Print  
39 quốc gia khuyến nghị tới LHQ: Điều tra Trung Quốc về cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Bản tin ngày: 08/10/2020   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

TT (BBT CNA, 7/10/2020, CNA) - Hoa Kỳ cùng với 38 quốc gia khác hôm thứ Ba ký một tuyên bố chung gủi Liên Hợp Quốc lên án việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Hồng Kông, và yêu cầu Liên Hợp Quốc điều tra tình hình. "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc cho phép các quan sát viên độc lập bao gồm Cao uỷ Nhân quyền Liên Hợp Quốc và Văn phòng của bà ấy tiếp cận ngay lập tức, có ý nghĩa và không bị gò bó vào Tân Cương", tuyên bố được Đại sứ Christoph Heusgen, Đại diện Thường trực Phái bộ Đức chuyển tới Liên Hợp Quốc ngày 6 tháng 10.

39 quốc gia đã kêu gọi thực hiện khẩn cấp tám khuyến nghị của Uỷ ban Liên Hợp Quốc về Xoá bỏ Phân biệt Chủng tộc liên quan đến Tân Cương, "bao gồm cả việc kiềm chế việc giam giữ tuỳ tiện người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các dân tộc thiểu số khác".

"Trước những lo ngại của chúng tôi về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tôn trọng nguyên tắc không tái hoàn trả [không hồi hương những người tị nạn chạy trốn sự ngược đãi]. Chúng tôi cũng kêu gọi Trung Quốc duy trì quyền tự chủ, các quyền và tự do ở Hồng Kông, và tôn trọng sự độc lập của cơ quan tư pháp Hồng Kông", Heusgen nói thêm.

Ước tính có khoảng 1 triệu người Uyghur trở lên, những thành viên của một nhóm thiểu số theo đạo Hồi, đã bị giam giữ trong các "trại cải tạo" ở Tân Cương, lần đầu tiên được phát hiện trên hình ảnh vệ tinh vào năm 2017.

Chính phủ Trung Quốc đã có lúc phủ nhận các trại này tồn tại, nhưng sau đó đã chuyển sang bảo vệ các hành động của mình như một biện pháp phòng chống khủng bố thích hợp. Những người bên trong trại được cho là bị lao động cưỡng bức, tra tấn và tuyên truyền chính trị. Những phụ nữ bị giam trong trại đã kể những câu chuyện bị cưỡng bức phá thai và triệt sản.

Bên ngoài các trại, người Uyghurs bị theo dõi bởi lực lượng cảnh sát đông đảo và công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Tại Hồng Kông, chính quyền đại lục đã áp dụng Luật An ninh Quốc gia mới, trong đó hình sự hoá các quyền tự do dân sự được bảo vệ trước đây dưới các cáo buộc "bị dụ dỗ" và "thông đồng với nước ngoài". Kể từ khi luật có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7, một số nhà hoạt động dân chủ và nhà báo nổi tiếng - nhiều người trong số họ là người Công giáo - đã bị bắt.

Heusgen nói rằng các bên ký kết "quan tâm sâu sắc" đến cả Tân Cương và "những phát triển gần đây ở Hồng Kông". Heusgen nói: "Chúng tôi lo ngại sâu sắc về các yếu tố của Luật An ninh Quốc gia cho phép một số trường hợp nhất định được chuyển sang truy tố ở Trung Quốc đại lục... Chúng tôi kêu gọi các cơ quan hữu quan đảm bảo các quyền được bảo vệ theo ICCPR [Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị] và Tuyên bố chung Trung-Anh, bao gồm quyền tự do ngôn luận, báo chí và hội họp."

39 quốc gia đồng ký kết là Albania, Australia, Áo, Bỉ, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Canada, Croatia, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức Haiti, Honduras, Iceland, Ireland, Ý, Nhật Bản, Latvia, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Cộng hoà Quần đảo Marshall, Monaco, Nauru, Hà Lan, New Zealand, Bắc Macedonia, Na Uy, Palau, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Để đối phó với sự can thiệp này, 45 quốc gia, dẫn đầu là Cuba, đã bảo vệ hành vi của Trung Quốc ở cả Tân Cương và Hồng Kông tại Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi khen ngợi rằng Chính phủ Trung Quốc theo đuổi triết lý lấy người dân làm trung tâm trong việc thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế và xã hội, xoá đói giảm nghèo và tăng việc làm, cải thiện mức sống của người dân, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người", đại diện Cuba cho biết ngày 6/10. "Chúng tôi đánh giá cao việc Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để ứng phó với các mối đe doạ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, phù hợp với luật pháp, để bảo vệ nhân quyền của tất cả các nhóm dân tộc ở Tân Cương", đại diện nói thêm. "Nhân dân các dân tộc được hưởng cuộc sống hạnh phúc trong một môi trường hoà bình và ổn định."
 


Cao Nguyên
https://www.catholicnewsagency.com/news/investigate-china-for-uighur-persecution-39-nations-tell-un-77918
In ngày: 26/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print