Print  
“Hy vọng cuối cùng của chúng tôi đã tắt”
Bản tin ngày: 16/08/2021   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Kabul sụp đổ!

Hàng triệu phụ nữ Afghanistan sợ hãi bỏ chạy, co cụm trong những ngôi nhà, oán hận chính phủ và cay đắng cho số phận bi đát của mình khi phiến quân Taliban đã kiểm soát đất nước.

Một nữ sinh viên Afghanistan cho biết khi cô đang tới đại học Kabul thì một nhóm nữ sinh từ ký túc xá hoảng sợ chạy ra. Họ bảo với cô cảnh sát đang sơ tán vì Taliban đã vào đến Kabul và họ sẽ đánh đập những phụ nữ không mặc đồ burqa – trang phục trùm kín đầu và người của phụ nữ Hồi giáo, theo Guardian.

Nữ sinh viên trên muốn về nhà nhưng không kiếm được chiếc xe nào. Các nữ sinh viên sống trong ký túc xá thậm chí còn hoảng loạn hơn vì không biết phải đi đâu về đâu.

Trong khi đó, những gã đàn ông đứng quanh họ cười nhạo, thậm chí giễu cợt họ. “Chạy đi và hãy mặc chadari (burqa) vào,” một người trong số họ nói, Guardian đưa tin.

“Đây là ngày cuối cùng các cô được ở ngoài đường,” người thứ hai chế nhạo. “Tôi sẽ cưới bốn cô trong một ngày,” người thứ ba tiếp lời.

Nữ sinh viên trên cho biết theo kế hoạch, cô sẽ tốt nghiệp vào tháng 11 tới, nhưng tất cả đều sụp đổ. “Điều duy nhất mọi người đang nghĩ đến bây giờ là làm thế nào để sống sót ở đây hay trốn thoát,” nữ sinh viên chua chát nói. Tuy nhiên, không có lối thoát nào cho cô cũng như hàng triệu người dân Afghanistan khác.

Cách đại học Kabul 10 km, trong gian phòng nhỏ hơn 30 m2 ở Kabul, Roqia và Tahira giật mình thon thót mỗi khi tiếng súng nổ chát chúa từ xa vọng lại. Vài ngày trước, việc sống ở thủ đô từng cho họ cảm giác may mắn hơn những phụ nữ ở các tỉnh thành khác. Họ tin quân đội chính phủ và người Mỹ sẽ bảo vệ được Kabul, nhưng tất cả đã sụp đổ khi từng đoàn xe của Taliban tiến vào thành phố đêm qua đem theo những màn sương mờ mịt phủ lên tương lai của họ.

“Một người phụ nữ chỉ rời khỏi nhà cha mình trong bộ quần áo cô dâu màu trắng, và cô ấy chỉ có thể trở về trong tấm vải liệm màu trắng” – đây là một câu nói lưu truyền ở Afghanistan gói gọn quan điểm của đất nước này về hôn nhân.

Trong xã hội gia trưởng và bảo thủ sâu sắc này, những phụ nữ bất chấp quy tắc và tìm cách ly hôn thường bị gia đình từ chối và xã hội Afghanistan xa lánh. Còn lại một mình, họ phải đấu tranh cho các quyền cơ bản, chẳng hạn như thuê một căn hộ, đòi hỏi sự tham gia hoặc bảo lãnh của người thân nam giới.

Bất chấp sự kỳ thị của xã hội và những rào cản đối với sự độc lập, vẫn có những phụ nữ Afghanistan sống đơn thân như Roqia và Tahira, họ đã ly hôn lần lượt cách đây 7 và 8 năm và hiện ở chung một căn hộ. Cùng nhau, Roqia và Tahira đã vượt qua nhiều sóng gió và hỗ trợ lẫn nhau bằng những trải nghiệm tương tự của họ.

Giờ đây, sau khi thiết lập cuộc sống mới, độc lập ở Kabul, Roqia, Tahira, và hàng ngàn người khác trong những tình huống tương tự, phải đối mặt với một thử thách khắc nghiệt hơn khi Taliban đã kiểm soát đất nước.

Mặc dù tuyên bố rằng họ đã thay đổi lập trường về quyền phụ nữ, nhưng các hành động và nỗ lực mới nhất của Taliban nhằm buộc hàng nghìn phụ nữ làm nô lệ tình dục lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.

Hơn nữa, Taliban đã cho thấy ý định từ chối việc giáo dục trẻ em gái dưới 12 tuổi, cấm phụ nữ làm việc và khôi phục luật yêu cầu phụ nữ phải có người giám hộ đi cùng. Những lợi ích mà phụ nữ Afghanistan đạt được trong 20 năm qua, đặc biệt là trong giáo dục, việc làm và tham gia chính trị, đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, đáng sợ nhất là việc các chiến binh Taliban cưỡng bức hôn nhân của các cô gái trẻ và góa phụ. Cung cấp “vợ” là một chiến lược nhằm thu hút các chiến binh gia nhập Taliban. Vào đầu tháng 7, các thủ lĩnh Taliban sau khi nắm quyền kiểm soát các tỉnh Badakhshan và Takhar, đã ra lệnh cho các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương cung cấp cho họ danh sách các cô gái trên 15 tuổi và góa phụ dưới 45 tuổi để “kết hôn” với các chiến binh Taliban.

Lệnh này đã gây ra nỗi sợ hãi sâu sắc đối với phụ nữ và gia đình buộc họ phải chạy trốn và gia nhập hàng ngũ những người rời bỏ quê hương. Chỉ trong ba tháng qua, hơn 1 triệu người đã rời bỏ nhà cửa để trốn chạy. Và những phụ nữ ly hôn sống một mình lại thấy mình bị cô lập hơn bao giờ hết, không còn nơi nào để trốn thoát.

“Chúng tôi rất lo lắng về các cuộc hôn nhân cưỡng bức của Taliban. Nếu họ đến bắt chúng tôi đi, chúng tôi sẽ kết thúc cuộc đời mình. Đó sẽ là lựa chọn duy nhất”, cô Tahira nói.

Một nữ nhà báo đã khóc khi gửi tin nhắn thoại cho đồng nghiệp sau khi các tay súng vũ trang xông vào tòa nhà nơi cô ở và gõ cửa nhà cô.

“Tôi nên làm gì đây? Tôi có nên gọi cho cảnh sát hay Taliban không?” – nữ nhà báo Getee Azami khóc. Hiện không rõ chuyện gì đã xảy ra với cô Azami sau đó.

Tại một ngôi nhà cũ phía Tây Kabul, Rahima, 60 tuổi, người phụ nữ với 7 cô con gái cũng vừa cất đi những hy vọng cuối cùng. Khoảng 1 tháng nay, bà đã cố gắng để cưu mang rất nhiều trẻ em gái và phụ nữ từ các tỉnh xa bị Taliban chiếm chạy loạn đến Kabul.

“Tất cả chúng tôi đều biết những gì Taliban sẽ làm. Chúng tôi đã cố nuôi hy vọng nhưng có vẻ mọi thứ đã chấm hết. Tôi lo lắng cho số phận của con gái của mình và những phụ nữ ở đây. Cuộc đời tôi đã không có được hòa bình, và bây giờ có lẽ các con gái của tôi cũng sẽ chẳng bao giờ biết đến điều ấy,” bà nói.

Kabul sụp đổ, nhiều người không còn chốn dung thân

Thủ đô của Afghanistan rơi vào tay Taliban nhanh hơn nhiều người tưởng tượng, khiến hầu hết người Afghanistan không còn lối thoát.

Người dân Kabul đã được trấn an rằng họ sẽ an toàn, rằng một thỏa thuận đã được thực hiện để tránh việc Taliban tấn công chính thức. Nhưng đối với nhiều người Afghanistan, những khung cảnh diễn ra xung quanh họ vào ngày Chủ nhật ở thủ đô lại kể một câu chuyện khác.

Không chỉ là Tổng thống của họ đã bỏ trốn khỏi đất nước, có vô số dấu hiệu nhỏ hơn cho thấy thế giới của họ sắp thay đổi.

Các đồn cảnh sát đã bị bỏ hoang, các sĩ quan đã cởi bỏ quân phục để mặc trang phục dân sự. Những tấm áp phích in hình phụ nữ tại các thẩm mỹ viện được sơn đè lên nhằm tránh bị tra xét và trừng phạt từ những kẻ cai trị mới. Và ở phía đông thành phố, các tù nhân tại nhà tù chính của Kabul, nhiều người trong số họ là thành viên của Taliban, đã nắm bắt cơ hội để vượt ngục.

“Đây là Ngày Phán xét,” một người dân tuyên bố khi quay cảnh các tù nhân mang theo những gói đồ đạc chạy khỏi nhà tù.

Tại nhiều thành phố, người dân đứng xếp hàng dài tại các máy ATM để cố gắng rút tiền tiết kiệm. Tuy nhiên, một số máy ATM đã ngừng phân phối tiền mặt, trong khi hàng trăm người khác tập trung trước các ngân hàng tư nhân.

Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, Abdul Sattar Mirzakwal, đã thông báo vào đầu giờ chiều Chủ nhật rằng một thỏa thuận đã được thực hiện để chuyển giao quyền lực một cách hòa bình tại Kabul.

“Chúng tôi đã ra lệnh cho tất cả các bộ phận và thành viên của Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan ổn định tình hình Kabul,” ông Mirzakwal nói trong một tuyên bố video. “Sẽ không có cuộc tấn công nào vào thành phố… Theo ý muốn của Chúa, quyền lực sẽ được chuyển giao.”

Nhưng người dân dường như không bị thuyết phục bởi sự đảm bảo của vị lãnh đạo.

Nhiều người đã chạy đến Kabul khi các thành phố của họ thất thủ. Tại thời điểm đó, Kabul dường như là nơi duy nhất có thể cung cấp một sự đảm bảo nhất định trong tương lai gần.

Nhưng “tương lai gần” đó đã thay đổi ngay trong Chủ nhật, khi Taliban tiến vào Kabul. Nhiều người, trong số đó có Tổng thống Ashraf Ghani và các quan chức chính phủ cấp cao khác, đã chạy trốn khỏi đất nước.

Nhiều người Afghanistan và công dân nước ngoài sau đó đã đổ xô đến sân bay, nơi chứng kiến những khung cảnh hỗn loạn. Hàng nghìn người chen chúc trong bãi đỗ, vây quanh các máy bay trên đường băng, tuyệt vọng tìm kiếm các chuyến bay để có thể ra khỏi đất nước.

Đại sứ quán Hoa Kỳ đã phải đưa ra cảnh báo: “Tình hình an ninh ở Kabul đang thay đổi nhanh chóng kể cả tại sân bay. Có báo cáo về việc nổ súng ở sân bay; do đó chúng tôi đang hướng dẫn công dân Hoa Kỳ đến nơi trú ẩn tại chỗ.”

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ và một số dân thường đã bắt đầu được sơ tán vào Chủ nhật. Trực thăng nối tiếp nhau lên xuống để chở hành khách. Nhưng nhiều người Afghanistan không thể làm gì hơn ngoài việc nhìn trong tuyệt vọng.

Không hy vọng chạy thoát bằng đường không, hàng nghìn người đã chạy đến biên giới với Iran và Pakistan.

Iran đã thiết lập các trại tị nạn tạm thời dọc theo biên giới để chuẩn bị cho lượng lớn người dân Afghanistan, nhưng cảnh báo rằng người dân nên quay trở lại khi thấy an toàn.

Tại biên giới Pakistan, hàng đoàn xe và người đổ xô đến Cổng Hữu nghị ở thị trấn biên giới Chaman.

Hoài Anh
https://trithucvn.org/the-gioi/phu-nu-afghanistan-hy-vong-cuoi-cung-cua-chung-toi-da-tat.html
In ngày: 23/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print