|
Trả lời câu hỏi của các nhà báo bên lề sự kiện về nhà truyền giáo Dòng Tên Matteo Ricci ở Trung Quốc, ngày 15/11, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh nói cha Ricci đã chỉ ra rằng không có mâu thuẫn giữa việc trở thành Kitô hữu và là một người Trung Quốc đích thực.
Dựa trên chủ đề của hội nghị “Di sản tình hữu nghị, đối thoại và hoà bình”, Đức Hồng y Parolin tập trung vào di sản của cha Ricci và cách thế mà nền tảng văn hoá của nhà truyền giáo này đã tạo điều kiện thuận lợi - và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi - cho cuộc đối thoại mà Toà Thánh đã theo đuổi với Bắc Kinh, đáng chú ý nhất là thông qua Thoả thuận tạm thời về việc bổ nhiệm giám mục, được gia hạn thêm 4 năm vào tháng 10 vừa qua.
Đức Hồng y nói: “Cha Matteo Ricci luôn là khuôn mặt dẫn đường trong quá trình đối thoại của chúng tôi với Trung Quốc, không chỉ vì phẩm chất đạo đức của nhà truyền giáo nhưng còn vì vai trò là cầu nối giữa văn hoá phương Tây và Trung Quốc, và vì nỗ lực to lớn của linh mục trong việc hội nhập văn hóa đức tin.”
Quốc vụ khanh Toà Thánh giải thích: "Nhà truyền giáo đã chứng minh - bằng cách sử dụng một cụm từ mà chúng ta sử dụng ngày nay nhưng về bản chất, đã có từ thời của tu sĩ này - rằng không có mâu thuẫn giữa việc là người Trung Quốc đích thực và là công dân tốt với việc trở thành Kitô hữu. Tin Mừng làm phong phú nền văn hoá Trung Quốc từ bên trong. Vì thế, lời dạy tuyệt vời này của cha Matteo Ricci tiếp tục truyền cảm hứng cho chúng ta ngày nay.”
Khi một nhà báo cho rằng chính quyền Hoa Kỳ hiện tại, dưới thời Tổng thống Donald Trump, dường như miễn cưỡng trong việc thiết lập đối thoại với Trung Quốc, không giống như Ý và đặc biệt là Toà Thánh, Đức Hồng y Parolin nói rõ: “Chúng tôi cố gắng để được hướng dẫn bởi các nguyên tắc nhất định và đi theo con đường của mình; là điều khó khi nói người khác nên làm gì...”.
Tuy nhiên, Đức Hồng y nhắc lại, đối với Toà Thánh nguyên tắc đối thoại vẫn là nền tảng. Và đây không chỉ là vấn đề chiến thuật nhưng là bản chất vấn đề. Ngài khẳng định: “Tôi đã trực tiếp chứng kiến điều này liên quan đến cuộc chiến ở Ucraina: không có sự tin tưởng lẫn nhau. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm điều gì đó.”
Đề cập đến những căng thẳng đang làm châu Âu bất ổn, chia rẽ, Đức Hồng y nói: “Chắc chắn, các vấn đề toàn cầu lớn ngày nay chỉ có thể được giải quyết nếu chúng ta đoàn kết, áp dụng một cách tiếp cận chung; nếu không, có nguy cơ là chúng ta làm trầm trọng thêm các vấn đề này thay vì giải quyết chúng.”
|