Print  
Hổ trong lịch sử và văn chương Việt Nam
Bản tin ngày: 14/01/2022   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Cọp con

Giai thoại ngày xưa

Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-†1832) cùng với sứ thần Xiêm La (Thái Lan) hay Chân Lạp ngồi trên vọng đài xem các võ sĩ đấu với Hổ. Dân chúng chen chúc đứng chung sống hổ cho sứ thần xem. Lê Văn Khôi (?-1834) mình trần mặc quần cụt, tay cầm đùi heo. Không ngờ gặp con Hổ quá dữ tấn công ngay, ông né mình đánh ra một côn trúng Hổ ngã lăn một lúc rồi tắt thở. Sứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi, nhưng Tả Quân nổi trận lôi đình truyền đao phủ bắt trói Lê Văn Khôi đem chém, vì theo lệnh đấu với hổ chỉ được bắt sống chứ không được đánh chết. 

Lê Văn Khôi đến trước vọng đài xin tha tội vì không biết, xin được bắt sống Hổ khác để chuộc tội. Tả quân đồng ý ra lệnh thả Hổ ra, bên ngoài trống thúc vang trời. Cuộc tỷ thí lần này thật là gay go Lê Văn Khôi đá trúng hàm dưới của Hổ. Hổ nằm bất tĩnh ông trói hổ và đặt dưới vòng đài làm lễ xin chuộc tội. Sứ thần Xiêm la thấy vậy khen không dứt lời. Tả Quân ung dung nói: Bọn tiểu tốt dưới trướng tôi đều như vậy cả, có chi đáng cho đại nhân khen.

Đây là hình thức phô trương nhân tài về võ nghệ cao cường của người Việt Nam, dằn mặt quân Xiêm đừng sang quấy phá nước ta. Theo truyền thuyết Trần Quang Diệu (1760-1802) là người rất giỏi võ cũng như Bùi Thị Xuân (1752-1802) từng đấu với cọp, trai tài gái sắc gặp nhau nên duyên vợ chồng, đều theo giúp nhà Tây Sơn,(chữ Nôm 茹西山) từ năm (1778-1802) cùng trải bao gian lao dưới ngọn cờ khởi nghĩa, là một trong thất hổ tướng của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam. Ông cùng với vợ là nữ tướng Bùi Thị Xuân là một ngũ phụng thư đã cố sức chiến đấu để bảo vệ vương triều này nhưng không thành công, và cả hai đều bị vua Gia Long xử tử!

Ngày xưa các Vua Chúa còn thích xem Hổ đấu với Voi, ở cố đô Huế còn lại phế tích trường đấu Hổ Quyền xây dựng năm 1830. Trường đấu gồm hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, trát vôi vữa. Tường dày 1,1m ở nền và 0,5m ở đỉnh. Ðường kính của vòng tường ngoài là 45m, chu vi 140m, cao 4,5m. Vòng tường trong có đường kính 35m, chu vi 110m, cao 6m. Hai vòng tường cách nhau 4m. Từ dưới chân tường có hai cầu thang để đi lên con đường đất. Cầu thang thứ nhất có 20 bậc dành cho vua và hoàng gia.

Khán đài là một khu đất hình chữ nhật, diện tích 96m² cao 1,5m so với mặt đường đất. Từ trên khán đài nhìn xuống người ta thấy khu lòng chảo của trường đấu. Cầu thang thứ hai có 15 bậc dành cho lính và dân xem. Khoảng giữa hai cầu thang là một lối vào rộng 1,9m, cao 3,9m dành cho voi vào trường đấu. Ðối diện với khán đài dành cho vua, ở phía bên kia của đấu trường là 5 chuồng Hổ và Báo. Phía trên chuồng ở chính giữa có một tấm biển bằng đá chạm hai chữ Hán "Hổ Quyền", trận đấu cuối cùng giữa Voi và Hổ ở Huế dưới thời vua Thành Thái năm 1904.

Thi ca được truyền tụng trong dân gian về hình ảnh Chúa Tể Sơn Lâm

- Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu, đến khi hùm dậy đầu lâu chẳng còn 
- Vuốt râu hùm - xỉa răng cọp: làm các việc nguy hiểm 
- Rừng già lắm voi, rừng còi lắm hổ - kinh nghiệm của thợ săn 
- Hùm chết để da, người chết để tiếng - nói lên ích lợi của loài hổ và con người ngay cả sau khi chết
- Hổ đội lốt thầy tu, ám chỉ kẻ giả đạo đức, thành phần lợi dụng tôn giáo để được vinh thân
- Trời sanh hùm chẳng có vây, Hùm mà có cánh hùm bay lên trời 
- Điệu hổ ly sơn dụ cọp ra khỏi núi, một sách lược để đối thủ yếu đi 
- Hổ ngọa phùng nhân thực, nhân thực cùng khởi đạo tâm/con cọp đói gặp người bắt ăn, cũng như người nghèo khổ sinh ra lòng trộm cắp?
- Nam thực như hổ, nữ thực như miêu/ đàn ông ăn nhiều đàn bà ăn ít.
- Hùm mất hươu hơn mèo mất thịt/ giống như trèo cao té nặng
- Đuổi hùm ra cửa trước rước sói cửa sau! chống kẻ ác nầy nhưng rước kẻ ác khác vào
- Hổ phụ sinh hổ tử/ hổ cha sinh ra hổ con

Trong truyện Kiều của Thi hào Nguyễn Du đã chỉ cái uy của con Hổ (hùm):

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn. 
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này 
Râu hùm, hàm én mày ngài

Giai thoại về câu đối

Ngày xuân khách viếng Chùa (ông Hoàng Phan Thái?) bị nhà sư ra câu đối, ông đã đối lại rất chỉnh:

Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái
Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thầy Tu

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với Phạm đình Hổ tức Chiêu Hổ ngày nọ đến chơi, chỉ có một mình Xuân Hương ông muốn giở trò suồng sã bị Xuân Hương mắng vốn:

Anh đồ tỉnh, anh đồ say 
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày 
Này này chị bảo cho mà biết 
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay


Hùm là Hổ tức tên Chiêu Hổ cũng không thua hoạ lại:

Này ông tỉnh, này ông say
Nay ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bằng không ai mó,
Sao có hùm con bỗng chốc tay?


Trong Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến, bài Nhớ rừng của Thế Lữ diễn tả tâm hồn thi nhân rất phóng khoáng, hoà vào thiên nhiên với những tiếng thở than trong khoảng không vắng lặng! bài nầy cũng là nỗi lòng của những Sĩ quan, Công chức miền Nam sau biến cố đổi đời 1975, hàng loạt người bị nhà cầm quyền CS tập trung vào các trại cải tạo mất tất cả tự do:

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, 
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua. 
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ 
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm 
Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm... 

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thuở tung hoành, hống hách những ngày xưa.
Nhớ cõi sơn lâm, bóng cả, cây già
Tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi...


Hổ sống trên rừng cao, trong sở thú, nhưng hình ảnh Hổ quen thuộc, gần gũi trong sinh hoạt con người. Ngân hàng Quốc gia Việt Nam phát hành ngày 25.8.1972 loại 500 Đồng màu vàng cam đen, mặt trước là Dinh Độc Lập mặt sau là con Hổ.

Biệt Động Quân mũ nâu với phù hiệu đầu cọp trên ngôi sao 5 cánh màu trắng. Biệt Cách Dù mũ xanh phù hiệu con cọp vàng nhảy qua chiếc dù trắng, thuỷ quân lục chiến là cọp biển.

Trong quân đội có chuồng Cọp để nhốt phạt quân nhân vi phạm kỷ luật. Bọn thực dân Pháp gọi ông Hoàng Hoa Thám là con Hùm Yên Thế. Trong các đền, miếu thường thờ tranh Ngũ Hổ: Hoàng Hổ, Hắc Hổ, Bạch Hổ, Xích Hổ, Thanh Hổ. Ngoài ra có bia hay tranh điêu khắc hình, tượng cọp thật oai.

Trong các phái Võ lâm có các bài Quyền về hổ: Mãnh Hổ quyền, Xà Hổ Hạc quyền, Long Hổ quyền, Phục Hổ quyền, Hổ quyền dưỡng sinh khí công...

Hổ khẩu là tên huyệt đạo nằm giữa ngón cái và ngón trỏ. Huyệt này rất quan trong trong ngành châm cứu. Ngoài ra còn rất nhiều từ về hổ: Hổ cứ, Hổ lĩnh, Hổ môn, Hổ bộ, Hổ mang, Hổ thẹn, Hổ mặt, Hổ tướng, Hổ giấy... Tết có môn chơi Bầu, Cua, Cá, Cọp. Cười mỉn chi cọp, đọc sách cọp, xem hát cọp, Chùa cọp Watpa Luangbua nổi tiếng ở Thái Lan đã có công thuần hoá 50 con cọp sống trong vườn Chùa hiền như những con chó, tiền nuôi đàn cọp nầy nhờ du khách (hằng ngày mỗi con ăn hơn 6 kilô thịt).

Nuôi cọp cũng không tránh được "sinh nghề tử nghiệp" như đoàn xiếc nổi tiếng của Sigfried and Roy ở Las Vegas, ngày 03/10/2003 ông Roy Horn điều khiển cọp trình diễn, bổng dưng con cọp trắng hằng ngày được ông huấn luyện tấn công ông ngay trên sân khấu. Ông bị trọng thương dù được chửa trị, nhưng ông trở thành phế nhân, đoàn xiếc 30 năm hoạt động phải ngưng! Theo kinh nghiệm của những người huấn luyện hổ không được dùng dầu thơm khác, chỉ có mùi của hổ quen hơi khi tiếp xúc với nó.

Thế vận hội năm 1988 ở Seoul dùng biểu tượng con cọp, hãng dầu cù là Tiger Balm Singapore với hình cọp đang chạy. Năm 1945 hãng bia BGI có "Bière Larue" ở Việt Nam sản xuất bia nhãn hiệu đầu Cọp màu vàng, chai cao (0.66 lit). Singapore năm 1932 có hãng bia con cọp Tiger Beer.

Truyện tranh Calvin and Hobbes của Bill Watterson: Tác giả A A. Milne trong truyện Winnie the Pooth diễn tả hổ luôn đem lại may mắn... tiểu thuyết Life of Pi (cuộc đời của Pi) viết về cậu bé sống sót trên Thái bình dương với con Hổ Bengal. Tuy nhiên con Hổ Shere Khan trong tác phẩm The Jungle Books là con vật nguy hiểm nhất của Mowgli.

Tác phẩm cọp trắng của Aravind Adiga. Chuyện Khổng Tử trả lời Tử Lộ "nắm đuôi cọp mà giết" hay chuyện "Cọp Mặc Tử" là những triết lý rất hay nói về thế thái nhân tình. Trong dân gian còn khá nhiều truyền thuyết về Cọp như: Cọp mẹ chửa trị cho cọp con bằng lá đa (sự tích chú Cuội bay lên trời). Cọp 3 chân, Cọp một mắt, tại sao Cọp vằn, Cọp mắc bẫy không ai thèm cứu, Cáo mượn oai hùm, thác hang Cọp có nhiều huyền bí ở Đà Lạt hay còn có tên là thác Đạ Sar. Ngày nay ở Hà Nội đất hẹp người đông nên có khu phố chuồng Cọp...

Bia Tiger có logo là một con hổ đã trở thành loại bia đầu tiên của Singapore được ủ tại chính đảo quốc này, được tung ra thị trường vào năm 1932 và là thương hiệu độc quyền hàng đầu của Nhà máy bia Châu Á Thái Bình Dương, được bán tại hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Úc, New Zealand và nhiều nước khác ở Trung Đông, Châu Âu, Châu Á và Mỹ Latinh. 

Đại Nguyễn
Trích trong Nhâm Dần Chúa tể lên ngôi
In ngày: 23/11/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print