Print  
Không phải ngày tận thế
Bản tin ngày: 30/08/2021   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Khi mới qua Mỹ tháng 9/1980, tôi chỉ biết vài chữ tiếng Anh đủ để tồn tại như hungry, drink, food, sleep…

Có lẽ bạn không thể tưởng tượng được cuộc sống thế nào nếu như bạn, một đứa trẻ vừa ra khỏi trường trung học phổ thông ở Việt Nam, tiếng Anh không biết, bỗng bị quăng vào thế giới hoàn toàn xa lạ từ văn hóa đến ngôn ngữ, không người thân nương tựa. Nhưng nó hoàn toàn không có lựa chọn nào khác ngoài phải tồn tại. Tôi lúc ấy 19 tuổi, chỉ mang theo bên mình lời khuyên của ba tôi: "Học là con đường ngắn nhất để thoát nghèo, con ạ".

Nơi tôi sống ở vùng quê hẻo lánh nên trường không có lớp tiếng Anh cho người nước ngoài, vì không có người nước ngoài. Tôi phải tự bươn chải trong các lớp học. Cuối tháng 12 năm ấy, tôi nộp hồ sơ cho một số đại học gần nhà như tia hy vọng nhỏ nhoi dù biết mình không có nhiều cơ hội được nhận. Tôi không có học bạ hay thông tin minh chứng trình độ học vấn.

Điểm thi TOEFL lúc ấy của tôi chỉ hơn 300 một tý trong khi muốn vào đại học phải đạt 550 trở lên. "Nộp hồ sơ xin vào đại học là hành động điên rồ từ ảo tưởng không thực tế", ông hiệu trưởng nơi tôi theo học nói. Ông khuyên tôi nên đi làm sau khi ra trường và sẵn sàng giúp đỡ để tôi có một công việc ở hãng chế biến thịt gà tây gần đó.

Và rồi tháng ba cũng đến, tháng mà các đại học ra quyết định tuyển sinh. Mỗi chiều, tôi chạy ra hộp thư trước nhà để coi có thư từ đại học nào gửi mình không. Khi có thư, tôi mừng lắm, cầm lá thư tràn đầy hy vọng. Vội vàng xé phong bì để rồi nhìn thấy dòng chữ: "Cảm ơn bạn đã quan tâm đến trường chúng tôi nhưng thật đáng tiếc...". Cụm từ "thật đáng tiếc" đập vào mắt tôi.

Hết thư này đến thư khác. Cái chữ ác nghiệt "thật đáng tiếc" cứ đánh vào mặt, vả vào tim tôi không thương tiếc. Rồi lá thư cuối cùng cũng đến. Tôi cầm nó trong tay, không dám mở vì sợ sự thật phũ phàng.

Sau bữa cơm chiều, mẹ nuôi tôi hỏi: "Tại sao con không mở lá thư để coi kết quả?". Tôi nói: "Con sợ sự thật". Bà đứng dậy cầm lá thư và hỏi: "Mẹ mở nó được chứ?". Tôi gật đầu. Rồi giọng của mẹ nuôi cất lên: "Dear Thanh Truong, thank you... unfortunately...". Tôi chỉ nghe được đến cái chữ ác nghiệt "unfortunately" (thật đáng tiếc) rồi ù tai. Tôi xin phép mẹ lên phòng riêng vì muốn được một mình. Bước lên cầu thang, tôi nghe tiếng mẹ nuôi vọng theo: "Thành, điều đó không phải là tận thế!".

Trước mắt tôi chỉ có một lựa chọn, đó là chấp nhận số phận hẩm hiu và đi làm ở hãng thịt gà tây như quyết định của một bạn Việt Nam cùng hoàn cảnh. Nhưng tôi thực sự không can tâm.

Tuần sau đó, tôi tâm sự với các thầy cô về kết quả xin vào đại học của mình. Họ chia buồn, nhưng tôi trả lời với họ: "Điều này ngoài mong đợi của em nhưng em không có thời gian để buồn". Điều tôi muốn là vào đại học. Tôi vào thư viện mượn thêm sách để đọc. Tôi nhờ thầy cô chỉ bài mỗi khi có thời gian. Tôi cố gắng hơn gấp bội so với trước. Thầy cô thấy thế nên viết thư cho đại học North Dakota gần nhà và đồng loạt ký tên thỉnh cầu "hãy cho học trò này một cơ hội và bạn sẽ không ân hận bởi điều đó".

Tuần lễ trước khi nghỉ hè, tôi nhận được lá thư từ đại học North Dakota bảo rằng trường đã xét lại hồ sơ của tôi sau khi nhận được thỉnh nguyện thư có nhiều chữ ký và chấp nhận cho tôi vào học có điều kiện. Tôi mừng rơi nước mắt.

Đúng mười năm sau, tôi cầm trong tay tấm bằng tiến sĩ hóa học.

Thất bại hôm nay không có nghĩa bạn sẽ thất bại trong tương lai. Điểm thi không đủ để vào trường yêu thích, bạn rất dễ rơi vào trạng thái của người thua cuộc. Buồn bã, cảm thấy bế tắc, tự ti và nghi ngờ chính mình. Rồi bạn có thể ngồi một mình trong phòng, than thân trách phận, tại sao ông trời bất công với mình.

Nếu bạn đang trong tâm trạng ấy, tôi hoàn toàn hiểu vì tôi đã từng. Không ai vui khi đối diện với thất bại cả. Nhưng nếu tôi để tư duy của kẻ thua cuộc xâm chiếm mình ở khoảng thời gian ấy thì tôi không có ngày hôm nay để viết cho bạn điều này. Tôi đã rất buồn nhưng không trách bản thân mà tự hỏi: Thành, mày muốn gì cho cuộc sống này? Than thân trách phận có giúp mày giải quyết điều gì không? Trên đời không có cái gì trong tay mà không phải trả giá, vậy mày có dám chấp nhận trả cái giá cho nó?

Ngày hôm nay, bạn thi trượt, bạn không đủ điểm vào ngôi trường cấp ba mơ ước cùng bạn bè hay bạn chưa bước chân được vào đại học? Đã hơn bốn mươi năm từ ngày tôi ở vị trí của bạn, đủ dài để có thể nói rằng đường đời phía trước không bao giờ thẳng.

Tôi chắc chắn với bạn rằng đây không phải thất bại cuối cùng hay thử thách lớn nhất trong đời. Bạn bối rối chỉ là nhận ra mình đang đứng ở ngã tư mà con đường trước mắt đang bị chắn. Nhưng bạn vẫn có thể rẽ trái hay rẽ phải để tìm đường đến đích mình muốn. Thí dụ, bạn có thể dành một năm gap-year để trải nghiệm, tìm hiểu mình là ai và mình muốn gì. Ta cũng có thể theo học nghề rồi trở thành người chuyên nghiệp, có thể tiếp tục trau dồi kiến thức để thi lại hay đi làm thiện nguyện một thời gian để hiểu xã hội. Bạn có rất nhiều lựa chọn khác nữa.

Tôi không mấy ngạc nhiên nếu vài chục năm sau bạn sẽ nói rằng, thi rớt là điều tốt nhất xảy ra trong đời mình vì nó mở ra cho bạn vô số cơ hội. Cũng như tôi, cảm xúc nhận những lá thư từ chối vẫn còn nguyên và nhớ như in câu nói của mẹ nuôi: "điều đó không phải là tận thế".

Trương Nguyện Thành
In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print