Print  
Vatican kêu gọi các nước chấp nhận người tị nạn từ Afghanistan
Bản tin ngày: 26/08/2021   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Một buổi sáng tại Kabul, Afghanistan

TT (Thành phố Vatican, 25/8/2021, CNA, Courtney Mares) - Một nhà ngoại giao của Vatican đã kêu gọi các nước "chuyển từ tuyên bố sang hành động" bằng cách chào đón những người tị nạn từ Afghanistan.

Trong bài phát biểu trước phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về tình hình ở Afghanistan, Đức Ông John Putzer nói rằng Tòa Thánh đang kêu gọi tất cả các bên duy trì "phẩm giá con người và các quyền cơ bản của mỗi người". Ngài nhấn mạnh rằng điều này bao gồm "quyền sống, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do đi lại và quyền hội họp hòa bình."

"Vào thời điểm quan trọng này, điều quan trọng là hỗ trợ sự thành công và an toàn của các nỗ lực nhân đạo trong nước, trên tinh thần đoàn kết quốc tế, để không làm mất đi những tiến bộ đã đạt được, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ĐÔ Putzer cho biết tại Geneva, Thụy Sĩ, vào ngày 24 tháng 8.

ĐÔ Putzer phục vụ với tư cách là đặc phái viên của Phái đoàn quan sát viên thường trực của Tòa thánh tại Liên hợp quốc tại Geneva. Là người gốc Wisconsin, linh mục người Mỹ phục vụ trong đoàn ngoại giao Vatican tại Cộng hòa Dân chủ Congo trước khi chuyển đến Geneva.

Ngài nói rằng Tòa thánh đã theo dõi tình hình ở Afghanistan với "mối quan tâm lớn" và hy vọng về một "giải pháp hòa bình và nhanh chóng" thông qua đối thoại. Ngài nói: "Tòa thánh... vẫn tin rằng đối thoại hòa nhập là công cụ mạnh mẽ nhất để đạt được hòa bình như vậy và kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế chuyển từ tuyên bố sang hành động bằng cách chào đón người tị nạn trên tinh thần huynh đệ nhân loại."

Các chiến binh Taliban đã tràn qua những vùng đất rộng lớn của đất nước và chiếm được thủ đô Kabul vào ngày 15 tháng 8. Bước tiến nhanh chóng của nhóm diễn ra khi nhiều thường dân Afghanistan và công dân Hoa Kỳ vẫn đang tìm cách rời khỏi đất nước trước khi quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng khác rút lui hoàn toàn.

Mỹ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán hơn 70.000 người khỏi sân bay Kabul, với 21.600 người được sơ tán khỏi Afghanistan trong 24 giờ vào ngày 24 tháng 8, theo Lầu Năm Góc.

Theo BBC, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch tiếp nhận 20.000 người tị nạn Afghanistan trong những năm tới. Canada cũng đã thông báo rằng họ sẽ giúp tái định cư 20.000 người Afghanistan.

Uganda đã đồng ý tiếp nhận 2.000 người tị nạn Afghanistan. Ấn Độ sẽ cấp thị thực khẩn cấp cho công dân Afghanistan trong sáu tháng tới, và Mexico cũng đã chào đón những người xin tị nạn đến từ Afghanistan.

Ở châu Âu, một số quốc gia còn do dự hơn. Chính phủ Thụy Sĩ nói rằng họ sẽ không chấp nhận những nhóm lớn người tị nạn từ Afghanistan và Áo sẽ không tiếp nhận bất kỳ người tị nạn Afghanistan nào.

Hồng y Jean-Claude Hollerich, chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh châu Âu (COMECE), đã nói rằng ngài "xấu hổ" về phản ứng của một số quốc gia châu Âu đối với tình hình ở Afghanistan.

"Chúng tôi đã mang lại hy vọng cho những người này và bây giờ chúng tôi đã để họ ở Đia ngục Dante [Đia ngục Dantelà phần đầu tiên của cuốn sách sử thi Divine Comedy thế kỷ 14 của nhà văn Ý Dante Alighieri. Địa ngục được mô tả như chín vòng tròn đồng tâm của sự đau khổ nằm trong Trái đất - Chú tích của người dịch]. Và sau đó tôi cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ cho Châu Âu và phương Tây. Chúng ta nói rất nhiều về các giá trị. Nhưng giá trị của chúng ta ở Afghanistan bây giờ ở đâu?" ĐHY Hollerich cho biết, theo hãng thông tấn Ý SIR. Đức Hồng y kêu gọi các nước EU "hành động theo lương tâm của bạn."

Taliban trước đây đã kiểm soát Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001. Trong thời gian đó, luật Hồi giáo được áp dụng một cách nghiêm ngặt và trẻ em gái không được phép đến trường.

Những người ủng hộ nhân quyền đã bày tỏ lo ngại rằng, với việc Taliban giành lại quyền kiểm soát Afghanistan và đổi tên đất nước thành "Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan", luật Sharia có thể sẽ bị áp đặt nghiêm ngặt. Dưới thời Sharia, bao gồm cả ở Afghanistan trước khi Taliban tiếp quản, việc bỏ đạo khỏi đạo Hồi có thể bị trừng phạt bằng cái chết.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Nasir Ahmad Andisha, đại sứ Afghanistan tại Liên hợp quốc tại Geneva, nói rằng các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và vi phạm nhân quyền đã được ghi nhận ở nước này. Ông nói: "Vi phạm đã xảy ra khi chúng tôi đang nói".

Một diễn giả khác tại phiên họp đặc biệt đã đưa ra lời kêu gọi đối với những người theo đạo Thiên Chúa và các tôn giáo thiểu số khác có cuộc sống bị đe dọa bởi Taliban.

Giorgio Mazzoli, một quan chức pháp lý đại diện cho nhóm Thiên Chúa giáo ADF International tại Liên Hợp Quốc, nói rằng ông muốn kêu gọi sự chú ý của hội đồng đến "hoàn cảnh thảm khốc của các cộng đồng thiểu số tôn giáo ở Afghanistan".

Ông nói rằng các nhóm thiểu số tôn giáo ở Afghanistan đã "sống trong một môi trường pháp lý và xã hội thù địch trong nhiều thập kỷ và hiện đang có nguy cơ cao trở thành mục tiêu của bạo lực chết người".

"Trong số đó ước tính có khoảng 10.000 người theo đạo Thiên chúa, nhiều người trong số họ 'phạm tội' cải đạo từ đạo Hồi - một tội ác có thể bị trừng phạt bằng cái chết theo luật Sharia," ông nói.

"Khi các tài khoản đáng lo ngại về các vụ giết người, quấy rối và đe dọa chống lại họ đang nhanh chóng xuất hiện, chúng tôi kêu gọi các quốc gia và cộng đồng quốc tế dành sự quan tâm tối đa cho những nhóm thiểu số bị bức hại này và đảm bảo các điều kiện để họ rời khỏi đất nước một cách nhanh chóng và an toàn, bất kể họ có có giấy tờ đi lại hợp lệ."

Mazzoli cũng kêu gọi các chính phủ tạm thời ngừng trục xuất về Afghanistan và xem xét lại các đơn xin tị nạn bị từ chối từ những người Afghanistan lo sợ "bị ngược đãi vì đức tin hoặc niềm tin của họ."

"Triển vọng khó khăn về tự do, dân chủ và pháp quyền, cộng thêm bởi một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc, đang buộc hàng ngàn đàn ông, phụ nữ và trẻ em Afghanistan phải rời bỏ đất nước và buộc nhiều người khác phải tìm cách thoát khỏi sự ngược đãi và áp bức", ông nói.

"Tình hình đang diễn ra trên thực tế đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có phản ứng tức thời, mạnh mẽ và phối hợp, theo đó tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được coi là điều kiện tiên quyết tuyệt đối cho một tiến trình hòa bình và hòa giải đáng tin cậy".

Cao Nguyên dịch
https://www.catholicnewsagency.com/news/248769/vatican-urges-countries-to-accept-refugees-from-afghanistan
In ngày: 19/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print