Print  
Tìm hiểu thêm về Kinh Năm Thánh 2010 của Hội đồng Giám mục Việt Nam
Bản tin ngày: 03/09/2010   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Đức ông Laurenxô Phạm Hân Quynh

1. VỀ DANH CHA TRONG KINH NĂM THÁNH 

Nếu ai để ý sẽ thấy rằng chữ đầu trong kinh Năm Thánh cũng như chữ cuối cùng là chữ Cha và trong suốt cả kinh có 15 chữ Cha để chỉ về Thiên Chúa. Riêng chữ đầu, trong các kinh ngày xưa thường nói tới Chúa Cha toàn năng chẳng hạn rồi mới nói tới Cha, còn ở đây thì nói tới Cha trước rồi mới nói tới Chúa sau, đây là một điều có ý nghĩa sâu sắc.

Trong kinh này và từ nay trong Giáo Hội Việt Nam, trong tâm tình đối với Thiên Chúa, cần bớt phương diện sợ hãi cung kính xa xôi đối với Thiên Chúa, thay vào đấy là tâm tình yêu thương, quý mến gần gũi như đối với một người cha. Đúng hơn, các Giám mục Việt muốn cho giáo dân chúng ta có đúng tâm tình Đức Chúa Cha như Đức Giêsu đối với Cha của Người, được thể hiện rõ ràng nhất trong Tin Mừng Gioan. Ta cần đọc Tin Mừng Gioan rất thận trọng, thong thả để cho tâm tình này có suốt trong đời Chúa Giêsu kể cả cho tới khi chết, tâm tình ấy phải thấm nhập vào lòng ta thường xuyên một cách tự nhiên. Cái kiểu kính sợ Thiên Chúa như trong kinh chúng ta vẫn đọc phải được đổi mới, nói đúng hơn phải được bỏ đi và theo đấy là mến thương.

Từ trong đạo Hy Lạp chẳng hạn, với thần Zớt, hay đạo Ấn Độ với thần Visnou hay ở Trung Hoa và Việt Nam tuy nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn còn xa xôi là ông Thiên, ông Trời, trong Công giáo chỉ là một người Cha. Trong Phúc Âm theo thánh Mát Thêu có kêu rằng lạy Cha chúng con ở trên trời, là vì Mát Thêu viết cho người Do Thái, Thiên Chúa Do Thái vẫn còn cao xa ở trên trời cao, còn nguyên văn lời Đức Giêsu phải tìm ở trong Luca gọi đơn giản là: Thưa Cha, Cha hỡi, Cha ơi, như bây giờ có nhiều bản Việt Nam đã dịch như thế. Đây là một biến chuyển vô cùng quan trọng mà chúng ta không để ý. Từ một Thiên Chúa đáng sợ, nhiều khi kinh khủng mà biến vào trong tâm hồn chúng ta một Cha nhân lành, từ bi, yêu thương, là một bước nhẩy vọt vô cùng lớn lao, đòi hỏi tâm hồn chúng ta cũng có bước thay đổi lớn lao như thế. Thường trong tâm hồn chúng ta chẳng có thay đổi gì, đọc là Thiên Chúa Toàn Năng Hằng Hữu, hay là Cha, là Bố cũng như nhau, trong lòng chúng ta coi như nhau vì chúng ta không có tâm tình gì với Chúa, chẳng có tâm, chẳng có tình, chẳng có yêu chẳng có sợ, chẳng có quý mến gì. Các Giám mục Việt yêu cầu đạo phải có tâm tình: trong nhiều gia đình con cái chẳng có tình yêu gì với bố với mẹ, cho nên cũng chẳng đặt vấn đề yêu mến gì với Chúa.

Khi chúng ta có tâm tình mến yêu Chúa thật sâu sắc và chân thành, sẽ giúp chúng ta yêu mến bố mẹ như thế và ngược lại… Đổi một chữ trong câu kinh là đặt lại cả cuộc sống gia đình quan hệ bố con, mẹ con, đặt vấn đề nội dung có thật chứ không phải ngoài môi miệng. Các Giám mục đòi hỏi bầu không khí trong gia đình cha con, mẹ con, con cái với cha mẹ, phải thay đổi, và bầu không khí gia đình êm ấm thân yêu sâu sắc hạnh phúc thực sự. Sẽ dần dần vứt bỏ được bầu không khí bố láo, bất hiếu thờ ơ trong gia đình chúng ta, kinh phải được đưa vào để sống là như vậy. Vì thế khi đọc kinh, khi dạy kinh cần phải có ý thức sâu sắc và chân thành.

Giải thoát con người khỏi sợ hãi ma tà quỷ quái đã là một công việc vĩ đại, nhưng còn vĩ đại hơn là giải thoát con người khỏi thần thánh, khỏi Thiên Chúa đáng kinh đáng sợ. Điều tốt lành nhất là đưa cho con người sự bình an hơn thế một tâm hồn đầy yêu thương. Người Công giáo tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, cụ thể Thiên Chúa là Cha là điều rất cụ thể và dễ hiểu trong văn hoá Việt . Trong các truyện dân gian Việt có ông trời cao xa cũng ghê gớm đáng sợ, phạt vạ đánh sấm sét như ở nhân vật Lý Thông trong truyện Thạch Sanh. Nhưng cũng có ông trời thương người bé nhỏ khốn khổ như như nhân vật cô Cám hay cô Cúc Hoa… Từ ông trời đến Chúa Cha không xa lắm.

Trong kinh Năm Thánh có đoạn rất cảm động thể hiện đúng tinh thần này, đó là người Công giáo phải sống như như anh em một nhà, con một cha, điều này chúng ta chưa thể hiện được bao nhiêu, các Giám mục Việt Nam yêu cầu xúc tiến mạnh mẽ trong Năm Thánh.

2. CHA ĐÃ TẠO THÀNH VÀ CỨU ĐỘ MUÔN LOÀI 

Tôi không hài lòng lắm về câu này. Cha đã tạo thành thì có, nhưng cứu độ thì chưa, vả lại việc cứu độ là của Chúa Con và Chúa Thánh Thần: câu kinh không rõ ràng. Sự thực Cha đã tạo thành muôn loài muôn vật cho chúng ta hiểu rõ được rằng, cả núi non sông ngòi, cây cỏ, súc vật là do Cha tạo thành, nói rõ thế thì sẽ thấy rằng cả Chúa Con, Chúa Thánh Thần và chúng ta nữa sẽ phải tiếp tục công việc của Cha, nhất là công việc cứu độ. Trong Năm Thánh, đây sẽ là công việc cần dạy cho giáo dân biết. Bên dưới khi nói đến Chúa Con, kinh nhấn mạnh đến Tin Mừng cứu độ và phục vụ sự sống con người, đó là rất hay và ta sẽ trở lại vấn đề này. Nhưng từ Công Đồng Vatican II đã nói rõ rằng chương trình của Cha là làm cho trần gian này xứng đáng cho con cái Người ở, phải đẹp như phác thảo đời sau. Trong bản dịch tiếng Pháp do một hồng y chủ trì cùng với mấy nhà thần học nổi tiếng, trần gian này phải thành một Ébauche nghĩa là một phác thảo của thế giới ngày sau. Bản văn này do một số thầy trường Đà Lạt đã dịch không đúng hẳn, làm cho toàn thể Giáo Hội Miền Nam hiểu không rõ giáo lý của Công Đồng và không thấy rằng công việc làm cho trần gian này thành như phác thảo đời sau để tiến tới Trời Mới Đất Mới là một nhiệm vụ cốt yếu của Tin Mừng Chúa Giêsu. Giáo dân chúng ta vẫn sống trong nhà ổ chuột, ăn mặc rách rưỡi bẩn thỉu, đường đi lối lại bùn lầy nước đọng, vẫn ra vai gánh gồng nhọc mệt, ăn uống thiếu thốn, thuốc men vô cùng khó khăn, và chết cũng thiếu thốn trăm bề. Đọc các sách Miền nghe các bài giảng các địa phận Miền mất hẳn cái giáo lý này. Kinh Năm Thánh 2010 này cũng không thấy nói. Sống trong một xã hội cộng sản mà bỏ giáo lý trần gian phác thảo đời sau chuẩn bị cho Trời Mời Đất Mới đời đời. Đức hồng y Phạm Minh Mẫn nói rằng Giáo Hội Miền Bắc sống như trước Công Đồng Vatican II, về vấn đề này thì hoàn toàn người sai lầm và giáo dân Miền Bắc những người biết giáo lý này rất hiên ngang, giáo lý công giáo vượt xa học thuyết cộng sản.

Vì câu đầu Kinh Năm Thánh nói không rõ về công trình sáng tạo của Chúa Cha, bên dưới không nói rõ công việc cứu độ của Chúa Con, công việc Chúa Thánh Thần cũng không rõ, thế thì công việc của chúng ta rõ ràng thế nào được. Người Công giáo Việt Nam không hề nghĩ đến nhiệm vụ xây dựng trái đất này thành phác thảo đời sau, chẳng nghĩ đến Trời Mới Đất Mới, chỉ nghĩ đến đời sống đầy đủ phong phú cho mình, thế thôi. Học thuyết cộng sản đã lôi cuốn biết bao người vì chúng ta đã quên rao giảng giáo lý này. Họ bị thất bại nhiều vì tham ô kèn cựa chức tước, chứ học thuyết của họ vẫn là luồng tư tưởng của con người thế giới ngày nay. Không biết tại sao ở miền Nam đầy người giỏi, nhiều tiền mà cứ để bản dịch Công đồng Vatican II sai không những chỗ này rất quan trọng mà còn nhiều chỗ khác cũng sai nữa.

Nguyên trong kinh Năm Thánh có thiếu sót này kể là rất buồn, và chúng ta sẽ có dịp trở lại ở nhiều đoạn khác.

3. CHA ĐÃ SAI CON MỘT… 

Trong kinh Năm Thánh nói rõ Chúa Con được sai đi xả thân loan báo Tin Mừng cứu độ. Chúng ta ngày nay khi thờ phượng Đức Giêsu thường là tượng đứng yên và chúng ta cũng xin trở nên giống như Người là đứng yên. Giáo dân chúng ta muốn suốt đời đứng yên như Đức Giêsu và trở nên thánh thiện kiểu đứng yên như thế.

Đức Giêsu được sai là để đi, đọc Phúc Âm Người luôn đi từ làng này sang làng khác để rao giảng, yên ủi, làm phép lạ. Trong Phúc Âm biết bao nhiêu lần ta đọc câu ấy sau khi Người làm phép lạ nơi này nơi kia mà người ta muốn giữ Người lại. Câu chuyện rõ ràng nhất là ở , sau khi làm phép lạ tới khuya, sáng sớm Người ra một nơi vắng vẻ cầu nguyện, các môn đệ tìm Người và bảo: mọi người đang tìm Thầy. Đức Giêsu đáp Thầy phải đi nhiều nơi khác nữa, chính vì thế mà Thầy đã đến. Mục đích của sự đến là để đi. Tất nhiên, cũng có lúc ở nhà mà ở nhà là rao giảng cho ông Nicôđêmô, vào ban đêm, có thể cả Giuse Azimati nữa. Phúc Âm nói rõ là sau khi giảng dạy ban ngày cho dân chúng, tối về nhà Ngài cắt nghĩa riêng cho môn đệ. Ta biết câu chuyện con lừa ngày Lễ Lá, người vác nước ngày Tiệc Ly, chắc đã có những cuộc gặp riêng bàn bạc về chuyện này. Đức Giêsu được sai đi giảng đạo. Chứ không phải ở trong các nhà xứ làm những việc không đâu. Khi lên trời Ngài còn dặn dò các môn đệ đi khắp thế gian, không phải cứ ở trong nhà mình hay mấy nhà thân thuộc. Chính việc giảng đạo phải ra khỏi nước Do Thái, Ngài đã phải chọn một tông đồ biết tiếng Hy Lạp, La Tinh, biết văn hoá các nơi ấy và luôn rảo đi rảo lại khắp vùng Địa Trung Hải. Phaolô đã phải đi rất nhiều, chứ không đứng yên một chỗ. Ngày nay ở Việt chúng ta vẫn tổ chức các xứ đạo. Nhưng các xứ đạo chỉ như đồng xu nhỏ trong cái đĩa mênh mông là đất của lương dân. Tất nhiên là đã có những hoàn cảnh khó khăn cấm cách, nhưng sau 500 năm giảng đạo, nhất là mấy chục năm gần đây, mà tỷ lệ giáo dân vẫn chỉ là một phần mười thì thật đáng suy nghĩ.

Phải tổ chức lại các xứ đạo của chúng ta. Đào tạo linh mục thì khó và chậm nhưng tổ chức các thầy, các ban hành giáo thì không khó. Sao lại ngại bỏ tiền ra để làm việc ấy, tổ chức các cuộc họp nhỏ với những tài liệu nhỏ cũng có tốn thật, nhưng chẳng là bao nhiêu. Tổ chức những nhóm nhỏ mươi người, những đám họ đạo nhỏ nửa ngày, từ chiều hôm đến sáng hôm sau để đưa vào nếp sống đạo, cũng dễ tìm người và không tốn bao nhiêu. Ấy là chưa kể khi đã quen quen ta có thể tổ chức những cuộc họp nho nhỏ cả lương giáo để bàn về những vấn đề tôn giáo dễ dàng. Đấy là để thể hiện chúng ta cũng được sai đi như Đức Giêsu ngày xưa, chứ không phải để giữ đạo cho mình, gia đình mình, xứ họ đạo mình. Đức Giêsu đã bảo: muốn giữ nó thì sẽ mất nó, ta quên rồi hay sao. Ngày nay đời sống mở rộng, thanh niên và cả người lớn đi lung tung học hành lao động, cái khung đạo xưa đang tan vỡ, phải sáng tạo một khung cảnh mới cho thích hợp với ngày nay.

Bản kinh Năm Thánh của các Giám mục rõ ràng là đặt vấn đề ấy, đặt vấn đề rồi sẽ giải quyết làm sao?

4. CHA DƯỚI ĐẤT VÀ CHA TRÊN TRỜI 

Chúng ta theo dõi những từ chỉ Thiên Chúa: Yavê, Allah, Thiên Chúa Nhân Từ, Thiên Chúa Dọn Tốt Dọn Lành… nhưng cuối cùng Đức Giêsu cho chúng ta biết Thiên Chúa là Cha. Còn hơn là cha như ở Isaia, Cha dữ trợn hay phạt, nhưng mà là người Cha nhân lành ôm hôn đứa con phung phá trở về.

Ngày nay trong xã hội rất nhiều người cha than van về những đứa con hư hỏng, mất dạy, vứt bỏ cha mẹ… họ không biết rằng làm cha dưới đất cũng như làm cha trên trời là một quá trình rất lâu dài và loài người chúng ta phải dần dần học làm cha đối với con cái mình, điều mà chúng ta không để ý đến tưởng rằng cứ sinh con là làm cha tốt. Có những người rất hung bạo với con mình nhất là khi nó sai trái, thế thì như Yavê khi Isarael thờ phượng lung tung các thần ngoại lai, chúng ta đánh đập con cái chửi mắng, không cho ăn uống… khác nào Yavê thời Êlia không cho mưa, cho rắn độc cắn chết, cho quân Átsua đánh phá. Sự hiểu về Thiên Chúa còn cần một quá trình dài như vậy, dạy chúng ta là cha mẹ cũng phải có một quá trình tiến tới. Chúng ta trách con cái chúng ta, không ngờ rằng chính chúng nó hằng trách chúng ta không dạy dỗ để chúng thành con cái thực sự. Dân Do Thái xưa thiếu nước, thiếu bánh kêu ca Môisê. Yavê đã cần 40 năm dạy dỗ để dân bắt đầu có lòng yêu mến Chúa. Con cái chúng ta cũng nhận biết bố mẹ vất vả làm ăn nuôi nấng, cho học hành, tập lao động, lập gia đình : chúng biết ơn như đối với một người tốt lành, nhưng từ đấy biết, hiểu, yêu ta như một người cha thì còn xa.

Chỉ có tình yêu mới sản sinh ra tình yêu, chỉ những cái lặt vặt của đời sống để nhận thấy tình yêu của cha mẹ đổ vào lòng con cái thì thật là khó khăn. Tình yêu là một ngọn lửa, phải nuôi ngọn lửa ấy bằng muôn vàn chất đốt ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm.

Như vậy quá trình dân từ đầu cho đến Đức Giêsu để yêu thương Chúa như một người cha vất vả thế nào. Ngày nay chúng ta phải làm lại hành trình tiến đến Thiên Chúa Cha như vậy. Có một cuộc hành trình thứ hai chúng ta phải làm cho chúng ta là bản thân ta phải học từ một ông bố hung dữ, không có tình cha để chúng ta thành một người cha noi gương Chúa Cha của Đức Giêsu. Để làm được việc này không phải chúng ta bắt buộc noi theo quá trình Cựu Ước, nhưng ít nhất ta phải theo quá trình Đức Giêsu dạy trong Phúc Âm bằng lời, bằng đời và hành động của Người. Thực sự chúng ta cần một cuộc hành trình thứ ba phải làm cho đủ đạo là dẫn dắt con cái chúng ta cũng đi con đường như chúng ta, là sống lớn lên như con người thường mà trở nên như những đứa con trong một nhà, có những người cha thật, những người mẹ thật, anh em thật, chứ không phải sống bày đàn lớn lên theo luật thiên nhiên, hoặc là đạo thiên nhiên hay là bất cứ đạo nào khác. 

5. CHÚA CHA TRONG CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ 

Chúng ta đã được dạy rằng trong công trình cứu độ, Chúa Cha sáng tạo, Chúa Con cứu độ, Chúa Thánh Thần thánh hóa. Khắp nơi dạy như thế thì phải là đúng, nhưng như trong kinh Năm Thánh, thì không phải là đúng hẳn. Các Giám mục Việt dạy rằng Chúa Cha sáng tạo và cứu độ. Trong công trình cứu độ cũng là của Chúa Cha. Đức Chúa Cha sáng tạo, khi con người phạm tội, sáng kiến cứu độ cũng là từ Đức Chúa Cha, chính Người sai Chúa Con đến cứu độ chúng ta, cũng chính Người cùng với Chúa Con sai Thánh Thần đến thánh hoá chúng ta và cứu độ muôn loài. Sáng kiến là từ Chúa Cha, và Chúa Cha làm việc, chính Chúa Giêsu đã nói như vậy. Kinh Năm Thánh cũng nói rõ để làm việc cứu độ với Chúa Con và Chúa Thánh Thần, thí dụ ở Việt Nam, cũng chính Chúa Cha gửi các thừa sai đến và sau các thừa sai chính Chúa Cha ban những người nối tiếp công việc cứu độ. Không những nói về các Giám mục, các Linh mục, các Phó tế, tất cả các người làm việc trong Giáo Hội, từ chánh trương trùm trưởng, các ông trương bà trương cũng là Chúa Cha sai đến. Ngay phần các giáo dân dù ta nói rằng được sai đi làm tông đồ, thực tình là cũng do Chúa Cha sai đi qua Hàng Giáo phẩm.

Kinh Năm Thánh do các Giám mục Việt Nam dạy đã đổi hẳn cách nhìn của chúng ta về mầu nhiệm cứu độ, vai trò chính yếu của Chúa Cha đã được xác định rõ ràng hơn, chúng ta phải uốn nắn cách hiểu của chúng ta… Trong công việc này chúng ta cần ý thức về vai trò của chúng ta gắn bó với Chúa Cha thế nào. Điều này dạy chúng ta biết cần cầu nguyện cùng Cha thiết tha thế nào, vì chính Người là nguồn ơn xúc tiến Mầu nhiệm Cứu độ. Chúng ta đạo đức nhiều nhưng không đúng kiểu nên ít được ơn Thiên Chúa Cha làm việc cho có nhiều kết quả. Chúng ta không xin ơn ở nguồn ơn, mà xin ơn ở đâu đâu, thảo nào đọc nhiều kinh mà chẳng được nhiều ơn. Nhìn vào đạo đức của giáo dân và của xứ đạo xem ra hoạt động đạo ầm ĩ và sôi nổi, kinh đọc rang rang, bài hát véo von, kèn trống vang vang, nhưng thực ra để gắn bó với Chúa Cha để rút ơn thánh thì không được bao nhiêu, vì không chú ý đến việc sống với Cha. Tất cả việc đạo chúng ta phải gắn liền với Chúa Cha, chính nhờ sự gắn liền ấy mà ơn thánh của Người được tuôn đổ vào chúng ta, và hoạt động trong chúng ta. Tất cả những việc bề ngoài có thể là tốt nếu gắn liền với Chúa Cha như vậy. Thực sự thường chúng ta mất nhiều sức, tốn nhiều tiền, mất nhiều thời giờ mà không được bao nhiêu ơn ích cho cá nhân hay cộng đồng chúng ta, vì việc làm chúng ta dựa vào chúng ta là chính, hay nhân vật nọ nhân vật kia, mà không dựa vào Chúa Cha, làm việc trong Người với Người, nhờ Người, để xúc tiến chương trình của Người. 

Chúng ta cần rà lại tâm hồn chúng ta gắn liền với Chúa Cha, theo đúng trục đức tin mà các Giám mục Việt Nam đã chỉ, chúng ta có cậy trông để được ơn của Cha là nguồn chính yếu của đời chúng ta hay không. Cầu nguyện và hành động cho đúng hướng của Chúa Cha, đời Công giáo của chúng ta sẽ mạnh mẽ lên gấp bội, đời sống riêng tư cũng như đời sống hoạt động đạo đời, cả Giáo Hội sẽ mạnh lên và xúc tiến việc xây dựng không những là Giáo Hội mà cả trần gian nữa.

6. CON NGƯỜI VÀ VẠN VẬT TRONG KINH NĂM THÁNH 

Trong kinh Năm Thánh có câu: Cha đã tạo thành và cứu độ muôn loài. Nghe câu này xem ra cũng bao quát, nhưng cũng muốn đề nghị như sau có thể đầy đủ ý nghĩa hơn: Chúa đã tạo thành muôn loài và muôn tạo vật, có ý gồm cây cỏ cũng như muôn cảnh vật. Trong cựu ước thì có nói Thiên Chúa đặt con người trong địa đàng, có ý nói hạnh phúc bao gồm cả vạn vật, Kinh Thánh cũng nói khi con người phạm tội thì cũng vấy tội ấy cho tạo vật và gai góc là hậu quả của mối liên hệ ấy. Trong tất cả các tôn giáo, kể cả Việt Nam, mỗi khi tai ương làm khổ con người, bệnh hoạn, tao loạn, đói khát... xảy ra ở một diện rộng thì vua quan cho rằng trời phạt và phải cúng tế để cầu an, Đàn Nam Giao cũng có việc ấy. Ngay trong học thuyết Mácxít con người và hoàn cảnh vật chất có ảnh hưởng đến nhau, trong cái tốt cũng như trong cái xấu. Còn nhân dân Việt thì người giỏi nhất cũng như người dốt nhất vẫn tin là thần minh có can thiệp vào cái sướng khổ của mình và phải cúng bái liên tục. Đạo Công giáo vốn hướng về Thiên Đàng và dạy phải lao động cho trần gian này đẹp như phác thảo đời sau, đến mức Thiên Chúa thấy đáng được biến đổi thành Thiên Đàng. Bắt đầu là địa đàng cuối cùng phải thành Thiên Đàng. Ta cứ xem nước có ảnh hưởng của đạo Công giáo, từ Châu Mỹ sang Châu Âu cho tới dẫy núi Uran có phải các con cái Chúa đang cố gắng xây dựng trái đất này như phác thảo đời sau không, còn những khu khác dưới ảnh hưởng Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, thì chỉ lo tu luyện tâm linh, vật chất, trái đất, quang cảnh sống của con người không ở trong nội dung của đạo mình. Mãi đến gần đây giao thông trên thế giới mạnh mẽ lên, mới bắt đầu có một số thay đổi về thế giới vật chất trong những khu ấy.

Con người thay mặt Thiên Chúa để hoàn tất công trình sáng tạo, cái đấy thì có, chúng ta thấy rõ ở bên trên, nhưng nhiều nơi do sự kém cỏi cũng như lòng xấu của ngay những người giảng đạo không nhấn mạnh đầy đủ đến phương diện này. Trên thế giới mới còn nghèo khó xấu xí bẩn thỉu như ngày nay. Học thuyết Công giáo thì rõ ràng, nhưng người Công giáo không chú ý đủ, mà ngày nay nhiều người không Công giáo lại chú ý và phất triển tốt hơn, thí dụ những người cộng sản, thật là chúng ta đáng trách.

Con người phải tốt lành, cảnh vật cũng phải tốt lành, quang cảnh cây cối hoa trái phải là hình ảnh của địa đàng; đường xá, nhà cửa, công viên phải xứng đáng với con cái Chúa, như ta có thể tạm thấy ở nhiều thành phố thủ đô Âu Châu, chứ không phải lụp sụp như ổ chuột bùn lầy nước đọng, tối tăm, rét mướt như ta đang phải chịu ngày nay. Các Giám mục Việt nhất định muốn giáo dân ta hiểu rõ vấn đề này, thay đổi ý chí lòng dạ, hành động, hiểu chương trình của Chúa cho đầy đủ mọi mặt.

Trong kinh Năm Thánh có nói Thiên Chúa là Cha nhất định phải dạy dỗ giúp đỡ con cái tạo nên đời sống cho con người, làng mạc, xứ sở, đẹp đẽ sung sướng, đợi ngày biến đổi tất cả, cách nào thì chúng ta không biết, nhưng nhất định phải là một thứ Thiên Đàng đời đời.

Chúng ta khi hiểu Đạo phải hiểu cả hai mặt đạo đời như vậy và khi chúng ta trình bày Đạo cho người khác cũng cần phải trình bày cả hai mặt đạo đời như vậy. Chúng ta tin rằng đấy là chương trình của Thiên Chúa phải được hoàn thành mà vì là chương trình của Người, nên Người giúp sức mạnh mẽ, khi chúng ta là con cái đi vào chương trình của Người mà làm việc. Như trong kinh đọc: là con một Cha, anh em một nhà, cùng nhau tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô là yêu thương đến cùng và khiêm tốn phục vụ, để mọi người trên đất nước chúng con và cả thế giới mau đón nhận tình yêu cứu độ của Cha.

7. TẠ ƠN CHA ĐÃ THƯƠNG GỬI CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO

Kinh Năm Thánh có một điều rất hay và sâu xa là biết ơn các nhà truyền giáo đã gieo hạt giống đức tin góp phần lớn lao xây dựng Giáo Hội này, đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt xương máu, nhất là ngày nay sau khi các ngài vất vả làm việc mà bị trục xuất cách nhục nhã. Ghi ơn các ngài là điều rất cần, rất xứng đáng, Chúa sẽ thưởng công các ngài theo lời cầu khẩn chân thành của chúng ta.

Kinh Năm Thánh không phải nói một chiều, nhưng đã nói rất khéo về những lỗi lầm thiếu sót đối với Cha và mọi người trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Thật vậy các nhà thừa sai xa lạ mà đến Việt Nam, làm sao hiểu được nền văn hóa ngàn năm của nước ta, các tôn giáo rất lạ đối với người Công giáo, nên không lạ gì có những lầm lỗi thiếu sót: gọi các chùa, các đền, các đình và các vị được tôn sùng trong đấy là bụt thần ma quỷ, không được gần gũi vì sẽ là có tội. Ấy là chưa kể chính chúng ta giáo dân Việt  còn thêm thắt hàng trăm điều lặt vặt như rút thẻ, vàng mã, xem ngày giờ… chưa kể rất nhiều tội lỗi chúng ta đã phạm có liên quan đến đời sống với bà con bên lương: kiêng cúng giỗ, thăm viếng người chết, mồ mả... Kinh Năm Thánh nói rõ những điều lầm lỗi ấy cũng là phạm đến Chúa chứ không phải chỉ là phạm đến bên lương, không phải là phạm đến trong quá khứ mà hiện tại vẫn còn phạm. Tuy kinh không nói rõ phải làm thế nào, nhưng dạy phải xây dựng cuộc sống lương giáo tốt đẹp hơn. Đây không phải là mới lạ gì vì. Vatican II đã dạy và thư của Gioan Phaolô II về Á Châu đã vạch ra rõ ràng và chúng ta đã chẳng làm gì được bao nhiêu theo hướng ấy.

Các nhà thừa sai không có hoàn cảnh để hiểu rõ : tiếng nói không rõ ràng, cấm cách bắt bớ gây nhiều khó khăn, các cộng tác viên thì quá ít và kém cỏi, những điều này ngày nay chúng ta không có cớ nào để bênh vực cho mình: chỉ cần các giám mục giúp đỡ và chỉ dẫn là có thể xúc tiến mạnh mẽ, cũng cần nhớ rằng các chuyên viên của chúng ta tuy không đông nhưng cũng thừa để làm việc này, chỉ cần có một tổ chức chỉ huy đứng đắn và cũng cần biết rằng biết cách bảo nhau cùng làm là đủ, không cần có lệnh từ bên trên. Cho đến nay công việc quá chậm chạp (trừ mấy cha đầu đàn đã làm quá rời rạc và nay đã qua đời gần hết).

Kinh Năm Thánh là tiếng gọi công việc phục hồi ấy, và khới lên một loạt các con cháu rất muốn làm, nhưng vẫn trong trình trạng chờ đợi. Ta đã nói chung các nhà truyền giáo nhưng cũng phải nói rằng có nhiều lẻ tẻ những nhà truyền giáo cũng góp phần nhiều vào việc này. Thí dụ Cha Cadière, Cha Cras, Cha xứ Phủ Lý không tiện nói tên ngày xưa học về các dân tộc thiểu số Việt Nam, cũng như Cha xứ Thanh Hoá đã học về côn trùng Việt Nam…

Công việc lớn lao này đè trên đầu chúng ta mà xem ra như chúng ta không để ý lắm. Chúng ta như đang ngủ, rất mong kinh Năm Thánh này đánh thức chúng ta tỉnh lại.

8. XÂY DỰNG GIÁO HỘI

Nếu ai hỏi người Công giáo chúng ta đi đạo để làm gì, đại đa số trả lời rằng để đời sau được lên Thiên Đàng, đời này thì giữ đạo, rồi chết và đời sau lên thiên đàng. Các Giám mục Việt Nam trong kinh Năm Thánh nói rõ là xin ơn biết quyết tâm xây dựng Giáo hội Việt Nam. Đây là một điều hoàn toàn mới: mọi hành vi đạo,  mọi hoạt động của các cộng đoàn, mọi kinh nguyện… đều nhằm một mục đích là để xây dựng Giáo hội Việt Nam.

Và như vậy như lời Đức Giêsu nói: ai muốn cứu mình thì sẽ mất nó. Vì thế người Công giáo hiểu đúng nghĩa, thì phải quên mình đi, xây dựng Giáo Hội, là cách tìm rỗi linh hồn lên thiên đàng tốt nhất và chắc nhất. Những giáo dân hiểu Lời Chúa như lời các Giám mục Việt Nam dạy thì làm việc đạo, các việc truyền giáo, làm chứng cho Chúa, cũng như các việc đời xây dựng trần gian đẹp như phác thảo đời sau, thế là cứu linh hồn mình đấy. Xây dựng đời trong tinh thần của Chúa, theo tinh thần Chúa cũng là tìm cứu linh hồn mình đấy. Những người cộng sản trước đây cứ tưởng đi đạo là chỉ làm việc đạo, các việc đời đối với họ là vô ích cho Giáo Hội. Cái kiểu hiểu này rất tệ hại vì người cộng sản tưởng là người Công giáo bất cần đến trần gian này, chỉ lo việc đạo, chỉ vì đạo mới có ơn cứu rỗi. Cũng rất tệ hại đối với người Công giáo, vì cho việc đời là vô ích cho đời sống đạo của mình, vì thế khinh chê nó, không làm việc đời cho tốt.

Nước Đức Chúa Trời, còn gọi là Trời Mới Đất Mới hay là Giáo Hội của Chúa bao gồm cả đạo cả đời. Việc đời phải làm theo tinh thần đạo thì mới tránh được lầm lỗi xấu xa. Ngày nay, sau mấy chục năm xây dựng xã hội không có đạo đã có quá nhiều sai lầm: tham ô, kèn cựa, gian dối… những việc này nếu người dân tốt đạo sẽ tránh xa được nhiều. Các Giám mục Việt khi dạy chúng ta xây dựng Giáo hội Việt cũng đóng góp rất lớn vào việc xây dựng đất nước Việt . Đạo ở trong đời là như thế và đem sự sống cho con người chúng ta.

Đồng bào không Công giáo trước đây thu gọn việc đi đạo là ở trong nhà thờ. Ngày nay họ biết hơn rằng đi đạo trong nhà thờ là để được ơn, để khi ra khỏi nhà thờ thì không những là sống tốt hơn mà còn sống giỏi hơn. Người Công giáo được ơn Chúa giúp đã đành sống tốt hơn nhưng trí khôn cũng được ơn Chúa cho sáng hơn, tài hơn. Làng tôi trước đây ít được học hành bị các thầy cô giáo cho là đạo làm ngu muội con người: ngày nay các em đứng đầu các lớp có khi thủ khoa, đi làm được mọi người quý mến, không những vì thật thà mà còn là tài ba nữa. Làng tôi rất tự hào vì đánh đổ được những hiểu lầm trước đây. Chúng ta mong rằng những sai lầm ấy dần dần được xóa tan khắp nơi, và tình nghĩa lương giáo ngày càng thắm thiết.

9. CHÚA THÁNH THẦN LIÊN KẾT CÁC TÍN HỮU THÀNH CỘNG ĐỒNG NHÂN LOẠI MỚI

Về Chúa Thánh Thần, có hàng trăm tư tưởng quan trọng Người phải làm ở trần gian. Ở trong một số xứ đạo chúng ta ở Miền Bắc có hẳn một kinh cầu Chúa Thánh Thần nói lên hoạt động đa dạng của Người trong Giáo Hội và trong trần gian, từ nay cho đến ngày Trời Mới Đất Mới (kinh cầu này theo tư tưởng Vatican II và theo thư gửi cho các Giáo Hội Á Châu).

Có cái lạ là trong kinh Năm Thánh chỉ nói đến độc nhất là nhiệm vụ Người kết chúng ta thành một cộng đồng dân Chúa mới. Kinh Năm Thánh đã nhấn vào điểm quan trọng nhất. Chúng ta phải sống với Chúa Thánh Thần, Người cho chúng ta nghị lực để tập hợp thành một cộng đồng, không sống rải rác, mà thành một cộng đồng mới, chữ “mới” là rất quan trọng, chúng ta vẫn sống với Chúa Thánh Thần cái đó là rõ. Chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần, cái đó cũng quá rõ, nhưng chúng ta là những đền thờ lẻ tẻ, nhà thờ nào lo cho nhà thờ đấy, chúng ta sống với Chúa Thánh Thần của riêng chúng ta, xuống ơn lành cho riêng chúng ta, thế thôi. Chúng ta có hàng nghìn nhà thờ riêng biệt như vậy, mỗi nhà thờ sáng chói ơn Thánh Thần, nhưng vì riêng lẻ nên Giáo Hội rất yếu và không làm được bao nhiêu việc làm chứng cho Chúa. Năm trăm người cộng sản kỳ 1945 do tổ chức khéo léo đã làm thành cuộc cách mạng tháng 8, năm triệu người Công giáo chỉ làm thành năm triệu người đọc kinh riêng lẻ, về phần đời người ta bảo làm gì thì làm vậy. Có chiên nhưng không thành đoàn, có đoàn nhưng không có chủ chiên, chủ chiên chỉ biết bảo đọc những kinh nào, làm những lễ nào mà thôi. Vì thế kinh Năm Thánh nhấn mạnh ta phải biết nhờ Thánh Thần để làm gì. Cho đến nay chúng ta đọc rất nhiều kinh Chúa Thánh Thần, mỗi người là đọc cho mình, không biết rằng Thánh Thần là để quy tụ chúng ta thành một cộng đồng. Cho đến bao giờ giáo dân mới ý thức được điều ấy trong đời sống đạo của mình, kinh Năm Thánh đã chọc vào đúng chỗ quan trọng, nhưng nếu không hiểu giáo dân đọc hàng trăm năm nữa vẫn thế thôi.

Vatican II và thư gửi các Giáo hội Á châu có nói rõ sau các Giáo phụ rằng ngay từ đầu đã có Thánh Thần trong đạo tự nhiên. Ở Việt chúng ta Thánh Thần hoạt động rất nhiều trong lòng bà con lương dân hiền lành sinh nhiều hoa quả đạo đức của đạo cha ông chúng ta. Ấy là chưa kể nhiều cộng đoàn đạo tự nhiên có nhiều điều tốt lành trong gia đình, trong xã hội cũng là do Thánh Thần trong đạo tự nhiên mà ra. Đấy là Thánh Thần cũ trong đời sống cũ ở mức sống cũ. Kinh Năm Thánh nói rõ nhờ Thánh Thần chúng ta phải thành một cộng đồng mới. cộng đồng Thánh Thần mới hoạt động cao siêu thế nào, mạnh mẽ thế nào, ta đọc sách hoạt động các Tông đồ phải thấy. Các Tông đồ như Phaolô, Baraba mạnh mẽ làm sao, Galata, Corintô, Êphêsô… đã hoạt động rộng rãi thế nào ta đã biết. Thực sự trong các xứ đạo chúng ta ngày nay: Bắc Ninh, Hưng Hoá, Hà Nội, Hải Phòng và cả Miền Bắc (còn Miền Nam thì sao?), có gì hơn các cộng đoàn đạo tự nhiên bao nhiêu đâu. Chúng ta có Thánh Thần hay không có Thánh Thần chẳng ai để ý, chẳng ai sống nhờ Người, với Người. Không biết ta đọc kinh có hiểu vấn đề này hay không nhỉ. Kinh Năm Thánh đã nhắc là điều rất cần, các xứ đạo phải để ý sống gắn bó với và hoạt động với Thánh Thần hơn. Xây dựng Giáo Hội không có Chúa Thánh Thần thì xây dựng thế nào được?

10. HIỂU TỔNG QUÁT VỀ KINH NĂM THÁNH

 Các Giám mục Việt dạy rằng Chúa Cha sáng tạo và cứu độ. Các ngài đã dạy thì phải là đúng. Nhưng Chúa sáng tạo và cứu độ có câu chuyện dài về loài người phạm tội, Chúa Cha sai Con làm người, rao giảng Phúc Âm ban ơn cứu độ mà vì thế mà phải chết, rồi sống lại lên trời. Công cuộc cứu độ phần riêng của Đức Giêsu thì đã xong, còn đem áp dụng cho loài người thì Ngài đã sai hai thừa tác viên là Thánh Thần và Giáo Hội. Ở Việt , Ngài đã gửi các thừa sai gieo rắc Tin Mừng và cùng Thánh Thần làm cho Giáo hội Việt phát triển. Tiếp theo các nhà thừa sai là các linh mục Việt , chánh trương, trùm trưởng, ông trương bà trương và rất nhiều giáo dân tông đồ.

Riêng ở Giáo hội Việt , vai trò của các ban hành giáo là rất quan trọng. Chính họ là những người gần dân và sắp xếp cho đạo đời đường an lành. Chúng ta thường chấp nhận dễ dàng việc lương giáo đối đich với nhau. Sự thực không hẳn là thế. Có sự đối nghịch nặng nề là từ các vua, quan, chánh tổng lý trưởng… những người cầm quyền, mà cũng không hẳn là tất cả những người ấy, còn lương dân thì trái lại rất thông cảm và thương bà con Công giáo, rất nhiều khi ra mặt đùm bọc, che chở, giúp đỡ. Ngày nay còn rất nhiều di tích thương yêu nhau như thế trong nhiều xứ đạo.

Có một mảng người có công lao rất lớn với Giáo Hội Việt Nam, thường chúng ta hay quên, chính trong kinh Năm Thánh cũng không dù là ám chỉ đến, đấy là khối nữ giới trong Giáo Hội (trong 117 vị thánh Việt Nam chỉ có một bà thánh Đê), đặc biệt hàng nghìn hàng vạn các nữ tu dòng mến thánh giá thì không được dù là nhắc đến mà thôi. Trong khi các giám mục, linh mục phải trốn tránh, chui lủi, các nữ tu vẫn cứ đàng hoàng với một gánh lá dâu, hàng xén lặt vặt… đi ngang qua các làng mạc, kể cả cửa quan, trại lính, trại giam. Khắp nơi chị em vẫn giảng đạo, dạy giáo lý, rửa tội, chăm sóc kẻ liệt và người qua đời… biết bao nhiêu chị em đã làm tông đồ như thế, nhiều chị em bị bắt, bị tra tấn, phải chết, thế mà trong lòng Giáo hội Việt Nam vẫn không để ý đến. Nghe đâu kỳ này có nói đến việc phong thánh cho Đức Giám mục sáng lập Dòng Mến Thánh Giá này: chắc chắn Toà Thánh và Hội đồng Giám mục Việt phải nghiên cứu đến hàng nghìn tông đồ nữ anh hùng này và phong thánh cho họ. Rất mong rằng trong các xứ đạo, trong các địa phận, trong khắp Giáo hội Việt sẽ được dựng nên các bức tượng của các vị thánh này. Chúng ta không thiếu gì người giỏi, không thiếu gì tiền để phổ biến trong lòng giáo dân ta hình ảnh các con người nhỏ bé, hèn mọn thật là vĩ đại này.

Kinh Năm Thánh cần thúc dục chúng ta, nhất là họ nữ đến cầu nguyện cùng những vị thánh này, ngang hàng mà thân thiết hơn, để được ơn thiêng tiến bước theo Đức Giêsu trong Thánh Thần để tham gia việc xây dựng Giáo Hội ngày nay. Có thế mới thật là một kinh Năm Thánh đầy đủ. Trình bày như thế các bậc bề trên có thấy là nên chăng.

Đông Xuyên, ngày 20-7-2010

Đức ông Laurenxô Phạm Hân Quynh

Giáo phận Hải Phòng

In ngày: 25/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print