|
Ngày 28/11, phát biểu tại cuộc gặp gỡ lần thứ hai của các quốc gia thành viên Hiệp ước Cấm vũ khí nhật nhân, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia nói rằng “một thế giới dựa trên tình huynh đệ và tình liên đới không chỉ tìm cách loại bỏ vũ khí nguyên tử nhưng còn phải chăm sóc những người bị thương”.
Theo Đức Tổng Giám mục, vũ khí hạt nhân gây ra những thảm hoạ về nhân đạo và môi trường, và chỉ mang lại “ảo tưởng về hoà bình”. Đây là lý do tại sao Hiệp ước cấp vũ khí hạt nhân nhắc nhở rằng một thế giới không có vũ khí nguyên tử là điều có thể và cần thiết, đồng thời cung cấp cho chúng ta phương tiện để đạt được mục tiêu này thông qua đối thoại.
Đại diện Toà Thánh giải thích, các biện pháp dự kiến trong hiệp định, trong đó các cường quốc hạt nhân không tham gia, sẽ không đủ nếu chúng không đi cùng với đạo đức giải trừ vũ khí. Ngài nhấn mạnh: “Một nền hoà bình dựa trên tình huynh đệ và tình liên đới không chỉ phải tìm cách loại bỏ vũ khí hạt nhân nhưng còn phải hàn gắn những vết sẹo mà chúng đã gây ra cho các cá nhân, toàn bộ cộng đồng và ngôi nhà chung của chúng ta. Về vấn đề này các nghĩa vụ tích cực của Hiệp ước cung cấp một phương tiện thiết yếu để đảm bảo rằng các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng và thử nghiệm vũ khí hạt nhân có thể quay trở lại con đường phát triển toàn diện.”
Theo nghĩa này, việc hỗ trợ các nạn nhân và hiểu rõ hơn về tác động của bức xạ hạt nhân đối với con người là điều thiết yếu. Do đó, Toà Thánh “lưu ý đến những khám phá khoa học gần đây về hậu quả nhân đạo của vũ khí hạt nhân, đặc biệt tác động không cân xứng của bức xạ ion hoá đối với phụ nữ và trẻ nữ”.
Trong phần kết luận, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh sự hiện diện tại cuộc họp của một đại diện Hibakusha, người sống sót từ hai cuộc dội bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki. Bởi vì như Đức Thánh Cha đã viết “họ giữ cho ngọn lửa lương tâm của tập thể, làm chứng cho các thế hệ kế tiếp về những kinh hoàng xảy ra hồi tháng 8/1945 và những đau khổ khôn tả vẫn còn tiếp diễn ngày nay”.
|