Print  
Nguồn cảm hứng của ĐHY Cantalamessa về Lời Chúa
Bản tin ngày: 08/12/2020   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
ĐTC trao mũ hồng y cho ĐHY Raniero Cantalamessa

Công nghị năm 2020 dành cho các tân hồng y là một trong những kỳ lạ nhất trong lịch sử do đại dịch.

Các tân hồng y đến Rome, trước buổi lễ,  đã phải cách ly 10 ngày ở Nhà trọ Thánh Marta nơi Đức Thánh Cha Phanxicô cư ngụ. Nhưng các vị không nhìn thấy ngài. Họ bị giới hạn trong phòng của họ, với bữa ăn, khăn tắm, đồ giặt và khăn trải giường được chuyển đến tận cửa. Có thể đây là lần đầu tiên kể từ khi Giáo hoàng Phaolô III phong cho Thánh John Fisher làm hồng y trong khi ngài bị giam trong Tháp Luân Đôn, nơi các hồng y được chỉ định bị giam giữ. Các hồng y mới cuối cùng đã ra ngoài; Thánh John Fisher đã bị trảm quyết.

"Đừng gửi chiếc mũ đỏ đến London", Vua Henry VIII được cho là đã nói vào năm 1535, "tôi sẽ gửi cái đầu đến Rome".

Hai vị hồng y đã không thực hiện chuyến đi đến Rome, do hạn chế đi lại của đại dịch hoặc thiếu nhiệt tình với 10 ngày bị cách ly. Đức Hồng y Jose Advincula của Philippines và Đức Hồng y Cornelius Sim của Brunei đều ở lại Châu Á. Vị Hồng y đầu tiên của Brunei đại diện cho một đàn chiên rất nhỏ đến nỗi đại diện tông toà của ngài - thậm chí không phải là một giáo phận chính thức - chỉ có 3 linh mục.

Mỗi công nghị đều có "nhân vật sáng giá - star" của nó và lần này chắc chắn là Đức Hồng y Raniero Cantalamessa, 86 tuổi, tu sĩ Dòng Capuchin, người đã thuyết giảng cho Phủ Giáo hoàng trong 40 năm. Là một học giả và nhà giảng thuyết xuất chúng, theo thông lệ, ngài là linh mục duy nhất thuyết giảng cho Đức Thánh Cha.

Dù Đức Thánh Cha Phanxicô có thích thú với việc thuyết giảng cho Đức Hồng y Cantalamessa mới được thăng chức hay không, thì ngài có thể đã nghĩ đến vị tu sĩ Capuchin này khi ngài nhắc nhở các tân hồng y về trọng tâm của Lời Chúa. "[Sách Thánh] tiết lộ sự thật về Chúa Giêsu và về chúng ta", Đức Thánh Cha nói. "Chúng ta, giáo hoàng và các hồng y, cũng phải luôn thấy mình được phản ánh trong Lời chân lý này. Đó là một thanh kiếm được mài sắc; nó cắt, nó gây đau đớn, nhưng nó cũng chữa lành, giải phóng và chuyển đổi chúng ta."

Đức Hồng y Cantalamessa, sau một "nguồn cảm hứng nội tâm" vào những năm 1970, đã bỏ lại thế giới thần học hàn lâm để cống hiến hoàn toàn cho việc rao giảng Lời Chúa. "Sự phục vụ duy nhất của tôi đối với Giáo hội là công bố Lời Chúa, vì vậy, tôi tin rằng việc tôi được bổ nhiệm làm hồng y là một sự công nhận tầm quan trọng thiết yếu của Lời Chúa đối với Giáo hội, hơn là sự công nhận con người của tôi", Hồng y Cantalamessa nói trước khi có công nghị.

Ngoài ra, sự công nhận Đức Hồng y Cantalamessa bao gồm một điều gì đó về sự công nhận đặc biệt đối với một tổ chức của Hoa Kỳ ở trung tâm của lòng sùng kính mới đối với Lời Chúa - Đại học Phanxicô tại Steubenville. Hãy gọi nó là "Công nhị Steubenville". Hồng y Sim lấy bằng thạc sĩ thần học từ Steubenville vào năm 1988. Ngài là người đầu tiên tốt nghiệp chương trình khám phá ơn gọi linh mục của Dòng Phanxicô để được thụ phong linh mục.

Mối quan hệ của Hồng y Cantalamessa với Dòng Phanxicô sâu sắc hơn nhiều so với bằng tiến sĩ danh dự của ngài vào năm 2011. Là một người bạn lâu năm của trường đại học, vị hồng y Capuchin này đã phát biểu tại các hội nghị mùa hè nổi tiếng và xuất hiện trên chương trình EWTN, do Đại học Franciscan trình bày.

Với sự hiện diện của Scott Hahn, giáo sư tại Franciscan từ năm 1990, và Trung tâm Thánh Phaolô, Steubenville đã trở thành một cơ sở nghiên cứu Kinh Thánh, mang lại Lời Chúa sống động. Nó đã trở thành ngôi nhà ưu việt của các nhà giảng thuyết và các tín hữu mong muốn đọc Thánh Kinh với con mắt đức tin, theo ý nghĩ của Giáo hội. Hồng y Cantalamessa, giống như Hahn, là một học giả Kinh Thánh hạng nhất, chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật khác nhau cần thiết. Ngài đã đưa chuyên môn đó vào việc biến Kinh Thánh trở thành sách Lời Chúa thật sự cho đức tin của dân chúng.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận thức được cuộc khủng hoảng giữa thế kỷ trong việc nghiên cứu Kinh Thánh, vốn đã coi Lời Chúa như một công trình khảo cổ học hoặc ngữ văn, quá thường xuyên trống rỗng khả năng truyền cảm hứng, hiểu theo nghĩa đen là một tác phẩm của Chúa Thánh Thần. Ba lần bổ nhiệm quan trọng mà Đức Thánh Cha đưa ra trong các năm 1980-81 đã làm đảo ngược xu hướng đó.

Cha Carlo Martini được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Milan, nơi ngài bắt đầu hướng dẫn chương trình lectio divina (Sống Lời Chúa) ở Duomo nổi tiếng của thành phố, nơi đóng quân của các Thánh Ambrose và Charles Borromeo. Sáng kiến ​​đó, trong giáo phận lúc bấy giờ là giáo phận lớn nhất và uy tín nhất thế giới, đã có tác động to lớn, đặc biệt là khi các bản văn được xuất bản qua một loạt bài mới. Đức Hồng y Martini, một nhà Kinh Thánh bậc nhất, đã không chỉ tách bản văn ra để phân tích, mà ngài đã ghép nó lại với nhau một cách tuyệt vời để nuôi dưỡng đức tin của người đọc.

Cùng năm đó, Đức Gioan Phaolô đã phong Cha Cantalamessa làm nhà giảng thuyết trong Phủ Giáo hoàng. Và năm sau, 1981, ngài gọi Hồng y Joseph Ratzinger đến Rôma [phục vụ], từ đó ĐHY dạy Giáo hội cách đọc Kinh Thánh, mà đỉnh cao là bộ ba cuốn Giêsu thành Nazareth của ngài, được xuất bản khi ngài còn là giáo hoàng.

Sự chuyển biến thuận lợi trong việc nghiên cứu Kinh Thánh trong 40 năm qua có một số nguyên nhân, nhưng sự nổi bật và sáng chói tuyệt đối của các Hồng y Ratzinger, Martini và Cantalamessa là những yếu tố mạnh mẽ trong việc đưa Lời Chúa trở lại đời sống Giáo hội.

Trong ba vị, Đức Hồng y Cantalamessa là người duy nhất còn hoạt động, dự kiến ​​sẽ giảng thuyết Mùa Vọng đầu tiên (với tước vị hồng y) của mình cho Phủ Giáo hoàng và Giáo triều Rôma vào thứ Sáu tuần này, vẫn tiếp thu và truyền cảm hứng từ Lời Chúa.
 

Lm. Raymond J. de Souza - Cao Nguyên biên dịch
https://www.ncregister.com/commentaries/cardinals-inspirations-for-word-of-god
In ngày: 29/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print