Đức Hồng y Parolin tại Hội nghị
|
Tham dự hội nghị được tổ chức tại Venezia ngày 23/5 về đề tài “Huấn quyền của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I. Một nghiên cứu lịch sử và thần học qua văn khố”, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, nhấn mạnh vai trò thúc đẩy hoà bình trong triều Giáo hoàng chỉ 34 ngày của Chân phước Gioan Phaolô I.
Trong bài tham luận, Đức Hồng y Parolin nhắc đến việc Đức Thánh Cha Phanxicô lập Quỹ Gioan Phaolô I, vào ngày 17/02/2020, để đào sâu con người, tư tưởng và giáo huấn của Chân phước Giáo hoàng, được thực hiện qua các sáng kiến như tổ chức các hội nghị, hội thảo và học hỏi. Và trong hơn 3 năm qua, chủ tịch và các thành viên của Quỹ đã tiến hành đúng theo ý muốn của Đức Thánh Cha.
Tiếp theo, Quốc vụ khanh Toà Thánh tập trung vào huấn quyền của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I về hoà bình. Theo đó, mẫu gương Chúa Kitô, Hoàng Tử Hoà Bình, là điểm quy chiếu được vị Chân phước theo sát trong triều Giáo hoàng 34 ngày của ngài. Theo Đức Hồng y, thực tế, nhiệm vụ thúc đẩy hoà giải và tình huynh đệ giữa các dân tộc, mời gọi sự cộng tác để bảo vệ và gia tăng hoà bình trong thế giới hỗn loạn này, để ngăn chặn bạo lực mù quáng chỉ phá huỷ và gieo rắc tang thương, cùng với dấn thân đại kết và liên tôn, là những vấn đề được đặt ưu tiên trong diễn văn chương trình của Đức Gioan Phaolô I.
Đức Hồng y chỉ ra một số dịp trong đó Đức Giáo hoàng đã đề cập đến hoà bình. Trước hết, tại buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 10/9/1978, Đức Gioan Phaolô I đã kêu gọi lãnh đạo các tôn giáo cầu nguyện cho hoà bình. Ngài trích dẫn không chỉ Kinh Thánh mà cả kinh Koran nói về hoà bình. Tiếp đến, trong buổi tiếp kiến chung ngày 20/9/1978, Chân phước Gioan Phaolô I đã nói: “Trong những giây phút này, một mẫu gương đến với chúng ta từ Trại David. Hôm qua, Quốc hội Hoa Kỳ đã vỡ tung do tiếng vỗ tay về điều mà chúng ta cũng đã nghe kh Tổng thống Jimmy Carter đã trích dẫn lời Chúa Giêsu: ‘Phúc cho ai xây dựng hoà bình’. Tôi ước mong những tràng pháo tay và những lời này sẽ đi vào tâm hồn của tất cả các Kitô hữu, đặc biệt chúng ta những người Công giáo, và thực sự làm cho chúng ta trở thành những người kiến tạo hoà bình.”
Theo Đức Hồng y, đây cũng là những điểm được Đức Gioan Phaolô I cân nhắc khi viết thư trực tiếp cho Tổng thống Hoa Kỳ sau đó, và trong diễn văn trước ngoại giao đoàn vào ngày 31/8/1978.
Quốc vụ khanh Toà Thánh cho biết về hoạt động thúc đẩy hoà bình của vị Chân phước được thể hiện qua một số dịp. Đầu tiên, ngày 20/9, với lá thư gửi đến các Giám mục của Argentina và Chile, khi cuộc tranh chấp biên giới sắp nổ ra. Nhờ trung gian của Toà Thánh cuộc đụng độ đã được ngăn lại. Tiếp theo, Đức Giáo hoàng đã bày tỏ ủng hộ các cuộc đàm phán hoà bình từ ngày 05 đến 17/9 tại Trại David, với sự hiện diện của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Tổng thống Ai Cập Anwar el Sadat và Thủ tướng Israel Menachem Begin.
Đức Hồng y nhận xét rằng không chỉ thúc đẩy hoà bình khi đã trở thành Giáo hoàng, nhưng ngài đã dấn thân cho hoà bình từ trước. Thực tế, vào ngày 23/5/1973, tại Venezia, cử hành 10 năm Thông điệp Pace in Terris - Hoà bình dưới thế của Thánh Gioan XXIII, khi đó còn là Thượng phụ Venezia, Đức Giáo hoàng nói: đừng cho rằng hy vọng của chúng ta là “không tưởng” hay không hợp thời. Người có đầu óc thực tế không phải là người tin rằng chúng ta có thể tiếp tục như trước đây, nhưng là người “nhận thức được tính năng động của một thế giới muốn sống tình huynh đệ hơn”. Đó là những người nhận ra rằng cuộc sống của các dân tộc nghèo, hoà bình dân sự ở các nước đang phát triển và hoà bình trên thế giới đang bị đe doạ. Luôn có những xung đột lợi ích giữa các nhà nước, nhưng chiến tranh sẽ không bao giờ có khả năng giải quyết những xung đột này. Cần phải giải thoát mình ra khỏi những quan niệm cũ về chiến tranh như một phương tiện để giải quyết những bất đồng. Cần phải làm cho lịch sử thay đổi và chuẩn bị cho một thời đại trong đó chiến tranh bị loại bỏ.
|