Print  
Uỷ ban Thượng viện thông qua dự luật chống độc quyền đối với Big Tech
Bản tin ngày: 23/01/2022   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Big Tech

Hôm 20/01, Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu 16-6 để tiếp tục với một dự luật chống lại các nhà vận động hành lang quyền lực của Thung lũng Silicon, bao gồm cả lời thỉnh cầu từ các giám đốc điều hành hàng đầu như Giám đốc Điều hành Apple Tim Cook.

Nếu được thông qua, dự luật được đề xướng này sẽ cấm những đại công ty công nghệ (Big Tech) như Amazon.com khỏi việc dành ưu đãi cho các sản phẩm của họ.

Đạo luật Lựa chọn và Đổi mới Trực tuyến của Mỹ đã được thông qua với sự ủng hộ từ cả thành viên của Đảng Dân chủ lẫn Đảng Cộng hoà tại Thượng viện. Dự luật này đã được gửi đến Thượng viện để tiến hành một cuộc bỏ phiếu.

Đây là phiên bản sửa đổi của một dự luật được các Thượng Nghị sĩ Amy Klobuchar, một thành viên Đảng Dân chủ và Chuck Grassley, thành viên Đảng Cộng hoà, đồng bảo trợ. Phiên bản này đã mở rộng dự luật đó để bao gồm các ứng dụng nổi tiếng như TikTok và định rõ rằng các công ty ứng dụng không được chia sẻ dữ liệu với các công ty mà chính phủ Hoa Kỳ coi là rủi ro an ninh quốc gia.

“Là các nền tảng kỹ thuật số thống trị - một số công ty lớn nhất mà thế giới chúng ta từng chứng kiến - ngày càng thiên vị cho các sản phẩm và dịch vụ của riêng họ, chúng ta phải đưa ra các chính sách để bảo đảm các doanh nghiệp nhỏ và doanh nhân vẫn có cơ hội thành công trên thị trường kỹ thuật số”, bà Klobuchar cho biết trong một tuyên bố.

Sau đơn kiện của Spotify hồi năm 2019, năm ngoái, Liên minh Âu châu đã cáo buộc Apple phạt những người phát trực tuyến âm nhạc một cách bất hợp pháp theo các quy tắc trên App Store của họ.

Hồi tháng 11/2021, toà án cấp cao nhất của Liên minh Âu châu đã từ chối đơn kháng cáo của Google về việc đảo ngược một khoản phạt chống độc quyền 2.8 tỷ USD mà họ nhận được vì ưu tiên dịch vụ mua sắm của chính mình trong kết quả tìm kiếm so với các đối thủ cạnh tranh.

Các Công ty Big Tech đã phải chịu áp lực trong Quốc hội trong nhiều năm vì những cáo buộc rằng họ đã lạm dụng tính độc quyền của mình trên mạng Internet.

Nhiều dự luật trong quá khứ đã được đưa ra để kiềm chế các công ty công nghệ này, nhưng cho đến nay chưa có dự luật nào trở thành luật.

Thượng Nghị sĩ Ted Cruz, người đã bỏ phiếu thuận cho dự luật nói trên, cho biết tại buổi điều trần rằng ông đã bàn luận với ông Cook, người “bày tỏ lo ngại đáng kể về dự luật này”.

Bà Klobuchar nói rằng bà cũng đã nói chuyện với cả ông Cook và CEO Sundar Pichai của Google.

“Tôi đã thảo luận với họ và tôi đã đưa ra các lập luận của mình và tôi lắng nghe họ. Rất có thể họ sẽ không bao giờ thích dự luật này”, bà Klobuchar nói, cho biết thêm rằng bà sẵn sàng đón nhận những thay đổi và Uỷ ban Thượng viện “sẽ không đưa ra một dự luật vô tác dụng”.

Một dự luật khác đang chờ được thông qua, nhưng đã bị giữ lại, sẽ cấm các công ty như Amazon hoặc Apple yêu cầu các nhà cung cấp ứng dụng bên thứ ba chỉ sử dụng hệ thống thanh toán nội bộ của họ.

Dự luật này cũng cấm các đại công ty công nghệ phạt các ứng dụng cố gắng đưa ra các mức giá khác nhau thông qua các cửa hàng ứng dụng hoặc hệ thống thanh toán thay thế.

Amazon, Meta, Google, và Apple phủ nhận việc họ lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình.

Họ tuyên bố rằng sự can thiệp của chính phủ vào thị trường thông qua luật pháp sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ vốn đang phụ thuộc vào nền tảng của họ.

Dự luật Thượng viện này bao gồm các biện pháp “cản trở khả năng cung cấp bảo mật theo mặc định trên nền tảng của chúng tôi, khiến người dùng phải đối mặt với các cuộc tấn công lừa đảo, phần mềm độc hại và nội dung spam,” ông Kent Walker, chủ tịch các vấn đề toàn cầu và giám đốc pháp lý tại Google và Công ty mẹ Alphabet, cho biết trong một bài đăng trên blog.

“Và dự luật này vẫn bao gồm các điều khoản có thể ngăn không cho chúng tôi cung cấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp những dịch vụ hữu ích, miễn phí.”

Trong một lá thư gửi tới Uỷ ban Tư pháp Thượng viện do AP thu được, Apple nói rằng dự luật về các ứng dụng của bên thứ ba nói riêng sẽ gây ra “tác hại thực sự” đối với “quyền riêng tư và bảo mật của người tiêu dùng Mỹ”.

Apple cho biết: “Những dự luật này sẽ tặng thưởng cho những người vô trách nhiệm với dữ liệu của người dùng và trao quyền cho những kẻ xấu nhắm vào người tiêu dùng bằng phần mềm độc hại, mã độc tống tiền, và lừa đảo.”

Các phiên bản của hai dự luật này đang nằm tại Hạ viện Hoa Kỳ.

Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến thức chuyên sâu về chính trị và pháp luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.

Bryan S. Jung
Theo The Epoch Times
In ngày: 19/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print