Print  
Nhìn lại vấn đề nữ quyền ở vài nước mang văn hoá Á Đông
Bản tin ngày: 19/01/2021   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Nói về đời sống của người phụ nữ hiện đại, chúng ta thường hay nhắc đến tình trạng “trọng nam khinh nữ” ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam. Ở Trung Quốc, chính sách một con đã khiến hàng chục triệu thai nhi nữ bị phá, bé gái sơ sinh bị giết chết, hoặc không nhận được các quyền lợi đáng có vì thiếu giấy khai sinh. Trong ấn tượng của một số người Việt, đàn ông Hàn Quốc cũng rất khinh miệt, coi thường phụ nữ và đôi khi còn xem họ như những công cụ để thỏa mãn dục vọng. Còn ở Việt Nam, người phụ nữ hiện đại phải gồng gánh quá lớn khi vừa mang trên vai toàn bộ trách nhiệm chăm lo cho chồng con, vừa phải đi làm kiếm tiền cho gia đình. Đó là những thực tế không thể phủ nhận mà những người ủng hộ nữ quyền hay nhắc tới. Trong các nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Á Đông, chỉ có Nhật Bản là quốc gia tương đối ngoại lệ, và sự ngoại lệ này có thể mở rộng trên phạm vi thế giới.

Nhật Bản

Nằm trong những nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Á Đông, Nhật Bản là một quốc gia tương đối đặc biệt. Mặc dù người Nhật có những góc tối về vấn nạn khiêu dâm và sự mất định hướng của giới trẻ, nhưng nói riêng về khía cạnh gìn giữ văn hoá truyền thống, Nhật Bản đã tạo nên một bản sắc văn hoá “Tân Nho gia” đáng ngưỡng mộ trên lĩnh vực nữ quyền.

Báo cáo chênh lệch bình đẳng giới toàn cầu năm 2012 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố tháng 11/2012 đặt Nhật Bản ở vị trí 101 trong số 135 quốc gia. Thế giới thường cho rằng nữ quyền ở Nhật Bản luôn “đáng buồn”. Kết luận đó là dựa vào những con số thống kê như: số lượng phụ nữ bỏ việc sau khi sinh con; số lượng phụ nữ chiếm ghế trong Quốc hội; số lượng phụ nữ có thu nhập thấp hơn nam giới; thời gian một ông bố Nhật bỏ ra để chăm con;... Nhưng có một điều mà người ta không thể hiểu được và không thay đổi được đó là: phụ nữ Nhật Bản lựa chọn cuộc sống như vậy.

Cứ 3 người phụ nữ Nhật Bản thì có 1 người muốn làm bà nội trợ. Đây là thông tin từ một khảo sát của chính phủ Nhật được Japan Today nêu lên hồi năm 2013. Thông qua ý kiến của hơn 3.000 phụ nữ chưa lập gia đình, độ tuổi từ 15 đến 39, người ta nhận thấy 34% trong số này không muốn đi làm sau khi đã lập gia đình. Cuộc khảo sát do Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng cho thấy tỉ lệ phụ nữ không muốn làm bà nội trợ chỉ nhỉnh hơn một chút, vào khoảng 38%. 28% số phụ nữ còn lại thì sao? Đó là những người không chắc là mình nên lựa chọn như thế nào. Cần phải nói rằng, phụ nữ Nhật Bản cũng như nam giới đều được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng cho nhu cầu nguồn nhân lực của đất nước. Vậy điều gì đã làm cho người phụ nữ Nhật tự nguyện lựa chọn trở thành người “giấu mặt” sau bốn bức tường gia đình, thay vì có thể ra ngoài xã hội cáng đáng một công việc với mức thu nhập tốt hơn?

Tại sao phụ nữ Nhật Bản lại lựa chọn cuộc sống như vậy?

Bên cạnh tinh thần võ sĩ đạo, tư tưởng Nho giáo cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hoá Nhật Bản. Ở xứ sở hoa anh đào này, nói chung, cuộc sống hôn nhân có sự phân chia hết sức rõ ràng: người chồng tập trung vào công việc, dành nhiều thời gian với các đồng nghiệp trong mối quan hệ xã hội không có sự tham gia của vợ; người vợ tập trung vào gia đình, con cái và hàng xóm. Ở nhà, người vợ thường chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc chi tiêu của gia đình và luôn quyết định về những việc liên quan đến con cái. Theo tờ Japan Times thống kê năm 2011, chỉ có khoảng 30% các cặp vợ chồng tại Nhật Bản mà cả hai người cùng kiểm soát tài chính, và chỉ có khoảng 20% gia đình mà người chồng sẽ lo giữ tiền. 50% các gia đình còn lại trao toàn quyền kiểm soát chi tiêu cho người vợ. Tất cả đều dựa trên sự thoả thuận giữa hai vợ chồng.

Cần phải khẳng định rằng ở Nhật, nội trợ là một nghề. Hằng tháng chính phủ tự trích lương của chồng đóng thuế cho vợ. Do đó, người phụ nữ ở nhà làm nội trợ nhưng vẫn được hưởng các chế độ y như một người đi làm. Về già, người phụ nữ vẫn hưởng đầy đủ lương hưu. Độc đáo hơn nữa là nhiều công ty Nhật áp dụng chính sách, lương của chồng sẽ vào thẳng tài khoản của vợ. Sau đó, những người vợ sẽ chỉ trích ra một khoản làm “okozukai“ hay tiền tiêu vặt cho các ông chồng. Dù phải xoay sở với khoản tiền ít ỏi mà vợ đưa, đa phần các ông chồng vẫn vui vẻ và cảm thấy thoải mái. Với họ, bổn phận của cánh đàn ông là trở thành trụ cột trong gia đình và chăm sóc vợ con. Nếu những người vợ không kiểm soát tiền nong chặt chẽ, họ sẽ tiêu xài hoang phí cho các khoản vô bổ và chẳng để ra được đồng nào.

Xã hội Nhật công nhận việc nội trợ vất vả và đòi hỏi kỹ năng, kiến thức như bất kỳ nghề nghiệp nào. Có thể nói rằng, nền kinh tế Nhật Bản không thể tự nhiên mà nằm trong những nước đứng đầu thế giới. Trong sự hùng cường đó có những cống hiến tận tuỵ âm thầm của hàng triệu bà nội trợ, mỗi ngày chăm chút cho chồng con từng nếp áo, chén cơm. Vai trò của người phụ nữ trong gia đình Nhật Bản vì thế luôn được đề cao, tôn trọng.

Kỳ thực chúng ta có thể lý giải đơn giản  bản sắc nữ quyền Nhật Bản này thông qua một vài câu hỏi:

  • Nếu bạn được tạo điều kiện để làm tròn thiên chức của người phụ nữ, bạn có hạnh phúc không?
  • Nếu chồng làm đúng thiên chức của người đàn ông, trở thành trụ cột gia đình lo cho vợ con, bạn có hạnh phúc không?
  • Nếu bạn biết rằng nội trợ cũng là một nghề cao quý như bao nghề khác, bạn có hạnh phúc không?
  • Nếu bạn được đề cao và tôn trọng, bạn có hạnh phúc không?
  • Nếu một người phụ nữ hạnh phúc khi ở nhà làm nội trợ, thì có hợp lý không khi bạn áp đặt quan niệm về nữ quyền hiện đại lên cô ấy? Chính vì thế, nữ quyền không phải là điều được đúc kết từ những con số thống kê, không phải là những lời kêu gọi kích động phụ nữ rằng phải mạnh mẽ như nam giới, phải vùng lên đấu tranh, phải gồng gánh việc nước, phải thế này, phải thế kia…

Bản sắc nữ quyền Nhật Bản vậy là đã điểm trúng điều cốt lõi nhất trong vấn đề nữ quyền. Và nó cũng đặt ra cho chúng ta một dấu hỏi lớn: trong khi Nhật Bản chịu ảnh hưởng của Nho giáo nguyên thuỷ khá sâu sắc, thể hiện rõ ở việc phân công công việc gia đình, thì dường như nữ quyền ở nước này chưa bao giờ bị ảnh hưởng. Dường như người phụ nữ Nhật Bản đang nằm trong một bức tranh tích cực về văn hoá truyền thống khi tự nguyện lựa chọn ở nhà làm nội trợ và âm thầm đứng sau những người đàn ông… Và dường như họ rất tự nhiên và hạnh phúc về điều đó…

Trái ngược lại, cũng bị ảnh hưởng bởi văn hoá Á Đông, vấn đề nữ quyền tại Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc lại trở nên nổi cộm.

Việt Nam

Người Việt đang nói quá nhiều về “sự hy sinh” của người phụ nữ nhưng lại bế tắc trong việc tìm ra nguyên nhân tại sao phụ nữ “cứ bị phải hy sinh” (Bài viết “Phỏng vấn một chàng trai xem hoa hậu” – Đạo diễn Lê Hoàng). Vào ngày của phụ nữ, người ta lại hô lên những khẩu hiệu như “Phụ nữ ơi! Hãy ngừng hy sinh”. Thông điệp này từng được cư dân mạng truyền tay nhau trên hàng trăm diễn đàn, trang mạng xã hội, blog,... Hầu hết mọi người đều công nhận rằng, người phụ nữ Việt Nam hiện đại rất khổ.

Vì sao phụ nữ Việt Nam khổ? Đó là vì người phụ nữ hiện đại vừa phải lo cho gia đình, vừa phải đi làm kiếm tiền. Bởi vì cái gọi là “nam nữ bình quyền” nên đi làm kiếm tiền được cho là việc đương nhiên của cả người đàn ông lẫn người phụ nữ. Và cũng chính vì thế, khi người phụ nữ phải gánh thêm toàn bộ công việc nội trợ, thì dường như người phụ nữ đang hy sinh quá nhiều.

Vì người ta cho phụ nữ đi làm kiếm tiền là “việc đương nhiên” phải thế, nên chẳng hề có ai thắc mắc rằng tại sao “việc đương nhiên” đó tồn tại. Tại sao việc đó tồn tại đương nhiên ở Việt Nam, nhưng không phải là đương nhiên trong xã hội Nhật Bản chứ?

Nói rõ hơn, sự áp dụng một cách máy móc và kích động tư tưởng “nam nữ bình quyền” vào một xã hội vốn trọng Nho giáo sẽ gây nên những thực trạng đáng buồn. Rất nhiều người đã bắt đầu nhận ra tác hại của điều này và định nghĩa “nam nữ bình quyền” một cách giản dị là: nếu cùng bạn trai đi xem phim, thì người nữ có thể mua bỏng ngô, người nam có thể trả tiền vé. Thật ra, đó không phải là “nam nữ bình quyền” mà là “biết chia sẻ công việc dựa trên thiên tính của con người”, là biết tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau và hiểu trách nhiệm của chính mình.

Một người đàn ông sẽ khó lòng đảm đương công việc gia đình, chăm lo con cái nội trợ; cũng như một người phụ nữ sẽ vấp phải nhiều khó khăn khi gánh vác công việc ngoài xã hội, nhất là những công việc nặng nhọc đòi hỏi sức vóc hay áp lực lớn. Đó là do thiên tính của đàn ông và phụ nữ. Phụ nữ tất nhiên cũng có thể làm khá nhiều công việc dành cho đàn ông, điều đó không có gì sai cả. Nhưng nếu biết thuận theo thiên tính và biết giúp đỡ lẫn nhau thì cuộc sống hôn nhân sẽ trở nên hài hòa. Qua sự phân chia trách nhiệm của Nho giáo nguyên thủy, chúng ta cũng có thể phần nào thấy được điều đó.

Phụ nữ Việt có hạnh phúc không nếu được đàn ông tôn trọng và giúp đỡ? Nếu câu trả lời là có, thì sự chia sẻ đó mới thật sự là nữ quyền cho phụ nữ Việt Nam.

Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, nữ quyền dường như là một vấn đề ít được nhắc tới. Đó không phải là vì nữ quyền được đảm bảo tại Trung Quốc, mà bởi vì ở Trung Quốc hiện đại căn bản chưa có nhân quyền, nói gì đến nữ quyền. Tuy nhiên, nếu chúng ta bàn tới nữ quyền ở quốc gia này, thì nó không đơn giản chỉ là những thực trạng nhìn thấy được từ “chính sách một con” từng khiến hàng chục triệu bé gái phải chết.

Trong bài này, chúng ta chỉ đơn giản bàn bạc xoay quanh nguồn gốc “Chính sách một con” ở Trung Quốc để hiểu về tảng băng chìm lạm dụng người phụ nữ tại nước này.

 

Phụ nữ Trung Quốc là một nguồn lao động dự trữ dồi dào. Nguồn dự trữ này cần phải được sử dụng trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng một đất nước xã hội chủ nghĩa vĩ đại. [Mao Trạch Đông – Mao Zedong and China’s Revolutions.]

Sau khi giành được chính quyền, chế độ hiện thời đã nhìn thấy một tiềm lực lớn từ người phụ nữ trong cái gọi là cuộc cách mạng tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì thế, bản chất của việc kêu gọi “giải phóng phụ nữ”, trao cho phụ nữ “nửa bầu trời”, hay giúp phụ nữ “vùng dậy” không phải là vì niềm tin vào nữ quyền hay quyền bình đẳng gì cả. Chế độ đơn giản chỉ muốn lợi dụng người phụ nữ: sản xuất sẽ tăng vọt nếu một nửa dân số không bị cái gọi là “bó buộc trong bốn bức tường”.

Thời mới giành chính quyền, có một “quốc sách” cơ bản được gọi là kế hoạch sinh sản. Năm 1956, báo cáo chính trị trong Đại hội lần thứ 8 đã nêu ra chủ trương sinh sản, là sự mở rộng trực tiếp của thể chế “hoạch định kinh tế”: Đảng không gì không quản. Sau khi cuộc Đại nhảy vọt hoang đường bắt đầu, Mao Trạch Đông đề xướng “nhiều người sức mạnh lớn”, cổ vũ phụ nữ Trung Quốc sinh càng nhiều càng vẻ vang và ban tặng danh hiệu “bà mẹ vinh quang” cho người phụ nữ có 10 con trở lên. Phụ nữ trở thành cái máy sinh sản ra sức người…

Nhưng cũng cái gọi là “kế hoạch sinh sản” đó đã khiến cho dân số của Trung Quốc những năm 60, 70 tăng trưởng chóng mặt. Trung Quốc đối mặt với vấn đề bùng nổ dân số. Ngày 6/3/1981, chế độ quay mặt thành lập Uỷ ban Kế hoạch Sinh sản, và yêu cầu cưỡng chế sinh ít con, “kế hoạch sinh sản” dần trở thành “kế hoạch hoá gia đình”. Tuy nhiên, cái gọi là “kế hoạch hoá” này hoàn toàn khác với những chính sách hỗ trợ và tư vấn dành cho người phụ nữ ở các nước trên thế giới; ngược lại, nó đề xướng (thực tế là cưỡng chế) kết hôn muộn, sinh con muộn, chỉ sinh một con trừ dân tộc thiểu số, và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải được lãnh đạo cấp chỉ tiêu mới được phép có thai. Hơn nữa, chính sách liên đới và trừng phạt khiến cho việc sinh nở của người phụ nữ trở thành những thảm cảnh cưỡng chế phá thai và giết trẻ con mới sinh hết sức đau lòng.

Một bác sĩ Trung Quốc đã đau đớn thú nhận về việc phá thai như thế này:

Chúng tôi đã giết vô số các đứa trẻ. Có đứa nặng chín cân(*) và rất khoẻ mạnh. Thật khó mà giết chúng. Chúng tôi phải bịt miệng chúng bằng vải băng của nhà thương và bóp cho chúng bị nghẹt thở. Sau đó chúng tôi thảy chúng vào những cái thùng nước to đầy nước và đè đầu chúng xuống đáy. Nếu chúng ngóc đầu lên hoặc nổi trên mặt nước, chúng tôi lại phải đè chúng xuống. Nếu chúng tôi không thể giết chúng bằng cách như vậy, thì chúng tôi chích alcohol, không khí, và chất khử trùng vào trong đầu chúng. Chúng tôi dùng nhiều cách và bỏ ra hằng nửa giờ đến một giờ để giết chúng. Thật vô cùng khó khăn để nhìn hành trình tàn ác này. Tôi đổ mồ hôi nhầy nhụa vì sợ và khóc trong đau khổ sau đó. Một số bác sĩ bị ác mộng và phát triển chứng yếu thần kinh.

(*) Trong hệ đo lường Trung Quốc, một cân tương đương 0,5 kg. Bài viết “ĐCSTQ đã biến chúng tôi thành những kẻ giết người”

Từ khẩu hiệu và biểu ngữ tại vùng nông thôn Trung Quốc cũng có thể cảm nhận được sát khí bừng bừng:

  • “Thà nát nhà, cũng không để vong quốc”
  • “Uống thuốc không giật lại chai, treo cổ thì đưa dây thừng”
  • “Một người vượt sinh, toàn thôn thắt cổ”
  • “Một thai sinh, hai thai thắt chặt, ba thai bốn thai nạo! nạo! nạo! Một thai hỏng, hai thai thắt chặt, ba bốn thai giết giết giết!”
  • “Thà máu chảy thành sông, cũng không cho vượt sinh thêm một trẻ”
  • “Thà thêm 10 phần mộ cũng không thêm một con người!”

Quyền lợi của người phụ nữ ít đến đáng thương dưới chế độ Trung Quốc hiện thời.

Một chính phủ thông thường sẽ có rất nhiều cách điều tiết dân số. Nhân khẩu học và tài liệu thống kê của Liên Hợp Quốc đã thể hiện rõ rằng những khu có cơ chế đảm bảo cho xã hội hoàn thiện và trình độ giáo dục của nhân dân cao thì tỷ lệ sinh sản sẽ tự nhiên giảm bớt. Theo con số thống kê của chính Trung Quốc từ tận năm 1986, chỉ cần phụ nữ được giáo dục tới trung học cơ sở thì tỷ lệ sinh sản sẽ giảm tới 2,13 lần, từ đó khiến cho dân số đạt được mức cân bằng, những người phụ nữ được giáo dục tới hết trung học và đại học thì tỷ lệ sinh sẽ giảm thêm tới 1,82 và 1,11 lần.

Nhưng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục dưới thời Trung Quốc hiện đại lại thấp đến đáng ngạc nhiên, không tới 4% GDP, xếp số gần chót trên thế giới, không bằng cả nước Uganda của Châu Phi. Theo tài liệu được công bố, kinh phí giáo dục theo nghĩa vụ toàn quốc năm 2006 cần khoảng 226 tỷ nhân dân tệ, nhưng khoản tiền ăn uống công quỹ chỉ riêng trong năm 2004 đã đạt tới 370 tỷ nhân dân tệ. Nói cách khác, chỉ cần quan chức dừng ăn uống bằng công quỹ đã đủ để những đứa trẻ trong độ tuổi đi học được giáo dục miễn phí, mà trình độ giáo dục nâng cao sẽ có tác dụng giảm áp lực tăng trưởng dân số.

Trên thế giới có rất nhiều quốc gia đã áp dụng biện pháp kế hoạch hoá gia đình. Ví dụ như Ấn Độ, những người kết hôn sau khi vượt quá độ tuổi kết hôn tối thiểu được pháp luật quy định là 21 tuổi sẽ được thưởng, những cặp vợ chồng sau khi sinh được hai con mà chủ động triệt sản sẽ được chiếu cố về phương diện phúc lợi gia đình và bảo hiểm y tế, nhưng không phải là biện pháp mang tính ép buộc. Ở những nước như Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cũng tiến hành lập pháp đối với kế hoạch hoá gia đình, nhưng pháp luật của những nước này đều quy định rõ ràng: Vợ chồng có quyền tự do quyết định số con và khoảng cách sinh.

Những quốc gia phương Tây phải đối mặt với tỷ lệ sinh sản thấp, cách làm ứng phó lại chính là việc khuyến khích thông qua hỗ trợ về kinh tế hoặc giảm thuế, chính phủ cũng không thể khống chế sinh sản bằng thủ đoạn cưỡng chế. Trên thực tế, không hề có chính phủ một quốc gia nào lại đi quản vấn đề sinh sản của mỗi gia đình, càng không dùng cơ cấu bạo lực để đảm bảo việc thực thi chính sách sinh sản. Áp dụng cách khống chế sinh sản chỉ có Trung Quốc dưới sự thống trị của chế độ cộng sản Trung Quốc, khiến vấn đề xã hội cũng trở nên gay gắt xưa nay chưa từng có trong lịch sử.

Như vậy, chỉ xoay quanh “Chính sách một con” thôi cũng có thể thấy được nguyên nhân gây ra thực trạng nữ quyền ở nơi từng là cái nôi của Nho giáo này.

Hàn Quốc

Trong khi ở Việt Nam và Trung Quốc, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều nguyên nhân nằm ngoài Nho giáo đã gây nên tình trạng đáng buồn về nữ quyền, thì Hàn Quốc là nơi chúng ta có thể thấy rõ nhất những mâu thuẫn xã hội sau khi Nho giáo bị biến dị và trộn lẫn với tư tưởng hiện đại.

Trong ấn tượng của một số người Việt, đàn ông Hàn Quốc quả thật rất cộc cằn và bất lịch sự. Nhận xét đó là còn nhẹ nhàng sau những scandal chồng Hàn Quốc đánh chết hay ngược đãi vợ Việt Nam thỉnh thoảng lại xuất hiện trên báo chí.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận rằng những trường hợp ngược đãi phụ nữ như vậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đó là người phụ nữ đến với hôn nhân không phải đơn thuần chỉ vì hai chữ hạnh phúc. Trong những trăn trở về chuyện “lấy chồng Hàn Quốc” là việc kiếm tiền về cho gia đình ở Việt Nam, chênh lệch tuổi tác, hôn nhân môi giới, bất đồng ngôn ngữ và văn hoá,... Nó không đơn thuần chỉ là vấn đề vũ phu của một người chồng Hàn Quốc có học thức thấp, mù quáng áp đặt cái gọi là tiêu chuẩn Nho giáo lên vợ; mà còn là vấn đề giải quyết mâu thuẫn gia đình trong khi người vợ chỉ biết vài từ tiếng Hàn như “xin chào”, “cảm ơn”, “anh ơi”…

Quan niệm của người Việt về đàn ông Hàn Quốc cũng rất đa dạng. Có người nói rằng họ thật gia trưởng và ki bo, cũng có người lại kể rằng họ thật ga lăng và tâm lý. Trong khi có rất nhiều ví dụ về chuyện đàn ông Hàn Quốc ngoại tình ở nước ngoài thì cũng có rất nhiều ví dụ cho thấy đàn ông Hàn Quốc rất tôn trọng người phụ nữ. Những ý kiến thực tế trái chiều làm việc đánh giá thực trạng nữ quyền ở Hàn Quốc trở nên phức tạp hơn.

Trong thời kỳ vương triều Cao Ly và buổi đầu của vương triều Triều Tiên, địa vị của người phụ nữ Hàn Quốc cũng không hề thấp kém. Thậm chí theo phong tục thời bấy giờ, một cặp vợ chồng mới cưới sẽ tới sống tại nhà vợ. Sau này, với sự biến dị của Nho giáo tại Hàn Quốc, người phụ nữ dần đánh mất đi vị thế của mình. Áp lực sinh con trai để nối dõi tông đường khiến địa vị người phụ nữ trở nên thấp hơn.

Cho đến thời điểm hiện tại, văn hóa gia đình và trật tự xã hội của Hàn Quốc vẫn rất nghiêm khắc, có trật tự trên dưới rõ ràng, có các lễ nghi nghiêm ngặt không chỉ là đối với người phụ nữ. Sự duy trì các quy tắc khắt khe đó chưa hẳn đã là điều dở trong văn hoá Hàn Quốc.

Ngày nay, địa vị người phụ nữ Hàn Quốc không hề thấp, từ giáo dục, y tế, nghệ thuật, văn học, thể thao cho đến các nghề nghiệp kỹ thuật. Hàn Quốc cũng có một vị nữ tổng thống đầu tiên vào năm 2013. Tuy nhiên, sự kiện Hàn Quốc hợp thức hóa việc ngoại tình trong luật pháp vào tháng 2 năm 2015 có thể được coi là một bước thụt lùi trong việc giải quyết vấn nạn hôn nhân và gia đình ở xứ sở kim chi. Trong 62 năm trước đó, nếu một người vợ hoặc chồng ngoại tình thì cùng với kẻ gian dâm, cả hai có thể lãnh án tù lên tới 2 năm.

Hàn Quốc có thể là một ví dụ tốt trong việc nhìn lại sự kết hợp giữa quan niệm Nho giáo đã biến dị với tư tưởng hiện đại, và ảnh hưởng của sự kết hợp đó đối với người phụ nữ. Những mâu thuẫn về giá trị của người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc cho thấy thực tế về việc áp đặt tiêu chuẩn giáo điều và cứng nhắc mà bỏ qua những tinh hoa như “kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” (điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác).

Quang Minh
https://trithucvn.org/van-hoa/truyen-thong/nhin-lai-van-de-nu-quyen-vai-nuoc-van-hoa-a-dong.html
In ngày: 28/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print