Thánh giá trên Quảng trường Thánh Phêrô vắng lặng
|
TT (Thành phố Vatican, 1/4/2020, CNA) - Vatican đã yêu cầu các linh mục trên khắp thế giới đọc kinh cầu nguyện trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, và kêu gọi các ngài dâng thánh lễ cầu cho việc chấm dứt đại dịch virus corona.
Bộ Phụng tự đã ban hành ý chỉ cầu nguyện mới trong Lời nguyện Trọng thể Lễ Tưởng niệm Cuộc Khổ nạn của Chúa với ý hướng về đại dịch virus corona.
Lời nguyện Trọng thể, bắt nguồn từ những lời cầu nguyện cổ xưa, được đọc vào Thứ Sáu Tuần Thánh cho nhiều tầng lớp người khác nhau. Bao gồm việc cầu cho giáo hoàng, giám mục, linh mục và phó tế, các tín hữu, các dự tòng, các Kitô hữu khác, người Do Thái, những người không tin vào Chúa Kitô, những người không tin vào Thiên Chúa, cho các nhà cầm quyền và những gười có nhu cầu đặc biệt.
Lời cầu nguyện mới có tựa đề "Cầu cho những người bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra đại dịch". Lời nguyện bắt đầu với câu nói của vị linh mục: "Chúng ta cũng cầu nguyện cho tất cả những ai phải gánh chịu hậu quả của đại dịch hiện tại, xin Chúa Cha ban sức khoẻ cho người bệnh, sức mạnh cho những người chăm sóc họ, xin an ủi các gia đình và cứu rỗi tất cả những nạn nhân đã qua đời."
Sau giây phút cầu nguyện thầm lặng, vị linh mục tiếp tục: "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin hỗ trợ sự yếu đuối con người chúng con, xin đoái nhìn thương xót trước tình trạng đau buồn của những người con của Chúa đang phải chịu đựng vì đại dịch này, xin xoa dịu nỗi đau của người bệnh, xin ban sức mạnh cho những người chăm sóc họ, xin đón nhận những người đã chết vào lòng bình an của Chúa, và trong suốt thời gian hoạn nạn này, xin ban cho tất cả chúng con có thể tìm thấy sự an ủi trong tình yêu thương xót của Chúa. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen."
Lời cầu nguyện mới này được trình bày với một sắc lệnh được ký bởi Hồng y Bộ trưởng Robert Sarah, và Đức Tổng Giám mục Thư ký Arthur Roche.
Sắc lệnh, đề ngày 30 tháng 3, cho biết: Ngày lễ Tưởng niệm Cuộc Khổ nạn của Chúa vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay có một ý nghĩa đặc biệt vì đại dịch khủng khiếp đã làm cả thế giới đau khổ. "Thật vậy, vào ngày mà chúng ta tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá, Người như một con chiên bị giết đã tự mình gánh chịu đau khổ và tội lỗi của thế giới, Giáo hội đã lên tiếng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha Toàn năng cho toàn nhân loại, và đặc biệt cho những người đau khổ nhất, trong khi giáo hội chờ đợi trong đức tin niềm vui phục sinh của Hôn phu của mình."
"Vì vậy, Thánh bộ này, dựa trên năng quyền do Đức Giáo hoàng Phanxicô ban cho, đã sử dụng một khả năng được trao trong Sách Lễ Rôma cho các giám mục giáo phận trong một tình huống cần thiết cho công chúng, đề xuất một ý định được thêm vào Lời Cầu nguyện Trọng thể trong lễ tưởng niệm nói trên, để những lời cầu nguyện của những người cầu khẩn trong cơn hoạn nạn có thể đến với Thiên Chúa Cha và do đó, ngay cả trong nghịch cảnh của họ, tất cả đều có thể trải nghiệm niềm vui của lòng thương xót của Người."
Bộ Phụng tự cũng đề nghị các linh mục cử hành Thánh lễ Tạ ơn "mãnh liệt cầu khẩn Thiên Chúa chấm dứt đại dịch này". Thánh lễ Tạ ơn là một Thánh lễ khác với thánh lễ quy định trong ngày và được cử hành cho một ý định đặc biệt. Bộ Phụng tự cũng khuyến nghị các linh mục một sắc lệnh đi kèm cho phép Thánh lễ Tạ ơn được cử hành hằng ngày, ngoại trừ vào các ngày lễ trọng (solemnities), các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay, Tuần Thánh, Lễ Phục Sinh, trong tuần bát nhật Lễ Phục Sinh, Thứ Tư Lễ Tro và Lễ Các Đẳng Linh hồn.
Theo một bản dịch không chính thức trên trang web của Vatican News, Lời cầu nguyện khai mạc, được đọc: "Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, là chốn nương tựa trong mọi nguy hiểm, xin hướng ánh mắt nhìn đến chúng con, là những người với đức tin đang khẩn cầu Người trong cơn hoạn nạn, xin ban sự yên nghỉ vĩnh hằng cho người quá cố, xin an ủi những người than khóc, xin ban sức khoẻ cho người bệnh, ban bình an cho những người hấp hối, sức mạnh cho những ai cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, xin ban tinh thần khôn ngoan cho chính quyền dân sự, và cho chúng con một trái tim biết gần gũi với mọi người bằng tình yêu để chúng con cùng nhau có thể tôn vinh Danh Thánh Chúa."
|