ĐHY Tổng trưởng Bộ Truyền giáo kêu gọi Giáo hội Trung Quốc đoàn kết
VATICAN - ĐHY Ivan Dias, người Ấn Độ, Tổng trưởng Bộ Truyền giáo, đã gửi thư ngày 5-7-2010 cho Hàng Giám mục và Linh mục tại Trung Quốc, nhiệt liệt khích lệ các vị tăng cường tình hiệp nhất với Đức Thánh Cha, với nhau và giữa các cộng đoàn Giáo Hội.
Thư được Hãng tin Fides của Bộ Truyền giáo công bố tại Rôma ngày 29-7-2010, trong đó ĐHY khẳng định rằng bách hại không phải là nguy hiểm lớn nhất đối với Giáo Hội, nhưng chính là những gì gây ô nhiễm cho đức tin và đời sống Kitô. “Một trong hậu quả tiêu biểu do hoạt động của Ma Quỷ là sự chia rẽ trong cộng đoàn Giáo Hội”.
ĐHY Tổng trưởng cũng cảnh giác các linh mục lo làm giàu và tìm công danh sự nghiệp, trái ngược với sứ vụ của linh mục. Sau đây là bản dịch nguyên văn thư của ĐHY Dias.
Anh em rất thân mến trong chức Giám mục và Linh mục của Chúa Giêsu Kitô, Vị Thượng Tế đời đời,
Bình an ở cùng anh em!
Việc cử hành Năm Linh Mục mới kết thúc thúc đẩy tôi gửi đến anh em lời chào huynh đệ nồng nhiệt và khích lệ anh em trong công tác mục vụ cam go anh em đang thực hiện như những mục tử đoàn chiên mà Chúa đã uỷ thác cho anh em tại đất nước cao quý. Tôi muốn đích thân nói với anh em những điều này và lắng nghe những vui mừng và đau khổ của anh em, cũng như những hy vọng anh em đang nuôi dưỡng, và các thách đố anh em đang đương đầu hằng ngày. Các chứng từ và sứ điệp của anh em gửi đến Bộ Truyền giáo này mang lại cho chúng tôi nhiều an ủi và thúc đẩy chúng tôi dâng lên Chúa những lời khẩn nguyện sốt sắng xin Chúa ban cho anh em ngày càng vững mạnh hơn trong đức tin và nâng đỡ anh em trong những cố gắng truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu tại Quốc gia yêu quý.
Nghĩ đến tấm gương rạng ngời của Thánh Gioan Maria Vianney, Cha Sở họ Ars, đã được nhắc đến rất nhiều trong Năm Linh Mục, trước tiên với tất cả lòng khiêm tốn, chúng ta nhìn nhận rằng mình được Chúa Giêsu kêu gọi “để không còn là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu của Chúa” (x. Ga 15,15) không phải vì công trạng của chúng ta, nhưng do lòng từ bi vô biên của Chúa. Chúa đã ban cho chúng ta phẩm giá cao trọng là trở thành Alter Christus (Chúa Kitô thứ hai) và thành những thừa tác viên của Lời Chúa, Mình và Máu Thánh Chúa và Ơn Tha Thứ của Ngài. Chúng ta luôn nhớ lời Chúa: “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con và thiết định để các con ra đi và mang lại hoa trái và để hoa trái của các con tồn tại” (Ga 15,16).
Chính vì linh mục là một Alter Christus - đúng ra là chính Chúa Kitô, nên linh mục phải là một người của Thiên Chúa và là một người cho tha nhân.
Trước tiên, linh mục là người của Thiên Chúa: nghĩa là một người mang con người về cùng Thiên Chúa và đưa Thiên Chúa đến cho con người. Vì thế, linh mục phải nổi bật là người cầu nguyện và có đời sống khổ hạnh, say mê Chúa Giêsu Kitô, và như Thánh Gioan Baotixita, hãnh diện công bố sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta, đặc biệt là trong phép Thánh Thể.
Rồi, linh mục cũng pải là một người cho tha nhân: nghĩa là một người hoàn toàn tận tuỵ đối với các tín hữu trẻ cũng như già, được uỷ thác cho mình săn sóc mục vụ, và tất cả những người mà Chúa Giêsu đã muốn đồng hoá với họ hoặc đã chứng tỏ lòng từ nhân đối với họ: nhất là những người tội lỗi và người nghèo, các bệnh nhân và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, các góa phụ, trẻ em và những con chiên chưa thuộc về đoàn chiên của Chúa (x. Ga 10,16). Vì thế, một giáo sĩ phải quan tâm chống lại mọi ước muốn làm giàu bằng những của cải vật chất hoặc tìm kiếm những ân huệ lợi lộc cho gia đình hoặc bộ tộc của mình, hoặc nuôi dưỡng tham vọng không lành mạnh là theo đuổi con đường sự nghiệp trong xã hội hoặc trong chính trị. Tất cả những điều ấy đều xa lạ đối với ơn gọi linh mục và lôi kéo linh mục xa lìa sứ mạng của mình là dẫn dắt các tín hữu, như những mục tử tốt lành, trên con đường thánh thiện, công lý và hoà bình.
Anh em rất thân mến, giờ đây xin anh em cho phép tôi dừng lại tại một vai trò quan trọng của một giám mục hoặc một linh mục như người kiến tạo sự hiệp nhất giữa lòng Giáo Hội của Chúa. Nghĩa vụ này có hai chiều kích và bao gồm tình hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, là “Đá” trên đó Chúa Giêsu đã muốn thiết lập Giáo Hội của Ngài, và tình hiệp thông giữa các phần tử của Giáo Hội.
Trước hết: tình hiệp thông với Đức Thánh Cha. Chúng tôi biết rõ một số người trong anh em đã phải chịu đau khổ dường nào trong quá khứ gần đây vì lòng trung thành với Đức Thánh Cha. Chúng tôi ca ngợi từng người trong họ, với xác tín rằng, như ĐTC Bênêđictô XVI đã quả quyết, “tình hiệp thông với Phêrô và các đấng kế vị người là bảo đảm tự do cho các vị mục tử của Giáo Hội và cho chính các cộng đồng được uỷ thác cho các vị”: thực vậy, “sứ vụ Phêrô là bảo đảm tự do theo nghĩa đó là một sự hoàn toàn gắn bó với chân lý, với truyền thống chân chính, nhờ đó Dân Chúa được gìn giữ khỏi những sai lầm về đức tin và luân lý” (bài giảng Lễ Thánh Phêrô vào Phaolô Tông đồ, 29-6-2010). Sự trung thành gương mẫu và lòng can đảm đáng ngưỡng mộ mà các tín hữu Công giáo tại Trung Quốc đã chứng tỏ đối với Tòa Thánh Phêrô, là một hồng ân quý giá của Chúa.
Một chiều kích khác của sự hiệp nhất các tín hữu Kitô chính là sự hiệp thông giữa các phần tử của cộng đoàn Giáo Hội với nhau. Đây là một thách đố quan trọng mà anh em đã đương đầu, qua việc cố gắng củng cố sự hiệp nhất giữa lòng Giáo Hội. Thật là hữu ích khi nghĩ tới Nhà Tiệc Ly nơi Chúa Giêsu, sau khi cử hành Bữa Tối sau cùng với các Tông đồ và biến họ thành những linh mục của Giao Ước mới và đời đời, Chúa cầu xin Chúa Cha “để tất cả họ được nên một. Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ước gì chúng cũng được nên một, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21). Ba lần Chúa Giêsu nhấn mạnh sự hiệp nhất của các môn đệ Ngài như dấu chỉ để người ta tin rằng Chúa Cha đã sai Ngài xuống trần thế. Anh em rất thân mến, chúng ta hãy quan tâm đến lời kêu gọi thống thiết về sự hiệp nhất của các mục tử, lời kêu gọi xuất phát từ tâm hồn của Đấng đã yêu thương họ dường nào, đã gọi họ và sai họ đi làm việc trong Vườn Nho của Ngài”.
Trong bài giảng vừa nói, Đức Thánh Cha khẳng định: “Nếu chúng ta nghĩ đến 2.000 năm lịch sử của Giáo Hội, chúng ta có thể nhận xét rằng - như Chúa Giêsu đã báo trước (x. Mt 10,16-33) - không bao giờ các tín hữu Kitô thiếu những thử thách. Những thử thách này, trong một số thời kỳ và tại một số nơi, mang tính chất những cuộc bách hại đích thực. Tuy nhiên, những bách hại này, tuy có gây đau khổ, nhưng không phải là nguy hiểm lớn nhất đối với Giáo Hội. Thực vậy, tai hại lớn nhất, mà Giáo Hội phải chịu, chính là điều là ô nhiễm đức tin và đời sống Kitô giáo của các phần tử và các cộng đoàn của Giáo Hội, làm thương tổn sự toàn vẹn của Nhiệm Thể, làm suy yếu khả năng làm ngôn sứ và chứng tá của Giáo Hội, làm biến thái vẻ đẹp của khuôn mặt Giáo Hội”. Và Đức Giáo Hoàng vạch rõ kẻ xúi giục gây nên thành trạng đó khi ngài quả quyết: “Một trong những hậu quả tiêu biểu trong hoạt động của Ma Quỷ chính là sự chia rẽ giữa lòng Cộng đoàn Giáo Hội. Thực vậy, những chia rẽ là triệu chứng của sức mạnh tội lỗi, nó tiếp tục hoạt động trong các phần tử của Giáo Hội cả sau khi đã được cứu chuộc. Nhưng lời Chúa Kitô thật rõ ràng: “Chúng sẽ không lướt thắng được” (Mt 16,18). Sự hợp nhất của Giáo Hội được ăn sâu trong sự kết hiệp với Chúa Kitô, và chính nghĩa hiệp nhất trọn vẹn của các tín hữu Kitô - luôn phải tìm kiếm và canh tân, từ đời này sang đời khác - cũng được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện và lời hứa của Chúa”.
Chúng ta hãy chúc tụng Chúa vì những cố gắng đã và đang được thực hiện về sự hợp nhất giữa lòng Giáo Hội, cả trong sự trung thành tuân phục những chỉ dẫn của Đức Thánh Cha trong thư mà ngài đã gửi cho anh em ngày 27-5-2007, và vì những thành quả đã đạt được cho đến nay. Xin Chúa chúc lành cho những sáng kiến của anh em để sự hiệp nhất của các mục tử với nhau và giữa các đoàn chiên của các vị với nhau ngày càng vững chãi trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội, “để vinh quang Chúa được rạng sáng hơn” (Ad maiorem Dei gloriam).
Trong cơ hội thuận tiện hơn bao giờ hết này, tôi hân hạnh được cam đoan với anh em về sự gần gũi tinh thần của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, với lòng hiền phụ, ngài chúc lành cho anh em cùng với tất cả những người được uỷ thác cho anh em săn sóc mục vụ và mời gọi anh em kiên cường tiếp tục tiến bước trên con đường thánh thiện, hợp nhất và hiệp thông, như các thế hệ đi trước anh em đã làm.
Xin Mẹ Maria chí thánh, Đấng Phù Hộ các tín hữu Kitô, mà Giáo Hội tại Trung Quốc tôn kính tại Xà Sơn với lòng sùng mộ con thảo, bảo vệ anh em và làm cho mọi ý hướng của anh em được thành công trong việc làm lan tỏa hương thơm Tin Mừng của Chúa Giêsu Con của Mẹ tại mọi nơi trên quê hương yêu quý của anh em. Trong nghĩa vụ quan trọng và cam go này, ước gì anh em được khích lệ nhờ tấm gương sáng ngời của nhà thừa sai không thể bị quên lãng tại Trung Quốc, là Cha Matteo Ricci (Lý Mã Tư), SJ, mà chúng ta đang yêu mến kỷ niệm 400 năm người tiến về “Vương Quốc của Chúa Trời”.
Chúng tôi đoan quyết sẽ cầu nguyện cho anh em và trong tinh thần huynh đệ chúng tôi thân thân chào anh em trong Trái Tim Đức Mẹ Maria.
Tại Bộ Truyền giáo ngày 5 tháng 7 năm 2010
Hồng y Ivan Dias, Tổng trưởng
TGM Robert Sarah, Tổng Thư ký
Trần Đức Anh, OP, chuyển ý