Print  
Nhà thờ độc đáo ở Rôma lưu giữ hàng ngàn câu chuyện về các vị tử đạo thời hiện đại
Bản tin ngày: 09/03/2023   Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo

Nép mình giữa những dòng chảy xiết của Tiber và bên dưới những cây cổ thụ trăm tuổi dọc theo bờ sông là l'Isola Tiberina hay Đảo Tiber. Mảnh đất nhỏ này, được bao quanh bởi một bên là khu phố Do Thái và một bên là khu phố Trastevere, có Vương cung Thánh đường San Bartolomeo all'Isola hay Thánh Bácthôlômêô trên Đảo. Nhà thờ này có một nét độc đáo bên cạnh vị trí địa lý, vì nó lưu giữ ký ức và thánh tích của các vị tử đạo thế kỷ 20 và 21.

Để chuẩn bị cho Đại Năm Thánh 2000, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thành lập một Uỷ ban các Vị Tử đạo Mới, để điều tra sự tử đạo của các Kitô hữu trong thế kỷ 20. Để làm nổi bật công việc của cơ quan này, Đức Thánh Cha đã quyết định cung hiến Vương cung Thánh đường San Bartolomeo cho những chứng nhân đức tin mới này.

Trên thực tế, nhà thờ, được điều hành bởi Cộng đồng Thánh Egidio, được chia thành các nhà nguyện có các vị tử đạo hiện đại từ các khu vực hoặc khoảng thời gian cụ thể.

Thánh tích của Thánh Maximilian Kolbe

Thánh Maximilian Kolbe là một linh mục Dòng Phanxicô người Ba Lan đã hy sinh mạng sống của mình vào năm 1941 để cứu người chồng và người cha bị kết án tử hình trong Trại Tập trung Auschwitz. Nhà nguyện lưu giữ thánh tích và cuốn sách cầu nguyện của vị Thánh.

Chân phước Maria Restituta: bị chém đầu vì treo thánh giá

Trong nhà nguyện có một cây thánh giá của Chị Maria Restituta, người đã bất chấp Đức Quốc xã bằng cách treo những cây thánh giá trong bệnh viện mà chị ấy làm việc. Cuối cùng chị ấy đã bị bắt và sau đó bị chặt đầu vào năm 1943.

Một linh mục thuộc Giáo hội Công giáo Ukraine nghi lễ Đông phương được phong chân phước, là người đã cố gắng cứu người Do Thái bằng cách trao giấy chứng nhận rửa tội.

Một biểu tượng của Cha Emilian Kovch được treo trong Nhà nguyện để tưởng nhớ vị linh mục của Giáo hội Công giáo Ukraine nghi lễ Đông phương này, và là cha của sáu người con, người đã chết trong trại tập trung sau khi cố gắng cứu hàng trăm người Do Thái.

“Tôi không hổ thẹn về Phúc Âm […] đó là quyền phép của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin.”

Nhà thờ cũng bao gồm những câu chuyện của các cá nhân thuộc các hệ phái Kitô khác. Một ví dụ là một lá thư được viết bởi mục sư Tin Lành, Paul Schneider, cho các thành viên trong gia đình ông khi ông ở Trại Tập trung Buchenwald ở Đức. Sau đó, ông qua đời ở đó vào năm 1939, để lại vợ và sáu người con. Tuy nhiên, có bằng chứng về việc Mục sư Schneider không muốn khuất phục chế độ Quốc xã ngay từ năm 1933.

“Chúa Nhật tuần trước tôi lại giảng về Rô-ma 1:16. Vì tôi không xấu hổ về Tin Mừng; vì đó là quyền phép của Thiên Chúa để cứu mọi kẻ tin đầu tiên là người Do Thái và sau đó là người Hy Lạp. Tôi không tin rằng Giáo hội Tin Lành của chúng ta sẽ có thể tránh được một cuộc đối đầu với nhà nước Đức Quốc xã, thậm chí nó sẽ không thể trì hoãn điều đó lâu hơn nữa,” ông viết vào tháng 10 năm 1933, sau một lời phàn nàn ban đầu về việc rao giảng của mình. Mục sư Schneider tiếp tục lên án mạnh mẽ ý thức hệ Quốc xã và công khai bênh vực người Do Thái. Cuối cùng ông bị bắt và sau đó bị trục xuất đến Buchenwald vào năm 1937.

Một lá thư từ một giám mục Tin Lành Lutheran quan trọng của Ba Lan

Một ví dụ khác là một bức thư của Giám mục Lutheran người Ba Lan, Juliusz Bursche, mà ông đã gửi cho các thành viên gia đình của mình từ Trại Tập trung Sachsenhausen ở Đức. Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Giám mục Bursche đã giúp thành lập Nhà thờ Tin Lành Augsburg, một giáo phái Lutheran, ở Ba Lan. Nó được công nhận hợp pháp vào năm 1937 và ông được đề cử làm giám mục đầu tiên.

Giám mục Bursche nói: “Nhiệm vụ của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, không phải rao giảng hệ ý thức hệ quốc gia của Đức hay Ba Lan. Ông bị chính quyền Đức bắt giữ vào năm 1939 và sau đó qua đời vào năm 1942. Người ta ước tính khoảng 30% giáo sĩ Tin Lành của Ba Lan đã chết trong các trại tập trung trong Thế chiến thứ hai.”

Một trong 108 vị tử đạo Ba Lan

Trong nhà nguyện có một lá thư được viết bởi Stanislaw Starowieysky, một giáo dân người Ba Lan đã được phong chân phước trong nhóm 108 vị tử đạo Ba Lan trong Thế chiến thứ hai. Trước chiến tranh, ông là một thành viên tích cực của Giáo hội và đã giúp tổ chức Đại hội Thánh Thể cấp Giáo phận ở Chelm và hỗ trợ Công giáo Tiến hành. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã giúp nhiều người chạy trốn và tị nạn trong nhà của mình cho đến khi bị bắt vào năm 1939. Sau một lần trốn thoát ban đầu, ông bị quân Đức bắt lại vào năm 1940 và cuối cùng bị đưa đến Trại Tập trung Dachau. Là cha của sáu người con, ông qua đời ngày 13 tháng 4 năm 1941, vào đêm giữa Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh.

https://aleteia.org/2023/03/07/this-unique-church-in-rome-preserves-thousands-of-stories-of-modern-martyrs/
In ngày: 19/04/2024
Website: Truyền bá Tin Tức Công Giáo
Print