Print  
Cảng Sihanoukville của Campuchia: Thiên đường của các băng nhóm tội phạm Trung Quốc
Bản tin ngày: 19/01/2022   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Cảng Sihanoukville còn gọi là Kampong Som (កំពង់សោម) là một thành phố cảng thuộc tỉnh Sihanoukville của Campuchia, là thủ phủ của tỉnh này được đặt theo tên Quốc vương Sihanoukville của Campuchia trước đây.

Cảng Sihanoukville là cảng nước sâu, là trung tâm ngoại thương lớn nhất Campuchia. Thành phố này cũng là một thành phố du lịch tương đối quan trọng ở Campuchia với một số lượng lớn các nhà hàng và khách sạn Trung Quốc. Sihanoukville cũng là một trong những nơi tập trung đông dân cư Trung Quốc nhất. Theo dữ liệu từ trang Wikileaks, năm 2019 có khoảng 80.000 người Trung Quốc ở Sihanoukville, tương đương với người Campuchia bản địa. Sihanoukville là một trong những thành phố quan trọng trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ĐCSTQ, trong khu vực có Đặc khu Kinh tế Trung Quốc đầu tư vào sòng bạc, bất động sản và du lịch.

“Khay mổ heo”

Tờ Le Monde đưa tin, lối vào của khu phố Tàu tại Sihanoukville được nhân viên an ninh canh gác nghiêm ngặt và có thiết bị giám sát video xung quanh cổng sắt. Thực tế có hơn chục “sòng bạc và trung tâm tống tiền trực tuyến” tương tự ở Campuchia, chúng nằm ở biên giới Campuchia với Thái Lan và Lào, có hàng ngàn người làm việc trong các trung tâm tống tiền trực tuyến dưới sự giám sát của các ông chủ và thủ lĩnh băng đảng người Trung Quốc đến từ nhiều nơi khác.

Nguồn tin chỉ ra rằng những công ty lừa đảo trực tuyến có nhân viên chủ yếu đến từ Trung Quốc này được gọi với cái tên nghe đầy vẻ tốt đẹp là “khu đầu tư công nghiệp kỹ thuật số”, tuy nhiên do những vấn đề từ đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) khiến họ không thể không thuê người địa phương hoặc từ nước khác.

Một người Khmer gốc Campuchia 27 tuổi có biệt danh là Sem Chakrya nói với phóng viên rằng nhiệm vụ của anh là phát triển thị trường ở 5 quốc gia Châu Âu, trong đó có Pháp.

Anh sở hữu 4 chiếc điện thoại di động, mỗi chiếc có một tài khoản khác nhau, nhưng sử dụng chung ảnh chụp một người đẹp không rõ quốc tịch đang điều phối công việc tại trung tâm, nhằm dùng “củ cà rốt” để dụ cư dân mạng rồi cuối cùng bòn rút tiền của họ. Đây là cái gọi là “bàn mổ heo”.

Mạng lưới kinh doanh của “bàn mổ heo” trải dài từ Philippines qua Lào, Campuchia đến Myanmar, còn Sihanoukville là thủ phủ của “bàn mổ heo”.

Chuyên gia người Pháp Elsa Lafaye de Michaux, nghiên cứu tác động của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đối với khu vực Đông Nam Á, chỉ ra rằng đây là một trong những tác động tiêu cực của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Sihanoukville là một mắt xích quan trọng của Vành đai và Con đường có diện tích tương đương Thâm Quyến của Trung Quốc, tổng dân số cũng tương đương với tổng dân số khi Thâm Quyến bắt đầu phát triển vào năm 1982. Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rõ rằng ông đang mong muốn phát triển Sihanoukville thành “Thâm Quyến của Đông Nam Á”.

Ngành cờ bạc trực tuyến

Năm 2017, Chính phủ Campuchia đã cấp giấy phép cho 75 công ty trò chơi trực tuyến và cờ bạc. Giới truyền thông Nhật Bản chỉ ra, doanh thu hàng năm của trò chơi trực tuyến ở Sihanoukville là từ 3,5 tỷ đến 5 tỷ USD, trong đó 90% đến từ các sòng bạc ảo trực tuyến.

Thành phố cảng Sihanoukville thu hút tội phạm bắt cóc, buôn bán ma tuý và mại dâm từ Trung Quốc, Ma Cao, Hồng Kông và Đài Loan. Vào ngày 12/12/2020, cảnh sát Campuchia và Trung Quốc đã phối hợp bắt giữ 3 người Đài Loan vận chuyển 1,5 tấn chất kích thích ketamine trên đường đến Sihanoukville. Từng xảy ra một cuộc chiến ác liệt tại một nơi sản xuất ma tuý, và một người Đài Loan đã bị bắn chết.

Chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng cờ bạc trực tuyến đã trở thành một kênh rửa tiền, thu hút dòng tiền lớn của Trung Quốc. Dưới áp lực của Bắc Kinh khiến Chính phủ Campuchia đã ngừng cấp phép cho cờ bạc trực tuyến từ tháng 1/2020, và Chính phủ Trung Quốc cũng có lệnh cấm tương tự. Thêm nữa do tháng 3 năm ngoái dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Sihanoukville khiến hàng chục ngàn người Trung Quốc phải rời bỏ thành phố này.

Trong thời kỳ đại dịch, cái tên “sòng bạc” dần được thay thế bằng “công viên kỹ thuật số” và các hoạt động gian lận trực tuyến dần được nối lại, người làm việc bị tước quyền tự do và hàng ngày phải làm đến 11 giờ.

Một phụ nữ trẻ người Khmer địa phương đã bỏ việc nói với phóng viên rằng cô quyết định nghỉ việc vì không muốn lừa người khác, không khí trong “công viên kỹ thuật số” rất căng thẳng, nhiều người Trung Quốc cũng bi quan tuyệt vọng, từng có người tự tử trong quá trình làm việc. Sau khi cô bỏ đi, lại nghe có một người Việt Nam bị đánh và ngã xuống cầu thang tử vong. Nạn nhân của các trò lừa đảo trực tuyến không chỉ là những kẻ lừa đảo mà còn là những người lao động tham gia vào ngành nghề này, họ thường bị đối xử như nô lệ.

Khu phố Tàu trở thành “Tử Cấm Thành” tước đoạt quyền tự do

Tháng 8/2021, tờ Khmer Times của Campuchia lần đầu tiên đưa tin về việc “thả” 4 người Philippines khỏi “công viên kỹ thuật số”. Vào tháng 10/2021, 41 người Indonesia đã rời được khỏi khu phố Tàu dưới sự bảo vệ của cảnh sát Campuchia theo yêu cầu của Đại sứ quán Indonesia. Ngày 24/11, lại có 3 người Thái Lan đã được thả tại khu phố Tàu ở biên giới với Thái Lan. Người đứng đầu Bộ phận Buôn bán người của Cảnh sát Thái Lan ra thông báo cho biết: các nạn nhân bị đánh đập dã man, tống tiền, giam giữ trái phép và thiếu thốn lương thực cũng như các đối xử vô nhân đạo khác…

Theo thông tin mà Le Monde có được, vào mùa hè năm 2021 từng có một người Pháp sống ở Campuchia cũng bị giam giữ trong thời gian ngắn 2 tháng ở miền nam Campuchia. Sau khi gia đình anh lên tiếng báo động và được cảnh sát Pháp đàm phán với chính quyền Campuchia thì anh mới được thả tự do. Người đàn ông Pháp ở độ tuổi ngoài 30 này từ chối phỏng vấn của Le Monde.

Thực tế, cảnh sát Campuchia không vào “Tử Cấm Thành” mà trực tiếp đàm phán với người phụ trách phía Trung Quốc, sau đó những người liên quan được đưa về đồn mới được thả. Một người Trung Quốc từng làm công việc tương tự nói với Le Monde rằng một kẻ lừa đảo thành công có thể lừa 500.000 nhân dân tệ mỗi tháng và anh ta có thể giữ lại 90.000 nhân dân tệ cho bản thân, nhưng thời gian làm việc của họ thường là 15 giờ một ngày.

Một người có tên hiệu Xiao Xiong từ Nội Mông Trung Quốc đến địa phương này vào tháng 7/2021. Ban đầu, anh nghĩ rằng mình đang làm việc trong ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến, vì anh từ chối lừa đảo người khác và không chịu làm việc 15 giờ một ngày nên đã cố gắng âm thầm liên hệ với cảnh sát bằng một chiếc điện thoại di động được giấu kín để trốn khỏi “công viên kỹ thuật số”.

Nhưng chính cảnh sát đã nhanh chóng liên lạc với ông chủ của anh và đe doạ, cuối cùng anh ta đã liên lạc thành công qua Facebook với Thủ tướng Hun Sen của Campuchia.  Anh kêu cứu bằng tiếng Anh: “Thủ tướng Hun Sen kính mến, tôi bị bắt cóc câu lưu tại Campuchia, bị hành hung, tôi là người Trung Quốc.” Hai ngày sau khi phát tin nhắn thì anh được thả. Hiện anh đang được một người gốc Hồ Bắc tên là Chen Baorong bảo vệ. Người gốc Hồ Bắc này đến Campuchia 20 năm trước, đã kết hôn với một phụ nữ địa phương và trong vòng 10 năm trở nên giàu có. Ngôi nhà của người này trở thành nơi ẩn náu của các nạn nhân. Theo đánh giá của ông, 40% nhân viên làm việc trong “công viên kỹ thuật số” tự nguyện tham gia vào các hoạt động gian lận, trong khi 60% còn lại buộc phải tham gia hoạt động bất hợp pháp này.

Bài viết kết thúc bằng phần giới thiệu về hoạt động của một doanh nhân Ma Cao ở Campuchia. Sau khi người này mãn hạn tù vào năm 2012 đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tiền điện tử. Năm 2018, anh ta thành lập Công ty Hongmen ở Campuchia và có được thị trường tại Hong Kong, Ma Cao và cộng đồng người Hoa ở Đài Loan cũng như trên thế giới. Bài trên tờ Le Monde cho rằng Công ty Hongmen được hỗ trợ bí mật bởi Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ phụ trách vấn đề Hoa kiều, vì chức năng của công ty này nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc và thâm nhập vào các tổ chức khác.

Tác giả nhận xét rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của ĐCSTQ có thể đang tương tự như trường hợp nước Anh thời thực dân đã thúc đẩy bành trướng địa chính trị đi cùng sự phát triển của thị trường thuốc phiện.

RFI
Theo RFI
In ngày: 29/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print