Trong những dịp gặp mặt đầu năm, người ta thường chúc nhau sống lâu sống thọ, gia đình an khang hạnh phúc. “Phúc” ấy có lẽ là điều rất nhiều người mong chờ, mà tốt đẹp nhất lại chính là “Ngũ phúc lâm môn”. Vậy năm loại phúc ấy là gì?
“Kinh Thư” viết “Ngũ phúc” bao gồm: “trường thọ”, “phú quý”, “khang ninh”, “hảo đức” và “thiện chung”. Trong đó “trường thọ” là chỉ sinh mệnh không bị chết yểu, chết trẻ, hơn nữa còn sống lâu sống thọ, cao tuổi mà khoẻ mạnh. “Phú quý” là chỉ tiền tài dư dật, giàu có, sung túc, hơn nữa còn có địa vị tôn quý, cao sang trong xã hội. “Khang ninh” là chỉ thân thể khoẻ mạnh, không ốm đau bệnh tật, hơn nữa, còn có tâm linh an bình, yên vui. “Hảo đức” là phẩm hạnh, đạo đức tốt đẹp, là có tính cách nhân từ lương thiện, hơn nữa còn khoan dung, độ lượng. Đặc biệt nhất là “thiện chung”, nghĩa là có thể dự đoán trước được cái chết của mình. Người có phúc “thiện chung” thì những năm tháng cuối đời, không gặp phải tai hoạ bất ngờ, thân thể không bị ốm đau hành hạ. Trong nội tâm người ấy cũng không lo lắng hay phiền não, sợ hãi mà an tường tự tại rời khỏi nhân gian. Đó là một cái chết an lành, nhẹ nhàng, không có đau đớn khổ sở, giống như sắp đi đến một nơi tốt đẹp hơn.
Năm loại phúc này hợp lại thì cấu thành nên một cuộc đời mỹ mãn, tròn đầy. Nhưng trong những năm tháng đời người, có mấy ai được hưởng trọn vẹn cả năm loại phúc ấy. Có người sống thọ nhưng nghèo khổ, bần hàn thành ra lo âu, phiền não. Có người giàu sang nhưng mệnh yểu hay sức khoẻ không tốt nên luôn cảm thấy đau khổ. Cũng có người nghèo khổ nhưng lại được “thiện chung”, có người giàu có nhưng lại vô cùng “lao tâm khổ tứ”, con cháu bất hiếu, nên trong tâm không lúc nào được yên bình…
Trên thực tế, người sống có đức thường không tranh giành, đấu đá, tâm niệm thiện lương, ưa thích làm điều lành, tránh xa điều dữ, từ đó đạt được nội tâm an hòa, không có lo âu, sầu khổ, oán hận, tâm bình khí hoà mà đạt được thân thể khoẻ mạnh, gia đình yên vui. Một người nếu đang được hưởng phúc nhưng không biết ăn ở tích đức thì cái phúc kia cũng khó mà có thể an bền cho được.
Cổ nhân dạy rằng “hảo đức” gồm có 8 phương diện, bao gồm: hiếu, đễ (nhường nhịn), trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Tám chữ này được gọi chung là “bát đức”, hay còn gọi là “bát đán”, cũng là tiêu chuẩn đạo đức của con người. “Luận Ngữ” có viết: “Hảo đức thể hiện ra hành vi bao gồm năm phương diện: Ôn hoà, lương thiện, cung kính, tiết kiệm, nhường nhịn.” “Ôn hoà” tức là mềm mại, nhẹ nhàng, tâm tình ôn hoà có thể khiến tâm sinh lý khỏe mạnh. “Lương thiện” là nhân từ, thương yêu mọi người. Người lương thiện, nhân từ bởi vì thường xuyên bố thí, giúp đỡ người khác mà có thể sống lâu, sống thọ. “Cung kính” là giữ lễ, người biết giữ lễ nghĩa, lễ độ thì thường tránh được tai ương, bảo trì được tâm thái bình tĩnh, an tường. “Tiết kiệm” chính là cần cù, không hoang phí. Người cần cù tiết kiệm thì sẽ mang đến tài phú và thân thể khoẻ mạnh bởi không sa đà vào lòng tham mà đánh mất lương tâm, phẩm đức. “Nhường nhịn” chính là khiêm tốn, nhún nhường, lễ nhượng. Nhường nhịn có thể khiến cho ôn hoà, lương thiện, cung kính, tiết kiệm phát huy được tác dụng của nó.
Người ta sống vẫn luôn truy cầu hạnh phúc. Vì thế ai ai cũng ra sức làm lụng, ước mong có thể dùng tài sản để thay đổi cuộc đời mình hay để lại cho thế hệ sau. Nhưng kỳ thực, các bậc hiền đức xưa đều cho rằng, chỉ có trọng đức hành thiện mới có thể thực sự lo cho tương lai lâu dài của bản thân cũng như của con cái. Lợi ích chân chính bắt nguồn từ một lý trí thanh tỉnh sáng suốt, biết phân biệt rõ đúng sai, từ đó mà lựa chọn con đường nhân sinh đúng đắn, có được phúc báo, có được tương lai tốt đẹp.