Print  
'Vị Giáo hoàng mỉm cười' Albino Luciani là ai?
Bản tin ngày: 18/11/2017   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
ĐGH Gioan Phaolô I
TT (Vatican City, ngày 17/11/2017, CNA/EWTN News, Elise Harris) - Tuần trước đấng đáng kính Albino Luciani, được biết đến nhiều hơn với tên gọi là Giáo hoàng Gioan Phaolô I, đã có bước kế tiếp trên tiến trình phong thánh. Tuy nhiên, ngoài những truyền thuyết thời danh khác nhau thu thập được do tính chất bí ẩn của cái chết của ngài, ít người được biết đến đời sống thánh thiện và triều đại giáo hoàng ngắn ngủi của ngài.

Sinh ngày 17 tháng 10 năm 1912 ở vùng Veneto, miền bắc nước Ý, Albino Luciani, được biết đến như là "Giáo hoàng mỉm cười", đã được bầu làm Giám mục Roma ngày 26 tháng 8 năm 1978. Ngài đã lập nên lịch sử khi trở thành vị giáo hoàng đầu tiên sử dụng tên kép, lấy tên từ hai vị tiền nhiệm ngay trước đó của ngài, Thánh Gioan XXIII và Chân phước Phaolô VI. Ngài đã tạo nên cơn sóng chấn động trên toàn thế giới khi ngài bất ngờ qua đời chỉ 33 ngày sau đó, làm cho triều đại giáo hoàng của ngài là một trong những triều đại ngắn nhất trong lịch sử của Giáo hội. Ngoài tính mới lạ về danh hiệu của ngài và sự ngạc nhiên về cái chết của ngài, Luciani cũng là vị Giáo hoàng đầu tiên được sinh ra vào thế kỷ 20, và cũng là vị Giám mục Rôma người Ý mới nhất.

Tuy nhiên, đằng sau tất cả sự mới lạ trong một tháng trước khi ngài qua đời và sự bí ẩn về những gì đã xảy ra, ĐGH Gioan Phaolô I đã được ca ngợi là một con người khiêm nhường và giản dị phi thường, với một cam kết vững chắc trong việc tiến hành những công cuộc cải cách do Công đồng Vatican II đề ra và giải thích những khái niệm phức tạp của Hội Thánh theo một cách mà mọi người có thể hiểu.

Cuộc sống và gia thế


Đến từ vùng phía bắc Italy, sát ranh giới với nước Áo, Luciani lớn lên với những người từ mọi nền văn hoá và nguồn gốc. Khu vực này có mức người nhập cư cao và các phong trào Công giáo hoạt động mạnh mẽ. Luciani lớn lên trong môi trường có những linh mục có nhận thức về xã hội và sự liên quan với các tín hữu.

Mặc dù mọi nhu cầu cơ bản của gia đình ngài tương đối đầy đủ, Luciani lớn lên trong cảnh nghèo và thân phụ ngài đã dành hầu hết thời gian để làm việc. Tuy nhiên, theo Stefania Falasca, phụ tá cáo thỉnh viên cho tiến trình phong thánh, nền tảng này đã làm cho vị Giáo hoàng tương lai có "một hành trang văn hoá lớn" mà ngài có thể mang theo trong những nỗ lực khác của ngài.

Thụ phong linh mục cho Giáo phận Belluno e Feltre ngày 7/7/1935 ở tuổi 22, Luciani làm giám đốc chủng viện giáo phận trong 10 năm. Cha đã dạy các khoá học khác nhau trong suốt nhiệm kỳ, bao gồm Thần học và Đạo đức học, Giáo luật, và Nghệ thuật Thánh. Năm 1941, ngài nhận được bài sai từ Chân phước Piô XII để tiếp tục giảng dạy trong khi theo học tiến sĩ về thần học thánh từ Đại học Giáo hoàng Gregorian. Ngài được đặt làm Giám mục của Vittorio Veneto bởi Thánh Gioan XXIII vào năm 1958. Năm 1969, ngài được đặt là Thượng phụ Venice bởi Chân phước Phaolô VI. Ngài được bổ nhiệm làm hồng y vào năm 1973, và 5 năm sau ngài được bầu làm Giám mục Rôma.

Văn học cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành của Luciani. Theo Falasca, ngài đã có một thư viện đầy ắp những cuốn sách bằng các ngôn ngữ khác nhau và đặc biệt thích văn học Anh-Mỹ. Mặc dù ngài biết tiếng Anh, Pháp, Đức và Nga, các tác giả mà ngài yêu thích đến từ thế giới Anglo và bao gồm các tác giả như G.K. Chesterton, Willa Cather và Mark Twain. Khi còn là hồng y, ngài đã viết cuốn sách có tựa đề "Illustrissimi", là một loạt các bức thư viết cho nhiều nhân vật lịch sử và hư cấu, bao gồm Chúa Giêsu, Vua David, Figaro thợ cắt tóc, Nữ hoàng Áo Maria Theresa Habsburg, Pinocchio, Mark Twain, Charles Dickens và Christopher Marlowe.

Đức Luciani được ĐGH Phaolô VI coi là "một trong những nhà thần học tiên tiến nhất" vào thời đó và được đánh giá cao vì ngài không chỉ biết thần học, mà còn biết cách giải thích nó. Sự rõ ràng mà ngài có "rất được quan tâm ngay trong số các giám mục Ý. Ngài được coi là cây bút sáng nhất nhờ 'hành trang văn ho' này, vốn biết cách tổng hợp bằng một văn bản rất tinh tế, nhưng rõ ràng và đầy đủ các tài liệu tham khảo." Luciani, có "một ngôn ngữ dễ hiểu" trong văn bản của ngài, được kết hợp với "một sự chuẩn bị thần học vững chắc", làm cho ngài trở nên đáng tin cậy và dễ tiếp cận.á

Giáo hoàng - 'một Tông Đồ Công Đồng'

Đức Gioan Phaolô I trên hết là "người con của Công đồng". Luciani "đã dịch và truyền đạt các chỉ thị một cách tự nhiên và đơn giản... Vì vậy, ngài là một tông đồ của Công đồng theo nghĩa này". "Ngài giải thích Công đồng và đưa ra thực hành thực tế, ngài đưa các huấn thị vào hành động một cách tinh vi". Đó là sự mong muốn để đưa Công đồng tiến tới nhằm thành lập cơ sở cho những ưu tiên của ngài trong suốt 33 ngày tại vị. Trong số những ưu tiên này là một "cảm nhận canh tân sứ mệnh" của Giáo Hội, đối với Luciani, để hoàn thành sứ mệnh này, điều quan trọng là "quay lại với các nguồn Tin Mừng". Điều này, đối với Luciani, là ý nghĩa của Công đồng. Và đối với ngài, quay lại với các nguồn Tin Mừng có nghĩa là "truyền bá Tin Mừng cách đơn giản và phù hợp với chức vụ của mình". Thêm vào sứ mệnh đó, Đức Gioan Phaolô I cũng nhấn mạnh cách đặc biệt về sự nghèo đói thiêng liêng trong Giáo Hội và tìm kiếm hòa bình và đại kết. Đối thoại Đại kết là những chủ đề mà Luciani cảm thấy là "một nhiệm vụ góp phần vào việc trở thành Kitô hữu".

Sự tham dự của giám mục đoàn cũng là một chủ đề chính cho Luciani, và nó là chủ đề trong văn bản duy nhất của ngài đóng góp vào Công đồng năm 1963. Luciani cũng quan tâm mạnh mẽ vào lòng thương xót, Falasca nói và giải thích rằng bằng nhiều cách, ngài "là vị Giáo hoàng của lòng thương xót" xuất sắc, và được biết đến với thái độ thân thiện và ấm cúng của ngài. Những ưu tiên này có thể được nhìn thấy rõ ràng trong 4 cuộc tiếp kiến chung của Đức Gioan Phaolô I trong triều đại giáo hoàng, với các chủ đề nghèo đói, đức tin, hy vọng và lòng bác ái. Và cách ngài nói về những chủ đề này trong "cách tiếp cận ngôn ngữ đơn giản của ngài đã để lại "một ký ức không thể xoá nhoà trong Dân Chúa". Đức Gioan Phaolô I đã lay động dân chúng với cách nói bình thường và tự nhiên của ngài với tín hữu. Luciani đã đưa chất lượng này trong các văn bản rất lâu trước khi khởi sự sứ vụ triều đại của ngài. Năm 1949, ngài đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình có tựa đề "Những mảnh vụn về Giáo lý", tập trung vào cách giảng dạy những chân lý thiết yếu của đức tin một cách đơn giản và trực tiếp.

Qua đời

Khi Đức Gioan Phaolô I qua đời 33 ngày sau cuộc bầu cử, cái chết đột ngột và bất ngờ của ngài đã dẫn đến các lý thuyết âm mưu khác nhau rằng Luciani đã bị ám sát. Tuy nhiên, trong cuốn sách có tiêu đề "Gioan Phaolô I: Biên niên tử" xuất bản vào ngày 7/11/2027 trùng với việc tuyên bố nguyên nhân tiến hành phong thánh cho Luciani, Falasca xua tan những lý thuyết âm mưu đó bằng cách trưng dẫn các bằng chứng thu thập được về cái chết của Đức Gioan Phaolô I trong khi nghiên cứu cho nguyên nhân phong thánh của ngài. Trong cuốn sách, chị kể lại buổi tối trước khi qua đời, Đức Luciani cảm thấy rất đau đớn trong ngực kéo dài khoảng 5 phút, một triệu chứng của vấn đề về tim, xảy ra trong lúc ngài đang cầu nguyện kinh chiều với vị thư ký người Ireland của ngài, Đức ông John Magee, trước bữa tối. Đức Giáo hoàng bác bỏ đề nghị gọi bác sĩ khi cơn đau giảm xuống, và bác sĩ của ngài, Renato Buzzonetti, chỉ được thông báo về vụ nạn sau khi ngài qua đời.

Nhân đức Anh hùng


Nhân đức chính của Luciani là khiêm nhường, đó là "căn bản mà không có nó bạn không thể đến với Thiên Chúa được". Sự khiêm tốn "đã thấm đượm trong ngài và ngài hiểu nó như là cách duy nhất để đến với Đấng Kitô". Mối quan hệ của Luciani với Chúa cũng hiển nhiên theo cách mà ngài đã nói về Thiên Chúa, ngài đã có thể làm cho tình yêu của Thiên Chúa gần gũi với mọi người và mọi người cảm thấy được tình yêu đó. Falasca nói rằng cô tin rằng ngài là một mô hình lý tưởng cho hàng linh mục. Trong chiều kích này, cô nhớ lại trong suốt thời gian làm việc về án phong thánh cho Đức Luciani, nhiều linh mục trẻ đã nói rằng họ cảm thấy tiếng gọi về ơn gọi của họ khi họ nhìn thấy cuộc bầu cử của ngài trên truyền hình.

Một dấu hiệu khác của sự thánh thiện của ngài là "danh tiếng hồn nhiên" phát triển theo thời gian, và là một "dấu hiệu đặc biệt" trong việc xác định phẩm chất anh hùng của một người. "Danh tiếng về sự thánh thiện là điều kiện 'sine quo non' (không thể không có) để mở ra nguyên nhân phong thánh; phải có tiếng tốt, và Luciani có nhiều những điều ấy, và ngài có những điều ấy không theo cách giả tạo".

Trong 40 năm qua, nhiều người cầu nguyện với ngài và tiếp tục thăm viếng thị trấn quê nhà của ngài, bởi vì mọi người bị thu hút bởi "sự lôi cuốn của ngài". "Ngài đã chiếm được trái tim của nhiều người trong bối cảnh hiện đại, sự gần gũi của ngài với dân chúng trong thời của ngài với sự đơn giản và sự giao tiếp quen thuộc". Luciani đã mở ra "một kỷ nguyên mới với sự hiện diện và thể hiện sứ vụ Ngai toà Thánh Phêrô... bẳng sự lôi cuốn của ngài, sứ vụ làm thế nào để kết hợp trong tổng hợp cách hoàn hảo, theo quan điểm của tôi, cái gì là cũ và cái gì là mới". Ngài cũng sống trong cảm nghiệm phi thường về tình trạng nghèo khó theo tinh thần Phúc Âm, và có một "sự trung tín cực độ đối với Tin Mừng trong những hoàn cảnh và tình trạng mà ngài chấp nhận".

Trong lời chứng được đưa ra để làm tài liệu về nguyên nhân phong thánh cho Đức Luciani, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng khi Luciani xuất hiện trên ban công đền thờ trong y phục trắng của giáo hoàng sau cuộc bầu cử, "tất cả chúng tôi đều ấn tượng với sự khiêm tốn và lòng nhân hậu của ngài. Ngay cả trong bữa ăn, ngài cùng ngồi chung với chúng tôi. Vì vậy, nhờ mối liên hệ trực tiếp chúng tôi lập tức hiểu rằng đúng là vị Giáo hoàng đã được bầu".

Chúng từ của Đức Bênêđictô XVI liên quan đến ĐGH Gioan Phaolô I gồm 4 trang dài và là một trong những tài liệu có trong cuốn sách của Falasca. Trong bình luận của cô với CNA, cô nói họ dự định phỏng vấn ngài vào năm 2005 khi ngài còn là hồng y, nhưng ngài được bầu làm giáo hoàng trùng ngày ngài có lịch cho cuộc phỏng vấn, và trên cương vị giáo hoàng, ngài là người thẩm định về nguyên nhân phong thánh, nên ngài không được phép đưa ra chứng từ này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định về một vị giáo hoàng đã nghỉ hưu, vì thế khi Đức Benedict XVI từ chức vào năm 2013, Falasca và nhóm của cô đã thúc đẩy nguyên nhân phong thánh cho Đức Luciani, tiếp nhận chứng từ mà hiện đã được xuất bản trong cuốn sách của cô.

Trong chứng từ của mình, Đức Bênêđictô XVI nhớ lại rằng lần đầu tiên ngài gặp Luciani là người sau này là Thựơng phụ thành Venice. Ngài cùng với anh trai của ngài, Đức ông Georg Ratzinger, đã quyết định đến thăm chủng viện ở Bressanone cho kỳ nghỉ hè vào tháng 8 năm 1977, ngay sau khi ngài trở thành giám mục. Đức Luciani đến thăm anh em ngài sau khi biết được chuyến thăm của họ, và đi ra ngoài để làm điều này trong cơn nóng bức của tháng Tám "là một biểu hiện của một bậc vị vọng tộc tinh thần đã vượt xa mọi sự thường", Đức Bênêđictô viết. "Sự thân thiện, đơn giản và nhân hậu mà ngài biểu hiện với tôi là ấn tượng và không thể xóa mờ trong trí nhớ của tôi."

Đức Bênêđictô nói rằng ngài đã bị sốc khi nhận được tin về cái chết của Đức Gioan Phaolô I vào giữa đêm và ban đầu ngài không tin vào điều đó, nhưng từ từ chấp nhận tin tức trong Thánh lễ vào ngày hôm sau, trong đó những người tham dự thánh lễ đã cầu nguyện cho "Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I đã qua đời".

Nói về triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô I, Đức Bênêđictô XVI lưu ý rằng năm 1978 rõ ràng là "Giáo hội sau công đồng đã trải qua một cuộc khủng hoảng to lớn và gương mặt tốt lành của Đức Gioan Phaolô I, một người can đảm dựa trên niềm tin, trở thành dấu hiệu của hy vọng". Và gương mặt này còn thể hiện "sứ điệp" cho Giáo hội ngày nay. Đức Bênêđictô XVI cũng lưu ý rằng trong những bài diễn văn công khai khác nhau mà Luciani đã đưa ra, cho dù đó là buổi tiếp kiến chung hay buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật, vị giáo hoàng quá cố "đã nói nhiều lần bằng môi miệng và trái tim, chạm vào người ta một cách trực tiếp hơn".

Luciani thường gọi những đứa trẻ đến với ngài trong các buổi tiếp kiến chung để hỏi chúng về đức tin của chúng, Đức Bênêđictô XVI kể và giải thích rằng "sự giản dị và tình yêu của ngài dành cho những người giản đơn đã thuyết phục. Tuy nhiên, đằng sau sự đơn giản đó là một sự hình thành tuyệt vời và phong phú, đặc biệt là về loại văn học".

Cho đến nay đã có hàng trăm ân sủng và ân huệ được ghi lại từ những người cầu nguyện với Đức Luciani, và đã có 2 phép lạ đang được nghiên cứu và được xem xét cho việc phong chân phước và phong thánh cho ngài. Falasca cho biết hiện tại họ đang cố gắng để quyết định nên trình bày phép lạ nào trước.

Cao Nguyên
https://www.catholicnewsagency.com/news/who-was-albino-luciani-the-smiling-pope-72178
In ngày: 28/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print