Print  
Tưởng niệm thảm kịch người tị nạn chết trên biển
Bản tin ngày: 07/10/2017   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Người tị nạn chết trên biển được an táng - ANSA
Italia tưởng niệm 4 năm thảm kịch 366 thuyền nhân tỵ nạn chết đuối ngoài khơi đảo Lampedusa, cực nam Italia, ngày 03.10.2013 và đồng thời cũng tưởng niệm trên 15.000 người di cư tị nạn đã bỏ mình hoặc mất tích trên biển cả từ ngày ấy đến nay.

Ngày 03.10.2013, một con tàu chở đầy chật người di cư tị nạn đã bốc cháy và chìm vào biển sâu chỉ trong nháy mắt vì người trên thuyền đốt lửa cầu cứu khi nhìn thấy đảo. Hình ảnh hàng trăm quan tài xếp hàng dài đã đánh động tâm thức các nước Tây Âu và từ đó đã phát sinh những chiến dịch cứu người vượt biển. Tuy nhiên, những thảm kịch như thế vẫn không ngăn cản được làn sóng vượt biển.

Mặc dù các chiến dịch cứu người với hàng chục con tàu dọc ngang ngoài khơi vùng duyên hải Lybia, vẫn còn hơn 15.500 người đã mất mạng hoặc mất tích trên đường vượt biển từ 4 năm nay, khiến cho vùng biển này được mệnh danh là con đường tử thần. Và số người muốn vượt biển cũng không sút giảm, bất chấp hiểm nguy đe doạ và bất chấp các tổ chức tội phạm buôn người.

Trong một thông cáo công bố hôm thứ ba 03.10, Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia hãy dành ưu tiên tuyệt đối cho việc cứu mạng người tị nạn trên Địa Trung Hải. Cần phải mở rộng và làm cho cụ thể hơn những nỗ lực đề ra những con đường hợp pháp và hữu hiệu dành cho những người trốn chạy chiến tranh bạo lực và bách hại, có thể tìm đến một nơi trú ẩn an toàn thay vì phải cậy nhờ đến các nhóm buôn người.

Đã có nhiều nghi thức tưởng niệm thuyền nhân bỏ mạnh trên Địa Trung Hải. Sáng mồng 03.10, Chủ tịch Thượng viện Italia, ông Pietro Grasso, đã cùng một số thuyền nhân sống sót trong vụ đắm tàu 4 năm trước đây ném vòng hoa tưởng niệm xuống vùng biển ngoài khơi đảo Lampedusa, trong khi hàng chục con tàu hiện diện kéo còi hụ vang.

ĐTC Phanxicô đã gửi một sứ điệp đến Quỹ Thiện nguyện O’Scia ở Lampedusa để ca ngợi hoạt động cứu người tị nạn từ nhiều năm nay của Hiệp hội này. Sứ điệp mang chữ ký của ĐHY Quốc vụ khanh Pietro Parolin, trong đó có đoạn viết: "Cầu mong sao cho ý thức của mọi người, tín hữu cũng như bao nhiêu người nam nữ thiện chí, biết cảm nhận sự cấp thiết phải quảng đại và khôn ngoan đáp lại những thách đố của làn sóng người di cư tị nạn đề ra."



Mai Anh
RV
In ngày: 04/05/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print