Hương cay, ấm của tinh dầu trong lá mùi còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng, lưu thông khí huyết.
|
Chẳng biết từ bao giờ, cứ mỗi 30 Tết, hình ảnh các bà, các mẹ, các chị tay xách nách mang những bó mùi già lại trở nên quen thuộc. Tục tắm nước lá mùi già hay còn gọi là tục “tẩy trần đêm Tất niên” đã trở thành một nét đẹp văn hoá gần gũi, thân thương ở nhiều địa phương miền Bắc, đặc biệt là ở Hà Nội, mỗi dịp đón Xuân về.
Cây Mùi – còn được biết đến với các tên gọi như: Mùi ta, Ngò, Ngò rí, Hồ tuy, Nguyên tuy, Hương tuy… – là loại cây quen thuộc trong ẩm thực của người Việt. Từ bát canh măng miến đến đĩa nộm đu đủ hay nộm hoa chuối... đều phảng phất hương thanh thanh của loài cây thân thảo nhỏ bé. Trong bữa cơm ngày thường hay trong mâm cỗ ngày Tết mà thiếu vắng rau mùi rắc lên thì coi như thiếu đi sự trọn vẹn.
Mùi là loại rau của mùa đông. Cây mùi dùng để nấu nước tắm là những cây đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía. Mùi già cho hương thơm sâu lắng rất riêng biệt, đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương thơm đến vài ba ngày Tết.
Hương cay, ấm của tinh dầu trong lá mùi còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng, lưu thông khí huyết. Vì vậy, theo quan niệm của người xưa, tắm lá mùi già dịp cuối năm là để gột bỏ hết những phiền muộn, vận rủi của năm cũ, đón một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc và thành công hơn.
Một tục lệ không chỉ là một thói quen mà còn gửi gắm những thông điệp sâu sắc. Tôi vẫn nhớ những ngày cuối năm ấy, khi dọn dẹp nhà cửa tinh tươm, bà và mẹ cặm cụi đun nồi nước lá mùi già cho gia đình. Bao giờ, bà hay mẹ cũng sẽ chọn những nhánh mùi già nhất, có những bông hoa li ti và những quả mùi nhỏ xíu. Bà nói thân mùi già cho nhiều tinh dầu hơn, mùi nước tắm sẽ thơm, sẽ nồng ấm hơn. Quả mùi thì như một thứ quả kỳ lạ, có thể khiến cho thân thể khoan khoái và đầu óc trở nên nhẹ nhàng, thông suốt. Tôi thầm nể phục và biết ơn sự tinh tế của người xưa.
Cây mùi được rửa sạch bụi bẩn rồi cẩn thận cho vào nồi để không làm rập nát lá. Chỉ cần hai bó mùi già là đủ nước tắm cho cả gia đình. Khi đun nóng lên, hương mùi theo làn khói bay rất xa. Càng đun lâu, tinh chất từ cây mùi già tiết ra càng nhiều và đậm đặc. Chiều cuối năm, hương mùi hoà quyện với hương gió, mới ngửi thôi cũng đủ xua tan đi bao mệt nhọc. Tự nhiên ta muốn chậm lại để mà tận hưởng khoảnh khắc lắng đọng này.
Với những người hoài cổ, ngửi thấy hương mùi thì giống như thấy vị Tết. Hương mùi già chỉ là một nốt trầm rất nhỏ trong mùa Tết nhưng thiếu nó thì không còn là cái Tết đặc trưng của người Hà Nội. Người ta nói đúng, mùi hương và âm thanh là hai thứ có thể lưu giữ ký ức sống động nhất. Hương mùi già cứ lặng lẽ lan tỏa, nhắc nhở ta rằng vẫn còn có quê hương, hãy biết nhớ về cội nguồn.
Người hiện đại có cuộc sống no đủ, nhưng dần đánh mất đi bản sắc. Những loại sữa tắm thượng hạng, nước hoa hàng hiệu ngập tràn trên thị trường; đâu còn mấy ai nâng niu và trân quý mùi hương đồng gió nội như lá mùi. Còn bao người muốn khoác lên mình thứ hương dạn dĩ của Đất Mẹ ấy mỗi chiều cuối năm?
Ngày nay, chỉ còn một làng ở ngoại thành Hà Nội giữ được nghề trồng cây mùi già bán trong dịp Tết Nguyên Đán; đó là làng Hoạch An, huyện Thanh Oai. Cây mùi mỏng manh vậy mà cứ phải tầm ngày 26, 27 Tết thì mới chín già quả và cho mùi hương đượm nhất. Nếu cắt sớm hơn thì quả còn xanh và nhiều hoa, khi đun nước sẽ bị vẩn đục. Do đó, người trồng mùi thường phải chờ đến đúng ngày mới cắt và bán rải rác cho đến tận 30 Tết.
Tuy vậy, ngày Tết bây giờ không còn giữ được cái hồn thiêng liêng xưa, đôi khi chỉ làm hình thức cho xong thủ tục. Để đỡ lích kích những ngày cuối năm, nhiều gia đình sử dụng bánh xà phòng hay tinh dầu mùi đã được nấu sẵn thành lọ. Nhưng những lọ nước công nghiệp ấy sao có thể mang lại sự chân thật và nét đặc trưng của tập tục này. Cảnh bà, cảnh mẹ cẩn thận đun nồi nước tắm cho cả gia đình chứa đựng bao yêu thương. Đó là khoảnh khắc người ta có thể chầm chậm cảm nhận được thời gian, tình yêu và chính bản thân mình. Thiếu vắng cảnh này thì năm mới nhưng dường như ta vẫn là con người cũ ấy, con người của những vội vàng và bon chen.
Người hiện đại ngày càng cảm thấy áp lực mỗi dịp Tết về, phải tăng ca, đạt chỉ tiêu để được thưởng Tết, rồi đi sắm Tết, không thì lại “mất Tết”. Đón năm mới đến mà người ta thật hối hả; những khó khăn nhọc nhằn vùi lấp đi thứ niềm vui giản dị. Tài sản tăng lên nhưng tinh thần cứ ngày một nghèo đi. Người ta kiếm tiền để sống, nhưng lại rơi vào vòng xoáy danh lợi, mải miết theo đuổi “mục tiêu” mà quên đi “mục đích” sống. Những tục lệ đôi khi trở thành một thứ “rườm rà”.
Nhưng như cụ Phan Kế Bính đã viết trong cuốn “Việt Nam phong tục” rằng “xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy”. Chắc chắn rằng, tục tắm nước lá mùi chiều Tất niên không phải là một tục dở.
Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất của Việt Nam, đánh dấu thời khắc giao thừa giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên Đán thể hiện sự khao khát của con người về sự hài hoà giữa Thiên – Địa – Nhân. Tục tắm lá mùi già chiều Tất niên là biểu hiện một phần mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, với gia tộc và xóm làng, với niềm tin thiêng liêng vào đời sống tâm linh…
Trước nhịp sống hối hả, giữ được truyền thống đã là một việc khó khăn, giữ được bản sắc và cái hồn của truyền thống lại thành một điều xa xỉ. Vậy nên, đừng quên “tấm vé” đưa chúng ta trở về những điều xưa cũ. Hãy để hương thơm chân thật của lá mùi cho ta về sự sum họp của gia đình, về tình yêu thương giữa các thế hệ, về mối giao hòa với vũ trụ, để chúng ta có những phút giây tĩnh lặng, chiêm nghiệm một năm cũ đã qua cùng những điều đã đến và đi.
Trong vô vàn mùi hương của ngày Tết, lá mùi già chiều Tất niên vẫn để lại một cảm giác bình yên và sâu lắng đến lạ kỳ. Ai đã tận hưởng thứ hương thơm ấy một lần, chắc chẳng bao giờ quên được… Những lỗi lầm, phiền muộn năm cũ đã bỏ lại phía sau khi thứ mùi thanh tao ấy lan tỏa trong tâm trí. Những ngày cuối năm cũ, ta cần phải thật “sạch sẽ” để xứng đáng cho những khoảnh khắc quý giá của ngày mai, của tương lai. Hãy lạc quan mà tiến về phía trước, để sống đúng với những món quà mà cuộc đời ban tặng.
|