Print  
Tưởng niệm cuộc diệt chủng Do Thái: Bài học vẫn chưa được học
Bản tin ngày: 28/01/2022   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Chia sẻ dưới đây là của luật sư nhân quyền nổi tiếng người Canada, David Matas, đăng tải trên kênh Medium nhân dịp ngày tưởng niệm cuộc diệt chủng Do Thái (27/1). Ông David Matas là một luật sư nhân quyền quốc tế chuyên hỗ trợ các vấn đề tị nạn, di cư và quyền con người. Ông là một chuyên gia nghiên cứu diệt chủng, đặc biệt là cuộc diệt chủng Do Thái. Ông tham gia trợ giúp cộng đồng Do Thái tại Canada, tham gia vào nhiều tổ chức nhân quyền tại Canada, bao gồm cả Tổ chức Ân xá Quốc tế. Với những nghiên cứu về tội ác thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm do Đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn, David Matas từng nhận được giải thưởng nhân quyền năm 2009 của tổ chức Xã hội Quốc tế vì Nhân quyền (International Society for Human Rights) và từng được đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2010.

Vào ngày tưởng niệm cuộc diệt chủng Do Thái, chúng ta nên nhớ tới điều gì? Chúng ta nên nhớ tới những nạn nhân, những thủ phạm, những người sống sót, những người đã liều mình cứu các nạn nhân, những nơi xảy ra tội ác, những gì chúng ta đáng lẽ nên biết, những gì chúng ta đã học được, những gì nhân loại đã làm, những gì nhân loại chưa làm, những gì chúng ta đã có thể làm nhưng không làm, và những gì cần phải làm để tiếp tục ghi nhớ, tránh tái diễn một cuộc diệt chủng tương tự.

Cuộc diệt chủng Do Thái là chưa từng có, là duy nhất, và vẫn là một phần trong ký ức của nhân loại. Cuộc diệt chủng Do Thái đã dạy nhân loại bài học về chính chúng ta, bài học mà chúng ta không được quên.

Cuộc diệt chủng Do Thái là duy nhất, bởi vì chưa bao giờ có một quốc gia nào như Đức Quốc xã, khi ở đỉnh cao của sự thành công về văn hoá và công nghệ, lại tìm cách xâm lược và chinh phục toàn thế giới, để giết bất cứ ai thuộc một nhóm người – nhóm người Do Thái. Và nguyên nhân của việc giết chóc này được xây dựng trên sự “tưởng tượng” được chế độ tô vẽ về người Do Thái, chứ không phải dựa trên thực tế. Hầu như không có nơi nào trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi nỗ lực điên cuồng này, cho dù là quốc gia xâm lược hay quốc gia bị xâm lược, những kẻ tuyên truyền hay những người bị tuyên truyền, những kẻ kỳ thị hay những người bị phân biệt đối xử, những người cứu hộ hay những người được giải cứu, những quốc gia bảo hộ các nạn nhân hay những quốc gia từ chối mở cửa, những nơi che chở cho thủ phạm hay những nơi từ chối họ, những ai cho thủ phạm quyền miễn trừ hoặc những người cố gắng đưa thủ phạm ra trước công lý. Cuộc diệt chủng Do Thái kéo cả thế giới này xuống và cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về cách nhân loại có thể tránh được một thảm kịch.

Cuộc diệt chủng Do Thái đã cho thấy hai mặt của nhân loại, ở cả mặt thiện lương và mặt tồi tệ nhất. Mặt tồi tệ nhất khiến chúng ta hiểu rằng nhân loại có thể rơi vào một vực sâu không đáy. Với cuộc diệt chủng Do Thái, chúng ta đã hiểu nhân loại có thể tự hủy hoại bản thân đến mức nào. Học được bài học từ cuộc diệt chủng Do Thái hay không đã trở thành vấn đề sinh tử của đại gia đình nhân loại. Nếu chúng ta không hành động theo những bài học đó, chúng ta có nguy cơ sẽ biến mất vĩnh viễn.

Tuy nhiên, những bài học mà chúng ta cần học vẫn chỉ được học một cách hời hợt. Những nạn nhân tị nạn cần được bảo vệ vẫn bị từ chối. Việc kích động thù hận dựa trên những tô vẽ “tưởng tượng” vẫn còn đó. Những kẻ giết người hàng loạt vẫn được miễn trừ. Quá nhiều người vẫn thờ ơ với những hành động tàn bạo trên diện rộng được thực hiện ở một đất nước xa xôi nào đó.

Người ta có thể đưa ra vài ví dụ, một trong số đó là việc thảm sát người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc để lấy nội tạng. Ở Trung Quốc, cũng như ở Đức, công nghệ tiên tiến được sử dụng để giết người hàng loạt. Ở Đức Quốc Xã, đài phát thanh được sử dụng để kích động lòng căm thù, xe tăng được sử dụng để xâm lược, súng máy là dành cho các đội giết người lưu động, các chuyến tàu đưa người Do Thái vào trại tử thần, và hơi độc được dùng để giết họ. Ở Trung Quốc, chúng ta thấy công nghệ cấy ghép nội tạng được sử dụng cho thảm sát, một công nghệ chưa tồn tại vào thời kỳ cuộc diệt chủng Do Thái diễn ra.

Một số tổ chức điều tra độc lập đã xác định rằng việc giết người vô tội trên diện rộng, với quy mô lớn ở Trung Quốc là chắc chắn có tồn tại, không thể nghi ngờ. Tuy nhiên, ai đang đưa những thủ phạm ra trước công lý? Câu trả lời là không ai cả. Ai đang cung cấp nơi ẩn náu cho những nạn nhân chạy thoát? Câu trả lời là còn ít quốc gia làm như vậy. Ai đang phản đối việc này? Câu trả lời là quá ít. Thế giới đã làm gì để ngăn chặn sự kích động thù hận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công? Câu trả lời là hầu như không làm gì.

Dịp tưởng nhớ cuộc diệt chủng Do Thái nên là một lời nhắc nhở về nạn diệt chủng. Cuộc diệt chủng Do Thái không phải là lịch sử; nó không phải là quá khứ. Ngày nay nó vẫn hiện hữu ở khắp mọi nơi, vì có những thứ chúng ta đã học được, và có những thứ chúng ta vẫn chưa học được. Những hành vi tàn bạo trong thời hiện đại nhắc nhở chúng ta rằng điều tạo ra cuộc diệt chủng Do Thái tồn tại trong chính chúng ta, là những lực lượng vô hình cố hữu; và những thứ đó vẫn đang tiếp tục khuấy động tàn phá. Nhưng nhân loại vẫn phớt lờ chúng trong khi chính bản thân chúng ta đang gặp nguy hiểm bởi những lực lượng này.
 

David Matas
https://trithucvn.org/the-gioi/luat-su-nhan-quyen-tuong-niem-cuoc-diet-chung-do-thai-bai-hoc-van-chua-duoc-hoc.html
In ngày: 21/12/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print