Tháng 9 năm 1987, tôi rời Hà Nội vô Sài Gòn nhận công tác, chỗ tôi dừng chân tá túc đầu tiên là cổng Phi Long (khu vực Lăng Cha Cả). Cũng là Việt Nam nhưng Sài Gòn tạo cho tôi những cảm xúc choáng ngợp và kinh ngạc, không phải vì Sài Gòn giàu có, cái mà tôi choáng ngợp chính là sự văn minh, lịch thiệp và tử tế của người dân Sài Gòn.
Trái ngược với dân Hà Nội, người Sài Gòn rất tử tế và thật lòng, mỗi lần đi chơi không biết đường về, khi chúng tôi hỏi đường, mọi người dường như không nề hà, chỉ bảo ân cần, nếu họ không biết, họ hỏi người khác rồi tận tình hướng dẫn cho chúng tôi. Người Sài Gòn niềm nở dễ mến, ào ào nhưng nhân hậu và thật lòng. Đi uống cà phê, đầu tiên nhân viên ra lau bàn sạch sẽ rồi mới nhẹ nhàng hỏi khách: “Anh uống (ăn) gì?”, khi thanh toán cũng thật nhẹ nhàng, thối tiền tử tế cho khách xong bao giờ cũng có câu: “Cám ơn anh! Lần sau nhớ ghé quán em.” Có thế thôi, nhưng đối với tôi, lần đầu không khỏi kinh ngạc, vì Hà Nội không bao giờ được nghe những câu như thế. Đi mua bán, đi chợ ở Sài Gòn, câu cửa miệng thường trực của các tiểu thương người Sài Gòn là “Cám ơn! Lần sau nhớ ghé.” Thật! Buôn bán như vậy thì làm sao mà không có lần sau kia chứ (!).
Một lần tôi ghé nhà thằng “lính” (cấp dưới tôi) ở Thủ Đức, nó là dân gốc Sài Gòn. Điều làm tôi kinh ngạc nhất là khi thằng em trai nó đi học về, nó khoanh tay cúi gập người và chào một lượt quanh nhà: “Con thưa má, thưa ba con đi học về!”, “Em chào anh ba em đi học về!”. Quay sang tôi, nó khựng lại giây lát rồi chào: “Em chào anh… em mới đi học về!”
Chưa hết đâu, không phải chỉ người Sài Gòn, khi tôi về vùng huyện Đất Đỏ, tỉnh Đồng Nai (nay thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu), vùng quê chân chất nhưng cũng văn minh không kém. Hôm đó tôi đi coi hát (xem cải lương), tôi rất kinh ngạc khi mọi người rất trật tự, không la ó, chen lấn xô đẩy hoặc sàm sỡ con gái, phụ nữ như ngoài Bắc, họ vỗ tay tán thưởng ca sĩ những đoạn ca dài hơi hoặc ca hay. Tôi rất ngạc nhiên các bạn ạ!
Trên đây tôi chỉ sơ lược được vài điều khiến tôi “kinh ngạc” vào thời điểm đó. Kinh ngạc trước những cái mà nhà trường hồi đó đã dạy tôi là “tàn dư của chế độ cũ”.
Đấy, các bạn thấy đấy, đã “giải phóng” được 12 năm nhưng người Sài Gòn vẫn giữ được nét văn minh lịch sự vốn có của họ. Nhưng, cho đến nay thì có thể do “Bắc hoá” nên hầu như những nét văn minh đó đã trở thành quá khứ.
Quay trở lại điều tôi muốn nói, còn nhớ năm 2017, tràn ngập các trang mạng là hình ảnh lãnh đạo và nhân viên của cây xăng Nhật Bản IQ8 cúi gập người chào và cám ơn để tỏ lòng tri ân khách hàng, người thì ca tụng, kẻ thì chê bai họ “làm màu” với nhiều ý kiến trái chiều. Việc báo chí và các trang mạng “lên đồng” với hành động mà nhiều người thấy lạ của ông Hidoki Honfo đứng dưới mưa gập người chào khách có phải là điều bất thường không? Xin trả lời là không! Điều bất thường lại là chính chúng ta, Việt Nam ta đã từng như thế, cũng văn minh không kém người Nhật tý nào. Nhưng chỉ có điều… những điều như thế đã trở thành quá khứ!