Đầu tháng 03/2017, chúng tôi nhận được cuốn “GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM, NIÊN GIÁM 2016” của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đối với chúng tôi nó thật quý giá và cảm thấy nó như là phần ruột thịt, tâm huyết của mình.
“Niên Giám 2016” ghi lại những nội dung do giáo phận, các hội dòng, đoàn thể và nhiều vị nghiên cứu cung cấp cho phần nội dung quyển sách, riêng cá nhân, chúng tôi lưu tâm đến Chương 20 “GIÁO HỘI VÀ CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM” cũng như các giáo phận có những bước chân như tạo thành “dấu ấn” trong công cuộc truyền giáo cho người dân tộc miền Tây Nguyên, ở đây chúng tôi lưu ý hơn trong những thế kỷ XVIII đến XX.
Cách đây hơn 1 năm, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, vừa nhận được lời đề nghị của Cha Antôn NGUYỄN NGỌC SƠN và xin Đức cha góp ý hoàn chỉnh tài liệu về Lịch sử truyền giáo dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đức cha Micae quy tụ hơn 10 linh mục trong giáo phận và ngài đề nghị chúng tôi tham gia. Ngài chỉ đạo về phương thức làm việc: chia 4 nhóm, có người tổng hợp và phương án trình bày nội dung. Sau gần 1 tháng, chúng tôi đã trình lại cho ngài nội dung, tuy không được như ý vì không có nhiều thời gian. Ngài cũng cho chúng tôi biết việc làm niên giám không thể trình bày mọi chi tiết. Ngài còn đề nghị chúng tôi tiếp tục đào sâu các lịch sử truyền giáo và văn hoá trong các giáo phận vùng có nhiều người dân tộc như Ban Mê Thuột, Đà Lạt… và sẽ bổ túc sau. Được ngài chỉ dẫn, chúng tôi an tâm nghiên cứu thêm không phải như các chuyên viên có học vị, nhưng như các linh mục gắn bó với công cuộc mục vụ là loan báo Tin Mừng trong thời gian đã qua và quan tâm những nhu cầu tôn giáo, văn hoá giai đoạn sắp tới. Chúng tôi cũng đã mạo muội trình bày về công cuộc “Truyền giáo vùng Bình Phước cho người Xtiêng”.[1]
Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Địa phận Ban Mê Thuột (1967-1992), chúng tôi cũng đã tìm hiểu hình thành địa phận và có gửi đến ban tổ chức trong dịp này. Năm nay (2017) kỷ niệm mừng 50 năm thành lập Địa phận Ban Mê Thuột là dịp thúc đẩy chúng tôi tìm hiểu thêm với nội dung:
NHỮNG CON ĐƯỜNG KHAI PHÁ
“VÙNG TRUYỀN GIÁO NGƯỜI DÂN TỘC TÂY NGUYÊN ĐĂK LĂK”
(Thế kỷ XVIII – XX)
Chúng tôi không trình bày chi tiết những con đường khai phá vùng truyền giáo này, nhưng chỉ mong ghi lại một số nét chính yếu những bước chân của các vị thừa sai ngoại quốc cũng như các linh mục thừa sai bản xứ Việt Nam ít được nhắc tới. Phần lớn chúng tôi trình bày một số bản đồ, những đoạn sách của một số tác giả, liên quan cách cụ thể đến Địa phận Ban Mê Thuột. Chúng tôi thường dựa vào sách tiếng ngoại quốc để trích dẫn ý kiến và nhận định khác nhau, thỉnh thoảng cũng dựa vào sách dịch ra tiếng quốc ngữ, tuy nhiên trong bản dịch này có một số danh xưng chức vụ của các vị thừa sai chưa chuẩn.
***
PHẦN I: GIAI ĐOẠN TRUYỀN GIÁO VÀO THẾ KỶ XVIII
I. Bản đồ
Hình 1: Các tộc người trên bán đảo Đông Dương [2]
2. Giai đoạn khai sáng vùng truyền giáo Tây Nguyên
Công cuộc truyền giáo Địa phận Đàng Trong cho dân tộc M’nong chỉ có thể thực hiện được qua ngã dân tộc X’tiêng và tiếp cận một vài lần từ phía Campuchia vào năm 1770 của Linh mục thừa sai Judet được Đức Giám mục Pigues gữi đi đến dân tộc M’nong vùng suối Chlong, phía tây M’nong giáp ranh giới Campuchia. (Xin xem Bản đồ hình II sau đây trong bài trình bày này).
Sau cái chết của cha (1774), Cha Faulet và Cha Grillet thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại tái lập lại hành trình truyền giáo này nhưng không hiệu quả[3].
Tình hình Việt Nam đã có nhiều thay đổi từ sau khi Đức cha Pigneau de Béhaine (+9/10/1799) và vua Gia Long qua đời (3/2/1820).
Kể từ năm 1825, nhiều sắc lệnh cấm đạo đã được ban hành. Công việc truyền giáo cho đồng bào các sắc tộc từ hướng Tây Đàng Trong hầu như bị chậm lại, thì từ hướng Bình Định, Phú Yên lại còn phần sôi động hơn. Mặc dù phải chăm sóc đoàn chiên rải rác trên một lãnh thổ rộng lớn, chạy dài từ sông Gianh phân chia hai miền Bắc Nam tới Mũi Cà Mau và biên giới Thái Lan, Đức cha Cuénot Thể vẫn không quên những anh chị em thuộc nhiều sắc tộc khác trên vùng cao. Đây luôn là ưu tiên trong các chương trình hoạt động của ngài.
PHẦN II: GIAI ĐOẠN ĐỊA PHẬN ĐÔNG ĐÀNG TRONG (THẾ KỶ XIX)
Vừa lên kế vị Đức cha J.L. Taberd năm 1841, Đức cha Cuénot Thể đã triệu tập Công đồng Gò Thị (1841) để ổn định đời sống giáo phận sau nhiều năm cấm cách, đặc biệt, đưa ra hướng mục vụ cảm thông tha thứ và tạo điều kiện cho những anh chị em vì yếu đuối đã sa ngã trong thời cấm đạo. Nhưng chủ yếu vẫn là đào tạo hàng ngũ linh mục bản xứ để đẩy mạnh công việc truyền giáo.
1. Năm 1842 [5], phái đoàn ông Cả Quới gồm Cố Duclos và Cố Miche, 11 thầy giảng và 3 giáo dân lại lên đường miền Thượng qua ngã Phú Yên.
Trong tài liệu của mình, Linh mục Jacques Dournes ghi rõ lộ trình một số buôn làng đã đi qua của 2 vị linh mục thừa sai đến vùng Tây Nguyên qua ngã Phú Yên và bị bắt gần Buông Gia (Bbon Yang), phải bị giải về Phú Yên, chờ ngày triều đình Huế kết an.
Linh mục Jacques Dournes đã tóm lược như sau: [6]
“Các ông Duclos và Miche đã bắt buộc phải làm một cuộc viễn chinh vào vùng “những người man di”; bấy giờ là vào năm 1842. Xuất phát từ Phú Yên, họ ngược sông Ba (Apa), đi qua gần Phúc Sơn, ngược sông Nain (có thể là sông Krong-Hing hay Krong-Nang, phụ lưu bên hữu ngạn sông Apa hạ), đổ xuống lại đồng bằng, đến được “ngôi làng cuối cùng cống nạp cho Nam Kỳ”, tới Buông Giang (Bbon Yang); “cuối cùng đến đây chúng tôi tới vùng thống trị của Nước” […]. Từ đó, người ta bảo đảm với chúng tôi rằng chúng tôi đã thoát khỏi sự truy đuổi của Thiệu Trị.” Họ tiếp tục đi, đến vùng “những người man di gọi là người Đê” (hay Röddê. Tên các dân tộc ở vùng thượng nguồn gọi những người Jörai-Mdhur, trong đó ngoài những người Ê Đê chính cống, mà ở đây chúng ta không nói đến, còn gồm phần lớn những người Jörai ở vùng hạ lưu), gần Buông Gia (Bbon Yang) “thuộc về Vua Lửa. Chính tại nơi này chúng tôi bị những người An Nam bắt”.
(…) “Để tự bào chữa, ông Miche đưa ra lý thuyết về quyền tự trị: “Vị cầm quyền lại phản đối rằng vương quốc của Vua Lửa là thuộc về Nam Kỳ, tôi trình bày một lần nữa tất cả các lý lẽ chứng minh điều ngược lại.” Ông nói rằng vị cầm quyền không thể phản bác lại ông, nhưng tất cả hai ông bỏ tù… cho đến khi ông ta buộc nhượng bộ các lý lẽ gây khiếp đảm của chiếc tàu Héroine. Một ghi chú trong Biên niên (8) viết: “Bạn đọc của chúng tôi biết rằng ông Duclos, bị bắt cùng với ông Miche trên vùng đất của Vua Lửa, sau một thời bị cầm giữ 13 tháng, đã được một viên thuyền trưởng Pháp giải thoát và ông ta đã lên bờ ở Syncapuor.” “Vài năm sau khi những người truyền giáo đầu tiên đi vào vùng Jơrai đó, đến lượt Fontaine, người đã báo cho Mouhot biết về các vị vua của người Giraies, rồi Guerlach, người cung cấp thông tin rất đáng quý cho những nhà thám hiểm về sau.”
Dựa trên tài liệu của Linh mục Jacques Dournes vừa trưng dẫn, chúng tôi xin phác hoạ lộ trình truyền giáo của 2 vị thừa sai (Bản đồ hình III) như sau:
Bản đồ hình III
2. Các linh mục Việt Nam đến truyền giáo vùng dân tộc M’nong
Các sử liệu của các vị thừa sai rất ít nói cặn kẽ việc truyền giáo của các linh mục Việt Nam tại vùng dân tộc M’nong. Tuy nhiên cũng có một số tư liệu đề cập vai trò của các linh mục bản xứ như trong “Dân Làng Hồ”, đặc biệt trong tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM”, của hai Linh mục P. Ban và S. Thiệt, Nhà In Quy Nhơn năm 1933; đoạn thứ bảy và chín của tài liệu “MỞ ĐẠO KONTUM” đề cập đến các linh mục thừa sai (MEP) cũng như Việt Nam truyền giáo phía Bơnong.
a. Linh mục thừa sai Christian Simonnet có viết [7]
“Trước nhất, một nhóm thừa sai lẻ tẻ tới truyền giáo tại Ban Mê Thuột. Thành phố nầy nằm cách Kontum về phía nam 240 cây số và trong thời gian dài, đó là vùng đất trú sở của ông Sabatier. Như chúng ta đã thấy, nó chỉ là một mảnh lãnh địa nhỏ của vùng truyền giáo Kontum, trung tâm Công giáo, và đã Việt Nam hoá. Thứ đến, Ban Mê Thuột đã trở thành trung tâm hành chánh của cao nguyên ĐakLak, xứ sở người Ra-đê và M’nong. Chính xác là trong vùng này xưa kia hai linh mục Việt Nam đã tạo lập một vùng truyền giáo được Cha Dourisboure đã đề cập trong tài liệu của ngài. Những hy vọng khởi đầu không đạt được, và hai vị linh mục khiếp sợ do thói tục của người M’nong - nhất là giết người để sát tế - đã trình cho Đức cha Cuénot biết, và được lệnh phải về với nhóm truyền giáo phía bắc tại Kon Rơhai. Nhóm truyền giáo các thừa sai của Ban Mê Thuột chỉ là nối kết lại những cố gắng xưa kia (…).
b. Vấn đề được đặt ra để làm sáng tỏ là Linh mục thừa sai Fontaine và vị thừa sai Désgouts truyền giáo vùng M’nong nay nằm trong Địa phận Ban Mê Thuột đã đến trước hay đến sau hai linh mục Việt Nam như được Cha Simonnet đề cập ở đây?
* Theo Niêm Giám năm 2016, Chương 35, đề cập Giáo phận Ban Mê Thuột có ghi:
“Đầu năm 1842, Đức cha Étienne Théodore Cuénot Thể, Giám mục Đàng Trong, cử hai Cha Miche Mịch và Duclos Lộ cùng Thầy Micae Cuông tới vùng Tây Nguyên truyền giáo. Công việc tuy thất bại nhưng đã đặt ra một định hướng và thầy Micae Cuông đã dùng chính mạng sống mình để minh chứng Tin Mừng Đức Kitô. Từ năm 1842-1846, Đức cha Thể liên tục sai linh mục thầy giảng và tín hữu tìm đường lên Tây Nguyên qua ngã Quảng Nam, Quảng Ngãi… nhưng gặp rất nhiều khó khăn.
“Năm 1847, Cha Fontaine Khâm thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP) được phái lên sống với đồng bào M’Nông gần Buôn Yeng Drȏm, giữa Buôn Đôn (Bandon hay Bản Đôn) và Đăk Mil. Đây có lẽ là vị thừa sai đầu tiên đến truyền giáo trên miền Đăk Lăk”[8].Theo tài liệu vừa trưng dẫn trên, xin đặt câu nghi vấn: “Đây có lẽ là vị thừa sai (cha Fontaine Khâm) đầu tiên đến truyền giáo trên miền Đăk Lăk?”
* Theo thiển ý chúng tôi, câu hỏi này cũng đã được chúng tôi theo đuổi tìm hiểu từ nhiều năm nay. Nhưng qua tìm hiểu và gặp được một số tài liệu bằng bản văn và bản đồ, chúng tôi có một vài ý kiến:
1. Từ phía Campuchia vào năm 1770, Linh mục thừa sai Judet được Đức Giám mục Pigues gửi đi đến dân tộc M’nong vùng suối Chlong, phía tây M’nong giáp ranh giới Campuchia. (Xin xem Bản đồ hình II, carte 9[9]). Hai vị thừa sai của Cha Faulet [10] và của Cha Grillet đã hướng đến vùng đất dân tộc M’nong theo tuyến đường từ Campuchia theo suối Chlong cũng không kết quả.
2. Sau khi hai linh mục thừa sai là Cha Miche Mịch và Douclos Lộ truyền giáo đi từ Phú Yên lên Tây Nguyên (1842) bị bắt, hai linh mục Việt Nam vào năm 1846 tiếp nối đã lên truyền giáo tại vùng Tinh Ju thượng nguồn sông D. Dam, phụ lưu của sông Srépok trước khi Cha Fontaine (1847) và Dégouts (1848) từ vùng truyền giáo người Bahnar đến M’nong.
a. Cha Simonnet trong tài liệu trưng dẫn phần nào làm rõ vấn nạn chúng ta đang qua tâm. Ngài viết trang 106-107[11] như sau:
“Về phần mình, Cha Fontaine đã được lệnh của Đức Giám mục đến vùng truyền giáo nơi hai vị linh mục Việt Nam dành nhiều thời gian đã xây dựng công cuộc truyền giáo phía cực nam, trong vùng phần đất phía nam của dân tộc Jơrai và ở nơi dân tộc M’nong. Nhưng đáng buồn, vì sức khoẻ ngài tồi tệ không cho phép ngài ở đó, phải qua Campuchia, và từ đó qua Thái Lan. Cuối cùng ngài bị bệnh kiết lị phải về Pháp chữa trị, và từ đó ngài trở lại Tây Đàng Trong.”
“Sau khi Thầy Sáu Do được Đức Giám mục Cuénot gọi về Trung Châu để chuẩn bị lãnh chức linh mục, Cha Dégouts[12] ở lại một mình tại Rơhai với các chủng sinh của ngài. Vả lại, Đức Giám mục biết rằng các chủng sinh này để nhiều thời gian chữa bệnh ghẻ lở và sốt rét hơn là lo việc học tập. Mặt khác, vùng truyền giáo mới phía nam xứ người M’nong trong thời kỳ thuận lợi, Đức cha Cuénot nghĩ phải chuyển chủng viện qua đó sẽ được nhiều kết quả tốt đẹp hơn. Do đó, theo lệnh Đức cha, Cha Dégouts đi đến xứ này, đem theo các chủng sinh với ngài. Nhưng, còn tồi tệ hơn Cha Fontaine, Cha Dégouts tội nghiệp đáng thương không thể chịu đựng nổi những thử thách do thời tiết mới này. Sức khoẻ của ngài sa sút chỉ còn sống trong cơn hấp hối kéo dài. Cần bác sĩ Âu châu tại Singapore mới cứu vãn. Chẳng mấy chốc, Cha Dégouts vĩnh viễn bỏ trái đất này ra đi.”
b. Tài liệu của Cha P. Ban và S. Thiệt đã viết: “Về sự đạo Bơnong về phía Jơrai, gần Cao Mên.”
Chúng tôi xin trích một phần đoạn IX được hai tác giả là Linh mục P. Ban và S. Thiệt trong tài liệu [13] có ghi (xin trích dẫn):
Trước nầy đã nói về Cha Hoà và Cha Vận mở đạo bên Bơnong, người Mọi đó theo đạo nhiều, nên Đức cha Chơn phước Thể sai Cha Phẩm (Père Fontaine) qua đó trợ lực với hai cha, cùng dạy Cha Đề (Dégouts) dời học trò qua đó nữa.
(…) Vả chẳng bao lâu Cha Vận[14] đau phải về An Nam dưỡng bệnh, đoạn người ở luôn dưới An Nam giảng đạo tại tỉnh Bình Thuận và qua đời tại đó; còn cha Phẩm và cha Đề cũng vì bệnh mà bỏ Bơnong, như đã kể trước (trong đoạn VII).”
Xin xem đoạn VII trang 73tt:
“Cha Phẩm vưng lịnh Đức cha qua Bơnong chưa được bao lâu, liền phải bệnh, không trông khá được, nên Cha Hoà và Cha Vận thừa lệnh Bề trên, lo cho người xuống ngõ Caomên, đoạn qua Xiêm, xuống tàu về Tây phục được. Cách ba năm người thuyên giảm bịnh, qua giảng đạo dưới An Nam được 15 năm nữa. Đến sau người vì bịnh, lại phải trở về Tây cùng qua đời tại Laval năm 1871.”
(…) Trước này đã nói Đức cha Thể sai người lên Mọi để kiếm nơi lập trường Latinh cho học trò An Nam lên học, cho qua thì cấm cách. Người vưng lịnh Đức Cha mà lập trường xấu (*tạm bợ, lụp xụp) tại Rơhai, và học trò An Nam lên học cũng đã đông. Nhưng học trò phần nhiều, những bị chống nước đau chết luôn. Đức cha nghe vậy rất buồn, lại có nhiều cha bàn nên dời học trò qua Bơnong, vì Mọi Bơnong bấy giờ xem ra đã chịu đạo nhiều, nên Đức cha dạy Cha Đề đem học trò qua đó, may có khá khỏi đau chết như bên nầy chăng. Song thương thay! Cha Đề phần thì đã phải khó nhọc vất vả nhiều bề, phần thì mình già sức mỏn lại cùng bị rét nước nhiều khi; nên người vừa vưng lịnh Đức cha qua đến Bơnong, liền phải đau nặng, lại càng ngày bịnh lại càng tăng, nên phải ép mình lìa các học sĩ dấu yêu, mà qua Phố Mới, ngõ chạy thuốc tìm thầy. Ai ngờ ! Giờ Chúa định thưởng công cho người đã đến, nên bịnh đã nan y và sinh thì tại Phố Mới, nhằm 27 tháng 04 năm 1875! Thương ôi! Tình cảm, thảm thiết dường nào! Sĩ tử lao xao như gà mất mẹ, cha con chẳng còn trông đặng gặp nhau cũng nguyện ngày sau, sẽ được sum vầy trên nơi cõi thọ; cha con hiệp đó, sẽ chẳng sợ biệt ly…[15]”
3. Nơi truyền giáo đầu tiên cho người M’nong
Tác giả Albert-Marie Maurice, “Les Mnong Des Hauts Plateaux (Centre-Vietnam), Harmattan, 1993, trang 66 đã trình bày một số tư liệu để khẳng định nơi tập kết truyền giáo đầu tiên là Tịnh Ju, hữu ngạn sông D. Dam, một phụ lưu của sông Sre Pok ( Sách của Albert-Marie Maurice, Carte 9 trang 83).
“Công cuộc truyền giáo Địa phận Đàng Trong cho dân tộc Mnong chỉ có thể thực hiện được qua ngã dân tộc Xtiêng và tiếp cận một vài lần từ phía Campuchia vào năm 1770 của linh mục thừa sai Judet được Đức Giám mục Pigues gởi đi đến dân tộc Mnong vùng suối Chlong, phía tây M’nong giáp ranh giới Campuchia. (Xin xem Bản đồ hình II. Xin xem sách của Albert-Marie Maurice, trang 83, Carte 9).
Sau cái chết của cha (1774), cha Faulet và cha Grillet thuộc Hội thừa sai hải ngoại tái lập lại hành trình truyền giáo nầy nhưng không hiệu quả (Maitre, 1912, p. 554).
“Vào năm 1850, Đức cha Cuénot, Giám mục Kontum, muốn truyền đạo Kitȏ giáo về phía nam Cao Nguyên, đã thành lập một sứ vụ truyền giáo tại Tinh Ju (ibid. p. 518) tựa giống như là “tổ tiên” của làng Bon Chen Ju (xem bản đồ II, carte 9). Vào tháng 9 năm 1851, Cha P. Bouillevaux sau khi thăm Kraties và Samboc, đi qua lộ trình Purang, Piop, Pu Krang, Kao Klé và được Cha Lacroix tiếp đón (1858, các trang 263 tt).
“Như vậy, hai vị thừa sai Pháp nầy là những người đầu tiên đã đến được xứ Mnong. Năm 1932, vị sĩ quan trưởng Stalter đã tìm thấy nơi được ghi nhận có một hộp gỗ mít. Năm 1937, tôi đã mua nơi chủ làng này một chén kim loại đồng. Chén này đã được gởi về Đức cha Jannin, Giám mục Địa phận Kontum, và ngài cho rằng rất có thể là dấu vết của một chén thánh của thừa sai năm 1851 (…)”
“Nơi vành đai xứ dân tộc Biat, một chuyến đi mới cho công cuộc truyền giáo là của cha Azémar đến dân tộc Xtiêng ở Brȏlam, gần những nguồn nước sông Saigon (1861-1866). Vì chiến cuộc của Campuchia, vị thừa sai nầy phải chạy khỏi nơi này đã để lại một chứng từ quí báu và cảm kích nơi đoàn chiên của một thời.” [16]
4. Địa danh làng Tinh Ju
Hình bản đồ số IV
Các mũi tên chỉ những nơi quan trọng đã được đề cập
vào thời kỳ các thừa sai truyền giáo (thế kỷ XVIII và XIX)
(Xin xem Albert-Marie Maurice, Carte 9, trang 83)
Để hiểu rõ thêm nơi đặt tại làng Tinh Ju, cơ sở đầu tiên của công cuộc truyền giáo, xin đối chiếu với tài liệu của Henri Maitre “Rừng người Thượng” Phần III, NXB Tri Thức, Hà Nội năm 2008, (trang 342-343) để chúng ta có nhìn tổng hợp về vấn đề nơi “Hội sở” truyền giáo cho người dân tộc M’nong.
“Từ năm 1851, các linh mục An Nam, chắc là từ Phú Yên tới, thành lập ở vùng M’nong một hội truyền giáo mà chúng tôi chỉ có được thông tin rất mơ hồ ; chúng tôi biết rằng hội truyền giáo đó được thiết lập ở chỗ người M’nong, ở phía Nam khu vực của người Jarai, rất có thể là tả ngạn sông Srépok, nhưng tất cả chỉ có thể; hình như nó chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Hội sở của hội đặt tại làng Tinh-Ju; tháng 9 năm 1851, Cha Bouillevaux xuất phát từ Samboc đến thăm làng Tinh-Ju; ông phải mất chín ngày ròng đi đường mới tới và gặp Cha Lacroix đang ở đó. Về chuyến đi đó Cha Bouillevaux có để lại một tường thuật ngắn gọn, rất tiếc là hoàn toàn không đủ thậm chí để lại vị trí của Tinh-Ju, nhưng, tác phẩm của ông có kèm theo một bản đồ, hết sức quý về mặt tư liệu; thực vậy, đây là bản đồ đầu tiên có ghi tên của một số bộ lạc Mọi và những chỉ dẫn về hệ thế thuỷ văn của các sông Se Khong-Se San-Sresok. Bản đồ được lập năm 1858.”
a. Vùng dân tộc Xtiêng
Theo ông Henri Maitre cũng trong tài liệu này có trang 343 đề cập việc truyền giáo cho bộ lạc Xtiêng tại Brôlam như sau:
“Theo Cha Louvet, năm 1852 (nhưng theo Mouhot, phải mãi tới năm 1857), Đức cha Lefebre đã phái tới chỗ Mọi xây dựng một hộ truyền giáo có thể làm chỗ tị nạn cho các nhà truyền giáo bị truy hại: một cộng đoàn Cơ đốc được hình thành tại Brelam và tồn tại tới năm 1867, thời kỳ nó bị các nhóm nổi dậy của Pucombo phá huỷ; ba nhà truyền giáo đã mòn mõi cả cuộc đời mình ở đây mà chẳng thu được kết quả nào đáng kể. Tuy nhiên, một người trong số họ, Cha Azémar, đã mang về một cuốn tự điển Xtiêng rất hay, có phần nhập rất quan trọng về bộ lạc này; công trình này tương xứng với cuốn tự điển Bahnar của Cha Dourisboure.”[17]
b. Linh mục thừa sai Bouillevaux.
Tháng 9 năm 1851, Cha Bouillevaux xuất phát từ Samboc đến thăm làng Tinh-Ju; ông phải mất chín ngày ròng đi đường mới tới và gặp Cha Lacroix đang ở đó.
Ông Albert-Marie Maurice trong quyển sách vừa trưng dẫn kèm theo bản đồ có ghi tựa đề “Vestiges préhistoriques” (Carte 9, trang 83) phác hoạ con đường của “Cha Bouillevaux”, đến Tinh-Ju nằm hữu ngạn D. Dam sau khi cha đã qua một số nơi như đã liệt kê trên đây.
Cha Bouillevaux đã gặp Cha Lacroix trong hoàn cảnh bị bắt đạo buộc lòng trốn chạy lên vùng Tinh-Ju. Trong tình cảnh truyền giáo khó khăn như đã trình bày, Tinh-Ju đã là cơ sở truyền giáo và được hai Cha Việt Nam là Cha Hoà đến truyền giáo vào năm (1846-1856) và Cha Vận (1846) đón tiếp Cha Marie Rosaire Fontaine[18] (1854-1856), Cha Jean Dégouts (1854-1856), Cha Lacroix [19] và Cha Bouillevaux.”
PHẦN III: GIAI ĐOẠN TRUYỀN GIÁO VÀO ĐẦU THẾ KỶ XIX
Sau khi Cha Hoà lui về vùng truyền giáo Bahnar (năm 1856) sống tại Trung tâm Truyền giáo Rơhai (Tân Hương ngày nay), và đảm nhận xây dựng làng Kontum (nay thuộc Giáo xứ Chính toà Kontum) cũng như hai vị linh mục thừa sai là Cha Fontaine và Cha Dégouts xuống vùng truyền giáo dân tộc M’nong cũng đã rời khỏi vùng đó, trong vòng hơn 40 năm không có một linh mục nào lui tới vùng truyền giáo đó nữa.
Chúng tôi xin đề cập: Tiểu sử của Cha Jean-Baptiste Guerlach (1858-1912) và tìm hiểu địa danh Bun Uin nơi cha đến truyền giáo trong ngoài 3, 4 tháng cùng với Bok Kơi cuối năm 1898[20] .
* Tiểu sử Cha Jean-Baptiste Guerlach (1858-1912)[21]
Ngày 8 tháng 1 năm 1883, Cha Guerlach đến Kontum, bằng phẩm chất cá nhân, trí thông minh và hoạt động của mình... sẽ đóng một vai trò nổi bật và mang tính lịch sử truyền giáo vùng Tây nguyên, đã quan tâm đến hiện diện tại Bon Uin phía nam dân tộc Jơrai vào năm cuối 1898.
1. Thời niên thiếu
Jean-Baptiste Guerlach sinh ngày 14 tháng 7 năm 1858 tại Metz, thành đô cổ của Lorraine. Bố của Guerlach là một trong những Kitô hữu không biết đến tính bất hợp lý cũng như xung khắc: đời sống đó như một đường thẳng. Con trai ông giống ông hoàn toàn ở điểm đó. Người mẹ, về phần mình, truyền cho ông tình yêu dịu ngọt và huyền bí đối với Thiên Chúa, một tình yêu liên kết khăng khít với đức tin nhiệt thành và dũng cảm.
Vừa được 8 tuổi, đứa trẻ vào đội hát nhà thờ ở Metz. Chính ở đây cậu sốt sắng chuẩn bị rước lễ lần đầu ngày 24-06-1870. Thỉnh thoảng chàng do dự giữa hai nghề tâm huyết: binh nghiệp và nghề y. Thậm chí dường như chàng chọn nghề y và ghi danh ở phân khoa ở Paris. Chàng theo học đều đặn các khoá học trong vòng một năm. Chính ở đó chàng khởi học nghệ thuật chăm sóc và an ủi bệnh nhân, nghệ thuật chàng đạt được về sau ở nơi xứ Thượng Tây Nguyên.
2. Ơn gọi đời sống tu trì
Thiên Chúa, Đấng biết nhà vô địch như thế có lý tưởng trong mình, đã tỏ lộ cho chàng tính phù phiếm của sự đời và chẳng mấy chốc không còn gì ở thế gian có thể là nỗi cám dỗ cho chàng. Mọi mơ mộng đều phai đi trước sức hút thiên thượng, và người một thời muốn là chiến binh của Pháp quốc lại trở thành hiệp sĩ của Chúa, dù vẫn mang một tình yêu sâu đậm và tận tuỵ không bến bờ đối với tổ quốc mình, ngay trên núi rừng người Bahnar.
Sau khi trải qua hai năm ở Chủng viện Saint-Sulpice, ngày 06 tháng 09 năm 1879, Guerlach được nhận vào Hội Thừa sai Hải ngoại. Ở đó, người biết rằng cuộc chiến chống lại bản thân và sự hy sinh các sở thích là luật phổ quát của những điều trọng đại, do đó, người bắt đầu chống lại tính bồng bột của mình, bằng cách uốn mình theo những đòi buộc chi li của nội quy. Chàng cũng chuyên chăm phát triển các đức tính thông minh và dũng cảm bẩm sinh của mình và siêu nhiên hoá đời sống bằng những suy niệm sâu nhiệm và nghiên cứu miệt mài các tác giả Sách Thánh. Những năm ở chủng viện thánh thiện và chăm chỉ đã in trong tâm hồn chàng dấu vết không phai về sự sốt mến và kỷ luật thép.
3. Hướng về đời sống tông đồ
Sau khi chịu chức phó tế, người làm y tá cho Đức cha Galibert, Khâm mạng Toà Thánh ở Đàng Trong được giữ lại ở chủng viện vì bệnh tật. Vị giám mục tốt lành và dũng khí sau đó yêu thích vị phó tế, và giữa hai người hầu như tâm đầu ý hợp. Ngài thường nói với chàng về sở nguyện truyền giáo cho người Thượng, nhưng như những vị tông đồ chính hiệu biết nói, ngài bày ra những nỗi đau người ta phải chịu đựng. Sau những cơn sốt dữ dội, vị chức sắc cao cấp nói với chàng: “Này, con có luôn vì người Bahnar không? Này như nếu con đau khổ ở đó và có thể còn hơn thế nữa, không quan trọng, thưa đức ngài! Người ta không vào Hội Thừa sai để sống lay lắt trong cái hộp vải. Đi sớm đi, hỡi người can đảm! Chúng ta sẽ biến con thành một người Thượng, Nhưng chú ý nhé! Phải làm việc vất vả cho đến chết!”
Thụ phong linh mục ngày 04-03-1882, vị thừa sai trẻ của chúng ta vừa mới 24 tuổi. Đức cha Galibert xin cha cho việc truyền giáo người Bahnar. Cha Guerlach rất thoả nguyện: “Người Bahnar muôn năm. Cảm ơn! Cảm tạ Chúa… Lạy Chúa, con chấp nhận trước sứ mệnh tông đồ mà sự Quan Phòng của Ngài đã dành cho con với những công việc của nó, và có lẽ với những nhọc nhằn của nó! Nếu con thất bại trong cuộc chiến vĩnh cửu của sự thiện với sự ác này, đó không phải là không chịu chiến đấu, và không vận dụng tất cả những gì ngài đã ban cho con về trí thông minh, ý muốn, sức khỏe, sự sống… để cho đức tin hiển thắng.”
Là người nói chuyện dễ thương, với tài ăn nói hùng hồn và lưu loát, cha mặc sức kể về những kỷ niệm thuở trước. Ngài kể về chính mình rất thành thực và giản dị đến nỗi người ta thích ở ngài từ “tôi”, từ mà Pascal lại bảo “đáng ghét”.
Vì thế, để viết cuộc đời thừa sai của ngài, chúng ta chỉ cần làm sống lại các kỷ niệm của ngài, và đọc lại các câu chuyện ngài đã để lại cho chúng ta.
Khởi hành từ Pháp ngày 16 tháng 4 năm 1882, tôi kháng cự lại việc say sóng khá tốt trong suốt hành trình; nhưng Cha Maillard, bạn tôi, “người dũng cảm trong những người dũng cảm, đầu hàng ngay từ ngày đầu”. Ngày 4 tháng 6, hai người bạn đến Qui Nhơn. “Ở Đàng Trong, ngài viết thời đó, có hai loại nhiệm sở rất rõ rệt: nhiệm sở của người Việt và nhiệm sở của người Thượng. Ở trong các nhiệm sở đầu, công việc có rất nhiều, các tín hữu rất đông, người ta được những an ủi tinh thần, chức vụ rất năng động. Nhưng trong các cánh rừng người Bahnar, sự việc không phải như vậy. Chúng tôi ở đó, đề cao cao cảnh giác, ngăn không cho điều tốt đã thực hiện biến mất đi, và chúng tôi cố gắng xúc tiến một ít văn hoá của vùng rất nghèo môi trường đức tin này; nhưng sự việc tiến triển tốt cách chậm chạp như trong tất cả các miền truyền giáo được thiết lập. Vùng truyền giáo này có nhiều khổ giá và khó khăn hơn; đó là phần đã chọn của vị thừa sai: Calix meus inebrians quam proeclarus est!” (Ly rượu con đầy tràn chan chứa!)
Trong khi chờ đợi việc đến với người Thượng, Cha Guerlach được phái đến giáo dân xứ Xoai, để học tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của Cha Geffroy. Về sau ngài viết: “Có được vị hướng dẫn tuyệt vời này, tôi không thể không cam kết trở nên thông giỏi, nếu tôi không quỵ ngã trước một cám dỗ dữ dội.” Cha Dourisboure, bậc lão thành nơi người Bahnar, cũng ở đó với cuốn từ điển và văn phạm bằng tiếng Bahnar của mình. Việc truyền giáo cho người Thượng chưa hề có bất kỳ ấn phẩm nào. Tất cả đồng nghiệp đi lên đây đều phải chép lại một từ điển chép tay; cuốn của Cha Dourisboure cất giữ là mới nhất, ấn bản mới nhất.
Năm 1882, cha lên địa sở Kon Jơdreh xứ Bahnar. Tên Việt: Cha (Cố) Cảnh; tên Thượng: Bok Kơdră Kanh. Các điểm các làng phục vụ: Kon Jơdreh (1882); Kon Mơnei (1883-1890); Bề trên phụ trách Kon Kơtu (1890-1895); Kon Sơlang-Plei Touer (Pơlei Maria) (1889-1896); Kon Mah: 1893-1896; Kon Sơmluh (1893-1896); Kon Mahar (1896-1902) trong thời gian này dưỡng bệnh tại Pháp (1896-1898); Đến Bun Uin (3,4 tháng cuối 1898); TT truyền giáo Rơhai; 1899-1912); Bề trên miền Kontum (1910-1912); qua đời tai Rơhai (29/01/1912)
4. Dưỡng bệnh ở Pháp (1896-1898)
Sau nhiều năm hoạt động tông đồ, ngài có cám dỗ bỏ chiến đấu để hưởng các vui thú của một tu viện Chartreux. Thỉnh thoảng, đó là nỗi hoài hương trong sự đơn côi. Chỉ vài người thân tình mới biết được những điều ngài chịu này trong hai năm. Ngài viết: “Đời sống tu viện đối với tôi như là một nơi trú ẩn và chốn nghỉ ngơi, nơi tôi có thể nghĩ về linh hồn tôi sau khi đã quá dằn vặt về linh hồn những người khác… Nhưng Giám đốc của tôi viết cho tôi rằng đối với tôi con đường về trời phải qua người Bahnar, và không đâu khác. Tôi không thấy thuyết phục thế nào, nhưng tôi vâng lời và tôi ở lại…”
Tuy nhiên, những công việc, lo lắng, cơn sốt, những sự thiếu thốn đã bào mòn dữ dội thể tạng mạnh mẽ của nhà thừa sai. Năm 1896, theo lệnh của các bề trên, ngài phải lên đường đi Pháp. Về tới quê mẹ để được chữa trị, ngài quên hoàn toàn bản thân và chỉ nghĩ đến những lợi ích của vùng truyền giáo của mình. Cha đi khắp nước Pháp, rao giảng và diễn thuyết khắp nơi, bằng hành động của mình cố gắng thu hút mọi tâm hồn hiến thân cho các công cuộc truyền giáo. Ngài có tài hùng biện bẩm sinh; ngài dễ dàng làm xúc động đám đông.
5. Sứ vụ tại Bon Uin
Sau 2 năm (1898), vừa mới bình phục, ngài nghĩ đến các tân tòng của mình và nỗi nhớ các núi đồi chiếm lấy ngài. Ngài vừa biết rằng một phong trào trở lại đạo lớn lao đang được phát động trong vùng Bun-Uin, cách Kon Tum bảy ngày đường về phía đông-nam; ngài dũng cảm hiến thân cho chức vụ lao nhọc này.
Từ Pháp, cha viết cho ngài Vialleton: “Thật đáng thất vọng rằng ngài không gửi một thừa sai đến Bun-uin. Nếu điều đó làm cha hài lòng, có con đây: ecce ego milite me! Từ Pháp con sẽ ra đi, cha chỉ cần một lời, và con sẽ lên đường. Con không nói điều đó để xin cha điều gì, nhưng chỉ để đặt con vào đôi tay cha như một dụng cụ mà cha có thể sử dụng theo ý muốn. Con sẽ vui vẻ đi khắp nơi đâu cha gửi con tới. Da mihi animas, caetera tolle tibi! Sẽ rất khốn khó để lập cơ sở mới này: mặc kệ! Con biết đau khổ, và bây giờ, nhờ Chúa, con yêu nó…”
Quả thực, cuối năm 1898, sứ vụ truyền giáo này tại Bon Uin được phó cho ngài. Ngài đi cùng Bok Kơi[22] sống 3, 4 tháng tại đó, nhưng do những khó khăn chằng chịt như tiếng nói, phong tục khác với vùng Bahnar hay Jơrai, việc thiết lập đầy hứa hẹn này gặt ít kết quả. Cha Guerlach phải trở về với người Bahnar. Ngài đến một cơ sở khác mà ngài đã duy trì ít lâu sau đó, ở Pơlei Klub, giữa vùng Jarai, nay thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gialai.
6. Trở về vùng Ro’hai
Lại đảm nhận khu vực ngài điều khiển trước chuyến đi qua Pháp, vùng Ro’hai, cách Kon-tum mấy trăm mét, ngài hiến toàn thân cho công cuộc các linh hồn với những khó khăn và cũng với những điều an ủi. Ngài ở địa sở này ba năm, từ 1899 đến 1902.
7. Cuối đời
Ngài qua đời vào ngày 29 tháng giêng 1912, sau cơn hấp hối ngắn ngủi và an bình, sau khi đã nhận với đức tin mạnh mẽ các bí tích sau cùng, với sự hiện diện của 5 trong số các đồng nghiệp của ngài, lúc 5 giờ chiều, cha Khâm mạng tòa thánh yên ngủ trong Chúa một cái chết rất thanh thản, không ngừng ấn lên tim mình cây thánh giá chuộc tội, kỷ niệm về mẹ ngài. Sau khi đã sống như thánh, cha Guerlach cũng chết cái chết của các vị thánh.
B. Địa danh Bon Uin[23]
1. Địa danh Bon Uin
Địa danh buôn làng sông núi trên vùng Tây Nguyên luôn luôn thay đổi theo thời cuộc, nên khó xác nhận chính xác làng Bon Uin, nơi Cha Guerlach đến truyền giáo là ở đâu. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu địa danh này và đã đăng lên trang mạng mục vụ truyền thông Giáo phận Kontum. Xin xem thêm THUẦN MẪN - BON UIN MỘT VÙNG ĐẤT ĐANG HỒI SINH NIỀM TIN.
Thật ra, địa giới của Bon Uin vào thời kỳ Cha Guerlach đến truyền giáo như thế nào và ở đâu, chúng ta cũng chưa xác định được cách chính xác. Địa danh Bon Huynh (Bon Uin) theo bản đồ của Nha địa Dư Quốc gia Việt Nam phát hành năm 1961, nằm thượng nguồn và chếch phía đông đối với sông Ea Sol Prong. Khi thành lập tỉnh Phú Bổn (1962), thị xã Hậu Bổn, theo bản đồ của Nha địa dư Quốc gia Việt Nam (xin xem bản đồ hình số III ở trên) và xuất bản năm 1963, in lần 2 (hình số IV: Thuần Mẫn), quận THUẦN MẪN nằm thượng nguồn sông Ia Sol đổ vào phía sông Ayun (huyện Phú Thiện ngày nay), chếch phía tây có dòng sông Ia Hleo chảy ngang qua quốc lô 14. Làng Bon Huynh nằm phía nam không xa Thuần Mẫn bao nhiêu. Chúng tôi nghĩ địa danh Quận THUẦN MẪN theo bản đồ vừa trưng dẫn có lẽ nằm lệch về phía bắc đôi chút so với làng Bon Huynh (Bon Uin), nơi Cha Guerlach đến trú ngụ và truyền giáo. Vả lại, làng Bon Uin khá xa Ban Mê Thuột, vì có lần Cha Guerlach cho người đến can thiệp với chủ làng Ama Thuột, khi ngài truyền giáo tại Bon Uin này.
2. Về mục vụ
Hiện nay phần đất Thuần Mẫn (Bon Uin) theo hành chính thuộc tỉnh Đak Lak, nhưng theo giáo luật một số vùng đất nào đó (nằm trong tỉnh Phú Bổn) còn thuộc Giáo phận Kontum, vì khi phân chia Địa phận Ban Mê Thuột (năm 1967), phần đất Giáo phận Kontum gồm tỉnh Kontum, tỉnh Giai Lai và tỉnh Phú Bổn (1962); Giáo phận Ban Mê Thuột gồm 3 tỉnh: Đak Lak (1925); Quảng Đức ((1959) và Phước Long (1957). Vì người viết bài nghiên cứu này có đi mục vụ đến vùng Thuần Mẫn-Bon Uin, nên chúng tôi xin trình bày hoạt động sinh hoạt mục vu vùng đất này đôi dòng sau đây.
Ở đây chúng tôi trích dẫn lại để quý vị dễ theo dõi (xin trích):
“Hướng về vùng đất Thuần Mẫn vất vả hơn. Nhưng nhờ Chúa an bài xếp đặt, có một vài gia đình anh em tín hữu Kinh như gia đình anh Nguyễn khắc Quang, nguyên là thành viên ban chức việc và giáo lý viên thuộc Giáo xứ Phú Bổn, cũng như dân tộc từ nơi khác đã đến Thuần Mẫn thượng nguồn các con sông như Ia Hiao, Ia Bôl, Ia Ertô, Ia Sôl… sinh sống sau ngày thống nhất đất nước. Họ đã trở nên “là men, là muối, là ánh sáng của trần gian”, sống Lời Chúa, trong tình huynh đệ bác ái Chúa Kitô, luôn kết hợp với Thánh Thể, với anh em, và dần dần đã trở nên một gia đình huynh đệ, bác ái của Chúa Kitô. Cộng đoàn huynh đệ của Chúa Kitô đang hình thành - dù chậm - nhưng chắc chắn và sinh động thật sự. Trong thập niên 80 - 90, khi đảm nhận trách nhiệm chánh xứ Phú Bổn, chúng tôi gồm linh mục chánh xứ, vài người thành viên trong ban chức việc và giáo lý vỉên đã lên thăm mục vụ 4, 5 lần để ban Bí tích Rửa Tội cho các em nhỏ, giải quyết Bí tích Hôn Nhân, thành lập điểm truyền giáo tại xã Ia Hiao thuộc tỉnh Đăk Lăk.
Chúng tôi đã gặp Đức Giám mục Giáo phận Kontum là Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc khi còn tại chức và Đức cha Ban Mê Thuột là Đức cha Nguyễn Huy Mai khi ngài còn sống, có đặt vấn để mục vụ vùng đất này: theo giáo luật, thuộc trách nhiệm Giáo phận Kontum, nhưng về mặt hành chánh nhà nước lại thuộc tỉnh Đăk Lăk. Các Ngài nhứt thống chung là: các cha thuộc Giáo phận Kontum – cụ thể Cha Chánh xứ Giáo xứ Phú Bổn (Kontum) và Cha sở Buôn Hồ (Ban Mê Thuột) đều lo mục vụ anh em người Kinh, nhưng cần ghi lại chứng từ rõ ràng khi ban bí tích nói chung như Rửa Tội, Thêm Sức, nhất là Hôn Phối. Tại vùng đất Thuần Mẫn này cũng có ít nhất 3 làng dân tộc Jrai trước kia thuộc Trung tâm Truyền giáo Buôn Madjơng nhưng vào thập niên 80-90 vừa qua thường xuyên rước Mình Thánh Chúa từ Trung tâm Truyền giáo Plei Kly về để Phụng vụ Lời Chúa. Vào thời điểm đó, số giáo dân Kinh trên dưới 40 hộ, còn 3 điểm dân tộc khá đông khoảng trên dưới 250 hộ thường xuyên qui tụ đọc kinh, phụng vụ Lời Chúa và rước Mình Thánh Chúa.”
Những năm gần đây, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh (2003-2012), Giám mục Giáo phận Kontum, có trao đổi với Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức (2000-2006) và hai Đức cha cũng đã chấp nhận phương thức giải quyết như trên vì lợi ích của các tín hữu mình. Thiết nghĩ hiện nay mục vụ tại đây đã ổn định.
PHẦN IV: GIAI ĐOẠN TRUYỀN GIÁO VÀO THẾ KỶ XX
Những bước đầu thành lập Giáo xứ Ban Mê Thuột (thập niên 30-40)
1. Ngày 14 tháng 1 năm 1932, Piô XI quyết định thành lập Giáo phận Kontum gồm 3 tỉnh Kontum, Pleiku, Đăklăk và một phần lãnh thổ Attâpư thuộc Lào, sắc phong Linh mục M. Jannin Phước làm Giám mục hiệu toà Gadara và bổ nhiệm ngài làm Giám quản Tông toà Giáo phận Kontum.
Đức Giám mục Jannin Phước rất quan tâm phía cực nam của vùng truyền giáo nhiều dân tộc như Rade, Mnong trong tỉnh Đăk Lăk. Sau khi thăm dò vùng đất đỏ này, và được nhiều đề nghị của một số tín hữu Công giáo đang làm nông trường cao su xin gửi linh mục đến lập giáo xứ.
2. Vùng đất Ban Mê Thuột cực nam thuộc Giáo xứ Pơ O
Theo tài liệu “Les Missons Catholiques En Indochine, 1939, cho biết tỉnh Ban Mê Thuột có một họ đạo trực thuộc Giáo xứ Polei-Poo. Lúc bấy giờ Polei Poo, bổn mạng là Thánh Giuse, tỉnh Pleiku, và Cha Phaolo Lê Đình Ban, linh mục chánh xứ, có 10 họ đạo, số giáo dân là 665 tín hữu.
Ngày 29 tháng 1 năm 1934, tân Giám mục Jannin Phước đến Buôn Ma Thuột. Ngài cho thành lập Họ đạo Ban Mê Thuột với số giáo dân khoảng 50 người, thuộc Giáo xứ Plei Pơo (La Sơn, Pleiku), giao cho Linh mục Phaolô Lê Đình Ban làm quản xứ.
Tiểu sử Cha Phaolô
Sinh 1881, quê quán Đồng Hâu, Bình Định; thụ phong linh mục (25/01/1911); Lên Kontum (1914); Phó Rơhai (1914); Hà Mong (1914-1920); Plei Jơdrâp (1915-1918); Pơo (1930); Pơo-PhúThọ (1933-1945); Qua đời (14/02/1945) tại Phú Thọ.
Ngày 15 tháng 8 năm 1934, một nhà nguyện nhỏ đầu tiên mái tranh vách đất được dựng ở Họ đạo Buôn Ma Thuột. Họ đạo do thầy giảng Phaolô Đỗ Hữu Hiền, từ họ đạo Mang Yang chuyển qua, phụ trách quản sự.
THẦY GIẢNG PHAOLÔ ĐỖ HỮU HIỀN [24] (1896? – 1946)
Ngày 11/05/1934: đến Ban Mê Thuột để giúp đỡ giáo dân; Ngày 15/08/1934 giúp giáo dân làm nhà nguyện nhỏ đầu tiên mái tranh vách đất ở Ban Mê Thuột.
3. Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn thành lập Họ đạo Ban Mê Thuột
Cha Phê rô sinh năm 1896, tại Trung Chánh, Giáo phận Qui Nhơn, thụ phong linh mục năm 1927, lên Kontum năm 1927. Các địa sở ngài phục vụ:
- Kon Mahar: 1929-1937
- Cha sở thành lập họ đạo Ban Mê Thuột: 1937-1938
- An Khê: 1938-1940
- Qua đời: 10/05/1927 tại Kontum
Ngày 30 tháng 3 năm 1937, Giáo họ Buôn Ma Thuột đầu tiên tại Đăklăk, do Linh mục Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn cai quản.
Chúng tôi xin phỏng dịch bản báo cáo “La Mission des Pays Mois” năm 1937:
“Trung tâm Công giáo đang hình thành được trao phó cho Cha Phêrô Cẩn, 164 tín hữu Kinh khoảng 20 dự tòng.
“Lần này đề cập chuyến đi đến Ban Mê Thuột, 250 cây số cách Pleiku, có một điều quan trọng trong cuộc hành trình. Các vị chân nhận rằng thiết lập điểm truyền giáo này, đó là một bước tiến đi về phía nam của Vùng Truyền giáo.
Cho đến đây, 4 tỉnh tạo thành vùng địa phận tông toà, chỉ có tỉnh Kontum và Pleiku đã đón nhận Tin Mừng. Đối với Attopeu và Ban Mê Thuột xem như không có gì. Thật sự đối với tỉnh Ban Mê Thuột, từ vài năm nay, mỗi năm một lần một linh mục đã đến thăm các người tín hữu Việt Nam cư trú ở đó.
“Trong năm này, hoàn cảnh coi như là thích hợp hơn, chính Đức Giám mục đã đi đến đó trong tuần Phục sinh, để cắt đặt một linh mục Việt Nam ở đó, với hy vọng thành lập tại đây một giáo xứ người Việt Nam và sau đó như là nền móng cho một địa bàn người dân tộc. Ah!, một vùng ước mơ có thể bao gồm 100.000 người dân tộc trong tỉnh này. Xin hãy nâng đỡ bằng lời cầu nguyện của quý vị, để cho ước mơ của chúng tôi được hiện thực.
“Tỉnh này gồm những người Ra-đê và một số bộ tộc khác cư trú. Từ lâu tỉnh đã có một quy chế hành chánh đặc biệt, nhất là đối với việc nhập cư của người Việt Nam di dân, người ta chỉ muốn dành tại đây hoàn toàn cho người dân tộc thôi. Chế độ quản lý này còn kéo dài. Nhưng từng bước một, nó sẽ mũn ra, lan rộng để được áp dụng cho mọi tỉnh khác có người dân tộc.
Đến vùng xa xăm này để bổ nhiệm Cha Cẩn ở đó, Đức Giám mục có một ấn tượng là xây dựng nơi này một ngọn đèn soi pha chiếu ánh sáng vĩnh cửu, để chiếu sáng tất cả các miền đang ngập lặn trong đêm tối của việc thờ ngẫu tượng. Ah!, nếu quí vị có được một sức mạnh thần linh, ước chi với cả con tim chúng tôi sẽ nói: Fiat lux!... Et facta est lux! (Hãy có ánh sáng! Và đã làm nên ánh sáng!)
Người tín hữu đã làm, trong phần đất trung tâm tỉnh Ban Mê Thuột, một nhà nguyện đơn sơ bằng gỗ ván phên tre. Cha đã phải ở trong một nơi, sau gian bàn thờ như trong hoàn cảnh cụ thể này! Hiện nay, ngài đã cho xây dựng một nhà xứ thích hợp việc ăn ở hơn. Đó là những điều tôi trình bày trong bản báo cáo đầu tiên này.
Tương lai là niềm hy vọng! Khi nhìn vào địa bàn tỉnh và tâm tính khuynh hướng của những người dân tộc được đánh giá là tốt. niềm hy vọng sẽ không đến nỗi vô ích. Tôi đã nhận thấy được những người dân tộc tạo thành hai nhóm người: những người thường quen lui tới thành phố và trường học, đã tiếp xúc với những người Pháp và Việt Nam, họ được văn minh hơn và biết xoay xở hơn; nhóm khác không có cùng hoàn cảnh, nên đóng kín và không biết xoay sở.
Việc loan báo Tin Mừng cho những người dân tộc chưa được bắt đầu. Một khi tôi biết tiếng nói, tôi sẽ thử tiếp xúc với họ.
Ban Mê Thuột là một thành phố khá đẹp, đã có một ít sinh hoạt buôn bán. Đối với người Việt Nam để dễ dàng kiếm một bát gạo hằng ngày và là thành phần nghèo túng, nên họ đã đến đây lập nghiệp, mặc dù gặp phải muôn vàn khó khăn về mặt quản lý hành chính. Họ ở trong thành phố chừng ngàn người và cũng như vậy ở trong các đồn điền quanh thành phố; tôi biết có 163 tín hữu thôi, và trong số đó ¾ là tân tòng.
Có một lần tôi đi thăm đồn điền cao su, nằm cách thành phố 30 cây số về phía bắc. Một đồn điền rất đẹp. Giữa những người làm lao công, tôi gặp thấy hơn 20 người Công giáo. Vì họ không có nhà nguyện, vị giám đốc chủ đồn điền đã cho tôi mượn một nơi để dùng vào việc làm nhà nguyện. Sáng tối, các người tín hữu quy tụ đến đó, rất vui mừng vì có được những trợ lực tôn giáo. Dù chung quanh họ là những người lương, không cùng tập quán tôn giáo, họ đọc kinh lớn tiếng và thực hành mọi khấn nguyện của mình. Ơn thánh Chúa cũng đã tác động vào tâm hồn của nhiều người bạn bên lương của họ, đã xin tòng giáo; cũng được ơn Chúa tác động như vậy, tôi hy vọng đợt thăm lần tới sẽ cổ võ được những người xin tòng giáo như thế. – “Messis quidem multa, operarii autem pauci.” (hết phần trích dẫn.)
Sau gần 9 tháng phục vụ tại Ban Mê Thuột, vì qua lo lắng cho đoàn chiên, và vì lý do không hợp thủy thổ, ngài bị bệnh sốt rét và thương hàn. Ngày 12/01/1938, cha Phêrô trở về Toà Giám mục để chữa bệnh và ngày 28 tháng 10 năm 1938 đến năm 1940 ngài làm cha sở An Sơn - An Khê [25]. Cũng theo tài liệu này, Ban Mê Thuột vẫn còn là một họ đạo trực thuộc Giáo xứ Pơo-Phú Thọ do Cha Phaolô Lê Đình Ban quản xứ.
Trong thời gian này, Cha Phaolô Lê Đình Ban đã đến họ đạo Ban Mê Thuột dâng lễ. Trong cơ chế quản lý của Nhà nước Pháp tại đây, chính quyền tỉnh Đăk Lăk cấm ngăn việc người Việt Nam định cư trong xứ sở này. Trong thể chế đó, việc xây dựng cơ sở tôn giáo lại càng khó khăn gấp trăm lần. Cha PhaoLô Lê Đình Ban vất vả liên hệ với chính quyền Pháp và Ông Quản Đạo trong tỉnh để tìm cách xây dựng nhà thờ khang trang hơn, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để lên giáo xứ tại thành phố Ban Mê Thuột.
4. Ngày 22.4.1942, Toà Thánh bổ nhiệm Cha Sion Khâm làm Giám mục Kontum. Ngài nhậm chức tháng 5.1942.
5. Romeuf Phương Ban Mê Thuột và nhận giáo xứ 26 tháng 7 năm 1942.
Đức cha Jean Sion Khâm đã cắt đặt Cha Romeuf Phương[26] làm chính xứ Giáo xứ Ban Mê Thuộc vào ngày 26.7.1942.
Mãi đến 26 tháng 7 năm 1942, quang cảnh ngày khánh thành Nhà thờ Ban Mê Thuột lên Giáo xứ và Đức cha Jean Sion Khâm, Giám mục Giáo phận Kontum mới, bổ nhiệm Linh mục Romeuf Phương làm tân Chánh xứ Buôn Ma Thuột.
Tiểu sử Cha Pierre Romeuf (1873-1980)
Sinh ngày 21 tháng 05 năm 1873, tại Yssingeaux, được nhận vào Chủng viện MEP năm 1936; thụ phong linh mục ngày 17 tháng 12 năm 1938, lên đường đến Địa phận Kontum 11 tháng 04 năm 1939. Sau khi học tiếng, năm 1942 ngài được gửi đến Ban Mê Thuột để tạo lập tại đây một cơ sở tôn giáo và truyền giáo. Lúc đó ngài đưa một vài tín hữu thuộc giáo xứ canh tác cà phê, và thu được thành quả to lớn đã lôi kéo được một số người Việt Nam khác đến Ban Mê Thuột, và như vậy giáo xứ ngày càng tăng thêm lớn mạnh. Năm 1974, ngài trở về Pháp để nghỉ ngơi và không bao giờ còn thấy lại Việt Nam nữa: vì lực lượng vũ trang Việt Cộng đã chiếm đóng Miền Nam và đóng chiếm phần đất truyền giáo của ngài. Lúc đó ngài lui về Yssingeaux và qua đời tại quê nhà của ngài ngày 29 tháng 04 năm 1980.
5. Từ năm 1952, Đức cha Paul Seitz Kim, Giám mục Giáo phận Kontum, gồm tỉnh Kontum, Gialai và tỉnh Dak Lak.
6. Từ năm 1955, nhiều giáo xứ trên địa bàn Đăklăk, Quảng Đức, Phước Long được hình thành, nhất là cuộc di cư từ Bắc vào đây làm số giáo dân ngày càng thêm đông.
Hình bản đồ số VI
Tháng 9 năm 1956, Linh mục Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn được bổ nhiệm làm quản xứ Buôn Ma Thuột. Ông đã vận động các giáo dân xây dựng Nhà thờ Buôn Ma Thuột, mà ngày nay là Nhà thờ Chính toà Giáo phận Ban Mê Thuột. Nhà thờ được xây dựng trong một năm và được khánh thành vào tháng 4 năm 1959.
Tiểu sử Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn (1898-1983)
Sinh 1898, tại Thọ Ninh, Đức Thọ, Hà Tĩnh, Giáo phận Vinh; thụ phong linh mục (1932); Cha sở Ban Mê Thuột (1956-1966); Tổng Đại diện (1960-1965); từ chức Tổng Đại diện và Cha sở Ban Mê Thuột, về hưu (15/04/1966); qua đời (1983) tại Ban Mê Thuột.
7. Sáng tạo chữ Ra-Đê
Theo truyền thống, khi đi loan báo Tin Mừng cho một dân tộc nào - ở đây chúng tôi muốn đề cập đến dân tộc Ra-Đê tại tỉnh Đăk Lăk - nhà truyền giáo quan tâm hàng đầu như phương thế không thể thiếu, đó là thông suốt tiếng nói bản địa, đồng thời tạo ra chữ viết cho ngôn ngữ này.
Tại tỉnh Đăk Lăk, phía tây nam Giáo phận Kontum, tiếng nói thông dụng đa phần là người dân tộc bản địa, nói tiếng nói Ra-Đê. Các vị thừa sai quan tâm vào việc đầu tư chất xám và tiền của trong việc nghiên cứu cách phiên âm tiếng nói bản địa ra chữ viết. Các cha dùng mẫu tự Latinh trong công cuộc phiên âm tiếng địa phương.
Hai tác giả linh mục thừa sai: Jean DAVIS-BAUDRIT (1899-1976) và Linh mục Benjamin LOUIS (1902-1964).
1. Tiểu sử Cha DAVIS-BAUDRIT [27]
Sinh ngày 26 tháng 5 năm 1899 tại Périssac (Gironde), vào Chủng viện MEP năm 1925. Thụ phong linh mục 29 tháng 5 năm 1926 và lên đường đến Học viện chung tại Penang vào ngày 20 tháng 9 năm 1926. Năm 1931, được gọi về Pháp để điều hành Tiểu Chủng viện Beaupréau. Ngài ở đây 18 năm, và năm 1949 quay trở lại Penang giữ trách nhiệm bề trên Học viện này từ năm 1951 đến năm 1960. Sau đó, ngài được bổ dụng vào Địa phận Kontum, tại đây ngài giúp các vị thừa sai chuẩn sửa những quyển từ điểm của các ngài. Trở về Pháp, năm 1972, làm tuyên uý cho các nữ tu đến năm 1976, sau đó ngài lui về Bordeaux, và qua đời tại đây.
Những tác phẩm của ngài:
+ Tự điển Rhade-Pháp, Ban Mê Thuột: vùng truyền giáo Công giáo, 1966, 514 trang; khổ sách 26 cm. Đi từ tự điển Pháp–Rhade của Cha Louison, in rȏnêo, Amep 3326.1.
+ Những bài học; theo tài liệu của Cha B. Louis.-Dalat: Trung tâm Truyền giáo Camly, 1969, 99 trang; khổ sách: 28 cm, BA.B1297.
+ Tự vựng Pháp–Rhade, Đàlạt: Trung tâm Truyền giáo Camly, 1969. 359-IX. Khổ sách 28 cm. BA.B1298.
2. Linh mục Benjamin LOUISON (1902-1964)[28]
+ Tiểu sử
Ngài sinh vào ngày 8 tháng 3 năm 1883, tại Ricamarie (Loire) được nhận vào Hội Thừa sai (MEP) năm 1902; vào ngày 6 tháng 12 năm 1906, lên đường đến Học viện chung Penang. Ngài kết thúc các chuyên khoá của ngài tại nơi đây và thụ phong linh mục ngày 7 tháng 7 năm 1907; sau đó được bổ dụng vào Vùng Truyền giáo Địa phận Qui nhơn. Trước nhất, ngài được gởi đến Giáo xứ Phương Hoà, sau đó đảm nhận Địa sở Kon-Somluh từ năm 1908 đến 1913. Bị động viên đi quân dịch ở Pháp trong thế chiến 1914-1918, sau đó trở lại Địa phận Kontum vào năm 1919; lúc này ngài đảm trách Họ đạo Kon Monei, rồi coi sóc Đăk-Kơdem; năm 1924 tại Địa sở Kontum. Năm 1953, ngài từ chức chính xứ Giáo xứ Kontum; trở về Pháp. Ngài qua đời tại Marseille vào ngày 01 tháng 10 năm 1953.
+ Các tác phẩm của ngài [VN. 51]
Tự điển Pháp–Rhade, Dalat, Trung tâm Truyền giáo Camly, 1964, 261 trang, khổ giấy 27 cm; in rȏnêo, Amep 3301.1.
2. Địa phận tiếp nối công trình truyền giáo cho người dân tộc bằng ngôn ngữ, chữ viết: như Trung tâm “Tân Dự tòng” tại TP. Ban Mê Thuột, nghiên cứu chữ viết để ứng dụng vào việc dạy giáo lý, soạn thảo nghi thức Thánh lễ và đào tạo những nhân sự người đồng bào phục vụ “công tác Loan báo Tin Mừng” cho người đồng bào mình...
PHẦN IV: THIẾT LẬP ĐỊA PHẬN BAN MÊ THUỘT (1967)
1. Ngày 22 tháng 6 năm 1967, Giáo hoàng Phaolô VI ra Sắc chỉ Qui Dei Benignitate thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột gồm 3 tỉnh Đăklăk, Quảng Đức và Phước Long (là những địa phần từng thuộc các Giáo phận Ðà Lạt và Kontum); đồng thời bổ nhiệm Linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám mục tiên khởi giáo phận (1967).
2. Khi thành lập, giáo phận có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân, trải rộng trên diện tích 21.723 km2 với dân số 290.800 người, gồm: người Kinh, Thượng, Mường, Nùng, Thái. Bấy giờ, Toà Giám mục đặt tại thị xã Ban Mê Thuột. Ngày nay tên gọi chính thức của thành phố này là Buôn Ma Thuột nhưng giáo phận vẫn giữ tên gọi là Ban Mê Thuột.
# Thống kê theo Niên Giám Năm 2016
Giáo phận Ban Mê Thuột Lễ Mừng 50 năm Thành lập Giáo phận (1967-2017), chúng tôi xin ghi lại đây nội dung theo Niên Giám 2016 như sau:
Giám mục đã từng cai quản Giáo phận
1. Đức cha Phê rô NGUYỄN HUY MAI (1967-1990)
2. Đức cha Giu se TRỊNH CHÍNH TRỰC (1990-2000)
3. Đức cha Giu se NGUYỄN TÍCH ĐỨC (2000-2006)
4. Đức cha Phao lô NGUYỄN VĂN HOÀ (2006-2009)
5. Đức cha đương nhiệm Vinh Sơn NGUYỄN VĂN BẢN (2009)
# Thống kê
Địa lý dân số:
và Bù Đốp, Bù Gia Mập và Đồng Phú. Phía Bắc giáp Giáo phận Kontum. Phía Đông giáp Giáo phận Nha Trang. Phía Đông nam giáp Giáo phận Đà Lạt. Phía Nam giáp Giáo phận Xuân Lộc. Phía Tây Nam giáp Giáo phận Phú Cường. Phía Tây giúp tỉnh Mondunkini của Campuchia.
- Diện tích: 24.474,85 km2
- Tổng số dân địa phương: 2.954,111 người.
- Dân chúng đa số làm nghề nông
- Các sắc tộc sống trong vùng : Kinh, Ê-đê, Stiêng, Mnong, Sơ-đăng, H’mông…
# Số hạt và giáo xứ trong giáo Giáo phận: Giáo phận Ban Mê Thuột gồm 100 giáo xứ và 8 giáo hạt:
1. Hạt Buôn Hồ:11 gx, 72.889 giáo dân
2. Hạt Chính Toà: 8 gx, 42,562 giáo dân
3. Hạt Mẫu Tâm: 12 gx, 44, 675 giáo dân
4. Hạt Giang Sơn: 10 gx, 51.145 giáo dân
5. Hạt Đăk Mil:14 gx, 72.466 giáo dân
6. Hạt Gia Nghĩa:16 gx, 49.012 giáo dân
7. Hạt Phước Long: 18 gx, 35.552 giáo dân
8. Hạt Đồng Xoài:11 gx, 40.40.750
# Số liệu thống kê của Giáo phận:
* Dân số: 2.954.111
* Dân số Công giáo: 434.722
* Linh mục: 169 (triều: 140; dòng :29)
* Nam tu: 84
* Nữ tu: 565
* Đại chúng sinh: 99
* Chủng sinh dự bị : 49
* Giáo lý viên: 3.972
* Số dòng tu trong Giáo phận
* Dòng nam:11
* Dòng nữ: 24
# Một số điểm đặc sắc của Giáo phận
- Nhà thờ Chính toà Ban Mê Thuột
- Trung tâm Hành hương: Đức Mẹ Giang Sơn – Đăk Lak
- Trung tâm Hành hương: Đức Mẹ Thác Mơ – Phước Long.
NHƯ PHẦN KẾT
Tâm tình tạ ơn
Năm mươi năm qua (1967-2017) và cũng được tám mươi năm (1937-2017), Giáo họ Ban Mê Thuột chính thức thành lập, bao Hồng Ân Thiên Chúa tuôn đổ trên địa phận Ban Mê Thuột thân yêu. Thành quả trong những năm qua được thu hoạch trên mảnh đất thân thương giáo phận cũng có lúc được gọi là “buồn muôn thuở”, mà nay là đầy “màu sắc tươi sáng” của Thủ Phủ Tây Nguyên. Những hoa trái truyền giáo tốt đẹp như sương sa từ trời cao vào lòng đất địa phận và được tình người chăm sóc đã nhắc nhớ cho mọi thành phần dân Thiên Chúa những mồ hôi nước mắt hy sinh của biết bao vị thừa sai, các tiền hiền và các người tín hữu đã âm thầm lặn lội trèo núi vượt sông đến vùng dân tộc Xtieng, Mnong, Ra-đê, Jrai từ những thế kỷ trước, đặt nền móng cho địa phận Ban Mê Thuột ngày hôm nay.
Mừng Năm Mươi Năm Địa Phận (1967-2017)
Mừng Tám Mươi Năm Họ Đạo bắt đầu khai mở (1937-2017)
với tâm tình:
“Ôn cố tri tân”,
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
TẠ ƠN CHÚA, CẢM ƠN ĐỜI.
GHI CÕI LÒNG, KHÔNG HỀ VƠI.
Kontum, ngày 19/03/2017
________________________________
[1] Xin xem đường dẫn: Dân tộc Xtiêng – Vùng Bình Phước – Đón nhận hạt giống Tin Mừng năm 1856.
[2] JACQUES DOURNES – PÖTAO une théorie Du Pouvoir Chez Les Indochinois Jơrai”, NXB Flammarion, 1972, trang 13. Bản dịch của Nguyên Ngọc : JACQUES DOURNES - PÖTAO, Một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương, năm 2013, NXB. Trí Thức, trang 30.
[3] Albert-Marie Maurice, “Les Mnong Des Hauts Plateaux (Centre-Vietnam), Harmattan, 1993, trang 66.
[4] Xin xem: Albert-Marie Maurice , sách vừa trưng dẫn: trang 83, bản đồ số 9.
[5] Xin đọc thêm: Henri Maitre: “Rừng Người Thượng”, NXB. Tri Thức, Hà Nội, năm 2008, bản dich của Lưu Đình Tuân, trang291-297.
[6] JACQUES DOURNES – PÖTAO une théorie Du Pouvoir Chez Les Indochinois Jơrai”, NXB Flammarion, 1972, trang 15-17. Bản dịch của Nguyên Ngọc : JACQUES DOURNES - PÖTAO, Một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương, năm 2013, NXB: Trí Thức, trang 34 – 36.
[7] Christian Simonnet, “ Les Tigres Auront Plus Pitié”, La mission Des Grands Plateaux, NXB France-Empire, 1977 trang 281.
[8] Niên Giám 2016 của Hội Đồng Giám mục Việt nam biên soạn, trang 701.
[9] Albert-Marie Maurice, “Les Mnong Des Hauts Plateaux (Centre-Vietnam), Harmattan, 1993, trang 66.
[10] Xin xem Tiểu sử cha Julien Faulet, “Répertoire Des Membres De La Société Des Missions Étrangères 1659-2004”, Paris 2004, mã số [242] trang 83.
Tiểu sử cha Julien Faulet (1741-1783): Mã số [242]