|
Đức Hồng y William Goh, Tổng Giám mục Singapore, đánh giá cao sự gần gũi và quan tâm mà Đức Thánh Cha đã dành cho người dân Singapore, và mời gọi Giáo hội hoàn vũ học từ kinh nghiệm đức tin của Giáo hội Á châu.
Trong một cuộc phỏng vấn sau khi Đức Thánh Cha kết thúc cuộc viếng thăm Singapore, Đức Hồng y Goh nói rằng Đức Thánh Cha đã truyền cảm hứng không chỉ cho người dân Singapore, nhưng thông điệp chính của ngài rất cần thiết đối với toàn thể nhân loại. Đức Thánh Cha đã đưa vào hoạt động mục vụ cụ thể những gì các vị tiền nhiệm đã nói. Các thông điệp của ngài luôn đề cập đến việc xây dựng sự hoà hợp trên thế giới, bao gồm, để làm cho Giáo hội thực sự là một bí tích của lòng thương xót và trắc ẩn của Chúa Giêsu đối với người khác. Những thông điệp này vang khắp thế giới, trong đó có cả Singapore.
Về tác động của cuộc viếng thăm, Tổng Giám mục Singapore nhận định rằng trước mắt, chuyến tông du làm trẻ hoá đức tin của các tín hữu. Sự kiện đã đưa nhiều người Công giáo làm việc cùng nhau. Có hơn 5.000 tình nguyện viên chỉ để phục vụ cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Đây là một dịp rất hiếm hoi khi tất cả người Công giáo đến với nhau và làm việc bên cạnh nhau. Điều này giúp xây dựng chúng ta như một Giáo hội mà Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành đang nói đến.
Cuộc viếng thăm chắc chắn sẽ truyền cảm hứng không chỉ cho người Công giáo, nhưng chắc chắc còn cho rất nhiều người Công giáo hoặc nhiều người không phải Công giáo đang đứng ngoài cuộc. Sự kiện làm cho người Công giáo tự hào theo nghĩa tốt đẹp, tự hào khi là thành viên của Giáo hội Công giáo, tự hào khi có một người như Đức Thánh Cha để liên kết toàn thể Giáo hội, Giáo hội hoàn vũ. Và vì vậy, đây thực sự là một khoảnh khắc tuyệt vời đối với Giáo hội Singapore. Đức Hồng y tin rằng tác động lâu dài sẽ được nhìn thấy trong mong muốn năng động và tích cực hơn để cùng nhau làm việc và đưa những người khác đến với Chúa.
Về tác động đến mối quan hệ của Toà Thánh với các quốc gia châu Á, Đức Hồng y khẳng định, khi đến châu Á, Đức Thánh Cha không chỉ nói với người Công giáo, nhưng nhiều người ngoài Công giáo cũng nghe sứ điệp của ngài, và họ nhận ra rằng Giáo hội Công giáo không quá khép kín và không phải là một Giáo hội chiến thắng, nhưng Giáo hội thực sự chào đón và tôn trọng người khác, một Giáo hội tìm cách hiệp nhất với phần còn lại của nhân loại, và trên hết, để bảo vệ những người bị áp bức và bảo vệ xã hội vì lợi ích chung của tất cả mọi người.
Đức Hồng y khẳng định, nếu mọi người thực sự cởi mở, cách riêng là các chính phủ đang nghi ngờ Giáo hội Công giáo, thì với thông điệp của Đức Thánh Cha, sẽ nhận ra rằng Giáo hội thực sự là đại sứ của lòng thương xót và tình yêu của Chúa Kitô, và chúng tôi ở đây để giúp mọi người phát triển, và đó là vì công ích, thì tôi nghĩ họ sẽ bớt nghi ngờ và cởi mở hơn với tôn giáo và đức tin.
Với câu hỏi “Giáo hội Á châu đóng góp gì cho Giáo hội hoàn vũ?”, Tổng Giám mục Singapore cho rằng phương Tây nên cố gắng học nhiều hơn từ Á châu và cả Phi châu. Vì hai lục địa này có nhiều nền văn hoá và hình thức chính phủ khác nhau. Đặc biệt với Á châu, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa không chỉ là cử hành nhưng là cuộc gặp gỡ bằng trái tim. Điều này thấy rõ qua cuộc viếng thăm. Không phải tất cả mọi người đều đọc hoặc nghe các bài diễn văn của Đức Thánh Cha, nhưng khi gặp ngài họ nhận ra đây là người của Chúa.
Do đó, châu Á có rất nhiều đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ. Để giúp mọi người ở phương Tây, cần phải cân bằng giữa kiến thức về Chúa, nhiều nghiên cứu, kiến thức thần học và lý luận. Nhưng Kitô hữu phải yêu Chúa Giêsu. Chúng ta yêu thương bằng con tim chứ không phải bằng lý trí. Và tình yêu sẽ giúp chúng ta hiệp nhất. Đó là lý do tại sao các Tông đồ, mặc dù rất khác nhau, nhưng tất cả đều yêu Chúa Giêsu. Tất cả đều đã gặp được tình yêu Chúa Giêsu, và vì vậy các Tông đồ có thể hiệp nhất với nhau.
Còn một điều khác mà Đức Hồng y cho rằng châu Á có thể đóng góp cho Giáo hội hoàn vũ, đó là Giáo hội nên bớt chú trọng đến việc tuân giữ luật lệ khi nói đến việc cử hành phụng vụ. Tất nhiên, phải tôn trọng một số chiều kích nhất định của phụng vụ, nhưng chúng ta đang cử hành sự sống, kinh nghiệm của Chúa. Vì vậy, Giáo hội cũng phải cởi mở hơn với việc hội nhập văn hóa của phụng vụ. Bởi vì đó là cách mọi người muốn thể hiện tình yêu đối với Chúa.
|