Print  
Kinh Lạy Cha đã dẫn đưa người Bắc Triều Tiên đến tự do
Bản tin ngày: 10/02/2018   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Ji Seong ho tại Tòa Quốc Hội Hoa Kỳ trong buổi diễn văn Liên Bang của TT Trump.
TT (Washington DC, 9/2/2018, CNA/EWTN News, Courtney Grogan) - "Trước khi trốn thoát, khi Seong Ho đang bị các quan chức Triều Tiên tra tấn, có một điều khiến anh không bị mất hy vọng: anh lặp đi lặp lại Kinh Lay Cha", đó là những lời Tổng thống Donald Trump nói trong bài phát biểu của ông trong bữa ăn sáng cầu nguyện quốc gia năm 2018 tại Washington, DC vào hôm thứ Năm. Sự dũng cảm và lòng tin của Seong Ho cũng đã được Tổng thống Trump đề cao trong bài phát biểu về Liên bang vào tháng Giêng.

Nhiều người đào thoát Bắc Triều Tiên như Ji Seong Ho đã gặp niềm tin Kitô qua các nhà truyền giáo là những người tổ chức đường ray ngầm giúp họ trốn sang Trung Quốc, nơi họ vẫn phải đối mặt với nguy cơ liên tục bị hồi hương trở lại Bắc Triều Tiên. Cuộc hành trình với các nhà truyền giáo thường dẫn đến sự cải đạo cho những người đào thoát. Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Jin-Heon Jung có tựa đề là "Đường sắt ngầm chuyển đổi Kitô giáo" vào năm 2015, có tới 80%-90% người Bắc Triều tiên vượt qua đường ray ngầm xác định là người theo Thiên chúa giáo sau khi đến Hàn Quốc.

Một nhà thờ Công giáo ở Seoul (Hán Thành) đã làm phép rửa tội cho 60 người đào thoát Bắc Triều Tiên trong một ngày vào tháng 6 năm 2016, sau khi Cha Raymond Lee Jong-nam dạy giáo lý và giúp họ chuyển sang sống tại Hàn Quốc. "Tôi cảm ơn Cha Lee vì đã chỉ cho chúng tôi thấy tình yêu sâu sắc như người cha của chúng tôi và tôi sẽ sống cuộc sống mới này trọn vẹn trong nhà thờ này", một người Bắc Triều Tiên mới được rửa tội nói với Liên hiệp Thông tấn Công giáo Á châu (Union of Catholic Asian News).

Ji Seong Ho, người có câu chuyện đã thu hút được sự quan tâm của quốc gia khi anh giơ cao đôi nạng của mình một cách chinh phục trong bài diễn văn Liên bang của Tổng thống hồi tuần trước, nói với EWTN rằng Kinh lạy Cha tồn tại trong tâm trí suốt thời gian trốn thoát của anh. "Tôi đã cầu nguyện rất nhiều lên Thiên Chúa của tôi... Tôi bắt đầu cầu xin cứu tôi, giải thoát tôi", anh nói.

Ji đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên vào năm 2006 bằng cách vượt sông Tumen vào Trung Quốc, và sau đó là hành trình dài 6214 dặm (10,000km) xuyên qua Trung Quốc, Lào, Miến Điện và Thái Lan để đặt chân đến Nam Triều Tiên trên đôi nạng do một bi kịch trước đó để lại cho anh một chân bị cụt. Giờ đây, anh đã đạt được tự do, Ji Seong-ho nói rằng anh cảm thấy được Chúa kêu gọi để giải cứu những người tị nạn Bắc Triều Tiên khác. "Tình yêu của Thiên Chúa cần phải được chuyển tải đến người dân Bắc Triều Tiên và linh hồn Bắc Triều Tiên cần được cứu độ của Thiên Chúa. Dưới sự tin tưởng này, tôi đang làm những gì tôi đang làm", anh nói.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, hơn 31.000 người đào thoát Bắc Triều Tiên đã vào Hàn Quốc từ năm 1998. Tuy nhiên, số người Bắc Triều Tiên đến được miền Nam hằng năm đã giảm kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nắm giữ quyền lực và phá vỡ các nhà truyền giáo Kitô giáo. Theo số liệu của Bộ Thống nhất, năm ngoái con số này thấp nhất đối với việc Bắc Triều Tiên đào tị tới Hàn Quốc kể từ năm 2001. Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đối với hơn 25 triệu người còn ở lại Bắc Triều Tiên, họ bị vi phạm nhân quyền rất nhiều.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Heather Nauert, phát biểu hôm 6/2/2018: "Chế độ Triều Tiên bắt giữ hơn 100.000 người, bao gồm cả trẻ em trong các trại tù chính trị, nơi xảy ta tình trạng hành quyết, tra tấn, bạo lực tình dục, đói khát và các hành vi lạm dụng tồi tệ khác theo chỉ đạo của Kim Jong Un."

Triều Tiên luôn được xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất vì đàn áp các Kitô hữu, theo Open Doors. "Giáo phận Công giáo Bình Nhưỡng bị bỏ trống và vị giám mục cuối cùng được bổ nhiệm vào tháng 3 năm 1944. Không có giáo sĩ Công giáo bản địa ở Bắc Triều Tiên, nhưng thỉnh thoảng các linh mục ghé thăm thường cử hành Thánh lễ. Năm 2008, Cha Paul Kim Kwon-soon, một tu sĩ Dòng Phanxicô Nam Hàn, là linh mục đầu tiên được phép cư trú", theo Hội Trợ giúp Các Giáo hội có Nhu cầu của Anh Quốc báo cáo.

Một linh mục người Pháp, Cha Philippe Blot, đã đến Bắc Hàn nhiều lần. Ngài đã nói chuyện với người Paris tại Nhà thờ Đức Bà vào tháng 4 năm 2017 về quan điểm của ngài về một đất nước sàng lọc các Kitô hữu để bị tra tấn và hành quyết. "Là một nhà truyền giáo và là một linh mục Công giáo, tôi đang nói ở đây thay mặt cho tất cả những người Hàn Quốc đã hơn 60 năm sống trên con đường dài nhất của Thập tự giá trong lịch sử loài người." Cha Philippe đã yêu cầu người Công giáo cầu nguyện "hăng hái mỗi ngày cho những người bị đóng đinh này".

Cao Nguyên
https://www.catholicnewsagency.com/news/how-the-lords-prayer-led-this-north-korean-defector-to-freedom-89405
In ngày: 24/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print