân, có từ lâu, do các cha Phanxicô, tỉnh dòng Manila, đến giảng đạo.

Nạn Văn Thân: Nạn Văn Thân 1885, dù ở gần núi, dễ tẩu thoát nhưng giáo hữu Đồng Quả cũng không tránh khỏi tai hoạ Văn Thân. Ông trùm Cương, quê ở Ngãi Điền, một trong những người còn sống sót sau biến cố, nói: “Trốn lên núi thì dễ, nhưng ở lâu và sống đông người trên xứ thượng gần Annam thì là chuyện không thể được. Nhất định phải đi thật xa, nhưng rồi hoặc phải chết hoặc phải làm nô lệ. Thà chết chung tại nhà thờ còn hơn, sau khi đã dọn mình sẵn, linh hồn được trong sạch.”

Giết hại và đốt phá Hội Đức và Thác Đá, Văn Thân kéo nhau lên Đồng Quả, bao vây các họ đạo, đốt phá, tàn sát, cùng một ngày trong khắp vùng. Tại Đồng Quả Thượng, Cha Trang, người quê quán Gia Hựu, cùng các dì phước thuộc Phước viện Đồng Quả và hầu hết giáo hữu trong họ đạo chạy vào nhà thờ, đọc kinh cầu hồn dọn mình chết, Văn Thân đốt nhà thờ, cha sở, các dì phước và đa số giáo hữu bị thiêu sống, một số ít thoát được ra ngoài bị đâm chết, khoảng 20 giáo hữu trốn được lên núi, nhưng bị Văn Thân bắt gặp trói đem về rồi giết sạch.

Tại Ngãi Điền Thượng, 1/3 giáo hữu bị giết tại một nông trại của phước viện Đồng Quả. 1/3 bị thiêu sống tại nhà thờ. Các người khác chạy trốn, bị bắt và giết sau đó, sau khi được phép cùng nhau đọc kinh cầu hồn.

Đồng Quả thượng có 600 giáo hữu, 580 bị giết, trong đó có 45 dì phước và hơn 100 trẻ mồ côi. Đồng Quả hạ có 300 giáo hữu, 272 bị giết. Đồng Bè có 30 giáo hữu, 22 bị giết. Ngãi Điền thượng có 80 giáo hữu, 66 bị giết. Ngãi Điền hạ có 150 giáo hữu, 138 bị giết. Đồng Gí 103 giáo hữu, 86 bị giết. Đồng Gáo có 120 giáo hữu, 116 bị giết. Đồng Do có 80 giáo hữu bị giết hết.

Thi hài tất cả được đem chôn trong một nhà mồ do Cha thừa sai Durand Lộc xây cất, không biết xây năm nào và tại sao xây, vì cha Lộc không bao giờ ở trong vùng Bồng Sơn.

Tái thiết: Những người còn sống sót, khoảng 100 người, đã ở trên núi lâu ngày, ăn toàn rễ cây, trái cây, rau cỏ và chút ít gạo người dân tộc trả công giữ rẫy cho họ. Tất cả những người này, sau khi hoà bình trở lại (1887), can đảm về tái thiết họ đạo của mình. Trong vòng 15 năm, số giáo hữu lên bằng 2 lần. Năm 1905, toàn địa sở tính được 4.264 người.

14. ĐỊA SỞ NHÀ ĐÁ (TRUÔNG DỐC)

Vị trí - nguồn gốc:
Họ Nhà Đá trước kia có tên là Truông Dốc, vì nằm trên sườn đồi có đường đi giữa rừng, có thú rừng như hùm beo…

Nhà Đá là một trong những địa sở kỳ cựu của Giáo phận Qui Nhơn. Họ chính Nhà Đá nằm trên quốc lộ 1, thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, quận Phú Mỹ, tỉnh Bình Định, cách 48 cây số. Nhà thờ, nhà cha sở, nhà chuông, nhà xác toàn bằng đá ong, được Cha Hamon Lựu xây dựng 1887-1889, nên địa sở gọi là Nhà Đá.

Địa sở trước năm 1885 có 2.725 giáo hữu, kể cả Nước Nhỉ, chạy dài đến đèo Phú Cũ. Sau biến cố Văn Thân, Nước Nhỉ được tách ra làm địa sở tự trị với 800 giáo dân, thì còn lại một diện tích dài từ thôn Tùng Chánh (Phù Cát) đến đèo Nhong, và từ biển Đông đến dãy Trường Sơn, số giáo dân còn lại là 1.925 người.

Không biết họ đạo Nhà Đá đã khai nguyên từ năm nào, nhưng chắc chắn trên 200 năm vào tiền bán thế kỷ 18 do một gia đình ở Gò Vàng vào lập nghiệp dưới chân đồi phía bắc. Năm 1850, theo báo cáo của Đức cha Thể gửi về Thánh Bộ Truyền giáo, họ Truông Dốc có 78 giáo hữu. Năm 1883, Cha Hamon Lựu được cử làm Cha sở Truông Dốc.

Nạn Văn Thân: Năm 1885, phong trào Văn Thân chủ trương ‘Bình Tây Sát Tả’, gây thiệt hại nặng, Cha Hamon Lựu biết chỉ có tẩu thoát là thượng sách, nên ngày 1/8/1885, ngài ra lệnh các họ gồm 27 họ đạo, kể cả Nước Nhỉ tập trung nội nhật về Truông Dốc. Và qua hôm sau, là ngày Chúa Nhật, sau khi dâng Thánh lễ, cùng đi về Làng Sông.

Tại Mương Lở, một ít gia đình đã chạy trước vào Gò Thị, một số chạy lên núi đem theo tượng Đức Mẹ đọc kinh, nhưng bị phát giác và bị bắt.

Tại Bình Sơn, Văn Thân bó bã mía khô vào mình 7 giáo hữu rồi châm lửa đốt.

Tại Cây Rỏi, hàng trăm giáo hữu ở đó hay ở những họ lân cận chạy trốn vào rừng nhưng rồi cũng bị bắt và bị giết.

Khoảng 2/3 số giáo dân theo Cha Hamon Lựu và Thầy Thoàn (sau là linh mục) hồi 3 giờ sáng ngày 2/8/1885 đi mất 1 ngày 1 đêm khổ cực mới đến Làng Sông. Ngày 4/8, Làng Sông cũng phải di tản, thế là hàng ngàn người trốn về Qui Nhơn, khó khăn vô cùng, do đó, cần phải đưa một số giáo dân đi Sài Gòn. Đến tháng 9, khoảng 400 giáo dân Truông Dốc được đưa đi đến Vĩnh Long, Cha Hamon Lựu luôn đi theo bổn đạo mình.

Tái thiết: Sau 2 năm, 1887 số giáo dân mọi nơi lần lượt trở về. Cha sở bổn đạo tay bắt mặt mừng. Nhưng nhìn cảnh đổ nát, mắt rơi lệ, bắt tay kiến thiết trên đống đổ nát và trên sự hy sinh của thân nhân. Sau khi mỗi họ đạo dựng một nhà tạm làm nhà thờ, mọi người tìm xác những kẻ bị giết liệm vào những chiếc hòm to, rồi đặt trong nhà nguyện. Ngài làm phép xác và chôn cất theo nghi lễ Giáo Hội, kèm theo một bài giảng hùng hồn cảm động, làm cho cha sở và bổn đạo oà lên khóc nức nở.

Cha Hamon Lựu làm một nhà xác, để xác các đấng tử đạo vào đó, cũng như xây cất những cơ sở khác. Công trình hoàn thành vào năm 1889. Với máu các đấng anh hùng tử đạo đã đổ ra, địa sở Nhà Đá ngày càng đông giáo dân và là nơi sinh trưởng của nhiều linh mục, tu sĩ. Năm 1925, Cha Guéno Nghiêm đổi đi làm Cha sở Hà Dừa, Cha Sion Khâm làm Cha sở họ Nhà Đá và sau này ngài là Giám mục thứ hai của Giáo phận Kontum.

15. ĐỊA SỞ PHÙ CÁT( Kiều Đông)

Vị trí - nguồn gốc: Kiều Đông cách quốc lộ số 1 chừng 3 cây số và cách Đại An 7 cây số. Trên đường tư ích Phù Cát - Phương Phi, đến chợ Phú Gia, rẽ qua tay mặt khoảng 200 thước thì đến Nhà thờ Kiều Đông, nằm trong thôn Kiều Đông, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, xưa thuộc địa sở Gò Thị.

Trong các họ đạo thuộc địa sở Kiều Đông, Phú Thành Tíu, Gò Găng có lâu đời hơn cả. Năm 1750, Gò Găng tính được chừng 30 giáo hữu. Theo báo cáo của Đức cha Thể năm 1850, Gò Găng có 95 giáo hữu thuộc họ đạo Phù Ly.

Năm 1880, Cha Panis Ngãi chánh xứ Gò Thị thành lập hai họ đạo Kiều Đông và An Đước (nay không còn nữa). Năm 1885, Kiều Đông có 250 giáo hữu, An Đước gần 400 giáo hữu.

Nạn Văn Thân: Trưa 2/8/1885, hàng ngàn giáo hữu Truông Dốc chạy trốn về Qui Nhơn, nghỉ chân tại Gò Găng. Họ thúc đẩy giáo dân Gò Găng cùng đi trốn. Chỉ có một ít đi, phần đông ở lại, đến phút chót trốn chỗ này chỗ nọ, cuối cùng cũng bị bắt và bị thiêu sống.

Tại Kiều Đông 5 gia đình và tại An Đước 3 gia đình trốn được xuống Qui Nhơn, trong khi đó 38 giáo hữu Kiều Đông bị bắt và bị thiêu sống trong nhà thờ. Còn một số đông trốn lên núi hay tản mác vào các làng lân cận, nhưng rồi lần lượt kẻ trước ngày sau bị bắt, kẻ bị đâm chết, người bị trầm nước, kẻ bị chôn sống hay thiếu sống.

Tái thiết: Nạn Văn Thân làm kinh khiếp giáo dân, mãi đến 1889, một số còn sống sót về. Từ năm 1890 đến 1900, Cha Blais Lực, Cha sở Đại An hiệp, với Cha Đến, cha phó ở Kiều Đông, lập thêm nhiều họ đạo mới, trong đó có họ Tân Hoà. Cha Blais Lực mua mảnh đất nơi đó có giếng chôn 30 đấng tử đạo thời Tự Đức mà ngài không biết. Ngài xây dựng nhà thờ trên mảnh đất đó. Họ đạo Tân Hoà nhờ vậy thêm đông giáo dân và đạo đức.

16. ĐỊA SỞ ĐẠI AN

Vị trí - nguồn gốc: Đại An cách quận lị Phù Cát 10 cây số và cách Kiều Đông 7 cây số, nằm trong thôn Đại An, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát. Họ Đại An được thiết lập 1835 hay 1836. Năm 1885, Đại An tính được 350 giáo dân.

Nạn Văn Thân: Tại Đại An, 20 giáo dân trốn thoát được, 12 người bỏ đạo, còn bấy nhiêu người đều bị giết chết, hầu hết bị thiêu sống trong nhà thờ. Không tha chết cho 2 tân tòng, một ông già, một bà goá không chạy trốn được, lại bị mù, Văn Thân chôn sống họ gần nhà thờ. Văn Thân đào một hầm to, dẫn hai người tới, cho sờ vào miệng hầm, để hai người xác nhận chính là mồ chôn mình. Hai người đọc kinh lớn tiếng, rồi sau đó bị xô nhào xuống hầm và bị lấp đầy đất đá.

Tại Cảnh Hàn, 1/3 chạy được xuống Qui Nhơn, bấy nhiêu người còn lại bị thiêu sống trong nhà thờ mới xây. Tại Thạch Hoà, trong số 70 giáo hữu, có một số tân tòng ỉ có bà con bên lương, nhưng cũng bị giết cả. Tại Tân Hội trong 60 giáo hữu, chỉ có 11 người bị chôn sống, còn bao nhiêu thoát được.

Tái thiết:
Tứ năm 1889, Cha Grangeon Mẫn sau làm giám mục, ngài đẩy mạnh việc truyền giáo khiến Đại An phục hồi. Năm 1897, họ đạo có gần 500 giáo dân. Nhờ Cha Grangeon Mẫn, Đại An có đại chủng viện, hội thầy giảng. Đại chủng viện thành lập 1895 và dời về Qui Nhơn năm 1932. Hội Thầy giảng thành lập năm 1897 và năm 1927 trở thành Dòng Hèn Mọn Thánh Giuse, đầu tiên có trụ sở ở Nhà Đá, sau dời về Kim Châu năm 1932. Tại Đại An còn nhiều cơ sở quan trọng khác như nhà hưu dưỡng các linh mục.

17. ĐỊA SỞ KIM CHÂU

Vị trí - nguồn gốc: Kim Châu là một trong những địa sở quan trọng của Địa phận Qui Nhơn, còn gọi là Kim Chua, nằm cách quốc lộ số một khoảng hơn 1 cây số, thuộc xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, toạ lạc ngay sát phía tây thành Bình Định cũ, trải rộng trên cả 3 thôn: Kim Châu, một phần thôn Hoà Cư và một phần thôn Ngãi An. Kim Châu có trước năm 1885, vì Cha Phêrô Niêm đã sinh trưởng tại Kim Châu từ năm 1841.

Nạn Văn Thân:
Năm 1885, Kim Châu chứng kiến cảnh đầu rơi máu đổ, phải chạy trốn xuống Qui Nhơn và được Đức cha Van Camelbecka Hân (Giám mục 1884-1901) đưa vào nam gửi tránh nạn.

Tái thiết: Năm 1887, giáo hữu Kim Châu trở về tái thiết giáo xứ của mình. Phong trào tòng giáo bắt đầu năm 1887. Cha sở đầu tiên là Cha Biện quê ở Gò Thị, tiếp đến là Cha Chính. Năm 1894, Cha Chính được bổ nhiệm chính thức làm Cha sở Kim Châu. Với thời gian, dù thăng trầm, Kim Châu vẫn là một họ đạo quy củ, đạo đức.

18. ĐỊA SỞ SÔNG CẠN (KỲ BƯƠNG)

Vị trí - nguồn gốc: Địa sở Sông Cạn có họ chính là Sông Cạn trải rộng trong hai thôn Nhơn Thuận và Mỹ Thuận, xã Bình An, huyện Tây Sơn, cách Phù Phong khoảng 6-7 cây số, nằm trong đồng bằng Sông Côn màu mỡ, là vựa lúa của huyện Tây Sơn. Địa sở Sông Cạn trước năm 1956 được gọi là Kỳ Bương.

Theo báo cáo năm 1850 của Đức cha Thể, trong vùng Kỳ Bương có 2 họ đạo: họ Kỳ Bương 161 giáo hữu và Sông Cạn 130 giáo hữu, thuộc địa sở Phù Ly. Không rõ hai họ này tòng đạo năm nào, có lẽ do hoạt động truyền giáo của các cha Dòng Tên ở Nước Mặn trong thế kỷ 17.

Theo lời kể của cụ Mai Tòng, tức câu Tăng thuộc họ Đồng Sim, cháu ba đời của ông trùm Mai Quế, là anh em thúc bá với tướng quân Mai Xuân Thưởng, tướng Văn Thân nổi dậy chống Pháp giết đạo “Bình Tây Sát Tả”, do ông cố của cụ kể lại thì Giáo xứ Kỳ Bương đã thành hình trước năm Pháp đánh Cửa Hàn (Đà Nẵng), tức là tháng 8 năm 1856, năm Tự Đức thứ ba. Ông Mai Quế làm trùm biện Giáo xứ Kỳ Bương thời Cha Biện (năm 1885).

Nạn Văn Thân: Khi phong trào Văn Thân giết đạo vùng dậy khắp nơi, Cha Biện tạm lánh về toà giám mục ở Làng Sông. Chiều ngày 20/07 năm Ất Dậu, tức ngày mồng 2/8/1885, cha lẻn về Kỳ Bương ban bố chỉ thị của Đức Giám mục, dạy giáo dân phải lo trốn gấp, rồi ngay đêm đó Cha trở lại toà giám mục. Ngày 22/7 năm Ất Dậu, ông Trùm Quế trốn xuống Gò Bồi để liên lạc với Cha, thì sáng ngày 23/7, toàn Kỳ Bương-Sông Cạn đã bị phong triệt nghiêm nhặt, rồi sau đó là chém giết đốt phá: Nhà thờ Kỳ Bương và các nhà giáo hữu bị phóng hoả thiêu huỷ. Tại Kỳ Bương, một thập giá to lớn làm bằng hai cây tre đặt giữa đường, ai đi ngang qua phải đạp lên, kẻ nào không chịu đạp thì bị xử trảm. Giáo hữu Kỳ Bương hầu hết bị giết chết hoặc bị chôn sống đầy 3 giếng sâu, về sau, khi hoà bình được vãn hồi, tất cả đều được lấy cốt liệm vào 6 hòm đôi lớn chôn trong nhà thờ như ta thấy hiện nay. Chỉ độ dăm ba người trốn được vào núi Câm phía nam, đêm đến nói tên thánh làm mật hiệu để gặp nhau, rồi cùng nhau trốn về Qui Nhơn. Trong số đó có ông Mai Hổ, Mai Chánh là con cháu ông Trùm Mai Quế.

Tại Sông Cạn, nhờ ông Cửu Hơn, người lương đi lính triều đình về cho biết tin bắt đạo sớm hơn nên nhiều gia đình tị nạn trước vào Phú Yên, trốn thoát. Những người còn ở lại quê nhà đều bị giết hoặc chôn sống. Hiện tại còn lưu lại hai mã tử đạo tại Gò Giữa.

Tái thiết: Những giáo hữu còn sống sót lục đục kéo về theo ông Mai Hổ, Mai Chánh tái thiết lần lần giáo xứ chôn nhau cắt rốn. Phong trào tòng giáo lớn mạnh khiến Kỳ Bương tăng thêm giáo dân tính được 150 người, nhà thờ cũng được xây cất trở lại, và ông Mai Hổ làm câu, ông Mai Chánh làm biện coi Kỳ Bương.

19. ĐỊA SỞ TRƯỜNG CỬU (Trung Ái)

Vị trí - nguồn gốc: Địa sở Trường Cửu nằm về phía tây nam huyện An Nhơn, lan sông trong 4 xã: Nhơn Hoà, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Phúc, gồm 8 họ đạo: Trường Cửu, Mỹ Ngọc, Tráng Long, Nhơn Nghĩa, Cù Lâm, Trung Ái, Nghiêm Hoà, Phụ Ngọc và Thọ Lộc.

Chỉ có Cù Lâm và Trung Ái là lâu đời hơn cả, nhưng Trung Ái có sau Cù Lâm. Vì năm 1850, trong báo cáo Đức cha Thể gửi về Thánh Bộ Truyền giáo không thấy ghi Trung Ái, trong khi đó họ Cù Lâm có 28 giáo dân.

Nạn Văn Thân: Phía tây núi An Trường có một vùng được biết dưới danh xưng là “Đất Đạo”. Đó là một vùng hẻo lánh xa xôi tiện làm nơi trú ẩn cho các giáo hữu trong những cơn bắt đạo do ông Trùm Thánh Anrê Kim Thông trưng khẩn khi ông cộng tác với Đức cha Thể lo việc địa phận.

Năm 1885, Văn Thân đốt nhà thờ và các nhà tín hữu bình địa. Khoảng 25 tín hữu bị chôn sống tập thể, trong đó có một nữ tu và ông bà tổ tiên của gia đình ông Trùm Mai Thống. Có một số chạy lên đất đạo, bị lùng bắt và bị tàn sát tập thể. Vùng “đất đạo” nói trên nằm trong đèo “Đá Chọt” khoảng 2 cây số. Ngoài đèo Đá chọt còn một vùng đất nữa tục gọi là “Bộng Nhồng”, là đất do Nhà chung trưng dưới thời Đức cha Grangeon Mẫn. Vào kỳ Văn Thân, họ Trường Cửu thuộc địa sở Kim Châu.

Tái thiết: Mã tử đạo và giếng chôn tập thể tại Cù Lâm là di tích của đại hoạ Văn Thân 1885 và chứng từ long hùng thành của giáo hữu Trường Cửu.

20. ĐỊA SỞ NAM BÌNH (Xóm Nam)

Vị trí - nguồn gốc: Nam Bình xưa gọi là Xóm Nam nằm trên bờ hữu ngạn sông Tân An, gần đập Gia Phu, thuộc thôn Hữu Thành, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, cách Gò Bồi khoảng 3 cây số, cách thị trấn Bình Định 10 cây số, cách Qui Nhơn khoảng 20 cây số.

Xóm Nam được rao giảng Tin Mừng vào thượng bán thể kỷ 17, do các cha Dòng Tên đến Nước Mặn, một địa điểm cách Nam Bình khoảng 2 cây số.

Ngày 18/01/1651, hai Cha Dòng Tên Buzomi và Cavalho từ Nhật Bản đến Cửa Hàn (Đà Nẵng) trụ sở thứ hai tại Hội An và, từ đó vì trời hạn hán, các thầy sãi cầu đảo mãi mà không mưa, đổ lỗi cho các người theo đạo Kitô, nên hai Cha bị đuổi đi.

Vì ngược gió, các cha không cho thuyền ra khơi được, may gặp quan trấn phủ Bình Định cho quá giang. Thuyền theo Biển Đông, đến Đầm Thị Nại, theo sông Gò Bồi lên sông Đá Bạc, neo tại đó, sau được quan trấn thủ mời về Bình Định.

Tháng 7/1618, quan trấn thủ cất cho phái đoàn một ngôi nhà tại Nước Mặn, và các cha tự do giảng đạo. Người đầu tiên tòng giáo là phu nhân của vị đại sứ mà Chúa Đàng Trong là Sãi Vương sắp phái sang nước Campuchia cùng 24 bà thị tì khác. Vị đại sứ ấy, quê ở Nước Mặn, đang còn ở Thanh Hoá để nhận lệnh Chúa Sãi. Bà Đại sứ được mang tên Thánh là Ursula (Orsala).

Xóm Nam ở gần Nước Mặn. Theo truyền khẩu, gia đình ông Phùng Thời gốc ở Mỹ Thuận (Kỳ Bương) theo đạo do các cha Dòng Tên ở Nước Mặn, bỏ Kỳ Bương về Xóm Nam, mua soi dâu để ở và làm ăn. Gia đình ông đông con nhiều cháu, thêm nhiều gia đình Công giáo địa phương làm thành được một họ đạo tự trị, nên ông Thời đứng ra cất một nhà nguyện nhỏ mái tranh, xin nhập vào họ Gò Thị. Xóm Nam năm 1850 có 180 giáo hữu.

Nạn Văn Thân: Năm 1885, địa sở tính được 1.200 giáo dân, và riêng họ Xóm Nam có đến 600 giáo dân. Khoảng 1.000 giáo dân được Cha Vivier Huệ đem xuống Qui Nhơn rồi đưa vào Sài Gòn ở đó đến 2 năm (7/1887). Khoảng 200 người hoặc không tin, hoặc không ngờ nguy hiểm đến nơi, nên không trốn, trong số đó có 20 người bị giết ngay tại chỗ, bấy bao nhiêu còn lại bị Văn Thân dẫn đến Trường Thế để xét xử.

Đến nơi, Văn Thân chia giáo hữu làm 4 nhóm, rồi cho đào 4 hầm sâu và rộng. Có người khóc nức nở, có người khuyến khích anh em: “Anh em khóc làm gì? Các đấng đã chết vì đạo cách đây 25 năm không như vậy. Họ can đảm chết vì Chúa, sao chúng ta không bắt chước?”

Mọi người đọc kinh gẫm Đàng Thánh giá. Mọi người bên lương ngạc nhiên thấy 4 nhóm giáo dân bình tĩnh vui vẻ anh dũng bước xuống 4 hầm, mỗi hầm 50 người. Trên hầm để sẵn củi và rơm, và tất cả bị thiêu chết. Đó là ngày 5 và 6/8/1885.

Tái thiết: Trong số 1.000 người thoát chết, có khoảng 100 người ở Sài Gòn và khoảng 900 về họ mình từ tháng 7/1887 và bắt tay xây dựng lại từ đống đổ nát với lòng trung kiên. Cha Du, người Phú Thượng, Quảng Nam, được thụ phong linh mục thời Đức cha Charbonnier Trí (1864-1878), được phái về coi sóc Xóm Nam. Ngài đã di hài cốt các vị tử đạo ở Trường Thế về chôn trước Nhà thờ Xóm Nam (Nam Bình) bấy giờ ở dưới chân Thánh giá kỷ niệm đại phúc năm 1957.

21. ĐỊA SỞ GÒ THỊ


Vị trí - nguồn gốc: Họ Gò Thị thuộc thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, nằm ở vị trí cách Qui Nhơn 20 cây số về hướng nam và cách Gò Bồi 3 cây số về hướng bắc.

Gò Thị được khai sinh vào năm nào, lịch sử truyền giáo không ghi rõ, có lẽ vào thượng bán thế kỷ 17, vì sau khi các cha Dòng Tên (Cha Buzomi, De Pina, Borri) đã lập được cở sở truyền giáo ở Nước Mặn tháng 7/1618, các cha đã thu lượm được nhiều kết quả trong quần chúng, trong giới tăng già và quan lại, đặc biệt là cuộc trở lại của sư cụ Đômianô; và nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo của cụ, Phúc Âm dần dần lan rộng trong lòng nhiều thôn xóm xứ Nam (Nguyên Hồng, Lịch sử Truyền giáo, hàng 76).

Họ đạo Gò Thị trước 1750 có 60 giáo hữu. Gò Thị có 750 giáo dân vào năm 1850.

Nạn Văn Thân: Giữa tháng 7/1885, phong trào Văn Thân chủ trương “Bình Tây Sát Tả” khởi sự giết và đốt phá ở Quảng Nam, Quảng Nghĩa. Ngày 2/8, tới phiên Nước Nhỉ trong đêm mồng 2 rạng mồng 3/8, giáo hữu Truông Dốc (Nhà Đá) đổ xô vào Làng Sông. Ngày 4, Đức cha Van Camelbecke Hân quyết định cho Làng Sông di tản xuống Qui Nhơn, nhưng từ sáng sớm ngài đã gửi hai khẩu lệnh: một cho Gò Thị, một cho Xóm Nam, truyền Cha Martin Bạch và Cha Vivier Huệ phải tức khắc lên đường đem giáo hữu đi Qui Nhơn.

Trong số gần 2.000 giáo hữu có một số trốn đi Qui Nhơn vài ngày trước; còn 200 người không ngờ nguy hiểm ở lại nên bị giết, trừ một ít người vượt mọi khó khăn đến Qui Nhơn mấy ngày sau. Khoảng 1 giờ chiều ngày 4/8/1885, Cha Martin Bạch phần vì lo lắng phần vì nắng nôi, ngài kiệt sức và bị đau, rồi qua đời không đầy nửa giờ sau đó, trong tay Cha Vivier Huệ.

Đêm hôm đó và những ngày sau nạn, giáo hữu Gò Thị, từ bãi biển Qui Nhơn nhìn thấy tận mắt lửa ngợp trời trên vùng Gò Thị. Họ không còn gì nữa, chỉ còn Chúa. Tạ ơn Chúa.

Tái thiết: Gò Thị chỉ còn 1.500 người. Trong số đó, có những người nhập tịch vào Sài Gòn, kẻ khác định cư tại nhiều họ ở Phan Thiết, còn đa số đã chết hay mất tích.

Từ năm 1887-1942, số giáo dân đã lên đến 3.591 người. Gò Thị là nôi của các Thánh Tử đạo: Đức cha Cuénot Thể, Thánh Anrê Kim Thông và các đấng tử đạo do nạn Văn Thân. Gò Thị gói trọn tâm tình và hy sinh cho giáo phận nhiều và được nhiều ơn phúc Chúa ban: nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ, đặc biệt có hai vị giám mục bản xứ Qui Nhơn xuất thân từ Gò Thị: Đức cha Huỳnh Văn Các và  Nguyễn Văn Hoa.

22. ĐỊA SỞ TÂN DINH (Làng Sông)


Vị trí - nguồn gốc:
Ngày nay, Tân Dinh hiểu là địa sở; còn Làng Sông chỉ chủng viện. Nhưng xưa kia, Tân Dinh hoặc Làng Sông cũng như nhau. Năm 1942, Đức cha Tardieu Phú cũng không phân biệt hai danh xưng này.

Họ đạo Tân Dinh là họ chính của địa sở nằm gần chủng viện, khoảng 200 thước về hướng đông, thuộc thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước Vân, tỉnh Bình Định, cách Qui Nhơn theo đường chim bay khoảng 3, 4 cây số về hướng đông nam, cách Đầm Thị Nại khoảng 2 cây số về hướng đông.

Năm 1758, địa sở Làng Sông (Tân Dinh) có 2 họ đạo: Làng Sông và Diêm Điền. Làng Sông tính được 70 giáo hữu, còn Diêm Điền 200, có linh mục thường xuyên. Năm 1850, địa sở có thêm các họ đạo: Tân Quán, Cây Da, Sông Cát.

Kể từ năm 1850, địa sở Làng Sông đã bao gồm cả hai địa sở Qui Nhơn và Ngọc Thạnh ngày nay. Địa sở Qui Nhơn tự trị năm 1905 dưới thời Cha Grangeon Mẫn. Địa sở Làng Sông được nhiều vị tử đạo, trong số đó có Gioakim Quả, quản lý nhà chung, và Giuse Bảo, chủ giúp nhà chung bị xử trảm tại Gò Chàm đầu năm 1800.

Nạn Văn Thân: Địa sở Làng Sông đã bị Văn Thân tàn phá cùng với toà giám mục và tiểu chủng viện. Ngày 4/8/1885, Đức cha Camelbecke Hân được tin 5.000 quân Văn Thân sắp kéo đến, nên ngài biết cần phải đưa các cha, các dì, chủng sinh đi Qui nhơn. Một giờ trưa ngày 4/8, mọi người ở toà giám mục, chủng viện và địa sở di tản về Qui Nhơn, và chiều hôm đó, từ Qui Nhơn mọi người thấy nhiều ngọn lửa bốc cao thiêu huỷ toàn thể khu nhà chung, địa sở và các họ đạo lân cân.

Người ta kể lại rằng Văn Thân không tha một cụ già 70 tuổi ở lại. Tưởng mình đã già nên họ tha; nhưng Văn Thân vẫn bắt và hỏi bà: “Bà muốn cách nào?” Bà trả lời: “Chúa tôi, xưa để quân dữ làm gì, nay tôi cũng vậy, tuỳ các ông.” Họ quyết định chôn sống bà. Họ cho bà mặc áo mới, thật tốt và cho bà vào hòm, đậy nắp lại. Trong khi đó, miệng bà vẫn đọc kinh cầu nguyện. Còn đầy tớ cũng bị chôn chung với bà mà không một lời than khóc.

Kiến thiết: Tháng 7/1887, trật tự được vãn hồi, khoảng 900 giáo hữu Tân Dinh về quê hương, cất lại nhà ở, dựng nhà thờ. Mỗi ngày giáo hữu càng đông. Năm 1906-1908, phong trào bỏ đạo tập thể không gây ảnh hưởng mấy cho địa sở Tân Dinh-Làng Sông.

23. AN KHÊ - CHỢ ĐỒN

Vị trí - nguồn gốc:
Địa sở An Khê nằm tại thị trấn An Khê, tỉnh Gialai - Kontum, nằm trên trục lộ 19, cách đèo An Khê 7, 8 cây số về hướng đông. Theo Giáo sư Lê Văn Lan, trong bài có tựa ‘Mùa Xuân Tây Sơn’ trong tuần san Người Công giáo Việt Nam, năm thứ 4, số 1+2 (120), ngày 11/1/1987, trang 5, có giải nghĩa địa danh An Khê như sau:

“Tây Sơn Thượng Đạo chính là cái nôi ban đầu của cuộc khởi nghĩa bùng nổ vào mùa xuân năm Tân Mão 1771. Triều đình Nhà Nguyễn hãi hùng hằn hộc trước những gì liên quan đến Tây Sơn, đổi tên “núi phía tây” hoặc “ở phía tây núi”, thành An Tây cho hợp ý thích “phía tây yên ổn” nhưng lại vẫn còn vướng vất chữ “tây” đáng gờm sợ, thế thì phải xoá nốt, thay bằng hình tượng cái khe suối, cho cuối cùng thành tên An Khê”[18], cũng trong tài liệu của Giáo sư Lê Văn Lan, ghi thêm theo bộ sách “Đại Nam nhất thống chí” của Triều Nguyễn còn có viết: “Thôn An Khê trước là trại của Tây Sơn.”

Địa sở An Khê thành lập năm 1879 do Cha Beausard và được đổi mới năm 1941, dưới thời kỳ cha già Ban vừa coi vùng Phú Thọ (Pơo) vừa vùng An Khê.”

Nạn Văn Thân: Vào cuối năm 1885, sau khi thiêu huỷ và tàn sát hầu hết các họ đạo ở Trung Châu, nhóm Văn Thân kéo lên gieo rắc kinh hoàng, đốt phá nhà thờ và nhà giáo dân ở các họ đạo Chợ Đồn, An Khê. Từ đó, họ chuẩn bị tiểu quân lên miền truyền giáo Tây Nguyên. Cha Bề trên Truyền, Cha Kanh (Guerlach) hợp cùng các cha khác tổ chức tìm phương kế bảo vệ gìn giữ, đồng thời tìm cách ngăn chặn nhóm Văn Thân đang hùng hồ lùng bắt và bách hại người Công giáo tại vùng Bana.[19]

“Cha Kanh khi nghe như thế, ngài huy động những người gan dạ đi đón đường vì sợ nhóm Văn Thân đến vùng Bana này, nhưng ngài đi mà không gặp, vì họ không dám đến nữa. Nhưng ngài gặp rất nhiều người Công giáo Kinh từ Trung Châu bị Văn Thân bắt giết, chạy trốn lên Tây Nguyên. Ngài đón tiếp họ, cho họ tá túc trong nhà xứ và ngài săn sóc nuôi nấng họ mạnh khoẻ, tìm quần áo cho họ mặc. Mười bảy tháng trôi qua, không có ai dám về Trung Châu, vì họ còn sợ bị Văn Thân bắt giết, nên ngài phân phối đồ dùng và lo lắng việc đạo cho họ.”[20]

Chúng tôi vừa lược thuật nạn Văn Thân tại một số địa sở Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, An Khê. Tại tỉnh Phú Yên, Bình Thuận vẫn có nạn Văn Thân chưa quy mô lớn và chưa đẫm máu, như những tỉnh khác:

“Ở mạn Bình Thuận, Phú Yên thì thiếu tá De Lorme và viên công sứ Aymonier cùng Trần Bá Lộc đem quân Tây và lính ở Nam Kỳ ra đánh dẹp. Trần Bá Lộc dùng cách dữ dội, chém giết rất nhiều, bởi vậy đất Bình Thuận không bao lâu mà yên, rồi đem quân ra dẹp đảng Văn Thân ở Phú Yên, và Bình Định, bắt được cử nhân Mai Xuân Thưởng, Bùi Điền và Nguyễn Đức Nhuận đem chém. Từ tháng 6 năm Bính Tuất (1886) đến tháng 6 năm Đinh Hợi (1888) thì những tỉnh ở phía nam đất kinh kỳ đã dẹp yên.”[21]

Con số nạn nhân do Văn Thân gây ra là bao nhiêu?

Ngoài những thiệt hại vật chất: các cơ sở tôn giáo như nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo dân bị đốt phá, tải sản bị mất…, con số giáo hữu bị giết chết có nhiều số liệu khác nhau và chênh lệch.

Ở Trung Kỳ[22] - Ở Trung Kỳ, Cần Vương đã ra nhiều hịch để sát hại Công giáo: “Vì Giatô giáo bán đứng quốc gia cho xâm lăng Pháp, cần phải khử trừ được tả đạo nội công đó, tự nhiên người Pháp thành ra trơ trọi yếu thế như cua mất càng, không bò, không kẹp được nữa.” Lại có tờ hịch nói rằng hồi quan Pháp đánh Hà Nội chính người Giatô giáo đã bắc thang cho binh Pháp leo vào trong thành (x. Đào Trinh Nhất: Phan Đình Phùng, trang 38).

Tờ hịch vừa ra, ở các tỉnh miền Trung, những bậc khoa bản đều một loạt trỗi dậy, vứt bút lông, vớ lấy gươm đao hò nhau triệu tập nghĩa sĩ rèn đúc khí giới rồi cờ phất, mõ đánh, trống thúc, ùa nhau đi đánh người “Giatô”, kẻ thù chung của dân tộc. Đứng trước sức mạnh, người Công giáo đã dùng sức mạnh để tự vệ mình, cướp vào nhà tất nhiên chủ nhà có quyền đánh trả: ở Quảng Nam như Trà Kiệu, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và nhiều nơi khác.[23]

Theo thống kê, con số thiệt hại về nhân sự: linh mục thừa sai, linh mục bản xứ, nữ tu, tín hữu… bị giết cũng như cơ sở tôn giáo bị thiệt hại khác, không đồng nhất. Chúng tôi dựa vào “Rapport Annuel De Cochinchine Orientale” năm 1885 của Đức Giám mục Van Camelbecke gửi về MEP[24] để ghi lại những thiệt hại về người và cơ sở tôn giáo của Giáo phận Đông Đàng Trong như sau:

1. Thiệt hại về sinh mạng: 8 linh mục thừa sai, 7 linh mục bản xứ, 60 giáo lý viên, 270 nữ tu, 24.000 tín hữu.

2. Về cơ sở tôn giáo bị phá huỷ: 17 phước viện, 10 tu viện, 4  cơ sở sản xuất; 2 chủng viện; 2 trạm phát thuốc; 1 nhà in, 1 toà giám mục, 225 nhà thờ.

Tỉnh Quảng Nam[25]: Trước khi Văn Thân tàn sát: 5.428 tín hữu Công giáo; sau cuộc tàn sát: 5.000 tín hữu.

Tỉnh Quảng Ngãi[26]: Trước khi Văn Thân tàn sát: 6.600 tín hữu; sau cuộc tàn sát: 1.000 tín hữu.

Tỉnh Bình Định[27]: Trước khi Văn Thân tàn sát: 16.940 tín hữu; sau cuộc tàn sát: 8.000 tín hữu.

Tỉnh Phú Yên[28]: Trước khi Văn Thân tàn sát: 6.890 tín hữu; sau cuộc tàn sát: 1.000 tín hữu.

Tỉnh Khánh Hoà[29]: Trước khi Văn Thân tàn sát: 2.848 tín hữu; sau cuộc tàn sát: 800 tín hữu.

Tỉnh Bình Thuận[30]: Trước khi Văn Thân tàn sát: 1.892 tín hữu; sau cuộc tàn sát: 400 tín hữu.

Tại Quảng Ngãi, Văn Thân dấy binh và chiếm thành, chúng giết Thừa sai Poirier, Guérin, đốt phá 10 họ đạo và giết 6.000 bổn đạo; sau khi nạn Văn Thân nổ ra, có 1.000 tín hữu.[31] Ở Bình Định, các Thừa sai Barrat, Dupont, Martin cũng bị sát hại. Nhà Giám mục Camelbecke, Chủng viện Làng Sông và hơn 150 họ đạo trong Bình Định bị đốt phá.[32]

Theo Đức cha Tardieu Phú, Văn Thân đã sát hại 4 linh mục thừa sai, 3 linh mục Việt Nam và 10.940 giáo dân.[33]

Giáo phận Qui Nhơn vừa trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng làm tan nát đoàn chiên Chúa. Nhưng qua ánh sáng đức tin, hạt giống phải thối nát mới sinh hoa kết trái, cũng như vào buổi bình minh của Giáo Hội, vì những cơn bắt đạo tàn bạo mà các tín hữu như bị đẩy chạy đến những vùng xa xôi, nhờ vậy Lời Chúa được lan rộng khắp năm châu bốn bể. Đây là ân huệ của Chúa ban cho Giáo hội Việt Nam nói chung, cho Giáo phận Qui Nhơn nói riêng. Tạ ơn Chúa!

PHẦN II
TÍNH CHẤT XÃ HỘI CỦA HIỆN TƯỢNG VĂN THÂN
   
Văn Thân đưa ra chủ trương “Bình Tây Sát Tả”, để “trước hết giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi Tây cho hết, để giữ lấy cái văn hoá của ta đã hơn 1.000 năm nay…”[34], nói lên tình trạng chính trị xã hội của Việt Nam lúc đó.

***
   
Chủ trương của Văn Thân đưa ra trước hết phải giết hại người Công giáo, rồi mới đánh đuổi thực dân Pháp. Chúng tôi không phê phán chiến lược, chiến thuật của chủ trương này có phải là một đường lối chính trị khôn ngoan, hiệu quả, hay là một thái độ “nông nổi càn dở, để cho thiệt hại thêm”[35], mà chúng tôi xin đi xa hơn dưới khía cạnh lịch sử về thái độ của các vua chúa, cũng như các quan lại, sĩ phu và lương dân như thế nào đối với đạo Công giáo qua những chặng đường truyền giáo. Sau đó, chúng ta xét đến cấu trúc xã hội sản sinh ra phong trào Văn Thân như thế nào.

I. Thái độ đối với Đạo Công giáo

1. Thái độ đối với Đạo Công giáo từ công cuộc truyền giáo đến Tây Sơn


a. Các giáo sĩ, như Cha Buzomi được mọi người mến yêu, kính phục, kể cả các Chúa, Sãi Vương… cũng như trấn thủ Bình Định[36]. Dân chúng không hề ác cảm với người ngoại quốc như các cha và người Tây phương công nhận:

“Người Việt Nam ta vốn tính tình nhã nhặn, trung hậu, không hề có ý ác cảm với người ngoại như các giáo sĩ và các người Tây phương đầu tiên đã cộng nhận. Vì thế mà khi các giáo sĩ mới vào nước ta đều được dân ta tỏ vẻ hoan nghênh. Cả đến các vua quan nước ta trong hồi bấy giờ cũng có ý thân thiện với người ngoại dương, để bắt chước những điều khôn ngoan của họ, để mở mang việc buôn bán trong nước và có khi cũng lợi dụng sức mạnh và sự tài giỏi của người vào việc mình.”[37]

Cũng một nhận định trên, ông Hồng Lam ghi thêm:

“Một người nước đó (Bồ Đào Nha) tên là Jean de la Croix năm 1614 (?) đã đến ở gần Huế mở lò đúc súng tại đấy, ngày nay vẫn gọi là thợ đúc hay Phường Đúc (1) và được Chúa Sãi cho phép mở nhà thờ và tiếp giáo sĩ trong nhà.”[38]

b. Sử gia Trần Trọng Kim tóm lược thái độ các Chúa đang nắm quyền trên đất phía Nam đối với Công giáo và đâu là nguyên nhân của những thái độ đó vào hạ bán thế kỷ 18.

“Lúc bấy giờ người Bồ Đào Nha sang buôn bán ở trong Nam nhiều hơn, mà ở ngoài Bắc thì có người Hoà Lan nhiều hơn, nhưng thủa ấy người hai nước ấy hay tranh cạnh với nhau, bởi thế Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đều có ý muốn nhân cớ ấy mà nhờ họ giúp mình. Song vì lợi buôn bán nên họ không chịu ra mặt giúp hẳn, thành ra lâu ngày các chúa cũng chán và lại lôi thôi về việc tôn giáo, cho nên đến năm Canh Thìn (1700), đời vua Lê Hi Tông, người Hoà Lan thôi không vào buôn bán ở ngoài Bắc nữa.”[39]

c. Dần dần, lý do an ninh trở nên kém quan trọng, mà lý do tập quán tôn giáo cổ xưa lại trở nên một trong những yếu tố tạo nên thái độ thù nghịch đối với người theo Công giáo:

“Từ đó về sau, các giáo sĩ dần dần vào nước dạy đạo mà người mình càng ngày càng theo cũng nhiều. Nhưng vì nước ta từ xưa tới nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông bà làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Đột nhiên, thấy nhiều người mình theo Đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyện về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tả đạo, làm huỷ hoại cả cái phong hoá của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo nữa và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ dụ ấy.”[40]

d. Thêm vào đó, đầu óc mê tín dị đoan cũng gây áp lực các vua chúa ra sắc dụ đuổi các vị thừa sai, dù các chúa vẫn còn trọng kính các ngài, như mùa thu năm 1617, trời hạn hán ‘onsai’ đổ lỗi cho Đạo Công giáo:

“Sẵn ghét các cha, họ liền cho phao đồn: trời hạn hán là vì các thần nổi giận thấy chúng bỏ đạo theo đạo mới để chùa chiền mếu máo hoang vu, muốn cho các thần nguôi đi chỉ có cách là đuổi các đạo sư tây giang ra khỏi nước.”[41]

Sãi Vương vẫn quý trọng các cha và mong muốn các cha ở lại xứ Nam, nhưng để làm dịu quần chúng đang bị các thầy sãi xúi giục, Nhà Chúa yêu cầu các cha tự ý rời xứ Nam một thời gian, sau đó trở lại. Cha Buzomi và các cha khác phải ra đi, nhưng Chúa an bài, được quan trấn thủ Bình Định vời về Bình Định, sau làm nhà cho các cha ở tại Nước Mặn, nhờ vậy hạt giống Tin Mừng lan rộng cả vùng Bình Định, Phú Yên.

e. Mặt khác, với tinh thần truyền giáo cao, lòng đạo đức sâu sắc, các cha thu hút lòng cảm mến của dân. Nhưng, vì hạn chế trong ngôn ngữ, chưa đi sâu đủ vào nền văn hoá Nho giáo, nên việc rao giảng Tin Mừng qua thông ngôn, hay trực tiếp qua cử chỉ, nên nhiều trường hợp hiểu lầm, như thể theo đạo là theo Hoà Lan. Một hôm Cha Buzomi đi dạo trên bãi biễn, tình cờ ngài đi qua một rạp hát, ngài thấy diễn một hài kịch: một ông bự (to) đóng vai người Hoà Lan, một em bé muốn xin rửa tội. Ông bự to “Hoà Lan” đó hỏi: “Nhỏ, mày có muốn vô lòng Hoà Lan không?” – Thằng nhỏ trả lời: “Vâng, muốn”. Thế rồi anh ta bồng thằng nhỏ nhét vào trong cái bụng to tướng của anh ta, giữa tiếng cười vui thích của khán giả[42]. Qua đó, những người lương hiểu lầm theo đạo là theo Tây, bỏ quốc tịch mình.

g. Ngoài khó khăn trong ngôn ngữ, hoặc vội vàng rửa tội mà chưa dạy đầy đủ giáo lý hay chưa đi sâu vào nền văn hoá để tôn trọng con người mình cảm hoá, còn một trở ngại lớn khác làm cho vị truyền giáo nói riêng, Đạo Công giáo nói chung mất tình cảm đối với dân Việt Nam, đó là các giáo phái như thệ phản của người Hoà Lan. Chính họ chủ động gây ra cuộc bách hại đẫm máu ở Nhật Bản. Sự có mặt của họ ở cửa biển Chúa Nguyễn là mối đe doạ cho công cuộc truyền giáo tạo sự hiểu lầm cho quan quân địa phương.[43]

Tất cả những lý do của bên này hay bên kia tạo nên bầu không khí nghi kỵ, hiểu lầm đáng tiếc, để rồi sau đó bao cảnh xung đột thê thảm đổ máu xảy ra:

“Cũng do mối nghi kỵ đó mà sau này gây nên nhiều vấn đề chính trị và tôn giáo có mối quan hệ đến cuộc giao thiệp của nước ta với các nước Âu châu và để vận mệnh cả một dân tộc hơn 20 triệu người ở trên bán đảo Ấn Độ China vậy.”[44]

Sử gia Trần Trọng Kim tóm lược thái độ của các vua chúa và dân Việt Nam đối với Đạo Công giáo trong thời gian này mang tính cách dần dần đến xung đột của tôn giáo, phong tục cổ truyền đối với tôn giáo mới du nhập:

“Tóm lại mà xét, thì giả sử người ngoại quốc vào nước ta chỉ có việc buôn bán mà thôi, thì chắc rằng nước ta xưa nay vốn là một nước văn hiến, vua quan ta cũng không có lẽ gì mà ngăn cấm, nhưng bởi vì khi quan hệ đến việc sùng tín, thì dù hay dở thế nào mặc lòng, người ta ai cũng cho sự sùng tín của mình là phải hơn, thành ra không ai khoan dung cho ai, rồi cứ phải dùng thế lực mà đè nén nhau. Cũng vì thế cho nên về sau nước ta không chịu suy xét lẽ phải trái cho kỹ càng, làm lấm sự tàn ác để đến nỗi mất cả sự hoà hiếu với các nước ở Tây dương và gây nên cái mối biến loạn cho nước nhà vậy.”[45]

Qua nhận xét của sử gia Trần Trọng Kim, chúng ta cũng thấy được một quy luật lịch sử có một tranh chấp hoặc dựa trên địa bàn hoà bình giao lưu các luồng tư tưởng văn hoá để hoà nhập, quyện vào nhau, hay loại khử nhau bằng vũ lực quyền thế, như sắc dân Chàm - nhận nền văn hoá Ấn Độ - với các sắc dân không chập nhận (Jrai, Rade…) hoặc như Khơme với các sắc dân Bana, Sơđăng,... trên vùng Tây Nguyên. Khía cạnh khác, tranh chấp đối kháng giữa vũ lực bằng binh đao với thế lực tinh thần, thì uy thế tinh thần vẫn cảm hoá được kể cả những người thống trị và thay đổi nền văn hoá của nhóm thống trị như các nước man di chiến thắng thế giới Kitô giáo thời thượng cổ.

2. Thái độ đối với công giáo từ thời kỳ Tây Sơn (1777)

a. Thời Tây Sơn - Nguyễn Ánh


Từ khi Tây Sơn đánh Chúa Nguyễn và Nguyễn Ánh được Đức cha Bá Đa Lộc giúp đỡ khôi phục lại nối nghiệp ngôi Chúa[46], từ đó, thái độ đối với Công giáo mang tính cách chính trị rõ nét. Tuy nhiên, từ khi đánh đuổi được Tây Sơn, Nguyễn Ánh lúc đầu có thiện cảm với người Công giáo, biết ơn Giám mục Bá Đa Lộc, tuy nhận thấy Đạo Công giáo khắt khe không hoà hợp được cơ chế phong kiến, đặc biệt lối sống của triều đình: “Đạo các ông là một đạo tốt lành, tuy nhiên khắt khe quá, ai mà có thể giữ được, tôi không thể nào chỉ cưới có một vợ.”[47]

Tuy nhiên cũng có một số người hiềm khích Giám mục Bá Đa Lộc vì ngài nâng đỡ và minh oan cho nhiều nạn nhân do các triều thần nịnh bợ gây ra. Họ tố cáo người Công giáo không tham gia, đóng góp tiền của trong việc cúng tế trời và thông đồng với nguy binh Tây Sơn. Chính Nguyễn Ánh khó xử, nhưng cuối cùng ông ngầm bắt giáo dân theo tục lệ đó.[48]

b. Nhà Nguyễn thời cận kim

1. Vua Thánh Tổ (1820-1840), một nhà vua minh mẫn theo tinh thần Nho học, tôn sùng Khổng Mạnh, cho nên không ưa đạo mới:

“Ngài tinh thâm Nho học, sùng đạo Khổng Mạnh, cho nên không ưa đạo mới, cho là tả đạo lấy trời thánh ra làm mê hoặc lòng dân. Bởi vậy, ngài mới nghiêm cấm và trừng trị những ai theo giatô.”[49]

Ngoài ra, triều đình bế quan toả cảng vì nghĩ nước Tàu là văn minh hơn cả, tốt nhất, và sợ đạo mới đem những phong tục man di mọi rợ đến cho dân mình.

“Bởi thế, hễ thấy người ngoại quốc vào nước mình thì không những là sợ có sự phản trắc và sợ đem đạo mới vào mà thôi, lại còn sợ lây phải cái phong tục dã man nữa, cho nên không muốn giao thông với ngoại quốc làm gì.”[50]

Đặc biệt khi hạ thành Phiên An do Lê Văn Khôi khởi loạn: “Trong số 6 người thủ phạm phải đóng cũi giải về Huế có một ông linh mục người nước Pháp tên là Marchand (bấy giờ gọi là cố Du)…”[51], nên do đó, việc cấm đạo gay gắt hơn.

Vả lại, lúc đó còn nhiều quan lại cũng đều ghét đạo, nên việc cấm đạo càng nghiệt ngã thêm, nhà vua ra dụ càng cấm đạo. Tại Huế có một giáo sĩ bị xử giảo, và ở các nơi cũng rối loạn, vì sự bắt đạo và giết đạo. Từ đó trở đi, trong Nam ngoài Bắc chỗ nào cũng có giặc giã nổi lên, nhà vua ngờ cho dân bên đạo theo giúp quân giặc, lại càn cấm ngặt từ năm Giáp Ngọ (1834) cho đến năm Mậu Tuất (1838), có nhiều linh mục, giáo dân bị giết, nhất là sau vụ bắt cố Du ở Gia Định.[52]

Trong thời kỳ làm vua của Minh Mạng, nước Pháp nhiều lần gửi sứ giả tới cầu thân, xin thông thương, buôn bán nhưng nhà vua từ chối. Mặt khác, việc cấm đạo trong nước không thu được kết quả nào, nên nhà vua sang xứ Pháp để điều đình với chính phủ Pháp về việc này, nhưng vua Louis Philippe không tiếp. Đây có phải nhà vua như mở cửa để nước Pháp lấy cớ tôn giáo mà vào Việt Nam không? Người Việt thường nói "mở cửa gió vào". Điều quan trọng là phần chúng ta có biết chuẩn bị tự cường vững chắc, trong tinh thần đoàn kết để sử dụng những yếu tố tích cực của thời đại cho đất nước ta thêm cường thịnh hơn không? Trong thời Minh Mạng, bị cơ chế xã hội phong kiến, với lớp sĩ phu theo Nho học không tạo đủ phần chuẩn bị tự cường, mà còn làm chia rẽ lương giáo, đồng thời cấm đạo như cớ cho Tây phương can thiệp với nhân nghĩa nhân quyền.

2. Hiến Tổ (1841-1847): Vua Thiệu Trị


Thái độ của Vua Thiệu Trị hiền hoà nên việc cấm đạo hơi nguôi đi một chút; nhưng một sự cố xảy ra làm cho nhà vua tức giận, hạ chỉ cấm đạo.

“Một số giáo sĩ bị bắt giam từ trước tại Huế, bị kết án tử hình, nay Thiệu Trị cho được tự do nhờ sự can thiệp của Hải quân Pháp. Năm 1847, Pháp sai một đại tá, một trung tá đem hai chiến thuyền vào Đà Nẵng xin bỏ chỉ dụ cấm đạo và cho tự do tín ngưỡng. Hai bên đương thương lượng thì Pháp dùng đại bác bắn đắm thuyền của Việt Nam đỗ bên cạnh rồi chạy ra biển.”

“Thiệu Trị vô cùng tức giận, lại ban thêm sắc dụ cấm người ngoại quốc giảng đạo và trị tội người trong nước đi đạo.”[53]

Trong thời điểm này, việc nội trị do tôn giáo gắn chặt vào sự can thiệp bằng vũ lực của Pháp và qua lối giải quyết như vậy tạo nên nghi ngờ người đi đạo bán nước!

3. Dực Tông (1847-1883): Vua Tự Đức

Việc cấm đạo từ năm Mậu Thân (1848) tức là năm Tự Đức nguyên niên. Nguyên nhân của nó cũng như lòng thời kỳ các vua tiền nhiệm. Nhưng nét nổi bật, như yếu tố dễ thấy nhất là do sự khiêu khích và chính sách thực dân của Pháp. Trong thời gian này, có manh nha và tích chứa các yếu tố tạo nên Văn Thân, mà ông Nguyễn Trường Tộ đã viết thư bẩm cho hai quan lớn: Trần Tiễn Thành và Phan Thanh Giản. Nguyên nhân sâu xa của Văn Thân là do một chế độ phong kiến bảo thủ, chuyền chế, bế quan toả cảng, dựa vào Nho giáo hủ lậu và phản động.

“Chế độ chuyên chế và nhà Nguyễn dựa trên nền tảng xã hội là giai cấp địa chủ, quan lại cường hào, bị nhân dân rất căm ghét. Các vua nhà Nguyễn dùng pháp luật hà khắc, quân đội đông đảo, Nho giáo phản động, làm những công cụ kềm kẹp nhân dân về mọi mặt trong trật tự nền chuyên chế cực đoan.”[54]

Trước một xã hội bất lực, không biết tự canh tân dùng nhiều người tân học thức thời như các người Công giáo ái quốc: Nguyễn Trường Tộ, Đặng Đức Tuấn… trình bày những phương thức trị cường cho đất nước, chống ngoại xâm mà không chịu nghe, lại nghe theo lớp sĩ phu, quan lại tự đắc dựa vào mớ Nho giáo lỗi thời. Cho nên, với phong trào tìm thuộc địa của Tây phương dựa vào việc nhà vua cấm đạo, Pháp luôn mồm đòi quyền tự do tôn giáo, thả giáo sĩ như chiêu bài chính đảng, để lấy cớ chiếm đất ta. Trần Trọng Kim nhận định:

“Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều gian ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước Iphano mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy.”[55]

II. Cấu trúc xã hội phong kiến sản sinh Văn Thân


Qua phần trình bày thái độ của các vị vua chúa, các triều thần qua những chặng đường truyền giáo, chúng ta cũng đã thấy được phần nào cấu trúc xã hội Việt Nam chúng ta, đặc biệt vào cuối thế kỷ 19. Tuy nhiên, để làm nổi bật cấu trúc xã hội đó, chúng ta đặt nó trong mối tương quan các đẳng cấp trong xã hội phong kiến lúc đó như thế nào? Các quan hệ sản xuất làm sao? Mối tương quan với các nước như thế nào? Nhờ vậy, chúng ta đặt phong trào Văn Thân trong bối cảnh lịch sử sản sinh nó ra, và chúng ta hiểu được tại sao Văn Thân có những thái độ hận thù tàn sát giết chết người Công giáo như đã trình bày trong Phần I.

1. Xã hội Việt Nam trong những thế kỷ 18-19

Xã hội Việt Nam trong những thế kỷ 18-19 là một xã hội phong kiến tôn ti đẳng cấp bị đảo lộn, vua chúa, vương công không còn uy tín đối với dân nữa, không còn phẩm chất và tinh thần dân tộc. Đối ngoại, bế quan toả cảng, tàn ác, ngu xuẩn mắc mưu của kẻ cướp tư sản Tây phương và hành xử quyền độc đoán, cấm đạo, giết đạo trở thành một tai hoạ phá hoại trật tự an ninh.

a. Nhận xét của một số người ngoại quốc[56]

+ Trong thời gian Trịnh - Nguyễn phân tranh, vua rất công minh, tốt:

“Ông vua trị vì bây giờ (xứ Đàng Trong) là vị vua vừa công bằng, vừa thích việc võ bị. Nhà vua thường đích thân ra xử kiện một cách rất công bằng, vừa nghe hai bên nguyên cáo, bị cáo khai, vừa dự cuộc đối chứng.[57]

+ Ông Pierre le Poivre nói mình được Võ Vương tiếp đãi tử tế, nhà vua có vẻ rất hiền lành và nhân đức. Sau khi tả về diện mạo mạnh khoẻ, trổi hẳn người, ông Pierre le Poivre nhận định như sau:

“Vị vua đó có 3 dục vọng chính, do đó sinh ra nhiều tật xấu: nhà vua keo kẹt, mê sắc dục, hay khoe khoang và không từ việc xấu gì mà không làm.”[58]

+ Cảm tưởng của ông đối với các quan đại thần trong triều Võ Vương cũng không tốt hơn thế: Trương Phúc Loan tham lam và chiếm hết cả quyền bính trong nước gây ra loạn lạc. Các quan khác cũng vậy, “toàn là những kẻ không thạo công việc, chỉ để ý đến những việc tình dục, ngoài ra không còn biết gì khác nữa…”.[59]

Tóm lại, “hồi đó chính là hồi nước ta mới tiếp xúc với văn minh Âu Tây do các người Tây phương mang lại thực là một dịp rất tốt cho công cuộc tiến hoá mà dân ta đã bỏ mất không biết lợi dụng”.[60]

b. Triều đình Nguyễn[61]

+ Nhà Nguyễn thiếp lập nền chuyên chế, cai trị bằng những hình phạt khắc nghiệt, dã man nhất thời Trung Cổ. Bộ Hoàng Việt Luật lệ đa số sao chép luật của Triều Mãn Thanh, một bộ luật của một quốc gia phong kiến phản động nhất Châu Á.

+ Các vua nhà Nguyễn ra sức bảo vệ nền chuyên chế, vua là “con trời” là người có quyền tuyệt đối, giai cấp địa chủ và hệ thống quan lại phong kiến là rường cột của chế độ phong kiến:

Ở trung ương giúp việc có viện cơ mật, 6 bộ và 5 phủ đô thông. Nhà Nguyễn đặt các danh hiệu tứ trụ, tam công, tam thiếu là những vinh hàm gia phong cho các đại phần ở Viện Cơ Mật và 6 bộ.

Chế độ sở hữu đất dần dần vào tay những địa chủ và quan lại. Mọi nhu cầu vật chất của nhà nước là cướp đoạt, bóc lột, hà lạm của giai cấp địa chủ phong kiến ngày càng đè nặng trên đầu nông dân.

Tình trạng công thương nghiệp bế tắc. Dù khả năng đóng thuyền bè làm cho các nước Tây phương thán phục, triều đình có chính sách bế quan toả cảng, khước từ quan hệ buôn bán với các nước tư bản Tây phương.

Chế độ chuyên chế họ Nguyễn đặt trên nền tảng Nho giáo lỗi thời. Cơ chế tổ chức xã hội làm chết ngạc những sáng kiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật, là dụng cụ đàn áp nhân dân mọi mặt.

c. Sĩ phu

Sĩ phu đa số học theo từ chương, tự mãn về mớ Nho văn, mà không biết về khoa học kỹ thuật, nên bảo thủ, để dễ rơi vào độc đoán mà quáng:

“Nước ta mà không chịu khai hoá ra như các nước khác là cũng bởi bọn sĩ phu cứ giữ thói cũ, không chịu theo thời thế mà thay đổi. Nay sự nhu nhược của mình đã sờ sờ ra đấy, thế mà vẫn cứ không chịu mở mắt mà nhìn lại vì sự tức giận một lúc mà làm việc nông nổi càn dở để cho thiệt hại thân, như thế thì cái tội trạng của bọn sĩ phu đối với nước nhà chẳng to lắm ra.”[62]

2. Thời kỳ sau vua Tự Đức

Loạn lạc - quyền thần chuyên chế - không có một đường hướng chống ngoại xâm đúng đắn.

Thật vậy, sau khi Vua Tự Đức băng hà (1883), xã hội hỗn loạn, quyền thần chuyên chế, tôn ti trật tự xã hội đảo lộn, đường lối chính trị thiển cận và sai lầm nên càng rắc rối thêm và bị rơi vào tay thực dân Pháp dễ dàng:

“Ấy cũng vì thời đại biến đổi, mà người mình không biến đổi, cho nên nước mình mới thành ra suy đồi, vả lại lúc ấy ở ngoài Bắc Kỳ thì rối loạn, ở trong triều thì quyền thần chuyên chế, bởi vậy cho nên lại sinh ra lắm việc khó khăn.”[63]

Đó là cấu trúc xã hội phong kiến suy đồi, đồng thời bị ngoại bang thực dân áp bức, cho nên, vì đã không chuẩn bị đổi mới, tự cường, bọn sĩ phu uất ức với thực dân Pháp, đều đổ lên đầu người theo đạo, với phương châm “Bình Tây Sát Tả”.

PHẦN III
NHỮNG CON DÂN VIỆT CHỐNG NGOẠI XÂM - CÔNG GIÁO ÁI QUỐC
 
Tôn chỉ của Đạo Công giáo là đến với người nghèo, công bố mới giải phóng người bị áp bức, để công bố năm hồng ân của Thiên Chúa đã đã đến:

“Thần khí Chúa ở trên tôi.
Bởi người đã xức dầu cho tôi.
Người đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó,
Ban bố ân xá cho kẻ tù đày,
Cho người đui mù được thấy
Cho kẻ bị áp bức được giải oan;
Loan báo năm hồng ân của Chúa.”
(Lc 4,18-19)

Chính Chúa Giêsu cũng là nạn nhân của một bản án kép: một của toà án tôn giáo Do Thái giáo và một của thực dân Rôma, mà Philatô là đại diện của chính sách thực dân đó. Chính Giáo Hội sơ khai cũng là nạn nhân của chính sách thực dân Rôma, bắt đạo của Néro.

Nhưng cụ thể vào thể kỷ 18-19, Giáo Hội trong mối tương quan với các nước Tây phương làm sao? Và trước chính sách thực dân Pháp, người Công giáo Việt Nam có thái độ nào?

I. Mối bang giao giữa Giáo triều và các nước Tây phương (Thế kỷ 18-19)

1. Giáo Hội thời Cách mạng Pháp (1789-1799)


a. Cách mạng Pháp 1789 bùng nổ và Bản Dân hiến Giáo sĩ

Xã hội Pháp thế kỷ 17-18 sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế. Người ta chia các tầng lớp xã hội thành 3 giai cấp: quý tộc, giáo sĩ và thứ dân. Giai cấp thứ dân bị chèn ép, nghèo túng, đứng lên lật đổ phe quý tộc. Trong khi đó, ngân quỹ hao hụt, khủng hoảng kinh tế, tiêu phí xa hoa quá hạn của triều đình, trong đó có bà Maria Antoinette. Ngoài ra, chủ nghĩa tự do bình đẳng của phe triết tiền bán thế kỷ 18 như Montesquier, Voltaire ảnh hưởng về mọi tầng lớp xã hội, nhất là giai cấp thứ ba. Trong khi đó, bên kia biển đại dương là thành công của chính thể dân chủ cộng hoà ở Hoa Kỳ (1776).

Ngày 5/5/1789, Hội nghị toàn quốc: Tam Dân nghị hội thứ dân đã thắng và còn lôi cuối được giáp sĩ hạ cấp.

Ngày 14/07: Dân chúng phá ngục Bastille.

Ngày 14/08: Quốc hội thảo luận một chế độ mới, bãi bỏ đặc ân hai giai cấp trên. Quốc hội còn ra Bản Dân hiến Giáo sĩ, buộc các giám mục, cha sở do hội đồng tuyển cử bầu lên, không cần can thiệp giáo hoàng. Tài sản Giáo Hội bị quốc hữu hoá.

b. Phản ứng và bách hại

Hàng Giáo phẩm Pháp tuy đã nhiễm chủ trương Pháp giáo, nhưng không bao giờ muốn đi đến ly khai. Các giám mục phản đối Bản Dân hiến Giáo sĩ. Quốc hội ra lệnh cho tất cả các giám mục và linh mục trong vòng 8 ngày phải thề tuân theo Bản Dân hiến, nếu không bị cắt chức.

Đây là tiếng chuông báo hiệu một cuộc bách hại ghê gớm sắp xảy đến cho Giáo hội Pháp - tháng 07/1792, nhiều linh mục trung thành với Giáo Hội bị giết.

c. Chính trị xã hội pháp rối loạn


Bonaparte đang hành quân tại Ai Cập, ngày 10/11/1799 tới viện Kỳ Lão, trong đó có Napoléon Bonaparte được hoan hô nhiệt liệt. Đó là cuộc đảo chính 18 Brumaire. Ngày 19 Brumaire, đảo chính quân sự. Chế độ tổng tài ra đời (19/02/1800)

2. Giáo Hội và chủ nghĩa tự do chính trị (tiền bán thế kỷ 19)

Chủ nghĩa tự do chính trị đã phá cái gọi là “đế quyền tôn giáo” của thời đại cũ và chủ trương bình đẳng tôn giáo; tuy nhiên, tự coi mình ở trên Giáo Hội, giành quyền quyết định những gì thuộc thẩm quyền giáo hội.

a. Napoléon Bonaparte

Năm 1804, Bonaparte được dân chúng tôn lên ngôi hoàng đế. Từ năm 1805, ông đã đánh chiếm nhiều nơi, kể cả Lamã. Đức Thánh Cha ra vạ tuyệt thông, nhưng tướng Miollis theo lệnh Napoléon bắt Đức Thánh Cha và ép buộc ngài nhiều vấn đề, cũng như ép ký hiệp ước năm 1813 tại Fontainebleau.

b. Giáo Hội ở Pháp và Bỉ sau thời Napoléon I

Napoléon thua nhiều trận, nên đành thả tự do cho Đức Thánh Cha. Tháng 04/1814, Napoléon thoái vị, Louis XVIII lên ngôi (1814-1824), cố gắng giải quyết nhiều vấn đề như tôn giáo và xã hội. Nhưng “đệ tử” giai cấp bất mãn, cách mạng 7/1830 lật đổ Louis XVIII, đưa Louis Philippe (1830-1848) lên ngôi. Cách mạng này có tính cách phản tôn giáo.

Cách mạng 2/1848 lật đổ Louis Philippe thiết lập nền hoà bình cộng hoà đệ nhị. Louis Bonaparte, cháu Napoléon I, làm tổng thống (1848-1852), sau đó lên ngôi hoàng đế: Napoléon III (1852-1870) lập đế chính.

Ông khéo léo giao hảo về Toà Thánh và Hàng Giáo sĩ Pháp. Ông khôn khéo lợi dụng đạo để củng cố chế độ nhưng cũng mềm dẻo với chính trị tự do.

Năm 1858, Napoléon III liên minh với Victor Emmanuel II và Cavour, kẻ thù của Toà Thánh, khiến ông ấy thay đổi chính trị và thái độ đối với Lamã.

3. Giáo Hội tại các nước Tin Lành và Chính thống

a. Tình trạng ở Áo - Đức

Từ thế kỷ 18, thành Đế quốc La Đức bị tan ra chia làm 300 quốc gia, thành phố tự trị. Hoàng đế cuối cùng là Frauziskur II (1782-1806) bị dân vùng lên lật đổ, không một ông hoàng Công giáo miền nam nào cứu ông cả. Cách mạng muốn tục hoá Giáo Hội, biến hàng giáo phẩm thành công cụ của chính quyền. Hoàng đế Frauziskur thoái vị (5/8/1806) và từ đó ông mang tên Frauziskur.

I. Vua nước Áo (1806-1835)

Napoléon I thiết lập liên bang các ông hoàng người Đức, 2 miền nam và tây, phục quyền ông, trong đó có Phổ và Áo. Napoléon muốn chi phối Giáo Hội. Sau khi Napoléon I bị đày, liên bang Rhénani bị Hội nghị Vienna (1815) giải tán và thay thế bằng một liên bang Đức quốc, gồm 39 nước lớn nhỏ nói tiếng Đức, trong đó có cả Phổ và Áo, lấy Vienna làm kinh đô.

Các ông hoàng cũng muốn chi phối Giáo Hội, chủ tịch Đức giáo, Toà Thánh phản đối nhưng vô hiệu.

Dưới thời vua Ludwig I (1825-1848), Giáo Hội dễ thở hơn một chút. Trong khi đó, nhiều quốc gia thuộc các ông hoàng Tin Lành cũng muốn điều đình Giáo Hội, nhưng họ đặt nhiều điều kiện, bị Giáo Hội bài bác (1818), những ông hoàng công bố Bản Dân hiến Giáo sĩ như ở Pháp thời cách mạng. Giáo Hội bị đàn áp.

Từ năm 1821-1840, Giáo Hội cũng bị đàn áp, như Đức Tổng Giám mục Thánh Cologne bị tống giam.

Năm 1840, Friedrich Wilhelm IV (1840-1801) lên kế nghiệp, cha muốn điều đình với Toà Thánh, tha hai tổng giám mục.

Tại các quốc gia khác thuộc những ông hoàng Tin Lành, Giáo Hội vẫn gặp khó khăn.

b. Tại Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, tuy được gọi là đất tự do, nhưng Đạo Công giáo cũng gặp phải nhiều khó khăn bởi những chính phủ theo Tin Lành, nhiều cuộc bách hại do đảng “Thổ dân Mỹ”, rồi đảng “không biết gì hết”, họ phá phách thiêu huỷ thánh đường, hành hạ linh mục, có khi giết hại. Đảng Ku-Klux-Klau (1866) tạo khó khăn cho Giáo hội.

Nhìn chung, Giáo hội vẫn gặp nhiều khó khăn do các chính phủ các nước gây ra.

4. Giáo Hội đứng trước vấn đề tôn giáo, chính trị xã hội thời hậu bán thế kỷ 19

Lịch sử Giáo Hội cuối thể kỷ 19 sang 20 là một cuộc chiếu đấu liên lỉ với các lạc thuyết, di sản của chủ nghĩa tự do thế kỷ 18, đặc biệt trong hai nước Pháp - Đức. Ở Đức, phong trào bài tôn giáo do Bismarck cầm đầu lấy tên là “Mặt trận Văn hoá”, ở Pháp có cả một tổ chức Hội Tam Điểm tạo rất nhiều thiệt hại cho Giáo Hội.

a. Giáo Hội và “Ý Đại Lợi Trẻ” xâm chiếm nước Toà Thánh 1870

Từ năm 1848, chính trị tôn giáo đã có khuynh hướng bài Giáo hội, các cha Dòng Tên bị trục xuất.

Thủ tướng Cavour (1852-1861) tung ra khẩu hiệu “Giáo hội tự do trong quốc gia tự do”, nhà chính trị này làm việc rất hăng say để đánh đuổi quân Áo, thống nhất nước Ý. Ông dùng đến mọi phương tiện, đến cả các lực lượng của nhiều hội kín và cách mạng đã thanh toán đất đai của Giáo hội tạo một nước Ý thống nhất.

Năm 1859, Cavour đánh lật được quân Áo khỏi Lombardia. Quân Áo vừa rút ra khỏi nước Toà Thánh, dân chúng đứng lên tuyên bố bãi quyền Giáo hoàng, đòi sát nhập lãnh thổ Toà Thánh vào Piamonte, nghĩa là vào Ý quốc.

Năm 1866, nhiều bạo động xảy ra, tài sản Giáo hội bị tịch thu.

Napoléon III bị truất phế sau trận Sendan (2/9/1870), ngày 20/09/1870, Piamonte đem quân đánh chiếm kinh thành Vatican.
Ngày 13/05/1871, chính phủ Ý ban hành đạo luật bảo đảm đơn phương giải quyết số phận Toà Thánh.

b. Đức Piô IX mất. Ngày 20/02/1878, Đức Hồng y Giuseppe Pecci, Tổng Giám mục Perusa, được bầu lên kế vị, tức Lêô XIII.

Giáo Hội gặp nhiều khó khăn trên chính trường Âu châu. Ngài cố gắng giải quyết những mối bang giao các nước, tương đối thành công, nhưng chỉ có việc điều đình với vương quốc Ý là gặp khó khăn do bè nhiệm gây ra.

Nhà cầm quyền Ý luôn tỏ ra ác cảm với Toà Thánh trong cuộc mật đàm giữa Vatican và thủ tướng ý.

Đức Lêô XIII cũng gặp khó khăn trong việc làm cho nước Pháp bỏ chính sách địch thù với Giáo hội.

c. Giáo Hội với Pháp

Vì Giáo hội Việt Nam có liên quan với các vị thừa sai Pháp, nên chúng ta đi sâu hơn mối bang giao giữa Giáo Hội và Pháp quốc như thế nào, dù chúng ta cũng đã nhận thấy một thời gian từ Cách mạng 1789 đến thời Đức Lêô XII, Pháp quốc luôn thù địch với Giáo Hội, dù có một vài giai đoạn lịch sử nào đó gọi là êm ấm giữa Giáo Hội và Pháp. Đó cũng là chuyện chính phủ Pháp muốn mềm dẻo để củng cố uy quyền mình thôi.

Nước Pháp phục hồi mau lẹ sau cuộc thất bại 1870-1871 lật đổ Napoléon III ngày 04/09/1870.

Những cố gắng tái thiết nền quân chủ thất bại, cộng hoà tả đảng và đảng cấp tiến thù địch Giáo Hội được bè nhiệm ngầm giúp làm chủ tình hình. Năm 1877, Gambeta lên tiếng tại hạ nghị viện: “Bọn giáo sĩ chính là kẻ thù.” Dưới thời Tổng trưởng Giáo dục Jules Ferry và Paul Ber đã khởi sự một cuộc chiến chống Giáo Hội, gây ra nhiều thiệt hại cho Giáo Hội.

Sắc lệnh 3/1880 bãi bỏ các cơ sở giáo dục của Dòng Tên, còn các dòng tu khác chưa được chính quyền thừa nhận cần làm đơn điều chỉnh trong vòng 3 tháng. 261 nam tu viện bị giải tán.

Mục đích của “đảng cầm quyền” bấy giờ là thế tục hoá tất cả, nghĩa là loại Kitô giáo ra khỏi xã hội và quốc gia.

Qua một số nét tổng quát vừa trình bày về mối bang giao giữa Giáo Hội nói chung – cụ thể là Toà Thánh – với các nước Tây phương trong thế kỷ 18-19, chúng ta quá rõ là Giáo Hội bị đàn áp, bị loại trừ ra khỏi chính sách cai trị của chính quyền. Giáo hội không có một sự can dự nào trong chính sách thực dân của các nước Tây phương, mà chỉ chuyên chú rao giảng Lời Chúa trong giới hạn của mình. Tuy nhiên, dưới nhiều hình thức, cụ thể liên quan đến con người cá biệt của Giáo hội, có những vấn đề lịch sử để lại cần tìm hiểu hơn, như việc Đức cha Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh Khôi phục quyền chúa và sau đó trở thành vua họ Nguyễn.

II. Vấn đề Đức Giám mục Bá Đa Lộc[64]

Giám mục Bá Đa Lộc (Phêrô Pigneau de Béhaine: 1771-1799) giúp Nguyễn Ánh với tư cách nào? Nguyên do, động lực nào khiến Giám mục Bá Đa Lộc hành động như thế?

1. Đức Giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại nghiệp chúa

a. Nguyễn Ánh là ai?[65]

Năm Ất Dậu (1765), Vũ Vương mất. Bấy giờ thế tử đã mất rồi, con thế tử là Nguyễn Phúc Dương còn nhỏ, mà người con trưởng của Vũ Vương cũng mất nốt. Tờ di chiếu để lại định lập người con thứ hai là Hiếu Khương Vương là cha của Nguyễn Ánh lên nối nghiệp chúa. Nhưng khi ấy Trương Phúc Loan, ý muốn chuyên quyền làm bậy, đổi tờ di chiếu đi, lập người con thứ 16 của Vũ Vương mới 12 tuổi làm chúa, gọi là Định Vương, và bắt giam Hiếu Khương Vương cha của Nguyễn Ánh cho đến chết.

Trương Phúc Loan tham lam, làm nhiều điều tàn ác, dân trong nước ca thán oán giận. Tây Sơn khởi binh phản đối với Chúa Nguyễn. Mặt khác, họ Trịnh thấy rối loạn ở Nam, đem quân đánh Phú Xuân. Nguyễn Phúc Loan bị bắt. Chúa Nguyễn chạy vào đến Quảng Nam, đóng ở Bến Vàn, lập cháu là Nguyễn Phúc Dương lên làm Đông Cung. Tây Sơn đánh áp đảo, quân chúa Nguyễn đánh không nổi, nên cùng Nguyễn Phúc Ánh, con của Hiếu Khương Vương, chạy vào Gia Định. Nguyễn Phúc Dương, con của Nguyễn Phúc Hiệu, bị giết tại Sài Gòn, chỉ còn có một mình Nguyễn Ánh thoát được. Danh chính ngôn thuận, việc giúp Nguyễn Ánh, một người con của thế tử, đang bị Trương Phúc Loan truy bắt và giết hại, lấy lại địa vị nối nghiệp vẫn đúng theo đạo đức Nho giáo và hữu lý theo quan điểm thời đó.

b. Đức Giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh ngoài tiêu chuẩn đạo đức Nho giáo, cổ truyền, thì còn theo tinh thần nào nữa?

Một phần vì động lực muốn giúp những giáo dân mà ngài có trách nhiệm tránh những cơn bắt bớ tàn khốc, phần khác cũng với tinh thần nào đó của Pháp giáo. Pháp giáo là gì?

Pháp giáo là chủ trương quốc gia quá kích, đòi giành quyền tự trị cho Giáo hội Pháp, không muốn có sự can thiệp của Toà Thánh Lamã.

Chủ trương này bắt đầu từ cuối thế kỷ 13, nó mạnh dần trong thời kỳ lưu đày của các Giáo hoàng Avignon và nhất là trong cuộc ly giáo Tây phương.

Năm 1564, khi Công đồng Trentô công bố các sắc lệnh, triều đình Pháp không đón nhận, cho rằng có nhiều điểm nghịch với quyền tự do của Giáo hội Pháp.

Vua Louis XVI (1643-1715) là một ông vua độc tài không muốn quyền hành mình bị hạn chế bất cứ về phương diện nào. Cho rằng Giáo hội Pháp là của người Pháp, ông đòi can thiệp mọi vấn đề thuộc Hàng Giáo phẩm Pháp, không muốn có sự can thiệp của Toà Thánh Lamã.

Sau nhiều năm tranh đấu, quyền tối cao thiêng liêng của Toà Thánh được nhìn nhận, nhưng chủ trương Pháp giáo vẫn chưa hết, ảnh hưởng sang vương quốc Áo dưới triều Joseph II (1765-1790).

Trong khi đó, chủ trương Pháp giáo phát triển mạnh mẽ dưới thời Cách mạng Pháp 1789, và trong thoả hiệp 1801 với Napoléon Bonaparte.

Do đó, chúng ta có thể phỏng định, dù Giám mục Bá Da Lộc trực thuộc quyền thiêng liêng vào Toà Thánh Lamã, nhưng hành động của ngài không khỏi vướng mắc tinh thần Pháp giáo một phần nào đó, hay ít ra ngài nghĩ đó là quyền cá nhân mà ngài có thể tự định đoạt và vì lợi ích tín hữu của ngài đang có nguy cơ bị giết hại. Do đó, Giáo Hội hoàn vũ nói chung, Toà Thánh Lamã hoàn toàn không can dự vào tinh thần cá nhân của một người Công giáo, kể cả của một vị giám mục. Vì thế, dựa trên một thái độ, lập trường của một số tín hữu hay của vị giám mục để quảng bá chung cho tinh thần đạo giáo mà cho rằng đó là lập trường cố hữu của Giáo hội thiết nghĩ không thực tế và nguy hiểm, khi liên quan đến vận mạng đất nước và sinh mạng con người vô tội.

Vả lại, với trách nhiệm lo bảo vệ đoàn chiên đang bị bắt bớ, sát hại, thì việc giúp cho một người con cháu nối nghiệp chúa, với danh chính ngôn thuận theo Nho giáo và mong tìm sự tự do bình an cho đoàn chiên cũng không phải là việc khó hiểu.

Tiếc thay cho công dã tràng, vì cơ chế xã hội phong kiến Nho giáo lạc hậu, nên kết quả thu lại cho tôn giáo mình chẳng được là bao, mà sau này chính Gia Long, cũng như con cháu Triều Nguyễn không tiếc tay sát hại người Công giáo. Dân man di thời thượng cổ bên Tây phương có lẽ cũng ngỡ ngàng về cách hành xử người đời của một triều đại.

2. a. Toà Thánh Lamã như vừa trình bày trên (Phần II, số 4) không những đang gặp khó khăn và bị các nước Tây phương, trong số đó có nước Pháp, chèn ép, bắt bớ, mà còn bị loại trừ ra khỏi lãnh thổ của Pháp quốc. Chính lúc tàu chiến đánh phá, nhóm người làm cách mạng bất mãn, lật đổ Louis XVIII, đưa Louis Philippê lên thay (1830-1848). Cuộc cách mạng này có tính cách bài tôn giáo. Trong giai đoạn kế tiếp, cách mạng 2/1848 lật đổ Louis Philippe thiết lập nền cộng hoà đệ nhị. Louis Bonaparte, cháu Napoléon III (1852-1870), liên kết với Victor Emmanuel II và Cavour (1858), kẻ thù Toà Thánh, bài bác, bắt bớ Giáo hội. Trong tình hình chính trị như thế, những công việc xâm lược của Pháp chiếm Sài Gòn và Bắc Kỳ là việc nội bộ và chính sách riêng của Pháp.

b. Mặt khác, việc đánh chiếm Sài Gòn và Bắc Kỳ là việc nội bộ của người Pháp, nhưng do những người nào trực tiếp chủ trương?

“Ở Pháp lúc bấy giờ, chính phủ cũng còn phân vân, chưa quyết hẳn lấy hay là trả đất Nam Kỳ, bèn sai trung tá hải quân Aubarét (Habaly) sang điều đình với Triều đình ở Huế về việc cho chuộc 3 tỉnh Nam Kỳ.”[66]

Việc đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873) cũng do quyết định của viên thống đốc Nam Kỳ, nhưng bên Pháp bận đánh với Phổ nên điện sang cho thiếu tướng rằng “không được sinh sự ở Bắc Kỳ”.

c. Sau khi Millot về Sài Gòn kể những thành công trong việc thôn tính Bắc Kỳ, thiếu tướng đại diện về Paris nói rằng cần thôn tính Bắc Kỳ và cần giữ lấy con đường thông thương sang Tàu. Hôm ấy ông viết thư thăm và xin chính phủ để cho thiếu tướng được tự tiện, hễ có việc gì, thì ông xin chịu lỗi.[67]

Hoặc vụ đại uý Francis Garnier ra Bắc đánh và bị giết, ông Philastre ra Hà Nội, dàn xếp cùng với phó xứ nước ta là ông Nguyễn Văn Tường, dàn xếp tinh thần đánh chiếm Việt Nam là do một nhóm sĩ quan tại Sài Gòn mà thôi.[68]

Những sự kiện trên cho chúng ta thấy việc đánh chiếm Nam Kỳ và Bắc Kỳ là do nội bộ của Pháp, cụ thể là do một số quân phiệt người Pháp, chứ không nên quy trách nhiệm trong việc này cho Giáo Hội hoàn vũ, vì trong lúc đó mối quan hệ giữa Toà Thánh và Pháp cũng không mấy tốt đẹp, chưa nói đến việc Giáo Hội lúc bấy giờ đang bị bắt bớ.

Tuy nhiên, trước chính sách thực dân của ngoại bang, người dân Công giáo tuyệt đại đa số, giáo dân cũng như giáo sĩ, tích cực xây dựng bảo vệ đất nước, đặc biệt có những trường hợp vì yêu nước dân bản, điều trận lên triều để xin tự cường, duy tân đất nước, mong chống ngoại xâm, như Nguyễn Trường Tộ và Linh mục Đặng Đức Tuấn.

III. Chính sách thực dân - con dân Việt chống ngoại xâm

1. Thực dân Tây phương đã dòm ngó đất nước chúng ta từ lâu


Ngay từ cuối thế kỷ 16, nhân dân ta cũng đã chống trả vũ lực của các cường quốc Tây phương để bảo tồn độc lập.

a. Ba lần dụng võ

Trước ngày xảy ra chiến cuộc ở Đà Nẵng và Gia Định, thực dân Tây Ban Nha đã có dịp nếm thử thế nào là mùi cay đắng của công cuộc viễn chinh, cho nên trong chiến cuộc 1858-1862 ở Việt Nam, Tây Ban Nha giữ vai trò phụ. Chúng ta xem thử tham vọng cướp nước Việt Nam từ khi nào.

1. Năm 1565, tướng Legaspi của Tây Ban Nha bắt đầu xâm lược Phi Luật Tân, và mơ ước chiếm Việt Nam. Chiếm thành Châu Lập, năm 1571, tướng Legaopi đánh chiếm Phi Luật Tân. Dịp may mắn đến, năm 1593 Vua Campuchia là Poulie Tan bị Xiêm uy hiếp, sai sứ sang Phi Luật Tân cầu viện, Louis Perez cử Gallinato đem 3 chiếc thuyền đến giúp, nhưng không thành, lại thiếu lương thực nên ghé Chiêm Thành. Chiêm Thành không tiếp, không bán lương thực, Gallinato tức giận bắn phá, bị người Chiêm Thành cự tuyệt. Cuối tháng 8/1596, họ ghé vào Đà Nẵng, được đối đãi tốt, lúc đó chúa Sãi là người giàu tinh thần quốc tế, bang giao với Nhật, Campuchia và còn có nhã ý giúp giáo sĩ Jimenez xây dựng giảng đường ở Đà Nẵng nữa.

Bang giao giữa Việt Nam và Tây Ban Nha bỗng nhiên nổi sóng gió, nguyên do: một chiếc thuyền dưới sự chỉ huy của người Tây Ban Nha, có đoàn thuỷ thủ là người Trung Hoa nổi loạn, giết vị sĩ quan, lánh nạn ở Việt Nam. Thuyền bị sóng gió nhận chìm, thuỷ thủ được dân ta vớt, đạn dược trên tàu bị quân ta tịch thu. Gallinato đến Việt Nam đưa ra yêu sách bắt chính quyền Nam Hà phải bồi thường thiệt hại, trả lại khí giới, bắt giao nộp cho họ số thuỷ thủ Trung Hoa lánh nạn. Nếu không họ sẽ dùng vũ lực và sẽ biến Đà Nẵng thành tro bụi.

Nguyễn Phúc Nguyên (sau là Chúa Sãi) nổi giận, tháng 09/1596, các thuyền ta chuẩn bị bao vây và phóng hoả 3 tàu Tây Ban Nha: 1 chiếc bị cháy, 1 bị chìm và 1 chiếc lớn do Gallinato chỉ huy vất vả lắm mới chạy thoát được.

Trong lúc trận thuỷ chiến diễn ra, giáo sĩ Jimenez đang giảng đạo, bị câu lưu, nhưng Nguyễn Phúc Nguyên xét thấy ngài vô can nên cho sống chung với giáo sĩ Dòng Augustino, lúc đó Dòng ở Quảng Nam. Gallinato còn cho thuyền nhỏ vào yết kiến Nguyễn Phúc Nguyên đòi chuộc giáo sĩ Jimeney. Nguyễn Phúc Nguyên không đòi tiền mà đòi chuộc bằng 2 khẩu súng. Cuối cùng, Nguyễn Phúc Nguyên gửi giáo sĩ Jimeney đi Macao nhờ tàu Bồ Đào Nha. Gallinato vụng về, ngu xuẩn dễ tạo hiểu lầm rằng vì giáo sĩ Jimeney là gián điệp lợi hại đội lốt nhà tu nên ông mới quan tâm chuộc lại như thế.

Thanh danh các vị thừa sai bị các thuyền trưởng vu cáo, bôi nhọ, gây khó khăn trong việc truyền giáo, như năm 1596, tàu San Felipe của Tây Ban Nha khởi hành từ Phi Luật Tân bị gió và sóng đánh đánh dạt vào Nhật Bản, bị khám xét thấy nhiều súng đạn. Thuyền trưởng khai rằng bọn đạo sĩ Thiên Chúa giáo giúp dọn đường cho binh sĩ xâm lăng, vì thế Nhật tàn sát đạo Công giáo sau đó.

2. Người Hoà Lan buôn bán rất phồn thịnh ở Đà Nẵng. Họ thuê một số nhân công Việt Nam vào làm các thương điểm, giữ kho, không biết mất mát hàng hoá sao đó, thương chủ Hoà Lan đổ lỗi dân bản xứ ăn cắp, làm như nhân viên Hoà Lan tốt lành cả. Bọn thương nhân Hoà Lan coi mình là chủ nhân, bắt giam và đánh đập công nhân Việt Nam, ỉ lại có tàu chiến từ Nam Dương can thiệp. Quan lại ta đem quân đến bao vây các thương điểm, bắt bọn người phạm pháp tống vào ngục. Nghe tin trên, một hàm đội gồm 3 chiếc thuyền lớn do Van Liesvelt chỉ huy từ Batavia kéo đến rồi gửi tối hậu thư cho Nguyễn Phúc Tần (sau là Hiền Vương) viết cách ngạo mạn, đòi bồi thường.

Lẽ dĩ nhiên quân ta không chịu thua. Chúng đánh phá nhiều nhà của dân chài, không dám tiến vào sâu. Nhưng bóng đêm xuống, thuyền chiến Việt Nam ra bao vây giết luôn đô đốc Van Liesvelt và Pierre Baeck. Hoà Lan chỉ còn có một chiếc thuyền nhỏ chạy thoát về Nam Dương. Sử gia Maybon phát biểu về tư cách hạm đội Hoà Lan:

“Họ là những người hung bạo nhất, bất phục thiện nhất trong thiên hạ: giống như cọp và chó sói hung dữ, họ gieo rắc kinh hoàng khắp nơi. Khi họ ghé vào đất nào là họ tìm cách làm chủ đất ấy.”

Không ai kháng cự họ nổi! Trừ người Việt hiếu khách và dũng cảm ở phía tây biển Đông Hải thuộc Thái Bình Dương.[69]

3. Năm 1807, Anh quốc quyết ý dụng võ tại Việt Nam, sau khi phái đoàn đặc sứ W. Robert bị vua Gia Long khước từ, không cho lập thương điểm tại Thuận An (Huế) và Cần Giờ (cấp).

Năm 1808, Đô đốc Druny đem hạm đội gồm 10 chiến thuyền, 6 chiếc đánh vào Hưng Yên và Bắc Thành, còn toán gồm 4 chiếc thuyền đóng ở cửa Lục Môn (sông Luộc) để phân chia lực lượng Việt Nam.

Tướng Việt Nam là Thái Đinh Tạo nhờ đêm dày đặc đem chiếc thuyền nhỏ bám sát vào thuyền địch, phóng hoả. Hạm đội Anh bị cháy, phải mở đường máu rút lui bỏ chạy, kể cả toán ở Lục Môn cũng vậy. Đô đốc Druny xấu hổ ở lì tại Quảng Châu, không dám về Ấn Độ nữa.

4. Vậy trong 3 trận thuỷ chiến:

- 1596: Chống Tây Ban Nha
- 1644: Chống Hoà Lan
- 1808: Chống Anh quốc

Nếu Việt Nam bị bại trận, chắc chắn nước ta đã bị xâm lăng từ lâu chứ không chờ đến năm 1858 người Pháp đến đánh mệnh danh là bảo vệ người Công giáo. “Đủ biết tham vọng thực dân là động lực chính yếu, còn như bênh vực giáo sĩ và giáo dân chẳng qua chỉ là một cái cớ viện dẫn ra cho có danh nghĩa tốt đẹp mà thôi.”[70]

Trong giai đoạn đánh 3 trận trên, Chúa Nguyễn biết đoàn kết dân tộc và phân biệt lý do của thực dân là chiếm đất, còn các vị thừa sai như trường hợp vụng về và gây chia rẽ của Gallinatô được Chúa Nguyễn Phúc Nguyên thẩm định đúng đắn. Thật vậy, tham vọng của thực dân Tây phương đang tìm thị trường và tài nguyên, còn bênh vực Công giáo là cái cớ để chúng có chính nghĩa. Điều quan trọng là lối hành xử của triều đình ta đừng tạo nên một lý do nào để chúng lấy cớ có chính nghĩa và làm mất tính đoàn kết dân tộc.

b. Tình trạng nhu nhược Triều đình Tự Đức

1. Việt Nam là một nước văn hiến, có truyền thống chính trị dân bản, lấy nghĩa đức trị, lấy tài tiến cử người và giúp vua giúp nước.

Vua Tự Đức được lên ngôi theo lệ “trạch hiền”, chứ nếu theo huyết thống thì ngôi vua phải về tay anh ruột của ông là Hồng Bảo.

2. Vua Tự Đức sống trong một thời đại phức tạp, phải mang các hậu quả của những chính sách, đường lối sai lầm do thế hệ trước để lại, nhất là do sự mất đoàn kết dân tộc, vì kỳ thị tôn giáo, ra những sắc chỉ cấm đạo, tàn sát người theo Đạo Công giáo. Nay ông phải gánh những hậu quả của các ông vua cha ông đi trước, bị mang tiếng là một ông vua độc ác, nhu nhược, không có khả năng, thiếu sáng suốt, không có ý chí để vạch ra một lối đi vững chắc bàn về đất nước, giữa thời buổi các nước Tây phương đi tìm thị trường buôn bán và khai thác tài nguyên.

3. Pháp gây sự với Việt Nam 3 lần (1847, 1851, 1858) là thăm dò cách bố trí phòng thủ duyên hải Việt Nam cũng như thực lực quân sự và chính trị của ta như thế nào, rồi Pháp mới khởi chiếm.

So với Nhật Bản, khi bị Hoa Kỳ nổ súng một lần, họ thật đã tỉnh ngộ, biết lợi dụng tình hình nội bộ của đối phương của các nước Tây phương, mà tự cường về quân sự, kinh tế, chính trị. Ngược lại, 3 lần bị đánh phá, Triều Nguyễn không tỉnh giấc ngủ say trong toà nhà Nho giáo có vẻ an toàn không biết đoàn kết, cũng không nhận định được thời cuộc quốc tế, không lợi dụng nội bộ của đối phương là Pháp đang đánh nhau với các nước chung quanh, để duy tân đất nước, mặc dù nhiều người đã đề nghị phương thức canh tân, tự cường để xây dựng và bảo vệ đất nước, trong số đó có người Công giáo như Nguyễn Trường Tộ và Linh mục Đặng Đức Tuấn.

IV. Những công dân Công giáo ái quốc

Khi Tây đánh Cửa Hàn, giáo dân có kéo ùa theo Tây đâu? Trái lại, giáo dân vẫn tuân thủ pháp luật của triều đình: vẫn đi lính, đóng thuế, làm xâu, trọn vẹn các bổn phận của người dân như lương dân. Giặc Pháp mượn tiếng “tự do giảng đạo” gây việc chiến tranh là để trục lợi, chứ việc đi giảng đạo mà làm việc bất nghĩa thì ai theo.[71]

Trong khi đó, công việc duy tân đất nước do Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Tự Giản và cả Linh mục Đặng Đức Tuấn bị đa số hủ Nho ngăn trở, bị vua khiển trách bỏ không cứu xét[72]. Chúng tôi trình bày hai vị ái quốc Công giáo.

* Nguyễn Trường Tộ[73]

a. Nguyễn Trường Tộ xin triều đình Huế cải cách

Trong sử Việt Nam cũng ghi đến chí hướng xin triều đình Huế tiến hành cải cách của Nguyễn Trường Tộ, nhưng nào có ai lưu tâm cứu xét.

“Ở Việt Nam, khi thực dân Pháp đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, Nguyễn Trường Tộ, một sĩ phu Nho học có đi tham quan nước ngoài, đã dâng sớ lên Tự Đức, báo cáo về những điều mới lạ được mắt thấy tai nghe và đề nghị nhà vua cho tiến hành những cải cách cần thiết thì đất nước may ra mới tránh khỏi tai hoạ diệt vong, ông liền bị Tự Đức khiển trách, không thèm xem xét đến những đề nghị đó và cho là trái ngược luân thường đạo lý của dân tộc, phong tục hàng nghìn năm của Đông phương.”[74]

b. Con người của Nguyễn TrườngTộ[75]

Sinh năm Minh Mạng thứ X (1830), quê quán thôn Bùi Chu, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, qua đời năm Tự Đức XXIV (1872). Nguyễn Trường Tộ là một người yêu nước tha thiết.

- Năm 1866, Vua Tự Đức đã phái Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauthier) và Nguyễn Trường Tộ sang Pháp mua máy móc rồi vì lời gièm pha của các triều thần mà việc trọng đại như vậy cũng bị đình chỉ. Ông đi quan sát những điều mắt thấy tai nghe, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của Tây phương, mong áp dụng để duy tân đất nước, cũng bị triều thần quan lại dựa theo đạo Nho mà gạt bỏ đi hết.

Từ tháng 9/1860, ông đã vạch cho Triều đình Huế thấy rõ sự đổi mới, cách mạng về khoa học kỹ thuật trong thế giới và nói lên cái hiểm hoạ nguy kịch của làn sóng thực dân. Cần phải lựa chọn thanh niên ưu tú, tài giỏi cho đi du học các nước Tây phương để học ngành khoa học kỹ thuật tân tiến.

- Ở trong nước phải mở ngay lối học việc thi cử, bỏ cái học từ chương, thi phú, chú trọng nhiều hơn về môn thực nghiệm như thiên văn, toán học, cơ khí, canh nông, khoa học kỹ thuật…

- Về võ bị, nên hậu đãi quân sĩ, mở trường võ bị, đón các huấn luyện viên nước ngoài về dạy binh pháp, tập trận mới.

- Về tài chính, nên tự mình khai thác các mỏ than, khoáng sản để tích luỹ cho đất nước, đừng để cho bọn phu tàu khai thác, ngày sau sinh ra tai hoạ.

- Ông là con người thực hành: dám nói, dám làm và dám làm đến nơi đến chốn, được việc và cam đoan sẽ thành công. Nhưng Triều đình Huế không chịu tin, không chịu giao cho ông, mà ngược lại nghe theo lớp sĩ phu hủ Nho.

c. Nỗi đau đớn của Nguyễn Trường Tộ

Nguyễn Trường Tộ đau đớn khi nghe miền lục tỉnh bị rơi vào tay thực dân Pháp. Bài thơ gói ghém tâm tình đó:

“Nhân gia liêu lạc Tây Triền
Nhất vọng bình lâm trấn hiểu yên
Sơn khởi tam phong hồi hải ngạn
Đăng cao nhất trụ dẫn Dương thuyền!”
Bản dịch của Lê Công Tâm:
“Hàng cây chen lẫn dãy nhà ai
Sau cảnh rừng kia khói toả đầy
Bờ biển, ba cồn nhô núi đá.
Đèn cao một ngọn dẫn tàu Tây!”

Hải đăng nay lại dẫn tàu Tây vào thực dân đất nước ta – thực là đau lòng vì:

“Nước non vẫn nước non nhà
Nhìn xem phong cảnh nay đã khác xưa!”

d. Cũng là sông núi đó, mà nay sao khác xưa?

Khác xưa vì lòng ông đau nhói, thấy đất nước bị thực dân chiếm đóng. Khác xưa vì trong nước, triều Nguyễn bất lực dưới áp chế của sĩ phu thiển cận, quá khiếp. Khác xưa vì lương giáo cấu xé nhau, do bọn sĩ phu tạo loạn trong quê hương còn được các quan quyền bao che, còn tiếp tay để hăm doạ giết hại nhau, nỗi lòng đó được gói ghém trong lá thư ngày 22/4 năm Tự Đức thứ 19:

- Lá thư của Nguyễn Trường Tộ đề ngày 22/4 năm Tự Đức thứ 19, tức (04/05/1966) gửi cho hai ông Trần Tiễn Thành và Phan Thanh Giản, trình bày nguyên do, cái “gốc” tình trạng lương giáo hì hục nhau là ở sĩ phu và quan lại[76]. Nội dung lá thư có thể tóm lược mấy điểm chính.

1. Từ kinh Huế về Xã Đoài, Nghệ An, ông chứng kiến cảnh tượng lương giáo kình địch nhau, đầu mối là do sĩ phu và do những người có quyền khích động. Dùng quyền mà sinh sự, dùng quyền để trấn áp giải quyết.

2. Trước kia, Tây đột nhiên xâm lược, triều đình chưa rõ nguyên do, vì để an dân, nên triều đình phân sáp người Công giáo. Tội ác là điều xấu, nhưng giết người có tội đối với người trên là một nỗi đau lòng, đó là trọng đức, trọng người.

3. Hiện nay, lương giáo lòng đang sùng sục, một bên nói không thể nào chung sống được phải tiêu diệt, bên kia cũng không chịu bó tay. Sĩ phu có nhiều ý kiến khác nhau, rồi hằn thù kéo dài ra, in sâu, không ai giải quyết nổi.

4. Còn nhiều người cậy quyền, cậy thế lực áp chế nhau, còn dựa vào tục lệ mà tích oán thành hoạ; rồi các người quyền thế lập bè phái, nói xấu người có đạo, đồn đại lắm chuyện, rồi nhiều người tin theo. “Ý họ muốn giết cho hết”, họ còn khinh dể triều đình làm như con nít, nay này mai nọ.

5. Có người bịa chuyện rằng ta đây biết thâm ý của triều đình: ngoài chỉ hoà nhưng trong thì sợ. Như trước kia, họ đòi kê khai số giáo dân, linh mục, vì sợ, đề phòng người có đạo. Vị quyền thế nọ nói: Triều đình ngấm ngầm cầu viện, đã định ngày nổi lên giết Tây, bọn chúng tao sẽ đồng thời giết chúng mày. “Lắm tin đồn trước những tin đồn đó”, người giáo dân cũng sợ, cũng dè chừng không thiết làm ăn nữa.

6/ Dân tình như vậy, làm sao yên ổn lâu dài được; xét cho cùng có những nguyên do như sau:

- Một là ơn trên chưa được rộng khắp.
- Hai là sai lầm trước, chưa giải thích được.
- Ba là do bọn ăn không ngồi rồi bịa chuyện.
- Bốn là do bọn cường hào tác oai tác quái ngoài pháp luật.
- Năm là do bọn quyền quý mượn uy thế doạ nạt.
- Sáu là do dân có đạo không yên tâm phải luôn luôn ngó trước nhìn sau.

Tóm lại, chuyện trong nhỏ, ra ngõ hoá to, phương chi đồn ra mãi, lâu ngày ai cũng tin, cũng sợ. Xin quan trên lượng xót.

e. Hai câu đối bằng chữ Nôm ở hai bên mả của ông:


“Trung Vua mến nước vốn ghi lòng
Kính Chúa yêu người hằng tạc dạ.”
[77]

Nguyễn Trường Tộ yêu quê hương, yêu đồng bào, đem công sức tài lực giúp nước, mà vẫn phải đau khổ thấy đất nước loạn ly, tang tóc và bị hiểu lầm là nối giáo cho giặc. Đây là giai đoạn đầu chuẩn bị cho cao trào tàn sát người có đạo thời Văn Thân 1885; chắc ông nằm dưới 3 tấc đất ngậm ngùi cho công sức mình đổ ra vô ích và cảm thông cùng với người đồng đạo bị giết chết quá oan uổng.

* Linh mục Đặng Đức Tuấn [78]

a. Đặng Đức Tuấn chào đời năm Bính Dần (1806) đời Gia Long và qua đời năm 1784 tại Nước Nhĩ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Thân phụ là Đặng Đức Lành, một ẩn sĩ làm câu Bồng Sơn. Năm thi hương (1825) ở trường thi Bình Định, Đặng Đức Tuấn đã đứng nhất trên cả ngàn sĩ tử dự thi. Đặng Đức Tuấn hay chữ, chưa lập gia đình, có nhiệt tâm với Giáo Hội, được Đức cha Cuénot Thể mời làm giáo sư Hán văn cho chủng sinh tại Pinăng (Mã Lai). Ngài xuất dương, làm giáo sư, trong thời gian 7 năm dạy Hán ngữ, vừa tìm hiểu các môn cần thiết cho chức linh mục sau này. Ngài nhận chức phó tế và về nước, sau 15 năm ở Pinăng. Sau khi về nước giúp Đức cha Thể một thời gian, ngài nhận chức linh mục tại Gò Thị và phụ trách họ Châu Me - Trung Tín được 6 năm. Sau khi chiến tranh nổ ra tại Đà Nẵng và Gia Định, Triều đình Huế nghi kỵ giáo dân thông đồng với địch, đề phòng nội ứng bằng cách bắt giam hết những người có đạo, nhà thờ bị phá huỷ, cha phải xa lánh Quảng Ngãi. Trở về Bình Định, trên đường lánh nạn, cha bị bắt năm 1862 tại huyện Mộ Đức, bị giải ra tỉnh, rồi ra Huế, để điều trần về phương lược Bình Tây. Ngài được Triều đình Huế trọng dụng, làm tùng viên trong phái đoàn nghị hoà Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp vào Gia Định.

b. Những tư tưởng chủ đạo vừa trình bày tình cảnh oan khổ của giáo dân, vừa nói đến phương kế thống nhất lực lượng dân tộc bảo vệ đất nước đã làm cho Vua Tự Đức và một số quan viên có tư tưởng mới như Nguyễn Tư Giản, Lâm Duy Hiệp, Phan Thanh Giản, Phan Liêm, Bùi Viện… coi ngài là một trong quốc sĩ[79]. Đặng Đức Tuấn đề nghị trước tiên làm cho dân an cư lạc nghiệp, đoàn kết dân tộc, nghĩa là bãi bỏ sắc chỉ cấm đạo, để mọi người lương cũng như giáo đồng tâm nhất trí chống ngoại xâm, như Ngô Khởi, một nhà thao lược đời chiến quốc, có câu: “Trong nước bất hoà thì không nên ra quân.”

Sự bất hoà ở Triều đại Tự Đức là do giới sĩ phu gây ra, nên Triều đình Nhà Nguyễn đã vướng phải một điểm sai lầm căn bản là kỳ thị tôn giáo, sát hại người có đạo, cần sửa đổi lại.

- Đặng Đức Tuấn dâng lên Triều đình tất cả 6 bản điều trần[80] trong đó có bản điều trần quan trọng: “Hoành mao hiến bình tây sách”[81]. Chúng ta phân tích bản điều trần này:

* Phân tích

- Nhập đề: Nói về bổn phận bảo vệ tổ quốc của tất cả mọi người trong thời kỳ tổ quốc đang bị xâm lăng.

- Phụ diễn: Có 2 phần chính:

Phần I: Sách lược cường binh gồm 3 điểm cốt yếu:

- Tuyển binh
- Tập bắn
- Dùng thuốc đạn mới

Trong phần này, tác giả nhấn mạnh rõ cái nguyên do chính yếu thúc đẩy giặc Pháp xâm lược Việt Nam là quân lực ta yếu. Ngoài ra, tác giả còn nhấn mạnh đến tham vọng ngoan cố của thực dân Pháp, nếu một mai quân ta khôi phục Gia Định, thì giặc có thể khởi chiến ở đất Bắc chẳng hạn.

Phần II: Phân tích tình hình thế giới, sự thật về bang giao giữa Anh - Pháp, và đề nghị cầu viện Anh quốc.

Phân công quân lực Anh quốc tác chiến trên biển, quân ta đánh trên bộ.

- Kết: Tác giả chứng tỏ lòng trung thành với tổ quốc, có triều đình có dùng sách lược hay không là tuỳ ở triều đình xét đoán.

* Nhận định

Trong tình hình đất nước bị mất mấy tỉnh miền lục tỉnh, trong khi thực dân Pháp đang tìm thị trường và Anh - Pháp hì hục với nhau, vấn đề quan trọng đặt ra là “hoà hay chiến?”, vấn đề sinh tử, tồn vong cả một dân tộc. Bản điều trần, nói hoà, thì hoà với điều kiện nào; nói chiến, thì chiến như thế nào? Đó là bản trình bày sách lược chống ngoại xâm của Đặng Đức Tuấn.

1. Người chủ hoà dễ bị công kích hơn người chủ chiến. Quân giặc tự nhiên vô cớ đến xâm lấn bờ cõi, ta chủ hoà tức là cam tâm khuất phục, chịu mất đất. Nguyễn Bá Nghi chủ hoà, nhưng giảng hoà trong lúc quân của Triều đình suy yếu, đem chính nghĩa dân tộc ra cãi với bọn thực dân, thì sao đạt được, khi chúng lấy vũ lực làm nền tảng để đánh chiếm các nơi, chứ có lấy nhân nghĩa đâu.

2. Đặng Đức Tuấn, nhận định tình hình quốc nội và thế giới, chủ trương: Phải có sức mạnh mới bảo tồn và phát huy được chính nghĩa; nếu tự mình chưa đủ sức thì phải đem chính nghĩa ấy đi cầu viện. Do đó:

a. Trước nhất: Tự cường, tự lập, tăng cường sức mạnh theo truyền thống: Hùng Việt. Cần làm 3 điều quan trọng sau để tăng cường sức mạnh:

Một: Tuyển lính: Cần tuyển chọn những người trẻ tuổi cường tráng từ 20 tuổi đến 40 tuổi vào quân ngũ.

“Điều thứ nhất là lựa lính. Phép lựa lính là phải lấy những người trẻ tuổi, sức vóc đương hồi sung túc, cường tráng. Nay xin nhà vua sắc lệnh cho các địa phương phải lựa thứ tinh binh cường tráng từ 20 tuổi trở lên, từ 40 tuổi trở xuống. Số người còn lại đều là hạng già yếu, non nớt không đáng dùng. Thời gian phục vụ dưới cờ là 5 năm.”[82]

Trong thời gian ngắn đó, không ai được trốn lính, sau thời gian đó ai có công được trọng thưởng, đem lính mạnh chống giặc biển.

Hai: Tập luyện: “Điều cốt thứ hai là thao diễn chiến pháp. Phép thao diễn không gì quan trọng hơn việc tập bắn súng. Lũ lính trên các chiến thuyền giặc biển bắn súng rất giỏi. Quả thật, bọn chúng đối với ta là kẻ thù cách nhau một trời một vực, đâu có phải chuyện tầm thường. Nay ta phải chống nhau với chúng mà cứ dùng cái lối võ nghệ, gươm đao, côn dài cung mạnh thì thiệt là ứng chiến không đúng phép vậy (...) Chỉ cần cho quân ta giỏi nghề bắn súng, biết dùng các thứ súng lớn, súng lửa, súng trái ghè, súng thần công, súng máy đá là đủ vậy.”[83]

Ba: Luyện chế thuốc súng: “Thuốc súng của mọi biển, sở dĩ nổ lẹ và mãnh liệt mà lại bắn đi xa là vì phép thuốc súng không cần ở số lượng nhiều mà cần thuốc súng mạnh, dùng thuốc bắn súng không lấy thuốc cũ, chỉ lấy thứ mới. Phàm các thứ thuốc súng để lâu quá 3, 4 năm đều không dùng.”[84]

b. Sau là: Về sách lược quyết thắng mọi biển

Dùng chính nghĩa để thuyết phục nhân tâm trong nước cũng như quốc tế. Mọi biển không có chính nghĩa, nhưng thế yếu. Thực dân không dựa vào thù hằn xưa nào cả, mà là lấn chiếm đất đai ta, dựa vào sức lực, nay ta quyết thắng, trước nhất:
“Ở nơi ta, phải xác thực có cái hình thế phòng ngự vững vàng rồi sau mới đi cầu viện, như thế thì mới quyết thắng được chúng.”[85]

Trong tình hình thế giới, các nước Tây phương đang hục hặc nhau: Anh - Pháp đánh nhau: bề ngoài chúng hoà hợp, nhưng bên trong chúng tìm cách:

“Xa lìa nhau, thường rình cơ hội để phá đám cho nhau khốn đốn. Nay nước Anh được quốc thư ta, nói việc giặc biển lộng hành bậy bạ, người Anh tất phải cho rằng thuyền giặc biển là kẻ có tội, mà vội vàng ứng viện cho ta, đó là cái thế chiến buộc họ phải làm như vậy.”[86]

Anh quốc giúp ta, họ có 3 cái lợi:

1. Được tiếng bênh vực chính nghĩa, nhân quyền.
2. Sửa binh pháp đang cạnh tranh tìm thuộc địa.
3. Họ có cái lợi thiết thực, buôn bán với bán đảo Đông Dương.

Do đó, Đặng Đức Tuấn nhấn mạnh đến cần tự cường, cần có sức mạnh trước, và nếu cần, cầu viện cho đúng đối tượng, tạo những bổn phận và quyền lợi thiết thực và khôn khéo cho đôi bên. Nhờ vậy, nước ta sẽ cường thịnh như nước Nhật, lợi dụng thời cuộc nội bộ của Mỹ, của Anh, của Pháp mà tự cường, cũng như thoát khỏi vòng kềm kẹp của thực dân, hơn là ngâm thơ với trăng gió, thưởng thức những mớ kiến thức cũ rích, để rồi, khi Pháp đến chiếm đất nước làm thị trường cũng không biết nhìn rộng thấy xa. Cứ cấu xé, chém giết nhau, nhất là hồ đồ nói người có đạo là theo Tây, theo ngoại bang, làm tay sai cho địch, luận cứ hồ đồ này còn tồn tại được lâu không?

Chế độ phong kiến có lớp sĩ phu, triều thần quan lại giữ chức to chức nhỏ, phò vua, phục dịch chế độ, ăn bổng lộc của vua, không có tầm nhìn “ích quốc lợi dân”, lại khéo nịnh bợ trên, gây tội ác cho thứ dân thấp cổ bé miệng ở dưới, như Nạn Văn Thân (1885). Trước sau đất nước của ta cũng bị ngoại xâm: 1.000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây. Những bài học lịch sử được người xưa để lại, dạy rằng “ÔN CỔ TRI TÂN”.

Chúng tôi xin đóng lại bài nghiên cứu này với dẫn lời của đồng tác giả  Lam Giang (Giáo sư) và Võ Ngọc Nhã (linh mục) trong sách ĐẶNG ĐỨC TUẤN, (sđd., tr. 212-214):

“Cái tinh thần kiến quốc hùng mạnh và cái trí sáng suốt biết theo dõi những tiến bộ kỹ thuật của thiên hạ có từ đời Vua Minh Mạng sang đến đời Thiệu Trị, Tự Đức là tiêu trầm, nhường chỗ cho cái óc trọng văn khinh võ. Ai phải chịu trách nhiệm về sự suy vi đáng than trời, đáng khóc lớn này?”

“Chúng ta có nên quy trọn trách nhiệm vào cho một mình Vua Tự Đức phải gánh chịu hay chăng?”

“Toàn thể sĩ phu thời đó - trừ một rất ít người hiểu thời thế - đều phải chịu trách nhiệm và họ là những người có tội với lịch sử, với quốc dân.”

“Chính Vua Minh Mạng cũng có lần than phiền cái học khoa cử làm hư nhân tài và có chí muốn sửa đổi; song còn loay hoay chưa biết sửa đổi như thế nào, thì ngài đã thăng hà. Vua Thiệu Trị không có hùng tài, đại lược như tiên vương, Vua Tự Đức thì chỉ biết tuyển lựa nhân tài bằng thơ phú. Bọn sĩ phu, tiếng rằng theo học đạo Khổng, nhưng nào có hiểu thấu đáo về chủ nghĩa văn trị hoà bình của Khổng Tử chút nào đâu. Chỉ cần học thuộc lòng Ngũ Kinh, Tứ Thư, tập làm văn sách, thơ phú cho giỏi là có hy vọng đậu thi, ra làm quan trị nước, trị dân rồi.”

(…) Rất đỗi có những bậc danh nho như Cao Bá Quát - người nổi tiếng hay chữ vào bậc nhất triều Tự Đức - nói về phú thịnh của thiên hạ, giới sĩ phu cũng cứ nhất định nhắm mắt bịt tai lại, nhất thiết không thèm nghe.

“Năm 1843, Cao Bá Quát đi theo phái bộ Đào Tri Phú sang Tân Gia Ba. Họ Cao đã bàng hoàng nhận định về sự cường thịnh của người và sự hèn yếu của mình. Ông đã từng than thở:

“Nhai văn nhá chữ buồn ta,
Con giun còn biết đâu là cao sâu.
Tân Gia từ vượt con tàu,
Mới hay vũ trụ một màu bao la.
Giật mình khi ở xó nhà,
Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi.
Không đi khắp bốn phương trời,
Vùi đầu án sách uổng đời làm trai.”

                  (Bản dịch của Trúc Khê)

(…) “Với một số triều thần thủ cựu và cầu an như vậy, dầu Vua Tự Đức có muốn cải cách thì e cũng thiếu người phụ trách, phụ tá. Thảo nào mà Nguyễn Trường Tộ chẳng buồn giận đến nỗi đau tim, và thiệt mạng vì chứng bệnh đau tim ưu phiền u uất đó.”

Kontum, năm 2010

Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn


-----------------------

[1]  “Lịch sử Việt Nam”, tập II, của nhóm giáo sư: Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phan Xuân Nam, Bùi Đình Thanh, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội 1985, trang 27.
[2] x. Phan Phát Huồn, CSSR, “Việt Nam Giáo sử”, Quyển I (In lần thứ năm), Copyright USA 1997, Cứu Thế Tùng Thư 1997, 2458 Atlantic Ave, Long Beach, CA 90806 USA, trang 611.
[3] x. Sđd, trang 611-612.
[4] x. Sđd, trang 612-618.
[5] Trần Trọng Kim, “Việt Nam Sử lược”, in lần thứ 5, Tân Việt 1954, trang 520-521.
[6] Trần Trọng Kim, “Việt Nam Sử lược”, in lần thứ 5, Tân Việt 1954, trang 532.
[7] Trần Trọng Kim, “Việt Nam Sử lược”, in lần thứ 5, Tân Việt 1954, trang 533.
[8] Trần Trọng Kim, “Việt Nam Sử lược”, in lần thứ 5, Tân Việt 1954, trang 542.
[9] Phan Phát Huồn, “Giáo sử Việt Nam”, Quyển I, in lần thứ 5, Copyright USA 1997, Cứu Thế Tùng Thư 1997, 2458 Atlantic Ave, Long Beach, CA 90806 USA, trang 618 .
+ Xem thêm Mgr Van Camelbecke, “Rapport Annuel De Cochinchine Orientale” trong Archives Des Missions Étrangères De Paris, năm 1885, trang  63-72.
[10] Hlabar Tơbang, 1913, trang 88.
[11] Phan Phát Huồn, “Việt Nam Giáo sử”, Quyển I, in lần thứ 5, Copyright USA 1997, Cứu Thế Tùng Thư 1997, 2458 Atlantic Ave, Long Beach, CA 90806 USA .
+ Tài liệu: Mgr Van Camelbecke, “Rapport Annuel De Cochinchine Orientale” trong Archives Des Missions Étrangères De Paris, năm 1885, trang  63-72.
+ Compte rendu, Quinhơn năm 1940 và 1941.
[12] Mme Vương Khả Lâm, tức Huỳnh Thị Bảo Hoà, “Chiêm thành lược khảo”, Nhà in Đông Tây, 193 phố Hàng Bông, viết xong 1/4/1936, trang 22-26.
[13] Sắc lệnh số 254/63 của Thánh Bộ Truyền giáo ký ngày 5-2-1963 cử ĐC Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi đảm nhận Giáo phận Đà Nẵng, cuộc lễ được cử hành long trọng ngày 1-5-1963 với sự hiện diện của Đức Khâm sứ Toà Thánh,  hai Đức Tổng Giám mục Huế và Sài Gòn, cùng đông đảo linh mục, tu sĩ và giáo dân. (xem tờ Nguyệt san Đức Mẹ La Vang, tháng 6/1963, trang 64).
[14] Phan Phát Huồn, “Việt Nam Giáo sử”, Quyển I, in lần thứ 5, Copyright USA 1997, Cứu Thế Tùng Thư 1997, 2458 Atlantic Ave, Long Beach, CA 90806 USA, trang 619-622.
[15] Tác giả thi sĩ U Mộng Vũ Huyền Dư. Bài thơ này được lưu lại cho con cháu trong gia đình của tác giả.
Có những ghi chú của chính tác giả sau dây:
(1) Bài này làm trước khi cha Lê Như Hảo trùng tu sửa lại nhà thờ núi mất hẳn vẻ tự nhiên như xưa kia.
(2) Thời Tự Đức, Văn Thân giết đạo tại Trà Kiệu, Đức Mẹ hiện ra tại hòn núi Non Trượt này để cứu giáo dân khỏi sự tàn sát. Sau giáo dân để kính nhớ lập đền thờ tại núi này và chọn bổn mạng là “Đức Bà phù hộ các giáo hữu”.
(3) Vũ trụ chỉ thế giới bao la - ở đây chỉ cây Thánh giá.
[16] Nhân dịp hành hương ngày bổn mạng Giáo xứ Trà Kiệu: Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ vào ngày 23/06/1990 của Lm. Nguyễn Hoàng Sơn.
[17] Tất cả các họ đạo sau viết theo Compte-reudu Địa phận Qui Nhơn 1940.
[18] Tuy nhiên, An Khê và Bình Khê có tương quan về địa danh. Vậy chữ “Khê” còn có gì nữa khi dung Bình Khê hơn là chữ khe không?
[19] Ngô Đình Thận, Id, trang 19tt.
[20] Hlabar Tơbang 1912, trang 14-15.
[21] Trần Trọng Kim, Id,  trang 560.
[22] x. Phan Phát Huồn, Sđd  trang 618- 628.
[23] x. Phan Phát Huồn, Sđd, trang 618-622.
[24] x. “Rapport Annuel De Cochinchine Orientale” năm 1885 của Đức Giám mục Van Camelbecke gửi về MEP , Archive Des Missions Étrangères de Paris, trang 63 và những trang kế tiếp.
[25] Cit. trang 70.
[26] Cit trang 65.
[27] Cit, trang 65.
[28] Cit, trang 67.
[29] Cit, trang 68.
[30] Cit, trang 68.
[31] Xem tài liệu vừa trưng dẫn trang 65.
[32] Phan Phát Huồn, Id  trang 672. Xem thêm: chương Hai Mươi Lăm II, 2. B,  trang 619.
[33] Compte rendu, Quinhơn năm 1941 – Theo Hlabar Tơbang năm 1912, trang 14: nói đến 25.000 tín hữu bị giết vì Nạn Văn  Thân.
Xem thêm “Rapport Annuel De Cochinchine Orientale” năm 1885  của Đức Giám mục Van Camelbecke, trang 65-66.
[34] Trần Trọng Kim, Id, trang 520.
[35] Trần Trọng Kim, Id, trang 521.
[36] Phan Phát Huồn, Id, trang 39.
[37] Hồng Lam, Id trang 23.
[38] Id, trang 17-18.
[39] Trần Trọng Kim, Id, trang 399.
[40] Id, trang 342.
[41] Nguyễn Hồng, trang 64.
[42] Phan Phát Huồn, Id, trang 36-37.
[43] Nguyễn Hồng, “Lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam”, quyển 1, hiện tại 1959, trang 70: Người Âu Châu bắt đầu tiếp xúc với người nước nam ở xứ Đàng Trong trước rồi sau mới dần ra Bắc (xem Hồng Lam, trang 16; và Trần Trọng Kim, trang 340-341). Sau đó ít lâu người Tây phương mới đến Bắc Kỳ vào cửa Thái Bình và Cửa Luộc. Người Bồ Đào Nha không lập nhà buôn trong xứ. Ngược lại, Hoà Lan, người Anh, người Pháp (1689) lại xin phép mở hiệu buôn ở Phố Hiến, và cả Kẻ Chợ tức Hà Nội ngày này. Tại miền Nam, năm 1686 có người Pháp tên Verret được phép mở của ở Cù Lao Côn Lôn. 50 năm sau, 1749 có người Pháp tên  là Piure le Poivre vào Thuận Hoá yết  kiến Võ Vương xin thông thương, và được phép buôn bán. Nhưng vì công ty Ấn Độ của Pháp bãi đi, nên thông thương không tiếp tục.
[44] Hồng Lam, Id, trang 23-25.
[45] Trần Trọng Kim, Id, trang 343.
[46] Phan Phát Huồn, Id, trang 288-289: Từ khi ông Nguyễn Hoàng xưng Chúa trong nam, và con cháu ông làm Chúa cho đến Võ Vương. Võ Vương lập con thứ 9 là Nguyễn Phúc Hiệu làm thế tử. Năm 1765, Võ Vương mất, thế tử cũng đã mất rồi, con của thế tử còn nhỏ mà con trưởng của Võ Vương cũng mất. Tờ di chiếu lập con thứ 2 lên nối nghiệp Chúa, nhưng Trương Phúc Loan đổi tờ di chiếu lập người con thứ 16 của Võ Vương mới 12 tuổi lên làm Chúa gọi là Định Vương hay là Huệ Vương. Trương Phúc Loan bắt giam con thứ 12 của Võ Vương là Hiếu Khương Vương cho đến chết. Nguyễn Ánh là con của Hiếu Khương Vương.
[47] Phan Phát Huồn, Id, trang 289-296.
[48] Trần Trọng Kim, Id, trang 425.
[49] Trần Trọng Kim, Id, trang 427.
[50] Id, trang 447.
[51] Id, trang 461.
[52] Id, trang 468-469.
[53] x. Hà Văn Thư - Trần Hồng Đức, “Tóm tắt Niên biểu Lịch sử Việt Nam”, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội - 2008, tr. 229tt.
[54] Lịch sử Việt Nam, trang 27.
[55] Trần Trọng Kim, trang 447.
[56] Hồng Lam, Lịch sử Đạo Thiên Chúa ở VN năm 1944, trang…
[57] Id. Trang 50.
[58] Id. Trang 56.
[59] Id. Trang 58-59.
[60] Id. Trang 60.
[61] Lịch sử Việt Nam, tập II, trang 23tt.
[62] Trần Trọng Kim, trang 520.
[63] Id, trang 532.
[64]  Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo sử, quyển 1, tái bản lần thứ 5, 1997, trang 298-302; 313-316.
[65] Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo sử, quyển 1, tái bản lần thứ 5, 1997, trang 288-296; 298-302; 313-316.
[66] Trần Trọng Kim, Id trang 497; xem thêm trang 491.
[67] Id, trang 512-513.
[68] Id, trang 516; hoặc câu thuyết phục của Nguyễn Văn Tường đối với ông Philastre: “Việc đánh lấy Hà Nội, súng phủ bảo không phải là bản ý (…)”
[69] x. Lam Giang, Võ Ngọc Nhã, “Đặng Đức Tuấn, Tinh hoa Công giáo Ái quốc Việt Nam”, in lần thứ nhất, tác giả tự xuất bản, 1970, trang 204-208.
[70] “Đặng Đức Tuấn”, Tinh hoa Công giáo Ái quốc Việt Nam, Lam Giang (giáo sư) và Võ Ngọc Nhã biên soạn, 1970, trang 207.
[71] “Đặng Đức Tuấn”, Tinh hoa Công giáo Ái quốc Việt Nam, Lam Giang (giáo sư) và Võ Ngọc Nhã biên soạn, 1970, trang 148.
[72] “Lịch sử Việt Nam”, tập II, của nhóm giáo sư: Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phan Xuân Nam, Bùi Đình Thanh, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội 1985, trang 16.
[73] Phan Phát Huồn, sđd, tái bản lần thứ năm 1997. Một số nội dung liên quan đến Nguyễn Trường Tộ:  trang 633 (đi du học và chính trị); trang 650 (phản kháng chính sách đàn áp của chính phủ); trang 665 (thành phần tiến bộ; trang 652 (sang Pháp lần thứ 2); trang 653 (chủ trương cách mạng toàn diện); trang 635 (về Nghệ An và từ trần).
[74] “Lịch sử Việt Nam”, tập II, của nhóm giáo sư: Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phan Xuân Nam, Bùi Đình Thanh, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội 1985, trang 17.
[75] “Đặng Đức Tuấn”, Sđd, trang 218-219.
[76] Tờ tuấn báo “Công giáo Dân tộc”, số 650 ngày, 28/02/1988 trang 5.
[77] Tuần báo “Công giáo và Dân tộc”, số 365-366 ,ngày 11/07/1982 trang 9.
[78] “Đặng Đức Tuấn”, Tinh hoa Công giáo Ái quốc Việt Nam, Lam Giang (giáo sư) và Võ Ngọc Nhã biên soạn, 1970; Phan Phát Huồn, Id, trang 328tt.
[79] Đặng Đức Tuấn, Tinh hoa Công giáo Ái quốc Việt Nam, trang 12-16.
[80] “Đặng Đức Tuấn”, Id, trang 151-152.
Ông dâng cho triều đình tất cả thảy 6 bản điều trần:
   - Trong lúc lánh nạn, ông làm 2 bản: Bình Tây sách (sách lược đánh thắng giặc Tây) và Annan dân chi thắng sách (sách lược yêu dân để tạo yếu tố chiến thắng).
   - Lúc về kinh, ông dâng hai bản điêu trần, trong đó bàn về thời cuộc đất nước và minh oan cho giáo dân.
   - Lúc được vua ra sắc chỉ xá tội và ban thưởng cho mình, ông lại dâng hai bản điều trần nữa.
[81] Id, trang 223-244.
[82] “Đặng Đức Tuấn”, Id, trang 229-230.
[83] Sau khi đã mất Nam Kỳ, Tự Đức bắt mọi quan quân tập bắn. Các quan lớn lười biếng không tập, báo cáo tốt. Sau khi Phan Đình Phùng được phong làm ngự sử, phanh phui sự việc này, Tự Đức giật mình, thấy rằng những sự việc tại kinh đô mà người ta còn xí gạt, bịt mắt phương chi việc ở xa (Đặng Đức Tuấn, Id, trang 214).
[84] “Đặng Đức Tuấn”, Id, trang 236: thuở ấy súng của ta là thứ súng thạch cơ điển thương - bắn với con cò đá lửa. Mỗi đội 50 binh thì chỉ có 5 người mang súng mà thôi. Mỗi năm chỉ 1 lần tập bắn, mỗi lần tập bắn, chỉ có bắn có 5 phát đạn, ai bắn quá phải đền tiền. Lấy súng cù, tập ít làm sao chống được giặc biển.
[85] “Đặng Đức Tuấn”, Id, trang 232.
[86] Id, trang 232.

Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print