Print  
‘Cái bớt’: Một câu chuyện ngụ ngôn cho thời đại chúng ta
Bản tin ngày: 04/01/2021   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
“Phòng thí nghiệm” năm 1895 của John Maler Collier. Thư viện Athenaeum. (PD-US)

Aylmer vốn là một nhà khoa học kết hôn với Georgiana xinh đẹp. Vợ ông có một cái bớt nhỏ hình bàn tay trên khuôn mặt, như thể là “một nàng tiên nào đó vào giờ sinh ra đời của cô đã đặt bàn tay nhỏ bé của mình lên má của hài nhi”. Mặc dù một số người cầu hôn Georgiana tin rằng cái bớt này làm tăng vẻ đẹp của cô, nhưng sau khi cô và Aylmer kết hôn, ông nhận thấy mình chỉ ngày càng ghê tởm mỗi khi nhìn thấy vợ.

Georgiana nhận ra rằng cái bớt khiến chồng cô ghê tởm mình nên cô đồng ý với kế hoạch của chồng là xoá bỏ nó đi, sao cho trông cô thật hoàn hảo và không tì vết. Sau nhiều thí nghiệm, Aylmer đã phát minh ra một liều thuốc mà ông tuyệt đối tin rằng sẽ xoá được cái bớt.

Georgiana uống dung dịch này và chìm vào một giấc ngủ sâu, lúc này cái bớt bắt đầu biến mất. Aylmer vui mừng khi thấy cái bớt đang biến mất. Khi ông đang tự chúc mừng bản thân và trợ lý của mình thì Georgiana thức dậy và nói với ông rằng cô sắp chết.

“Khi sắc đỏ thẫm cuối cùng của cái bớt —  biểu hiện duy nhất của sự không hoàn hảo của con người — mờ dần trên má cô, thì người phụ nữ giờ đây đã hoàn hảo cũng cũng trút hơi thở cuối cùng vào không gian, và linh hồn của cô, dừng lại gần chồng một lát, rồi bay hướng lên trời.”

Điều tốt đẹp thường ẩn trong những thứ nhỏ bé 

Nathaniel Hawthorne (1804–1864) lần đầu tiên xuất bản câu chuyện “Cái bớt” vào năm 1843 trong The Pioneer, một tạp chí văn học do James Russell Lowell sáng lập nhưng chỉ tồn tại ngắn ngủi. Năm 1846, Hawthorne đưa câu chuyện này vào bộ sưu tập “Lớp rêu ngôi nhà cổ của vị mục sư” (Mosses from an Old Manse) của mình.

Trong nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết của ông, Hawthorne dùng ngụ ngôn và biểu tượng, cũng như những ẩn ý đằng sau các nhân vật và câu chuyện mà độc giả bình thường đôi khi khó có thể nhận ra. Những câu chuyện của ông đòi hỏi ở khán giả sự kiên nhẫn và sẵn sàng đào sâu trong suy nghĩ để nhận ra “vàng và bạc” trong văn xuôi của ông.

“Cái bớt” là một câu chuyện như vậy. Mặc dù được xuất bản cách đây 177 năm, nhưng nó mang đến chúng ta một số cái nhìn sâu sắc, quý báu và chân thực đối với văn hóa của chúng ta và thời đại chúng ta đang sống.

Sự hoàn hảo

Một số người trong chúng ta, đặc biệt là những người cực tả, tìm cách mang đến một xã hội không tưởng, một thiên đường, một thiên đường ở thế gian. Giống như một số người cùng thời với Hawthorne, họ không ngừng thúc đẩy cải cách, và nói với chúng ta rằng nếu chúng ta có thể xóa đi những khiếm khuyết xã hội như bất bình đẳng kinh tế, “phân biệt chủng tộc có hệ thống”, “đặc quyền của người da trắng”, những nhu cầu tự nhiên và sinh học trong giới tính, nhiên liệu hóa thạch,... chúng ta sẽ nhập niết bàn.

Hawthorn lại nghĩ khác.

Khi Aylmer lần đầu tiên nói với Georgiana về cái bớt của cô “khiếm khuyết nhỏ nhất có thể này… khiến ta kinh ngạc, vì đó là dấu hiệu thể hiện sự bất toàn của phàm trần”, Hawthorne viết: “Nhiều kẻ cầu hôn tuyệt vọng thậm chí sẽ liều mạng để có được ân huệ đặt môi mình lên nơi có hình bàn tay bí ẩn đó.”

Nhưng Aylmer thì không. Bất chấp vẻ đẹp của vợ ông và bản tính ngọt ngào của cô, ông thấy không thể chịu nổi cái bớt này. Loại bỏ dấu ấn bé nhỏ đó sẽ làm Georgiana hoàn hảo.

Dù nhận thức được những khuyết điểm của người khác cũng như của những người chúng ta gắn bó, hầu hết chúng ta đều có thể yêu gia đình và bạn bè của mình trong khi chấp nhận “những cái bớt” của họ. Những người truy cầu sự hoàn hảo ở người khác, cũng như trong nền văn hoá và xã hội của chúng ta nói chung, đều ngây thơ trong công cuộc tìm kiếm của họ và giống như Aylmer, phải chịu thất bại.

Chuyên gia và Khoa học

Chúng ta đã nghe nhiều ý kiến ​​từ các chuyên gia trong năm qua, đặc biệt là về đại dịch, và đến giờ hầu hết chúng ta đều biết rằng nhiều chuyên gia trong số này hoặc gửi các thông điệp lẫn lộn hoặc họ hoàn toàn bị lầm lẫn. Khi họ khuyên chúng ta đeo khẩu trang, các quan chức của chúng ta yêu cầu chúng ta phải che mặt và chúng ta làm như vậy mà không cần suy nghĩ quá nhiều về hậu quả, mặc dù các chuyên gia khác coi khẩu trang là vô dụng.

Aylmer tự coi mình là một nhà khoa học và một chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, nhưng khi Georgiana lẻn vào thư viện khoa học của chồng và xem hồ sơ về các thí nghiệm trong quá khứ mà ông lưu giữ, cô thấy “thành công huy hoàng nhất của ông hầu như luôn luôn là những thất bại, nếu so sánh với lý tưởng mà ông nhắm đến. Những viên kim cương sáng nhất của ông là những viên đá cuội đơn thuần nhất, và tự ông cảm thấy như vậy, nếu so sánh với lý tưởng mà ông hướng tới”.

Những thất bại như thế, khoảng cách giữa lý tưởng và thực tế, vẫn đúng với ngày nay. Các cuộc cách mạng ở Nga, Trung Quốc và những nơi khác hứa hẹn sẽ mang lại Tân thế giới dũng cảm, nhưng thay vào đó lại mang đến sự sát hại, khốn khổ và áp bức. Các đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng trong đại dịch năm 2020 được cho là đủ khả năng bảo vệ người Hoa Kỳ khỏi virus, nhưng chúng cũng đã huỷ hoại vô số doanh nghiệp, khiến hàng triệu người mất việc làm, gây ra sự lo lắng hàng loạt và trầm cảm trên diện rộng.

Thường thì các chuyên gia sẽ chỉ cho chúng ta đến một ngọn đồi nào đó ở trên cao, đầy ánh nắng, nhưng khi đến nơi, chúng ta thấy mình chỉ còn lại những hòn đá cuội hơn là những viên kim cương.

Vẻ đẹp và nhân văn

Aylmer không chỉ thất bại với tư cách là một nhà khoa học mà còn ở tư cách là một người yêu và một người chồng. Thay vì đánh giá cao vợ ông vì thần thái dịu dàng và vẻ ngoài đáng yêu, ông lại tập trung vào một vết nhỏ trên má cô.

Nhiều người trong chúng ta ngày nay cũng hành xử như vậy. Chúng ta đánh giá nhân viên bán hàng tạp hoá bằng cân nặng của cô ấy hơn là bằng tiếng cười vui vẻ và đôi mắt lấp lánh của cô. Chúng ta quyết định một người đàn ông là ngu dốt bởi giọng miền núi của anh ấy trước khi khám phá ra trí tuệ mà anh ấy thu được từ một cuộc sống khó khăn.

Một số người trong chúng ta đánh giá đất nước của mình theo cách tương tự. Thay vì tìm kiếm sự tốt đẹp và sửa đổi đối Hoa Kỳ, chúng ta lại đòi hỏi sự hoàn hảo. Chúng ta lên án những người đàn ông và phụ nữ vĩ đại trong quá khứ của chúng ta vì những thiếu sót của họ trong khi phớt lờ hoặc coi thường những nỗ lực và thành tựu của họ. Giống như Aylmer đối với cái bớt ấy, chúng ta muốn xóa bỏ những khiếm khuyết và thiếu sót của Hoa Kỳ, và trong quá trình này chúng ta có thể giết đi toàn bộ giá trị tinh thần của Hoa Kỳ.

Sự kiêu ngạo

Câu chuyện “Cái bớt” tồn tại như một lời cảnh báo về những nguy hiểm của lòng kiêu hãnh và sự mù quáng thường đi kèm với nó.

Ở cuối câu chuyện, Hawthorne nói với chúng ta rằng Aylmer “vì thế không cần vứt bỏ đi hạnh phúc vốn đã dệt nên cuộc sống phàm trần của ông ấy với kết cấu giống hệt như của vũ trụ… ông ấy đã không nhìn được ra ngoài khoảng hữu hạn của thời gian, và sống một lần cho tất cả trong vĩnh cửu, để tìm thấy tương lai hoàn hảo trong hiện tại”.

Theo một nghĩa nào đó, Aylmer tự biến mình thành một vị thần, như nhiều người làm như thế ngày nay. Ông quyết định số phận của vợ mình, một sinh mệnh con người, dựa trên niềm tin hoang tưởng của riêng ông ta vào khoa học, chuyên môn và sự hoàn hảo. Một số người trong giới tinh hoa Hoa Kỳ của chúng ta ngày nay cũng đi theo con đường này, tin rằng họ đang sống trên đỉnh Olympus và biết rõ nhất những người khác nên sống cuộc sống của họ như thế nào.

Sức nặng của sự thật

Một tác phẩm nghệ thuật – một cuốn sách, một bài thơ, một bức tranh – trở thành một tác phẩm kinh điển không phải vì tuổi của nó mà vì tính chân thực của nó. Khi chúng ta có thể phát triển một mối liên hệ với một tác phẩm nghệ thuật cụ thể, khi chúng ta có thể rời đi và mang theo trong trái tim chúng ta những món quà mà nó trao tặng, thì chỉ khi đó nó mới xứng đáng với danh hiệu “cổ điển”. 

“Pietà” của Michelangelo, “Don Quixote” của Cervantes, “Hamlet” của Shakespeare, “Sự ra đời của thần Vệ nữ” của Botticelli — các tác phẩm này và những tác phẩm khác gắn bó với chúng ta vì chúng làm tâm hồn ta mở rộng và thêm phong phú, khiến chúng ta tự nhận thức được về bản thân nhiều hơn trong khi cùng lúc kết nối chúng ta một cách sâu sắc hơn với lòng nhân đạo. Chúng chứa đựng một chân lý mà cả hàng trăm năm sau vẫn có thể truyền đạt với chúng ta, vẫn có tác dụng như một tấm gương để chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình.

Và đó là lý do tại sao chúng ta vẫn đọc câu chuyện “Cái bớt” của Nathaniel Hawthorne rất lâu sau khi bản in của nó xuất hiện lần đầu tiên. Những áng văn cổ xưa này tấu lên một bản hợp xướng trong chúng ta, cũng như để lại cho chúng ta một cái nhìn sáng suốt và thấu đáo hơn về thế giới xung quanh.

Jeff Minick



Thanh Tâm biên dịch
https://etviet.com/van-hoa-va-nghe-thuat/cai-bot-mot-cau-chuyen-ngu-ngon-cho-thoi-dai-chung-ta.html
In ngày: 28/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print