WHĐ (02.04.2018) – Trưa Chúa Nhật 01-04-2018, sau Thánh lễ Phục sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Sứ điệp Phục sinh cùng với Phép lành Urbi et Orbi (cho thành Roma và cho toàn thế giới), từ ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô.
ĐTC xuất hiện trên ban công chính của Đền thờ Thánh Phêrô, giữa tiếng vỗ
tay hân hoan của các tín hữu, trong khi ban nhạc của quân đội Italia và
tòa thánh trổi quốc thiều Vatican và Italia. Hai vị Hồng y phó tế tháp
tùng ĐTC là ĐHY Renato Martino, trưởng đẳng phó tế, nguyên là Chủ tịch
Hội đồng Toà Thánh Công lý và Hoà bình, và ĐHY Raffaele Farina, Dòng Don
Bosco, nguyên là thư viện trưởng và văn khố trưởng của Toà Thánh
Vatican.
Trong Sứ điệp, Đức Thánh Cha diễn tả mầu nhiệm Phục sinh qua hình ảnh hạt lúa chịu chết đi để sinh nhiều hoa trái. Chúa Giêsu là hạt lúa được Thiên Chúa gieo vào lòng đất đã bị tội lỗi của thế gian giết chết, nhưng Người đã phục sinh và mang lại biết bao hoa trái: hoa trái hoà bình, hoà giải, hy vọng, đối thoại, an ủi, khôn ngoan…
Nguyện xin cho những hoa trái ấy đến với toàn thế giới, những miền đất đang có chiến tranh, xung đột… đến với mọi người, người già và trẻ em, những người bị bóc lột và loại trừ, nghèo đói và thất nghiệp, những nạn nhân của nạn buôn bán ma tuý, buôn người, những người bị buộc rời bỏ quê hương mình, người tị nạn…
AYE_GIUASau đây là toàn văn Sứ điệp Phục sinh của Đức Thánh Cha:
***
Anh chị em thân mến,
Chúc anh chị em mừng Lễ Phục Sinh trong hân hoan!
Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.
Sứ điệp này vang lên trong Giáo hội ở khắp thế giới, cùng với bài ca Alleluia: Đức Giêsu là Chúa; Chúa Cha đã cho Người sống lại và Người sống mãi giữa chúng ta.
Chúa Giêsu đã báo trước cái chết và sự sống lại của Người qua hình ảnh hạt lúa. Người nói: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,24). Và đây chính là điều đã xảy ra: Chúa Giêsu, hạt lúa được Thiên Chúa gieo vào lòng đất, đã chết đi, đã bị tội lỗi của thế gian giết chết. Người ở trong mộ hai ngày; nhưng cái chết của Người chứa đựng tình yêu của Thiên Chúa với tất cả quyền năng, quyền năng ấy được bày tỏ và biểu lộ vào ngày thứ ba, ngày mà chúng ta cử hành hôm nay: Lễ Phục Sinh của Chúa Kitô.
Người Kitô hữu chúng ta tin và biết rằng sự sống lại của Đức Kitô là niềm hy vọng thật của thế giới, niềm hy vọng không làm cho chúng ta thất vọng. Đó là sức mạnh của hạt lúa, sức mạnh của tình yêu tự hạ và tự hiến đến cùng, và do đó thực sự đổi mới thế gian. Ngày nay sức mạnh này vẫn còn tiếp tục sinh hoa trái trong lịch sử của chúng ta, vốn mang đậm dấu ấn của biết bao bất công và bạo lực. Sức mạnh ấy mang lại những hoa trái hy vọng và phẩm giá cho những nơi còn bóc lột và loại trừ, nghèo đói và thất nghiệp, những nơi có người di cư và người tị nạn (họ vẫn thường bị xua đuổi vì nền văn hoá vất bỏ ngày nay), nơi có nạn nhân của nạn buôn bán ma tuý, buôn người và các hình thức nô lệ của thời nay.
Hôm nay chúng ta cầu xin cho toàn thế giới được hưởng hoa trái hoà bình, trước hết là đất nước Syria yêu quý và đau khổ đã lâu, dân tộc này đã kiệt sức vì cuộc chiến tranh dường như không có hồi kết. Trong ngày lễ Phục sinh này, xin cho ánh sáng của Chúa Kitô Phục sinh soi sáng lương tâm các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự, để họ chấm dứt ngay cuộc tàn sát đang diễn ra, tôn trọng luật nhân đạo và tạo điều kiện giúp cho các anh chị em của chúng ta dễ dàng nhận được những trợ giúp tối cần thiết, đồng thời cũng bảo đảm các điều kiện phù hợp để những người di tản hồi hương.
Chúng ta cầu xin hoa trái hoà giải cho Thánh Địa, trong những ngày này đang chịu những vết thương của cuộc xung đột đang diễn ra - cuộc xung đột không tha cả những người vô phương tự vệ; cho Yemen và cho toàn vùng Trung Đông, để cuộc đối thoại và tôn trọng lẫn nhau vượt lên chia rẽ và bạo lực. Xin cho những người anh chị em của chúng ta trong Chúa Kitô, là những người thường xuyên gánh chịu áp bức bách hại, trở nên chứng nhân sáng ngời cho Chúa Phục sinh và cho chiến thắng của sự thiện đối với sự ác.
Trong ngày này, chúng ta cầu xin những hoa trái hy vọng cho những ai đang khao khát một cuộc sống xứng đáng hơn, nhất là những người ở các khu vực của châu Phi đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn đói, các cuộc xung đột kéo dài và nạn khủng bố. Nguyện xin bình an của Chúa Phục sinh chữa lành những vết thương ở Nam Sudan, mở rộng những cõi lòng để đối thoại và hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta không quên những nạn nhân của xung đột, nhất là các trẻ em! Ước mong sẽ không thiếu tình liên đới cho tất cả những ai bị buộc phải rời bỏ quê hương và thiếu những điều cần thiết cho cuộc sống.
Chúng ta cầu xin cho cho bán đảo Triều Tiên được hưởng hoa trái của đối thoại, để các cuộc thảo luận đang tiến hành thúc đẩy hoà hợp và hoà bình tại khu vực này. Xin cho những người có trách nhiệm trực tiếp biết hành động cách khôn ngoan và biết phân định để gia tăng thiện ích cho người dân Triều Tiên và xây dựng những mối quan hệ tin tưởng trong cộng đồng quốc tế.
Chúng ta cũng cầu xin cho Ukraina được hưởng hoa trái hoà bình, để các bước tiến tới hoà hợp được củng cố và dễ dàng thực hiện nhờ các sáng kiến nhân đạo mà người dân đang cần đến.
Chúng ta cũng cầu xin cho người dân Venezuela được hưởng những hoa trái an ủi; như các giám mục của họ đã viết, họ đang sống trong một thứ “miền đất xa lạ” trên chính quê hương của mình. Xin cho quốc gia này, nhờ sức mạnh phục sinh của Chúa Giêsu, tìm được một phương cách chính đáng, hoà bình và nhân đạo để sớm vượt qua những khủng hoảng chính trị và nhân đạo đang đè nặng. Xin cho những người dân Venezuela bị buộc phải rời bỏ quê hương mình được đón tiếp và trợ giúp.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh mang lại những hoa trái của đời sống mới cho các trẻ em - do hậu quả của chiến tranh và đói nghèo, chúng lớn lên mà không có niềm hy vọng, thiếu giáo dục và chăm sóc sức khoẻ; và cho những người già bị nền văn hoá ích kỷ gạt bỏ - nền văn hoá chỉ đề cao “sản xuất”.
Chúng ta cũng khẩn cầu cho những người có trách nhiệm chính trị trong thế giới chúng ta có được những hoa trái khôn ngoan, để họ luôn tôn trọng phẩm giá con người, tích cực dấn thân theo đuổi công ích và bảo đảm cho các công dân của họ được phát triển và an ninh.
Anh chị em thân mến,
Lời mà các phụ nữ đã nghe ở mộ cũng được gửi đến cho chúng ta: “Sao các bà lại tìm người sống nơi người chết? Người không có ở đây, Người đã sống lại rồi.” (Lc 24,5-6). Cái chết, nỗi cô đơn và sợ hãi không phải là tiếng nói cuối cùng. Có một lời vượt trên những điều ấy, lời mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói lên: đó là lời Phục sinh (x. Gioan Phaolô II, Huấn từ kết thúc Chặng đàng Thánh giá, 18/04/2003). Nhờ quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, lời ấy “xua đuổi điều xấu xa, rửa sạch lỗi lầm, trả lại sự trong trắng cho người có tội và niềm vui cho người sầu khổ, phá tan hận thù, mang lại hoà thuận và khuất phục kẻ quyền uy” (Lời công bố Phục sinh).
Chúc anh chị em mừng Lễ Phục Sinh trong hân hoan!