Print  
Dạy con phép tắc để vững bước trên đường đời
Bản tin ngày: 08/01/2022   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Dạy con giúp đỡ vô tư

Trí tuệ làm người và đạo đối nhân xử thế thể hiện trong nền nếp gia phong mà cổ nhân để lại là của cải quý giá nhất cho những gia đình hiện đại. Phép tắc là điều cần phải học suốt đời, một người muốn thành công thì cần phải tuân theo phép tắc, gia đình muốn hưng vượng phát đạt thì cần phải có gia quy.

Mạnh Tử nói: “Vô quy củ, bất thành phương viên”, ý nghĩa là không có quy củ thì không thành vuông tròn.

Giống như quốc gia thì có quốc pháp (luật pháp), gia đình thì có gia quy, vô luận là quốc gia hay cá nhân đều không thể không có phép tắc.

1. Tự do trong quy tắc gọi là linh hoạt, tự do bất quy tắc gọi là bừa bãi

Trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rằng luật lệ sẽ kìm hãm tính cách của con cái và làm mất đi thiên tính, bản chất của con mình. Họ không biết rằng tự do không có quy tắc mới chính là điều hủy hoại con cái.

Là cha mẹ, trong khi khuyên răn con cái về tầm quan trọng của các quy tắc, họ cũng cần phải làm gương.

Có một sự việc thế này: khi đang mua sắm trong siêu thị, một cậu bé nghĩ ra một trò đùa nghịch, đó là liên tục dùng xe đẩy hàng của mình đâm vào chân người đàn ông phía trước. Tuy nhiên, mẹ của cậu bé đã chiều theo thú vui của con và làm ngơ trước điều này. Cuối cùng, khi đã vượt quá sức chịu đựng, người đàn ông tức giận đổ một bình sữa lên đầu cậu bé. Cậu bé đã bật khóc.

Trẻ em có tồn tại khuyết điểm thì đó không phải là điều gì ghê gớm. Điều đáng sợ là những bậc cha mẹ, người đóng vai trò dìu dắt con cái trong suốt cuộc đời, họ lại thiếu quan niệm đúng đắn về giáo dục gia đình và phương pháp dạy con.

Nếu cha mẹ không biết cách giáo dục con cái, không chỉ làm tổn thương tâm hồn mà còn là vô trách nhiệm với cuộc đời của trẻ.

Làm cha mẹ, một trong những thiên chức quan trọng nhất là dùng phép tắc để ước thúc con cái từ lúc tấm bé.

Những đứa trẻ ngoan được cha mẹ dạy dỗ cẩn thận, còn những đứa trẻ hư là kết quả của sự nuông chiều và phóng túng của cha mẹ.

Là cha mẹ, bạn có thể luôn bao dung con cái, nhưng xã hội sẽ không bao giờ nuông chiều những đứa trẻ hư. Điều này khiến trẻ không hoà đồng, hoà nhập được với cộng đồng, trở nên khó khăn khi bước vào xã hội nơi không hề có sự nuông chiều trẻ như ở nhà. Thậm chí, những lỗi lầm bị che đậy, lấp liếm đó có thể sẽ trở thành những “quả bom hẹn giờ”, giấu bên trong đứa trẻ, mà cuối cùng chính trẻ là người phải gánh chịu kết cục thảm hại.

2. Không nỡ đặt phép tắc cho trẻ, tương lai xã hội nhất định sẽ “dạy dỗ”

Người xưa có câu: “Tam tuế khán tiểu, ngũ tuế khán lão” (3 tuổi thấy lúc nhỏ, 5 tuổi thấy lúc già), biểu hiện của trẻ 5 tuổi đã có thể thấy được sau này trưởng thành sẽ như thế nào. Vì vậy, muốn nuôi dạy những đứa trẻ ưu tú thì phải bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ.

Có câu nói, cây nhỏ không sửa, lớn sẽ không thẳng, trẻ nhỏ không sửa, lớn không thể thành công. Chỉ có kỷ luật ngay từ khi còn nhỏ, khi lớn lên mới hiểu được chân lý, biết phân biệt đúng sai. Nếu bạn chọn cách thỏa mãn con mình mà không có giới hạn, không dạy con bạn sáng tỏ đạo lý, hiểu phép tắc, cuối cùng đứa trẻ sẽ bị hủy hoại.

Sách “Tốn Chí Trai Tập” viết: “Ái kỳ tử nhi bất giáo, do vi bất ái dã; giáo nhi bất dĩ thiện, do vi bất giáo dã”, ý nghĩa là yêu con mà không dạy thì vẫn chưa là yêu; dạy con mà không dạy lòng tốt thì vẫn chưa phải là dạy. Làm cha mẹ mà không cho con mình được giáo dục đúng cách và ngại đặt ra các quy tắc, thì đương nhiên sẽ có người “giúp” dạy cho con bạn một bài học.

Trong một gia đình, quy luật giống như vô lăng của một chiếc xe đua, một khi mất lái thì sẽ rất nguy hiểm, mà trường hợp xấu nhất là té xe, chết người.

Còn nhớ câu chuyện của cậu ấm tai tiếng Trung Quốc Lý Thiên Nhất. Là con trai cưng duy nhất của gia đình tướng Lý Song Giang, cậu ấm Lý Thiên Nhất thuộc thế hệ “quan nhị đại” (con cháu đời thứ hai của các quan chức Trung Quốc), vốn được nuông chiều từ nhỏ. Bà Mộng Các, mẹ của Lý Thiên Nhất, chia sẻ: “Thiên Nhất có nghĩa là số một của trời đất, đó là viên ngọc của cuộc đời tôi.”

Lý Thiên Nhất từ bé đến lớn liên tục gây tai họa nhưng luôn được bố mẹ dùng quyền lực để che đậy, cho đến khi bị tống vào tù năm 17 tuổi vì tội hiếp dâm tập thể một cô gái trẻ. Có thể nói, 10 năm tù tội của Lý Thiên Nhất chính là hậu quả từ sự chiều hư, bao bọc quá mức của bố mẹ.

Sách “Nhan Thị Gia Huấn” viết: “Phụ tử chi nghiêm, bất khả dĩ hiệp; cốt nhục chi ái, bất khả dĩ giản. Giản tắc từ hiếu bất tiếp, hiệp tắc tức mạn sinh yên”, ý nghĩa là cha đối với con phải có sự nghiêm khắc, không thể suồng sã; tình ruột thịt cần có sự yêu thương nhưng không thể bất cẩn. Nếu không cẩn thận, từ ái sẽ không dẫn đến hiếu thảo, nếu thân cận mà không trang nghiêm thì sẽ bất kính.

Chỉ bằng cách đặt ra các quy tắc cho trẻ thì trẻ mới có thể hiểu được những gì được làm và không được làm.

3. Gia đình muốn phát triển thịnh vượng thì không thể thiếu phép tắc

Người ta thường nói “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Dù là gia đình nghèo khó hay giàu có đều cần có phép tắc trong nhà.

Trong gia tộc của đại thần Tăng Quốc Phiên cuối triều Thanh, hơn 200 năm trôi qua, không có một “đứa con hoang đàng” nào trong 8 đời con cháu của ông, chính vì gia quy đặc biệt của họ. Lý do quan trọng khiến gia đình Nhan Thị có thể kéo dài  thịnh vượng trong 500 năm nằm ở nền giáo dục và cuốn “Nhan Thị gia huấn”. Một đời Thánh nhân Khổng Tử, cả dòng họ Khổng của ông, đã được truyền thừa 2500 năm, cũng chính nhờ vào gia phong “Thi lễ truyền gia” (thơ ca và lễ nghi gia truyền) của gia đình ông. “Lễ” là từ phép tắc, quy củ, nếu không tuân theo các phép tắc, làm sao có thể thành nhân.

Ở Việt Nam ta cũng có một câu chuyện rất đáng nể về gia đình “không biên giới” ngũ đại đồng đường của ông Nguyễn Văn Giáo (sinh năm 1938) ở tỉnh Hưng Yên. Gia đình lớn của ông Giáo có Công ty sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, nội thất; cửa hàng kinh doanh quần áo đồ dùng thể thao; cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, tất cả đều mang tên Thành Đạt.

Đại gia đình 5 thế hệ của ông duy trì cuộc sống tập thể và bầu không khí đoàn kết bằng những “kỷ luật sắt” như: bố mẹ cần tùy con tùy tính mà răn dạy và giao việc nhưng luôn đảm bảo công bằng; anh cả cần là người gương mẫu, chu đáo và bao dung trước các em, các cháu; mỗi gia đình nhỏ cần có một người đứng đầu tự bảo ban nhau và chịu trách nhiệm trước bố mẹ…

Truyền thống gia đình đã được bố mẹ ông Giáo gây dựng thành nếp nhà và dày công gìn giữ, vun đắp. Đến lượt mình, đối với 5 đứa con trai, ông Giáo cũng vẫn duy trì nếp nhà như vậy.

Cần biết rằng phép tắc là nền tảng của việc nuôi dạy con cái, đồng thời, có phép tắc cũng là dấu hiệu của sự trưởng thành. Chỉ bằng cách để trẻ giữ phép tắc và hiểu phép tắc, trẻ mới có thể trưởng thành mạnh mẽ.

Vì vậy, là cha mẹ, cần dạy con những quy tắc ứng xử hàng ngày để không phải chịu tổn thất lớn trong tương lai, ví dụ như:

  • Khi nhìn thấy người lớn, trẻ cần chủ động chào hỏi.
  • Khi người lớn đưa vật gì, trẻ cần nhận bằng cả hai tay.
  • Khi ăn cơm, trẻ cần đợi đến khi người lớn động đũa trước rồi mình mới bắt đầu.
  • Khi ăn, không được kén ăn, không được lãng phí thức ăn, không được phun cơm, không được gõ chén đũa.
  • Trẻ cần biết cầm bát lên khi ăn, đồng thời không được rung chân, nhún vai.
  • Khi đi ra ngoài, trẻ cần biết không được làm ồn ào giữa đám đông, để không ảnh hưởng đến người khác...
Mộc Lan
https://visiontimesvn.com/doi-song/day-con-phep-tac-de-vung-buoc-tren-duong-doi.html
In ngày: 24/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print