Biểu tình chống phá thai tại Argentina (AFP or licensors)
|
Ngày 28/11 vừa qua, các Kitô hữu thuộc nhiều hệ phái ở Argentina và những người thiện chí đã cùng nhau xuống đường để phản đối dự luật nhằm hợp pháp hoá việc phá thai đã được Tổng thống Alberto Fernadez trình lên Quốc hội hôm 17/11 vừa qua.
Theo các nhà tổ chức, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên hơn 500 thành phố trong cả nước, trong đó có các thành phố lớn như Buenos Aires, Neuquén, Rosario, Tierra del Fuego, Paraná, Jujuy, Resistencia, Posadas, La Rioja, Santa Fe, Córdoba, Corrientes, Bariloche, Chubut và Salta.
Trong số các cuộc biểu tình có “cuộc biểu tình của những chiếc giày” trước Quốc hội bằng cách lần hạt Mân Côi và phó thác sự sống của các thai nhi dưới sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria.
Sự tàn thành của các Giám mục Argentina
Các cuộc biểu tình chống lại dự luật phá thai cũng đã nhận được sự tán thành từ các Giám mục Argentina. Các ngài đã nhiều lần nhắc lại tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống từ khi thụ thai. Trong một thông cáo mới đây, Uỷ ban Sự sống, Giáo dân và Gia đình của Hội đồng Giám mục Argentina gần đây đã chống lại dự luật của tổng thống khi nhấn mạnh rằng “lần đầu tiên ở Argentina và trong nền dân chủ, một đạo luật, bao gồm cả cái chết của một người vì người khác, được thông qua”.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh việc bảo vệ sự sống
Ngày 22/11, trong thư viết tay gửi cho một số phụ nữ Argentina, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại tầm quan trọng của việc bảo vệ sự sống trước những nỗ lực hợp pháp hoá việc phá thai ở Argentina.
Các cuộc biểu tình của người Argentina ở hải ngoại
Tại Roma, cộng đoàn Argentina đã quy tụ cầu nguyện. Cha Fabian Alesso, Giám đốc Giáo hội Công giáo Argentina toàn quốc và Học viện Linh mục, giải thích rằng “họ lần hạt Mân Côi cầu nguyện cho sự sống, để đặt các ý nguyện của họ dưới sự che chở của Đức Mẹ, để dự luật này không được chính quyền thông qua”.
Ngoài Argentina, các nhóm phò sự sống ở các nước khác như Peru, Costa Rica, El Salvador đã tổ chức biểu tình bằng cách ngồi trước các đại sứ quán Argentina.
Tại Argentina, cho đến nay, việc phá thai bị cấm, trừ các trường hợp bị hiếp dâm, đe doạ tính mạng người mẹ và dị tật nghiêm trọng của thai nhi. (ACI Prensa 28/11/2020)
|