Print  
Covid-19 và hy vọng của ngày mai
Bản tin ngày: 27/04/2020   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Những gì đã và đang diễn ra cho thấy rằng dường như đại dịch Covid-19 muốn thách thức và đánh đổ tất cả mọi hy vọng của chúng ta?

Covid-19 và hy vọng của ngày mai

Trong cuốn sách nhỏ “Người chữa lành Vết thương”[1] (The Wounded Healer), Henri J. M. Nouwen cho thấy vai trò của niềm hy vọng trong đời sống. Những khi phải đối diện với lưỡi hái tử thần, con người sẽ cảm nghiệm rõ hơn về tầm quan trọng của niềm hy vọng.

Có nhiều người lính đã sống sót trở về từ những trận chiến khốc liệt và đầy nguy hiểm. Họ cảm thấy rằng trong cuộc chiến, sự sống sót chẳng khác nào ngàn cân treo sợi tóc. Những lần thoát chết trong gang tấc, họ nhận ra rằng điều kỳ diệu ấy đã xảy ra nhờ vào niềm hy vọng của “ngày mai”. Cái ngày mai chỉ đơn giản là hy vọng được trở lại với cuộc sống thường ngày, được trở về nhà. Ở nơi ấy, có những người thân quen đang chờ đón họ.

Ngược lại, sự tuyệt vọng là con đường ngắn và quen thuộc của sự chết. Henri J. M. Nouwen kể về cuộc phẫu thuật của Harrison. Anh ta rất lo lắng và cảm giác bất an về cuộc phẫu thuật lần này. Harrison tâm sự rằng anh muốn chết một cách tự nhiên, chứ không muốn chết trên bàn mổ. Thực ra, anh ta đang sợ chết, nhưng đồng thời, anh ta cũng không biết sống để làm gì nữa. Anh ta chưa muốn chết, nhưng cũng chẳng mong chờ ngày mai của mình. Ngày mai ấy, chẳng có gì thay đổi so với những gì anh đang phải đối diện: không có công việc, không có nhà cửa và cũng chẳng có ai thân quen. Có thể nói, ẩn sau những lời lẽ của Harrison, anh ta chưa muốn chết, nhưng đồng thời, anh cũng rất sợ ngày mai của mình. Anh chẳng có tia sáng hy vọng nào vào ngày mai. Cho dù, hy vọng ấy đơn giản nhất là có một ai đó chờ đón vào ngày mai, nếu anh trở về. Harrison không vượt qua được cuộc phẫu thuật. Anh ta đã ra vì không thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Câu chuyện của Harrison cho thấy rằng con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhờ những kiến thức và các phát minh hiện đại của khoa học kỹ thuật, nhưng còn nhờ những lý do làm cho con người sống có ý nghĩa. Một trong những lý do không thể thiếu, đó là niềm hy vọng.

Covid-19 xoá tan những hy vọng ảo tưởng

Những ngày tháng qua, Covid-19 xuất hiện phá tan mọi hy vọng ảo tưởng của con người. Khi khoa học phát triển và đạt được nhiều thành tựu vĩ đại, nó chiếm được nhiều thiện cảm và không ít người nhận nó làm “đấng bảo trợ”. Cho đến khi, Covid-19 nhỏ bé xuất hiện, nó lần lượt phơi bày và làm lung lay tất cả những gì mà bấy lâu nay con người hãnh diện và tin cậy vào đấy.

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành ngang ngược, bất chấp mọi cố gắng nỗ lực và tiếng kêu cứu của con người, nó vẫn không ngừng gia tăng số lượng người nhiễm và người chết. Có rất nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia y tế đưa ra và những lời khuyên tốt để giảm tránh nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, đại dịch này còn có một mối quan hệ với một vấn nạn nhức nhối hơn, mà tạm thời đang bị lãng quên. Đó là tình trạng ô nhiễm không khí. Giống như xăng bốc cháy dữ dội hơn, nhờ có không khí. Covid-19 gia tăng sức tàn phá, ở trong môi trường không khí bị ô nhiễm. Nếu bạn bị nhiễm Covid-19 và đang hít phải không khí bị ô nhiễm, thì thật là tai hại. Trong môi trường không khí bị ô nhiễm, các hạt bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể. Chúng thúc đẩy tăng huyết áp nơi người bệnh tim, và gây khó thở nơi người bệnh tiểu đường. Các hạt bụi này cũng làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây thêm viêm nhiễm phổi và đường hô hấp... Nói chung, nếu sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm càng nặng, thì càng gia tăng biến chứng nơi bệnh nhân và  làm tăng thêm nguy cơ mắc Covid-19.[2]

Tuy nhiên, giữa màn đêm u tối, những tia hy vọng mới đang xuất hiện. Các nhà máy phải đóng cửa, nhiều hoạt động của con người ngừng lại. Con người đã bớt gây thêm ô nhiễm môi trường. Đã có những dấu hiệu tốt về sự trong lành không khí và tầng ôzôn đang được cải thiện. Trải nghiệm về không khí sạch hơn. Mặc dù, đây chỉ là trải nghiệm tạm thời do tắt máy, do ngừng hoạt động trên diện rộng, nhưng có thể là bài học quý cho con người: chúng ta muốn xây dựng một thế giới nào sau đại dịch.[3]

Covid-19 xoá tan những hy vọng ảo tưởng và giúp con người nhận ra đâu là những hy vọng bền vững hơn. Thiết tưởng, bài học này, con người cần phải học một cách kỹ càng và ghi nhớ. Nếu không, chúng ta còn phải học lại bài học này nhiều lần nữa.

Giữa cơn đại dịch, con người có thể hy vọng gì?

Ai cũng hy vọng rằng, cơn đại dịch Covid-19 sẽ mau qua đi. Như những ôn dịch đã từng xảy ra trong lịch sử nhân loại, cơn đại dịch nào cũng thế, dù có gây ra nhiều hoang mang lo lắng và đau buồn cho con người, nhưng nó sẽ không ngự trị mãi mãi. Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra cho thấy rằng dường như đại dịch Covid-19 muốn thách thức và đánh đổ tất cả mọi hy vọng của chúng ta.

Cho đến hôm nay, chưa ai biết khi nào thì dịch bệnh sẽ chấm dứt; chưa ai biết khi nào có vácxin. Mọi sự đều đang trong niềm hy vọng lạc quan và tin tưởng rằng, rồi mọi sự sẽ ổn thôi. Cũng như ông Nôê, chúng ta chưa biết phải chờ đến bao giờ, thì nước rút và cuộc sống trở lại bình thường. Nhưng rõ ràng, giữa cơn đại dịch chúng ta đang thấy nhiều dấu chỉ của niềm hy vọng.

Những người đang thắp lên ngọn nến hy vọng. Họ là các tình nguyện viên, các y bác sĩ đang trực tiếp đụng chạm đến những gì sâu thẳm của con người. Họ là những ngọn nến hy vọng giữa màn đêm u tối của đại dịch. Đức Thánh Cha Phanxicô (ĐTC Phanxicô) cho rằng họ là những người đổ tràn hy vọng, không gieo rắc nỗi kinh hoàng, nhưng gieo vãi tinh thần tương trợ và đồng trách nhiệm. Ngài khẳng định: “Khí giới chiến thắng của chúng ta là cầu nguyện và âm thầm phục vụ.”[4]

Hy vọng về sự hoà giải giữa con người. Khởi đi từ lời chia sẻ của ĐTC Phanxicô. Ngài nói đến những nhắc nhở của Chúa: “Chúng con không thức tỉnh trước những chiến tranh và bất công trên thế giới. Chúng con đã không lắng nghe tiếng kêu của những người nghèo và của trái đất...”[5] Sau đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, đã kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” giữa tình trạng đại dịch hiện nay.[6] Và Đức Hồng y Tagle cũng lên tiếng kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo để giúp họ đối phó với virus Corona.[7]

Covid-19 không có biên giới và không biết phân biệt, nó dạy cho con người bài học nền tảng nhất: không ai là một hòn đảo. Tốt hơn, con người cần chung tay xây dựng ngôi nhà chung, một thế giới hoà bình. Và hơn lúc nào hết, con người hiểu ra rằng, chỉ có Chúa mới là Thiên Chúa.

Niềm hy vọng đến từ nơi đâu?

Covid-19 đã giúp con người tháo gỡ những ảo tưởng về chính mình. Con người không thể tự xây dựng cuộc sống tươi đẹp trên những hy vọng ảo tưởng. Dĩ nhiên, ở đây ta không phủ nhận những nỗ lực của con người trong lĩnh vực khám phá và sáng tạo để cải thiện đời sống. Cần tránh cả hai thái cực, (1) phủ nhận và bài trừ những đóng góp của khoa học kỹ thuật cho đời sống của con người; (2) tôn sùng khoa học kỹ thuật quá đáng, lấy khoa học kỹ thuật làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Thái độ trung dung là khả dĩ hơn cả. Không bài trừ khoa học, cũng không tôn sùng quá mức, mà cần đặt chúng vào đúng vị trí và vai trò của nó.

Giữa cơn đại dịch, niềm vui Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta nhìn về tương lai với niềm hy vọng vững bền. Cho dù, thực tế những gì đã và đang diễn ra trong những tháng qua, dường như sự chết đang thắng thế.

Chính Đức Giêsu đã trải qua kinh nghiệm này: Ngài đã ở trong mồ ba ngày. Sự chết tưởng là đã chiến thắng. Nhưng sau ba ngày, Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Mùa Phục Sinh là thời gian để làm mới lại niềm hy vọng. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh thắp lên trong chúng ta hy vọng rằng sự dữ và cái chết của tử thần không làm gì được sự sống và tình yêu. Trong niềm tín thác vào Chúa Phục Sinh, chúng ta không chịu đầu hàng, không chịu buông xuôi, không ngồi đó mà nguyền rủa bóng đêm, nhưng chung tay thắp lên những ngọn nến hy vọng.

Chính Chúa Giê-su Phục Sinh là cội nguồn của mọi hy vọng. Hy vọng của Ngài đem đến, không giống như những hy vọng lạc quan được bén rễ từ nét đẹp nhân bản và được diễn tả qua những câu nói mang tính khích lệ nổi lên trong cõi lòng chúng ta “mọi chuyện sẽ ổn thôi”. Niềm hy vọng của Chúa Giêsu Phục Sinh trao ban có sức mạnh lớn hơn nhiều. Niềm hy vọng ấy nói với chúng ta rằng: “Thiên Chúa có thể biến mọi thứ trở nên tốt lành, vì chưng ngay cả từ ngôi mộ, Ngài cũng đã mang lại sự sống.”[8]

Đây là niềm hy vọng ngoài sức kỳ vọng của con người. Chúa Giê-su Phục Sinh không chỉ ở cùng chúng ta trong mọi hoàn cảnh của kiếp này, Ngài còn chờ đợi và không bỏ rơi chúng ta ở phía bên kia của cánh cổng sự chết. Quyền năng và tình yêu Ngài là sự bảo đảm cho niềm hy vọng vững bền của chúng ta. Bạn có dám buông mình vào niềm hy vọng ấy không?

Bình an cho anh em!... Phúc cho những ai không thấy mà tin! (Ga 20,29)


--------------------

[1] Henri J. M. Nouwen, “The Wounded Healer”, Image Doubleady, New York, 1972.

[2] Pollution made Covid-19 worse. Now, lockdowns are clearing the air. (https://www.nationalgeographic.com/science/2020/04/pollution-made-the-pandemic-worse-but-lockdowns-clean-the-sky/ ngày 14/04/2020)

[3] Như ở trên (Pollution made Covid-19 worse. Now, lockdowns are clearing the air.)

[4] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-bai-giang-trong-gio-cau-nguyen-phep-lanh-urbi-et-or.html

[5]
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-03/dtc-phanxico-bai-giang-trong-gio-cau-nguyen-phep-lanh-urbi-et-or.html

[6] http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/the-gioi/lien-hop-quoc-keu-goi-ngung-ban-toan-cau-tap-trung-chong-dich-309021.html

[7] https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-03/dhy-tagle-giam-no-cho-nuoc-ngheo-virrus-corona.html

[8]
Trích lược bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Lễ Vọng Phục Sinh (https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/toan-van-bai-giang-le-vong-phuc-sinh-dtc-phanxico.html)

Văn Ngữ, SJ
https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2020-04/covid-19-va-hy-vong-cua-ngay-mai.html
In ngày: 28/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print