Print  
Dân tộc Xtiêng - vùng Bình Phước - đón nhận hạt giống Tin Mừng
Bản tin ngày: 15/11/2016   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Như phần dẫn nhập vào nội dung tìm hiểu về “Dân tộc Xtiêng - Vùng Bình Phước - đón nhận Tin Mừng”, chúng tôi xin điểm qua vài nét về nguồn gốc, địa bàn dân cư và nhóm ngữ học của người bản địa này. Chúng tôi dựa vào tài liệu UBKHXH Việt Nam, Viện Dân tộc học, “Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía nam)”, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, 1984.

“Dân tộc Xtiêng cư trú từ rất lâu đời tại các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, nhưng chủ yếu là Sông Bé. Dân số có trên 40.000 người (vào năm 1984). Họ sống xen kẽ với các dân tộc người Việt, Khơme, Chàm, M’nông… Địa bàn cư trú của người Xtiêng nhìn chung là phía nam giáp người Việt, phía Bắc giáp người Cơ-ho và M’nông, phía Nam giáp người Chàm và Khơme, còn phía Tây tiếp xúc với nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia.

Theo những chứng cớ khảo cổ học mới phát hiện ở vùng biên giới, nơi đồng bào đang cư trú, cũng như những chứng cứ khảo cổ học ở cả miền Đông thuộc thời đại đồ đồng và sơ kỳ thời đại đồ sắt, thì trước đây, cách đây 4.000 - 5.000 năm, con người đã chiếm lĩnh và làm chủ toàn vùng. Tư liệu khảo cổ học mới hệ thống được còn cần phải có thời gian để đối chiếu, so sánh với tư liệu dân tộc học, nhưng rõ ràng là người Xtiêng có thể tìm thấy tổ tiên của mình trong số những nhóm người làm chủ những bậc thềm sông Cửu Long và sông Đồng Nai lúc đương thời. Rất có khả năng đây là điều cốt lõi, sự thực của những huyền thoại, về “Điêng”. Cái mốc về thời gian đã được khảo cổ học chứng thực.”[1]

***

DÂN TỘC XTIÊNG - VÙNG BÌNH PHƯỚC -
ĐÓN NHẬN HẠT GIỐNG TIN MỪNG

(NĂM 1856)



Hạt giống Tin Mừng được gieo vào lồng đất người dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Xtiêng nói riêng từ giữa thế kỷ XIX. Chúng tôi có dịp tìm hiểu việc hình thành và phát triển Lời Chúa tại đất sống người dân tộc ít người, (từ năm 1842) dưới thời Đức cha Cuênot Thể, vị Đại diện Tông toà Đàng Trong, dựa trên một số tư liệu lịch sử liên hệ, trong đó có “Les Sauvages Ba-Hnars của Cha P. Dourisboure, Paris 1874”[2]. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi còn sử dụng một số tư liệu khác như: “Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), Paris 2004”; “Bibliographie des Missions Étrangères Civilisations, Religions et Langues de l’Asie, Janvier 2008”; “Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên Giám 2004, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2004” và một số tư liệu khác.

Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi xin đề cập DÂN TỘC XTIÊNG - VÙNG BÌNH PHƯỚC - ĐÓN NHẬN HẠT GIỐNG TIN MỪNG từ năm nào, những vị truyền giáo tiên khởi đến  Loan báo Tin Mừng cho dân tộc này là ai và như thế nào.

I. Niêm Giám 2004 trang 471-472

II. Các vi thừa sai tiên khởi khai phá vùng truyền giáo cho người dân tộc Xtiêng tại vùng Bình Phước

III. Lm. Henri AZÉMAR - Chữ viết tiếng Xtiêng

***

I . “GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIÊT NAM - NIÊM GIÁM 2004”, trang 471-472

Chúng tôi không phải là nhà nghiên cứu chuyên nghiệp nên ngại “múa rìu qua mắt thợ”. Nhưng HĐGM VN sắp sửa xuất bản Niên giám Giáo hội Công giáo Viêt Nam, nên chúng tôi xin đóng góp một phần nhỏ bé cho quyển “Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên Giám” mới này. Chúng tôi xin dựa vào tư liệu lịch sử để làm rõ nội dung trong bài nghiên cứu bằng cách đối chiếu với tư liệu được trình bày trong quyển Niên Giám 2004.

Xin trích “Vùng Bình Phước”:

“Từ năm 1846, thừa sai người Pháp là Cha Pierre Arnoux đã đến với người Xtiêng, sau một thời gian nghiên cứu về địa lý và tìm hiểu con người, cha đã lập nên một giáo điểm tại Brơlâm. Brơlâm là địa danh chỉ một vùng rộng lớn từ Lái Thiêu qua Thủ Dầu Một đến phía Bắc tỉnh Bình Dương. Đây chính là địa bàn sinh sống lâu đời của người Xtiêng. Công việc ban đầu của cha thật gian khổ vì rừng sâu nước độc, lại có nhiều muỗi gây bệnh sốt rét. Cha vẫn chịu đựng, học tiếng Xtiêng để có thể giao tiếp và cảm thông với cuộc sống hằng ngày của họ. Ròng rã 15 năm vất vả, cha vẫn không thu lượm được kết quả bao nhiêu.

Năm 1861, dưới thời Đức cha Lefèbvre, hai thừa sai Henri Azémar và Jean Éveillard được bổ nhiệm tăng cường việc truyền giáo. Nhưng môi sinh tự nhiên thật khắc nghiệt: Cha Arnoux bị sốt rét nặng phải về Hong Kong điều trị và mất tại đó, Cha Éveillard chuyển về chủng viện, chỉ còn một mình Cha Azémar.

Năm 1866, trong cuộc nổi dậy Poucom-bo chống Pháp xảy ra ở vùng biên giới Việt-Miên, giáo điểm Brơlâm bị tàn phá và nhiều tín đồ Xtiêng bị giết chết. Cha Azémar chạy thoát về Thủ Dầu Một và được giao trông coi họ Lái Thiêu.

Nhưng cha không quên anh em dân tộc Xtiêng. Cha tìm kiếm những anh em sống sót, quy tụ được tất cả 6 cháu cô nhi do biến cố Poucom-bo, và đưa về dưỡng nuôi tại Lái Thiêu, xây dựng gia đình cho họ, giúp họ thành giáo lý viên cho chính đồng bào của họ. Cha Azémar đã để lại 1 tự điển, 1 sách giáo lý và một sách kinh tiếng Xtiêng, nhưng chỉ có tự điển được xuất bản. Trong thập niên 1860-1870, có nhiều người Xtiêng tin đạo, nhưng sau đó không một tài liệu nào nói đến cộng đoàn Công giáo Xtiêng ở Brơlâm nữa.

Trong suốt nhiều cuộc cấm đạo, thời kỳ 1825-1882, người Công giáo không thể cư ngụ cố định một nơi. Nhiều người tìm đến những nơi xa chốn thị tứ, có người tìm đến Đá Trắng hay Bố Mua ở sâu trong vùng Bình Phước, kết thành một họ đạo. Năm 1867, ngôi nhà thời được dựng lên quy tụ 264 người, cả Việt lẫn người Xtiêng, dưới sự chăm sóc của Cha Azémar. Cha Arnoux cũng có lúc tới đây để giúp về mục vụ. Dần dần chỉ còn các tín hữu người Việt, vì anh chị em Xtiêng chuyển lên các vùng cao hơn. Việc truyền giáo cho người Xtiêng, bị gián đoạn.

Năm 1994, tại một làng Xtiêng ở sâu trong rừng giáp với một khu đồn điền ở Bình Long, còn có những gia đình Công giáo Xtiêng tiếp tục giữ đạo và tôn kính ảnh đạo trong nhà của họ.”


II. CÁC VỊ THỪA SAI TIÊN KHỞI KHAI PHÁ VÙNG TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI DÂN TỘC XTIÊNG VÙNG BÌNH PHƯỚC (năm 1856)

Trong phần I, nội dung việc truyền giáo cho người dân tộc Xtiêng theo tư liệu Niên Giám 2004 có đề cập đến một số linh mục thừa sai như Cha Pierre Arnoux, Henri Azémar và Jean Éveillard:

1. “Từ năm 1846, thừa sai người Pháp là Cha Pierre Arnoux đã đến với người Xtiêng.”

2. “Năm 1861, dưới thời Đức cha Lefèbvre, hai thừa sai Henri Azémar và Jean Éveillard được bổ nhiệm tăng cường việc truyền giáo.”

3. “Năm 1867, ngôi nhà thời được dựng lên quy tụ 264 người, cả Việt lẫn người Xtiêng, dưới sự chăm sóc của cha Azémar. Cha Arnoux cũng có lúc tới đây để giúp về mục vụ.”

A. Lm thừa sai Arnoux

Chúng tôi không phê bình có tính loại trừ ý kiến của tác giả được trình bày trong “Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên Giám 2004” cho rằng Cha Pierre Arnoux đã đến với người Xtiêng.

Chúng tôi đặt vấn đề: Pierre Arnoux hay Cha Charles Arnoux đã đến với người Xtiêng?

Ở đây chúng tôi xin đối chiếu và xin đề cập cuộc đời truyền giáo của vị thừa sai người Pháp có tên là Charles ARNOUX dựa trên các tài liệu đã trưng dẫn[3].

1. Chương XII của bản dịch “Dân Làng Hồ” liên quan đến Cha Charles ARNOUX

Xin trích nguyên văn bản dịch “Dân Làng Hồ” chương XII liên quan đến Cha Charles ARNOUX sau đây:

Chương XII: Cha Arnoux cùng Cha Dourisboure ở Kon Trang. Cuộc khởi hành rời xứ dân tộc. Cha Fontaine và Cha Desgouts đi về phía nam.

Cha Arnoux quê ở Besançon, một giáo phận rất dồi dào ơn gọi tông đồ truyền giáo, luôn cung cấp một đội ngũ đông đảo các thợ gặt lành nghề cho Hội Thừa sai Paris. Là người đồng hương với tôi, và tôi nghĩ ngài còn là họ hàng xa với Đức cha Cuénot nữa. Khi còn học ở Chủng viện Hội Thừa sai, ngài đã được chỉ định trước sẽ làm việc cho miền truyền giáo dân tộc. Vì có năng khiếu đặc biệt về toán và sinh học, nên ban giám đốc chủng viện đã xin cho ngài được theo học tiếp trường hầm mỏ. Người Châu Âu hoàn toàn không biết gì về xứ dân tộc, nơi ngài sẽ đi truyền giáo, nên họ muốn giúp ngài trau dồi kiến thức chuyên môn để sau này phục vụ đắc lực cho khoa học. Các giáo sư đánh giá cao về năng khiếu của ngài, họ muốn ngài hoàn toàn gắn bó với khoa học, lĩnh vực mà họ thấy ngài có thể tiến bộ rất nhanh chóng. Họ đưa ra nhiều lời đề nghị hấp dẫn và cho ngài thấy một tương lai sáng lạn ở đời. Nhưng họ rất kinh ngạc khi thấy nhà thừa sai trẻ này đã không hề bị lung lay trong quyết định của mình. Các nhà khoa học đã không biết được thế nào là hồng ân của Chúa và thế nào là tình yêu vinh thắng của Đấng đã từng kêu gọi các tông đồ của Người: "Hãy theo Thầy!".

Cha Arnoux và tôi là bạn cũ của nhau. Khi còn là giáo dân, cả hai cùng vào Chủng viện Hội Thừa sai năm 1846 và đã cùng học chung ở đó 3 năm. Ngài đã ở lại Paris thêm một năm để theo học chuyên môn như đã nói trên. Vừa đặt chân đến xứ dân tộc, Cha Bề trên đã ưu ái ban ngài cho tôi để làm bầu bạn, và chỉ có Chúa mới biết tôi đã đưa ngài về Kon Trang với lòng hân hoan vui sướng biết bao! Sau đó, ngài hăng say học tiếng Xê Đăng và nhờ tôi chỉ dẫn đôi chút, ngài đã tiến bộ rất nhanh chóng. Chúng tôi vẫn ở trọ nhà ông Lam, cùng nằm chung một chiếu, đọc kinh chung với nhau trong rừng. Những nỗi buồn khổ khôn nguôi trong hoàn cảnh của chúng tôi bấy giờ dường như được vơi đi vì có cả hai cùng đồng lao cộng khổ.

Tranh thủ những lần dạo chơi trong rừng, tôi tập cho ngài quen với cuộc sống hoang dã, truyền lại cho ngài chút ít kinh nghiệm mà tôi vừa tích luỹ với bao khó nhọc. Tôi chỉ cho ngài các loại lá cây, ngọn cỏ mà lúc cần thiết có thể tạm dùng làm thức ăn. Bài học này hữu ích hàng đầu, vì nếu không tập cho quen thì có thể bị ngộ độc. Còn với những món ăn thuộc nhóm động vật thì không gặp trở ngại như vậy. Quy luật rất đơn giản. Này nhé, một hôm tôi yêu cầu  một người dân tộc kể cho tôi nghe các loại động vật mà chính anh ta và những người dân tộc khác có thể ăn. Anh ta cười và nói với tôi: “Đúng hơn, tôi nên kể cho ông nghe tên những loài vật mà chúng tôi không được ăn.” Và anh kể ra 4 loại. Rồi anh nói thêm: “Ngoài bốn loài vật này, chúng tôi ăn tất cả những gì động đậy, nhúc nhích trong không khí, trên đất và cả dưới nước nữa.” Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa đó là những con vật còn sống khi người ta giết chết làm thịt, bởi vì dù con vật đã chết vì bệnh hoặc vì bị con vật khác giết, thậm chí đã thối rửa thì người dân tộc vẫn cứ ăn như thường. Một ngày kia, tôi đi ngang qua khu rừng. Một người dân làng Dak Rô Ting quen biết tôi, đã gọi tôi từ xa và lịch sự mời tôi dùng bữa tối với anh. Anh muốn thiết đãi tôi một bữa tiệc, theo như lời anh nói. Tôi quay lại và đến gần anh. Anh đang nấu thức ăn trong một ống lồ ô đặt trên đống lửa. Món gì vậy? Anh chàng này đã may mắn vớ được một phần còn lại của một con nai đã thối rữa. Anh cẩn thận lượm từng con giòi đang lúc nhúc trong đống thịt thối, bỏ vào đầy một ống lồ ô để làm một bữa tiệc, mà theo khẩu vị của anh thì đây phải là một bữa yến tiệc dành cho bậc quyền quý.

Tóm lại, người dân tộc ăn thứ gì thì thừa sai chúng tôi cũng ăn thứ ấy, dần dần rồi quen. Vì muốn làm họ vui lòng, vì tình bạn, vì làm gương và nhất là vì hoàn toàn thiếu các món ngon, tất cả những lý do đó đều góp phần vào việc đả phá những thành kiến về cách ăn cũng như cách học. Nếu bạn muốn biết một vài món trong các món lạ đó, thì tôi xin kể: đó là chó, chuột đồng, chuột nhà, khỉ, rắn, đủ loại bò sát, bò cạp, cóc,... Sao, cả cóc nữa ư? - Vâng, tất nhiên rồi! Và tôi xin nói nhỏ, chỉ chúng mình nghe thôi: thịt cóc ngon hảo hạng! Bỏ hết mọi thứ trong bụng đi vì ăn trứng cóc sẽ bị ngộ độc, rồi lột bỏ da có chứa chất độc, sau đó hãy mạnh dạn mà ăn và tôi quả quyết với các bạn: đó là một món đặc sản! Có lẽ bạn đọc sẽ nói: ông nói như thế, đơn giản chỉ vì bây giờ ông đã là người dân tộc như người dân tộc dự tòng của ông rồi. Xét cho cùng, điều đó có thể lắm chứ.

Nhưng những chi tiết gợi thèm về nghệ thuật nấu ăn của anh em dân tộc đã làm tôi xa đề rồi. Xin được trở lại. Những tháng đầu tiên Cha Arnoux ở với người Xê Đăng xem ra không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ vững chắc của ngài. Trong những lần chúng tôi đi quanh Kon Trang và xa hơn nữa về hướng Bắc để thăm nhiều làng Xê Đăng khác, ngài đã có thể ganh đua với tôi về việc đi bộ. Được như thế không phải dễ đâu, vì thời đó tôi nổi tiếng về môn cuốc bộ giữa các bạn đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi đã nhiều lần đi trong rừng. Ngài là người đã cười nhạo tôi về chuyện lạc đường hôm ngài vừa đến xứ dân tộc, thì giờ đây ngài phải đền tội bằng cách tha hồ hưởng nếm những nỗi mệt nhọc và khốn khổ mà kẻ lạc đường đương nhiên phải gánh chịu.

Tôi xin nhắc lại, thời gian đầu Cha Arnoux đã tỏ ra khá khoẻ mạnh, nhưng cái bao tử của ngài không chống chọi được với các loại thực phẩm mà chúng tôi có rất hạn chế. Ngài ăn không thấy ngon, chẳng bao lâu sau ngài hoàn toàn mất sức. Vừa ăn chút gì, ngài liền thấy khó chịu dữ dội, thường nôn tháo ra ngay. Sau đó, ngài còn bị bệnh kiết lị hành hạ nhiều tháng khiến ngài lâm vào tình trạng thật bi thảm. Tôi thán phục sự can đảm cũng như lòng nhẫn nhục chịu đựng và niềm phó thác mọi sự theo Thánh ý Chúa của ngài. Một hôm, ngài nói với tôi: “Tôi không chịu đựng được lâu đâu, và tôi tin chắc rằng trong vòng mười lăm năm nữa sẽ không một ai trong các bạn đồng nghiệp của chúng ta đang có mặt nơi miền dân tộc này còn sống sót. Tôi cho là mười lăm năm, chỉ vì có một trường hợp duy nhất là Cha quá khoẻ, còn những người khác và nhất là tôi, chúng tôi sẽ chết hết trước vài năm.”

Tội nghiệp Cha Arnoux! Lời tiên đoán của ngài đã được ứng nghiệm. Ngài đã chết. Hai Cha Combes và Desgouts cũng đã qua đời. Năm hoặc sáu vị thừa sai khác mới đến sau này cũng đã chết. Cha Fontaine cảm thấy mình sắp chết, cũng rời bỏ xứ dân tộc. Mười lăm năm cũng đã trôi qua lâu rồi và chỉ còn mình tôi là người sống sót duy nhất. Bệnh tật ngày càng chồng chất, nặng thêm, cảnh báo cho tôi biết rằng tôi cũng sắp kết thúc cuộc lữ hành nơi trần thế của tôi. Phó dâng cho Chúa mọi sự!

Cha Arnoux đã khoẻ lại chút ít sau trận đau đầu tiên này, nhưng từ đó ngài không bao giờ phục hồi hoàn toàn sức khoẻ như xưa. Trong năm ở Kon Trang, ngài liên tục ngã bệnh và cuối cùng tình trạng trở nên tồi tệ đến nỗi buộc lòng Cha phải rời xa tôi. Trước khi trở về An Nam, ngài muốn thử một lần nữa liệu bệnh của ngài có thể được chữa lành ở miền dân tộc này hay không? Vì mục đích đó, Cha đã ở lại vài tháng với Cha Bề trên Combes tại Kon Kơ Xâm. Chỉ sau khi mất hết hy vọng chữa lành, ngài mới lìa bỏ miền đất của những người Ba Na, miền đất mà ngài đã thiết tha yêu mến và nói lời vĩnh biệt chúng tôi. Chúng tôi sẽ không còn dịp gặp lại ngài trên trần gian này nữa!

Lúc đó, Cha Combes có một thầy giúp lễ tên là Bảo ở với ngài. Thầy là người bạn trung thành của ngài từ chuyến đi đầu tiên lên xứ dân tộc. Ngài giao cho thầy Bảo đưa Cha Arnoux về Trung Châu. Có ba bốn anh em người Kinh cùng đi. Thầy này, sau khi thụ phong linh mục, đã chia sẻ với tôi việc mục vụ trong thời gian rất lâu và thường thuật lại cho tôi nghe những chi tiết về hành trình lâu dài và gian khổ này. Không nói đến những nỗi mệt nhọc, thời tiết xấu, những tai nạn đủ loại, mà họ gặp trên núi rừng xứ Ba Na. “Cha Arnoux nửa sống nửa chết, lúc thì được anh em dân tộc cõng, lúc thì hụt hơi lết đi và rên đau, vì thế ngài đã trở thành mối lo âu cho các bạn trong nhiều ngày.” Thật khó tưởng tượng được hoàn cảnh nào nguy hiểm hơn là trường hợp của họ, khi bước chân vào tỉnh Bình Định, lúc mà họ tưởng là đã thoát hiểm.

Anh em đã về đến Trạm Gò, lãnh thổ vương quốc An Nam và như vậy họ không thể di chuyển ban ngày vì cuộc bắt Đạo. Khi trời đã tối, họ mới lên đường đi đến con sông nơi có một chiếc ghe đang chờ sẵn. Nhưng lúc gần đến chiếc ghe, họ bỗng thấy mình bị cả hai đàn voi bao vây cùng một lúc. Ở đó, có một đồng lúa sắp chín, và bầy voi thèm mồi ngon đã hẹn nhau đến đó. Giữa cánh đồng, trên một thân cây lớn, có một cái chòi của những người giữ lúa. Những người này khi thấy thú dữ đến thì nổi trống lên để cố làm cho chúng hoảng sợ. Người của chúng ta cũng đang nấp dưới cây to này, không dám thở vì đoàn người của Cha Arnoux chẳng khác gì món hàng lậu, và trong tình huống này họ phải sợ cả người lẫn thú. Chẳng bao lâu, bầy voi cảm thấy chúng không đơn độc và thế là cả hai bầy sáp lại tiến về phía cây to. Đoàn người nhỏ bé của chúng ta thất kinh hồn vía! Người người cắm đầu chạy và nhảy xuống sông. Người mang gói thư lại đánh rơi mất khi chạy trốn. Cha Arnoux may sao chui vào được trong một bờ giậu gai. Một chú voi dường như đoán biết có người ẩn trốn trong đó, nhưng vòi đụng phải gai, sợ gai chích, nó bỏ con mồi mà đi. Trong khi đó, mấy người giữ lúa đánh trống dồn dập đến nỗi, cuối cùng, đàn voi phải bỏ đi. Nhưng đoàn người của ta còn lâu mới thoát hiểm. Đêm hôm đó trời tối lạ lùng. Anh em tản lạc khắp nơi và không dám lên tiếng gọi nhau vì sợ mấy người giữ lúa nghe thấy. Nhờ trời xui đất khiến, Cha Arnoux và thầy Bảo lần mò thế nào mà đụng vào nhau! Tìm kiếm gói thư gần một giờ, cuối cùng Chúa cũng giúp tìm thấy. Vừa lúc ấy, bình minh bắt đầu ló dạng. Mặt trời xứ An Nam, kẻ thù lớn nhất chống lại các linh mục châu Âu, sắp xuất hiện. Mặt trời vừa qua khỏi rặng núi thì nhà truyền giáo và các bạn đã ẩn nấp trong thuyền bình an vô sự.

Cuối cùng, Cha Arnoux thập tử nhất sinh cũng đã về đến nhà Đức cha Cuénot. Nhưng bao nhiêu sự chăm sóc ân cần cũng không hoàn trả lại sức khoẻ cho ngài. Vì thế, ngài được gửi đến Singapore để các bác sĩ Tây phương giỏi chữa trị cho ngài. Từ đó, ngài trở về miền Nam và đã thành lập một cô nhi viện lớn, chăm sóc các trẻ em người dân tộc cho địa phận truyền giáo này. Ngài đã dâng hiến đời mình cho công việc bác ái này suốt mười hay mười hai năm, sống mòn mỏi, bệnh tật cho đến ngày suy kiệt và trút hơi thở cuối cùng tại trụ sở của chúng tôi ở Hồng Kông…”


2. Tài liệu “Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), Paris 2004

Theo tài liệu “Dân Làng Hồ” chương XII, Cha Dourisboure là tác giả quyển sách cũng là người cùng phục vụ tại Kon Trang với Cha Arnoux. Nhưng trong tài liệu này tác giả không cho biết tên thánh Cha Arnoux. Chúng tôi xin tiếp tục tra cứu nơi tài liệu một tài liệu khác vừa trưng dẫn Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), Paris 2004 [số 602], trang 131[4]. Xin tạm dịch:

“[602] ARNOUX Charles (1825-1864) sinh ngày 15-3-1825 tại Mémont, vào Chủng viện Hội Thừa sai Paris ngày 2-11-1847; thụ phong linh mục ngày 23-5-1850 và lên đường đến Đông Đàng Trong vào ngày 5-8 kế tiếp. Ngài được gửi lên dân tộc người Bana và được sai đến điểm truyền giáo Kon Trang của Cha Dourisboure. Ngài ngã bệnh phải lưu lại một thời gian tại làng Kon Kơxâm và đi chữa bệnh tại Singapore. Sau khi phục hồi sức khoẻ, năm 1855, ngài được chuyển về Tây Đàng Trong thuộc quyền của Đức cha Lefèbvre và lưu trú tại nhà của Vị Giám mục. Cha được gởi đến dân tộc Xtiêng và tiếp tục phát triển điểm truyền giáo Brơlâm, nơi đã được Cha Guillou xây dựng. Năm 1864, kiệt sức do bệnh kiết lị và bệnh sốt rét rừng, ngài phải về sống tại Hong Kong. Ngài qua đời tại trụ sở quản lý của các cha Thừa sai Hải ngoại vào ngày 25-11 cùng năm.”

B. Lm.  Jean - Marie  GUILLOU (1828-1866)
[5]

“Sinh tại Prat (Côtes-d’Amor) ngày 22-10-1828, thụ phong linh mục ngày 17-12-1853, vào Chủng viện Thừa sai Hải ngoại Paris ngày 5-12-1854 và lên đường đến Tây Đàng Trong vào ngày 23-1-1856. Ngài đến đó giữa cơn bách đạo và được gửi đến dân tộc Xtiêng, ở đây ngài xây dựng cộng đoàn tín hữu Brơlâm. Năm 1861, ngài điều hành hạt Mỹ Tho. Năm 1863, ngài phục vụ Cái Mơn. Năm 1864, ngài được bổ nhiệm giữ chức vụ linh mục chánh xứ và trở về Mỹ Tho. Năm 1865, ngài chuyển đến Thủ Dầu Một, qua đời tại Sài Gòn ngày 16-3-1866.”

MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH

1. Ngày 23-1-1856, Cha Jean- Marie GUILLOU đến Tây Đàng Trong giữa cơn bách đạo, được gửi đến dân tộc Xtiêng và thành lập cộng đoàn tín hữu người dân tộc vùng Brơlâm. Còn Cha Charles ARNOUX sau khi phục hồi sức khoẻ, năm 1855, được thuyên chuyển về Tây Đàng Trong thuộc quyền của Đức cha Lefèbvre và lưu trú tại nhà của vị Giám mục. Sau đó, cha được gửi đến dân tộc Xtiêng và tiếp tục phát triển điểm truyền giáo Brơlâm, nơi đã được Cha Guillou xây dựng (1856).

2. Như vậy, chúng ta nhận thấy đầu năm 1856, Cha Jean - Marie GUILLOU là vị thừa sai tiên khởi thành lập cộng đoàn tín hữu người dân tộc Xtiêng, và sau đó Cha Charles ARNOUX đến dân tộc Xtiêng, và tiếp tục phát triển điểm truyền giáo Brơlâm, nơi đã được Cha Guillou thành lập cộng đoàn tín hữu người dân tộc Xtiêng. Sau khi Cha Jean - Marie GUILLOU về đảm nhận vùng Mỹ Tho (năm 1861), Charles ARNOUX tiếp tục lo củng cố và phát triển đức tin cho người dân tộc Xtrêng 3 năm nữa (1861-1864) cho đến khi ngài qua đời vào ngày 25-11-1864 tại trụ sở quản lý của các Cha Thừa sai Hải ngoại (Hong Kong).

3. Thứ nhất, chúng tôi không tìm thấy danh tánh vị thừa sai có tên Pierre Arnoux nào trong sổ bộ đã trưng dẫn của Hội Thừa sai Paris; thứ hai, Cha Charles ARNOUX qua đời năm 1864, cho nên không có chuyện (năm 1867) “Cha Arnoux cũng có lúc tới đây để giúp về mục vụ” như ghi trong Niên Giám 2004.

Tác giả nghiên cứu việc truyền giáo “Vùng Bình Phước” có thể nêu danh tánh “Pierre Arnoux” là một vị bác sĩ người Pháp và gán cho vị thừa sai truyền giáo tại vùng dân tộc Xtiêng?

Theo những tư liệu lịch sử vừa trung dẫn xin đưa ra vài nhận định:

1/ Cha Jean - Marie GUILLOU vị linh mục thừa sai đã truyền giáo đầu tiên cho dân tộc Xtiêng tại Brơlâm vào đầu năm 1856.
2/ Sau khi phục hồi sức khoẻ, năm 1855, Cha Charles ARNOUX được chuyển về Tây Đàng Trong thuộc quyền của Đức cha Lefèbvre và lưu trú tại nhà của vị Giám mục thời gian. Sau đó, cha được gửi đến dân tộc Xtiêng và tiếp tục phát triển điểm truyền giáo Brơlâm, nơi đã được Cha Jean - Marie Guillou xây dựng.

III. LINH MỤC HENRI AZÉMAR – CHỮ VIẾT TIẾNG XTIÊNG


Chúng tôi xin vừa đề cập một phần về lịch sử truyền giáo “Vùng Bình Phước”, nhưng ở đây đặc biệt tìm hiểu khía cạnh chữ viết bằng mẫu chữ Latinh tiếng Xtiêng đã được vị linh mục Henri AZÉMAR MEP đóng góp như thế nào.

1. Dựa trên tiểu sừ của Cha Henri (Jean) AZÉMAR, MEP

“Henri (Jean) AZÉMAR[6] (1834-1895) sinh tại Luc (A-veyron) ngày 25-1-1834, vào Chủng viện Thừa sai Hải ngoại (MEP) ngày 15-9-1858, thụ phong linh mục ngày 25-5-1861 và được gởi đến Tây Đàng Trong vào ngày 9-8. Ngài khởi sự công việc mục vụ tại Brơlâm, nơi người dân tộc Xtiêng cư trú. Trong thời gian sống giữa người dân tộc Xtiêng, ngài biên soạn một quyển tự điển tiếng bản xứ bằng mẫu tự Latinh. Năm 1866, ngài được thuyên chuyển để đảm nhận Giáo xứ Lái Thiêu, phụ trách giáo dục những người câm điếc, và xây dựng một trường học cho họ (…)”[7]

Sau khi Cha Jean - Marie GUILLOU về đảm nhận vùng Mỹ Tho (năm 1861), Cha Charles ARNOUX vẫn còn tiếp tục lo củng cố và phát triển đức tin cho người dân tộc Xtrêng 3 năm nữa (1861-1864), trong lúc này Cha Henri AZÉMAR đến Brơlâm cùng làm việc với Cha Charles ARNOUX.

2. Cha Henri AZÉMAR soạn tự điển tiếng bản xứ bằng mẫu tự Latinh

Dân tộc Xtiêng cùng với một số dân tộc khác như dân tộc Khơme, Ba-na, Sơ-đăng, Cơ-ho, Hrê, M’nông… thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme (ngữ hệ Nam Á).[8]

Chúng tôi tìm trong những phương tiện truyền thông đại chúng cũng như một số sách nghiên cứu của các tác giả xã hội chuyên đề về việc hình thành chữ viết tiếng dân tộc Xtiêng.

Tuy nhiên, chúng tôi chỉ gặp thấy được tài liệu văn học ngôn ngữ trong “Bibliographie des Missions Étrangères Civilisations, Religions et Langues de l’Asie, Janvier 2008”, mã số VN.55, trang 406, về tác phẩm của Henri AZÉMAR có tựa đề “Dictionnaire stieng”. Cha đã sống giữa người dân tộc bản địa Xtiêng trong một thời gian ngắn (1861-1866).

Nhưng Cha đã biên soạn quyển tự điển tiếng Xtiêng này năm nào, và ở đâu? Đó là những khía cạnh chúng tôi muốn tìm hiểu sau đây.

Cha Henri AZÉMAR đã biên soạn chữ viết tiếng Xtiêng bằng mẫu tự Latinh rất sớm từ năm 1865 tại Brơlâm, thu thập được 2500 từ[9].

Theo chiều hướng chung trong công việc loan báo Tin Mừng, các vị thừa sai phiên âm tiếng địa phương qua mẫu tự la tinh cho mục vụ giáo lý dự tòng và cộng đoàn tín hữu. Cha Henri AZÉMAR làm việc mục vụ cho người dân tộc Xtiêng, nhất là trong địa phận Đông Đàng Tây, nơi Đức cha Taber chuyên chăm soạn tự điển, quy tụ giao lưu các học giả như Trương Vĩnh Ký cũng như các vị khác thông thạo và quý trọng chữ Quốc ngữ.

Cha Henri AZÉMAR quan tâm đặc biệt phương thức hội nhập văn hóa, sáng tạo chữ viết bằng mẫu tự Latinh tiếng Xtiêng, tạo được tự điển với số lượng “từ” rất phong phú trong một thời gian ngắn và đầy khó khăn. Ngài ứng dụng trong việc dạy đạo bằng kinh bổn và sách giáo lý cho dự tòng người dân tộc, nhất là cho các người vừa câm vừa điếc nhận diện được mặt chữ để tiếp thu những điều tin trong Đạo Thánh Chúa. Ngài đào tạo các cán sự giáo lý người dân tộc biết đọc và hiểu nội dung đức tin để loan báo Tin Mừng cho đồng bào mình trong đời sống huấn luyện đức tin và đời sống đạo. Hai quyển sách giáo lý bị thất truyền. Còn quyển từ điển ngài làm đã lưu tại thư viện của Hội Thừa sai Paris bằng microfilm.

 Cha Éveillard Donatien (1835-1883) sau khi thụ phong linh mục vào ngày  25-5-1861 đã đến điểm truyền giáo Brơlâm làm mục vụ được vài tháng với Cha Henri AZÉMAR. Cha được thuyển chuyển về làm giáo sư Chủng viện Sài Gòn và sau đó làm quản lý nhà, xây dựng nhà in. Năm 1874, khi ngài được bổ nhiệm là Cha sở Tân Định, đã chuyển nhà in về đây.[10]

Chữ viết tiếng dân tộc Xtiêng là thành quả đầu tiên của Cha Henri AZÉMAR, nhưng thiết nghĩ việc in ấn tự điển và các tài liệu khác như sách kinh bổn, giáo lý có sự tiếp tay cần thiết của Nhà In Sài Gòn và sau được chuyển về Tân Định, do Cha Éveillard  Donatien thành lập và điều hành.

Hiện nay, nhà nước cố gắng khởi đầu lập một hệ thống chữ viết tiếng Xtiêng, và phổ biến trên trang mạng truyền thông đại chúng.[11]
 
Chúng tôi có dịp tìm hiểu quyển tự điển “Dictionnaire Bahnar- Français” của Linh mục thừa sai P.X. Dourisboure, Nazaeth, le 25 Mars 1889 (xin xem nội dung bài nghiên cứu theo đường dẫn sau đây):

Tự điển “DICTIONNAIRE BAHNAR-FRANÇAIS” (năm 1889) do Linh mục Thừa sai P.X. DOURISBOURE biên soạn
 
Trong ngày Hội thảo Khoa học “Văn hoá Truyền thống các Dân tộc Thiểu số tại Vùng Tây Nguyên: Bảo tồn và Phát huy các giá trị” vào thứ sáu ngày 29 tháng 07 năm 2016, chúng đã đề nghị cần thống nhất các mẫu chữ cái dùng chung cho các tiếng nói người dân tộc thiểu số, ít nhất thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme (ngữ hệ Nam Á). Ở đây chúng tôi cũng xin nhắc lại đề nghị trên.

Như phần kết luận, chúng tôi dựa vào “Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên Giám 2004, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2004” để kết luận:

“Năm 1994, tại một làng Xtiêng ở sâu trong rừng giáp với một khu đồn điền ở Bình Long, còn có những gia đình Công giáo Xtiêng tiếp tục giữ đạo và tôn kính ảnh đạo trong nhà của họ.”

Nhưng hiện nay (2004), tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước có các sắc tộc trong đó dân tộc Xtiêng: 54.207 người, chiếm tỉ lệ 47,7% đồng bào dân tộc ít người.

Vì thế, vấn đề truyền giáo cho các dân tộc ít người đã khởi đầu vào giữa thập niên 50 của thế kỷ XIX là mối quan tâm hàng đầu của Giáo phận Phú Cường hôm nay (thế kỷ XXI). Nhưng vấn đề hội nhập văn hoá bằng chữ viết của người dân tộc Xtiêng và phát huy truyền thống chữ viết được Cha Henri AZÉMAR đã sáng tạo là cấp bách với tâm tình:

“CÒN TIẾNG NÓI, CÒN DÂN TỘC;
BẢO TỒN ĐƯỢC CHỮ VIẾT, BẢO TỒN ĐƯỢC VĂN HOÁ;
PHÁT HUY ĐƯỢC CHỮ VIẾT,
SỐNG ĐỨC TIN ĐƯỢC ĐẬM ĐÀ.”



Kỷ niệm 155 năm Đức Thánh Giám mục Stêphanô Cuênot Thể
chết rũ tù vì Đạo Thánh Chúa
tại thành Bình Định (1861-2016)
Kontum, ngày 14/11/2016

Lm. GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN



------------------------------------


[1]  UBKHXH Việt Nam, Viện Dân tộc học, “Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía nam)”, NXB Khoa học Xã hội Hà Nội, 1984, trang 142.
a/ Xin đọc thêm Dân tộc S’tiêng
- Dân tộc S’tiêng còn có những tên gọi khác như: Xa Điêng, Bu Lơ, Bu Đíp, Bu Đển, Bu Lanh, Rang, Tà Mun, Bà Rá, Dalmen, Rong Ah, Bu Le.
- Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer (ngữ hệ Nam Á), có nhiều gần gũi với tiếng M’nông, Mạ, Chơ ro.
- Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê qua kết quả điều tra dân số năm 2009, dân tộc S’tiêng ở Việt Nam có 85.436 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương.
 b/ Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Xtiêng ở Việt Nam có dân số 85.436 người, có mặt tại 34 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Xtiêng cư trú tập trung tại tỉnh Bình Phước (81.708 người, chiếm 95,6% tổng số người Xtiêng tại Việt Nam), Tây Ninh (1.654 người), Đồng Nai (1.269 người), Lâm Đồng (380 người), Bình Dương (153 người) . Xin xem Người Xtiêng
[2]  Phiên bản dịch có tự đề “Dân Làng Hồ”, do Toà  Giám mục Kontum dịch thuật và cho xuất bản, NXB  Đà Nẵng, 2014, trang 113-120.
[3]  Les Sauvages Ba-Hnars của cha  P. Dourisboure, Paris 1874.
Xim xem Phiên bản dịch có tự đề “Dân Làng Hồ”, do Toà Giám mục Kontum dịch thuật và cho xuất bản, NXB  Đà Nẵng, 2014, trang 113-120.
 Trong quá trình nghiên cứu chúng tôi còn sử dụng một số tư liệu khác như: “Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), Paris 2004.
“Bibliographie dé Missions Étrangères Civilisations, Religions et Langues de l’Asie, Janvier 2008”.
[4]  Xin xem “Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), Paris 2004 [sô 602], trang 131.
[5]  Như trên,  số  [682],  trang 141-142.
[6]  Có sự khác biệt tên thánh của cha Azesmar: Có tài liệu ghi “Henri”, có nơi ghi “Jean”: Xin xem “Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), Paris 2004, trang 10, để tên thánh Henri AZÉMAR; trang  156, ghi  AZÉMAR Jean.
[7]  Xin xem thêm “Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), Paris 2004”, số [793], trang 156.
Theo tài liệu Dân tộc bản địa: Stiêng, Dân tộc Xtiêng có hơn 67.000 người. Đồng bào cư trú tập trung tại tỉnh Bình Phước và một phần sinh sống ở Đồng Nai và Tây Ninh.
[8] Sđd, UBKHXH Việt-Nam, Viện Dân tộc học, trang 7.
[9] “Bibliographie des Missions Étrangères Civilisations, Religions et Langues de l’Asie, Janvier 2008”, mã số: VN 55, trang 406, xin tạm dịch:
“Tự điển tiếng Stiêng: “Dictionnaire stieng: recueil de 2500 mots, fait à Brolam en 1865/ par  H. Azémar.  - In: “Excursions et reconnaissances”, no 12, 1886, p. 99-146, 147-160, 213-250, Ba.Pér.110 AMEP 0793.1 AMEP 0793.2  (microfilm).
[10]  Xin xem “Répertoire des Membres de la Société des Missions Étrangères (1659-2004), Paris 2004, trang 156, mã số  [795].
[11 x. Hệ thống chữ viết tiếng Stiêng và vấn đề xây dựng từ điển đối chiếu Việt - Stiêng, Stiêng - Việt.


Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn
In ngày: 21/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print