Print  
9 câu châm ngôn, càng biết sớm càng bớt khổ
Bản tin ngày: 11/04/2022   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Sống ở đời không tránh khỏi những mất mát, có người mất mát một lúc, có người lại mất mát cả đời. Người từng trải qua một vài lần mất mát nhanh chóng tích luỹ kinh nghiệm sống và thay đổi để trở nên tốt hơn. Lại có người mất cả cuộc đời vẫn chưa nghĩ ra điểm mấu chốt là gì. Bài viết này gửi bạn 9 câu châm ngôn, biết càng sớm thì càng bớt khổ.

1. Giữ thanh tỉnh lúc làm việc, học cách làm người bớt nhiều chuyện

Có người nói “đời người chỉ bận bịu hai chuyện: làm việc và làm người”.

Thực vậy, làm việc là gốc rễ của lập mệnh, lập mệnh chính là tạo nên tương lai, không để vận mệnh bị trói buộc. Còn làm người lại chính là nền tảng của xử thế. Hai bên khác nhau chỉ một chữ nhưng bản chất lại hoàn toàn khác nhau.

Làm việc tối kỵ nhất là hành động mù quáng, làm ẩu, chỉ có là rõ ràng nhân quả thì mọi việc mới có thể thực sự hoàn thành tốt đẹp.

Làm người thì không nên quá so đo, người sống trên đời, ai cũng không tránh khỏi ân oán, đúng sai. Để ý quá nhiều thì chỉ làm tăng thêm phiền não mà thôi.

2. Khoan dung với người khác và nghiêm khắc với chính mình

Trong cuốn “Dưỡng Chính Di Quy” có một câu: “Đãi nhân yếu phong, tự phụng yếu ước, trách kỷ yếu hậu, trách nhân yếu bạc.” Có thể hiểu là: “Đối đãi với người nên rộng rãi, đối đãi với bản thân nên có ước thúc. Yêu cầu bản thân phải nghiêm khắc, yêu cầu người cần có sự khoan dung.”

Một vị quan nổi tiếng cuối triều Minh tên là Đổng Đốc Hành, nhận được thư nhà gửi lên, hy vọng ông có thể sử dụng thế lực để giải quyết tranh chấp đất đai với hàng xóm. Đọc xong, ông viết thư gửi lại:

“Gửi thư đi ngàn dặm chỉ vì chuyện tường vách, không khỏi khiến ta phải bật cười. Hai bên sống nhân nghĩa mới có thể kết thân làm hàng xóm, ngại gì không nhường nhau vài thước đất.”

Người nhà đọc xong, cảm thấy thật hổ thẹn nên chủ động nhường bỏ mấy thước đất, hàng xóm thấy vậy cũng làm theo.

Kết quả đất nhường nhau đủ làm thành được một cái đường hẻm mọi người có thể đi chung, sau này có tên là “hẻm Nhân Nghĩa”.

3. Biết đủ thì an tâm, tham lam thường đi kèm tai hoạ

Con người có thể thuần phục dã thú, sáng tạo và phát minh ra vật dụng, nhưng lại khó chinh phục được bản tính bên trong của mình, khó thoát khỏi đầm lầy dục vọng, muốn có nhiều tiền hơn, hưởng thụ tốt hơn, được ca ngợi nhiều hơn….

Một nhà nho lỗi lạc đời nhà Thanh, ông Tăng Quốc Phiên, từng có câu: “Biết đủ thì thiên địa rộng lớn, tham lam thì vũ trụ cũng trở nên nhỏ hẹp”, ý nghĩa là những người biết bằng lòng thì sẽ cảm thấy rằng thế giới thật rộng lớn và mọi thứ đều tuyệt vời. Còn những người tham lam lại luôn cho rằng vũ trụ thật nhỏ hẹp và mọi thứ đều tồi tệ.

Khi chăm chăm những điều xa xôi, bạn đang bỏ lỡ những điều ngay trước mặt; một thân thể khoẻ mạnh, một gia đình viên mãn… đây không phải là một loại hạnh phúc sao?

Làm người mà biết đủ thì đến nơi nào cũng an yên. Đừng vì lòng tham mà đánh mất những gì bạn đang có.

4. Thế giới của bạn, khó hay dễ nằm ở cái tâm

Có một câu nói: “Tấm lòng đơn giản, thế giới cũng đơn giản.” Tuy lời này nghe có vẻ không có gì to tát nhưng thực tế lại có rất ít người làm được.

Chúng ta luôn nghĩ rằng thế giới không đủ thân thiện với chúng ta, nhưng không biết rằng chính chúng ta mới là người tự mình khoá trái tim lại.

Có một câu chuyện kể rằng, có hai người kia bị rơi xuống nước, một người có đôi mắt sáng rõ, còn người kia mắc tật cận thị. Khi cả hai đã kiệt sức vì vùng vẫy dưới nước, người có đôi mắt sáng nhìn thấy phía trước dường như có một hòn đảo, thế là cả hai đều gắng sức bơi thẳng về phía đó.

Càng bơi đến gần, người mắt sáng kia phát hiện ra đó không phải là hòn đảo, nó chỉ là một cái cây chết đang trôi bồng bềnh mà thôi, vì vậy anh ta bỏ cuộc. Tuy nhiên, người cận thị kia vẫn tin tưởng rằng đó phải là một hòn đảo, vì vậy anh ta ôm hy vọng và tiếp tục tiến về phía trước.

Khi bơi đến đích mới phát hiện ra đó quả đúng là một cái cây chết, nhưng lúc này anh ta đã cách bờ không xa. Kết cục thì bạn có thể tưởng tượng được rồi, người mắt sáng đã phải bỏ thân nơi biển cả, chỉ có người cận thị kia là sống sót.

Đời người là vô thường, nhưng may mắn lại thường đến từ sự đơn giản.

5. Dẫu có rơi vào quẫn cảnh lạc đường, cũng có thể ngồi ngắm mây cuộn mây tan

Trong suốt cuộc đời, con người chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn, nhưng thái độ của mỗi người đối với đau khổ là rất khác nhau. Hoặc dứt khoát từ bỏ, hoặc chiến đấu đến cùng, đây đều không phải là cách hành xử thông minh.

Nam diễn viên nổi tiếng Hồng Kông Lê Minh từng nói: “Trong cuộc sống, hãy thản nhiên đối mặt với những điều không thể thay đổi, và dốc lòng cho những điều bạn có thể thay đổi.”

Bất kể điều gì xảy ra trong cuộc sống, mặt trời vẫn mọc ở phía đông, lặn ở phía tây, chỉ cần không tự nhốt mình vào vòng luẩn quẩn đang gặp phải, thì lòng bạn sẽ tự nhiên thanh thản.

6. Làm gì cũng cần có chừng mực, quá đi có khi gặp tai hoạ

Vừa đúng lúc, là một triết lý, cũng là một cách sống. Điều đó đại diện cho sự khoáng đạt và dửng dưng, và là một hành lang dài trước cánh cửa hạnh phúc.

Thật vậy, cảm xúc hạnh phúc phụ thuộc vào sự chừng mực trong cách chúng ta đối đãi sự việc. Thiếu một chút chính là thiếu, thừa một chút lại là quá đi rồi.

Ngày xưa, có chàng trai trẻ muốn trở thành một tài năng toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và ngoại hình. Do đó, chàng ta đã cố gắng nỗ lực trong mọi lĩnh vực nhưng lại không đạt được tiến bộ gì. Chàng ta cảm thấy thật khổ não vì vậy đã quyết định đi hỏi một vị sư phụ.

Sư phụ nói: “Chúng ta hãy cùng nhau leo ​​núi, lên đến đỉnh núi rồi thì cậu sẽ biết mình cần phải làm gì.”

Trên núi có rất nhiều viên đá nhỏ lấp lánh, chàng ta cứ mê mẩn với những hòn đá đẹp mắt đó. Bất cứ khi nào nhìn thấy một viên đá mình thích, chàng ta sẽ bỏ nó vào túi. Chẳng mấy chốc, cái túi đã nặng trĩu, chàng ta cảm thấy không thể chịu nổi nữa.

Vị sư phụ mỉm cười nói: “Mang theo nhiều đá như vậy làm sao có thể lên đến đỉnh núi chứ?”

Chàng trai trẻ bừng hiểu ra, liền cảm ơn vị sư phụ và rời đi. Sau này, cậu gạt đi những tham vọng nặng nề trong lòng mà chỉ chú tâm vào việc học hỏi và đã tiến bộ rất nhanh.

 Mọi chuyện ở đời chỉ cần đúng mực là được, thiếu đi thì không thành công, quá đi lại sinh ra tai hoạ.

7. Trong tâm biết ơn nhiều hơn, cuộc sống càng hạnh phúc nhiều hơn

Khi nói đến lòng biết ơn, điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí chúng ta là cha mẹ, bạn bè và xã hội. Chúng ta hẳn sẽ luôn biết ơn những người hoặc những điều gì tốt đối với chúng ta, cái lý thông thường là vậy. Tuy nhiên, điều thực sự khiến chúng ta hạnh phúc lại là có thể biết ơn đối với sự ác ý và bất công.

Chuyện kể rằng, có hai người nọ sống sót sau vụ tai nạn ô tô đều bị mất một chân. Một người trong số họ than thở với những người khác: “Dù được cứu sống nhưng tôi đã bị mất một chân. Sau này, tôi sẽ sống như thế nào đây?”

Còn người kia nói: “Tuy tôi mất đi một chân, nhưng giữ được cái mạng này, tôi còn có thể sống.”

Sau đó, cuộc sống của họ đối ngược nhau một trời một vực. Người tiêu cực kia cả ngày buồn bực, chịu không nổi liền lựa chọn rời khỏi thế giới. Người còn lại nhìn cuộc đời bằng con mắt tích cực, cuộc sống sau này ngày càng tốt hơn.

Trong cuộc sống, dù thế nào đi chăng nữa, hãy luôn ấp ủ một trái tim biết ơn, nó sẽ khiến chúng ta trưởng thành, hạnh phúc, bởi điều xứng đáng có được thì chắc chắn sẽ đến.

8. Ít buồn bực hơn, nhiều nỗ lực hơn

Giờ đây, việc đổ lỗi cho người khác dường như đã trở thành mốt thịnh hành. Những vất vả của cuộc sống, những mệt mỏi trong công việc, những hiểu nhầm giữa các thành viên trong gia đình và tất cả những cảm xúc tiêu cực tràn ngập mọi ngóc ngách.

Phàn nàn không chỉ vô nghĩa mà còn khiến con người ta thêm phiền não, thậm chí tiêu cực trở thành thứ gây nghiện, sa đọa trở thành tính cách.

Trong cuộc đời, thời gian là có hạn, nên ít đổ lỗi, ít phàn nàn và ít hối hận đi thôi.

Thay vì lãng phí thời gian cho những cảm xúc vô nghĩa, hãy biến những lời phàn nàn của bạn thành động lực để tiến về phía trước.

9. Lời nói cần mềm mỏng, người sống cần khí khái

Chất lượng của mối quan hệ giữa mọi người dường như được đánh giá bằng việc họ có thể mở hết lòng ra với nhau hay không, nhưng trên thực tế nó được quyết định bởi việc họ có thể giao lưu với nhau hay không.

Tăng Quốc Phiên trong những năm đầu mới làm quan, với ngữ khí ngạo mạn đã tạo ra không ít kẻ thù chính trị, chôn xuống nhiều tai họa ngầm cho quan lộ của mình, cuối cùng vì vậy mà phải chịu nhiều thua thiệt. Ông đã sử dụng kinh nghiệm trên con đường làm quan của mình để đúc rút ra chân lý của việc phải biết mềm mỏng khi nói chuyện. Sau này ông đã sử dụng điều này như một bài học giáo huấn cho gia đình để dạy cho các con trai và cháu trai của mình.

Tuy nhiên, mềm mỏng không có nghĩa là luôn luôn thỏa hiệp. Nói chuyện nhẹ nhàng là trí tuệ cảm xúc nhưng không thể cứng rắn khi đã đến giới hạn cuối cùng. Cương nhu kết hợp mới có thể chỗ đứng vững vàng lâu dài. Chỉ khi chúng ta giữ vững điểm ranh giới của mình mới có thể nhận được sự tôn trọng từ người khác.
 

Kiệt Phu
https://trithucvn.org/doi-song/9-cau-cham-ngon-cang-biet-som-cang-bot-kho.html
In ngày: 29/03/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print