|
Thánh lễ Tất niên Dương lịch 2021 diễn
ra theo hình thức trực tuyến vào lúc 20h00 ngày 30/12/2021 do Lm. Giuse
Phạm Văn Diệm, CM, chủ tế. Trong tâm tình của Mùa Giáng Sinh trải dài từ Noel đến tất niên Dương lịch, Cha chủ tế đã mời gọi cộng đoàn sống trong niềm vui Giáng Sinh và tâm tình tạ ơn tất niên cùng đem tình yêu đó đến lan toả cho tha nhân. Ngài nói: “Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho Học viện Lãnh đạo Nghĩa Sinh, cầu nguyện cho Trường Đại học Công lập Chicago và Califorlia cùng toàn thể cộng đoàn chương trình đào tạo Thạc sĩ Khoa học chuyên ngành Quản trị và Lãnh đạo Thực hành (Master of Science in Performance Management and Leadership).”
Giảng trong Thánh lễ, Cha Giuse Giuse Chu Văn Liên, OFM, đã có một bài chia sẻ Phúc Âm thật ý nghĩa. Tâm tình tạ ơn trong Lễ Tất niên cũng như Mẹ Maria đã tạ ơn trong đoạn Phúc Âm: Thiên Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại. Câu chuyện thực về việc phục vụ đồng bào, sẵn sàng lao động chân tay, sửa điện, nước, thậm chí làm “giang hồ”.
BÀI CHIA SẺ LỜI CHÚA
THÁNH LỄ TẤT NIÊN CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ – CTTS
Thứ năm, ngày 30.12.2021
(Bài đọc 1: Is 63,7-9; Bài đọc 2: 1Cr 1,3-9; Bài Tin Mừng: Lc 1,39-55)
Kính thưa Thầy Giuse, quý cô, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em trong đại gia đình CTTS. Tạ ơn là tâm tình không thể thiếu của người nhận ơn đối với đấng ban ơn. Dân Do Thái tạ ơn Chúa trong Lễ Vượt Qua vì Chúa đã gìn giữ và đưa họ từ Ai Cập vượt qua biển đỏ trở về quê hương an toàn. Người Mỹ mừng lễ Thanksgiving để tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho họ có vụ mùa bội thu và cuộc sống no đủ và an lành vào thứ năm của tuần 4 trong tháng 11 như chúng ta vừa tổ chức tháng trước. Việt Nam chúng ta có Ngày Giỗ Tổ (10 tháng 3 âm lịch) để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng đã có công dựng Nước và giữ Nước. Tạ ơn là tâm tình của mỗi người chúng ta trong Thánh lễ tất niên hôm nay. Đây cũng chính là tâm tình của Mẹ Maria khi đi thăm bà Elisabeth, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe.
Tại sao chúng ta phải tạ ơn? Mẹ Maria trong bài Tin Mừng đã trả lời thay cho chúng ta câu này. Đó là vì “Chúa đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Ngôn sứ Isaia trong Bài đọc 1 cũng nói rõ “vì tất cả những gì ĐỨC CHÚA đã thực hiện cho chúng tôi… bởi lòng Người đầy thương xót và lắm nghĩa giàu ân”. Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 cũng làm sáng tỏ thêm lý do: “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa của tôi vì anh em, về ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Kitô Giêsu.” Tâm tình tạ ơn phải được thể hiện rõ nét qua niềm tin. Mẹ Maria đã thể hiện cách tuyệt hảo yếu tố này khi bà Elisabeth nói với Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Con có đọc bản gốc Hy Lạp thì không phải vậy, mà là “Bà này thật có phúc vì bà này tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với bà này”. Mẹ Maria là ngôi thứ ba số ít, là “she” chứ không phải là ngôi thứ hai “you” như bản văn tiếng Việt và tiếng Anh, vì trong bản Hy Lạp có mạo từ “hê” dành cho ngôi thứ ba số ít giống cái. Thế thì ngôi thứ hai ở đâu? Bà Elisabeth nói với ai, trong khi ông Zacaria không ở nhà? Ngôi thứ hai đó chính là Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả đang nằm trong bụng mẹ. Bà Elisabeth đã làm chứng về Mẹ Maria chứ không phải nói với Mẹ Maria. Một lời chứng thì có giá trị hơn một lời nói. Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo về tâm tình tạ ơn, được thể hiện qua niềm tin và sự chấp nhận bỏ đi kế hoạch “một túp lều tranh hai trái tim vàng” với chàng Giuse để sống cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Noi gương Mẹ Maria, chúng ta cùng cộng tác vào “chương trình cứu độ của Thiên Chúa” qua việc chu toàn công việc của chúng ta mỗi ngày. Theo ngôn từ của Giáo hội Tây Nguyên thì Cha Trí và con là “thượng phụ”. Nói cho hoành tráng thế thôi nhưng thực ra thì đơn gian vô cùng. “Thượng” là người Thượng, người dân tộc; “phụ” là cha. “Thượng phụ” là ông cha coi sóc người Thượng. Là thượng phụ, chúng con hứa với mình là luôn cố gắng đừng để bao giờ phụ lòng người Thượng. Vì thế, chúng con phải chấp nhận làm nhiều thứ, ngoài việc làm lễ và làm chứng cho tình yêu của Chúa, chúng con còn làm vườn, làm rãy, làm thợ điện, làm thợ nước… và chấp nhận làm cả chuyện “giang hồ” nữa. Giang hồ ở đây không có nghĩa là đâm thuê chém mướn hay đòi nợ thuê nhưng là chuyện chấp nhận giang nắng và phụ hồ với giáo dân, gọi tắt là chuyện giang hồ.
Cuộc đời của chúng ta thật đẹp và có ý nghĩa khi chúng ta đặt trọn niềm tin yêu vào Chúa và biết hy sinh cho người khác. Đừng sợ Chúa không chúc phúc nhưng hãy sợ rằng mình không dám làm. Ngài đang chờ chúng ta làm để Ngài chúc phúc đấy. CTTS của chúng ta là một minh chứng cho điều này. Vào Lễ Vọng Phục Sinh năm 2019, con có dịp rửa tội cho hơn 100 người sắc tộc Bahnar. Ngày liền sau đó, con có tổ chức mừng Phục Sinh bằng việc tổ chức thi thể thao, các trò chơi dân gian dân tộc, hát múa kồng chiêng, hội chợ, ăn cơm lam gà nướng… cho khoảng hơn 1.000 người. Trong đó, con có mời một ít khách xa gần tới chơi. Có một chị khách nọ, sau khi đi quan sát một vòng chỗ nấu ăn, hội chợ và trò chơi, chị kéo con ra một gốc cây và nói “cho con gặp riêng cha một chút”, rồi chị nắm lấy tay con, xỏ chiếc nhẫn vàng 4 số 9 vào ngón tay con, không phải để làm bằng chứng tình yêu và lòng trung thành mà là để làm bằng chứng tình thương và sự chia sẻ. Con chia sẻ như thế không có ý “mèo khen mèo dài chân” hay dẻo miệng khéo xin tiền nhưng để nói lên rằng Thiên Chúa có nhiều cách để chúc phúc cho công việc chúng ta, miễn là chúng ta đặt niềm tin yêu phó thác vào tình thương và sự quan phòng của Ngài.
Chúng ta tin vào ân sủng và sự quan phòng của Chúa nhưng sự mỏng giòn và giới hạn của kiếp người vẫn còn đó nên chúng ta không thể không lo lắng nhất là “mỗi mùa xuân sang”. Chúng ta sống thêm được một mùa xuân nghĩa là chúng ta đang tiến gần đến “ngày ra đi” được một năm. Kiếp người thật là ngắn ngủi. Nhạc sĩ Y Vân, tên thật là Trần Tấn Hậu, viết một bài hát khá nổi tiếng mà mỗi người chúng ta đây có thể đã từng nghe hoặc từng hát trong đám cưới với tựa đề “60 năm cuộc đời”, ông đã phải nằm xuống khi vừa tròn 60. Nếu ai đó hào phóng, đi dự đám cưới mà bỏ phong bì 100 đô để chúc mừng cho cô dâu và chú rể thì mỗi người cũng chỉ được 50 thôi. Tương tự như thế, trăm năm hạnh phúc mà chúc cho hai người thì mỗi người cũng chỉ có 50 thôi. Nếu ai đó đạt được 50 năm hạnh phúc thì người ấy thật sự là người diễm phúc lắm rồi, và khi đó có thể mượn lời của Mẹ Maria mà tạ ơn Chúa rằng “Chúa đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Thực tế cho thấy chẳng mấy ai đạt được điều này vì khi đó “thế gian được vợ mất chồng, có đâu mà được cả ông lẫn bà”. Kinh Thánh thì khá hơn khi cho rằng “mạnh giỏi chăng là được 80” (Tv 90,10). Nói đến đây con lại thêm lo lắng vì tuổi người Thầy kính yêu của chúng con nay đã gần với tuổi trong Kinh Thánh, nghĩa là Thầy tuổi cao, mà Thầy tuổi cao như chuối chín cây, gió lay Thầy rụng, chúng con phải mồ côi, mồ côi tội lắm ai ơi, CTTS biết người nào lo? Nói như thế, con không có ý trù ẻo Thầy sớm về với Chúa nhưng con muốn nhắc mọi người rằng hãy thêm lời cầu nguyện cho Thầy để Thầy càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và ân phúc, xin Chúa đoái thương và xếp Thầy vào hàng ngũ những người “quá đát” đối với tuổi Kinh Thánh để chúng con và Giáo Hội được nhờ.
Kính thưa Thầy, quý cô, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và tất cả anh chị em trong đại gia đình CTTS, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống tâm tình cảm tạ, thể hiện qua niềm tin và việc làm.
Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, ban cho Thầy và mỗi người chúng con luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn, tin yêu và nhiệt thành thực thi Thánh ý của Chúa mỗi ngày. Xin Chúa, đặc biệt tiếp tục chúc lành cho CTTS mà Chúa đã khởi sự nơi người Thầy kính yêu của chúng con trong năm mới này. Amen.
|
Sau bài giảng, Giáo viên Trần Hoàng Quân đã đại diện giáo dân dâng lời nguyện và xin Chúa chúc lành cho Đức Thánh Cha, các giám mục giáo phận, quý linh mục và tu sĩ nam nữ trên thế giới và cộng đồng các tín hữu toàn cầu. Trong tâm tình tạ ơn, cộng đoàn cùng cầu xin cho các ân thân nhân, cầu nguyện cho mỗi thành viên CTTS, cho Đại học Công lập Chicago và Califorlia, quý thầy cô đặc biệt là Thầy Nguyễn Trung Hiếu và Tiến sĩ Richard Darga. Nguyện xin Chúa thêm sức cho các ngài để tiếp tục đồng hành và phục vụ tha nhân trong sứ vụ giáo dục cao quý.
Kết lễ, Công đoàn Phụng vụ CTTS hát vang bài thánh ca kết lễ để được “tri ân Ngài đến muôn đời tình thương Chúa như đất trời”.
Thành quả học tập Khoá VII Anh ngữ Quốc tế (IEL - International English Language)
Sau Thánh lễ là Chương trình Tổng kết Khoá VII Anh ngữ Quốc tế. Đầu tiên, cô Nguyễn Thị Hoàng Lan đã thay mặt các giáo viên ghi nhận những đóng góp của toàn thể các học viên. Cô đánh giá rất cao không khí vui tươi, hài hoà và tình cảm gắn kết như một gia đình thân yêu - điều mà như cô nhận xét thì không phải lớp nào cũng có được như vậy trong các chương trình giáo dục. Cô cảm ơn Thầy Nguyễn Trung Hiếu, người đã xây dựng ngay từ đầu tình huynh đệ thân thương trong lớp học và định hướng cho sự gắn kết bền vững ngay từ Khoá I Anh ngữ Quốc tế đến hết Khoá VII IEL - International English Language. Cô Lan chúc mừng các học viên đã thu thập được những kiến thức nền tảng của bộ môn Anh ngữ Quốc tế - IEL giúp nhiều thành viên đã thi đậu các kỳ thi IELTS và đã đăng ký các môn học Thạc sĩ vào tháng 1 năm 2022.
Lời chúc mừng và trao tặng Chứng chỉ Khoá VII Anh ngữ Quốc tếTiếp theo, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ trực tuyến tại Đại học Công lập Chicago đã có lời chúc mừng các thành viên CTTS và công bố thành quả của Khoá IEL VII. Thầy Nguyễn Trung Hiếu đã trân trọng mời Tiến sĩ Richard Darga, Khoa trưởng Giảng huấn và Thư viện Đại học Công lập Chicago trao chứng chỉ cho từng học viên tham dự Khoá IEL VII. Có 3 loại chứng chỉ được trao tặng trong tất cả các khoá học, từ Khoá IEL I đến Khoá IEL VII:
* Bằng khen Hiện diện Hoàn hảo – Perfect Attendance Award * Chứng chỉ Hoàn tất Khoá học – Certificate of Achievement * Chứng chỉ Tham dự Khoá học – Certificate of Participation Lời cảm ơn và bế mạcĐại diện Ban Tổ chức, Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu đã kính lời cảm ơn Đức Giám mục Anphong Nguyễn Hữu Long đã ưu ái đến chủ toạ Lễ Kỷ niệm 10 năm Hoạt động của Chương trình Thường huấn Lãnh đạo Phục vụ (Servant Leadership Program, 2011-2021) và Kỷ niệm 3 năm hoạt động của Chương trình Đào tạo Thạc sĩ Khoa học Quản trị và Lãnh đạo Thực hành (Master of Science in Performance Management and Leadership, 2018-2021)(**). Thầy Giuse đã bày tỏ lòng biết ơn tới Tiến sĩ Richard Darga, người đã liên tục làm việc với Thầy Giuse trong hơn 10 năm qua và đã tận tâm hỗ trợ Chương trình Thạc sĩ. Xin cảm ơn quý Cha, quý Soeurs cùng quý Huynh trưởng và Giáo lý viên trong CTTS đã hỗ trợ và đồng hành với Ban Tổ chức.
Mỗi thành viên gia đình CTTS cảm nhận sâu sắc về hồng ân Thiên Chúa chan hoà tràn đầy trên mỗi thành viên qua Tiến sĩ Nguyễn Trung Hiếu và Tiếnsĩ Richard Darga cùng quý thầy cô và quý ân thân nhân đã nhiệt thành giúp đỡ để CTTS được thành công như ngày hôm nay. Gia đình CTTS ra về với tâm tình tri ân, tạ ơn Thiên Chúa về những thành quả của năm 2021 và cùng nhau hướng về năm 2022 với tâm trí, tâm thân và tâm linh thánh thiện, kiên trì học hỏi để cải tiến và cùng nhau xây dựng Chương trình Thạc sĩ của chúng ta thành công.
------------------------- (**) Thông tin về lễ Kỷ niệm 10 năm Hoạt động Thường huấn Lãnh đạo Phục vụ (2011-2021) và Kỷ miệm 3 năm Hoạt động của Chương trình Thạc sĩ Khoa học Quản trị & Lãnh đạo (2018-2021) sẽ được phổ biến nay mai.
Phan Văn ThứcĐặc trách Ban Truyền thông Chương trình Thạc sĩ Khoa học Quản trị và Lãnh đạo
|