“Xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” là cái tựa người ta viết sẵn để khi Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI đưa ra một lá thư phản hồi những cáo buộc nhắm vào ngài trong báo cáo lạm dụng của Tổng Giáo phận Munich – Freising thì tung lên nhằm đón nhận những tràng pháo tay của giới truyền thông, bất kể Đức Bênêđictô viết gì trong bức thư của ngài, và bất kể cái “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” đó bôi tro trát trấu vào mặt Giáo Hội như thế nào.
Trong bài “Un sanissimo senso della colpa”, nghĩa là “Một cảm thức lành mạnh về tội lỗi”, ký giả Simone M. Varisco của Caffestoria, nhấn mạnh rằng lá thư của Đức Bênêđíctô là một bài giáo lý tuyệt vời chứ không phải giọng điệu “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ” như yêu cầu của Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức. Thật vậy, trong tài liệu phản bác đính kèm với lá thư của Đức Bênêđictô, các cố vấn pháp lý của ngài bác bỏ tất cả các cáo buộc chống lại ngài.
Simone viết:
“Sau những lời cảm ơn, nhất thiết cũng phải có một lời thú nhận”, Đức Bênêđictô XVI viết sau những lời cảm ơn về nhiều biểu hiện đoàn kết với ngài sau những cuộc tấn công cường tập trong vài ngày qua trong đó người ta xuyên tạc các sự kiện và hoàn cảnh.
Tội lỗi lạm dụng tính dục là một tội nghiêm trọng trong Giáo Hội, một nhà lãnh đạo của Giáo Hội mà không cảm thấy bị liên luỵ, không có cảm thức tội lỗi thì có nghĩa là tự biến sự tồn tại của mình thành một bản cáo trạng. Tuy nhiên, Đức Bênêđictô XVI nói tiếp “dù lỗi của tôi có lớn đến đâu, hôm nay, Chúa vẫn tha thứ cho tôi, nếu tôi thành tâm cho phép mình được Ngài kiểm tra và thực sự chuẩn bị thay đổi”.
Sự thay đổi đó đã diễn ra trong vô số cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của lạm dụng tình dục, ở Vatican và trong các chuyến tông du của ngài. “Tôi đã thấy những hậu quả của một lỗi lầm nghiêm trọng nhất. Và tôi hiểu rằng bản thân chúng ta bị cuốn vào lỗi nghiêm trọng này bất cứ khi nào chúng ta bỏ qua nó hoặc không đối diện với nó với quyết tâm và trách nhiệm cần thiết, là điều quá thường xuyên đã xảy ra và tiếp tục xảy ra. Trong những cuộc gặp gỡ đó, một lần nữa tôi chỉ có thể bày tỏ với tất cả những nạn nhân bị lạm dụng tình dục sự xấu hổ sâu sắc, nỗi buồn sâu sắc và lời cầu xin tha thứ chân thành của tôi.”
Đến đây vẫn chưa đủ cho những người đã phải bỏ ra một số tiền lớn để thuê các nhà điều tra cố gắng bới lông tìm vết vạch ra những tội lỗi của người khác. “Tôi đã có những trách nhiệm lớn lao trong Giáo hội Công giáo”, Đức Bênêđictô XVI tiếp tục. “Tôi đã có những trách nhiệm lớn lao trong Giáo hội Công giáo. Trên tất cả là nỗi đau của tôi vì những lạm dụng và những sai sót đã xảy ra ở những nơi khác nhau trong thời gian tôi được giao nhiệm vụ. Mỗi trường hợp lạm dụng tình dục riêng lẻ đều kinh hoàng và không thể sửa chữa được. Những nạn nhân của lạm dụng tình dục có sự đồng cảm sâu sắc nhất của tôi và tôi cảm thấy vô cùng đau buồn cho từng trường hợp riêng lẻ.”
Đức Bênêđictô XVI nhận thức rõ rằng lòng thương xót là cần thiết trước những tội lỗi không thể tránh khỏi đè nặng lên sự yếu đuối của mỗi chúng ta.
“Không bao lâu, tôi sẽ tìm thấy chính mình trước toà phán xét cuối cùng của cuộc đời mình. Mặc dù, khi nhìn lại quãng đời dài của mình, tôi có thể có lý do rất lớn để sợ hãi và run rẩy, nhưng tôi vẫn rất vui mừng, vì tôi tin tưởng chắc chắn rằng Chúa không chỉ là vị quan toà công minh, mà còn là người bạn và người anh em, là Đấng đã phải chịu đựng những thiếu sót của tôi, và do đó cũng là trạng sư của tôi, “Đấng Bầu Chữa” của tôi. Trong giờ phán xét, tôi càng thấy rõ ân sủng của việc trở thành tín hữu Kitô. Nó cho tôi kiến thức, và thực sự là tình bạn, với Đấng phán xét cuộc đời tôi, và do đó cho phép tôi tự tin vượt qua cánh cửa tối tăm của cái chết.”
Chính những đoạn cuối cùng này, ngoài ý nghĩa tinh thần và nhân văn của toàn bộ bức thư, đã khiến bức thư trở thành một bài giáo lý quan trọng cho Giáo Hội bất kể một số sai lầm của thể chế và của một số cá nhân. Bức thư là một minh chứng tinh thần. Có lẽ là một bài giáo lý cuối cùng của Đức Bênêđictô XVI. Bức thư của một con người vĩ đại, và tất nhiên là của Giáo Hội.
Một số đoạn văn và phần kết của bức thư cho thấy rõ sự khác biệt về phong cách giữa lời cầu xin tha thứ mà Đức Bênêđictô XVI yêu cầu và lời cầu xin của những nhân vật khác trong Giáo Hội, đặc biệt là ở Đức, những người quá say mê trước những tiếng vỗ tay ồn ào của giới truyền thông.
Trong những tuần gần đây, Giám mục Limburg và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, ngài Georg Bätzing, đã liên tục đòi hỏi nơi Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI công khai “xấu hổ, nhục nhã, chân thành cầu xin sự tha thứ”. Trong nhiều năm, Bätzing liên tục chỉ trích Đức Bênêđictô XVI, và lập tức yêu cầu Đức Giáo hoàng Danh dự phải xin lỗi trên báo chí, chỉ vài giờ sau khi báo cáo về các vụ lạm dụng trong giáo phận của Munich và Freising được phổ biến. Theo lời của Bätzing, báo cáo nêu bật những “hành vi tai hại” của Giáo Hội, ngay cả trong hàng giáo phẩm cao cấp nhất, “bao gồm cả một Giáo hoàng Danh dự”. Bätzing nói thêm: “Đôi khi tôi cũng cảm thấy xấu hổ khi nghĩ rằng chúng ta đã từng có quá khứ như vậy.”
Hồng y Reinhard Marx, Tổng Giám mục đương nhiệm của Munich và Freising và là cựu chủ tịch của Hội đồng Giám mục Đức, tán đồng những lời của Bätzing rằng “không có tương lai cho Kitô giáo ở đất nước này nếu không có một Giáo Hội đổi mới”. Cũng theo lời của Hồng y Marx, “đối với nhiều người, Giáo Hội thực sự là một nơi gây ra tai hoạ hơn là cứu rỗi, một nơi đáng sợ hơn là an ủi”.
Đó là những bài phát biểu tự cho mình là trung tâm, mị dân và vô thần thực tiễn, trong đó cho rằng tương lai của Giáo Hội phụ thuộc vào sự khôn ngoan của họ, vào các chương trình nghị sự của họ như bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, cho người Tin Lành được rước lễ…
Tuy nhiên, chiến lược mị dân ấy không có tác dụng. Trên thực tế, không thiếu những lời chỉ trích từ “cánh tả” của Giáo Hội ở Đức. Tờ Der Spiegel hằng tuần tóm tắt một mẫu tin thú vị. “Không ai nhận trách nhiệm cá nhân. Theo nhà thần học và giáo luật Thomas Schüller, Tổng Giáo phận Munich-Freising đang đi vào chế độ giải quyết và tiến hành các hoạt động hàng ngày như thường lệ […]. Nhà hoạt động và cựu ứng cử viên trong hàng ngũ xã hội chủ nghĩa của SPD, Matthias Katsch, khẳng định rằng “rất khó tiếp nhận bài phát biểu có tính vị kỷ này của Đức Hồng y Marx”. Một lần nữa, phản ứng của Marx được đánh giá là một phản ứng “mơ hồ một cách đáng ngạc nhiên” bởi Chủ tịch Uỷ ban Trung ương những người Công giáo Đức (ZdK), nhà xã hội học Irme Stetter-Karp, là người vừa phê phán ý kiến của Hồng y Marx trong đó xem bãi bỏ luật độc thân linh mục như một cách để chống tội lỗi lạm dụng tính dục. “Phải chăng dưới con mắt của Hồng y Marx, phụ nữ chỉ là một công cụ tình dục”, bà ta hỏi.
Tất cả các đề xuất của Hồng y Marx và Giám mục Georg Bätzing đã được anh em Tin Lành chấp nhận nhưng tỷ lệ bỏ đạo còn cao hơn. Hơn thế nữa, các đề xuất của các Giám mục Đức hiện nay sẽ tạo ra những kỳ vọng nào đó đối với một số thành phần giáo dân Đức. Một khi những kỳ vọng này trở thành thất vọng, mà chắc chắn sẽ là như thế, người ta sẽ chứng kiến một làn sóng lũ lượt rời bỏ Giáo Hội.
Nhà triết học và thần học Tin Lành Lytta Basset đã viết: “Theo quan điểm đức tin, sự mù quáng nguy hiểm nhất là sự nhầm lẫn giữa tầm nhìn thuần túy của con người với tầm nhìn của Thiên Chúa.”
Tự vấn trong trạng thái như đang đứng trước mặt Chúa trong giờ phán xét sau cùng, và từ đó hoán cải, và thay đổi là đường lối cơ bản của Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI. Đường lối ấy giúp chúng ta tiếp tục rửa tội cho thế giới sa ngã này, bất kể những yếu đuối trong Giáo Hội.
Trái lại, lạm dụng tội lỗi lạm dụng để mạ lỵ Giáo Hội, để bãi bỏ luật độc thân linh mục, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, giải thích lại Kinh Thánh về đồng tính luyến ái... là để cho cái thế giới sa ngã này rửa tội cho chúng ta.