Print  
‘Tôi tiếc rằng tôi chỉ có một cuộc đời để phụng sự cho Tổ quốc’
Bản tin ngày: 19/01/2022   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Đó là mùa thu năm 1776 và Thành phố New York đang bị tấn công.

Tuyên ngôn Độc lập đã khai sinh Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ chỉ hai tháng trước đó và kẻ thực dân đã không có đường lui. Tổng Tư lệnh George Washington giải phóng Boston vào tháng 3 và dần dần biến quân đội thành một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ.

Giờ đây, mọi cặp mắt đều đổ dồn về Thành phố New York.

Đầu tiên, người Anh xâm lược đảo Staten, sau đó đánh bại người Mỹ trong trận Long Island, buộc Washington phải tháo lui về Manhattan. Tổng tư lệnh của xứ thuộc địa lập kế hoạch phản công để tránh mất toàn bộ Thành phố New York. Khi hai bên giao chiến, Washington biết rằng ông sẽ mất New York nếu ông không có thông tin tình báo chính xác về những cuộc hành quân và công sự của quân Anh.

Chỉ có một cách duy nhất để có tin tức đó – Tổng Tư lệnh cần có một điệp viên. Nhưng đây không phải là thời đại mà điệp viên và đặc vụ được tôn sùng trong văn hoá Mỹ [như hiện nay]. Vào năm 1776, không có CIA, không có MI6, không có Mossad, tất nhiên cũng không có mạng lưới tình báo trung thành nào cả. Vào năm 1776, điệp viên là những người thuộc tầng lớp thấp nhất trong tầng lớp thấp kém của xã hội, không phải là anh hùng quân đội. Họ là những tay súng đánh thuê, vô đạo đức và không đáng tin cậy.

Điệp viên sẽ bị giết chết khi bị bắt và bị người đời coi rẻ. Tướng quân Washington biết rằng ông không thể đặt lòng tin vào loại người này để có được thông tin mà ông cần. Ông cần một trong những tướng lĩnh đáng tin để làm nhiệm vụ đặc biệt này. Tuy nhiên, ông không thể cũng như sẽ không đòi hỏi ai phải đảm nhận nhiệm vụ nguy hiểm và bất lương như thế. Ông cần ai đó xung phong.

Vào đêm khuya, Đại tá Tom Knowlton lặng lẽ tập hợp các sĩ quan của mình trong một căn lều tại một địa điểm bí mật tránh xa những ánh mắt và đôi tai tò mò. Nhưng những người đàn ông trong cuộc họp này không phải là một nhóm sĩ quan bình thường. Họ là một nhóm đặc nhiệm tinh nhuệ mà Washington mới thành lập – họ thực sự là những người lính Biệt động Mỹ đầu tiên.

Đại tá ôn tồn yêu cầu một người tình nguyện hồi đáp lời kêu gọi của Tổng Tư lệnh. Đáp lại chỉ là sự im lặng chết chóc. Cuối cùng, một sĩ quan lớn tuổi, cộc cằn phá vỡ bầu không khí im lặng và nói: “Tôi sẵn sàng bị bắn trong trận chiến, nhưng tôi không sẵn sàng bị treo cổ như một con chó.” Nói cách khác, không có vinh dự nào trong nhiệm vụ này.

Đại tá Knowlton cố gắng thuyết phục thêm nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc. Ngay khi ông định bỏ đi để báo cáo lại với Tổng Tư lệnh Washington rằng ông đã thất bại thì một thanh niên đứng trước cửa lều tiến tới, nói ngắn gọn bằng giọng chắc nịch: “Tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ này.” Cậu ta đến trễ do bị ốm kèm sốt nhưng mang theo tinh thần hăng hái phục vụ.

Người can đảm xung phong này không ai khác chính là Đại uý Hale chỉ mới 21 tuổi, một thanh niên được học hành tử tế và theo lời các quý cô, đây là một anh chàng đẹp trai đáng theo đuổi. Tốt nghiệp hàng đầu trường Yale ở tuổi 18, Hale là một Kitô hữu sùng đạo chuẩn bị trở thành một giáo sĩ truyền bá Phúc Âm.

Mới tốt nghiệp, Hale trở thành giáo viên khi chiến tranh bùng nổ. Là một diễn giả, một nhà hùng biện xuất sắc khi còn ở đại học, Hale cho rằng giáo dục trình độ cao dành cho phụ nữ đang bị bỏ bê. Do đó, ngoài việc làm giáo viên tại trường Ngữ pháp Union tại New London, Connecticut, Hale còn dạy học cho một nhóm phụ nữ từ 5 đến 7 giờ mỗi sáng.

Một năm sau khi Hale trở thành giáo viên, ngày 19/4/1775, “tiếng súng vang lên khắp thế giới” đã nổ tại Lexington, Massachusetts. Hale khi đó vẫn còn ở tuổi vị thành niên nhưng đã gia nhập vào lực lượng dân quân địa phương. Trong cuộc họp thị trấn ở New London, Hale đã đứng lên và nói: “Chúng ta hãy hành quân ngay lập tức và không bao giờ buông vũ khí cho đến khi chúng ta giành được độc lập!”

Hai từ “Độc Lập” chưa bao giờ được ai nhắc đến trước công chúng trong thành phố của cậu nhưng lòng dũng cảm của chàng thanh thiên trẻ đã đánh thức người dân bừng tỉnh khỏi giấc ngủ dưới sự cai trị của thực dân. Chàng thanh niên bắt tay từng học sinh, cùng cầu nguyện với họ và lên đường chiến đấu.

Giờ đây, Đại uý Hale nhận thấy mình đang xung phong làm một nhiệm vụ thấp hèn và nguy hiểm nhất. Đứng bên ngoài căn lều của Đại tá Knowlton, trong bóng đêm bao trùm, Đại uý William Hull, người bạn thân từ đại học của Hale tìm cách thay đổi suy nghĩ của cậu ta. Hull nhấn mạnh về sự nguy hiểm của nhiệm vụ, về rủi ro phải hy sinh và về hệ quả ô nhục khi trở thành một điệp viên. Nathan vẫn không lay chuyển. Cậu đáp trả rằng có một niềm vinh dự trong nhiệm vụ này. Đó là vì Đại nghĩa – Tổng Tư lệnh của cậu và Tổ quốc của cậu cần cậu và cậu sẽ làm theo mệnh lệnh.

Cầm tấm bằng tốt nghiệp Yale trong tay, Hale tiến vào vùng kiểm soát của kẻ thù. Cậu đóng giả thành một giáo viên đang tìm kiếm công việc mới. Sau vài ngày, cậu có thể vạch ra các vị trí và công sự của quân đội Anh. Nhưng thật không may, cậu đã bị bắt trước khi băng qua phòng tuyến của kẻ thù để mang theo thông tin vô cùng quý giá được giấu trong đế giày trở về.

Bằng chứng đã rõ ràng ngay trên người của cậu. Cậu không thể chối cãi mình đến đó để làm gì. Cậu bị kết án treo cổ vào sáng hôm sau. Đêm cuối cùng, cậu trằn trọc suy ngẫm về số phận của mình và bắt đầu hiểu ra rằng cậu đã thất bại. Cậu không làm tròn sứ mệnh của mình vì Tổng Tư lệnh và đại nghĩa.

Hale yêu cầu một giáo sĩ nhưng bị bác bỏ. Cậu muốn một cuốn Kinh Thánh nhưng cũng bị từ chối. Cuối cùng, cậu được cấp cho giấy bút để viết những dòng cuối cùng cho gia đình. Khi trầm tĩnh viết những dòng thư cuối này, trong thâm tâm cậu, điều duy nhất cậu mong muốn làm vẫn chính là đại nghĩa mà cậu đã sẵn sàng hy sinh.

Sáng hôm sau, khi người người tụ tập để xem hành quyết, Hale được ban ân huệ nói lời cuối cùng. Dồn hết tài hùng biện xuất sắc của mình và trích dẫn từ vở kịch “Cato” năm 1713 của Joseph Addison, Đại uý Nathan Hale nồng nhiệt bảo vệ cho đại nghĩa vì tự do của người Mỹ. Binh lính Anh bắt đầu cắt ngang lời của cậu và chế giễu cậu vì phải chết vì điều mà theo họ là hành động vô vọng và vô nghĩa.

Song, Hale đã kết thúc bằng một lời bất hủ và đầy cảm hứng: "Tôi tiếc rằng tôi chỉ có một cuộc đời để phụng sự cho Tổ quốc." 

Sự điềm tĩnh, nhiệt huyết, quyết đoán và tài hùng biện của Hale đã thay đổi số phận hẩm hiu của cậu và đã ảnh hưởng to lớn đến khái niệm về lòng ái quốc. Trong đám đông, những phụ nữ bắt đầu thổn thức, những người lính mạnh mẽ của kẻ thù cũng xúc động trước lời nói của cậu. Hình ảnh của kẻ phản bội ô nhục biến thành một nhà ái quốc đáng tôn kính đã hy sinh vì đại nghĩa cao quý.

Gần 250 năm sau, giờ đây chúng ta có thể thấy được thành công lớn lao của điều mà Nathan cho rằng là một sự thất bại. Khi tự nguyện hiến dâng đời mình, cậu đã khơi dậy kỳ vọng vào chính nghĩa, khuấy động niềm tin và tín ngưỡng vào những gì mà người dân Mỹ quốc đang chiến đấu đạt được và hoàn thành mục đích cao cả hơn nhiều so với việc vẽ bản đồ do thám cho Tổng Tư lệnh Washington.

Khánh Ngọc biên dịch
Theo Epoch Times
In ngày: 16/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print