Print  
Joaquin Navarro-Valls: Một bài học về phục vụ giáo hoàng
Bản tin ngày: 08/07/2017   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Tiến sĩ Joaquin Navarro-Valls, Phát ngôn viên của ĐGH Gioan Phaolô II
TT (7/7/2017, ncregister.com, Lm. Raymond J. de Souza) - Joaquin Navarro-Valls, một trong những nhân vật khác thường nhất trong lịch sử của Giáo triều, qua đời hôm thứ Tư và được chôn cất vào thứ Sáu tại Rome. Người phát ngôn giáo hoàng lâu năm của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đã cống hiến sự phục vụ thành công và phi thường nhất, một bài học cho ngày hôm nay. Vốn là nhà tâm thần học người Tây Ban Nha và sau đó làm nhà báo, đã được ĐGH Gioan Phaolô mời làm Giám đốc Văn phòng Báo chí Toà Thánh vào năm 1984 và ông vẫn là người phát ngôn của giáo hoàng cho đến khi Đức Thánh Cha qua đời vào năm 2005. Ông tiếp tục vai trò này cho Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI cho đến tháng 7 năm 2006, khi ông nghỉ hưu.

Thực sự thì ông đã không giữ cùng một vai trò. Vai trò mà Navarro-Valls thể hiện cho Đức Gioan Phaolô không thể trùng lặp. Ông đã đưa ra những thông cáo báo chí, chủ trì các cuộc họp báo và quản lý văn phòng báo chí. Nhưng ông đã làm nhiều hơn thế. Là một người bạn tâm giao của Đức Thánh Cha mà ông gặp gần như hàng ngày, và thậm chí tháp tùng trong các kỳ nghỉ của giáo hoàng, ông là một phần của nội các mà ĐGH Gioan Phaolô II trao nhiệm vụ tạo ra những gì ngài muốn xảy ra. Thỉnh thoảng, việc này có nghĩa là Navarro-Valls đã đảm nhận những sứ mệnh ngoại giao cao cấp, một sự mới mẻ chỉ có thể có được bởi vì mọi người đều biết rằng ông đã nói chuyện một cách độc đáo thay cho đức giáo hoàng.

Dưới thời Đức Giáo hoàng Phanxicô, những người Công giáo nếu ước ao có thể khi thức dậy mỗi buổi sáng là có một bài giảng mới của giáo hoàng trong Thánh lễ hằng ngày. Đó không phải là trường hợp dưới triều của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, là người thường xuyên tiếp nhiều nhóm trong các buổi triều yết chính thức mỗi ngày, và mỗi buổi triều yết đều có một thông điệp. Số đếm những từ của giáo hoàng hằng ngày có lẽ ngày nay ít hơn trước.

Đức Gioan Phaolô II cũng có một chuỗi các tài liệu chính liên tục; hiếm khi để sáu tháng trôi qua mà không có thông điệp, tông huấn hay tông thư nào để mời gọi học hỏi. Đức Giáo hoàng Phanxicô viết ít tài liệu hơn, nhưng với nội dung dài đáng kinh ngạc. Cả hai Tông huấn Evangelii Gaudium và Amoris Laetitia là những tài liệu giáo hoàng dài nhất từng được công bố trong lịch sử. Và điều này thậm chí không tính đến sự đóng góp của các viên chức cao cấp của Vatican. Chỉ trong 6 tháng vừa qua, không ít hơn 4 cuốn sách phỏng vấn các hồng y của Vatican đã được xuất bản.

Sự kiện này làm cho một phát ngôn viên của giáo hoàng có hiệu quả quan trọng hơn, chứ không kém hơn. Điều gì nên giữ và những gì nên bỏ qua? Điều gì đáng chú ý đặc biệt? Làm thế nào mà các tuyên bố rõ ràng trái ngược nhau phải được đối chiếu? Chúng ta thấy sự cần thiết và hiệu quả của người phát ngôn của giáo hoàng chỉ tuần trước, khi Đức Tổng Giám mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Sự sống, đã làm hỏng bản tuyên bố về trường hợp bé Charlie Gard ở London. Nhận định sai lầm cả về sự thật và lời dạy của Công giáo, Đức Tổng Giám mục Paglia đã tạo ra không ít nhầm lẫn về một đề tài chống lại. Với một lời nhắn (tweet) vào thứ Bảy và một tuyên bố hôm Chủ Nhật, phát ngôn viên hiện tại của giáo hoàng, Greg Burke, đã có thể nhanh chóng làm sáng tỏ lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô, do đó hạn chế thiệt hại từ sự can thiệp của vị tổng giám mục.

Navarro-Valls là người tiên phong. Sự cộng tác mật thiết của ông với ĐGH Gioan Phaolô sẽ không được lặp lại trong bất cứ triều đại nào khác. ĐGH Gioan Phaolô là người ngoại thường, vì ngài đã giao phó nhiệm chức giáo hoàng của ngài trong nhiều năm dài cho một số người chủ chốt vì thế có ảnh hưởng rất lớn: Tiến sĩ Navarro-Valls; Thư ký riêng, Giám mục Stanislaw Dziwisz; Chủ tịch Thánh bộ Giáo lý Đức tin, ĐHY Joseph Ratzinger; Tổng Đại diện Rôma, ĐHY Camillo Ruini.

Tuy nhiên, có những bài học cho ngày hôm nay từ ví dụ của Navarro-Valls.

Thứ nhất, người phát ngôn chỉ hiệu quả khi người ủy thác của ông cho phép. Một phát ngôn viên nếu không thường xuyên có quyền tiếp cận trực tiếp đức giáo hoàng sẽ rất bị hạn chế trong hiệu quả của mình. Phòng Báo chí Toà Thánh Vatican phải biết rằng người phát ngôn báo chí có đủ quyền tiếp cận với Đức Thánh Cha và lời tuyên bố của ông thực sự phản ánh tình hình thực tế, chứ không phải chỉ là bình luận của ông về vấn đề này. Khi Navarro làm sáng tỏ điều gì đó cho báo chí, họ biết rằng ông đang nói về tâm trí của Đức Thánh Cha. Đó không phải là trường hợp sau khi Navarro-Valls nghỉ hưu. Người kế nhiệm, Linh mục Dòng Tên Federico Lombardi là một con người thực sự lịch lãm, có thái độ nhân ái và tinh thần rộng lượng phục vụ Giáo Hội trong nhiều thời điểm khó khăn, nhưng cha không có quyền tiếp cận tương tự với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI hay Phanxicô. Vì vậy những nhận xét của cha thường bị coi là những nỗ lực xoay chuyển các sự kiện chứ không phải là một bài thuyết trình có thẩm quyền.

Thứ hai, về vấn đề thẩm quyền nghề nghiệp. Không cần thiết phải là nhà báo mới làm người phát ngôn hiệu quả, nhưng cần phải biết những gì các ký giả cần và họ nghĩ thế nào. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ định Greg Burke, như Navarro-Valls là một nhà báo kỳ cựu, phải lưu ý rằng bài học này phải được học. Mặc dù công việc chính của Navarro-Valls là ở Văn phòng Báo chí Toà Thánh, ông cũng là nhân vật chủ chốt trong việc đào tạo chuyên nghiệp cho nhân viên truyền thông của Giáo Hội tại Đại học Thánh Giá, Trường Đại học Opus Dei ở Rôma. Thật vậy, bằng một năng lực tuyệt vời, Navarro-Valls đã dẫn dắt đến một sự thay đổi toàn cầu trong cách Giáo Hội tiếp xúc với truyền thông. Các khoá học tại Đại học Thánh Giá là một biểu hiện thể chế của nó.

Thứ ba, người phát ngôn có hiệu quả nhất khi ông hiểu và có thể nói rõ tầm nhìn của Đức Giáo hoàng mà ông phục vụ, không chỉ là tin tức hằng ngày. Đó là một lý do khác tại sao Đức Giáo hoàng và người phát ngôn của ngài phải dành nhiều thời gian với nhau, để người phát ngôn có thể hiểu không chỉ những gì giáo hoàng nói mà còn là những gì giáo hoàng nghĩ thế nào.

Mặc dù tôi thường xuyên liên lạc với Navarro-Valls khi tôi đang là một thành viên của Văn phòng Báo chí Toà Thánh Vatican vào đầu những năm 2000, tôi chỉ có một cuộc trò chuyện kéo dài với ông không ghi vào hồ sơ vào năm 2006, không lâu sau khi ông nghỉ hưu. Chúng tôi đã nói chuyện về triều giáo hoàng mới của Đức Bênêđictô XVI. Chìa khoá để bảo vệ ngài là gì? Ông đã suy nghĩ cẩn thận một lúc và trả lời rằng Đức Thánh Cha đã thực sự tham dự vào "mục vụ chăm sóc trí tuệ". Đức Bênêđictô XVI là một học giả nhưng không vì lợi ích của riêng mình. Ngài là mục tử và chăm sóc mục vụ trí tuệ có nghĩa là chỉ ra một sự việc hướng tới một sự thật có thể biết được và do đó làm cho sự việc đó được yêu mến.

Thứ tư, Navarro-Valls là một giáo dân minh chứng rằng Giáo hội Công giáo không chỉ là hàng giáo phẩm. Sự kiện truyền thông của Giáo hội được trao phó thế giới ngày nay cho những người giáo dân có năng lực là một phần tác động của ông.

Thật là một thất vọng với nhiều người khi Navarro-Valls đã không viết một cuốn hồi ký đáng kể nào để đóng góp vào thành tích lịch sử của triều đại Đức Gioan Phaolô II. Có lẽ ông nghĩ quá nhiều về những gì ông thấy không thể viết ra mà không vi phạm sự trung tín. Có lẽ, người ta hy vọng, ông đã để lại những ghi chú mà có thể sau một khoảng thời gian thích hợp, sẽ sẵn sàng cho cả nhà báo và học giả. Navarro-Valls đã trải qua nhiều năm dài vun đắp những lời của Thánh Gioan Phaolô II. Hy vọng rằng ông đã để lại cho chúng ta một ít những gì cuối cùng của riêng mình.

Cao Nguyên
http://www.ncregister.com/daily-news/joaquin-navarro-valls-a-lesson-of-papal-service
In ngày: 20/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print