Print  
Tuyên bố của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về việc bắt giữ ĐHY Giuse Trần Nhật Quân
Bản tin ngày: 13/05/2022   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tin tức về vụ bắt giữ ĐHY Giuse Trần Nhật Quân. Đức cha David J. Malloy của Rockford và là Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã kêu gọi cầu nguyện và theo đuổi công lý.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức cha Malloy:

"Tin tức đáng báo động về vụ bắt giữ Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân ngày 11 tháng 5 tại Hương Cảng do vai trò quản lý quỹ nhân đạo dành cho những người biểu tình trong quá khứ cho thấy xu hướng ngày càng tồi tệ đối với các quyền tự do cơ bản và nhân quyền ở Hương Cảng. Vị mục tử kiên định và là người ủng hộ mạnh mẽ cho dân chủ và công lý này đã bị bắt cùng với những người được uỷ thác khác của một quỹ chi trả chi phí pháp lý và y tế cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ, một quỹ đã bị giải tán vào mùa thu năm 2021. Vì sự ủng hộ của Đức Hồng y Quân cho những điều này và những người biểu tình, ngài đang bị buộc tội 'thông đồng với lực lượng nước ngoài'. Theo luật an ninh quốc gia được ban hành vào tháng 6 năm 2020, 'ly khai, lật đổ và cấu kết với các lực lượng nước ngoài' là tội phạm có thể bị trừng phạt với mức án lên đến tù chung thân. Vì vậy, mặc dù ĐHY Quân đã được tại ngoại nhưng tình hình của ngài vẫn rất bấp bênh."

Phòng Báo chí của Vatican cho biết hôm thứ Tư: "Toà Thánh đã biết được thông tin đáng lo ngại về vụ bắt giữ ĐHY Quân và đang theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ. Cùng với Toà Thánh, tôi bày tỏ sự quan tâm sâu xa đến số phận của Đức Hồng y Quân và những người khác có chung tình trạng khó khăn hiện tại của ngài. Tôi mời tất cả những người có thiện chí cầu nguyện cho sự an toàn của họ và cầu xin cho công lý có thể thắng."

Vụ bắt giữ Đức Hồng y Quân và những đám mây đen mới trên Hương Cảng

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo hoàng Truyền giáo Hải ngoại, gọi tắt là PIME, đã đăng bài nhận định sau của Cha Gianni Criveller, một nhà truyền giáo PIME và chuyên gia về Trung Quốc, người đã làm việc với Đức Hồng y Quân trong một thời gian dài tại Hương Cảng. Bài viết của ngài có nhan đề “Cardinal Zen's arrest and the new dark clouds over Hong Kong”, nghĩa là “Vụ bắt giữ Đức Hồng y Quân và những đám mây đen mới trên Hương Cảng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt ngữ qua phần trình bày của Kim Thuý.

Vào ngày 11 tháng 5 năm 2022, Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân “lương tâm của Hương Cảng” bị bắt. Đối với những người như tôi, những người đã trải qua những năm tháng khó khăn bên cạnh vị Hồng y, đó là một ngày buồn không thể nào quên.

Đức Hồng y đã 90 tuổi đã cảm nhận sự già yếu vì tuổi tác của mình. Ngài sống khiêm nhường trong cư xá của những tu sĩ Salêdiêng ở Hương Cảng, là một linh mục trong số những người khác, không có bóng râm của những thứ xa hoa và đặc quyền. Ngài là một người dũng cảm, người cha cao quý của phong trào dân chủ, người lãnh đạo của cả một cộng đồng công dân. Việc bắt giữ Đức Hồng y Quân là một hành động hoàn toàn mang tính chính trị, phô trương, đáng sợ và tôi thậm chí dám nói là rất phi nhân tính. Liệu người ta có thể bắt giữ một người đàn ông 90 tuổi mà hàng triệu người trên thế giới ngưỡng mộ và kính trọng không?

Đức Hồng y Quân được tại ngoại, đó là một sự nhẹ nhõm về mặt con người cho chúng ta bởi vì chúng ta không phải tưởng tượng cảnh ngài ở trong phòng giam. Nhưng sức ép không thể chịu đựng được của vụ bắt giữ vẫn còn: sẽ có một phiên toà xét xử, những cáo buộc đầy thù hận nhằm làm mất uy tín của một người cao quý và quảng đại. Và chúng ta không thể quên rằng nhiều người bạn dân chủ của chúng ta vẫn ở trong tù vì lý tưởng tự do của họ. Vụ bắt giữ diễn ra cùng với các thành viên nổi bật khác của phong trào ủng hộ dân chủ, bao gồm ba phụ nữ có danh tiếng Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀), Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭)), và Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩).

Đức Hồng y Quân bị buộc tội thông đồng với các thế lực ngoại bang. Bản cáo trạng dựa trên trách nhiệm chính thức của ngài trong việc thành lập quỹ “ngày 12 tháng 6”, gọi tắt là quỹ 612. Quỹ này được tạo ra để trợ giúp pháp lý, tài chính, tâm lý và hỗ trợ y tế cho những người bị thương, bị bắt, bị tấn công hoặc bị đe doạ bạo lực trong các cuộc biểu tình dân chủ bắt đầu vào ngày 12 tháng 6 năm 2019 và kết thúc vào ngày 1 tháng 7 năm 2020, với sự ra đời của Luật An ninh Quốc gia. Quỹ được sử dụng để thu thập các khoản đóng góp, bao gồm cả từ nước ngoài. Nhưng nó đã bị đình chỉ hoạt động sau khi Luật An ninh Quốc gia ra đời. Và do đó, nó là một sự áp dụng hồi tố của một luật giết chết tự do.

Vụ bắt giữ là một danh thiếp khủng khiếp đối với tân Đặc khu trưởng Hương Cảng Lý Gia Siêu (John Lee, 李家超) người chịu trách nhiệm giới thiệu chế độ cảnh sát trị ở Hương Cảng - người đã được bầu với 99% phiếu bầu của uỷ ban bầu cử đặc biệt vào ngày 8 tháng 5. Ngày 1 tháng 7 tới đây, Lý mới nhậm chức, nhưng người ta biết rõ rằng ông ta, hay đúng hơn là Bắc Kinh, đã nắm quyền. Trong vụ bắt giữ khét tiếng này (chúng ta vẫn đang nói về Đức Hồng y Quân), tôi nghĩ cũng có điều gì đó gây ra sự bất mãn đối với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥), vị Đặc khu trưởng Hương Cảng khét tiếng trước ông ta, là người có cùng đức tin Công giáo với Đức Hồng y Quân.

Kể từ năm 2003, Đức Hồng y Quân được gọi là “lương tâm của Hương Cảng”: một nhà lãnh đạo ở một thành phố đang tìm kiếm cho mình một con đường dẫn đến tự do và dân chủ hơn nữa, được quy định trong Luật Cơ bản Quản lý Hương Cảng. Chúng ta đã thấy ngài cùng với mọi người trên đường phố, trong quảng trường, trong nhà tù, trong Công viên Victoria - một mục tử bên cạnh mọi người. Hàng triệu công dân đã xuống đường ở Hương Cảng, và Đức Hồng y Quân đồng hành với họ, trong số họ, trước mặt họ. Một phong trào của người dân, những người trẻ tuổi, những người đòi hỏi được tự do, được trở thành nhân vật chính cho số phận của chính mình.

Hàn Quốc có Đức Hồng y Stêphanô Kim: người cha của quê hương, là người đã cứu đất nước khỏi sức mạnh quân sự bằng cách đón những người biểu tình bị cảnh sát đe doạ vào thánh đường vào năm 1987. Phi Luật Tân có Đức Hồng y Jaime Sin, người đã kêu gọi người dân bênh vực Cory Aquino, là người được bầu làm tổng thống thay cho nhà độc tài Ferdinand Marcos vào năm 1986. Hương Cảng có Đức Hồng y Quân: “lương tâm của Hong Kong”.

Việc bắt giữ Đức Hồng y Quân càng làm dày thêm những đám mây đen đáng ngại trên khắp Hương Cảng. Nó không thể khá hơn trong những tháng và năm tới. Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều trước khi nó có thể trở nên tốt hơn. Mô hình kiểm soát cực đoan của chế độ đã được thực hiện ở Trung Quốc: trước tiên loại bỏ kẻ thù chính trị; rồi kẻ thù kinh tế; rồi kẻ thù văn hoá; và cuối cùng là các tôn giáo. Những tháng và năm khó khăn hơn nữa đang chờ đợi Giáo hội Công giáo ở Hương Cảng. Trước một số quyết định lịch sử đẫm máu, người dân tuyệt vời của Hương Cảng sẽ khó có thể sống trong tự do và dân chủ.

Edward Pentin: Vụ bắt giữ Đức Hồng y Quân thách thức thỏa thuận của Vatican với cộng sản Trung Quốc

Edward Pentin, ký giả thường trực của tờ National Catholic Register vừa có bài viết nhan đề “Cardinal Zen’s Arrest Will Test the Vatican’s Agreement With Communist China”, nghĩa là “Vụ bắt giữ của Hồng y Quân là phép thử đối với thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc cộng sản”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.

Vụ bắt giữ Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân và 4 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ hôm thứ Tư với cáo buộc “thông đồng với các thế lực nước ngoài” đặt ra một thách thức trực tiếp đối với Toà Thánh và hiệu quả của những nỗ lực gây tranh cãi gần đây nhằm hợp tác chặt chẽ hơn với Bắc Kinh.

Toà Thánh đã đưa ra một tuyên bố ngắn gọn vào chiều thứ Tư cho biết họ đã “lo lắng trước tin tức về vụ bắt giữ của Đức Hồng y Quân và đang theo dõi tình hình một cách hết sức chú ý”.

Vị giám mục hiệu tòa 90 tuổi của Hương Cảng đã được thả khỏi nơi giam giữ vào cuối ngày thứ Tư nhưng chỉ được cảnh sát cho tại ngoại, và như thế vẫn phải đối mặt với các cáo buộc đang chờ truy tố.

Đức Hồng y Quân là người thẳng thắn chỉ trích sự cai trị chuyên quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và việc bắt giữ ngài diễn ra chỉ 3 năm rưỡi sau khi Toà Thánh ký một thoả thuận tạm thời bí mật và gây tranh cãi với Bắc Kinh nhằm hợp pháp hoá việc bổ nhiệm các giám mục.

Thỏa thuận, mà Đức Hồng y coi là “sự phản bội” đối với Giáo hội thầm lặng trung thành với Rôma, đã được gia hạn vào cuối năm 2020. Những phát triển mới nhất sẽ kiểm tra tính hiệu quả của những thoả thuận đó và liệu chúng có thực sự cung cấp cho Toà Thánh bất kỳ quyền thương lượng thực sự nào hay không. Vatican luôn lập luận rằng sự kiên nhẫn là cần thiết trước khi những thoả thuận này có kết quả và thật là đáng chú ý để xem Toà Thánh sẽ phản ứng như thế nào khi Đức Hồng y bị truy tố. Việc bắt giữ ngài cũng là một thử nghiệm quan trọng đối với người kế nhiệm hiện tại của ngài, Đức cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ), người lãnh đạo giáo phận từ tháng 12 năm ngoái.

Đức Hồng y đã bị bắt cùng với 4 người khác vì điều hành một quỹ hiện đã bị giải tán để bảo vệ những người bị bắt vì các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ.

“Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, được thành lập vào năm 2019, đã quyên góp được hơn 32 triệu đô la cho những người bị ảnh hưởng, nhưng cảnh sát Hương Cảng đã đóng quỹ này vào năm ngoái theo luật an ninh quốc gia của lãnh thổ có hiệu lực vào năm 2020.

Đức Hồng y Quân và chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ trích luật an ninh quốc gia làm xói mòn các quyền tự do dân sự và chính trị mà Bắc Kinh đã hứa với Hương Cảng theo thoả thuận “một quốc gia, hai hệ thống” khi lãnh thổ này được trả lại từ tay người Anh để Trung Quốc cai trị vào năm 1997.

Tất cả năm người bị bắt đều là thành viên của “Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612” và bao gồm luật sư kiêm chính trị gia cao cấp nổi tiếng Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀), nhà hoạt động và ca sĩ nhạc pop Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), cựu Dân biểu Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭); học giả và nhà hoạt động Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强).

Các nguồn tin ở Hương Cảng đã nói với tờ Register rằng học giả Hứa Bảo Cường đã chuẩn bị lên chuyến bay từ Hương Cảng đến Đức vào hôm thứ Ba, nhưng đã bị chặn lại. Tất cả năm người đã bị buộc tội “thông đồng với các lực lượng nước ngoài”.

“Đây là những người được kính trọng nhất trong phong trào dân chủ và đó là một liên minh thực sự”, Mark Simon, một người bạn và là cựu cộng sự kinh doanh của Jimmy Lai, một thương gia Công giáo bị bỏ tù vào năm ngoái vì vi phạm luật an ninh quốc gia chỉ vì tham gia ủng hộ các cuộc biểu tình dân chủ.

Simon nói với tờ Register rằng để bắt ba trong số năm vị này “đặc biệt là Đức Hồng y Quân, xét vì những hệ quả đối với Vatican”, cần “phải có sự phê chuẩn của Bắc Kinh”, và vì thế, những gì diễn ra cho chúng ta thấy là Bắc Kinh không quan tâm chuyện gì đang xảy ra hoặc ai đang nắm quyền. Nói cách khác, họ không quan tâm đến một khởi đầu mới dành cho tân Đặc khu trưởng Hương Cảng.

Lý Gia Siêu (John Lee, 李家超) là tân Đặc khu trưởng, người đứng đầu chính quyền Hương Cảng, là cựu giám đốc an ninh Hương Cảng và là người ủng hộ trung thành của Bắc Kinh. Lý Gia Siêu được tường trình là không được lòng dân do ông đã đàn áp những người biểu tình trong các cuộc tuần hành phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi vào năm 2019 (các cuộc biểu tình là lý do cho luật an ninh quốc gia), việc bổ nhiệm Lý vào cuối tuần qua đã được nhiều người nhìn thấy như là cách Bắc Kinh siết chặt thuộc địa cũ của Anh. Ông ta sẽ đảm nhận quyền hành của mình vào tháng 7.

Benedict Rogers, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch, lên án vụ bắt giữ, nói với CNA rằng họ “không nghi ngờ gì rằng Bắc Kinh có ý định tăng cường đàn áp các quyền và tự do cơ bản ở Hương Cảng”.

Bạn bè của vị Đức Hồng y này đã nói với tờ Register rằng ngài đã tiên liệu bị bắt từ lâu và không sợ số phận của mình dưới bàn tay của những nhà cầm quyền độc tài, do Bắc Kinh lãnh đạo hiện đang điều hành Hương Cảng.

Toà Bạch Ốc kêu gọi trả tự do cho Đức Hồng y Công giáo ở Hương Cảng

Hôm thứ Tư, Toà Bạch Ốc đã kêu gọi trả tự do cho Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân và những người khác bị bắt ở Hương Cảng vì cáo buộc thông đồng với các lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Phó Thư ký Báo chí Toà Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên: “Tự do ngôn luận là rất quan trọng đối với các xã hội thịnh vượng và an toàn.”

“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và chính quyền Hương Cảng ngừng nhắm mục tiêu vào những người ủng hộ Hương Cảng và trả tự do ngay lập tức cho những người đã bị giam giữ và buộc tội vô cớ, như Đức Hồng y Giuse Quân… và những người khác bị bắt hôm nay”, bà nói khi đề cập đến Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, bà Ngô Ái Nghi (Margaret Ng, 吳靄儀), nhà hoạt động và ca sĩ nhạc pop Hà Vận Thi (Denise Ho, 何韻詩), cựu Dân biểu Hà Tú Lan (Cyd Ho, 何秀蘭); học giả và nhà hoạt động Hứa Bảo Cường (Hui Po Keung, 许宝强) đã bị bắt vì họ có vai trò là uỷ viên của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612.

Đức Hồng y Giuse Trần Nhật Quân, 90 tuổi, là một giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng và là một nhà phê bình thẳng thắn về Trung Quốc. Vatican cho biết họ đã biết về vụ bắt giữ và họ đang “theo dõi diễn biến của tình hình với sự chú ý cao độ”.

Vụ bắt giữ hôm thứ Tư diễn ra trực tiếp sau cuộc lựa chọn vào ngày Chúa Nhật, trong một quá trình do Bắc Kinh kiểm soát, trong đó Lý Gia Siêu (John Lee, 李家超)sẽ giữ chức vụ tân Đặc khu trưởng. Lý Gia Siêu là cựu giám đốc an ninh đã tranh cử mà không có đối thủ.

Quỹ Cứu trợ Nhân đạo hiện đã đóng cửa đã cung cấp trợ giúp pháp lý cho những người tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019 ở nước này. Kể từ các cuộc biểu tình đó, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác đã bị bắt theo Luật An ninh Quốc gia, được áp dụng đối với Hương Cảng vào năm 2020.

TT
VietCatholic
In ngày: 26/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print